Home Chuyên đề tháng Lễ Pút Tồng của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai (Ghi chép điền dã)

Lễ Pút Tồng của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai (Ghi chép điền dã)

Tả Phìn là một xã vùng cao nằm ở phía bắc của huyện Sap Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km. Trong xã có ba dân tộc anh em cùng sinh sống là người Dao, người Hmông và người Kinh. Người Dao ở Tả Phìn thuộc nhóm Dao Đỏ (Miền Xí), là một cộng đồng tương đối đặc biệt, họ còn lưu giữ được khá nhiều nét đặc sắc trong nền văn hoá truyền thống của họ. Trong cuốn “Trang phục cổ truyền của người Dao ở Việt Nam” (Nxb Khoa học Xã hội, 2004), Nguyễn Khắc Tụng đã chia nguời Dao Đỏ vào nhóm Đại bản thuộc phương ngữ thứ nhất (là phương ngữ gọi “người” là “miền”) (1)

Người Dao Đỏ ở Tả Phìn còn lưu giữ được khá nhiều nét đặc trưng của văn hoá truyền thống của họ. Một trong số đó là lễ pút tồng (nhảy đồng) được tổ chức vào đầu năm mới. Lễ pút tồng của người Dao Đỏ là nghi lễ quan trọng nhất của các dòng họ khi năm mới bắt đầu. Trong các nghiên cứu về người Dao, chưa có những nghiên cứu sâu về vấn đề này, dù rằng đã rất nhiều người đề cập đến “lễ tết nhảy” (Giàng chảu đao) của người Dao. Thực chất, lễ tết nhảy cũng chính là lễ pút tồng (tức lễ nhảy đồng hay lễ lên đồng). Trong các buổi lễ pút tồng của các dòng họ, khách tham quan có thể tham gia thoải mãi nhưng theo tục lệ của người Dao Đỏ ở đây là họ không cho phép quay phim hay chụp ảnh một số tiết mục quan trọng trong lễ pút tồng. Chính vì vậy mà những tư liệu để nghiên cứu vấn đề này cũng không phải là phong phú lắm.

Tiến hành tìm hiểu về nghi lễ pút tồng của người Dao Đỏ ở Tả Phìn, chúng tôi đã dùng các phương pháp nghiên cứu nhân học-dân tộc học, thông quan các mô tả, tái diễn của những người tham gia hay chứng kiến lễ pút tồng và qua những phân tích, giải thích của các thầy cúng-những người làm chủ lễ trong các buổi lễ pút tồng, chúng tôi xin đưa ra một số mô tả tiến trình buổi lễ pút tồng và giải thích một số ý nghĩa của nghi lễ qua những thông tin thu được từ cuộc điều tra và những kiến thức ít ỏi về người Dao.

1. Tên gọi, nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Pút tồng.

  • Tên gọi: Trong tiếng Dao, hai chữ “pút tồng” có nghĩa là “nhảy đồng” (pút nghĩa là nhảy, tồng nghĩa là đồng). Chữ “đồng” có ý nghĩa tương tự như trong chữ “lên đồng” trong đạo Mẫu của người Việt. Nhảy đồng có thể hiểu theo nghĩa cơ bản nhất là nhảy múa lúc lên đồng. Pút tồng một mặt nó mang ý nghĩa là một nghi lễ trong thờ cúng tổ tiên của một dòng họ trong ngày tết, mặt khác nó cũng là tên gọi của một điệu nhảy sẽ diễn ra trong ngày lễ này. Vậy nên một số người gọi đây là lễ tết nhảy (giàng chảu đao) của người Dao Đỏ. Khi người Dao gọi đi pút tồng thì có nghĩa là họ sẽ đi nhảy đồng ở dòng họ đang làm lễ pút tồng.
  • Nguồn gốc: Đến nay, người Dao Đỏ ở Tả Phìn cũng không biết được lễ pút tồng có từ bao giờ. Giải thích nguồn gốc của điệu múa pút tồng không dễ dàng khi mà người chủ thể của điệu múa này cũng chỉ biết nó có từ xa xưa lắm rồi, thế hệ này truyền qua thế hệ khác cho đến nay vẫn tiếp tục. Theo một số người thuộc họ Lý (là một dòng họ lớn của người Dao Đỏ ở Tả Phìn) như Lý Sài Vạn (53 tuổi) (là một thầy cúng đã tham gia làm chủ lễ rất nhiều lần pút tồng và có nhiều hiểu biết về pút tồng) và Lý Mảy Chạn (54 tuổi, là một người hiểu nhiều về văn hóa người Dao Đỏ) thì lễ pút tồng bắt nguồn từ việc di cư của người Dao từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong thời gian ở Trung Quốc hạn hán mất mùa và loạn lạc, một số cộng đồng đã di cư về phía nam qua Việt Nam. Trong khi di cư, người Dao và người Hmông cất giữ và cúng báí tổ tiên ở trong cánh tay để đi, còn một số dân tộc khác như người Giáy lại để tổ tiên ở vạt áo. Khi qua sông sang Việt Nam, người Giáy đã cắt bỏ vạt áo để tổ tiên ở lại Trung Quốc, còn người Dao và Hmông thì không thể chặt tay để lại nên sau khi vào vùng đất mới thì họ lập bàn thờ để thờ cúng tổ tiên với hình tượng là một pho tượng nhỏ và một thanh kiếm. Từ đó, đến ngày đầu năm mới thì người Dao lại tổ chức lễ pút tồng để vừa tắm rửa gọi sạch cho tổ tiên (tượng và kiếm) chuẩn bị đón một năm mới, cũng là dịp để thể hiện sự biết ơn những người thế hệ trước và cầu phúc cho cả họ một năm mới tốt lành và no đủ hơn. Cách giải thích này của họ nghe có vẻ không lôgic, nhất là khi xem xét các ý nghĩa của từng điệu múa. Nhưng dù sao đây cũng là một ý kiến hiếm hoi thay cho cái không biết của các họ khác trong vấn đề này.
  • Ý nghĩa: Pút tồng là nghi lễ, là công việc quan trọng nhất của dòng họ trong dịp tết. Nó có ý nghĩa nhớ ơn, thờ cúng tổ tiên, cũng là sự cầu phúc cho cả họ đầu năm mới. Bên cạnh đó, pút tồng còn có nghĩa trong việc cố kết các thành viên trong dòng họ và các dòng họ lại với nhau. Pút tồng cũng là một thời gian vui chơi cho mọi người, họ có thể tham gia nhảy múa các điệu múa truyền thống của họ. Gần như cả thôn cùng đi nhảy để ủng hộ cho dòng họ đang làm pút tồng. Nói chung lại thì tất cả đó là ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ.

Thời gian: Từ ngày 9/8/2008 đến ngày 27/8/2008
Địa điểm: Thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Người thực hiện: Bùi Minh Hào, cộng tác viên Sở VHTT&DL Lào Cai.
Nội dung: Khảo sát về Lễ Pút Tòng của người Dao Đỏ ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

2. Chuẩn bị cho lễ pút tồng

Bao gồm các việc:

  • Chọn ngày cử hành lễ pút tồng và chọn giờ để bắt đầu pút tồng
  • Chọn người làm chủ lễ
  • Chuẩn bị các đồ lễ sẽ sử dụng trong buổi lễ pút tồng

Chọn ngày cử hành lễ và  chọn giờ để bắt đầu làm lễ:

Thông thường, các dòng họ người Dao Đỏ sẽ tổ chức pút tồng vào ngày đầu năm mới (theo lịch âm), tức là dịp tết nguyên đán. Họ tổ chức pút tồng vào ngày mồng 1 hoặc mồng 2 tết. Công việc chọn ngày do người trưởng họ (tộc trưởng) quyết định và ông ta cũng là người đi nhờ thầy cúng xem và chọn giùm cho nếu ông ta không biết về vấn đề này. Các dòng họ đều có những ngày kiêng kỵ khác nhau. Nếu ngày kiêng kỵ của họ mình mà trùng ngày mồng 1 tết thì họ phải chuyển qua tổ chức pút tồng vào ngày mồng 2 tết. Ngày kiêng kỵ của một số dòng họ của người Dao ở Phìn như sau (tính theo 12 con giáp trong lịch can – chi):

  • Họ Lý và họ Tẩn kiêng ngày hợi (ngày con lợn) và ngày mão (ngày con mèo)
  • Họ Chảo (hay còn gọi là họ Triệu) kiêng ngày tý (ngày con chuột) và ngày thân (ngày con khỉ).
  • Họ Phàn kiêng ngày ngọ (ngày con ngựa), ngày dần (ngày con hổ) và ngày tuất (ngày con chó). (2)

Sau khi chọn được ngày thì trưởng họ cũng nhờ thầy xem giờ để bắt đầu pút tồng luôn. Cả họ tập trung đến nhà có bàn thờ tổ tiên của cả họ (thường thì bàn thờ lớn này ở nhà trưởng họ) từ sáng sớm để chuản bị cho lễ pút tồng. Sau khi làm lễ cúng tổ tiên xong thì người trưởng họ sẽ hỏi người chủ lễ là đến giờ pút tồng chưa, nếu người chủ lế bảo đến giờ pút tồng rồi thì bắt đầu còn bảo chưa thì lại chờ. Chọn giờ là để tránh những điều xấu mà cả họ sẽ kiêng kỵ hay gặp phải khi không tuân theo. Thường các họ sẽ bắt đầu pút tồng vào cuối giờ  thìn đầu giờ tỵ. Thực ra, khi không gặp phải giờ kiêng kỵ thì họ có thể chọn một giờ nào đó phù hợp với thời gian trong ngày để pút tồng và vui chơi cho thỏa thích. Vấn đề chọn giờ bên cạnh kiêng kỵ còn thêm ý nghĩa đó.

Sau khi chọn được ngày giờ làm lễ pút tồng thì trưởng họ sẽ báo cho các gia đình trong họ để các gia đình này thông báo cho tổ tiên của mình sẽ làm lễ pút tồng họ mình tại nhà ông trưởng họ (nhà có bàn thờ lớn) vào ngày đó.

Chọn người làm chủ lễ:

Đây cũng là công việc mà người trưởng họ phải làm. Trong buổi lễ pút tồng thì người chủ lễ là người được tổ tiên của dòng họ đó chọn lựa. Lúc đó, tổ tiên sẽ nhập vào người này trong nghi lễ lên đồng. Nhưng điều ngẫu nhiên đó chỉ mang tính nghi lễ, còn bây giờ thì người ta phải lựa chọn một người thầy cúng biêt nhiều về việc này và nhờ người này làm chủ lễ pút tồng cho họ mình vào ngày đó. Sau khi quyết định cả họ sẽ tổ chức pút tồng thì người chủ họ sẽ xem trong số các thầy cúng mà mình biết có những ai hay làm chủ lễ pút tồng, sau đó tắm rửa sạh sẽ rồi đi mời thầy. Nếu thầy nhận lời thì coi như xong, mà thầy bận thì phải đi mời thầy khác. Công việc mời thầy làm chủ lễ pút tồng được tiến hành trước khi làm lễ 1 -2 ngày.

Không phải ai cũng có thể làm chủ lễ pút tồng được. Người có thể làm chủ lễ phải đáp ứng nhiều điều kiện. Trước hết, họ phải là thầy cúng, vì thầy cúng mới hiểu được hết ý nghĩa và nghi lễ diễn ra trong buổi lễ. Người thầy cúng này phải học nhảy và nhảy giỏi hơn nhiều người khác. Các điệu nhảy múa trong pút tồng không đơn giản nên chủ lễ phải biết và thực hiện được hết. Hơn nữa, nếu chỉ biết nhảy thôi vẫn chưa đủ, họ còn phải dạy nhảy cho nhiều người, tức họ phải là thầy dạy nhảy. Khi họ đi học nhảy thì họ mới chỉ là “xay cỏ” (học trò), còn khi họ dạy người khác thị họ là “xay tỉa” (thầy, sư phụ). Người có thể làm chủ lễ phải là các “xay tỉa”. Trong lễ pút tồng, vai trò của người chủ lễ rát quan trọng nên việc chọn được một thầy giỏi không phải là chuyện đơn giản. Người trưởng họ đi mời thầy cũng phải xem vì nếu thầy có tuổi không hợp với họ nhà mình thì cũng không được. Vì nhiều vấn đề nên dù họ nào cũng có những thầy cúng giỏi và làm chủ lễ được nhưng nhiều khi họ vẫn phải đi mời thầy của họ khác về làm chủ lễ.

