Home Chuyên đề tháng “Tam Quốc diễn nghĩa”: từ lịch sử đến tiểu thuyết

“Tam Quốc diễn nghĩa”: từ lịch sử đến tiểu thuyết

le-nam

Lê Nam

29/11/2022
tam-quoc-dien-nghia-tu-lich-su-den-tieu-thuyet

Gia Cát Lượng tiên phong đạo cốt, Trương Phi mặt đen dữ dằn, Thục tốt Ngụy xấu… Tất cả những nhận định dựa trên các ấn tượng ấy ở người đọc “Tam quốc diễn nghĩa” đã định hình nên thái độ của chúng ta đối với các nhân vật lịch sử thời Tam Quốc. Hiện nay, không phải chỉ ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu và phê bình phương Tây vẫn dựa trên “Tam Quốc diễn nghĩa” để tìm hiểu về thời Tam Quốc. Một phần vì họ tiếp cận lịch sử của giai đoạn này không phải vì mong muốn đi tìm các mảnh vụn lịch sử, mà từ mong muốn hiểu văn hóa Trung Quốc thông qua cuốn tiểu thuyết nằm trong Tứ đại danh tác có ảnh hưởng lớn nhất đất nước đông dân và đang có ảnh hưởng lớn tới sự chuyển mình của thế giới. Người Việt chúng ta cũng say mê theo tiểu thuyết mà xa lạ với các sử liệu thời Tam Quốc bởi vì chúng ta hứng thú và hả hê với các biểu hiện tính cách nhân vật qua ngòi bút của La Quán Trung mà ít khi chú ý đến toàn cảnh của lịch sử.

Tôi cho rằng đó là những khiếm khuyết cần được bù lấp trong quá trình tiếp cận một thời kỳ lịch sử cũng như trong quá trình nghiên cứu văn học thuần túy. Thay vì say theo một cơn mê đắm nhiều thế kỷ, biện minh cho nó bằng niềm tin rằng tác phẩm là đúc kết của những triết lý sâu sắc ở nhân dân và nhà văn, ta có thể mở rộng cái nhìn của mình bằng cách đối chiếu nhiều hơn và lý giải tại sao lại hình thành nên các định kiến nhân vật như vậy ở nhân dân và tác giả La Quán Trung. Bài viết này của tôi chỉ là chút gợi mở với những ai hứng thú và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về thời Tam Quốc cũng như tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”.

Sự hình thành “Tam Quốc diễn nghĩa”

Thời kỳ Tam Quốc, kéo dài từ năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc vào năm 280 khi nhà Đông Ngô bị tiêu diệt, là một trong những giai đoạn biến loạn nhất của lịch sử Trung Quốc. Từ sau Tam Quốc cho đến khi nhà Đường được thành lập, Trung Nguyên liên tục bị rơi vào cảnh chiến tranh liên miên và ngoại tộc xâm lược. La Quán Trung không chỉ tập trung vào giai đoạn Tam Quốc mà còn mở rộng triển khai cốt truyện từ Tiền Tam Quốc, tức cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng của anh em Trương Giác và kết thúc khi nhà Tây Tấn thôn tính Đông Ngô.

Trước khi La Quán Trung viết cuốn tiểu thuyết dã sử nổi tiếng về thời Tam Quốc thì các tích truyện Tam Quốc đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được nhân dân yêu thích. Các vở kịch, tuồng cổ soạn dựa trên các nhân vật Tam Quốc được diễn đi diễn lại nhiều lần, thậm chí còn hình thành nên nghề kiếm sống bằng kể chuyện Tam Quốc. Từ thời Đường, người dân đã có quan niệm rằng “Trương Phi đen, Đặng Ngải nói lắp”, đến thời Nam Tống thì trận Xích Bích đã trở thành chủ đề trong những cuộc chơi đèn kéo quân ở các dịp lễ hội dân gian. Sang thời Nguyên,  một cuốn sách có tên là “Toàn tướng Tam Quốc chí bình thoại”, kết hợp tranh vẽ và chữ (giống một hình thức truyện tranh) rất phổ biến trong dân gian(1). La Quán Trung đã vay mượn nhiều tích từ “Toàn tướng Tam Quốc chí bình thoại” như “Đào viên kết nghĩa”, “Lưu Bị ném con” hay “Ba lần chọc tức  Chu Du”…

