Home Chuyên đề tháng Hệ thống thờ cúng thần trong văn hóa Việt Nam

Hệ thống thờ cúng thần trong văn hóa Việt Nam

I – Khái niệm “Thần” trong văn hóa người Việt

“Thần” là một khái niệm rất khó định nghĩa cho dù ở bất cứ nền văn hóa nào. Một cách mơ hồ, ta có thể hiểu “thần” như một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài đời sống hiện hữu của con người nhưng vẫn có thể tác động đến số phận của mỗi cá nhân. Con người một các tự nhiên, đã sớm ý thức được cái chết của mình và sợ hãi tới mức lo lắng về tính chất hư vô của cái chết, và không chỉ có thế, họ tìm mọi cách để giữ gìn đời sống an toàn mà họ đang sở hữu với những người họ yêu thương, những gì họ sở hữu… Thế nhưng theo quy luật tự nhiên, không có gì là vĩnh cửu, con người phải đối mặt với sự mất mát ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Nguyên nhân của sự mất mát cho dù là khách quan hay chủ quan thì cũng dễ khiến con người cảm nhận thấy một điều gì đó vô hình chi phối số phận của bản thân. Thế giới vô hình là bí ẩn đối với con người và con người diễn giải thế giới vô hình theo các cách khác nhau, một trong các cách ấy là do sự chi phối của thần linh.

Khi tìm hiểu về thờ thần của một tộc người hay của một nền văn hóa, đương nhiên ta sẽ phải đối mặt với một nan đề khó giải, đó là tâm thức của người nguyên thủy. Tại sao người nguyên thủy lại thờ thần? Thái độ của họ đối với vị thần của mình như thế nào? Sự phân biệt chính tà dựa trên cơ sở nào? Nguồn gốc của các vị thần mà họ tôn thờ ra sao?… Một loạt các câu hỏi được đặt ra mà với mỗi câu trong số đó, ta chỉ có thể tiệm cận đáp án, chỉ có thể đưa ra các giả thuyết chứ gần như không thể nhìn ra sự thật. Đáp án của chúng, thôi thì cũng chỉ có thể bí ẩn như thế giới vô hình kia, nhưng những con người tò mò lại không thể ngừng kiếm tìm lời giải. Bởi thế, ở đây tôi chỉ có thể mô tả về thế giới thần trong tâm thức của người Việt dựa trên những biểu hiện bề mặt thờ cúng, truyện dân gian được truyền lại, và những ảnh hưởng văn hóa của các vị thần linh trong đời sống tinh thần người Việt. Chỉ riêng vậy thôi cũng đã là một cuộc phiêu lưu lớn vào thế giới đa thần của một quốc gia đa tộc người và hỗn hợp nhiều luồng văn hóa.

Như đã nói, khái niệm “thần” vốn dĩ rất khó định nghĩa bởi yếu tố huyền bí của nó, thế nên ta chỉ có thể chấp nhận một định nghĩa sơ sài, chung chung. Theo như Từ Điển Tiếng Việt (Giáo sư Hoàng Phê, Trung tâm Từ Điển học), “Thần” là “lực lượng siêu tự nhiên  được tôn thờ, coi là linh thiêng, có sức mạnh và phép lạ phi thường, có thể gây họa hoặc làm phúc cho người đời, theo quan niệm mê tín hoặc theo quan niệm tôn giáo”(tr1450, bản in 2015). Thật khó để nhận ra từ trên cơ sở nào Trung tâm Từ Điển học đưa ra định nghĩa này, bởi xưa nay các nhà làm từ điển ở Việt Nam chỉ quan tâm đến định nghĩa của từ trong cách hiểu của thời đại mình chứ không quan tâm đến từ nguyên của một khái niệm.

>> Bạn có thể tìm đọc tham khảo thêm từ các sách sau đây:

Những Biểu Tượng Đặc Trưng Trong Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam – Tập 1: Các bộ trang trí điển hình – Book Hunter Lyceum

Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam – Tập 2: Các vị thần – Book Hunter Lyceum

Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam – Tập 3: Các con vật linh – Book Hunter Lyceum

Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam – Tập 4: Các vị tổ – Book Hunter Lyceum

Khía niệm “thần” do Hoàng Phê định nghĩa ta có thể tìm thấy trong khái niệm của văn hóa Mường – Thái. Khái niệm “ma” của người Mường vừa giống với cách hiểu của chúng ta, lại vừa khác. Người Mường dùng “ma” để gọi tất cả linh hồn của người chết cho dù họ ác hay thiện, họ có vai trò phù trợ hay gây họa cho con người. Thế giới của các ma sống được gọi là “Mường Ma”, một thế giới song song và đối xứng với Mường Người, cả hai đều nằm dưới sự chi phối của Mường Trời  và Mường Nước (tr33,34 – Tín ngưỡng dân gian của người Mường ở Hòa Bình, tác giả Lương Quỳnh Khuê, NXB Văn hóa dân tộc). Người Thái cũng mô tả thế giới tương tự người Mường, họ gọi linh hồn người chết là “phi”;  tổ tiên thường được gọi là « phi hườn », trong đó những người được làm đám ma to để lên trời được gọi là “đắm trào”, có vai trò phù hộ cho con cháu và phục vụ “then luông” tức vua trời:

« Hồn chủ ông mo đưa về ngự ở ban thờ
Hồn thứ ông mo mới đưa về ngự ở nhà mồ
Hồn chót ông mo dẫn lên mường trời cùng với đắm trào ».
(Trích sử thi “Ẳm ệt luông”)

Như vậy, trong quan niệm của người Mường và người Thái, những tổ tiên có cơ hội lên “mường trời” và có khả năng phù trợ người đang sống thì đều đóng vai trò như những vị thần. Ngoài ra, trên “mường trời” cũng có rất nhiều các vị thần thuộc nhóm sáng thế khác và thường gắn với các hiện tượng tự nhiên. Văn hóa thờ cúng của nhóm Mường Thái là điển hình cho mô tuýp thờ cúng của người Việt cổ, thế nên dù cho sau này người Việt cổ đã tiếp thu các lớp văn hóa nào trong dòng lịch sử thì vũ trụ luận của người Mường Thái vẫn đóng vai trò cốt lõi của văn hóa tâm linh Việt.

