Home Chơi Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (6): “Làm cây thông đứng giữa trời”

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (6): “Làm cây thông đứng giữa trời”

(*) Tiêu đề trích thơ Nguyễn Công Trứ

c. Ngông nghênh:

Nhắc đến nhà Nho tài tử, không thể không kể đến thái độ ngông nghênh, khinh thế ngạo vật của những con người nhận thức rõ tài năng của bản thân trước thời thế này. Vậy, họ thể hiện sự ngông của bản thân như thế nào?

Chúng ta hãy bắt đầu với Nguyễn Khản, quan đại thần dưới thời chúa Trịnh Sâm. Khi làm quan, Nguyễn Khản thường xin phép nghỉ ở nhà. Thấy vậy, chúa Trịnh có đưa bài thơ nôm trách móc:

Đã phạt năm đồng bỏ lỗi chầu,

Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu.

Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy,

Hãy còn phạt nữa chửa thôi đâu.

Vì khi ấy, buổi ngoại chầu và buổi ngự câu, đang lúc nghỉ, ông không tới hầu ngự được, nên đều bị phạt năm đồng. Nhận được bài thơ, Nguyễn Khản có họa lại rằng:

Váng vất cho nên phải cáo chầu,

Phiên chầu còn cáo, lọ phiên câu.

Trông ân phạt đến là thương đến,

Ấy của nhà vua chớ của đâu.

Chúa Trịnh Sâm lấy làm khen. Một ngày kia, trong nhà ông Nguyễn Khản bày cuộc yến tiệc, thiếu chè uống. Chợt quan Trung sứ có việc ra nhà ông, ông không kịp làm tờ khải, chỉ viết tay mấy chữ: “Thần Khản khuất trà nhất lạng”. Quan Trung sứ đem về dâng, chúa Trịnh ban cho một hòm chè.

Chúa Thịnh Vương thường ngự giá ra nhà Nguyễn Khản chơi, ông đi một chiếc thuyền nhỏ từ cừ Long Lâu ra hồ Tiên Tích rồi đến nhà Nguyễn Khản. Khi vào nhà chúa thăm hỏi cả đến vợ con, yêu mến Khản không ai bằng. Hồi ấy,(1769) con trai đầu lòng nhà chúa là Tông quận công (Trịnh Khài) ra ở học nhà quan Nội phó Nguyễn Phương Dĩnh. Ông Nguyễn Khản và ông Lý Trần Thản được sang làm quan tả hữu tư giảng. Sau Lý công mất, ông chuyên một mình làm chức tư giảng.”

Trịnh Vư­ơng rất sủng ái tuyên phi Đặng Thị Huệ khi bà sinh con trai Trịnh Vư­ơng có ý dành ngôi Thế tử của con trư­ởng Trịnh Tông cho Trịnh Cán. Đư­ợc tin Nguyễn Khản tham mưu đảo chính giúp Thế tử Trịnh Tông. Việc bại lộ Trịnh Sâm chỉ gọi ông về triều, những người cùng mưu bị hành hình nhưng Nguyễn Khản được tha tội chết.

Bài Tự Tình Khúc của Thượng Thư Nguyễn Khản, có trong sách Quốc âm phú lưu giữ ở Thư viện Đông Phương bác cổ Paris mục Thuật hoài phú. GS Hoàng Xuân Hãn trích dẫn trong Chinh phụ ngâm bị khảo tr. 47, 48.

TỰ TÌNH KHÚC

Dặm nghìn cách diễn, – Lòng tấc cẩn phong.

Chốn tĩnh viện gửi lời cặn kẽ ; – Bức vân tiên bày sự thủy chung.

Bút châu cơ thảo chữ châu cơ, đỡ nỗi mặt từng khuất mặt, – Lời vàng đá đưa nơi vàng đá, dầu ai lòng lại hay lòng.

Tưởng từ :

Thanh điểu tin trao, – Hoàng oanh duyên quyến.

Thú Lam Kiều gió phận thoảng đưa; – Cung Đằng Các lửa hương chắp bén.

Đây đấy đường xe tơ đỏ, bức cẩm bình đòi thủa mây mưa. – Thốt thề hổ có vừng hồng, đường hòe lộ mấy lần oanh yến.

Những ngỡ:

Duyên ưa giải cấu, – Phận đẹp chung kỳ.

Cung đan quế nhờ tay bẻ quế; -Sự bất kỳ nên nghĩa tương kỳ.

Duyên cải kim nhờ nước ngự câu, lá thắm gửi đưa ả Thúy. Nghĩa giao tất mượn tay Nguyệt Lão, tơ hồng vất vít họ Vi.

Vách trúc dầu mặc người xạ trước. – Phòng hương sao cấm kẻ khiên ti.

Nhà lan huệ rủ áo chen vai, mặt đối mặt phỉ nguyền ao ước. – Thềm Tôn Tử đan tay sánh bước, lòng hay lòng bõ thuở vân vi.

Chín nguồn cạn, đã nguyền thiên tải.- Ba kiếp vui, há chỉ một thì.

Thuyền nhẹ khen ai quyến nguyệt hồ.

Mơ màng dường tưởng tới non Vu.

Mới hay xuân chiếng hoa gần điệp

Gạn hỏi trăng kia dễ cấm ru ? …

Xem trên chúng ta thấy văn chương ông đài các, chải chuốt nhẹ nhàng. Chúa Trịnh Sâm là vị chúa yêu văn chương sáng tác nhiều thơ Quốc âm, đọc bài Tự Tình Khúc chắc cũng cảm phục thương tài, nghĩ tình bạn cũ, biết rõ nỗi lòng trong sáng của ông nên không giết, cũng không ép ông tự vẫn. 

Không giống Nguyễn Khản được chúa yêu quý cưng chiều, một nhà Nho tài tử ngông nghênh khác là Nguyễn Công Trứ, dù lập được nhiều công lao giúp vua, nhưng hoạn lộ lại lúc lên lúc xuống, khi thì lên đến đại thần, lúc lại bị giáng xuống thành tên lính quèn. Thế nhưng dù ở vị trí nào, Nguyễn Công Trứ vẫn giữ được thái độ thị tài, ngông nghênh của mình. Ông từng viết:

Đem ngàn vàng chác lấy chuyện cười

   Chơi cho lịch mới là chơi

   Chơi cho đài các, cho người biết tay!

   Tài tình, dễ mấy xưa nay!

(Cầm kỳ thi tửu 2)

 

Hoặc:

Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi

Dở duyên với rượu khôn từ chén

Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời

Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó

Đàn còn phím trúc tính tình đây

Ai say, ai tỉnh, ai thua được

Ta mặc ta mà ai mặc ai!

(Cầm kỳ thi tửu 1)

Bên cạnh thơ ca, Nguyễn Công Trứ từng nổi tiếng với giai thoại “Trên dưới, trong ngoài, lớn bé đều chó cả”. Cụ thể, giai thoại ấy như sau: Sau gần ba chục năm tận tâm lăn lộn chốn quan trường, mấy lần dâng sớ xin nghỉ hưu nhưng vua vẫn không cho. Rồi khi đã qua tuổi thất thập, cụ Trứ lại lần nữa dâng sớ lên vua mới Tự Đức vừa lên ngôi, và lần này thì được Ngài phê duyệt, được về với chức quan Phủ doãn Thừa Thiên. Ngày “nhận sổ hưu”, với 170 quan tiền được lĩnh, Nguyễn Công Trứ liền rầm rộ tổ chức một bữa tiệc chia tay bạn bè, đồng liêu trên dưới.

Gia nhân tấp nập mượn nhà, mua sắm lễ vật, cơm rượu đề huề. Và thật nhiều chó, những 40 con chó đủ loại sắc thể! Các quan khách kéo đến rất đông (nghe nói nhà vua cũng vi hành đi bộ đến dự), ngửi mùi cầy do bàn tay những đầu bếp xứ Nghệ chế biến thơm lừng, chỗ này chỗ kia dậy tiếng trầm trồ to nhỏ: “Ôi, thịt chó, chó, nhiều quá!” Và hình như chỉ chợ có vậy, cụ Thượng Trứ về hưu đứng dậy vuốt râu dõng dạc và khoan thai nói: “Dạ thưa, đúng như vậy đấy ạ,”  Cụ đưa tay chỉ quanh khắp lượt, tiếp “đúng là trên dưới, trong ngoài, lớn bé, tất cả đều là chó hết cả ạ!”. Nghe thấy lời ấy, kẻ không để ý thì nghĩ đến thịt chó, nhưng người thâm thúy thì biết ngay ý cụ Trứ thâm thúy đến mức nào.

