Home Chơi Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (5): “Một mối chung tình tan mấy mảnh”

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (5): “Một mối chung tình tan mấy mảnh”

(*) Tiêu đề trích thơ Phạm Thái

b. Tình:

  • Phạm Thái si tình

Nói đến “tài tử”, không thể không nhắc đến yếu tố “tình”. Mà người nổi tiếng về “tình” nhất thời kỳ này là Phạm Thái (1777-1813) với mối tình si với nàng Trương Quỳnh Như. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu. Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần vương, nhưng bị thất bại. Phạm Thái sau trưởng thành, quyết nối chí, thường kết bạn với những bậc nghĩa sĩ để mưu đồ khôi phục nhà Lê.
Phạm tài kiêm văn võ, thích uống rượu ngâm thơ, vì là con bậc đại thần nên được gọi là cậu Chiêu, lại hay say sưa túy lúy, mới có sước hiệu là Chiêu Lỳ. Chiêu Lỳ có bài thơ tự trào:

Có ai muốn biết tuổi tên gì,
Vừa chẵn hai mươi, gọi chú Lỳ.
Năm bảy bài thơ ngâm lếu láo,
Một vài câu kệ tụng a-ê!
Tranh vờn sơn thủy màu lem luốc,
Bầu giốc kiền khôn giọng bét be.
Miễn được ngày nào ngang dọc đã,
Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi!


 “Một vài câu kệ tụng a-ê”, là bởi bị truy nã gắt gao, ông phải cạo đầu, vào tu ở chùa Tiên Sơn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) lấy đạo hiệu là Phổ Chiêu thiền sư, để khỏi lộ tung tích.

Phạm nay đây mai đó, vẫn ngấm ngầm mưu việc cần vương. Một hôm, nhân phò giá hoàng phi Nguyễn Thị Kim lên Lạng Sơn để định sang Tàu theo vua Lê Chiêu Thống, Phạm gặp trấn thủ Trương Đăng Thụ, một đồng chí, cùng bạn tính toan việc giúp Trần Quang Diệu để trừ Võ Văn Dũng hòng gây khó cho Tây Sơn, chẳng may lộ chuyện; Dũng sai thủ hạ là Phan Đình Hồng, bấy giờ làm hiệp trấn Lạng Sơn, tìm cách bỏ thuốc độc vào nước trà, giết Thụ. Phạm Thái thế cô, chỉ còn biết đưa xác bạn về quê, làng Thanh Nê, huyện Yên Tĩnh, tỉnh Nam Định.

Ở đây, Phạm gặp em gái Trương Đăng Thụ là Trương Quỳnh Như, một trang tài sắc kiêm toàn. Đôi bên dần dà thân nhau vì mối duyên văn tự, cùng nhau xướng họa rất là tương đắc.

 Phạm đã tả mối tình trong sạch của mình đối với Quỳnh Như bằng mấy bài thơ:

I
Từ chốn thiềm cung trộm giấu hương,
Dễ xui tao khách mối sầu vương.
Gió thông réo rắt rong đàn oán,
Trăng hạnh chênh vênh rạng bóng dương.
Nếu phải tình duyên may chút phận,
Thì xin ân ái vẹn hai đường.
Phong lưu đôi lứa ai đà dễ,
Bụi tục chi cho bợn lóa gương!

II
Dẩy hoa, dun lá, bởi tay trời
Nghĩ lại tình duyên luống ngậm ngùi.
Bắc yến, nam hồng, thư mấy bức
Đông đào, tây liễu, khách đôi nơi.
Lửa ân, rập mãi sao không tắt,
Biển ái, khơi hoài vẫn chẳng vơi.
Đèn nguyệt trong xanh, mây chẳng bợn,
Xin soi xét đến tấm lòng ai.