“Thần”, đương nhiên là một từ vay mượn từ tiếng Hán. Trong tiếng Hán, “Thần” cũng là một khái niệm không rõ ràng. “Thần” vừa để ám chỉ một đấng siêu nhiên, lại vừa ám chỉ sự huyền diệu và phi thường, ở cả hai nghĩa đó “thần” đều vô hình không thể nhận biết nhưng lại chi phối thế giới hữu hình. Chữ “Thần” 神 được ghép bởi chữ Kỳ 示 và chữ Thân 申. “Kỳ” là cách để gọi các vị thần đất có vai trò mách bảo cho con người, còn chữ “Thân” có nghĩa là nói hay trình bày. Thông qua chiết tự  ta có thể hiểu “thần” đóng vai trò như một thế lực siêu nhiên đưa ra các mách bảo cho thế giới con người. Khái niệm “thần” được dùng từ bao giờ không rõ, nhưng ta có thể thấy có một loạt các khái niệm tương đương với “thần” như “đế” 帝 hay “quân” 君 hay “vương” 王 – những từ để chỉ các vị vua ở thế giới con người. Có khả năng rằng, đây đều là các nhân thần được một triều đình hoặc dân chúng yêu quý và trọng vọng. Trong khi đó, “thần” hay “kỳ” lại có nghĩa rộng hơn, bao hàm các linh hồn (bất kể người hay vật) có quyền năng chi phối đời sống con người. Quan niệm này của người Trung Quốc cổ đại, ta có thể thấy là tương đồng với quan niệm của người Mường Thái. Do đó, trong quá trình văn hóa  Trung Quốc ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam trong suốt hơn 2000 năm qua, thế giới của các âm hồn và các vị thần dường như không có quá nhiều sự khác biệt.

Với cách hiểu mơ hồ về Thần như vậy, người Việt dễ dàng “thuận miệng” quy kết bất cứ hiện tượng siêu nhiên nào cũng đều liên quan đến các vị thần, và ngay cả các hồn ma vất vưởng cũng dễ dàng được phong thần bởi dân gian. Không chỉ những linh hồn tổ tiên có công lao hay các vị thần sáng tạo được kể lại trong thần thoại và sử thi được gọi là thần, mà ngay cả linh hồn của các vật (như cây đa, tảng đá, con hổ, con chó…) hay các linh hồn chết oan (như trường hợp Tứ vị thánh nương, linh hồn Cô Bé – Cậu Bé…) cũng đều có thể được gọi là thần. Đó là một thế giới hỗn tạp khó có thể phân định, dung chứa nhiều vị thần từ nhiều nền văn hóa khác nhau, từ các vị thần địa phương, các vị tổ thần của các tộc; cho đến ảnh hưởng từ Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo; rồi đến Chăm pa, Chân Lạp… Số lượng các vị thần không ngừng tăng lên theo sự giao hòa phức tạp giữa các lớp văn hóa ảnh hưởng tới Việt Nam và đương nhiên nghi lễ cũng đa dạng không kém.

II –  Các nghi lễ thờ Thần của người Việt

…dường như trong thế giới cổ đại người ta tin rằng chỉ bằng cách tham dự vào cuộc sống thần thánh này thì họ mới trở thành con người đích thực. Cuộc sống trần thế mong manh một cách hiển nhiên và bị phủ bóng bởi cái chết nhưng nếu con người bắt chước những hành động của các vị thần, họ hẳn sẽ được dự phần vòa sức mạnh và hiệu năng của các thần ở một mức độ nào đó.”(“Lịch sử Thượng Đế” – Karen Amstrong)

Nghi lễ – đó là một trong các cách con người tham dự vào cuộc sống thần thánh. Mỗi hệ thống thờ thần, dù là tôn giáo lớn hay các tín ngưỡng nhỏ sơ khai cũng đều có các nghi lễ riêng được thực hiện bởi những con người sùng tín. Sự đa dạng trong nghi lễ thờ thần của người Việt cũng tỉ lệ thuận với sự phong phú của các loại thần thuộc nhiều lớp văn hóa khác nhau, và thậm chí còn mang tính thời đại. Tuy nhiên, có thể phân loại các nghi lễ thờ thần theo các mô hình sau:

  1. Nhập đồng

“Nhập đồng” ở hình thức nguyên sơ, là một hình thức nghi lễ đưa âm hồn vào cơ thể người sống để thông qua cơ thể người sống truyền đạt ý nguyện hoặc chỉ dẫn nào đó. Âm hồn có thể là thần hoặc quỷ, điều này không dễ để phân biệt và còn tùy thuộc và quan niệm của mỗi người. Tính xác thực của hiện tượng này cũng là điều khiến nhiều nhà khoa học tranh cãi. Đây là hình thức nghi lễ nguyên sơ nhất của nhân loại còn biết đến ngày nay còn được gọi là “shaman giáo” mà ta cũng dễ dàng tìm thấy trong văn hóa phù thủy của phương Tây hay ở bất kỳ bộ tộc nào. Ở Trung Quốc, hình thức nhập đồng được gọi là “vu thuật”. Giữa vụ thuật, shaman giáo và nhập đồng đều có các nghi lễ chung bao gồm:

  • Ăn mặc theo lối của các vị thần
  • Nhảy múa bắt chước hành vi của các thần
  • Tụng đọc các bài thơ hoặc khúc hát ca ngợi công đức các vị thần hoặc các câu chú liên quan đến thần
  • Để các vị thần nhập vào người lên đồng và thông qua cơ thể của đồng để thần đưa ra chỉ dẫn cho con người.