Trước đây, sau khi mời được thầy cúng thì đến khi làm lễ trưởng họ phải tự mình đi rước thầy về làm chủ lễ. Nhưng hiện nay, theo đúng hẹn thầy sẽ đến làm luôn, cũng có một số phải đi rước thầy về làm lễ, nhất là khi các họ bé, không có địa vị trong thôn mà muốn mời các thầy giỏi.

Chuẩn bị các đồ lễ sẽ sử dụng trong buổi lễ pút tồng:

  • Chuẩn bị mâm cỗ gồm bánh dày và gà. Khoảng 16 cái bánh dày (8 bánh đặt trên bàn thờ tổ tiên, 8 bánh đặt ở cái bàn dài để cạnh bàn thờ tổ tiên). Số lượng gà dùng trong lễ pút tồng tương đối nhiều, trước khi pút tồng phải mổ hai con gà trống để làm cỗ cúng tổ tiên, trong khi pút tồng thì tùy vào số lượng các thầy và số người tham gia pút tồng mà số gà sẽ nhiều hay ít, nhưng thường là khoảng từ 6 đến 9 con gà trống gáy. Bánh dày và gà do các gia đình trong họ chuẩn bị và đưa đến nhà trưởng họ trong ngày lễ pút tồng.
  • Chuẩn bị một ít gạo trắng (khoảng 1 kg) để khi pút tồng thầy chủ lễ sẽ dùng gạo trắng này tung lên và tuyên bố bắt đầu pút tồng.
  • Chuẩn bị một số gà trống gáy tuỳ theo số lượng cần sử dụng để múa gà trong buổi lễ.
  • Chuẩn bị rượu, nước sạch, hương (nhang) để dùng khi làm lễ.
  • Chuẩn bị giấy cúng và cờ để dùng khi múa cờ và trong các lễ cúng.
  • Chuẩn bị khoảng 2 cây củi khô lớn để đốt lấy than đỏ dùng cho lễ bốc than sẽ có thể diễn ra trong lễ pút tồng.
  • Chuẩn bị các đồ dùng khác theo yêu cầu của người chủ lễ và người trưởng họ.

3. Quá trình diễn ra lễ pút tồng của người Dao Đỏ

Quá trình này diễn ra theo các bước như sau:

  • Thông báo cho tổ tiên biết ngày pút tồng.
  • Lễ cúng tổ tiên trước khi pút tồng.
  • Lễ pút tồng.

3.1. Lễ thông báo cho tổ tiên biết về ngày tổ chức pút tồng

Lễ pút tồng có thể diễn ra vào ngày mồng 1 hoặc mồng 2 tết nhưng làm lễ thông báo cho tổ tiên thì nhất thiết phải là ngày cuối cùng của năm cũ.

Lễ thông báo diễn ra đơn giản, chủ nhà chuẩn bị bánh dày để đặt lên bàn thờ tổ tiên của nhà mình, thường là một đôi bánh dày, rót 5 chén rượu và một chén nước chè sạch để lên. Năm chén rượu để thành một hàng phía trước bàn thờ, chén nước chè sạch để ở phía trước năm chén rượu. (Nước chè sạch là nước chè ở trong bình mà chưa ai rót uống cả, hay chỉ nấu lên dành riêng cho việc làm lễ). Sau đó đi mời thày cúng về làm lễ. Đi mời thầy cúng không nhất thiết là chủ nhà mà là một thành viên nam bất kỳ trong gia đình.

Thầy cúng về sẽ thắp hương và cúng thông báo cho tổ tiên biết ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ pút tồng của dòng họ. Trong lễ này, thầy cúng có đọc một bài cúng bằng tiếng bằng một thứ tiếng mà những người khác không hiểu được (đây là tiếng Quan Hoả, một thứ ngôn ngữ mà các thầy cúng còn biết ít nhiều chứ những người khác không biết được). Đại ý của bài cúng là: Gia đình con là …, xin báo với tổ tiên là ngày… tháng….năm…, vào lúc mấy giờ… họ nhà ta sẽ tổ chức pút tồng tại nhà …. (trưởng họ). Vậy chúng con xin mời tổ tiên về chứng kiến và phù hộ cho họ nhà ta mạnh khoẻ, giàu có, thông minh (theo lời của thầy cúng Chảo Sành Tình, khi chúng tôi hỏi nguyên văn tiếng Quan Hoả bài cúng này thì ông không nói). Sau khi thầy cúng báo cáo xong thì  đem đốt các giấy cúng và kết thúc. Sau khi làm xong lễ thông báo tổ tiên thì cả nhà nghỉ ngơi và chuẩn bị để đón giao thừa vào tối đó, và cũng chuẩn bị cho lễ pút tồng vào ngày sau đó luôn.

Lễ pút tồng là công việc quan trọng của cả họ và thường được tổ chức ở nhà thờ lớn của họ. Nhà thờ lớn cũng thường là nhà của người trưởng họ (tộc trưởng). Nhưng lễ báo tổ tiên biết ngày giờ pút tồng thì được các gia đình tổ chức ngay tại nhà mình. Và mọi gia đình trong họ đều tổ chức cúng báo tổ tiên. Lễ diễn ra nhanh chóng và bày đặt đơn giản nhưng không thể thiếu. Đây cũng là một sự chuẩn bị đầu tiên cho lễ pút tồng.

3.2. Lễ cúng tổ tiên trước khi pút tồng.

Buổi tối của ngày trước khi tổ chức pút tồng, mọi thành viên đều chuẩn bị chu đáo, tắm rửa sạch sẽ mới được đến tham gia pút tồng.

Sáng sớm, trước khi đến nhà trưởng họ tham gia pút tồng thì các thành viên trong gia đình sẽ đi hái lộc đầu năm. Hái lộc chỉ dành cho những người 18 tuổi trở xuống. Những người hái lộc phải ra vườn hái hoa và lấy đá. Họ đi ra vườn phải cởi bỏ giày dép lại, đi chân không hoặc mỗi tất không, mặc áo quần không có mùi xà phòng, và không có đính một vật gì bằng đồng, theo sự giải thích của ông Lý Sài Vạn thì đây cũng là một kiêng ky: trong lễ pút tồng tổ tiên không chấp nhận người nào mặc áo giặt bằng xà phòng, có mùi nước tiểu trẻ con hay có đính kim loại đồng nên những người này phải làm lễ bốc than để rửa sạch bản thân mình mới được tham gia pút tồng. Hái hoa và nhặt đá cõ ý nghĩa riêng của nó. Hoa là tượng trưng cho con người, hoa mận (màu trắng) tượng trưng cho con trai, hoa đào (màu đỏ) tượng trưng cho con gái. Cả nam lẫn nữ đều hái mấy bông hoa bao gồm cả hoa mận và hoa đào thể hiện cho sự hài hòa, khỏe mạnh. Đá là tượng trưng cho của cải, vàng bạc, lấy đá với mong muốn năm mới có được nhiều của cải, giàu có, no đủ. Sau khi hái xong hoa và lấy được đá thì mọi người sẽ đi đến nhà trưởng họ để tham gia lễ pút tồng. Mỗi gia đình khi đi đến nhà trưởng họ để làm lễ thường mang theo một con gà trống, một lít rượu và ít giấy cúng.

Tại nhà trưởng họ, có một người tổ chức (thường là trưởng họ) đứng ra đón mọi người và sắp xếp công việc. Tại đây có hai bàn được đặt ở trung tâm của ngôi nhà, là nơi rộng rãi và nghiêm trang nhất của ngôi nhà. Một bàn thờ tổ tiên cao hơn và đặt sát với vách nhà hơn, một bàn dài thì đặt phía trước bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ tổ tiên sẽ được bày 8 cài bánh dày (họ Lý), có họ chỉ để 4 cái bánh dày; rót 5 chén rượu để cách đều nhau thành một hàng ngang, rót một chén nước chè sạch để phía trước 5 chén rượu. Trung tâm của mỗi bàn đều có một con gà cỗ bày lên.

Sau khi mọi người ở các gia đình trong họ đã đến khá động đủ thì người tổ chức sẽ gọi mọi người đến trước bàn thờ và chọn 4 bông hoa đã được con cháu hái về, cắm lên bàn thờ trên 2 bông và cắm ở bàn dài 2 bông. Tiếp đó, người này sẽ phát cho mỗi người hai tờ giấy cúng gấp lại để chuẩn bị làm lễ.

Người tổ chức đứng trước cùng, những người khác trong họ theo thứ tự vai vế, tuổi tác mà xếp hàng ở phía sau. Người tổ chức sẽ bắt đầu cúng tổ tiên. Nội dung bài cúng có thể hiểu nôm na là: Hôm nay là ngày đầu năm mới, cả họ tập trung về đây để cúng tổ tiên và chuẩn bị pút tồng, cầu mong tổ tiên phù hộ cho cả họ ta được mạnh khỏe, thông minh, làm ăn phát đạt, học hành giỏi dang, làm ra được nhiều ngô lúa, tiền bạc. Để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên và thể hiện sự nghiêm trang của buổi lễ, mỗi khi người tổ chức ngắt câu cúng thì tất cả cùng vái một cái. Khi kết thúc bài cúng thì phải vái ba cái liền.

Sau khi cúng tổ tiên xong, cả họ bắt đầu dọn cỗ ra để ăn cùng nhau một bữa cơm đầu năm. Bữa cơm đoàn viên này do những thành viên trong họ đến cùng chuẩn bị từ sáng. Cả họ cùng ăn cơm, uống rượu với nhau, vừa nói chuyện năm cũ năm mới. Một số người phải làm những việc quan trọng trong khi pút tồng thì ăn xong họ phải đi chuẩn bị. Sau khi bữa ăn kết thúc, con cháu trong họ sẽ đi mang trống, chiêng ra nổi vang lên báo hiệu họ mình sắp bắt đầu pút tồng và chào đón các họ khác đến ủng hộ họ mình pút tồng.

3.3. Lễ Pút tồng (nhảy đồng).

Lễ pút tồng là một lễ hội lớn của người Dao Đỏ ở Tả Phìn. Đây không chỉ là một lễ đơn thuần mà bao gồm nhiều tiết mục, nhiều nghi lễ. Để hiểu rõ hơn lễ hội này của người Dao ta có thể xem xét toàn bộ buổi lễ qua các mục sau:

  • Làm lễ tuyên bố bắt đầu pút tồng
  • Bốc than trong lễ pút tồng
  • Các bài múa trong lễ pút tồng.
  • Lễ tắm gội cho tượng gỗ và thanh kiếm.
  • Kết thúc lễ pút tồng.

3.3.1. Tuyên bố bắt đầu lễ pút tồng

+ Chọn người làm chủ lễ: Người chủ họ trước khi làm lễ pút tồng đã mời một người làm chủ lễ cho họ mình. Người này phải là thầy cúng và nhảy giỏi. Người chủ lễ thường có thêm một người phó làm cùng nữa. Người chủ lễ này sẽ điều hành toàn bộ buổi lễ. Khi buổi lễ sắp bắt đầu, tổ tiên của họ pút tồng sẽ chọn ra một người làm chủ lễ (đây là người được nguời trưởng họ mời về). Người này có thể là người trong họ hoặc người ngoài họ. Dấu hiệu nhận biết là người này sẽ run lên và đi vào trạng thái lên đồng, đó là lúc tổ tiên nhập vào người này để điều hành buổi lễ. Trong buổi lễ này, thường người được mời làm chủ lễ sẽ run lên trước và người chủ họ sẽ mời họ ra luôn. Nhưng cũng có trường hợp có nhiều người cùng run lên một lúc. Lúc này, người truởng họ sẽ thay mặt ra mời và sẽ mời người đã có sự chuẩn bị trước.

