Home Đọc Xu hướng Dystopia (viễn cảnh tối tăm) trong văn hóa đại chúng – khi thế giới đương đầu với quá nhiều nguy cơ

Xu hướng Dystopia (viễn cảnh tối tăm) trong văn hóa đại chúng – khi thế giới đương đầu với quá nhiều nguy cơ

Book Hunter dystopia

Xã hội loài người sẽ đi đến thế giới hòa bình, bác ái, hữu nghị… hay sẽ đi đến tha hóa đạo đức, tước bỏ nhân tính, nô lệ hóa con người, thiên nhiên bị tàn phá và cuối cùng là hủy diệt? Câu hỏi đó đã ám ảnh nhân loại từ những tranh luận về tận thế, dần dần đi vào triết học – văn học, và sau này là văn hóa đại chúng. Khi bước sang thế kỷ 20 và chứng kiến những cuộc chiến lớn, sự suy thoái đạo đức xã hội và thiên nhiên bị tàn phá trên diện rộng, nỗi lo ngại về một viễn cảnh đen tối của thế giới trỗi dậy và thấm đẫm trong các trang viết của các tác giả lớn như Aldous Huxley, George Orwell, Ray Bradbury…

Không có viễn cảnh tối tăm, chỉ có những rủi ro từ hiện thực

Dystopia (hay còn gọi là cacotopia, tạm dịch là viễn cảnh tối tăm) về bản chất là sự tương phản của Utopia – sự lý tưởng hóa về một xã hội đẹp đẽ, nơi con người sống hòa bình, trí tuệ và hòa hợp với tự nhiên. Nếu Utopia vẽ ra một xã hội được kiến tạo nên bởi những mong mỏi điều tốt nhất cho thế giới, thì Dystopia được tạo nên bởi những rủi ro. Mỗi mô hình xã hội, dù tiến bộ đến đâu và tạo ra niềm hi vọng lớn lao cỡ nào, thì đều luôn ẩn chứa những góc khuất đầy rủi ro mà một khi mô hình càng lớn thì ảnh hưởng của rủi ro càng sâu rộng. A.E Samaan, một sử gia hiện đại người Mỹ đã đưa ra nhận định thật xác đáng: “Tất cả các xã hội lý tưởng (utopia) đều là viễn cảnh tối tăm (Dystopia). Viễn cảnh tối tăm trở thành xã hội lý tưởng khi kẻ ngu ngốc tin rằng điều không tưởng có thể được hiện thực hóa.”

Viễn cảnh tối tăm (Dystopia) không xa lạ trong văn hóa phương Tây. Từ xa xưa, tâm thức của người phương Tây cổ đại đã luôn song song tồn tại cặp tương phản: một thái cực là cuộc sống lý tưởng của vườn địa đàng (trong Kinh Thánh), của kỷ nguyên vàng (trong thần thoại Hy Lạp)… – nơi con người sống trong thế giới hòa hợp, không có chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật và cái chết…; và thái cực khác là bóng tối của sự tân diệt, khi con người suy thoái về đạo đức tới mức bị lòng tham nuốt chửng, bị nô dịch hóa, bị tước khỏi nhân tính và cuối cùng là bị Thượng Đế hoặc các vị thần tối cao hủy diệt qua các cuộc khải huyền. Cặp tương phản này cho thấy nhân sinh quan tràn đầy hi vọng và nỗ lực nhưng cũng đầy lo âu về tương lai của con người phương Tây. Sự lo ngại này liên tục được đặt ra trong lịch sử phát triển đầy biến động với những nền văn minh trỗi dậy mạnh mẽ và suy tàn đến cùng cực, đôi khi chỉ còn là một huyền thoại xa xăm; hay những cuộc chiến tranh triền miên trong nhiều thế kỷ đến mức con người giết chóc vì đủ điều không tưởng; hoặc các cuộc bệnh dịch chết hàng loạt, các trận thiên tai tận diệt biết bao đô thành. So với thế giới phương đông vốn khép kín và ổn định, thế giới phương Tây luôn ở trong sự dao động giữa các thái cực.