Đó là hình thức sơ khai. Tinh vi hơn, các “vu sư” hay “thầy mo” hoặc “thầy đồng” có thể có năng lực giao tiếp với các cõi giới khác nhau. Họ không cần biến cơ thể của mình thành công cụ “xuống đồng” cho các thần nữa, mà đã trở thành sứ giả của thế giới bên kia. Những vị sứ giả này khá tương đồng với các vị tiên tri trong Thiên Chúa giáo hay thủ lĩnh Muhammed của Islam hay các vị đạo sư khai tông lập phái của Đạo giáo như Trương Đạo Lăng, Vu Cát, Trương Giác…

Nhập đồng của người Việt đương nhiên có từ xa xưa. Truyền thuyết về Cao Biền được ghi chép lại trong “Lĩnh Nam chích quái” có nhắc đến việc Cao Biền thường hô thần của nước Việt nhập đồng rồi dùng kiếm để chém thần. Qua lời kể này, ta có thể phần nào mường tượng rằng việc nhập đồng là hiện tượng tâm linh phổ quát đối với Trung Quốc và Việt Nam trong thời Bắc thuộc. Do lớp ảnh hưởng của Đạo giáo từ Trung Quốc, hình thức giao tiếp với thần thánh càng phổ biến hơn trong suốt dòng lịch sử của người Việt. Sự giao tiếp ấy được ghi lại qua các sự tích liên quan đến thần Đồng Cổ (thời Lý) hay về thần của đình Ứng Thiên (thời Lý). Trong “Truyền kỳ tân phả” (Đoàn Thị Điểm), “Truyền kỳ mạn lục” (Nguyễn Dữ) hay “Tang thương ngẫu lục” (Phạm Đình Hổ & Nguyễn Án), sự giao tiếp qua lại giữa hai cõi âm dương, giữa thần và người càng phổ biến hơn và có màu sắc tiên đạo của Trung Quốc. Ta có thể thấy thông qua các truyện về Liễu Hạnh công chúa hay Từ Thức gặp tiên hay chuyện nàng Vũ Nương…

Hình thức nhập đồng phổ biến hiện nay ở Việt Nam là hình thức nguyên sơ có từ thời nguyên thủy, có trong tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Kho và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Sự giao tiếp với thế giới bên kia cũng tồn tại nhưng không có tính tổ chức như thầy mo trong tín ngưỡng Mường Thái cổ mà thường chỉ là các cá nhân tự nhận mình có năng lực này. Họ có thực có năng lực giao tiếp với thế giới bên kia hay không thì khó có thể xét đoán, ta chỉ có thể đánh giá rằng có hiện tượng này đang tồn tại trong xã hội.

  1. Cúng tế và cầu nguyện

Cúng tế và cầu nguyện là một cách thức tham dự vào thế giới thần linh. Nếu “nhập đồng” là để thần linh đưa ra các mách bảo cho con người thì cúng tế và cầu nguyện là cách để con người gửi các thông điệp của mình cho thần linh. Cúng tế vừa là một phần của nhập đồng vừa tách biệt, tùy các mục đích của nghi lễ.

Trong phong tục của người dân tộc thiểu số miền bắc như Mường, Thái đều có thầy mo để thực hiện các nghi thức thờ cúng vào các dịp lễ hội hoặc lễ tang ma, cưới hỏi, trừ tà… Họ giữ quy trình cúng tế và hướng dẫn người dân thực hiện. Tương tự với thầy mo là thầy tào trong truyền thống người Dao, Tày, Nùng. Thầy mo và thầy tào đều đóng vai trò cao trong xã hội của các dân tộc này, mọi lời nói của họ đều được tin cậy vì người dân cho rằng họ có kiến thức và hiểu biết về truyền thống cha ông để lại. Một mô hình tương tự là thầy cúng trong các làng của người Việt. Mỗi làng đều có một thầy cúng hành nghề cúng thuê cho các nhà. Những người cúng thuê này có thể học nghề cúng theo nhiều hệ thống khác nhau như Nho giáo, Đạo giáo, đạo Mẫu, hoặc truyền thống địa phương… Mặc dù khác nhau về nghi lễ nhưng về căn bản tế lễ và cầu nguyện của người Việt có mấy điểm chung như sau:

  • Cúng tế và cầu nguyện để mong được lợi cho bản thân

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết về mục đích thờ cúng của người Việt như sau: “Mọi người chỉ cầu tới tôn giáo do nhu cầu vật chất. Ở  một số trường hợp, người ta chỉ tìm kiếm một kết quả trước mắt như khỏi bệnh, xin con, cầu tài. Người ta chỉ cầu thần để cho đời sống của  một người đã khuất ở thế giới bên kia được dễ dàng, để thi đỗ, để thành công trong mọi việc, để một chuyến đi xa được bình yên…Thường thường, trong ý thức dân gian, tôn giáo được quy lại chỉ còn là một lô thực hành thờ cúng đã trở thành bắt buộc, vì hiệu quả của hành động này hanh hành động khác trong đời sống hàng ngày là phụ thuộc vào sự thực hiện đúng những lễ nghi thờ cúng đó. Lễ nghi là tất cả, nó đôi khi bao gồm những lễ rắc rối, dưới một hình thức long trọng bề ngoài phức tạp.” (Tr 256, “Văn minh Việt Nam”, Nguyễn Văn Huyên,  Nhã Nam, bản in 2017)