Cha Quỳnh Như là Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quý rất mến Phạm, hai người thường đàm đạo về thời thế và văn thơ. Một hôm, nhân hai người ngồi uống ruợu, hầu trông vào bức tranh tố nữ, bảo Phạm thử uống mười chén rồi vịnh một bài thơ. Phạm vâng mệnh, cất bút thảo luôn một thiên Đường luật theo cách “thuận nghịch độc” (đọc xuôi là thơ chữ Hán, đọc ngược là thơ nôm diễn ý bài thơ chữ Hán). Thơ như sau :

 Bài đọc xuôi :

Thanh xuân toả liễu lãnh tiêu phòng,
Cẩm trục đình châm ngại điểm trang.
Thanh lãng độ liên phi phất lục,
Đạm hi tán cúc thái sơ hoàng.
Tình si dị tố liêm biên nguyệt
Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương.
Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bạn,
Oanh ca nhất vĩnh các tiêu hương.

 
 Bài đọc ngược :

Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh (1),
Bợn mối sầu khêu gượng khúc tranh (2).
Sương đỉnh trướng gieo từng giục mộng,
Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình.
Vàng thưa thớt cúc tan hơi đạm,
Lục phất phơ sen đọ rạng thanh.
Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm (3),
Phòng tiêu lạnh lẽo khoá xuân xanh. (4)


(1) Nhặt ca oanh: Tiếng chim oanh hót luôn luôn
(2) Sầu khêu: Nỗi buồn khêu gợi tấm lòng. Gượng khúc tranh: Gượng đánh khúc đàn tranh
(3) Dừng trục gấm: Dừng việc dệt gấm
(4) Khoá xuân xanh: Nhốt người con gái trẻ

 Hầu xem xong thích lắm, khen là “thanh quang thắng tuyệt” (trong sáng tuyệt vời). Mến tài văn thơ, lại cũng biết chí cần vương và hoạt động bí mật của Phạm, nên hầu mời Phạm ở lại ngay nhà, cho trút lốt nhà sư mà khoác áo nho sinh, để dạy mấy đứa cháu. Ông cụ tình cờ một đọc thấy thơ văn trữ tình của Phạm, có ý muốn gả Quỳnh Như cho, mới lựa lời khuyên Phạm về tìm họ hàng mai mối để xử sự cho phải lễ. Nhưng mẹ Quỳnh Như lại không ưng cho con lấy một “nhà sư phá giới”, vả lại tham phú quý, nhất định gả con cho một công tử nhà giàu nhưng học dốt.

Quỳnh Như bị ép uổng, bực trí quyên sinh. Khi ở quê trở lại nhà họ Trương, Phạm hay tin dữ, liền ra mộ Quỳnh Như, thắp hương khóc lóc rồi đọc bài điếu văn như sau:

 Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!

 Lại có điều đau đớn thế nhỉ! Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ. Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa: thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà nghim nghỉm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!

 Ví dù mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày, sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên, kia phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bỗng vội vàng chi?

 Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suông sẻ, những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, như tình duyên chừng ấy, cũng là một chút cương thường: dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự!

 Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa buông xuôi tính mệnh.

 Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; chua xót cũng vì đâu?

 Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giải bầy một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!


  Đọc xong, Phạm châm lửa đốt bài điếu văn, rồi đứng nghẹn ngào, nỗi lòng dào dạt phả lên một bài thơ nối:  

Trời xanh cao thẳm mấy từng khơi,
Nỡ để duyên ai luống thiệt thòi!
Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói,
Sầu nâng chén ngọc rượu không hơi.
Lầu tây nguyệt gác mây lồng bóng,
Ải bắc hồng bay biển tuyệt vời.
Một mối chung tình tan mấy mảnh,
Suối vàng, ai nhắn hộ đôi lời!