Những nền móng của xã hội phương Tây hiện đại manh nha hình thành từ thời Phục Hưng (thế kỷ 14 đến 16), phát triển mạnh mẽ với phong trào Khai Sáng (Thế kỷ 18), và ăn sâu vào tâm thức của người dân nhờ các cuộc Cách mạng Công nghiệp kéo dài đến tân ngày nay, tưởng như vững chắc, nhưng chính những cá thể tinh hoa – tầng lớp trí thức, những người luôn nuôi hi vọng kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn – lại lo ngại sâu sắc về viễn cảnh đen tối mà họ cảm thấy sự rình rập của nó ngay từ các góc khuất của xã hội. Ví dụ, khi tác giả Ray Bradbury chứng kiến những người dân Mỹ thế kỷ 20 bị thôi miên bởi những mẩu quảng cáo trên TV hay tình trạng dân trí thấp do mọi nguồn lực phục vụ cho các cuộc chiến tranh, thì ông đã vẽ ra một xã hội tương lai khi  con người ngày càng lệ thuộc vào các bản tin và truyền thông đại chúng mà không có tư duy độc lập, sách trở nên tuyệt chủng, mọi rung cảm bị coi là bệnh tâm thần… Hay viễn cảnh tối tăm trong “Cloud Atlas” (Bản dịch tiếng Việt của NXB Trẻ có tên là “Bản đồ mây”) của nhà văn David Mitchell, được chuyển thể thành phim bởi anh em nhà Warchowsky, là về một xã hội nơi tầng lớp lao động chỉ là những con người được sản xuất hàng loạt bằng phương pháp nhân bản vô tính, bị xử chết tức khắc ngay khi bất tuân, và tương lai sẽ bị tái chế thành thực phẩm để nuôi xã hội. Sự tưởng tượng này nghĩ đến thật rùng rợn, nhưng đó là phép ẩn dụ cho một xã hội mà tầng lớp lao động bị nô dịch hóa đang hiện diện ngay trong thế giới mà chúng ta đang sống. Ở đây tôi muốn nói rằng, không có viễn cảnh tăm tối (Dystopia) nào được xây dựng bằng trí tưởng tượng, mà tất cả đều được cường điệu lên như một thủ pháp mang tính cảnh báo.

Viễn cảnh tối tăm (Dystopia) không xảy ra với thế giới Á Đông?

Thế nhưng, dường như trong văn hóa Á Đông, và đặc biệt là tại Việt Nam, viễn cảnh tối tăm (Dystopia) chưa từng xuất hiện. Liệu có phải người Á Đông không lo ngại về những rủi ro chăng? Và nếu như sự lo ngại về viễn cảnh tối tăm là động lực thúc đẩy phương Tây liên tục tự cải thiện để hạn chế rủi ro dẫn đến hủy diệt, thì liệu sự thờ ơ của người Á Đông với nó có dẫn đến sự hủy diệt nhanh hơn hay không, và có khiến cho con người Á Đông mất nhân tính hay không?

Câu hỏi này có lẽ sẽ được trả lời một cách nhanh chóng và dễ dàng rằng con người của thế giới Á Đông liên tục ở trong viễn cảnh tăm tối của cái bóng chế độ phong kiến khắc nghiệt. Thế nhưng, những câu trả lời vội vã ấy dễ bị rơi vào thiên kiến, bị phóng chiếu bởi hai tâm thức: sự thiếu hiểu biết về nhân sinh quan của người Á Đông và sự thiếu nhận thức về xã hội phong kiến. Thần thoại của người Á Đông không có những xã hội lý tưởng mang dáng dấp thiên đường. Thiên đường của người Á Đông về căn bản là một hệ thống quản lý hạ giới, nói theo ngôn ngữ hiện đại, là một cơ quan cấp cao của các vị thần. Người Á Đông, chịu ảnh hưởng chủ đạo của thuyết định mệnh, luôn coi rằng mọi thành bại, được mất, tử sinh, sướng khổ…đều đã “có số”, tức nằm ngoài khả năng quyết định của con người, bởi vậy, utopia hay dystopia – xã hội lý tưởng hay viễn cảnh tối tăm đều chỉ là sự sắp đặt của số mệnh. Khi những rủi ro mang tính thời đại xảy đến, ví dụ như triều đình cũ sụp đổ, xã hội loạn lạc… thì người Á Đông gọi đó là “thương hải tang điền” – một cuộc biển xanh trở thành nương dâu, một sự chuyển đổi tất yếu. Và trong khi người dân thường cầu cúng thế giới các vị thần cai quản trên trời để mọi biến loạn không ảnh hưởng tới sự an nhàn của mình và người thân, thì tầng lớp trí thức hoặc quý tộc chọn cách lưu vong hoặc thỏa hiệp với sự chuyển đổi và tệ nhất thì giữ chữ “trung” với cái cũ. Toàn bộ thái độ sống của người Á Đông đối với những nguy cơ hầu như không phải là phòng ngừa, mà là chấp nhận và ứng biến.

Khi những tác phẩm Dystopia, dù là văn chương hàn lâm hay văn hóa đại chúng, thì người Á Đông, ngay cả ở Việt Nam, không hề đón đọc chúng một cách hào hứng giống như tại phương Tây. Nếu như các tác phẩm lớn của dòng Dystopia tại phương Tây đều là các cuốn sách bán chạy nhất, có ảnh hưởng lớn đến tâm thức người dân, thì người da vàng chúng ta lại chỉ xem đó đơn giản như sự giả định trong tiểu thuyết. Nền văn hóa tiếp thu sâu sắc nỗi lo ngại về viễn cảnh tăm tối lại chính là Nhật Bản, quốc gia đầu tiên Tây hóa và có nền công nghệ tiên tiến nhất tại Châu Á. Sản phẩm văn hóa đại chúng của Nhật, đặc biệt là điện ảnh, manga, anime… đều có chung cảm thức về tương lai tồi tệ của thế giới: những đứa trẻ giết chóc nhau để sinh tồn trong phim “Battle Royale” (Tạm dịch “Trận chiến sinh tử”) hay não người bị con chip điều khiển giấc mơ dẫn đến hành vi điên loạn trong phim anime “Paprika”… Nhưng trong khi các tác phẩm phương Tây ẩn chứa nhiều tuyệt vọng thì người Nhật trong sản phẩm đại chúng của mình vẫn đặt nhiều hi vọng vào sự lương thiện của con người.

Từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng trên khắp thế giới, chúng ta hàng ngày đọc những con số kinh hoàng trên báo chí và thấp thỏm lo âu cho số phận của mình, thì dường như viễn cảnh tăm tối (Dystopia) bỗng trở nên không còn là tưởng tượng xa xăm. Nếu trước đây, khi chúng ta đọc về dịch hạch hay các dịch bệnh tương tự trong lịch sử, chúng ta thường chỉ lướt qua chúng như một sự kiện hiển nhiên của xã hội lạc hậu, thì trong khoảng thời gian đó, ngay giữa thời đại công nghệ cao, dịch bệnh đã đánh gục nhiều quốc gia lớn. Nếu như trước đây chúng ta chỉ chứng kiến bầu không khí khẩn trương của các chính phủ và các chuyên gia để khắc phục dịch bệnh trong các phim điện ảnh thì bây giờ chúng ta theo dõi chúng hàng ngày. Toàn bộ quá trình con người hồn nhiên lây bệnh cho nhau bởi cấu trúc của xã hội đương đại, cho đến khi các chuyên gia đưa ra từng phương án giải quyết và thử nghiệm, những cái chết, sự giãn cách, sự chuyển biến cấu trúc xã hội, không khí trở nên bớt ô nhiễm hơn, con người bỗng sâu sắc hơn và hoài nghi về đời sống trước đó của mình, nguy cơ của một cuộc đối đầu mới giữa các cường quốc… tất cả liệu có trở thành nguyên liệu mới cho một thế hệ sáng tác Dystopia mới?