Những lời này của Nguyễn Văn Huyên không thể chính xác hơn về thái độ thờ cúng của người Việt. Nỗi sợ hãi trước những nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc đời dễ dàng khiến họ đặt niềm tin vào thần thánh và sẵn sàng thực hiện mọi nghi lễ phức tạp, thậm chí là đắt đỏ để cúng tế. Đây cũng là tâm thức nguyên thủy khi con người chưa trang bị cho mình những kiến thức và công cụ để tự bảo vệ bản thân. Nỗi sợ hãi ấy đã khiến con người càng ám thị bản thân tuân theo các nghi lễ thờ cúng mà không cần phải hiểu. Hành vi lặp đi lặp lại trong một loạt các nghi thức ở khắp nơi với cường độ liên tục, đều đặn càng củng cố thêm niềm tin của người hành lễ. Hãy thử thống kê các dịp cúng lễ “bắt buộc” mà không hiểu vì sao của người Việt: rằm và mồng 1 hàng tháng (riêng các rằm tháng giêng,7,8,chạp thì lễ cúng phức tạp hơn), các dịp lễ tiết nguyên đán (tháng 1), thanh minh (tháng 3), đoan ngọ (tháng 5), lễ ông táo (tháng chạp); đó là còn chưa kể đến những cúng tế hàng ngày đối với đại đa số người buôn bán dành cho các ông thần tài hay các dịp giỗ chạp của mỗi gia đình (tối thiểu mỗi gia đình có trung bình khoảng 5 dịp giỗ mỗi năm bao gồm 2 dịp bên nội, 2 dịp bên ngoại, 1 dịp giỗ tổ) . Đời sống của người Việt thực sự bị bủa vây bởi các hoạt động cúng tế. Ở nông thôn, những nghi lễ còn được thực hiện phức tạp vào long trọng hơn ở thành thị. 

Hoạt động cúng tế mang tính tập thể hơn thì xuất hiện trong các dịp tế lễ ở đền, đình, chùa. Ngoài các dịp “bắt buộc” vừa kể trên, các đền, đình, chùa, miếu…cũng có một hệ thống ngày cúng lễ riêng liên quan đến quy định của tín ngưỡng hoặc liên quan đến sự tích gắn với địa điểm. Chủ trì các nghi lễ này thường là người đứng đầu địa điểm thiêng, mà trong mô hình hiện đại được gọi bằng tên chung là “ban quản lý di tích”. Những người dân đến lễ ở các địa điểm này có thể là dân địa phương cũng có thể là người ở các vùng khác. Tùy vào sự nổi tiếng của các địa điểm hoặc các vị thần mà việc thờ cúng diễn ra thường xuyên hay định kỳ.

Địa điểm Chức năng Xuất xứ Nghi lễ điển hình Biến đổi & tích hợp
Chùa Thờ Phật, giảng giải đạo lý Phật giáo Phật giáo Thắp hương cúng PhậtTụng kinh và giảng kinh Thường thờ thêm các ban Đức Ông, Đức thánh Trần, thờ MẫuXin lộc từ Phật hoặc cầu Phật trừ tà
Dâng sao giải hạn
Đền Thờ thần Địa điểm thiêng của người Việt cổCác đạo quán của Đạo giáo Thắp hương cầu khấn, đưa các nguyện vọng của mình tới các vị thầnMột số nơi nhập đồng để xin chỉ dẫn
Các lễ hội mang tính chất nghi lễ diễn xướng đặc trưng
Xem bóiBán khoán
Tích hợp thêm ban thờ mẫu hoặc ban thờ Phật
Đình Thờ thành hoàng làng Có thể từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có công trong làngHoặc do ảnh hưởng từ Trung Quốc trong thời phong kiến Các lễ hội diễn xướng liên quan đến thành hoàngDâng sớ cầu xin Thêm ban thờ mẫu hoặc một số vị thần nổi tiếngMột số nơi thêm ban thờ Phật
Miếu Thờ vong hồn Xuất phát từ tục cúng hồn người chết có trong nhiều tộc ngườiẢnh hưởng từ Trung Quốc thời phong kiến trong cấu trúc và nghi lễ Thắp hương và đồ cúng để cầu xin Miếu thờ Phật được gọi là am
Lăng Mộ của các nhân vật quan trọng Ảnh hưởng từ Trung Quốc thời phong kiến Thắp hương tưởng nhớ Tích hợp thêm với đền hoặc miếu để người đến thăm có thể cầu xin
Điện Thờ các thần trong Tứ phủThực hiện các lễ nhập đồng Đọa Mẫu
  • Trong nghi lễ đều sử dụng lửa

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, lửa đối với người Việt luôn là vật dẫn để liên kết với thần thánh (ở một số tôn giáo khác của Ai Cập cổ đại và Kito giáo thì nước mới là vật dẫn). Lửa đóng hai vai trò chính:
Một là được thắp lên dưới dạng hương hay còn gọi là nhang. Nguồn gốc của hương và nhang không rõ ràng, chỉ biết là được sử dụng rất rộng rãi từ Ai Cập, Babylon cho đến Ấn Độ và Trung Quốc. Hương thường phải tạo ra mùi thơm nên thường được làm từ bột của các loại thực vật thơm. Về hình thức, hương ở Ấn Độ và hương của Trung Quốc khá giống của Việt Nam, vậy nên khó có thể khẳng định được tục đốt hương của người Việt là do ảnh hưởng từ phía nam lên qua sự du thuyết của các tu sĩ Bà La Môn và Phật giáo hay từ phương Bắc xuống theo con đường di dân.