  Từ đó Phạm sinh chán đời. Vì mải chuyện tình mà mấy năm rồi bỏ lửng cả việc cần vương. Vả lại thời vận nhà Lê đã hết, nhà Tây Sơn, rồi đến nhà Nguyễn kế tiếp nổi lên, việc cần vương không còn mấy ai nghĩ tới nữa. Phạm chỉ còn biết uống rượu ngâm thơ cho qua ngày tháng.
 Ông ngậm ngùi mãi về mối tình duyên lỡ dở:

Đưa lời cho tới cung mây,
Sầu này xin cởi cho đây với cùng !
Dây tơ hồng trách ai se mối,
Đến nửa chừng bỗng nới dần ra.
Căm vì một ả trăng già,
Trêu ngươi chỉ mãi chẳng tha, thế này…


  Những lúc say sưa, ông lại lên giọng cao ngạo, ngâm một bài yết hậu:  

Sống ở nhân gian đánh chén nhè,
Chết về âm phủ cặp kè kè.
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
                Be!

 
  Phạm Thái bỏ lại cuộc đời vào năm 37 tuổi. Di sản của ông, ngoài những hoạt động chính trị, những bài thơ lãng mạn, còn có mối tình bi thương với nàng Trương Quỳnh Như bạc phận.

  • Nguyễn Du đa tình

Cái “tình” hay sự “đa tình” của nhà Nho tài tử cũng được thể hiện trong câu chuyện về cuộc đời của Nguyễn Du.

Buổi thiếu thời ở Thăng Long, đi học một thầy đồ bên Gia Lâm, ở tả ngạn Nhị Hà, ngày ngày qua sông để sang trường, Nguyễn thường đi đò của cô Đỗ Thị Nhật, một thiếu nữ duyên dáng. Tính Nguyễn ít nói nhưng đa cảm, một hôm đến bến hơi trễ, phải chờ lâu, muốn trách cô lái vài lời, lại sợ thấy mặt thì rụt rè không dám, nên viết mấy câu vào mảnh giấy nhờ bạn đưa giúp:
 
Ai ơi, chèo chống tôi sang,
Kẻo trời trưa trật, lỡ làng tôi ra.
Còn nhiều qua lại, lại qua,
Giúp cho nhau nữa để mà …
 

Nguyễn cố ý không viết trọn câu, để thử lòng cô Nhật. Cô này trước còn khước từ không đáp, sau rồi cũng nể lòng viết hai chữ “quen nhau ” điền vào.
Từ đó cô lái đò tỏ vẻ ân cần, còn Nguyễn thì vẫn e lệ. Một buổi cô nói:
– Bây giờ thay chữ “quen” bằng chữ “thương” nghe cũng đường được đấy, cậu khoá nhỉ?
     Nguyễn sung sướng làm mấy câu nữa:

 
Quen nhau nay đã nên thương,
Cùng nhau se mối tơ vương chữ tình !
Người xinh xinh, cảnh xinh xinh,
Trên trời dưới nước, giữa mình với ta !

Mối tình đương mặn nồng, thì gia đình Nguyễn hay biết, nghiêm trách Nguyễn và gửi đi tòng học một thầy đồ khác ở Thái Bình. Mười năm sau, Nguyễn có dịp trở lại Thăng Long, ra nơi bến cũ thì cô lái đã đi lấy chồng. Nguyễn ngao ngán ngâm:

 
Yêu nhau, những muốn gần nhau,
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười.
Vì đâu xa cách đôi nơi,
Bến nay còn đó, nào người năm xưa ?


Làm nhiều thơ về cô lái đò là vậy, nặng tình là vậy, nhưng Nguyễn Du không phải anh chàng chỉ biết có một người trong mắt. Tương truyền, lúc còn trai trẻ, Nguyễn Du rất thích hát phường vải. Bấy giờ có làng Trường Lưu cũng thuộc huyện Nghi Xuân, là một trong những làng nổi tiếng về hát phường vải, về nghề dệt vải và về gái đẹp. Làng Tiên  Điền thì có nghề làm nón, con trai phường nón thường kéo nhau sang hát phường vải ở Trường Lưu. Họ đi hát vì mê hát, nhưng một phần cũng vì mê các cô gái đẹp. Trong các chuyến đi ấy, Chiêu Bảy (Nguyễn Du) chẳng bao giờ vắng mặt . Có một đêm hát nọ, Chiêu Bảy tình cờ được gặp một cô gái tên là Cúc, người đẹp, giọng hay, có tài bẻ chuyện, nhưng chỉ phải một nỗi đã sắp quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp như vậy, liền bẻ ngay một câu như sau để ghẹo chơi:

Trăm hoa đua nở mùa xuân.
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?