Hà Thủy Nguyên

>> Đọc thêm:

Chuyển đổi hay Khải huyền (tản mạn trong những ngày dịch bệnh COVID-19) – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunter.vn)

Kỷ nguyên Bảo Bình và sự chuyển dịch lớn của Lịch sử Nhân loại (bookhunter.vn)

Tư bản trong thế kỷ 21

Giới thiệu sách: Capital in the Twenty-first Century, by Thomas Piketty, translated by Arthur Goldhammer, Belknap Press/Harvard University Press, 2014, 696 pp, $39.95. Tác giả: Đỗ Kim Thêm Bối cảnh Suy trầm kinh tế 2008, khủng hoảng tài chính, ngân hàng và nợ công gây hoang mang cho dân chúng về khả năng lãnh đạo của chính giới tại Hoa Kỳ và châu Âu và phương cách vận hành của nền kinh tế thị trường. Bất trắc kinh tế làm không ai tin là trước mắt sẽ

Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan: Vì sao căng thẳng?

Bất đồng quan điểm về tình trạng của Đài Loan đã châm ngòi cho căng thẳng giữa hòn đảo này và đại lục. Và Đài Loan có tiềm năng châm ngòi xung đột trong quan hệ Mỹ-Trung. Tóm tắt: Trung Quốc đã không còn toàn quyền kiểm soát Đài Loan từ 1949, nhưng Bắc Kinh vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ quốc gia. Bắc Kinh từng thề rằng rồi đây họ sẽ “thống nhất” Đài Loan và lục địa, kể cả

Yến Nhi

04/12/2022

Từ nền dân chủ đến chế độ tài phiệt

Trong tiếng Anh, để mô tả các thể chế chính trị, những từ kết thúc bằng “-ocracy” thường được sử dụng. Bộ phận đứng trước “-ocracy” trong những từ này sẽ mô tả cội nguồn của quyền lực trong các thể chế đó. Chẳng hạn, một nền chuyên chế, hay “autocracy”, là thể chế chính trị mà ý chí của ông vua quyết định tất cả. Một nền tinh hoa trị, hay “aristocracy”, là chính thể mà quyền lực nằm trong tay một nhóm nhỏ
le-nam

Lê Nam

27/04/2017

TẠI SAO TÔI VIẾT? – GEORGE ORWELL (1): ĐỘNG LỰC CỦA NHÀ VĂN

Từ khi ít tuổi, có lẽ là năm hay sáu gì đó, tôi đã biết rằng khi tôi lớn lên tôi sẽ trở thành một nhà văn. Trong quãng từ mười bảy đến hăm tư tuổi tôi đã cố từ bỏ ý định này, nhưng tôi thực hiện điều đó với ý thức rằng tôi đang lăng mạ bản chất đích thực của mình và dù sớm hay muộn tôi sẽ ngồi xuống và sáng tác. Tôi là đứa thứ hai trong số ba anh

TẠI SAO TÔI VIẾT – GEORGE ORWELL (2): VĂN CHƯƠNG VÀ CHÍNH TRỊ

Có thể thấy rằng những xung lực khác nhau này đã phải giao tranh với nhau như thế nào, và bằng cách nào chúng lan truyền từ người này sang người khác theo thời gian. Theo bản chất – cứ cho rằng “bản chất” là trạng thái bạn đạt được khi bạn lần đầu trưởng thành – tôi là người mà ba động lực đầu tiên mạnh mẽ hơn động lực thứ tư. Ở thời bình, tôi có thể đã chỉ viết những cuốn sách