Tôi cho rằng đốt hương là một biến tướng của tục đốt lửa tế thần. Lửa đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người cổ xưa. Lửa, có thể nói là lớp phòng thủ đầu tiên của con người, để con người có thể tự bảo vệ mình khỏi thú dữ, cái lạnh giá và nỗi sợ hãi bóng đêm trong rừng thẳm. Lửa thực sự là một món quà của tự nhiên ban phát cho con người, mà trong tâm thức của người nguyên thủy thì đó là vật của các vị thần (như Prometheus ăn trộm lửa của Olympus để cứu con người). Với vai trò như vậy, lửa sẽ luôn được sử dụng trong các nghi lễ tế thần, mang tính chất đại diện cho thần thánh hoặc tính thần thánh (ở Ấn  Độ, lửa được sử dụng để thanh tẩy). Người Dao Đỏ đến nay vẫn còn lưu giữ tục nhảy lửa, những chàng trai người Dao dẫm chân vào đống lửa để được ngọn lửa thần thánh ban cho sức mạnh và trừ tà ma trên người. Còn người Mường vẫn coi bếp lửa là vật trung tâm của ngôi nhà, thế nên việc nhóm bếp được coi trọng, lần nhóm bếp đầu tiên được coi là dựng lên ngọn lửa ấm no cho gia đình. Họ còn thờ ba ông đầu rau, tức ba hòn đá kê bếp, một hình thức cổ xưa của ba vị táo quân trong tâm thức Việt cổ. Người phương Tây đã biến chuyển từ việc sử dụng lửa sang nến ở các bàn thờ trong nhà, tương tự như thế, người Ấn Độ và Trung Quốc có thể đã biến chuyển thành hương (nhang).

Hai là được dùng để hóa vàng mã. Việc hóa vàng mã được bắt đầu vào thời Đường, vốn là một cách chuyển các đồ minh khí chôn cùng người chết vào thời cổ vốn rất tốn kém (có thể là vàng, bạc, đồng, gỗ, đất sét…) sang loại bằng giấy tiết kiệm và thuận tiện hơn. Người chế ra đồ vàng mã là  Vương Dũ. Sách “ Thông giám cương mục” có chép: vì vua Huyền Tôn, mê thuật quỉ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan thái thường bác sĩ để coi việc chế vàng mã dùng khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ là hàng Thuỷ tổ nghề vàng mã.” (Phần dịch của hòa thượng Tố Liên, Nguồn gốc tục đốt vàng mã, NXB Đuốc Tuệ 1957, bản đánh máy đăng trên Tễu Blog ). Như vậy, trong chức năng đốt vàng mã thì lửa đóng vai trò phụ.

  • Luôn có đồ hiến tế

Đồ hiến tế là vật không thể thiếu trong các cuộc cúng tế ở mọi nền văn hóa. Tùy các đặc trưng của dân tộc mà mỗi dân tộc lại có tục hiến tế khác nhau. Đồ hiến tế cũng biến chuyển theo thời đại. Ở Việt Nam, đã từng có thời người dân phải hiến tế người sống cho quỷ thần. Trong “Lĩnh Nam chích quái” còn ghi chép lại dấu vết người dân Việt hiến tế người sống cho thần Xương Cuồng (Truyện mộc tinh). Truyền thuyết dân gian còn lưu lại sự tích bánh chưng bánh dầy qua việc Lang Liêu tạo ra đồ hiến tế từ các nông sản thu hoạch được trong vụ mùa. Điều này cho thấy ở thời Hùng vương, tập tục hiến tế chính thống đã sử dụng thức ăn chín để tế lễ (chứ không phải là người sống hay động vật sống). Do ảnh hưởng từ Trung Quốc, đồ tế lễ của người Việt có thêm vàng mã. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã của Việt Nam thiếu lề luật. Trong quy định tiền âm phủ, người Trung Quốc phân chia rất rõ các loại tờ tiền: vàng dành cho ngọc hoàng, bạc dành cho tổ tiên và thổ địa, tiền mặt dành cho các linh hồn mới chết; trong khi người Việt thì đốt chung các loại tờ tiền và đồ đạc giấy cho tất cả các loại thần thánh cũng như linh hồn, chỉ trừ hình nhân thế mạng và ngựa xe thì được sắp đặt theo quy định của từng tín ngưỡng. Việc tích hợp phức tạp trong các mô hình địa điểm thờ cúng dần dần khiến cho việc đốt vàng mã phổ biến rộng rãi ngay cả trong những nơi không thích hợp như chùa hay am.

III – Mô tả thế giới thần của người  Việt

  1. Các lớp tín ngưỡng và tôn giáo ảnh hưởng đến thế giới thần của người Việt

Dải đất Việt Nam của chúng ta trải qua nhiều biến chuyển lịch sử, thế nên người Việt cũng theo đó mà thay đổi các tập tục thờ cúng. Dưới đây là các lớp biến chuyển về phong tục thờ cúng của người Việt:

Lớp văn hóaảnh hưởng Đặc trưng thờ cúng Thời gian bắt đầu Dấu vết Khu vực ảnh hưởng
Việt cổ Thờ cúng tổ tiênThờ cúng vật linh (cây, đá, rồng, rái cá, chim…)
Thờ cúng trời đất
Thờ các vị nữ thần hoặc nữ phù thủy
Từ giai đoạn nước Xích Qủy, Văn Lang, rất khó xác định niên đại cụ thể Tín ngưỡng thờ cúng của người Mường, TháiThói quen thờ vong hồn, hoặc các ma cây, thần đá còn lưu đến nay
Tín ngưỡng đạo Mẫu và các nghi lễ nhập đồng
Khắp cả nước, chủ yếu tập trung ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ & Bắc Trung bộ
Nho giáo Thờ thành hoàngThờ tổ tiên đề cao chữ hiếu
Thờ trời đất qua nghi lễ tế ở đền Xã Tắc và Nam Giao
Bắt đầu thời kỳ thuộc Hán (111TCN) Nghi lễ trong các đình thờ thành hoàngCác lăng mộ và miếu của quý tộc Khắp cả nước, chủ yếu tập trung ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ & Bắc Trung bộ
Bà La Môn giáo được Việt hóa Nghi lễ mùa màng và thời tiết Khoảng thế kỷ 3 Tín ngưỡng Tứ pháp Đồng bằng Bắc bộ
Đạo giáo Thờ Ngọc Hoàng và các vị tiên thánh thuộc Đạo giáo Trung Hoa Khoảng thế kỷ 3 Các đạo quánCác đền có chữ “Quán”
Tín ngưỡng thờ Ngọc  Hoàng
Tín ngưỡng thờ tiên
Khắp cả nước, đặc biệt là những nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống như Hà Nội, Sài Gòn, Hội An, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Phật giáo Các vị Phật cũng được “thần hóa” để thờ cúngCác vị thần được nhắc đến trong Phật giáo (Đế Thích, Tì Sa Môn thiên vương…)
Các nhà sư người Việt có uy tín trong lịch sử
Khoảng thế kỷ 3 Chùa Khắp cả nước
Các danh nhân người Việt hoặc có công với người Việt Ban đầu là để tưởng nhớ tinh thần yêu nước, sau đó chuyển sang cúng tế để cầu nguyện Có thể được biến đổi từ tục thờ cúng tổ tiên hoặc anh hùng trong các tộc người.Xuất phát điểm không rõ Thường được thờ trong các đền được xây ở quê hương, những nơi danh nhân đã đi qua, nơi mất… Khắp cả nước
Chăm pa & Chân Lạp Các vị nữ thần người Chăm pa dần được Việt hóa và được người Việt thờ cúng (Thiên Y A Na, Bà chúa Xứ Sở…)Tục thờ Cá Ông Thế kỷ 11 Các đền thờ nữ thần ChămpaCác đền thờ xác Cá lớn trôi dạt vào bờ Chủ yếu ở Nam trung bộ và miền Nam, rải rác ở Bắc trung bộ.
Người Minh Hương lưu vong Các vị thần bảo vệ người dân Minh Hương như Thiên Hậu, Quan Vũ Thế kỷ 16 Các đền thờ & Hội quán Các vùng ven biển, Hà Nội và Sài Gòn
Công giáo & Tin Lành Theo đúng các quy định của nhà thờ Thế kỷ 18 Nhà thờ Khắp cả nước
Chính quyền Cộng Sản Thờ các quan chức và tướng lĩnh cấp cao theo lối thờ các danh nhân của người ViệtThờ Hồ Chí Minh như một vị thánh
Thờ các anh hùng liệt sĩ
Sau năm 1945 Đài tưởng niệm liệt sĩLăng mộ của các quan chức và tướng lĩnh cấp cao Khắp cả nước

 

  1. Cách gọi các vị thần theo từng lớp văn hóa ảnh hưởng

Cách gọi Nghĩa Nguồn gốc
Bua, Ma Vua (dùng để gọi vua trời và vua nước), linh hồn Mường
Then luông, đắm trào Vua trời, tổ tiên được lên làm thần Thái
Thần Lực lượng siêu nhiên chi phối đời sống cõi dương Văn hóa dân gian Trung QuốcNho giáo
Thánh Vị nhân thần được nhân dân ca tụng công đức Đạo giáoNho giáo
Tiên Người hoặc vật tu luyện có phép thuật Đạo giáo
Mẫu (Mẹ), Bố Vị thần gắn liền với dân tộc Việt Người Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ
Vương Các vị thần địa phương được triều đình phong Nho giáoĐạo giáo
Đế Các vị thần chủ chốt trong Đạo giáo Đạo giáo
Quân Các vị thần chủ chốt trong Đạo giáo Đạo giáo
Ông hoàng, Bà chúa Các vị thần gọi theo lối dân gian Thói quen của người Việt
Cô,  Cậu Các vong hồn đi theo hệ thống Đạo Mẫu, phục vụ cua các mẫu, ông hoàng, bà chúa Đạo Mẫu

 

  1. Danh mục các thần quan trọng theo từng lớp văn hóa và nghi thức thờ cúng

(Lưu ý, không thống kê lớp ảnh hưởng từ Công giáo & Tin Lành, Chính quyền Cộng Sản)