+ Trong buổi lễ pút tồng, người chủ lễ sẽ mặc một chiéc áo dài (vai và nách rộng như áo ba lỗ) mà người Dao quen gọi là áo Luy Quả. Áo Luy Quả có bên trong là màu tìm, bên ngoài màu đỏ. Loại áo này không có ống tay và dài tới tận chân. Trong áo có gắn một mảnh vải trắng (gọi là Sày Chiên) để chứng tỏ là người chủ lễ đã có thầy dạy múa bài bản và cũng đã dạy được nhiều người biết nhảy (nói chung họ đã là Thầy). Còn người phó của chủ lễ sẽ đội lên đầu một khăn đỏ để chứng tỏ mình là người có hiểu biết khá về pút tồng và biết nhảy pút tồng. Những trang phục này mặt khác cũng là để khác biệt với những người tham gia pút tồng, tức là để phân biệt các thầy tổ chức lễ với những người tham gia lễ.

+ Người được chọn sẽ nhảy ra giữa sân nhà và run lên. Tiếp đó, ông ta chạy lại chỗ để sẵn gạo và bốc gạo ném tung lên trời. Sau khi gạo rơi xuống nhà thì ông ta dừng lại. Lúc này, người trưởng họ sẽ hỏi: “Thưa thầy, đã đến giờ pút tồng chưa?” Người chủ lễ bảo chưa được vì lý do gì đó thì sẽ dừng lại chờ thêm. Khi người chủ lễ bảo đến giờ rồi thì nhiều người sẽ run lên và ra nhảy. Thường thì đây cũng là những người nhảy giỏi, là các thầy dạy nhảy pút tồng. Người trưởng họ sẽ hỏi người chủ lễ là sẽ có mấy người tham gia nhảy. Người chủ lễ sẽ đưa ra một con số và hỏi ý kiến của tổ tiên (số người nhảy nhiều hay ít là tuỳ theo năm và cần bao nhiêu người nhảy, nó cũng tuỳ thuộc vào họ lớn hay họ nhỏ). Người này hỏi ý kiến tổ tiên bằng cách tung hai thanh tre lên cao, nếu hai thanh tre ngửa hoặc sắp thì nghĩa là tổ tiên đã đồng ý với số người mà người đó đưa ra, nếu như có một trong hai thanh tre sắp hoặc ngửa (hai thanh tre không giống nhau khi rơi xuống đất) thì phải đưa ra một con số khác. Làm như vậy khi nào được mới thôi. Sau đó, người chủ lễ lại tiếp tục run lên và tung gạo lên tiếp. Những người được tổ tiên chọn sẽ run lên. Người trưởng họ và người phó của của chủ lễ sẽ đi mời những người nhảy đồng ra nhảy. Khi nào đủ thì sẽ nhảy đồng loạt. Và họ bắt đầu các bài nhảy múa truyền thống của mình.

3.3.2. Bốc than trong lễ pút tồng

Đối tượng tham gia pút tồng thường không hạn chế về mặt số lượng. Họ cũng không phân biệt về mặt thành phần những người tham gia. Người Dao ở nơi khác đến cũng có thể tham gia. Thậm chí cả người Kinh dưới xuôi lên cũng có thể tham gia cho không khí thêm náo nhiệt. Nhưng khi tham gia vào lễ pút tồng thì người tham gia phải sạch. “Sạch” ở đây hiểu theo ý của họ là không mang theo những bụi bẩn, ô uế của trần gian vào lễ pút tồng. Chính vì vậy, khi người nào đó chưa sạch sẽ thì phải làm một cái lễ gọi là lễ bốc than. Lễ bốc than trong tiếng Dao gọi là Buột tẩu là một nghi lễ, hay gọi chính xác hơn là một hành động mang tính vừa ý thức vừa vô thức. Bốc than là để làm sạch sẽ thân thể, xoá hết những bụi bẩn trên cơ thể để trước khi tham gia nhảy đồng. Hành động này có ý thức ở chỗ nó có mục đích rõ ràng là làm sạch thân thể mình trước khi tham gia vào một công việc có tính chất linh thiêng. Nhưng hành động này vô thức ở chỗ phương pháp thực hiện. Hành động này diễn ra như sau:

+ Trong nhà trưởng họ, nơi tổ chức lễ pút tồng, khi chuẩn bị pút tồng thì người trong họ đã đốt một đống lửa lớn có nhiều than và tro nóng. Đống lửa này gần như cháy liên tục trong buổi lễ, đến khi lễ gần kết thúc thì họ mới để lửa tắt đi. Những người vào tham gia mà thân thể mình không sạch sẽ thì phải làm lễ bốc than để làm sạch sẽ thân thể của mình.  Khi mới pút tồng, toàn thân họ run lên. Họ chạy lại đống lửa đang cháy đỏ bốc than và tro nóng vứt lên người mình nhằm trừ tà và làm sạch sẽ thân thể.

+ Vậy, như thế nào thì người Dao Đỏ coi là thân thể có tà khí, chưa sạch sẽ, và tại sao phải bốc than thì mới tham gia pút tồng được? Thường thì những người mà áo quần họ trước khi đến lễ pút tồng mà có giặt bằng xà phòng (bột giặt) và còn có mùi xà phòng thì phải bốc than. Trường hợp thứ hai là trên thân thể có mùi nước tiểu trẻ con. Trường hợp thứ ba là trên cơ thể có một dụng cụ nào đó có đính một chất bằng kim loại đồng. Cả ba trường hợp này đều phải bốc than để làm sạch cơ thể. (Cũng có ý kiến cho rằng người ta còn kiêng vào đêm trước khi làm lễ pút tồng, vợ chồng cũng không được quan hệ với nhau, nếu có thì cũng phải làm lễ bôc than mới được tham gia pút tồng). Những người trong khi lên đồng, họ sẵn sàng vứt bỏ những vật dụng có đính kim loại đồng, kể cả đó là những vật dụng quý, đắt tiền như thắt lưng, áo ấm … Lẽ thường, khoa học đã chứng minh lả dùng xà phòng giặt đồ vải thì sạch hơn vì nó có chất tẩy sạch. Nhưng ở đây, người Dao lại không quan niệm vậy. Trong quan niệm của họ, sạch phải là sự sạch sẽ tinh khiết mang tính tự nhiên. Dùng xà phòng cũng là không tự nhiên, và do đó nó cũng là bẩn chứ không được coi là sạch.

+ Trong khi bốc than, theo những người tham gia và những người chứng kiến thì người thực hiện hành động bốc than vứt lên nguời mình đang ở trong trạng thái lên đồng. Tức là nửa tỉnh nửa mê. Chính họ lúc đó cũng không kiểm soát được hành động của mình. Nhưng một điều lạ mà theo mọi người kể lại thì những người này bốc than cháy đỏ lên người mà áo, quần và tóc đều không bắt lửa cháy, và tay chân và cơ thể của họ cũng không bị bổng vì lửa. Sau khi thực hiện xong việc bốc than, tức là đã làm sạch cơ thể mình thì họ thì họ chạy vào tham gia nhảy pút tồng như những người khác mà không hề có một hành động  khác nào như là bó thuốc hay chăm sóc gì của ai. Về mặt khoa học mà nói thì đây là một hiện tượng vô lý. Vô lý vì tay người thường khi chạm vào than đang cháy thì sẽ bị bổng, cũng như áo, quần hay tóc thì sẽ bắt lửa cháy. Nhưng ở đây hoàn toàn ngược lại. Bí ẩn sau câu chuyện này là gì thì những nguời đi pút tồng hoặc là không biết, hoặc là họ không giải thích rõ. Tôi nghĩ là họ không biết, bởi dù sao một nghi lễ linh thiêng, quan trọng như vậy thì cũng cần những cái bí ẩn thiêng liêng để như là một động lực duy trì hoạt động này. Những người tham gia và những người chứng kiến đều công nhận đây là một sự thật linh thiêng chứ không phải là một kỹ xảo hay tiểu xảo. Họ giải thích là khi lên đồng, có tổ tiên nhập vào mình nên tổ tiên sẽ bảo vệ mình và có bốc than, bốc lửa thì cũng không bị chảy bổng. Trong lễ pút tồng, những người phải bốc than là không nhiều nhưng vẫn có thường xuyên.

+ Cũng trong lễ bốc than, ta thấy có một thú vị ở chỗ: Chúng ta biết ở người Kinh và một số dân tộc khác có nghi lễ lên đồng nhập thánh, mà rõ nhất là trong đạo Mẫu của người Kinh. Trong khi lên đồng thì người Việt vẫn thường dùng nước sạch (nước thánh) để rửa sạch những bụi trần trước khi nhập thánh. Còn ở người Dao Đỏ thì ngược lại là dùng lửa để rửa sạch thân thể. Đây là hai quan niệm hoàn trái ngược nhau. Phải chăng họ là cư dân nương rẫy nên với họ lửa là một vật cao quý, thiêng liêng có thể trừ tà, làm sạch mọi bụi bẩn, trong khi người Kinh là cư dân trồng lúa nước nên lấy nước làm chủ đạo và dùng nó để rửa sạc thân thể. Đây chỉ là ý chủ quan của chúng tôi. Nhưng nói gì đi nữa thì bốc than cũng là một hiện tượng/nghi lễ khó hiểu và mang tính thiêng liêng của người Dao trong lễ pút tồng. Đây cũng chính là chỗ bí ẩn nhất trong lễ pút tồng. Chúng ta cũng cần có những tìm hiểu vấn đề này để tìm ra được những giải thích đúng đắn cho hiện tượng này. Có lẽ điều này sẽ đem lại những nhận thức mới về thế giới quan của người Dao.

3.3.3. Các bài múa trong lễ pút tồng.

Lễ pút tồng của người Dao Đỏ bao gồm nhiều bài múa. Buổi lễ diễn ra trong cả một ngày nhưng phần được người ta chờ đợi nhất là phần pút tồng (nhảy đồng). Các bài múa có thể khác nhau về vật kềm theo và cách di chuyển, nhưng đều có nét chung là đều thực hiện các động tác giống nhau và mang ý nghĩa khá giống nhau. Nói rõ ràng hơn là các bài múa pút tồng của người Dao có 14 điệu múa khác nhau và mang những ý nghía khác nhau. Mỗi điệu múa được thể hiện bằng các động tác khác nhau và mang các ý nghĩa khác nhau. Không phải mọi người Dao đều hiểu được ý nghĩa của các điệu múa này. Những người bình thường thì họ tham gia pút tồng nhiều lần nhưng họ vẫn không hiểu được ý nghĩa của các điệu múa. Thậm chí, một phần rất lớn không biết pút tồng có bao nhiêu điệu múa. Theo ý kiến của các thấy cúng đã pút tồng lâu năm và có nhiều hiểu biết về lễ pút tồng của người Dao, trong đó chủ yếu là ý kiến của các ông: Chảo Sành Tình (65 tuổi), Lý Sài Vạn (55 tuổi), Lý Phù Hang (52 tuổi), Tẩn Vần Vầy (57 tuổi), chúng tôi chia pút tồng ra thành ba bài múa. Bài múa thứ nhất là bài múa biểu diễn toàn bộ 14 điệu múa cơ bản, do các thầy thực hiện để cho mọi người xem và nhớ lại các điệu nhảy sau này sẽ tham gia pút tồng. Bài múa thứ hai là bài múa gà. Đây là bài múa có ý nghĩa quan trọng nhất. Bài múa này vẫn thực hiện 14 điệu múa như bài múa trước nhưng có một số động tác sẽ thay đổi cho đơn giản vì còn phải cầm gà múa. Trong bài múa gà thì người thực hiện phải là những người thầy giỏi vì múa gà có nhiều động tác rất khó mà không có kinh nghiệm sẽ không làm được. Bài thứ ba là bài múa mà các thầy sẽ dạy cho các học trò của mình. Nó vẫn là 14 điệu múa  nhưng được thực hiện chậm hơn để học trò có thể thực hiện theo được. Bài thứ nhất thì di chuyển theo đường thẳng, theo kiểu tiến ba bước lùi ba bước. Bài múa thứ hai lại di chuyển theo vòng tròn. Bài thứ ba thì thực hiện lại cả hai bài trên để học trò hiểu được.