La Quán Trung sinh vào cuối đời Nguyên, đầu đời Minh (khoảng thế kỷ 14, 15), xuất thân là con của một nhà giàu có. Ông từng tham gia của khởi nghĩa chống nhà Nguyên của Ngô vương Trương Sĩ Thành (1321 – 1367), chứng kiến cuộc khởi nghĩa đi từ thành công (nghĩa quân được xem là mang lại sự ấm no cho người dân), cho đến khi Ngô vương bỏ bê triều chính, đam mê tử sắc và kết cục là bị Chu Nguyên Chương thôn tính. Tôi ngờ ngợ rằng những năm tháng La Quán Trung ở dưới trướng Ngô vương Trương Sĩ Thành  đã gợi cho ông những tâm tư để viết “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa”. Sự tương đồng trong danh xưng, khu vực cai trị và cách cai trị của Ngô vương Trương Sĩ Thành và nhà Đông Ngô thời Tam Quốc là một chi tiết đáng để lưu ý. Ngô vương Trương Sĩ Thành và nhà Đông Ngô đều khởi điểm từ những chiến công lừng lẫy, sau đó thu phục nhân tâm bằng khả năng mang lại sự phồn thịnh cho người dân ở đất Ngô, rồi sau đó mất đi đại nghiệp bởi thói đam mê tửu sắc.(2) Qúa trình dựng nghiệp, giữ nghiệp và đánh mất cơ đồ của cha con họ Tôn ở Đông Ngô, từ Tôn Kiên, Tôn Sách đến Tôn Quyền, Tôn Hạo đều tương ứng với lộ trình của Ngô vương Trương Sĩ Thành.

Đáng tiếc rằng, Đông  Ngô không phải tuyến chính trong “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” của La  Quán Trung, dù rằng La Quán Trung có tiểu sử gắn bó với Đông Ngô hơn so với Thục và Ngụy. Lý do có thể đến từ nền tảng dân gian để lại với tư tưởng trọng Hán đã ăn sâu trong tâm thức người dân.

Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử từ sau khi Tam Quốc kết thúc, nhà Tấn nắm quyền cai trị Trung Nguyên đến giai đoạn cuối Nguyên đầu Minh. Nhà Tấn (266-420) không giữ được quyền lực của mình, và nhanh chóng Trung Nguyên lâm vào tình cảnh bị các bộ tộc phương Bắc tràn xuống tấn công, gây ra loạn Thập Lục quốc (304-439)  và loạn Nam Bắc triều (420 – 589).  Ngay cả ở giai đoạn thịnh trị thời Đường, nỗi lo sợ của người Hán với tứ di (Bắc rợ, Tây địch, Nam man, Đông di) vẫn chưa lúc nào suy giảm.  Nhà Đường suy vong, quyền lực của người Hán lại đi xuống cùng với sự lên ngôi của các quốc gia thuộc Tứ di. Sự xung đột này được đẩy cao vào triều Tống (960 -1279), khi  triều đại này bị Tứ di đe dọa liên tục suốt thời gian cai trị của mình, và bị đại bại liên tiếp trước nhà Kim và nhà Nguyên – hai quốc gia thuộc Bắc rợ. Nỗi căm ghét đối với Tứ di mà đặc biệt là Bắc rợ đã nuôi dưỡng tâm thức nuối tiếc “Hán thất” và trọng những bậc anh hùng “phò Hán” ở người dân. Vậy nên, từ trước khi La Quán Trung viết “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa”, chủ nghĩa Hán tộc đã ăn sâu không chỉ ở dân thường mà có lẽ cả ở các trí thức. Họ có thái độ không ưa Tào Ngụy vì đã dùng kế “Hiệp thiên tử lệnh chư hầu” nhằm cướp ngôi nhà Hán.  Hơn nữa, Tào Ngụy ở phương Bắc, dễ gợi cho những người Hán bị dạt xuống phương Nam do chiến tranh ở Trung Nguyên liên tưởng đến những đội quân Bắc rợ thiện chiến với sức tấn công như vũ bão.