Lớp văn hóa STT Tên thần/nhóm thần Nghi thức đặc trưng Khu vực thờ chính
Việt cổ 1 Lạc Long Quân & Âu Cơ Tế lễ nhân dịp giỗ tổ Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú ThọBan thờ Âu Cơ trong một số đền thờ Mẫu hoặc Đạo giáo
2 Tản Viên Sơn Thánh + Cao Sơn Đại Vương + Qúy Minh Đại Vương Diễn xướng và rước trong các dịp lễ hội liên quan Khu vực núi Ba Vì, Thanh Sơn (Phú Thọ), miền núi phía Đông Bắc, Thanh Hóa & Nghệ An
3 Bà chúa Kho Cúng tế cầu tài lộcNhập đồng Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang
4 Phù Đổng Thiên Vương Diễn xướng và rước trong các dịp lễ hội liên quan Sóc Sơn (Hà Nội), Bắc Giang
5 Thánh Tam Giang (Trương Hống & Trương Hát) Diễn xướng và rước trong các dịp lễ hội liên quan Bắc Ninh
6 Các thần & vong hồn trong đạo Mẫu Nhập đồng Đồng bằng & Trung du thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Đặc biệt ở Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc)
7 Thần Đồng Cổ Hội thề mang nhiều màu sắc Nho giáo Thụy Khuê (Hà Nội), Yên Đinh (Thanh Hóa)
8 Chử Đồng Tử Đã được Phật giáo hóa & Đạo giáo hóa Hưng Yên
9 Thần Xương Cuồng (mộc tinh hoặc thần hổ) Hiến tế người Đã bị loại bỏ từ 1800Chỉ còn lưu trong truyền thuyết, lối nói
10 Thần rắn (Ông Cụt, thủy thần…) Cúng tế xin tài lộc Khắp cả nước
11 Các thần cây Cúng tế xin tài lộc hoặc tránh bị phạt Khắp cả nước
Nho giáo 1 Khổng Tử, Chu Công, Chu Văn An, Nguyễn Trãi… & nhiều vị Nho thần người Việt khác Tế lễ tầm cỡ quốc giaCầu xin đỗ đạt Văn Miếu, Văn Từ, Văn Chỉ
2 Nam Giao Học Tổ Sĩ Nhiếp Tế lễ tầm cỡ quốc gia (thời phong kiến)Đến nay chỉ còn lễ dâng hương tại đền Thuận Thành (Bắc Ninh)
3 Xã Thần (đất) & Tắc Thần (nông) Tế lễ tầm cỡ quốc gia (thời phong kiến)Đến nay chỉ còn lễ dâng hương Đàn Xã Tắc tại kinh đô của các triều đại cũ
4 Thờ Hoàng Thiên Tế lễ tầm cỡ quốc gia (thời phong kiến)Đến nay chỉ còn lễ dâng hương Đàn Xã Tắc tại kinh đô của các triều đại cũ
5 Hoàng tộc của các triều đai phong kiến Việt nam Dâng hương Các lăng miếu ở miền Bắc và miền Trung
6 Các danh tướng của triều đình phong kiến Việt Nam Lễ rước & diễn xướng Khắp cả nước
Bà La Môn giáo được Việt hóa 1 Man Nương & Tứ pháp Nghi lễ rước tượng cầu xin mùa màng bội thu Bắc Ninh, Thường Tín (Hà Tây), Hưng Yên
2 Đế Thích (được Hán hóa thành vị vua cờ, sau đó là Đạo giáo hóa) Ngoài nghi lễ rước thì còn có các hội chơi cờ người, hoặc thi cờ Đồng bằng Bắc Bộ
Đạo giáo 1 Chân Võ Tinh Quân hoặc Huyền Thiên Trấn Võ Thờ cúng theo nghi thức Đạo giáo Khu vực phía Bắc thành Thăng  Long xưa, Bắc Ninh
2 Tam Thanh Thờ cúng theo nghi thức Đạo giáo Trung du và đồng bằng Bắc Bộ
3 Ngọc Hoàng Thờ cúng theo nghi thức Đạo giáoĐược tích hợp với tín ngưỡng thờ vua Trời của người Mường – Thái.
Được thờ trong một số đền thờ của đạo Mẫu
Khu vực người Tàu ở Hội An, Huế & Sài GònCác đền thờ đạo Mẫu ở miền Bắc
4 Cửu Thiên Huyền Nữ Được đồng nhất với Mẫu Cửu Trùng Thiên trong đạo Mẫu, nhưng không giáng đồng Thờ trong các ban thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên trong đạo Mẫu
5 Các đạo sĩ như Yên Kỳ Sinh, ông Tu Nưa, Cao Biền… Đặt ban thờ trong các địa điểm thiêng Được thờ tại nơi họ tu hành
6 Thần chính khí của các vùng như Long Đỗ, sông Tô Lịch, Hà bá sông Hồng… Lễ rước Đặt ở vị trí phong thủy đẹp của địa phương
7 Thần Tài, Táo quân, Thổ công Thờ cúng để cầu xin tài lộc, no ấmViệc thờ Táo quân được tích hợp với tục thờ ông đầu rau của người Mường Ban thờ ở góc nhà hoặc trong các miếu
8 Thần giữ của (liên quan đến hiến tế trinh nữ ở các mộ chôn nhiều minh khí), đã được chuyển thành thờ các cô. Thờ cúng để cầu xin tài lộc hoặc vì sợ bị phạt Miếu
9 Thần Nông Cúng tế cầu mùa màng (đến nay chỉ thắp hương) Ban thờ nhỏ, miếu nhỏ trong một số đền
Phật giáo 1 Quán Thế Âm Bồ Tát (dưới nhiều cách thức tạo hình) Cúng tế để cầu xin cứu độ Có trong tất cả các chùa Phật giáo
2 Tam Thế Phật Cúng tế để cầu xin cứu độ Có trong tất cả các chùa Phật giáo
3 Địa Tạng Vương Cầu siêu cho các vong hồn Đặc biệt có vai trò quan trọng trong các chùa địa phương hoặc các nơi gần nghĩa địa, nhiều người chết oan
4 Thập Điện Diêm Vương (đã được Đạo giáo hóa) Cúng tế để cầu xin cứu độ Có trong hầu hết các chùa
5 Tam Tổ Trúc Lâm Cúng tế để cầu xin cứu độ và tưởng nhớ Có trong các chùa theo Thiền tông hoặc các Thiền viện  Phật giáo
6 Bát Bộ Kim Cương (hộ pháp) Thắp hương để vào chùa Có trong tất cả các chùa Phật giáo
7 Đức Chúa Ông (vị thần giàu có hộ pháp).Nguyên bản là Cấp Cô Độc, sau đó được đồng nhất với những người có công bỏ tiền xây chùa. Cúng tế xin phò trợ về tài chính Có trong tất cả các chùa Phật giáo
8 Từ Đạo  Hạnh & Nguyễn Minh Không Cúng tế & tưởng nhớ Sài Sơn & đền Lý Quốc Sư (Hà Nội), Ninh Bình
9 Di Lặc (tạo hình Bố Đại hòa thượng), Tế Công Cúng tế & cầu xin tài lộc Có trong nhiều chùaTrang trí tại nhiều gia đình để xin tài lộc
Các nhân thần người Việt hoặc có công với người Việt 1 Hai Bà Trưng & các tướng trong cuộc khởi nghĩa Lễ rước & diễn xướngNhập đồng (trong một số trường hợp) Trung du và đồng bằng Bắc bộ
2 Lữ Gia Lễ rước Hưng Yên, Nam Định
3 An Dương Vương & Mị Châu Lễ rước Đông Anh, Ven biển Thanh Hóa, Nghệ An
4 Tứ vị thánh nương (linh hồn chết oan) Cúng tế để cầu xin tài lộcNhập đồng Ven biển miền Bắc và Bắc Trung bộ
5 Lý Phục Man & các tướng theo Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục Lễ rước & diễn xướng Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên
6 Linh Lang Đại Vương Lễ rước Hà Nội, Hải Phòng
7 Đức thánh Trần & Ban Trần Triều Cúng tế để cầu xin tài lộc, phù trợ, trừ tàNhập đồng Bắc bộ, đặc biệt là khu vực ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định
8 Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng Cúng tế để tưởng nhớLễ rước Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng
9 Các vị tướng trấn thủ, khai phá các khu vực Lễ rước & diễn xướng Khắp cả nước
10 Các tổ nghề Cúng tế để tưởng nhớLễ rước Khắp cả nước
Chăm pa & Chân Lạp 1 Mỵ Ê Cúng tế và tưởng nhớ Hà Nội, Hà Nam,
2 Thiên Y A Na hay gọi làThánh Mẫu Chúa Ngọc Gắn liền với nghi lễ phồn thực của người ChămBan đầu là tượng khỏa thân Nam Bộ và Nam Trung Bộ
3 Bà chúa Xứ (thực ra là tượng nam thần Khmer) Lễ vía bàNhập đồng Đồng bằng sông Cửu Long
4 Hậu Thổ phu nhân, đã được Đạo giáo hóa Lễ rước & cúng tế cầu tài lộc Hà Nội
5 Bà Đen (Nguồn gốc không rõ ràng, có giả thuyết là từ tín ngưỡng thờ cặp bà đen – bà trắng của Khmer) Lễ vía bà, rước tượng Đồng bằng sông Cửu Long
6 Cá Ông Cúng tế cầu tài lộc, bình an khi đi biểnLễ rước Ven biển miền Trung
Người Minh Hương lưu vong 1 Thiên Hậu nương nương Cúng tế để cầu tài lộc, bình an Các khu người Tàu ven biển Việt Nam
2 Quan Vũ Cúng tế để cầu tài lộc và xin sự bảo vệ, trừ tà Hà Nội, Hội An, Sài Gòn
3 Ngọc Hoàng & Thiên đình Đạo giáo Cúng tế Hội An, Huế, Sài Gòn