Một vấn đề quan trọng khác nữa là tên gọi và ý nghĩa của các điệu múa. Hiện nay chỉ có một vài thầy cúng có thể nhớ rõ tên gọi của các điệu múa. Theo họ cho biết, tên của các điệu múa này không phải bằng tiếng Dao mà bằng một thứ tiếng khác mà họ gọi là tiếng Quan Hỏa. Thứ tiếng Quan Hỏa này thì chỉ có một số thầy cúng có thể hiểu được mà thôi, nhưng họ cũng chỉ hiểu được một số từ theo ý nghĩa của họ mà thôi. Còn người Dao hầu như cũng không nhiều người biết được. Chính vì lẽ đó mà dưới đây chúng tôi ghi chép lại tên các điệu múa theo tiếng Quan Hỏa, những điệu múa nào mà những người cung cấp thông tin nói trên hiểu và dịch ra được nghĩa thì chúng tôi xin giới thiệu luôn, có một số từ họ cũng không hiểu nên chúng tôi chỉ nêu ra và đưa ra một ý nghĩa tương ứng theo ý nghĩa của động tác đó mà thôi. Bên cạnh tiếng Quan Hỏa của tên điệu múa thì cũng xin ghi thêm tiếng Dao (theo ý nghĩa đã dịch ra). Vì những tên gọi không phải tiếng Dao nên việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa của từng điệu múa là vô cùng khó khăn. Nhiều khi họ giải thích ý nghĩa của cả điệu múa được nhưng khi diễn lại các động tác thì nhìn có vẻ không phù hợp. Điều này có lẽ phải tạm chấp nhận vì với một bài múa phức tạp như pút tồng thì không dễ để hiểu hết ý nghĩa, đặc biệt là từng động tác.

Như đã phân chia ở trên, bây giờ chúng tôi sẽ trình bày các bài múa pút tồng. Bài múa thứ nhất là bài cơ bản nên chúng tôi sẽ phân tích cả 14 điệu múa một cách cụ thể nhất có thể được. Còn hai bài múa sau thực ra là diễn lại 14 điệu múa của bài thứ nhất nên chúng tôi chỉ phân tích những động tác mà nó khác với bài thứ nhất.

Bài múa thứ nhất: 14 điệu múa cơ bản trong pút tồng.

Tên mười bốn điệu múa theo tiếng Quan Hoả như sau:

  1. Điệu múa thứ nhấtBuồi thìn tải vàng
  2. Điệu múa thứ haiBuồi tậy sủ pang
  3. Điệu múa thứ baYềm tồng (hay yều tồng)
  4. Điệu múa thứ tưYềm tồng tảy phin
  5. Điệu múa thứ nămChổng vàng chổng chẻng
  6. Điệu múa thứ sáu: Phìn nhàng
  7. Điệu múa thứ bảy: Khí thầu phủ mú
  8. Điệu múa thứ tám: Cho yềm phiều yểu chẻng
  9. Điệu múa thứ chín: Xìu tảy su
  10. Điệu múa thứ mườiPhò su lão su
  11. Điệu múa thứ mười một: Thìa luỳ piên
  12. Điệu múa thứ mười hai: Phàn thin phù tỷ
  13. Điệu múa thứ mười ba: Phàn xia hả ma
  14. Điệu múa thứ mười bốnChà phiên chà chiểng

Cụ thể, các điệu múa như sau:

+ Điệu múa thứ nhấtBuồi thìn tải vàng: Có nghĩa là vái trời vái đất (pải thìn pải tậy):

  • Động tác: Người nhảy đồng đưa 2 tay thẳng lên trời, mặt bàn tay hướng về phía trước, hai chân đứng thẳng. Theo nhịp điệu của trống chiêng, họ nhảy lên phía trước ba bước, hai chân nhảy cùng một lúc, hai tay vẫy đều nhau theo chiều ngang, họ nhảy về hướng có bàn thờ, khi hết ba bước sẽ đến gần bàn thờ, họ vỗ hai tay vào nhau. Sau khi tiến ba bước, họ thay đổi động tác, hạ tay xuống dưới. Tay vẫn vẫy theo chiều ngang nhưng chân giờ lại nhảy lùi ra sau. Bước chân cũng không đổi. Hết ba bước lùi thì họ dừng lại. Động tác này được thực hiện lặp lại ba lần thì xong điệu múa thứ nhất.
  • Ý nghĩa: Hai tay đưa cao vẫy là vẫy gọi trời, hay tay hạ xuống vẫy là gọi đất. Động tác này là gọi mời trời đất về chứng kiến và ủng hộ lễ pút tồng của họ mình. Sâu xa hơn, đây là sự cầu mong mưa thuận gió hòa, để mọi người mạnh khỏe, làm ăn khấm khá hơn năm cũ.

+ Điệu múa thứ haiBuồi tậy sủ pang: Có nghĩa là vái bốn phương đất (pải pẩy có tậy):

  • Động tác: Chân đứng thẳng, đưa một chân lên cao một chân đứng vững thuận chân nào làm chân đó), tay đưa về phía trước. Khi nhảy thì đổi chân và tay hướng vẫy về ba phía. Khi vẫy về hai bên người thí theo hướng tay nọ chân kia. Sau khi tiến ba bước thì lại nhảy lùi ba bước, động tác vẫn không thay đổi. Nói là vái bốn phương, nhưng thực hiện hết một lượt động tác chỉ là vái ba phương. mỗi lần tiến về phía bàn thờ thì người nhảy cứ vỗ hai tay vào nhau. Cũng thực hiện ba lần lặp lại thì xong điệu múa này.
  • Ý nghĩa: Gọi mời các vị thần cai quản bốn phương về chứng kiến cho họ mình pút tồng. Cũng có ý kiến cho rằng ngoài gọi mời thần thánh thì đây còn có ý nghĩa là gọi mời bạn bè bốn phương, các họ xung quang trong làng cùng đến tham gia, cổ vũ cho họ đang pút tồng. Ý nghĩa sâu xa của nó là mong muốn sự yên bình đồng thuận, bốn phương đoàn kết vui vẻ. Là mong muốn được tổ tiên phù hộ để đi bốn phương làm ăn đều tốt đẹp.

+ Điệu múa thứ baYềm tồng (hay yều tồng). Nghĩa của hai chữ yềm tồng hay yều tồng đều rất khó hiểu. Bản thân chữ yềm trong tiếng Dao có nghĩa là chỉ tất cả người đã chết, là thế giới bên kia. Và chữ tồng nghĩa là đồng. Còn nếu trong tiếng Quan Hỏa thì nghĩa của nó như thế nào? Các thầy cúng của người Dao Đỏ ở Tả Phìn đều không biết nghĩa rõ ràng của điệu múa này.

  • Động tác: Chân đứng thẳng, một chân đưa lên cao. Hai tay nắm lại, đặt sát vào nhau và đưa thẳng lên cao. Nhảy bằng một chân, khi nhảy lên thì người cúi xuống, tay hạ xuống như vái một cái. Chân vẫn không đổi cho hết ba bước tiến. Sau khi vỗ tay xong thì lại trở về động tác cũ nhưng đổi chân rồi mới nhảy lùi lại ba bước. Thực hiện lặp lại ba lần thì xong điệu múa.
  • Ý nghĩa: Do không giải thích được ý nghĩa của chính tên gọi của điệu múa nên giải thích ý nghĩa lại khó khăn. Theo cách hiểu của các thầy cúng ở đây thì đây là điệu múa để báo với những người đã chết về việc họ mình tổ chức pút tồng. Cũng có ý nghĩa là cúng cho những người chết mà không rõ chết ở đâu hay không có ai thờ cúng. Dù sao thì những ý nghĩa này cũng không thật rõ ràng.

+ Điệu múa thứ tưYềm tồng tảy phin: Có nghĩa là vái ma tổ tiên hay vái ma bàn thờ (pải yềm ken pải Ông Thải).

  • Động tác: Động tác này những người cung cấp thông tin có sự khác nhau. Ông Lý Sài Vạn thì nói là khi nhảy thì nhảy hai chân cùng một lúc, hai tay chấp lại (như động tác vái lạy) đưa lên cao lên phái trước mặt. Khi nhảy cúi người xuống như vái. Nhảy ba bước tiến và ba bước lùi như các động tác khác. Còn ông Chảo Sành Tình lại nói rằng khi nhảy chỉ một tay nắm lại đưa lên cao và lúc nhảy thì vẫy theo chiều ngang, một tay chống vào gần thắt lưng. Đây có thể là sự khác nhau trong động tác của hai dòng họ hay là sự nhớ nhầm của một trong hai ông này? Điệu múa này cũng phải thực hiện ba lần.
  • Ý nghĩa: Động tác này để bào cáo và mời gọi tổ tiên cùng tham gia và chứng kiến cho lòng thành của con cháu trong ngày pút tồng. Bên cạnh tỏ lòng biết ơn tổ tiên cũng là để cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, thông minh, ấm no, hạnh phúc.

+ Điệu múa thứ nămChổng vàng chổng chẻng. Có nghĩa là vái ma chủ, vái ma quân (pải tầm choảng, pải cha phin).

  • Động tác: Hai chân đứng thẳng, hai chắp lại như lúc vái lạy, đưa lên cao phía trước mặt. Khi nhảy thì nhảy hai chân cùng một lúc, khi cúi người cuống thì tay cũng đưa xuống thành làm lễ vái luôn. Nhảy ba bước tiến xong thì hạ tay xuống vỗ tay rồi lại giữ tư thế ban đầu và nhảy lùi ba bước. Lặp lại ba lần như vậy là kết thúc điệu múa.
  •  Ý nghĩa: Gọi các ma về chứng kiến lễ pút tồng của họ mình. Ma chủ là ma thầy cúng hay ma của chủ họ, là con ma có uy quyền nhất có thể chỉ huy các ma khác. Còn ma quân là lớp ma binh của ma chủ, được ma chủ dùng để sai khiến làm việc cho ma chủ. Đã gọi ma chủ về thì phải gọi cả ma quân để cho ma chủ có lực lượng sai khiến. Lúc này, người chủ lễ đóng vai trò như ma chủ để sai khiến các ma binh làm phép giúp đỡ cả họ với ý nghĩa mong muốn sự bình yên, không bị các ma quấy nhiễu, làm hại. Điệu múa này có ý nghĩa gọi mời ma về nhưng các động tác đều rất cung kính và mời chào chứ không có ý xua đuổi bởi với người Dao thì ma cũng có ma tốt, ma xấu, ma làm hại và ma có ích. Họ làm lễ là để cầu mong sự bình yên.

+ Điệu múa thứ sáu: Phìn nhàng. Có nghĩa là vái ma nữ (pải xày tỉa).

  • Động tác: Từ tư thế đứng thẳng bình thường, một chân nâng lên và đứng một chân. Đưa tay trái lên cao ngang đầu, tay nắm lại và lòng bàn tay hướng về phía trước. Như vậy mà nhảy về phía trước ba bước, khi nhảy tay vẫy ngang. Sau khi hết ba bước thì đổi chân và nhảy lùi lại ba bước. Điều đặc biệt trong điệu múa này là phải giơ tay trái lên chứ không phải tay phải và cũng chỉ đổi chân chứ không đổi tay. Vì theo quan niệm của họ thì nữ phải ở bên trái nên mời ma nữ cũng phải đưa tay trái lên mới đúng.
  • Ý nghĩa: Như một sự cân bằng, đã có ma nam thì có ma nữ, thế giới nguời sống cũng như thế giới của người chết (các ma). Vậy nên khi đã mời ma nam về dự pút tồng thì cũng phải mời ma nữ về tham dự mới trọn vẹn. Bên cạnh thể hiện sự hài hoà của thế giới cũng là một sự tôn trọng đối với người phụ nữ, người mẹ của những người đang sống, dù rằng ý nghĩa này không thật rõ ràng trong các điệu múa pút tồng.