Chiêu Bảy vờ nói chuyện hoa, nhưng kỳ thực là muốn hỏi châm chọc: Các cô gái khác đều đã đi lấy chồng sớm, sao riêng cô Cúc lại để quá lứa nhỡ thì như vậy?
Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe qua cô đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn hát đáp lại rằng:

Vì chưng tham chút nhụy vàng,
Cho nên Cúc phải muộn màng về thu.


Hoa cúc vốn là loài hoa nở về thu; cúc nở về thu mới là đang độ mãn khai, thế là đúng kỳ chớ không phải là muộn.
Câu hỏi cũng khôn mà câu trả lời thật cũng khéo; Chiêu Bảy đành phải lảng sang chuyện khác, không dám hỏi về việc ấy nữa.

Ngoài những cuộc trêu họa ghẹo nguyệt, Nguyễn Du cũng rất nổi tiếng với mối tình của ông và nàng Hồ Xuân Hương. Các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng, vào thời điểm cuối năm 1790, Nguyễn Du trở về Thăng Long. Ông có ba năm với mối tình Hồ Xuân Hương ở Cổ Nguyệt Đường. Mối tình hai phía ấy tuy đẹp mà buồn. Không lâu sau, Nguyễn Du theo tiếng gọi của sự nghiệp nam nhi rời đi, bỏ lại Hồ Xuân Hương ở Cổ Nguyệt Đường. Mối tình lãng mạn mà buồn bã ấy được thể hiện qua bài thơ “Mộng đắc thái liên” và bài “Ký mộng”, được cho là làm khi Nguyễn Du nhớ Hồ Xuân Hương.

 

Mơ thấy hái sen

Mộng đắc thái liên

 

I . 
Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền nan hái sen. 
Nước hồ dâng lai láng, 
Bóng người soi nước trong. 

I . 
Khẩn thúc giáp điệp quần
Thái liên trạo tiểu dĩnh. 
Hồ thủy hà xung dung,
Thủy trung hữu nhân ảnh.

 

II . 
Tây Hồ, hái, hái sen, 
Hoa, gương chất mạn thuyền,
Hoa tặng người mình kính, 
Gương tặng người mình thương. 

II . 
Thái, thái Tây Hồ liên,
Hoa thực câu thướng thuyền.
Hoa dĩ tặng sở úy,
Thực dĩ tặng sở liên.

 

III . 
Sáng nay đi hái sen.
Hẹn láng giềng đi với.
Nàng đến tự bao giờ ?
Cách hoa nghe cười nói .

III . 
Kim thần khứ thái liên,
Nãi ước đông lân nữ,
Bất tri lai bất tri,
Cách hoa văn tiếu ngữ.

 

IV. 
Hoa sen ai cũng yêu, 
Cọng sen nào ai thích, 
Trong cuống có tơ bền. 
Vấn vương hoài không dứt. 

IV . 
Cộng tri liên liên hoa,
Thùy giả liên liên cán.
Kỳ trung hữu chân ty,
Khiên liên bất khả đoạn.