 

Hà Thủy Nguyên

 

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay

Ban đầu, tôi biết đến Rumi qua các bài giảng của nhà huyền môn thế kỷ 20 đầy mê hoặc – Osho (Rumi có một cái tên rất dài, nhưng tôi chỉ muốn gọi ông đơn giản là Rumi). Osho yêu Rumi, không ít lần Osho thốt lên điều ấy. Tình yêu của Rumi cũng chính là trọng tâm trong những lời giảng về con đường chứng ngộ của Osho. Năm 2016, tôi được đọc bản dịch Rumi đầu tiên được xuất bản ở Việt

Hạnh phúc trong các quan niệm tôn giáo, tâm linh

“Khi tôi năm tuổi, mẹ tôi luôn nói với tôi rằng hạnh phúc chính là chìa khóa của cuộc sống. Lúc tôi tới trường, người ta hỏi tôi rằng tôi muốn mình sẽ trở thành như thế nào khi lớn lên. Tôi đã viết, 'hạnh phúc'. Người ta nói với tôi rằng tôi không hiểu bài tập ấy, và tôi đáp lại rằng họ không hiểu cuộc đời.” Đó là tâm sự của John Lennon, ca sĩ chính trong ban nhạc The Beatles. Đã có

Từ thờ cúng nữ thần đến tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ nữ thần không phải là một hiện tượng độc đáo trong đời sống tâm linh của người Việt, trái lại, rất phổ biến trên toàn thế giới. Tượng thờ nữ thần cổ xưa nhất được tìm thấy của người Cro-Magnon tại Hohle Fels có niên đại khoảng 35.000 năm với bộ ngực, bụng và âm hộ phóng đại. (1) Ở thời kỳ đồ đá, nữ thần giữ vai trò tối cao – đấng Sáng Thế, Nuôi Dưỡng và Hủy Diệt và luôn

Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo

Tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tôn giáo có thể cứu rỗi con người nhưng đồng thời cũng đẩy con người vào bi kịch. Tôn giáo được ra đời như thế nào, từ bao giờ, và tại sao con người lại có các nhận thức tôn giáo, cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng, các giáo lý của tôn giáo thay đổi trong từng

PHÁP SƯ, PHÙ THỦY, THIỀN GIẢ – KHÁC NHAU Ở ĐÂU?

Khi viết bài này, hẳn nhiều người tu tập tâm linh sẽ nói rằng tôi có tâm phân biệt, cứ phiên phiến thôi, vì hình thức tu luyện nào cũng là tốt cả. Những hình thức tu luyện không xấu, nhưng nhập nhằng không phân rõ cái nào vào cái nào thì chỉ là cơ hội cho những đồ giả mạo lên ngôi. Mà giả mạo thì chắc chắn là xấu. Thế nên, tôi sẽ cố gắng phân rõ từng khái niệm. #1. Pháp sư Wizard: