Home Chơi Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (3): Tuyên ngôn hưởng lạc

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (3): Tuyên ngôn hưởng lạc

Thư Sinh

31/01/2020

II. Sự xuất hiện đông đảo của các nhà Nho tài tử:

  1. Bối cảnh xuất hiện:

Kể từ thế kỷ XVII, ở nước Việt tồn tại nhiều chính quyền khác nhau: từ Lê – Mạc, đến Lê – Trịnh, Lê – Trịnh – Nguyễn. Việc có nhiều chính quyền, quyền lực của vua không còn là tuyệt đối,  và mỗi chính quyền lại tổ chức những kỳ thi tuyển chọn khác nhau ở từng nơi khiến cho giới học trò không còn bị ràng buộc khắt khe bởi tư tưởng “trung quân ái quốc” nữa. Thay vào đó là học hành, thi cử và có quyền lựa chọn thế lực chính trị mà mình muốn phụng sự.

Về đời sống kinh tế, manh nha từ thế kỷ XVII- XVIII, ngoài kinh thành Thăng Long, nhiều khu vực hành chính lớn khác hình thành trên khắp cả nước. Các làng nghề thủ công phát triển. Đến thế kỷ XVIII, đội ngũ thương nhân Hoa Kiều vào Việt Nam cũng nhiều hơn, các tụ điểm thương mại cũng hình thành: Kẻ Chợ, Phố Hiến,… ở đằng trong, các thương gia phương Tây cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Việc trao đổi kinh tế tấp nập hơn đã đem đến sự thay đổi trong chính xã hội Việt: chợ, cao lâu, tửu quán, nhiều tụ điểm giải trí khác được mở ra, trở thành nơi để khách khứa đến giao lưu, trút bầu tâm sự. Vậy là một xã hội thị dân đang dần hình thành. Cũng từ đây, ý thức cá nhân xuất hiện mạnh mẽ. Mô hình nhà Nho cổ truyền cũng dần được thay thế bằng một mô hình nhà Nho tự do, cá nhân hơn.

Cần phải lưu ý rằng, các nhà Nho tài tử trước hết vẫn là những nhà Nho, nhưng là nhà Nho xuất sắc, có tài cán hơn người. Ý thức cá nhân rõ rệt khiến họ cũng nhận thức rõ tài năng của mình, và nhận thức rõ tình hình chính trị – xã hội bấy giờ.

 

Tóm lại, đến tầm thế kỷ XVII-XVIII và XVIII-XIX, lối sống cá nhân của các nhà Nho mới có cơ hội được bộc lộ. Lúc này, hàng loạt các nhà Nho tự do, phi chính thống xuất hiện, cùng với sự xuất hiện của họ là một lối sống mới, khác xa với lối sống cứng nhắc, gò bó của nhà Nho trong thế kỷ trước. Lối sống mới này xoay quanh sự hưởng lạc, mà cụ thể là thể hiện ở 5 đặc điểm: Tài – Tình – Tính – Du – Mỹ. Cũng chính từ 5 đặc điểm này, các nhà nghiên cứu hiện nay đã gọi những người đó là các “nhà Nho tài tử”.

Vậy, cụ thể, các nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?

  1. Tuyên ngôn hưởng lạc:

Đầu tiên, có thể xét đến tuyên ngôn về hưởng lạc của một số nhà thơ tiêu biểu:

Hành lạc từ kỳ 1 – Nguyễn Du

Tuấn khuyển hoàng bạch mao,

Kim linh hệ tú cảnh.

Khinh sam thiếu niên lang,

Khiên hướng nam sơn lĩnh.

Nam sơn đa hương my,

Huyết nhục cam thả phì.

Kim dao thiết ngọc soạn,

Mỹ tửu luỹ bách chi.

Nhân sinh vô bách tải,

Hành lạc đương cập kỳ.

Vô vi thủ bần tiện,

Cùng niên bất khai my.

Di, Tề vô đại danh,

Chích, Cược vô đại lợi.

Trung thọ chỉ bát thập,

Hà sự thiên niên kế?

Hữu khuyển thả tu sát,

Hữu tửu thả tu khuynh.

Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận,

Hà sự mang mang thân hậu danh?

 

Dịch nghĩa

Con chó hay, lông vàng đốm trắng,

Cổ đẹp đeo chuông vàng.

Chàng trai trẻ mặc áo cộc,

Dắt đi về phía núi nam.

Núi phía nam lắm nai hương,

Huyết thơm, thịt béo.

Dao vàng thái món ăn quý,

Rượu ngon uống hàng trăm chén.

Đời người ai sống đến trăm tuổi,

Nên kịp thì vui chơi.

Tội gì giữ nếp nghèo,

Suốt năm không mở mày mở mặt!

Di Tề chẳng có danh lớn,

Chích Cược cũng chẳng giàu to.

Sống lâu chỉ tám mươi tuổi,

Cần gì tính chuyện ngàn năm.

Có chó cứ ăn thịt,

Có rượu cứ uống cho hết.

Chuyện trước mắt hay dở đã không biết,

Cần gì lo cái danh xa xôi sau khi chết!

Hay:

Hành lạc từ kỳ 2

Sơn thượng hữu đào hoa,

Xước ước như hồng ỷ.

Thanh thần lộng xuân nghiên,

Nhật mộ trước nê trĩ.

Hảo hoa vô bách nhật,

Nhân thọ vô bách tuế.

Thế sự đa suy di,

Phù sinh hành lạc sự.

Tịch thương hữu kỹ kiều như hoa,

Hồ trung hữu tửu như kim ba.

Thuý quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp,

Đắc cao ca xứ thả cao ca.

Quân bất kiến Vương Nhung nha trù thủ tự tróc,

Nhật nhật cối kê thường bất túc.

Tam công đài khuynh hảo lý tử,

Kim tiền tán tác tha nhân phúc.

Hựu bất kiến Phùng Đạo văn niên xưng cực quý,

Lịch triều bất ly khanh tướng vị.

Chung minh đỉnh thực cánh hoàn không,

Thiên tải đồ lưu “Trường lạc tự”.

Nhãn tiền phú quý như phù vân,

Lãng đắc kim nhân tiếu cổ nhân.

Cổ nhân phần doanh dĩ luỹ luỹ,

Kim nhân bôn tẩu hà phân phân.

Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ,

Sinh tử quan đầu mạc năng độ.

Khuyến quân ẩm tửu thả vi hoan,

Tây song nhật lạc thiên tương mộ.

 

Dịch nghĩa

Trên núi có hoa đào,

Đẹp như lụa đỏ.

Sáng sớm còn đùa giỡn với sắc xuân,

Chiều tối đã nằm trong bùn đất.

Hoa đẹp không được trăm ngày,

Người sống lâu, mấy ai được trăm tuổi.

Chuyện đời lắm đổi thay,

Sống kiếp phù sinh nên cứ vui chơi.

Trên tiệc có kỹ nữ đẹp như hoa,

Trong vò có rượu quí sóng sánh ánh vàng.

Tiếng thủy quản, tiếng ngọc tiêu khi mau khi chậm,

Được dịp hát to, cứ hát cho to.

Há không thấy Vương Nhung tay gẩy bàn toán ngà,

Ngày nào cũng tính toán mà trong bụng vẫn chưa cho là đủ.

Đài Tam công cũng đổ, cây mận ngon cũng chết,

Bạc vàng tiêu tan cho người khác hưởng.

Lại không thấy Phùng Đạo, lúc về già, phú quý xiết bao,

Trải mấy triều vua không rời chứ khanh tướng.

Thế mà miếng đỉnh chung rút cuộc vẫn là không,

Nghìn năm chỉ lưu lại có bái Trường lạc tự!

Phú quý trước mắt chẳng khác gì phù vân,

Người đời nay chỉ biết cười người đời xưa.

Người xưa chết, mồ mả vẫn ngổn ngang đó,

Người nay sao vẫn bôn tẩu rộn ràng?

Xưa nay, kẻ hiền người ngu cũng chỉ trơ lại một nấm đất,

Không ai vượt qua cửa ải sống chết.

Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi,

Kìa trông cửa sổ phía tây, bóng mặt trời đã xế rồi.

 

Hoặc:

 

Chơi xuân kẻo hết xuân đi – Nguyễn Công Trứ

Ngẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật

Đã sinh người lại hạn lấy năm

Kể chi thằng lên bẩy, đứa lên năm

Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc?

Lại mang lấy lợi danh, vinh nhục

Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan

E đến khi hoa rữa trăng tàn

Xuân một khắc, dễ nghìn vàng đổi chác?

Tế suy vật lý tu hành lạc

An dụng phù danh bạn thử thân

Song bất nhân mà lại chí nhân

Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy

Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù?

Nghề chơi cũng lắm công phu!

 

Những bài thơ trên hạn chế dùng ước lệ, hoặc nếu dùng thì cũng đưa những hình ảnh ước lệ vào những tình huống bình thường, thậm chí là bình dân (đặt “dao vàng” bên cạnh “thịt chó”), cho thấy một ham muốn vượt thoát khỏi những quy ước gò bó từng có trong văn thơ và trong cuộc sống trước đây.

Qua một số bài thơ của Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, có thể rút ra một tuyên ngôn chung về cuộc hành lạc của các nhà Nho từ thế kỷ XVII trở đi như sau: Cuộc đời ngắn ngủi, nên hãy vui chơi, tận hưởng lạc thú (cầm, kỳ, thi, họa, tửu, trà, thi, thư, nhạc, hoa, mỹ nhân, đồ ăn ngon…), sống cho hiện tại. Qua thơ, có thể thấy có sự ảnh hưởng của Lý Bạch, Đỗ Phủ trong những quan điểm này, đặc biệt là Lý Bạch với bài “Thương tiến tửu”.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Dương tổng hợp và biên soạn

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (4): Tứ nghệ bát thú

3. Các cách hưởng lạc a. Cầm kỳ thi họa Nhắc đến hưởng lạc, không thể nhắc đến thú chơi cầm kỳ thi họa (tứ nghệ). Trên thực tế, tứ nghệ ban đầu là chuẩn mực để đánh giá học vấn phụ nữ trong thời trung đại. Đối với nam giới, người Trung Quốc đánh giá qua lục nghệ, bao gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII – XIX, chuẩn mực đánh giá học vấn của nữ giới dần

Thư Sinh

02/02/2020

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?   Tiền đề: Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII – XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ... Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục...) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một

Thư Sinh

29/01/2020

Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn)

Hà Nội là một mảnh đất chứa nhiều bí ẩn, với nhiều tục thờ cúng thần quỷ xa xưa đã được Nho giáo hóa hoặc Phật giáo hóa. Tôi luôn muốn tìm hiểu một cách tổng thể về các thần và quỷ được thờ ở Hà Nội, cũng muốn qua đó hiểu hơn về các sắc dân đã an cư và lập nghiệp tại đây. Đây là những ghi chép của tôi, có thể có những phần suy luận chưa có đủ căn cứ. Đây

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (5): “Một mối chung tình tan mấy mảnh”

(*) Tiêu đề trích thơ Phạm Thái b. Tình: Phạm Thái si tình Nói đến “tài tử”, không thể không nhắc đến yếu tố “tình”. Mà người nổi tiếng về “tình” nhất thời kỳ này là Phạm Thái (1777-1813) với mối tình si với nàng Trương Quỳnh Như. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu. Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần

Thư Sinh

03/02/2020

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (6): “Làm cây thông đứng giữa trời”

(*) Tiêu đề trích thơ Nguyễn Công Trứ c. Ngông nghênh: Nhắc đến nhà Nho tài tử, không thể không kể đến thái độ ngông nghênh, khinh thế ngạo vật của những con người nhận thức rõ tài năng của bản thân trước thời thế này. Vậy, họ thể hiện sự ngông của bản thân như thế nào? Chúng ta hãy bắt đầu với Nguyễn Khản, quan đại thần dưới thời chúa Trịnh Sâm. Khi làm quan, Nguyễn Khản thường xin phép nghỉ ở nhà.

Thư Sinh

04/02/2020