+ Điệu múa thứ bảy: Khí thầu phủ mú. Có nghĩa là vái thầy của mình (pải xay tỉa).

  • Động tác: Hai tay nắm lại, đặt sát nhau, ngón tay cái thẳng và hướng lên trên. Chân đứng thẳng, một chân đưa lên khỏi mặt đất, một chấn nhảy về phía trước ba bước. Đến gần cái bàn dài thì dừng, hạ tay xuống và vỗ hai tay vào nhau. Sau đó lại tiếp tục đưa tay lên, thay đổi chân và nhảy lùi ba bước về vị trí cũ. Mỗi bước nhảy thì người cúi xuống để tiến về phái trước, tay cũng đưa từ trên cao xuống thấp như vái một cái dài. Thực hiện liên tục ba lần như vậy là kết thúc điệu múa.
  • Ý nghĩa: Điệu múa này có ý nghĩa là bày tỏ sự biết ơn và kính trọng đối với người thầy của mình. Người thầy không chỉ có nghĩa là thầy dạy học. Về nghĩa rộng thì thầy chính là người dạy cho mình một cái gì đó trong cuộc sống. Nhưng ở đây có thể hiểu bên cạnh nghĩa đó còn có nghĩa là thầy dạy múa nhảy cho mình. Bởi nếu không có thầy dạy nhảy thì mình không thể tham gia trong lễ pút tồng đuợc. Thầy nhảy có một vai trò vô cùng quan trọng đối với người con trai muốn trở thành một thầy pút tồng sau này. Và đây chính là ý nghĩa chính của điệu múa này. Nói là vái thầy của mình nhưng khi đó có thể có người thầy ở đó, cũng có thể không có, họ hiểu ý nghĩa như vậy còn vái thì vái về hướng cái bàn dài.

+ Điệu múa thứ tám: Cho yềm phiều yểu chẻng. Có nghĩa là vái chính bản thân mình (pải puồn xin).

  • Động tác: Ở tư thế đứng thẳng, tay trái chụm các ngón lại, cong ở cổ tay và gấp lại chạm vào sát nách trái. Tay phải thẳng ra, các ngón tay sát vào nhau và đặt lên cổ tay trái, khuỷu tay phải vuông góc. Như vậy và nhảy lên trước ba bước, khi nhảy thì nhảy hai chân cùng một lúc. Sau mỗi bước nhảy thì đổi tay: tay phải co lại đặt vào nách phải và tay trái vuông góc đặt chạm vào cổ tay phải. Sau ba bước tiến thì hạ tay xuống vỗ vào nhau rồi chuyển lại tư thế đầu để nhảy lùi ra sau ba bước. Thực hiện như vậy ba lần thì kết thúc điệu múa.
  • Ý nghĩa: Vái bản thân mình cũng chính là vái các hồn ma trong người mình, các hồn ma đang bảo vệ mình. Ý nghĩa của nó là cầu chúc cho cơ thể của mình luôn được khoẻ mạnh, không bị mắc các bệnh tật. Đưa tay ngang ngực vì ngực là chỗ có quả tim là trung tâm của cả cơ thể con người nên phải bảo vệ vùng ngực. Bảo vệ bản thân mình có sực khoẻ tốt cũng là muốn không bị các hồn ma khác quấy nhiễu, làm hại mình.

+ Điệu múa thứ chín: Xìu tảy su. Có nghĩa là vái các thầy của thầy mình (pải lủ xay).

  • Động tác: Trong điệu múa này có hai ý kiến khác nhau về các động tác. Theo ông Lý Phù Hang và Lý Sài Vạn thì điệu múa này giống với điệu múa thứ bảy (khí thầu phủ mú), tức là hai tay nắm lại đặt sát nhau và đưa lên cao, nhảy ba bước tiến và ba bước lùi, khi nhảy thì người cúi xuống và hạ tay xuống để vái. Còn ông Chảo Sành Tình lại cho thông tin khác về các động tác của điệu múa này: vẫn nhảy ba bước tiến và ba bước lùi, nhưng khi nhảy thì một chân đưa lên. Trước hết, chân phải nhảy lên trước và tay phải đập nhẹ vào đầu gối chân phải, tiếp đó chân trái nhảy lên và tay trái lại đập nhẹ vào đầu gồi chân trái. Cứ như vậy đủ ba bước thì lại nhảy lùi về và động tác không đổi. Lặp lại ba lần là kết thúc điệu múa.
  • Ý nghĩa: Mỗi người Dao muốn học nhảy đều phải có một người thầy dạy nhảy cho. Khi học nhảy thì học trò gọi thầy dạy mình là xay tỉa, còn thầy dạy sẽ gọi học trò của mình là xay cỏ. Nhưng để trở thành thầy dạy thì trước đó thầy cũng phải học nhảy và đã có thầy dạy cho các thầy, trong tiếng Dao gọi thầy của thầy mình lủ xay. Điệu múa thứ chín này có ý nghĩa là bày tỏ lòng biết ơn các thầy của thầy mình. Vì có các thầy dạy cho thầy mình nhảy thì mới có thầy bây giờ dạy cho mình nhảy. Đây như là một sự thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.

+ Điệu múa thứ mườiPhò su lão su. Có nghĩa là vái chung tất cả các thầy (pải pa lên lủ xay miền).

  • Động tác: Người đứng thẳng, hai tay nắm lại, để sát vào nhau và đưa lên phía trước, cao ngang mặt, hai chân thì đứng thẳng, mắt nhìn về phía hai tay. Khi nhảy, người cúi xuống, hai chân co đầu gối lại,  tay hất xuống đất tạo thành một động tác như vái lạy rồi dùng sức bật để nhảy về phía trước. Hai chân nhảy cùng một lúc. Sau ba bước nhảy thì vỗ tay và lặp lại các động tác này khi nhảy lùi lại ba bước.
  • Ý nghĩa: Pò su lão su được họ giải thích là vái lạy tất cả các thầy nói chung. Bây giờ không phân biệt là thầy của mình hay thầy của thầy mình. Có thể hiểu bài múa thứ 10 này là bài múa nhằm tỏ lòng biết ơn tất cả các thầy, vì các thầy cũng thường là những người tài giỏi và có sức mạnh trong xã hội người Dao.

+ Điệu múa thứ mười một: Thìa luỳ piên. Có nghĩa là vái chân của mình (pải nhề chảu).

  • Động tác: Hai tay hướng thẳng về phía trước, hai chân đứng thẳng. Khi nhảy, người khom xuống, chân chùng lại và bật nhảy về phía trước, hai chân nhảy cùng lúc. Khi nhảy thì hai tay đập nhẹ xuống hai đầu gối. Động tác này cũng thực hiện lặp lại ba lần tiến lên và ba lần lùi lại.
  • Ý nghĩa: Theo như ông Chảo Sành Tình thì điệu múa này cầu mong cho mọi người có sức khoẻ dồi dào. Vì hàng ngày họ phải đi làm nương rẫy ở xa. Phải leo qua nhiều đồi núi, sông suối nên đôi chân chính là sực mạnh và ý chí của họ. Điệu múa này cũng là điệu múa cúng vái hồn chân (hồn ở đầu gối) mong sao cho chân mình luôn khoẻ mạnh để đi làm nhiều nương rẫy.

+ Điệu múa thứ mười hai: Phàn thin phù tỷ. Có nghĩa là vái cả thầy cả tổ tiên (pải xày tỉa, pải ông chải).

  • Động tác: Hai chân ban đầu đứng thẳng, hai tay chắp/khép lại, đưa thẳng về phía trước như động tác chuẩn bị vái lạy. Khi nhảy, người cúi xuống và hai tay đưa xuống tạo thành động tác vái, đồng thời tạo đà để nhảy hai chân về phía trước. Cứ một lần nhảy lên là một lần vái lạy. Làm ba lần tiến và ba lần lùi thì xong bài múa.
  • Ý nghĩa: Điệu múa này có ý nghĩa là vái chung cho tất cả những linh hồn được thờ trên bàn thờ, bao gồm cả tổ tiên và các thầy. Bàn thờ là để thờ tổ tiên. Động tác vái lạy hướng về phía bàn thờ là bày tỏ sự nhớ ơn và tôn kính tổ tiên. Các thầy cũng là những người có địa vị và được kính trọng nên được gộp chung vào trong điệu múa này. Mặt khác, như ông Lý Phù Hang nói thì do các thầy là những người trung gian liên lạc được với tổ tiên nên thờ cúng tổ tiên phải thông qua các thầy. Do vậy mà điệu múa này vừa vái tổ tiên lại vừa vái các thầy là vì lý do đó.

+ Điệu múa thứ mười ba: Phàn xia hả ma. Có nghĩa là lạy tất cả các đối tượng được thờ cúng, bao hàm cả những đối tượng đã vái lạy trong các điệu múa trước.

  • Động tác: Gần giống với động tác của điệu múa thứ mười hai, chỉ khác là hai tay khép lại và đưa lên cao. Khi nhảy thì hai tay đưa xuống tạo thành động tác vái lạy nhưng chậm hơn động tác trước. Động tác này cũng làm lặp lại ba lần tiến và ba lần lùi.
  • Ý nghĩa: Đây là điệu múa vái lạy tất cả để tỏ lòng tôn kính và cầu chúc bình an cho mọi người. Đây cũng chính là động tác vái lạy cuối để chuẩn bị kết thúc bài múa vì bài múa cuối cùng chỉ mang tính làm động tác kết thúc. Vì vậy mà điệu múa này mang ý nghĩa bao hàm hết cả việc thể hiện sự tôn kính và cầu chúc mạnh khoẻ, làm ăn gặp may mắn hơn năm trước.

+ Điệu múa thứ mười bốnChà phiên chà chiểng. Về nghĩa của các từ này thì không giải thích được. Nhưng đây được hiểu là điệu múa kết thúc toàn bộ bài múa.

  • Động tác: điệu múa này đơn giản hơn các động tác của các điệu múa khác. Hai tay chống sát vào hông và hai chân nhảy cùng lúc lên phía trước ba bước, sau đó nhảy lùi lại ba bước. Làm như vậy ba lần, và lần nhảy cuối cùng thì hay tay đặt nhẹ lên bàn. Đây cũng là dấu hiệu kết thúc toàn bộ bài múa trong pút tồng.
  • Ý nghĩa: Điệu múa này mang tính chất tuyên bố kết thúc bài múa pút tồng. Sau khi thực hiện xong điệu múa này thì người ta bắt đầu nghỉ để thực hiện các nghi lễ khác kèm theo như tắm gội cho tượng gỗ và kiếm, múa gà…

Trong cả bài múa, trải qua muời bốn điệu múa tuy khác nhau nhưng chúng ta cũng thấy trong các điệu múa có nhiều nét tương đồng với nhau. Về mặt động tác, các điệu múa đều được thực hiện lặp đi lặp lại ba lần, và mỗi lần đều bao gồm ba bước tiến và ba bước lùi. Động tác chân chủ yếu là nhảy hai chân cùng lúc hoặc nhảy chân nọ tay kia. Kết thúc mỗi lần nhảy, khi mà người đã tiến về sát bàn thờ thì thường đưa hai tay vỗ nhẹ vào nhau rồi sau đó mới làm lại động tác ban đầu. Về mặt ý nghĩa, các điệu múa trong bài múa đều hoặc là thể hiện sự tôn kính, biết ơn tổ tiên, các thầy và cầu mong họ phù hộ cho mọi người trong họ được bình an mạnh khoẻ, thông minh và làm ăn ngày càng giàu có. Hoặc là cầu xin các ma, các hồn đừng làm hại họ, cầu mong cho mọi nguười luôn  mạnh khoẻ, không bị các ma xấu làm hại.

Mười bốn điệu múa này được thực hiện nhiều lần trong một lễ pút tồng. Tuy nhiên trong các trường hợp, các bài múa mà có sự biến đổi cho phù hợp với các động tác. Ví như, khi múa gà, cũng là mười bốn điệu múa này, nhưng vì có cầm thêm gà và phải vặn đầu gà nên có một số động tác đã thay đổi sao cho phù hợp với bài múa hơn và để dễ thực hiện hơn.