 

Nghỉ hưu rồi, về quê, Cụ Trứ nhờ nhân dân giúp đỡ, dựng một ngôi nhà lá rất nhỏ cạnh chùa Cảm Sơn dưới chân núi Đại Nài, cách lị sở tỉnh Hà Tĩnh chừng vài dặm. Thường cưỡi bò vàng đạc ngựa cùng cô vợ trẻ (hầu non) vừa mới cưới, cô này cũng là ca kĩ, đi ngao du và ca hát. Có lần ông gọi cả gánh ca trù đến hát ngay giữa sân chùa. Vị sư trụ trì tại đây sợ quá, bèn tìm đến nhờ quan Bố chính Hà Tĩnh lúc đó là Hoàng Nho Nhã can thiệp giúp. Hoàng bèn đích thân đến xem, từ xa nghe lời ca trong tiếng đàn réo rắt:

…Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng,

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi,

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!

Quan Bố chánh cũng say sưa với thơ hay, đào đẹp, giọng ngọt, đàn êm, quay lại bảo với nhà sư trụ trì:

– Thôi đừng can thiệp vào thú vui của Cụ, mà có muốn ta cũng không can thiệp được đâu!

Nghe kể, cuối buổi, Hoàng Nho Nhã làm tặng cụ Trứ đôi câu đối rất hay:

Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu,

Phong lưu đáo lão thế gian vô!

Nghĩa là kẻ làm nên sự ngiệp khiến người đời khiếp sợ trong thiên hạ vẫn còn, chứ người đến già vẫn phong lưu (như cụ) thì thế gian không có!

 

Cụ Thượng Uy Viễn Nguyễn Công Trứ ngang tàng, coi đời như một cuộc chơi thú vị theo ý ngông của mình cho đến tận lúc chết, và cả chết Cụ cũng ngông như vừa nói ở trên. Thế nhưng, cái ngông, cái ngạo của Cụ không dừng lại ở kiếp này, mà còn sang cả kiếp sau nữa.

Tương truyền, vào phút lâm chung, cụ Trứ dặn con cháu trước mộ mình chỉ trồng một cây thông xanh mà thôi. Và bài thơ Cụ để lại sau đây cũng có thể coi là lời di chúc của Cụ với đời: kiếp người, dù có tài, có sang, có chơi đến như Cụ vẫn có những lúc buồn tênh, vẫn đầy những nhộn nhạo, khóc cười; và Cụ hẹn một cuộc chơi khác:

 

Ngồi buồn mà trách ông xanh,

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!

 

Nhưng dù thế, Cụ vẫn không muốn mình đơn độc, vẫn muốn tìm bạn, để có người tri kỉ, cùng chơi. Cụ gửi lại lời mời đầy thách thức:

 

Giữa trời vách đá cheo leo,

Ai mà chịu rét thì trèo với thông!

 

Kết luận

Như vậy, qua thơ ca và cuộc đời của các nhà Nho tài tử, có thể thấy thái độ chung của những người tài tử này là tự giễu khi nói về cảnh nghèo khổ của bản thân, chê trách khi nói về những người thô lỗ không biết hưởng thụ hoặc những kẻ gian xảo chốn quan trường, và tự hào khi nói về cái tài của mình

Nguyễn Du hay đi hát phường vải, Phạm Đình Hổ viết về các thú vui khi nhàn rỗi, Nguyễn Gia Thiều vẽ tranh, Nguyễn Khản ngông nghênh, Nguyễn Công Trứ yêu mến ca trù,… Dù các nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào, thì họ vẫn có một điểm chung là đặc biệt nhấn mạnh vào tài văn chương thơ phú. Làm thơ đối với nhà Nho tài tử vốn không phải để nói chí, tải đạo mà là để thể hiện thú vui chơi, quan điểm cá nhân của mỗi người.

Nhìn chung, đã là tài tử là phải biết ăn chơi, tự do, vượt vòng cương toả của đạo lý Khổng giáo, không quan tâm đến lẽ xuất xử, hành tàng. Nhưng nhìn kĩ vào cuộc đời và tác phẩm của các nhà Nho tài tử này thì lại thấy họ vẫn là những trung thần đắc lực ở mỗi triều đại họ sống. Dường như cái thú hưởng lạc, ăn chơi kể trên chỉ là một liệu pháp thư giãn của họ, chứ không phải là một lối sống trường kỳ, thường trực. Đây chính là điểm khiến cho các nhà Nho tài tử, dù biết đến lối sống hưởng lạc, nhưng lại chẳng thể toàn tâm toàn ý với lối sống hưởng lạc, xa rời thế sự được.

(Hết)

Nguyễn Hoàng Dương tổng hợp và biên soạn

Tài liệu tham khảo:

  1. Loại hình học tác giả văn học: Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam – Trần Ngọc Vương
  2. Nhà Nho tài tử – Nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa đối với việc nghiên cứu văn học trung cận đại Việt Nam
  3. Mẫu hình nhà Nho tài tử Nguyễn Công Trứ
  4. Tuyển tập tác phẩm Nguyễn Công Trứ
  5. 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ
  6. Tuyển tập tác phẩm Nguyễn Du
  7. Giai thoại Nguyễn Du
  8. Đi tìm Cổ Nguyệt Đường và mối tình Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du
  9. Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ
  10. Nguyễn Khản – Quan thượng thư tài hoa
  11. Phạm Thái – Tráng sĩ si tình
  12. Nguyễn Trãi và tư tưởng xuất xử của nhà Nho

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (5): “Một mối chung tình tan mấy mảnh”

(*) Tiêu đề trích thơ Phạm Thái b. Tình: Phạm Thái si tình Nói đến “tài tử”, không thể không nhắc đến yếu tố “tình”. Mà người nổi tiếng về “tình” nhất thời kỳ này là Phạm Thái (1777-1813) với mối tình si với nàng Trương Quỳnh Như. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu. Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (1): Tài tử và nhà Nho tài tử

Nhắc đến văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử thời trung đại, nhiều người sẽ bỡ ngỡ trước khái niệm “nhà Nho tài tử”, và thế nào là lối hưởng lạc của nhóm người này. Trong phần tổng hợp này, chúng tôi đi tìm ý nghĩa cụ thể nhất của hai chữ “tài tử”, từ đó xác định thế nào là “Nhà Nho tài tử”, và sau đó sẽ giới thiệu với bạn đọc về văn hóa hưởng lạc của nhóm người này

Thần quỷ ở Hà Nội (2): Thần trong quan niệm khu vực đồng bằng bắc bộ (Ghi chép ngắn)

Đọc đầy đủ chùm bài THẦN QUỶ Ở HÀ NỘI. Trích từ bài viết “Hệ thống thờ cúng thần của người Việt” của tôi. “Thần” là một khái niệm rất khó định nghĩa cho dù ở bất cứ nền văn hóa nào. Một cách mơ hồ, ta có thể hiểu “thần” như một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài đời sống hiện hữu của con người nhưng vẫn có thể tác động đến số phận của mỗi cá nhân. Con người một các tự

Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn)

Hà Nội là một mảnh đất chứa nhiều bí ẩn, với nhiều tục thờ cúng thần quỷ xa xưa đã được Nho giáo hóa hoặc Phật giáo hóa. Tôi luôn muốn tìm hiểu một cách tổng thể về các thần và quỷ được thờ ở Hà Nội, cũng muốn qua đó hiểu hơn về các sắc dân đã an cư và lập nghiệp tại đây. Đây là những ghi chép của tôi, có thể có những phần suy luận chưa có đủ căn cứ. Đây

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (4): Tứ nghệ bát thú

3. Các cách hưởng lạc a. Cầm kỳ thi họa Nhắc đến hưởng lạc, không thể nhắc đến thú chơi cầm kỳ thi họa (tứ nghệ). Trên thực tế, tứ nghệ ban đầu là chuẩn mực để đánh giá học vấn phụ nữ trong thời trung đại. Đối với nam giới, người Trung Quốc đánh giá qua lục nghệ, bao gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII – XIX, chuẩn mực đánh giá học vấn của nữ giới dần