Như đã nói ở trên Đông Ngô và thời cai trị của Ngô vương Trương Sĩ Thành có nhiều điểm tương đồng, nhưng Đông Ngô vẫn không dành được nhiều thiện cảm của La Quán Trung. Thứ nhất bởi cha con, anh em Đông Ngô không trung thành với Hán thất. Tôn Sách sẵn sàng đem ngọc tỉ truyền quốc của nhà Hán để đổi lấy sự tự do cho mình và các tướng lĩnh dưới trướng. Tôn Quyền tự xưng là Ngô đế mà không quy thuận dưới trướng người được cho là có dòng dõi Hán thất Lưu Bị, lúc này cũng đã tự xưng là hoàng đế của nước Thục Hán. Chọn lựa theo tuyến chính là vua tôi Thục Hán, La Quán Trung đã đi theo tâm thức trọng  Hán và căm hận rợ phương Bắc của đại đa số người dân Trung Quốc trong suốt hơn ngàn năm lịch sử.

Ta cũng có thể thấy tâm thức trọng Hán này ở các tác phẩm khác của La Quán Trung về giai đoạn Tùy Đường  như “Tùy Đường chí truyện”, “Tùy Đường lưỡng triều chí truyện”, “Tàn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa”. Cũng giống như các tích truyện thời Tùy Đường phổ biến trong dân gian, các tác phẩm này đều mô tả triều Tùy có xuất xứ từ tộc người Tiên Ti như một triều đại thối nát, xa hoa và man rợ, còn nhà Đường của họ Lý đại diện cho người dân Hán tộc đã nổi dậy chống lại chính quyền độc ác và chuyên chế ấy.

Rốt cuộc, sự thấu rõ nhân tâm và văn tài của La Quán Trung cũng không lấn át được tâm thức trọng Hán này. Ông đã xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật dựa trên những định kiến của nhân dân, thay vì dựa trên sử liệu. Ông đã bỏ qua những thành tựu rực rỡ trong quân sự và tri thức của triều Ngụy, cũng như những chính sách kinh tế xuất sắc của Đông Ngô, để say mê theo lý tưởng của Thục Hán. Một tác phẩm kinh điển dựa trên sự kiện lịch sử có thật, đáng lẽ có thể khai mở cho người đọc về các biến thiên chính trị và thân phận anh hùng trong thời loạn lạc một cách sâu sắc hơn, thì lại vẫn gò ép độc giả các thế hệ trong chữ Trung với Hán thất, dù rằng chữ Trung ấy giả nhân giả nghĩa và cuối cùng cũng bại vong.

Mặc dù vậy, cuốn tiểu thuyết vẫn tiếp tục được lưu truyền, bởi vì người dân Trung Quốc từ thời này sang thời khác vẫn chưa bao giờ từ bỏ tâm thức trọng Hán. Đến thời nhà Thanh, khi Trung Quốc một lần nữa lại rơi vào tay tộc người Tiên Ti, cuốn tiểu thuyết đã được chỉnh lý lại ngôn ngữ  bởi hai cha con Mao Luân và Mao Tôn Cương. Từ cuốn “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” dài 24 quyển, cha con họ Mao đã biên tập lại thành 120 hồi, cắt giảm số chữ từ 900.000 xuống 750.000 với lý do “quá thô thiển”, và đặt tên là “Tam Quốc diễn nghĩa”. Trong bản cũ của La Quán Trung, Lưu Bị được tôn vinh là dòng dõi hoàng tộc nhà Hán còn Tào Tháo bị chê là phường giặc cướp, nhưng chính Mao Tôn Cương đã sửa đổi và xóa nhòa sự phân định ấy bằng bản thảo “Tam Quốc diễn nghĩa”, khiến người đọc không phân định rõ đâu là trung, đâu là gian.(3)

Năm 1958, bản đã qua chỉnh lý của cha con họ Mao được  Nhân dân Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh chỉnh sửa và xuất bản lại. Đến nay các ấn bản của “Tam Quốc diễn nghĩa” đều dựa trên bản in năm 1958 này. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, các dịch giả Việt Nam đều chú trọng dịch “Tam Quốc diễn nghĩa” sang chữ quốc ngữ, nhưng đa phần đều dựa trên bản năm 1958. Mới đây, bản “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” mới được dịch ra tiếng Việt.

Sử liệu cổ ghi chép về thời Tam Quốc

Tôi xin được giới thiệu một số các cuốn cổ sử của Trung Quốc có ghi chép chi tiết về thời Tam Quốc, để bạn đọc có thể tham khảo.

Tam Quốc Chí

Tác giả: Trần Thọ (233 – 297)

Cuốn sách có 4 phần gồm 66 quyển: Ngụy Thư 30 quyển, Thục Thư 15 quyển, Ngô Thư 20 quyển, ngoài ra còn có 1 quyển Tự lục (lời tựa) nhưng đến nay đã bị thất truyền. Tác giả đầu tiên của “Tam Quốc Chí” là Trần Thọ (233 – 297), từng làm quan cho nhà Thục Hán dưới thời Lưu Thiện, và khi Lưu Thiện hàng nhà Tấn thì Trần Thọ sang làm quan cho nhà Tấn và chính ở đây ông được yêu cầu viết “Tam Quốc Chí”.

Tất nhiên Trần Thọ tham khảo nhiều sách khác của các tác giả đương thời hoặc ngay trước đó để tập hợp thành 3 cuốn riêng biệt: Ngụy Thư, Ngô Thư và Thục Thư. Do Thục Hán không có quan chép sử nên Thục Thư là mỏng nhất, chiếm khoảng 1/6 toàn bộ dung lượng. Về Ngô Thư, Trần Thọ dựa chủ yếu vào Ngô Thư của Vi Chiêu (204-273), quan ngự sử của nhà Đông Ngô dưới triều Tôn Lượng và Tôn Hạo. Phần Ngụy Thư chiếm khoảng 1/3 Tam Quốc Chí, và một nửa “Tam Quốc Chí” là dành cho Ngụy Thư. Điều này cũng dễ hiểu khi nhà Tấn là triều đại kế thừa trực tiếp từ nhà Ngụy và dễ dàng tiếp cận với nguồn sử liệu phong phú của triều đình Tào Ngụy như tác phẩm “Ngụy Thư” của Vương Thẩm, “Ngụy Lược” của Ngư Hoạn…

Vào thời Lưu Tống, vua Tống Văn Đế yêu cầu Bùi Tùng Chi (372–451) thêm chú thích vì thấy Ngụy Thư, Ngô Thư, Thục Thư quá sơ lược. Bùi Tùng Chi đã tham khảo tới khoảng 240 đầu sách để bổ sung chú thích cho 3 cuốn này. Bùi Tùng Chi đã bổ chú theo phương pháp như sau: 1/ Trong một sự việc, dẫn lời bàn luận của nhiều tác giả khác nhau để phân định điều phải trái, tham khảo các ý kiến khác nhau để làm rõ những điểm khác biệt. 2/ Bổ chú thêm, kể rõ về cuộc đời của các nhân vật trong truyện, nêu tỏ các uẩn khúc, lần ngược đến gốc tích cha ông, nêu lai lịch và hành trạng của họ. 3/ Viết thêm một số đoạn để bổ sung cho các sự việc mà Trần Thọ viết còn thiếu khiến truyện đầy đủ hơn hoặc dẫn thư tịch khác, viết thêm các phụ truyện về một số nhân vật mà Trần Thọ không đề cập đến.(4) Theo thống kê chính thức của Trung Hoa thư cục thì phần chính văn của Trần Thọ có 366657 chữ và phần chú thích của Bùi Tùng Chi có 320799 chữ. Và bản Trần Chí, Bùi Chú từ đó trở thành bản chính thức được lưu giữ trong triều đình.

Đến năm 1003 ở thời Bắc Tống, để tránh nhầm lẫn giữa cuốn Ngụy Thư của nhà Ngụy thời Tam Quốc với cuốn Ngụy Thư của Bắc Ngụy thì chính quyền Nam Tống đã tập hợp cả 3 tác phẩm của Trần Thọ thành một tác phẩm duy nhất và đặt tên là :Tam Quốc Chí” và bản Trần Chí, Bùi Chú trở thành bản thông dụng nhất cho tới tận ngày nay.

Cuốn sách viết về lịch sử Trung Quốc từ khởi nghĩa Khăn Vàng vào cuối thời Đông Hán đến khi Tây Tấn thống nhất Trung Quốc, tức từ năm Trung Bình thứ nhất đời Hán Linh Đế (184) đến năm Thái Khang thứ nhất đời Tấn Vũ Đế (280).