Bài múa thứ hai: Múa gà trong lễ pút tồng

Múa gà là một lễ đặc biệt trong lễ pút tồng. Đây là một hình thức thờ cúng thể hiện sự biết ơn tổ tiên, những người có công với làng bản, cộng đồng, và cũng là lễ để trừ tà đuổi quỷ, bảo vệ cả họ (và rộng ra nữa là cả làng bản vì nhiều họ tổ chức pút tồng và khi một họ pút tồng thì các họ khác cũng đến tham gia ủng hộ họ pút tồng). Đây có thể coi là nghi lễ quan trọng nhất trong lễ pút tồng. Thường thì lễ múa gà được tổ chức sau khi làm lễ tắm gội cho tượng gỗ và thanh kiếm. Nhưng vì theo sự phân chia trên nên tôi xin được trình bày múa gà trước cho liền mạch theo các điệu múa cơ bản đã trình bày trên vì bài múa gà là một cách thể hiện khác đi của các điệu múa cơ bản trên.

Ý nghĩa chi tiết, cụ thể của múa gà thì hầu hết người Dao Đỏ ở Tả Phìn không biết, ngay cả các thầy cúng có nhiều hiểu biết về lễ pút tồng. Họ giải thích đại thể là các điệu múa cơ bản chỉ là sự mở đầu buổi lễ, là mời gọi tổ tiên về chứng kiến lễ pút tồng. Sau khi mời về thì làm lễ tắm gội sạch cho tổ tiên và các thầy qua việc tắm gội cho tượng gỗ và thanh kiếm. Nhưng quan trọng là phải tỏ rõ lòng tôn kính, biết ơn tổ tiên và múa gà là để thể hiện điều đó. Vì ý nghĩa quan trọng nên trong múa gà, việc chọn gà và chọn người múa gà cũng không thể sơ sài.

Múa gà không đơn thuần là một điệu múa mà còn là một nghi lễ linh thiêng nên việc chọn gà có ý nghĩa quan trọng. Gà sử dụng trong mùa gà phải là gà trống gáy (gà bị thiến thì không được sử dụng). Người Dao Đỏ kiêng chọn gà có lông màu trắng hay có đốm trắng, họ chỉ chọn gà đen hoặc gà vàng. Tại sao không chọn gà trắng (không chỉ trong lễ pút tồng mà trong tất cả các nghi lễ của người Dao đều kiêng sử dụng gà trắng làm cỗ cúng) được các thầy cúng giải thích là do gà trắng hiện hữu những yêu tà sẽ làm cho tổ tiên sợ hãi không dám về. Căn cơ của vấn đề này chắc không chỉ có thế, và cũng không đơn giản vì không chỉ người Dao Đỏ mà nhiều dân tộc khác cũng kiêng sử dụng gà trắng trong việc thờ cúng tổ tiên. Làm rõ vấn đề này còn phải bỏ nhiều thời gian và công sức. Cũng trong việc chọn gà, người ta thường chọn những con gà choai, không chọn gà quá già vì trong múa gà có động tác vặn cổ gà là một động tác khó. Nếu chọn gà quá già thì gân cỏ nó dai và không thể vặn đứt được. Vì chọn gà phải đáp ứng các yêu cầu trên nên các gia đình người Dao Đỏ đã chuẩn bị gà để làm lễ trước tết khá sớm. Họ đã có ý định để con gà nào làm lễ và đến ngày tổ chức pút tồng của họ mình thì họ mang gà và rượu đến.

Bên cạnh chọn gà, chọn người thực hiện bài múa gà lại còn khó khăn và có ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Việc chọn người nhảy đồng trong lễ pút tồng diễn ra với vẻ bề ngoài nhìn như ngẫu nhiên mà thực ra không hoàn toàn ngẫu nhiên. Không phải ngẫu nhiên vì những người tham gia nhảy đồng phải trải qua một quá trình tập luyện. Họ phải có thầy dạy nhảy và dạy cách nói trong lúc nhảy đồng. Quá trình học này không phải đơn giản. Người được chọn để múa gà phải là những người nhảy giỏi. Thường là những người thầy (xay tỉa) đã dạy nhảy được cho những người khác. Trong một lễ múa gà không chỉ chọn một người múa để nhảy múa gà mà phải chọn nhiều người. Số lượng người nhảy múa gà tuỳ theo số lượng gà mà họ đó dùng để cúng lễ. Mà số lượng gà này cũng tuỳ thuộc vào dòng họ. Thường thì họ lớn sẽ làm nhiều gà hơn họ nhỏ một phần vì địa vị và tiềm lực kinh tế, một phần vì con cháu trong họ đông đúc hơn. Những người sẽ thực hiện các đống tác trong bài múa gà cũng được trưởng họ của họ tổ chức pút tồng mời trước. Nếu họ đồng ý nhận lời thì hôm pút tồng họ sẽ đến và chuẩn bị để nhảy. Khi đến nhà trưởng họ tổ chưc pút tồng thì họ lẫn vào trong số những người đến tham gia. Và khi đến múa gà thì họ tham gia vào nhảy múa. Người múa gà giỏi ở chỗ họ làm sao mà khi múa gà, không những đúng các động tác của các điệu múa mà còn phải giữ được gà cẩn thận (vì gà lúa múa không dùng dây buộc chân, nếu để gà thoát ra chạy mất thì là một điềm không tốt cho cả họ đang tổ chức pút tồng. Điều này vô cùng khó và cần có kinh nghiệm vì thật không đơn giản khi chân vẫn nhảy mà lại phải trao gà từ tay này sang tay kia ở giữa đám đông ồn ào) và khi kết thúc bài múa còn có một động tác rất khó là vặn cổ gà. Những người không chuyên nghiệp và ít thực hiện thì sẽ không vặn đứt được cổ gà. Và vì thực hiện rất nhiều động tác khó và làm khá lâu nên người múa gà cũng phải là người có sức khoẻ tốt và có kinh nghiệm trong chuyện này.

Trong bài múa gà, qua mô tả của những người chứng kiến và những người tham gia múa gà, ta có thể phân chia thành hai điệu múa là điệu múa cắt tiết gà và điệu múa vặn đầu gà. Sự phân chia này chỉ mang ý nghĩa nhận thức chứ bản thân người Dao Đỏ cũng không nghĩ đến việc này. Ở đây tôi chỉ dựa vào hành động của người nhảy thực hiện trong quá trình cầm gà nhảy mà thôi.

+ Điệu múa cắt tiết gà: Người múa gà đã được chuẩn bị, khi bắt đầu người múa gà sẽ cầm gà chạy ra giữa một khoảng trống lớn. Khoảng trống này đã được những người khác tránh ra để cho người nhảy múa gà. Họ lần lượt thực hiện 13 điệu múa trên theo một trật tự nhất định và nhảy theo đường vòng tròn. Bay giờ họ không phải thực hiện đầy đủ các động tác của các điệu múa mà thể hiện nó một cách khéo léo, hợp lý với bài múa gà. Thường thì người ta sẽ bỏ qua các động tác không quan trọng hay các động tác không phù hợp với nguời nhảy khi họ phải cầm gà trên tay và nhảy. Trong bài múa gà, điệu múa thứ 14 không được thực hiện. Và người thực hiện các động tác múa gà cũng không phải thực hiện thứ tự các điệu múa. Họ nhảy và thực hiện các điệu múa sao cho khi kết thúc ba vòng nhảy thì cơ bản cũng hết 13 điệu múa. Họ cũng không có ý nghĩ sẽ kiểm tra xem mình có nhảy đủ 13 điệu múa hay không mà là nhảy theo các động tác đã nhuần nhuyễn. Sau khi cầm gà nhảy xong ba vòng tròn thì người nhảy quỳ xuống, đưa gà lên. Bây giờ có một người đã chuẩn bị sẵn, có dao sắc để cắt tiết gà. Khi người nhảy quỳ xuống và đưa gà lên thì nguời được phân công cắt tiết gà sẽ dùng dao cắt luôn. Một nguowif khác cũng chuẩn bị sẵn một cái đĩa để đựng tiết gà hứng ngay dưới cổ gà. Sau khi tiết chảy hết thì người nhảy lại cầm gà lên và nhảy như ban đầu thêm ba vòng nữa. Sau khi kết thúc ba vòng nhảy này thì người cầm gà vứt gà ra sau và kết thúc điệu múa. Số lượng gà bao nhiêu thì có bấy nhiêu người thực hiện điệu múa này. Họ nhảy xen kẽ với nhau tạo nên một điệu múa đẹp mắt. Con gà được người nhà ở sau nhặt và đưa đi mổ. Trước khi mổ, họ còn đốt một ít giấy cúng và đưa con gà mới cắt tiết xong hơ qua khói đó.

Như đã nói, điệu múa gà dù sao đi nữa thì cũng là một biến dạng khác của các điệu múa cơ bản. Vì điệu múa gà phức tạp hơn nên không thể thực hiện lại y hệt như các điệu múa cơ bản. Ta có thể phân tích một số nét khác nhau cơ bản của các động tác múa gà so với các động tác trong bài múa gốc cơ bản của nó.

  • Trong điệu múa thứ nhất, hai tay cầm gà và đưa ra phái trước vẫy nhẹ
  • Trong điệu múa thứ hai, tay giơ lên giờ làm nhiệm vụ cầm gà, tay còn lại vẫn cứ vẫy như trước. Có thể có người lại đêm tay vẫy cầm gà còn tay kia vẫn dưa lên cao.
  • Trong điệu múa thứ tư thì hai tay cầm gà nhưng không đưa lên ngang đầu nữa mà chỉ đưa ngang người.
  • Trong điệu múa thứ năm, thay vì hai tay chắp lại đưa lên cao thì một tay cầm gà và một tay đưa xuống thấp. Tay cầm gà thay đổi cho nhau.
  • Trong điệu múa thứ sáu, một tay cầm gà, một tay đưa lên. Sau đó đổi tay cho nhau.
  • Trong điệu múa thứ bảy, hai tay cầm gà và đưa về phái trước.
  • Trong điệu múa thứ chín, hai tay cầm gà và nhảy, khi chân nào đưa lên thì hai tay chạm nhẹ vào đầu gối chân đó.
  • Trong điệu múa thứ mười, hai tay không chắp lại mà cầm gà và thực hiện các động tác.
  • Trong điệu múa thứ mười một, hai tay cầm gà và đưa lên phía trước, chân nhảy vòng tròn.
  • Trong điệu múa thứ mười hai, hai tay cũng cầm gà và khi nhảy thì đưa từ trên xuống gần giống động tác trong điệu múa gốc.

Điều khác biệt nhau cơ bản giữa hai bài múa là ở chỗ: Trong khi các bài múa cơ bản đi theo một đường thẳng và thường là ba bước tiến, ba bước lùi. Còn ở bài múa gà, người nhảy lại đi theo một vòng tròn. Họ nhảy ba vòng tròn thì dừng lại để quỳ xuoóng cắt tiết gà. Sau đó nhảy thêm ba vòng nữa và kêt thúc điệu múa khi người nhảy vứt con gà ra phái sau. Thường, để nhảy hết bài múa gà này không phải là một việc đơn giản. Người nhảy cần có sức khoẻ và kinh nghiệm, vì nhảy theo vòng tròn nên dễ bị ngã hơn. Và nguời nhảy cũng làm sao để không tác động đến những bạn nhảy của mình, nếu không sẽ gây ra những tác động hệ thống làm sai lệch hay ngưng trệ cả điệu múa.

+ Điệu múa vặn cổ gà: Sau khi kết thúc điệu múa cắt tiết gà, lế pút tồng lại tiếp tục với điệu múa vặn cổ gà. Đây có thể coi là điệu múa thứ hai trong bài múa gà. Người thực hiện điệu múa này có thể là người khác cũng có thể là người vừa thực hiện điệu múa trước. Nhưng nhất thiết phải là người nhảy pút tồng thật giỏi vì điệu múa này rất khó. Số người nhảy tuỳ theo số gà sẽ chuẩn bị để sử dụng trong điệu múa này. Điệu múa này diễn ra như sau: Người nhảy cầm gà chạy ra giữa một khoảng trống khá rộng và nhảy theo các động tác như điệu múa gà trước. Sau khi nhảy được đủ hai vòng tròn thì họ vặn đầu con gà. Động tác này là động tác quan trọng nhất của điệu múa, phải được thực hiện nhanh, mạnh và dứt khoát để cổ gà đứt lìa luôn. Sau kho đã vặn đứt được cổ gà thì tiếp tục nhảy thêm một vòng tròn nữa. Đến hết vòng thứ ba thì người nhảy thực hiện động tác tung đầu gà ra phái sau và tung lên cao. Sau khi tung đầu gà đi thì lại tiếp tục nhảy ba vòng tròn nữa. Kết thúc ba vòng nhảy lần này thì người nhảy sẽ tung con gà ra sau để cho người nhà (của họ tổ chức pút tồng) lấy đi mổ làm cỗ. Cũng như ở điệu múa trước, những con gà này được những người ở phái sau nhặt đi và đốt một ít giấy cúng để hơ qua rối đêm đi mổ. Trong cả điệu múa này, người thực hiện các động tác nhảy cũng nhảy theo một quá trình gần như lặp lại các động tác của mười ba điệu múa cơ bản đầu. Nhưng họ thực hiện gần như theo kỹ năng đã tạp luyện nhiều nên những động tác phức tạp sẽ được lược bỏ bớt đi để phù hợp và dễ thực hiện hơn. Chính vì vậy mà người lần đầu chứng kiến pút tồng thường khó phân biệt được các điệu múa, nhất là những chi tiết giống nhau. Điều này có thể dẫn tới hiểu nhầm là các điệu múa này là điệu múa mới vì nó đi theo đường tròn và các động tác có nhiều sự khác nhau. Nhưng những người tham gia pút tồng nhiều thì biết là người nhảy đang thực hiện lại các động tác cơ bản của bài múa theo một cách sắp xếp mới.

+ Bài múa gà là một nét đặc sắc nhất trong lễ pút tồng. Nhưng để giải thích tại sao lại có hai hình thức múa là cắt tiết gà và vặn cổ gà (mà ở đây tôi tạm chia ra và gọi là hai điệu múa trong bài múa gà) thì thật là khó. Khó vì chính những người tổ chức và thực hiện các điệu múa này cũng không giải thích được vấn đề một cách logic. Những động tác như cắt tiết gà hay vặn cổ gà đều mang những ý nghĩa đặc trưng nhất định, và hơn nữa, hai động tác này sẽ có những ý nghĩa sẽ không giống nhau nên mới thực hiện thành hai điệu múa khác nhau. Nhưng ý nghĩa đó là gì và khác nhau như thế nào thì có lẽ phải tìm hiểu sâu hơn mới có thể giải thích được. Theo như ông Chảo Sành Tình cho biết thì số gà đem múa này nhằm hai mục đích khác nhau. Số gà được cắt tiế là để cúng cho chủ ma tỏ tiên (mà hình tượng trên bàn thờ là cái tượng gỗ nhỏ), còn những con gà bị vặn cổ là để cúng ma thầy cúng ở bàn thờ (mà hình tượng trên bàn thờ là cây kiếm). Ví như, khi con gà cắt tiết đưa đi mổ làm cỗ thì mọi người cùng ăn được. Nhưng con gà vặn cổ thì cái cổ gà đó sau khi làm sạch và nấu lên chỉ có những người đàn ông truởng thành mới được ăn nó. Điều này, theo ông Chảo Sành Tình giải thích thì do thanh kiếm là một vật linh thiêng mà nữ giưói không được đụng đến. Đầu gà là vật cúng ma của thầy cúng bàn thờ nên chỉ những người đàn ông mới được ăn. Và thường thì chỉ những người có vai vế cao trong họ mới được ăn. Thiết thực hơn nữa trong bài múa gà mà ta có thể nhận ra là người ta đã dùng một hình thức cúng bằng gà sống. Đây cũng gần như một hình thức hiến sinh và vật hiến sinh là những con gà sống. Dùng gà làm cỗ cúng thì gặp rất nhiều trong các nghi lễ thừ cúng của nhiều cộng đồng người. Người Dao Đỏ ở Tả Phìn cũng thường thờ cúng tổ tiên bằng cỗ gà. Trong lễ pút tồng cũng vậy, họ vẫn mổ gà làm cỗ. Nhưng bên cạnh đó, họ lại sử dụng những con gà sống để làm lễ thông qua bài múa gà. Đây cũng là một nét đặc biệt trong lễ pút tồng của người Dao Đỏ.

Bài múa thứ ba: Bài múa thầy dạy cho học trò của mình.

Nếu bài múa thứ nhất là bài múa các thầy biểu diễn lại tất cả các điệu múa cơ bản để mọi người nhớ lại để sau đó sẽ tham gia pút tồng. Bài múa thứ hai là bài múa mang tính tế lễ và chỉ người thầy giỏi mới thực hiện được. Thì bài múa thứ ba này mang tính tiếp nối, lưu truyền cho thế hệ sau hiểu và thực hiện những điệu múa cơ bản của lễ pút tồng. Vì ý nghĩa đó, bài múa này về mặt hình thức không có gì đặc biệt so với hai bài múa trên nhưng lại không thể bỏ qua hay coi nhẹ.

Nói bài múa thứ ba này không có gì đặc biệt so với hai bài múa trước vì thực chất đây là thực hiện lại hai bài múa trước nhưng ở một mức độ khác để những người mới học nhảy (học trò) có thể tiếp thu được. Và đối tượng tham gia bài múa này cũng có sự khác biệt với các bài múa trước: Trong bài múa trước, người thực hiện là những người nhảy giỏi thường là các thầy dạy nhảy thì bài múa này có thêm sự tham gia của những người mới biết nhảy hay chưa biết nhảy. Bài múa này thường sẽ thực hiện cuối cùng trước khi buổi lễ pút tồng kết thúc. Những nguời thầy sẽ ra dạy cho các học trò của mình những điệu múa cơ bản. Bây giờ diễn ra như một buổi tập nhảy thật sự. Các thầy sẽ thực hiện từng động tác một cách chậm rãi để người học trò có thể hiểu và làm theo được.

Trong bài múa này, mộ vấn đề quan trọng là chọn thầy dạy nhảy cho mình. Vấn đề này lại có liên quan mật thiết với lễ cấp sắc – một phong tục độc đáo của người Dao. Ở đây, trong phạm vi này, chúng tôi không nói nhièu đến tục cấp sắc mà chỉ nói về mối quan hệ với lễ pút tồng mà thôi. Như đã nói, lễ pút tồng có mối quan hệ với tục cấp sắc ở chỗ: Ở người Dao, người tham gia nhảy pút tồng trong lễ pút tồng chỉ có con trai. Và người con trai Dao khi đến độ tuổi phải làm lễ cấp sắc mới được công nhận là một người đàn ông, tức là người trưởng thành. Và người con trai tham gia nhảy pút tồng lần đầu tiên ở đâu thì sau này phải cử hành lễ cấp sắc ở ngay tại nhà đó. Cho dù quan hệ với nhà đó như thế nào đi nữa thì vẫn phải đến xin được tổ chức lễ cấp sắc ở đó. Ví dụ: San là con trai người họ Lý. San nhảy pút tồng lần đầu tiên tại nhà học Chảo (Triệu) thì San phải tìm một thầy dạy nhảy người họ Lý và thầy này sẽ đưa San quan nhà học Chảo xin làm lễ cấp sắc ở đó. Chọn thầy dạy nhảy cũng không phải là vấn đề phức tạp quá. Chỉ cần người thầy nhận làm học trò là được. Lễ nhận học trò cũng đơn sơ, không cầu kỳ: Người học trò (xay cỏ) được thầy nhận dạy nhảy cho thì mang một bát gạo trắng, gói trong một tấm vải và hai đồng bạc đến nhà thầy làm lễ. Sau khi nhận lễ thì người thầy sẽ dạy cho người học trò biết nhảy pút tồng và sau đó sẽ làm lễ cấp sắc cho học trò của mình. Khi thầy trò qua nhà mà người học trò đã nhảy lần đầu tiên làm lễ cấp sắc thì chủ nhà đó sẽ cho củi, cho mượn xong, chảo để nấu nướng và sau lễ họ cũng sẽ ngồi uônge rượu và ăn cơm cùng. Người được làm lễ cấp sắc sẽ mang đến một con gà trống và khoảng hai lít ruợu để làm lễ. Như vậy, vô hình trung lễ pút tồng lại có quan hệ mật thiết với lễ cấp sắc. Và người con trai trước khi được cấp sắc cũng sẽ chú ý để chọn cho mình một nơi cấp sắc qua việc tham gia nhảy pút tồng. Vì nhà người con trai pút tồng đầu tiên cũng có ý nghĩa quan trọng khi làm lễ cấp sắc nên chính họ lại phải tính đến sự lựa chọn.

Trong bài múa cuối cùng này, những người thầy vừa thực hiện các điệu múa cơ bản để cho các học trò học nhảy, vừa ở ngoài giám sát để sửa cho học trò khi thấy họ sai. Một thầy có thể chỉ dạy cho một học trò mà cũng có thể dạy cho nhiều học trò cùng nhảy. Người thầy dạy nhảy cũng rất được kính trọng vì trong số các điệu múa cũng có những điệu múa thể hiện lòng tôn kính đối với các thầy dạy của mình. Trong bài múa này, những người đã được học nhảy nhưng nhảy chưa giỏi cũng sẽ tham gia nhảy để học hỏi thêm. Thường thì một người học nhảy phải học ít nhất là ba năm mới được tham gia các điệu nhảy chính thức trong buổi lễ. Sau khi học nhảy ba năm, nếu nhảy giỏi và được mọi người công nhận thì có thể được gọi là thầy và có thể dạy nhảy cho người khác. Nhưng không có nhiều trường hợp sau ba năm học nhảy có thể trở thành thầy mà phải mất nhiều thời gian hơn. Trong bài nhảy này, người ta không còn phân biệt họ nào với họ nào, ai thích nhảy thì có thể tham gia nhảy được hết. Kể cả những người đếm xem chuưa bao giờ biết nhảy cũng có thể tham gia mà không cần đến thầy dạy nhảy (họ tham gia cho vui chứ không phải vào để học cho biết nhảy đúng) Buổi lễ cứ tiễp tục cho đến khi những người học nhảy mệt mỏi và sẽ dừng khi người chủ lễ tuyên bố kết thúc buổi lễ.

3.3.4. Tắm gội cho tượng gỗ và thanh kiếm trong lễ pút tồng.

Trên bàn thờ lớn của các họ ở người Dao Đỏ không bài biện phức tạp và cầu kỳ như của một số dân tộc khác (như người tày, người Mường…). Họ bày biện, trang trí trên bàn thờ khá đơn sơ. Nổi bật nhất trong các vật linh được đặt trên bàn thờ là một pho tượng gỗ và một thanh kiếm.

Theo sự giải thích của nhiều người Dao thì tuợng gỗ là vật tượng trưng cho chủ ma tổ tiên của dòng họ. Các hồn của tổ tiên sẽ nằm ở trong tượng gỗ này. Còn thanh kiếm là tượng trưng cho ma thầy cúng của bàn thờ tổ tiên. Thanh kiếm là vũ khí để thầy cúng điều khiển các âm binh âm tướng trong các công việc của tổ tiên. Vì vậy mà đối với các dòng họ của người Dao thì đây là hai vật vô cùng linh thiêng. Không phải ai trong họ cũng được sờ vào những linh vật này. Và ngày thường, nó được cất giữ rất cẩn thận, có một hộp gỗ chắc chắn để cất giữ, có khoá đàng hoàng, vững chắc. Đến những ngày lễ quan trọng người chủ họ mới đưa ra để sử dụng. Cũng vì đây là những vạt quý hiếm nên gần đây xuất hiện những vụ trộm những bức tượng gỗ và thanh kiếm này. Điều này làm cho ngày thường mà muốn chiêm ngưỡng hai vật linh này thì thật là khó.

Tượng gỗ được gọi là Ông Thải (ông Tổ), được làm từ một loại gỗ tốt mà người Dao Đỏ gọi là Cù Chang Đẻng. Để làm một tượng Ông Thải cần phải có một gốc cây Cù Chang Đẻng khá lớn. Cây này được chặt xuống, đào lấy cấi gốc gần dưới cùng để làm tượng. Từ cái gốc cây này, người thợ sẽ lọc cái vỏ bên ngoài để láy cái lõi bên trong có màu đỏ làm tượng. lõi để làm tượng phải có đường kính từ 20-30cm. Dưới tay người thợ, khúc gỗ này được  tạc thành một tượng có đội mũ, có các bộ phận như một cơ thể con người. Nhưng độ cao của tượng khoảng 30-35cm thôi. Tượng với dáng vẻ tranh nghiêm và hơi gầy (không giống như tượng thần tài béo và hiền hoà, không nghiêm trang). Sau khi hoàn thành, tượng được mặc vào một tấm vải làm áo quần. Và tấm vải này sẽ thay hành năm qua các lễ pút tồng.

Thanh kiếm được làm bằng thép cứng, có màu đen. Mỗi bên thanh kiếm đều có năm mốc sắt, mỗi móc sắt lại móc vào năm vòng sắt khác. Khi múa các móc sắt này va chạm vào nhau phát ra tiếng kêu keng keng. Thanh kiếm này không dài lắm, nó chỉ bằng một con dao lớn, tức là dài khoảng 40-50cm. Mà cái chuôi kiếm đã dài gần 20cm rồi. Ở chuôi kiếm được buộc một sợi vải nhỏ, sợi vải này cũng được thay hàng năm trong các lễ pút tồng. Thanh kiếm này không phải ai cũng làm được, chỉ các nghệ nhân rèn đúc giỏi mới làm được. Nó cũng như tuợng gỗ, được coi là một vật linh và quý hiếm của các dòng họ.

Lễ tắm gội cho tượng gỗ và thanh kiếm được diễn ra sau khi các điệu múa gà hoàn thành. Trong buổi lễ, tượng gỗ và thanh kiếm được để trên bàn thờ. Khi bắt đầu thực hiện lễ tắm gội cho tượng và kiếm thì lấy xuống. Người thực hiện các công việc trong nghi lễ này là trưởng họ và chủ lễ. Khi lấy tượng từ bàn thờ xuống, người trưởng họ sẽ lấy từ từ trên bàn thờ xuống, và người chủ lễ sẽ đưa đầu của mình ra để đỡ tượng. Khi đưa lên cũng vậy, người chủ lễ sẽ đưa tượng lên đầu dâng lên và người trưởng họ sẽ nhận lấy tượng rồi đưa lên để lên bàn thờ. Đây là thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên của dòng họ, đối với những người đã khuất. Với thanh kiếm cũng làm như vậy. Tượng gỗ sau khi lấy xuống sẽ được đưa ra thay tấm vải. Đây là công việc của những người đàn ông, mà trưởng họ thường làm luôn. Tượng được lau sạch bằng nước sạch lấy từ suối vào buổi sáng tinh mơ. Sau đó họ lấy một tấm vải mới để thay cho tấm vải cũ khoác lên mình tượng gọi là thay quần áo cho tượng. Thanh kiếm sau khi lau rửa sạch cũng được thay sợi vải nhỏ ở chuôi. Tấm vải và sợi vải này không pahỉ đem vứt đi mà được đem đi nhuộm lại để sang năm sau có thể thay cho tấm vải mới vừa khoác lên tượng và sợi vải cũng vậy. Khi nhuộn lại tấm vải và sợi vải này thì chính người trưởng họ phải làm lấy chứ không phải là một người nào khác trong họ, cho dù là vợ hay con của trưởng họ cũng không được làm thay.

Lễ tắm gội sạch cho tượng gỗ và thanh kiếm có ý nghĩa quan trọng. Ngoài việc làm sạch sẽ cho hai vật thiêng của dòng họ, thì nó còn mang ý nghĩa là sự gội sạch tất cả những điều không tốt đẹp của năm mới để đón nhận những gì tốt đẹp nhất trong năm mới. Đó cũng là sự xua đuổi năm cũ qua đi để đón nhận một ănm mới tràn trề hy vọng hơn, là sự cầu mong tổ tiên sẽ phù hộ cho điều đó trở thành hiện thực, con cháu được bình yên, ấm no, hạnh phúc và thông minh. Nếu cả lễ pút tồng đều có sự tham gia chung vui của những người thuộc các dòng họ khác thì việc tắm gội cho tượng gỗ và thanh kiếm là việc ling thiêng nội bộ của dòng họ và chỉ những người trong họ tham gia, mà chủ yễu là vai trò của ông trưởng họ bên cạnh người chủ lễ (là người trong hoặc ngoài họ).

          3.3.5. Kết thúc lễ pút tồng.

Sau khi kết thúc các bài múa mà các thầy dạy cho các học trò của mình nhảy thì cũng là thời điểm để kết thúc buổi lễ pút tồng. Khi mọi người tham gia pút tồng đã thấm mệt, các thầy cũng đã dạy các trò hết các điều cơ bản về các điệu nhảy và về lễ pút tồng thì buổi lễ cúng đến lúc kết thúc. Lúc này, người chủ lê sẽ gọi các thầy dạy nhảy lại để chuẩn bị tuyên bố kết thúc buổi lễ. Kết thúc buổi lễ không phải bằng một lới nói, mà là một nghi lễ. Chủ lễ gọi các thầy lại để các thầy nhảy lại một lần nữa các điệu múa cơ bản của lễ pút tồng. Trong khi các thầy khác đang nhảy thì người chủ lễ cúng tiến đến rót rượu lên bàn dài và bàn thờ tổ tiên để làm lễ. Theo tục lệ của người Dao Đỏ, khi rót rượu cúng để kết thúc buổi lễ thì phải rót 5 chén rượu và một chén nước chè như rót lúc đầu buổi lễ. Năm chén rượu đặt cách đều nhau và để phía trước, còn chén chè để phía sau. Cả bàn dài và bàn thờ tổ tiên đều sắp đặt như vậy. Nhìn chung đều giống như sự sắp xếp lúc đầu buổi lễ. Sau khi rót đủ rượu lên hai bàn thờ và những người thầy cũng thực hiện xong các điệu múa thì người chủ lễ bắt đầu làm lễ báo cáo với tổ tiên xin phép được kết thúc buổi lễ pút tồng tại đây và cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu trong họ được bình an mạnh khoẻ. Sau khi báo cáo xin phép tổ tiên xong, người chủ lễ quay ra thông báo với mọi người chú ý và tuyên bố kết thúc buổi lễ pút tồng của họ này tại đây. Lúc này, những người đến ủng hộ sẽ quay về nhà hoặc đi chơi xuân, còn những người trong họ pút tồng có thể ở lại ăn uống với nhau một bữa nữa. Bữa này có thể không đông đủ như bữa cơm trưa chính lễ, những cũng là con em trong họ hầu hết đều có mặt.

Mùa xuân là mùa vui chơi của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Các cách thức tổ chức vui chơi của các dân tộc không hề giống nhau. Đặc biẹt là các nghi lễ. Những nghi lễ quan trọng thường hay kèm theo các hội vui chơi dầu xuân. Những điều này tạo nên những đặc trưng văn hoá của các dân tộc. Với người Dao Đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai thì lễ pút tồng là lễ hội quan trọng bậc nhất trong dịp tết, và cũng quan trọng nhất trong mùa xuân. Pút tồng không chỉ là một nghi lễ quan trọng đối với các dòng họ tổ chức nhằm thể hiện sự nhớ ơn tổ tiên, nhớ ơn những người có công với cộng đồng và cầu mong cho cả họ sang năm mới được mạnh khoẻ, hạnh phúc, làm ăn giàu có hơn, con cháu thông minh hơn. Bên cạnh đó, lễ pút tồng cũng là một lễ hội lớn có các trò nhảy múa nhằm giải trí mùa xuân. Đây là dịp để đônga bào nghỉ ngơi đón năm mới sau bao nhiêu vất vả, gian nan vạt lộn với cuộc sống. Vẫn còn nhiều điều về lễ pút tồng chưa thể làm rõ được. Nhưng bài viết này cũng đã cố gắng mô tả lại những nghi thức chính của bưởi lễ, có thể xem để tham khảo./.

Bùi Minh Hào

Chú thích

(1) Theo phân nhóm của Nguyễn Khắc Tụng thì người Dao ở Việt Nam có hai phương ngữ chính: Phương ngữ thứ nhất gọi “người” là “miền” có hai nhóm là Đại bản (gồm Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt và Dao Thanh Phán) và Tiểu bản (chỉ có Dao Tiền); phương ngữ thứ hai gọi “người” là “mùn” cũng có hai nhóm là nhóm Khố Bạch (Dao Quần Trắng) và nhóm Lan Tẻn (gồm Dao Thang Y và Dao Áo Dài).

(2)  Việc giải thích tại sao các dòng họ này lại có những ngày kiêng kỵ như vậy rất là khó vì hầu như mọi người Dao ở đây cũng không giải thích được. Theo trình bày của một vài người làm nghề thầy cúng thì ngày xưa có một người Dao rất giỏi đã tìm ra các ngày kiêng kỵ của các dòng họ và răn bảo con cháu của các dòng họ muốn được tốt lành thì phải kiêng kỵ những ngày đó. Những ngày này được ghi lại trong một số cuốn sách cổ của người Dao nhưng giờ gần như không tìm được các cuốn sách đó. Các dòng họ truyền lại nhiều đời nên giờ họ chỉ biết ngày đó là ngày kiêng của họ mình và họ sẽ không tổ chức các nghi lễ quan trọng của mình vào những ngày này.

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (1): Tài tử và nhà Nho tài tử

Nhắc đến văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử thời trung đại, nhiều người sẽ bỡ ngỡ trước khái niệm “nhà Nho tài tử”, và thế nào là lối hưởng lạc của nhóm người này. Trong phần tổng hợp này, chúng tôi đi tìm ý nghĩa cụ thể nhất của hai chữ “tài tử”, từ đó xác định thế nào là “Nhà Nho tài tử”, và sau đó sẽ giới thiệu với bạn đọc về văn hóa hưởng lạc của nhóm người này

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?   Tiền đề: Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII – XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ... Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục...) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một

Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy – Cuộc hội tụ của những thế giới người chết Ấn Độ và Trung Quốc

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh buốt xương khô, Não người thay buổi chiều thu, Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. Đường bạch dương bóng chiều man mác, Ngọn đường lê lác đác sương sa, Lòng nào là chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. Trong trường dạ tối tăm trời đất, Có khôn thiêng phảng phất u minh, Thương thay thập loại chúng sinh, Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. …

Những hiểu biết sâu sắc về Suryanamaskar (chuỗi chào mặt trời) từ nguồn gốc đến ứng dụng đối với sức khỏe

Tóm tắt Ngày nay, Suryanamaskar (chuỗi chào mặt trời) được coi là một phần của các thực hành theo truyền thống yoga, mặc dù chuỗi động tác này không được coi là asana (các tư thế yoga) cũng không phải là một phần của Yoga truyền thống. Thực hành Suryanamaskar trước khi bắt đầu các hoạt động thường ngày sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người tập và mang lại một ngày hoàn toàn tràn đầy năng lượng. Bắt nguồn từ Raja[1] (quốc vương) của Aundh[2] – người đầu tiên đề xướng suryanamaskar, sau

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (3): Tuyên ngôn hưởng lạc

II. Sự xuất hiện đông đảo của các nhà Nho tài tử: Bối cảnh xuất hiện: Kể từ thế kỷ XVII, ở nước Việt tồn tại nhiều chính quyền khác nhau: từ Lê – Mạc, đến Lê – Trịnh, Lê – Trịnh – Nguyễn. Việc có nhiều chính quyền, quyền lực của vua không còn là tuyệt đối,  và mỗi chính quyền lại tổ chức những kỳ thi tuyển chọn khác nhau ở từng nơi khiến cho giới học trò không còn bị ràng buộc