 

V. 
Lá sen màu xanh xanh, 
Hoa sen đẹp xinh xinh, 
Hái chớ làm lìa ngó, 
Năm sau sen chẳng sinh. 

V. 
Liên diệp hà thanh thanh,
Liên hoa kiều doanh doanh.
Thái chi vật thương ngẫu,
Minh niên bất phục sinh.

 

Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

 

Ghi lại giấc mộng 

Ký mộng

Dòng nước ngày đêm chảy, 
Người biệt chốn cố hương. 
Bao năm không gặp mặt, 
Làm sao hết nhớ thương. 
Trong mộng rành rành thấy, 
Tìm ta nơi bến sông, 
Dung nhan vẫn như trước, 
Y trang buồn biếng chăm.
Trước kể nỗi đau ốm, 
Rồi than những ngày xa. 
Nghẹn ngào không nói hết, 
Dường cách bức màn sa. 
Bình sinh không thuộc lối, 
Mộng hồn biết thật chăng ? 
Núi Điệp đầy hổ báo, 
Sông Lam lắm thuồng luồng, 
Đường đi thật hiểm trở, 
Phận gái nhờ ai không ? 
Mộng đến đèn côi sáng, 
Mộng tan gió lạnh lùng, 
Người đẹp nào thấy nữa, 
Lòng ta rối tơ vương. 
Nhà trống vầng trăng xế, 
Soi manh áo cô đơn, 

Thệ thủy nhật dạ lưu,
Du tử hành vị qui.
Kinh niên bất tương kiến,
Hà dĩ úy tương ti (tư).
Mộng trung phân minh kiến,
Tầm ngã giang chi mi.
Nhan sắc thị trù tích,
Y sức đa sâm si.
Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn,
Kế ngôn cửu biệt ly.
Đái khấp bất chung ngữ,
Phảng phất như cách duy.
Bình sinh bất thức lộ,
Mộng hồn hoàn thị phi ?
Điệp sơn đa hổ trĩ,
Lam thủy đa giao ly,
Đạo lộ hiểm thả ác,
Nhược chất tương hà y ?
Mộng lai cô đăng thanh
Mộng khứ hàn phong xuy,
Mỹ nhân bất tương kiến,
Nhu tình loạn như ti.
Không lâu ốc tà nguyệt,
Chiếu ngã đan thường y.

 

Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch

  • Nguyễn Công Trứ – “Giang sơn một gánh giữa đàng…”

Nguyễn Công Trứ là người làng Uy Viễn huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1778, đỗ Giải nguyên khoa Kỷ Mão 1819 (Gia Long thứ 18).

 Tương truyền vào năm Kỷ Mão ấy, vua Minh Mệnh còn là đông cung thái tử ra hồ Tĩnh Tâm chơi, tinh thần mỏi mệt, ghé nằm trên võng thiu thiu ngủ. Bỗng thấy một người học trò, tự xưng là học giả từ Lam Sơn đến hầu. Thái tử thấy người học trò đội mũ cỏ, tay cầm một cây gậy nhọn xiên qua bên mặt trời, tự nhiên mặt trời đùn lên một đám mây đen, rồi tối sầm lại. Người học trò giơ cây gậy lên thì đám mây đen tan ngay, trời sáng bừng lên. Thái tử về cung, đem việc nằm mộng hỏi thị thần. Quan Thái bộc đoán: “Người học giả là kẻ học trò, tên y tất có chữ giả 者, đội mũ cỏ, tức là thêm bộ thảo đầu 艹, tức là tên Trứ 著. Trong chữ Trứ có nét phẩy cài sít qua chữ nhật, tức là cái gậy xiên qua mặt trời. Từ Lam Sơn lại, người ấy tất ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Đám mây đen đùn lên ở bên mặt trời là điềm sau nầy biên thuỳ có loạn. Người ấy cầm gậy vẫy mà đám mây tan là điềm người ấy sau dẹp tan giặc. Vậy xin Điện hạ nghiệm xem khoa thi này có người tên Trứ quê ở vùng Nghệ Tĩnh thi đỗ không?”
  Thái tử nghe lời. Đến khi quan trường chấm xong đệ danh sách vào Bộ duyệt, thấy thí sinh tên Nguyễn Công Trứ đỗ thủ khoa; Thái tử mừng là ứng vào điềm mộng và quốc gia đã tuyển được nhân tài chân chính. Khoa ấy, các quan chấm trường, và quan Thái bộc đều được thăng một cấp.
  Quả nhiên, về sau, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1834), tướng giặc Nồng Văn Vân đánh chiếm vùng biên giới tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Công Trứ đang giữ chức Tổng đốc Hải Dương, được triều đình sai đi đánh, dẹp xong giặc.

   Làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông là người văn võ kiêm toàn, làm quan ở đâu cũng có chính tích, có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù, là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương.

Tương truyền, Nguyễn Công Trứ lúc còn trẻ rất hay đi hát ví. Có lần, ông bị đối phương là một cô gái trẻ, đẹp, hỏi dồn cho một thôi như sau:

Hỏi anh hà tính, hà danh,
Hà châu, hà quận, niên canh kỷ hà?


 Người đẹp tham lam muốn tìm hiểu nhiều điều quá: Họ gì? Tên chi? Châu nào? Quận nào? Tuổi bao nhiêu ? Trả lời cho đầy đủ cả bấy nhiêu điều vào trong vài câu thật không phải chuyện dễ. Nhưng im lặng không trả lời gì, thì chẳng hóa ra chịu thua người đẹp ư?
 Nguyễn Công Trứ đứng ngẩn ra một lúc, rồi đành phải đáp lại qua quýt cho xong việc:

Trước Lam thủy sau Hồng sơn,
Nhà nào đọc sách gẩy đờn là anh.

Dù hay trêu hoa ghẹo nguyệt, nhưng khi gặp cô gái quá chủ động như vậy, Nguyễn Công Trứ lại không dám trêu ghẹo gì. Sau khi trả lời cô gái kia, ông cắp nón chuồn thẳng không dám ngoái cổ lại.

Nguyễn Công Trứ cũng nổi tiếng là người phong lưu. Năm 73 tuổi, khi nạp một người thiếp còn đương độ thanh xuân, tối tân hôn, ông cao hứng làm một bài hát nói có những câu hài hước sảng khoái:

…..
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa lấp lánh,
Nhất tọa lê hoa áp hải đường. (1)
Từ đây đà tạc đá ghi vàng,
Bởi đâu trước lựa tơ chắc chỉ.
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ:
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam! (2)
…..
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai.
Càng già càng dẻo càng dai.


(1) Hoa lê trắng ở bên hoa hải đường đỏ
(2) Niên kỷ, cô dâu muốn hỏi tuổi đức lang quân/
   Năm mươi năm trước tớ hăm ba!


   Trong thời gian ông sống nhàn ở Đại Nại, bố chánh Hà Tĩnh là Hoàng Nho Nhã, lúc rảnh việc thường đến chùa cùng ông bàn luận văn chương thế sự. Thấy ông quá đỗi phong lưu, họ Hoàng tặng câu đối :

Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu
Phong lưu đáo lão thế nhân vô

(Sự nghiệp kinh người thiên hạ có
 Phong lưu đến già thế gian không)

  Hơn 50 năm sau, ông Phan Bội Châu lên chùa Đại Nại chơi, thấy đôi câu đối treo ở nhà Tổ, lấy làm lạ, mới hỏi sự tình. Sư cụ thuật hết đầu đuôi câu truyện cho nghe. Ông Phan lấy làm khoái trá, cho là một giai thọai phong lưu đệ nhất, liền làm một bài thơ hoài niệm, có hai câu:

Hà như Uy Viễn Tướng quân thú
Túy ủng hồng nhi đáo pháp môn

(Làm thế nào được thú như Uy Viễn tướng quân
 Lúc say mang cả ả đào lên cửa Phật)

“Sự nghiệp” phong tình của Nguyễn Công Trứ còn được dân gian truyền tụng rất nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là giai thoại “Giang sơn một gánh giữa đàng…”. Thuở hàn vi, và cả khi đã công thành danh toại, chức trọng quyền cao, hay khi đã về già cưỡi bò ngao du sơn thuỷ, Nguyễn Công Trứ vẫn rất mê ca hát – nhất là hát Phường Vải và Ca Trù.

Gần làng Uy Viễn có làng Cổ Đạm là một phường Ca Trù nổi tiếng vào loại nhất nước, có nhiều đào nương tài giỏi và xinh đẹp, trong số đó có nàng tên là Hiệu Thư. Tương truyền cô đào ấy phong tư diễm lệ, tài hoa xuất chúng, giọng hát tuyệt hay, nhưng tính tình có lẽ vì thế mà kiêu kì, chỉ tiếp những vương tôn công tử, những người nổi danh trong chốn. Nguyễn Công Trứ say mê Hiệu Thư, nhưng vì nhà nghèo, không thể quen thân gần gũi được nên đành “kính nhi viễn chi” mà thôi. Nhân vốn là một tay đàn giỏi có tiếng trong vùng, cậu Nho sinh Trứ liền tìm cách xin vào làm kép cho Hiệu Thư, thường nàng đi hát ở đâu thì chàng cũng được cắp đàn đi theo.

 

Một tối nọ gánh Ca Trù Cổ Đạm được mời sang hát ở Vĩnh Yên cách đó khá xa, Hiệu Thư được điều đi phục vụ, và nàng xin ông bầu gánh mời Nguyễn Công Trứ – lúc này vừa đậu Giải nguyên nhưng chưa được triều đình gọi, vẫn là hàn sĩ sống ở quê – đi theo cùng để vừa hoạ đàn vừa đặt lời ca. Trên đường đi, không biết vì cớ gì mà hai người – chàng và nàng – tụt lại sau mọi người, chỉ có một đứa tiểu đồng nhỏ theo hầu. Mải mê nói chuyện, lúc đến giữa cánh đồng rộng, Nguyễn Công Trứ giả vờ sửng sốt vì phát hiện ra mình đã bỏ quên dây đàn ở nhà, và ngon ngọt nhờ chú tiểu đồng chạy về lấy hộ. Thế rồi… trên cánh đồng lúa giập giờn chỉ còn trai tài gái sắc… cũng giập giờn… và…tiếng “Ứ hự” vang lên kì diệu, lạ lùng.

 

Ít ngày sau đêm đó, Giải nguyên Trứ được triệu vào Kinh nhậm chức… Rồi nhiều năm trôi qua…Nguyễn Công Trứ đã trở thành Tham tri bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An. Một lần, nhân ngày vui ông cho tổ chức cuộc hát xướng tại tư dinh, nhờ các quan sở tại mời các danh ca đến phục vụ. Chẳng ngờ trong số những người được mời đến lại có cả cô đào Hiệu Thư. Khi bước ra trình diễn, ngước mắt trông lên, nhận ra quan Tổng đốc ngồi nghe hát kia chính là chàng kép Trứ ngày nào trên cánh đồng lúa huyện nhà, nàng liền cất giọng:

 

Giang san một gánh giữa đồng,

Thuyền quyên “ứ hự” anh hùng nhớ chăng?

 

Nghe câu hát, Nguyễn Công Trứ như giật mình bởi một cảm giác vừa nhói đau, vừa ngọt ngào từ đâu đó sâu trong kí ức hiện về. Định thần nhìn lại nàng ca kĩ vừa hát lên câu đó, quan Tổng đốc chợt thảng thốt hỏi:

 

– Có phải… Hiệu Thư đó không?

 

Khi cuộc hát tàn, hai người ngồi lại tâm sự, nàng kể cho chàng nghe quãng đời chìm nổi, phiêu bạt của mình kể từ đêm cánh đồng năm ấy… Khi biết Hiệu Thư vẫn chưa có chồng, quan Tổng đốc liền quyết định cưới nàng làm thiếp.

 

Ghi lại câu chuyện trên, thi sĩ Nguyễn Công Trứ để lại một bài thơ:

 

Liếc trông đáng giá mấy mười mươi

Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười,

Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết

Hoa tàn song lại nhuỵ còn tươi.

Chia đôi duyên nợ, đà hơn một

Mà nét xuân kia vẹn cả mười,

Vì chút tình duyên nên đằm thắm

Khéo làm cho bận khách làng chơi.

 

Nguyễn Công Trứ là kẻ rất phong lưu, đào hoa, thích hát xướng, cô đầu, trăng gió, khi còn bạch diện thư sinh hay đã đỗ làm quan lẫn lúc về già trí sĩ, vẫn mê rong chơi, hát xướng.

Chuyện kể rằng, một lần Nghè Tân gửi tặng cụ Trứ đôi câu đối:

 

Giang sơn tóm lấy đôi sân khấu

Văn vũ ra tay một khúc cầm.

 

Nhận được, mọi người xem xong xúm vào khen rối rít. Đúng là câu chữ nói về cụ Thượng Trứ: nào “giang sơn”, nào “sân khấu”, nào “văn vũ”, nào “khúc cầm” (khúc đàn)… Riêng khổ chủ Nguyễn Công Trứ chỉ lặng im tủm tỉm cười ruồi. Thấy thế, mấy người bạn của cụ lấy làm lạ, họ cố suy nghĩ, và cuối cùng rồi cũng hiểu. Thì ra “giang sơn” ở đây là từ câu thơ của một đào nương tặng cụ mà ai cũng biết:

 

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ… hự… anh hùng nhớ chăng?

Còn “tóm lấy đôi sân khấu” đối với “ra tay một khúc cầm” (cầm một khúc!) thì quả là vừa hay, chuẩn, vừa hóm hỉnh tinh nghịch!

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Dương tổng hợp và biên soạn

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (4): Tứ nghệ bát thú

3. Các cách hưởng lạc a. Cầm kỳ thi họa Nhắc đến hưởng lạc, không thể nhắc đến thú chơi cầm kỳ thi họa (tứ nghệ). Trên thực tế, tứ nghệ ban đầu là chuẩn mực để đánh giá học vấn phụ nữ trong thời trung đại. Đối với nam giới, người Trung Quốc đánh giá qua lục nghệ, bao gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII – XIX, chuẩn mực đánh giá học vấn của nữ giới dần

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (6): “Làm cây thông đứng giữa trời”

(*) Tiêu đề trích thơ Nguyễn Công Trứ c. Ngông nghênh: Nhắc đến nhà Nho tài tử, không thể không kể đến thái độ ngông nghênh, khinh thế ngạo vật của những con người nhận thức rõ tài năng của bản thân trước thời thế này. Vậy, họ thể hiện sự ngông của bản thân như thế nào? Chúng ta hãy bắt đầu với Nguyễn Khản, quan đại thần dưới thời chúa Trịnh Sâm. Khi làm quan, Nguyễn Khản thường xin phép nghỉ ở nhà.

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (3): Tuyên ngôn hưởng lạc

II. Sự xuất hiện đông đảo của các nhà Nho tài tử: Bối cảnh xuất hiện: Kể từ thế kỷ XVII, ở nước Việt tồn tại nhiều chính quyền khác nhau: từ Lê – Mạc, đến Lê – Trịnh, Lê – Trịnh – Nguyễn. Việc có nhiều chính quyền, quyền lực của vua không còn là tuyệt đối,  và mỗi chính quyền lại tổ chức những kỳ thi tuyển chọn khác nhau ở từng nơi khiến cho giới học trò không còn bị ràng buộc

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?   Tiền đề: Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII – XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ... Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục...) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một

Thần quỷ ở Hà Nội (2): Thần trong quan niệm khu vực đồng bằng bắc bộ (Ghi chép ngắn)

Đọc đầy đủ chùm bài THẦN QUỶ Ở HÀ NỘI. Trích từ bài viết “Hệ thống thờ cúng thần của người Việt” của tôi. “Thần” là một khái niệm rất khó định nghĩa cho dù ở bất cứ nền văn hóa nào. Một cách mơ hồ, ta có thể hiểu “thần” như một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài đời sống hiện hữu của con người nhưng vẫn có thể tác động đến số phận của mỗi cá nhân. Con người một các tự