Home Hiểu Thần quỷ ở Hà Nội (2): Thần trong quan niệm khu vực đồng bằng bắc bộ (Ghi chép ngắn)

Thần quỷ ở Hà Nội (2): Thần trong quan niệm khu vực đồng bằng bắc bộ (Ghi chép ngắn)

than-quy-o-ha-noi-2-than-trong-quan-niem-khu-vuc-dong-bang-bac-bo-ghi-chep-ngan

Đọc đầy đủ chùm bài THẦN QUỶ Ở HÀ NỘI.

Trích từ bài viết “Hệ thống thờ cúng thần của người Việt” của tôi.

“Thần” là một khái niệm rất khó định nghĩa cho dù ở bất cứ nền văn hóa nào. Một cách mơ hồ, ta có thể hiểu “thần” như một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài đời sống hiện hữu của con người nhưng vẫn có thể tác động đến số phận của mỗi cá nhân. Con người một các tự nhiên, đã sớm ý thức được cái chết của mình và sợ hãi tới mức lo lắng về tính chất hư vô của cái chết, và không chỉ có thế, họ tìm mọi cách để giữ gìn đời sống an toàn mà họ đang sở hữu với những người họ yêu thương, những gì họ sở hữu… Thế nhưng theo quy luật tự nhiên, không có gì là vĩnh cửu, con người phải đối mặt với sự mất mát ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Nguyên nhân của sự mất mát cho dù là khách quan hay chủ quan thì cũng dễ khiến con người cảm nhận thấy một điều gì đó vô hình chi phối số phận của bản thân. Thế giới vô hình là bí ẩn đối với con người và con người diễn giải thế giới vô hình theo các cách khác nhau, một trong các cách ấy là do sự chi phối của thần linh.

Khi tìm hiểu về thờ thần của một tộc người hay của một nền văn hóa, đương nhiên ta sẽ phải đối mặt với một nan đề khó giải, đó là tâm thức của người nguyên thủy. Tại sao người nguyên thủy lại thờ thần? Thái độ của họ đối với vị thần của mình như thế nào? Sự phân biệt chính tà dựa trên cơ sở nào? Nguồn gốc của các vị thần mà họ tôn thờ ra sao?… Một loạt các câu hỏi được đặt ra mà với mỗi câu trong số đó, ta chỉ có thể tiệm cận đáp án, chỉ có thể đưa ra các giả thuyết chứ gần như không thể nhìn ra sự thật. Đáp án của chúng, thôi thì cũng chỉ có thể bí ẩn như thế giới vô hình kia, nhưng những con người tò mò lại không thể ngừng kiếm tìm lời giải. Bởi thế, ở đây tôi chỉ có thể mô tả về thế giới thần trong tâm thức của người Việt dựa trên những biểu hiện bề mặt thờ cúng, truyện dân gian được truyền lại, và những ảnh hưởng văn hóa của các vị thần linh trong đời sống tinh thần người Việt. Chỉ riêng vậy thôi cũng đã là một cuộc phiêu lưu lớn vào thế giới đa thần của một quốc gia đa tộc người và hỗn hợp nhiều luồng văn hóa.

Như đã nói, khái niệm “thần” vốn dĩ rất khó định nghĩa bởi yếu tố huyền bí của nó, thế nên ta chỉ có thể chấp nhận một định nghĩa sơ sài, chung chung. Theo như Từ Điển Tiếng Việt (Giáo sư Hoàng Phê, Trung tâm Từ Điển học), “Thần” là “lực lượng siêu tự nhiên được tôn thờ, coi là linh thiêng, có sức mạnh và phép lạ phi thường, có thể gây họa hoặc làm phúc cho người đời, theo quan niệm mê tín hoặc theo quan niệm tôn giáo” (tr1450, bản in 2015). Thật khó để nhận ra từ trên cơ sở nào Trung tâm Từ Điển học đưa ra định nghĩa này, bởi xưa nay các nhà làm từ điển ở Việt Nam chỉ quan tâm đến định nghĩa của từ trong cách hiểu của thời đại mình chứ không quan tâm đến từ nguyên của một khái niệm.

Một cách hiểu tương tự với “thần” mà giáo sư Hoàng Phê định nghĩa ta có thể tìm thấy trong khái niệm của văn hóa Mường – Thái. Khái niệm “ma” của người Mường vừa giống với cách hiểu của chúng ta, lại vừa khác. Người Mường dùng “ma” để gọi tất cả linh hồn của người chết cho dù họ ác hay thiện, họ có vai trò phù trợ hay gây họa cho con người. Thế giới của các ma sống được gọi là “Mường Ma”, một thế giới song song và đối xứng với Mường Người, cả hai đều nằm dưới sự chi phối của Mường Trời và Mường Nước (tr33,34 – Tín ngưỡng dân gian của người Mường ở Hòa Bình, tác giả Lương Quỳnh Khuê, NXB Văn hóa dân tộc). Người Thái cũng mô tả thế giới tương tự người Mường, họ gọi linh hồn người chết là “phi”; tổ tiên thường được gọi là « phi hườn », trong đó những người được làm đám ma to để lên trời được gọi là “đắm trào”, có vai trò phù hộ cho con cháu và phục vụ “then luông” tức vua trời:

Hồn chủ ông mo đưa về ngự ở ban thờ

Hồn thứ ông mo mới đưa về ngự ở nhà mồ

Hồn chót ông mo dẫn lên mường trời cùng với đắm trào

(Trích sử thi “Ẳm ệt luông”)

Như vậy, trong quan niệm của người Mường và người Thái, những tổ tiên có cơ hội lên “mường trời” và có khả năng phù trợ người đang sống thì đều đóng vai trò như những vị thần. Ngoài ra, trên “mường trời” cũng có rất nhiều các vị thần thuộc nhóm sáng thế khác và thường gắn với các hiện tượng tự nhiên. Văn hóa thờ cúng của nhóm Mường Thái là điển hình cho mô tuýp thờ cúng của người Việt cổ, thế nên dù cho sau này người Việt cổ đã tiếp thu các lớp văn hóa nào trong dòng lịch sử thì vũ trụ luận của người Mường Thái vẫn đóng vai trò cốt lõi của văn hóa tâm linh Việt.

“Thần”, đương nhiên là một từ vay mượn từ tiếng Hán. Trong tiếng Hán, “Thần” cũng là một khái niệm không rõ ràng. “Thần” vừa để ám chỉ một đấng siêu nhiên, lại vừa ám chỉ sự huyền diệu và phi thường, ở cả hai nghĩa đó “thần” đều vô hình không thể nhận biết nhưng lại chi phối thế giới hữu hình. Chữ “Thần” 神 được ghép bởi chữ Kỳ 示 và chữ Thân 申. “Kỳ” là cách để gọi các vị thần đất có vai trò mách bảo cho con người, còn chữ “Thân” có nghĩa là nói hay trình bày. Thông qua chiết tự ta có thể hiểu “thần” đóng vai trò như một thế lực siêu nhiên đưa ra các mách bảo cho thế giới con người. Khái niệm “thần” được dùng từ bao giờ không rõ, nhưng ta có thể thấy có một loạt các khái niệm tương đương với “thần” như “đế” 帝 hay “quân” 君 hay “vương” 王 – những từ để chỉ các vị vua ở thế giới con người. Có khả năng rằng, đây đều là các nhân thần được một triều đình hoặc dân chúng yêu quý và trọng vọng. Trong khi đó, “thần” hay “kỳ” lại có nghĩa rộng hơn, bao hàm các linh hồn (bất kể người hay vật) có quyền năng chi phối đời sống con người. Quan niệm này của người Trung Quốc cổ đại, ta có thể thấy là tương đồng với quan niệm của người Mường Thái. Do đó, trong quá trình văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam trong suốt hơn 2000 năm qua, thế giới của các âm hồn và các vị thần dường như không có quá nhiều sự khác biệt.

Với cách hiểu mơ hồ về Thần như vậy, người Việt dễ dàng “thuận miệng” quy kết bất cứ hiện tượng siêu nhiên nào cũng đều liên quan đến các vị thần, và ngay cả các hồn ma vất vưởng cũng dễ dàng được phong thần bởi dân gian. Không chỉ những linh hồn tổ tiên có công lao hay các vị thần sáng tạo được kể lại trong thần thoại và sử thi được gọi là thần, mà ngay cả linh hồn của các vật (như cây đa, tảng đá, con hổ, con chó…) hay các linh hồn chết oan (như trường hợp Tứ vị thánh nương, linh hồn Cô Bé – Cậu Bé…) cũng đều có thể được gọi là thần. Đó là một thế giới hỗn tạp khó có thể phân định, dung chứa nhiều vị thần từ nhiều nền văn hóa khác nhau, từ các vị thần địa phương, các vị tổ thần của các tộc; cho đến ảnh hưởng từ Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo; rồi đến Chăm pa, Chân Lạp… Số lượng các vị thần không ngừng tăng lên theo sự giao hòa phức tạp giữa các lớp văn hóa ảnh hưởng tới Việt Nam và đương nhiên nghi lễ cũng đa dạng không kém.

Hà Thủy Nguyên

Hạnh phúc trong các quan niệm tôn giáo, tâm linh

“Khi tôi năm tuổi, mẹ tôi luôn nói với tôi rằng hạnh phúc chính là chìa khóa của cuộc sống. Lúc tôi tới trường, người ta hỏi tôi rằng tôi muốn mình sẽ trở thành như thế nào khi lớn lên. Tôi đã viết, 'hạnh phúc'. Người ta nói với tôi rằng tôi không hiểu bài tập ấy, và tôi đáp lại rằng họ không hiểu cuộc đời.” Đó là tâm sự của John Lennon, ca sĩ chính trong ban nhạc The Beatles. Đã có

Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn)

Hà Nội là một mảnh đất chứa nhiều bí ẩn, với nhiều tục thờ cúng thần quỷ xa xưa đã được Nho giáo hóa hoặc Phật giáo hóa. Tôi luôn muốn tìm hiểu một cách tổng thể về các thần và quỷ được thờ ở Hà Nội, cũng muốn qua đó hiểu hơn về các sắc dân đã an cư và lập nghiệp tại đây. Đây là những ghi chép của tôi, có thể có những phần suy luận chưa có đủ căn cứ. Đây

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?   Tiền đề: Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII – XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ... Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục...) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một

Những hiểu biết sâu sắc về Suryanamaskar (chuỗi chào mặt trời) từ nguồn gốc đến ứng dụng đối với sức khỏe

Tóm tắt Ngày nay, Suryanamaskar (chuỗi chào mặt trời) được coi là một phần của các thực hành theo truyền thống yoga, mặc dù chuỗi động tác này không được coi là asana (các tư thế yoga) cũng không phải là một phần của Yoga truyền thống. Thực hành Suryanamaskar trước khi bắt đầu các hoạt động thường ngày sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người tập và mang lại một ngày hoàn toàn tràn đầy năng lượng. Bắt nguồn từ Raja[1] (quốc vương) của Aundh[2] – người đầu tiên đề xướng suryanamaskar, sau

Yoga không phải lúc nào cũng là về Asana và Vóc dáng

Nhắc đến “yoga” thì có lẽ một loạt các tư thế và asana vặn vẹo ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí bạn. Nhưng thật thú vị, sự liên kết giữa yoga với “thực hành tư thế”, trên thực tế, là cách giải thích của thế kỷ 20 về một nền văn hóa có niên đại hơn 3000 năm. Thiền hay dhyana, từng là khía cạnh quan trọng nhất của các thực hành yoga, đã phát triển thành một ngành công nghiệp toàn cầu