Cuốn sách viết theo kiểu liệt kê từng nhân vật, theo thứ tự mức độ quan trọng. Ví dụ, 15 quyển Ngụy Thư viết về hơn 160 nhân vật của triều đình nhà Ngụy, trong đó viết về các vị vua nhà Ngụy từ Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, Tào Phương, Tào Mao và Tào Hoán, 5 bà hoàng hậu của Tào Tháo, 24 người con trai khác (Tào Phi đã có riêng phần bản kỷ) của Tào Tháo, 8 người con trai khác (Tào Duệ đã có riêng phần bản kỷ) của Tào Phi, và các vị tướng văn, tướng võ phục vụ từ thời Tào Tháo cho tới Tào Hoán.

Đối với từng nhân vật, Trần Thọ viết theo cùng một bố cục đó là giới thiệu về tên gọi, gia thế, quê quán ở đâu, con cái nhà ai, sau đó làm những gì, thăng tiến như thế nào, cuối cùng chết ra sao và con cái nối dõi thế nào. Đây là một dạng viết rất thuận tiện cho việc đọc và tra cứu về nhân vật cụ thể bởi vì chúng ta có thể tìm đọc mọi thông tin liên quan tới nhân vật đó.

Hạn chế của cách viết này là thiếu chi tiết về mặt tiến trình thời gian mà chỉ tập trung vào thứ tự sự kiện. Ví dụ như thời điểm Triệu Vân theo về đầu quân cho Lưu Bị chính xác là năm nào thì không được ghi chép cụ thể. Ngoài ra, “Tam Quốc Chí” thiếu hẳn nội dung về các điều luật, quy định trong triều đình hay phong tục, đời sống của người dân đương thời.

“Tư Trị Thông Giám”

Tác giả: Tư Mã Quang (1019-1086)

“Tư Trị Thông Giám” có 16 kỷ (từ Chu Kỷ năm-403 TCN tới Hậu Chu kỷ-959 SCN), gồm 294 quyển, được hoàn thiện hiện từ 1065-1084 (19 năm). Tuy nhiên, từ năm 1064 ông đã dâng lên Tống Anh Tông bộ sách năm tập Biểu biên niên, tóm tắt các sự kiện lịch sử Trung Quốc từ năm 403 TCN tới năm 959, đây có thể được coi là lần giới thiệu đầu tiên của cuốn sách và thỉnh cầu được bảo trợ thực hiện công trình. Dự án được nhà vua phê chuẩn và ông được cấp tiền, nhân lực và vật lực. Nhóm thực hiện “Tư Trị Thông Giám” gồm toàn các sử gia lớn nhất thời bấy giờ: Tư Mã Quang, Lưu Thứ, Lưu Ban, Phạm Tổ Vũ, Tư Mã Khang (con trai Tư Mã Quang). Khối lượng tư liệu nhóm biên soạn gồm: 30.699 quyển trong tàng thư triều đình, 2.400 quyển do Tống Thần Tông ban cho, 5.000 cuốn trong bộ sưu tầm riêng của Tư Mã Quang. Các thành viên thực hiện dự án đã hao tâm tổn sức rất nhiều, ví dụ như Lưu Thứ, người được phân công viết phần Ngụy Tấn Nam Bắc triều đã lao lực ốm bệnh chết, Lưu Bân được phần công viết phần Lưỡng Hán lúc dự án hoàn thành mới 62 tuổi nhưng trông như ông lão 80 tuổi, Phạm Tổ Vũ thì mới 43 tuổi nhưng sức đã suy, tóc đã bạc, và Tư Mã Quang mới 65 tuổi nhưng “thân thể yếu mỏi, thị lực suy kém, răng chẳng còn mấy chiếc, thần khí hao sút, trí nhớ giảm tổn, việc làm trước mắt, quay gót nhãng quên.” (trang 16-Tập 1, “Tư Trị Thông Giám”, NXB Văn học). Phần liên quan tới Tam Quốc là từ Quyển 50 tới Quyển 60 của Hán kỷ, toàn bộ 10 Quyển của Ngụy kỷ và 3 Quyển đầu của Tấn kỷ, trải dài từ khoảng gần giữa của Tập 4 tới gần cuối của Tập 5 bản dịch tiếng Việt của Bùi Thông, NXB Văn Học, tổng cộng khoảng hơn 700 trang sách.

Hãy cùng tìm hiểu về tác giả và thời đại ra đời của “Tư Trị Thông Giám” một chút. Là một nho sĩ đứng đầu phe bảo thủ trong triều đình, Tư Mã Quang được các vua Tống hỗ trợ hết mình trong việc biên soạn “Tư Trị Thông Giám” với mục đích đọc sử để sửa lại mình, để từ đó chấn chỉnh và phục hưng sức mạnh của triều đình. Như chúng ta đều biết, chính quyền nhà Tống trong thời đại của Tư Mã Quang rất suy kiệt, phía Bắc thì bị Khiết Đan và Tây Hạ bắt nạt, phía Nam thì bị Nùng Trí Cao quấy nhiễu. Vương An Thạch, người đứng đầu phái cải cách, đã gạt Tư Mã Quang sang một bên trong vài năm, cũng là thời điểm Tư Mã Quang đang phải miệt mài biên soạn “Tư Trị Thông Giám”, và mạnh mẽ thực hiện biến pháp từ 1070 tới 1075. Tuy nhiên Vương An Thạch đã thất bại và xin từ chức khi nhà Tống bị Lý Thường Kiệt đánh bại một cách thê thảm và Tống Thần Tông mất niềm tin vào các chính sách cải cách. Tư Mã Quang được mời quay trở lại để xử lý thất bại của Vương An Thạch và Tư Mã Quang đã không ngần ngại xóa bỏ hết mọi cải cách mà Vương An Thạch đã áp dụng trước đó, đưa Tống trở lại với các chính sách cũ. “Tư Trị Thông Giám”, do đó, đúng như cái tên được Tống Thần Tông đặt cho, lấy ý từ câu “Giám vu vãng sự, hữu tư trị đạo” (Lấy sự hưng suy của đời trước làm gương, hi vọng có lợi cho việc trị quốc). (Trích dòng 7, trang 17 tập 1, “Tư Trị Thông Giám”, NXB Văn học).

Cuốn sách viết về lịch sử Trung Quốc từ năm 403 TCN tới năm 959. Như vậy, giai đoạn Tam Quốc (184-280) nằm trọn vẹn trong khoảng thời gian được “Tư Trị Thông Giám” ghi chép. Ta có thể dễ dàng ráp nối sự kiện của thời Tam Quốc với các giai đoạn trước và sau đó để đọc hiểu một cách có hệ thống hơn.

Tư Mã Quang viết “Tư Trị Thông Giám” theo lối biên niên, tức là liệt kê các sự kiện mà Tư Mã Quang cho là quan trọng theo từng năm. Các sự kiện này thường là giặc giã nổi lên ở đâu, cách thức hoạt động của giặc là gì, triều đình nghị sự và đưa ra sách lược xử lý thế nào, kết quả ra sao, hoặc là các chư hầu giao tranh như thế nào, kết quả ra sao. Thi thoảng có thêm một số thông tin như đại dịch, thiên tai, thiên tượng…Ưu điểm của phương pháp này là cho phép độc giả nắm được diễn biến một cách liên tục và mạch lạc. Ví dụ như chiến dịch Quan Độ kéo dài 17 tháng với nhiều diễn biến phức tạp giữa nhiều thế lực liên quan, đã được biên chép rất gọn gàng và dễ dàng tra cứu(5). Nhược điểm của “Tư Trị Thông Giám” là khó tra cứu theo nhân vật, trừ khi có bản mềm để sử dụng công cụ tìm kiếm trên Word chẳng hạn.

Một số sử liệu khác chưa có cơ hội được tiếp cận

  • “Ngụy Lược” của Ngự Hoan: Gồm 80 quyển đã thất truyền, nội dung ghi chép lịch sử nước Ngụy, có chép về các dân tộc thiểu số ở biên giới nước Ngụy.
  • “Ngụy Thư” của Vương Thẩm: Hiện chưa có thông tin
  • “Anh hùng ký” của Vương Xán: Truyện kể về các hành hùng thời Đông Hán
  • “Thế ngữ” của Quách Ban: Ghi chép về các nhân vật và sự kiện thời Ngụy Tấn
  • “Giang Biểu truyện” của Ngu Phổ: Nội dung nói về các nhân sĩ ở Giang Nam, tuy nhiên chủ yếu ca ngợi các nhân vật ở Giang Đông mà chê bai các nhân sĩ ở Thục, Ngụy, so với các tác phẩm khác có nhiều điểm mâu thuẫn.
  • “Hậu Hán Thư” của Phạm Diệp

Lê Duy Nam

Chú thích:

  1. Lời nói đầu của Bộ Biên Tập Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh in trong tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn nghĩa” quyển I (NXB Văn học, 2011) – bản dịch Phan Kế Bính, in theo bản của NXB Phổ Thông năm 1959, trang 10 – 11.
  2. “Science and civilisation in China”( Joseph Needham, Cambridge University Press), trang 292 Chương 4, Phần 1.
  3. Luận án tiến sĩ  “Quest for the Urtext: The Textual Archaeology of The Three Kingdoms”, Tiến sĩ Andrew West, trường đại học Princeton.
  4. Trang 11, Tập I Tam Quốc Chí, Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chỉnh lý, bản dịch tiếng Việt của Bùi Thông, NXB Văn học
  5. Trích trang 14, tập 4, “Tư Trị Thông Giám”, Tư Mã  Quang , bản dịch tiếng Việt của Bùi Thông, NXB Văn học.

Cầm Thư quán – Thế nào là đạo? Thế nào là đời…?

Những ngày trời lạnh lạnh này, thích nhất là được thảnh thơi nằm trong phòng, ung dung đọc sách. Mà sung sướng hơn nữa, thì chính là đọc được một cuốn sách khiến mình tâm đắc mãi không thôi. Với tôi, cuốn sách ấy chính là “Cầm Thư quán”. “Cầm Thư quán” từng được Bách Việt xuất bản lần đầu vào năm 2008, nhưng sau đó bị thu hồi ngay mà chẳng thấy có một lý do rõ ràng nào cho vấn đề này. Đến

Tường thuật scandal đạo văn và lừa đảo cộng đồng của dự án tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”

Trong hơn một tháng nay, cộng đồng yêu thích văn chương và lịch sử tại Việt Nam đang dậy sóng bởi những luồng ý kiến trái chiều xung quanh nghi án đạo văn của tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử Thành Kỳ Ý. Thành Kỳ Ý là tác phẩm gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) từ Comicola với số tiền lên đến 212.330.200 đồng.  Nhưng sau khi sách được xuất bản bởi NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Đông A, nhiều

Book Hunter

21/02/2016

THIÊN ĐỊA PHONG TRẦN – MỘT “KHÚC CUNG OÁN” GIỮA THỜI LOẠN LẠC

Hồi còn đi học, tôi thường đọc đi đọc lại "Chinh phụ ngâm khúc" của Đặng Trần Côn. Những câu ngâm: “Thiên địa phong trần/ Hồng nhan đa truân/...” đã theo tôi suốt một thời cắp sách đến trường. Hồi đó, tôi chỉ lờ mờ biết được “thuở trời đất nổi cơn gió bụi” là một thời loạn lạc, phân tranh. Lớn hơn một chút, tôi đọc thêm "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều. Tôi của lúc đó cũng đặt câu hỏi, tại

“Cầm Thư quán”; tiểu thuyết dã sử bối cảnh thời Lê Thánh Tông “tái xuất” sau 10 năm gian nan

Tiểu thuyết "Cầm thư quán" của nhà văn Hà Thủy Nguyên là một cuốn sách hiếm hoi trên thị trường sách Việt Nam hiện nay được viết với phong cách cổ điển, duy mỹ và giàu tính triết học Á Đông. Năm 2008, lần đầu cuốn sách được xuất bản bởi NXB Phụ Nữ và Nhà sách Kiến Thức, tiểu thuyết "Cầm thư quán" đã bị thu hồi ngay trong tháng đầu phát hành với lý do không rõ ràng. Tháng 9 năm 2018, sau

Book Hunter

22/10/2018

“Cầm Thư quán” và những cuộc truy cầu bất tận

“Ở biển Bắc có con cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Cá côn biến thành chimbằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì chim bằngrời về biển Nam, biển Nam là Ao trời. ... Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: ‘Chúng ta bay vù lên cây du, cây phượng, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay