Home Chơi Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (1): Tài tử và nhà Nho tài tử

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (1): Tài tử và nhà Nho tài tử

Nhắc đến văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử thời trung đại, nhiều người sẽ bỡ ngỡ trước khái niệm “nhà Nho tài tử”, và thế nào là lối hưởng lạc của nhóm người này. Trong phần tổng hợp này, chúng tôi đi tìm ý nghĩa cụ thể nhất của hai chữ “tài tử”, từ đó xác định thế nào là “Nhà Nho tài tử”, và sau đó sẽ giới thiệu với bạn đọc về văn hóa hưởng lạc của nhóm người này trong xã hội Việt Nam trung đại.

Đầu tiên, trước khi đi vào tìm hiểu về nhà Nho tài tử, chúng ta hãy cũng làm quen với những quan niệm quen thuộc về nhà Nho trung đại Việt Nam. Không giống với khái niệm “tài tử” có phần xa lạ, nhà Nho quen thuộc hơn khi gắn họ với lối “xuất-xử” (hành đạo – ẩn tàng) ở đời. Khái niệm “xuất-xử” này được nhắc đến lần đầu trong “Thanh hư động ký” (1384) của Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi):

“Trong việc “xuất”, “xử” của kẻ hiền đạt, thì “xuất” là để hành động theo lẽ trời, “xử” là để tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Trời là gì? Là cái chí thanh chí hư, chí đại đó thôi! Bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết. Không phải trời là chí thanh, chí hư, chí đại, thì đâu được như thế?”

Như vậy, theo Nguyễn Phi Khanh, “xuất” là hành động theo lẽ trời, “xử” là tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Vẫn trong “Thanh hư động ký”, ông bày tỏ:

“Ôi! Thân phận một kẻ đại thần, khi tiến, khi lui, đều có quan hệ với vận mệnh của nước nhà, cho nên người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, nào phải như kẻ bỉ phu thờ vua, đã lo được lại lo mất, khi được thì a dua, nịnh hót, chẳng việc gì là chẳng làm; khi mất thì hất hủi bỏ đi, trong lòng hậm hực. Như vậy, sao đáng cùng họ mà bàn việc “xuất” và “xử” của người hiền đạt được?”

Như vậy, đối với nhà Nho xưa, “xuất” hay “xử” về cơ bản đều ngang hàng với nhau, “xuất” không phải vì ham danh lợi, “xử” không phải vì hậm hực, tức giận mà thành.

Qua thời gian, lối hành xử của Nho gia không còn bởi giới hạn bởi lẽ xuất xử nữa. Hay nói cách khác, có một lớp nhà Nho mới xuất hiện, không bị chi phối bởi lẽ xuất xử, mà bị chi phối bởi quan niệm “tài tử”, rồi dần dần hình thành một lớp người gọi là “Nhà Nho tài tử” vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX ở Việt Nam.

 

A. Tài tử và nhà Nho tài tử

1. Tài tử là gì và sự biến chuyển nghĩa của chữ “tài tử”

  • “Tài tử” trong văn hóa hiện đại

Theo cách hiểu hiện nay ở Việt Nam, “tài tử” được dùng với hai nghĩa phổ biến: 1) những người có tài năng, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật (ví dụ: gọi diễn viên là nam tài tử, hoặc có một mô hình âm nhạc là “đờn ca tài tử”); 2) dùng để chỉ những người không chuyên. Nghĩa này, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ, với trường hợp “đờn ca tài tử” thì “tài tử” ở đây chỉ những người không chuyên về việc kiếm tiền, họ diễn xướng để cho vui hoặc đơn thuần là để thưởng thức nghệ thuật. Điều này không có nghĩa là họ kém trong lĩnh vực âm nhạc. Nhưng với trường hợp nói: “Đứa X này học hành tài tử lắm”, thì chữ “tài tử” lại mang hàm ý chê bai.

Theo từ điển Hán Việt, thì “tài tử” (才  子  ) được ghép từ chữ 才  (TÀI), tức là tài năng, tài hoa, tài giỏi, còn chữ 子  (TỬ) nghĩa là một người, cụ thể hơn thì là một người đàn ông có học vấn, có đức hạnh. Ví dụ: Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử… (tức “Tử” là danh từ chung nhưng lại được dùng như một tên riêng với hàm ý tôn trọng). Còn trên Baike, “Tài Tử” là từ chỉ người vừa có tài năng, vừa có đức hạnh.

Như vậy, điểm chung trong nội hàm khái niệm “tài tử”: chỉ người có tài. Cái tài này có thể thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội hàm khái niệm “tài tử” trong văn hóa Trung Quốc hiện đại còn nhấn mạnh đến khía cạnh phẩm hạnh của mỗi người. Đây cũng chính là nét khác biệt so với nội hàm khái niệm “tài tử” mà người Việt hiện đại thường dùng.

  • “Tài tử” trong văn hóa xưa

Khái niệm “Tài tử” đầu tiên xuất phát từ Trung Quốc. Từ điển Từ nguyên giải thích: “Tài tử là từ chỉ những người giỏi ở tài hoa” (Ưu ư tài hoa giả chi xưng). Từ điển Từ hải giải thích hơi khác một chút: “Gọi những người có tài là tài tử” (Ưu ư tài giả xưng tài tử). Từ hải cho biết từ “Tài tử” đã có từ sách Tả truyện thời Chiến quốc: Tả truyện, Văn thập bát niên viết: “Họ Cao Dương có 8 người tài tử”.

Vào đời Đường, từ “tài tử” xuất hiện phổ biến hơn. Trong Đường thư, Nguyên Chẩn truyện có viết: “Nguyên Chẩn giỏi làm thơ, thường sáng tác nhạc phủ, trong cung người ta gọi ông là Nguyên Tài Tử”. Trong lịch sử Trung Quốc, từ “tài tử” được dùng khá nhiều, nhất là từ đời Đường trở đi. Đời Đường có “Đại Lịch thập tài tử” (Mười người tài tử thời Đại Lịch (766-799): gồm có Lư Luân, Tiền Khởi và 8 người khác. Thơ ca của họ phần nhiều là xướng họa, ngâm vịnh sơn thủy, ca ngợi thú ẩn dật. Về nghệ thuật, các tác giả này sở trường ở ngũ ngôn luật thi, thiên về kỹ thuật cầu kỳ, có khuynh hướng hình thức chủ nghĩa.

Đến đời Minh, ở Trung Quốc có “Giang Nam tứ đại tài tử”, gồm có Văn Trưng Minh, Chúc Duẫn Minh, Từ Trinh Khanh và Đường Bá Hổ. Cả bốn đều giỏi về hội họa, thư pháp, thơ văn với mức độ khác nhau. Trong số này thì Đường Bá Hổ là người học giỏi, thi  đậu cao, làm quan lớn. Nhìn chung cả bốn vị tài tử Giang Nam này đều có tính tình phóng túng, ngông nghênh, khinh bạc.

Bên cạnh dùng “Tài tử” để chỉ người, ở Trung Quốc còn dùng khái niệm ấy để chỉ loại sách – sách tài tử như “Lục tài tử thư”, “Thập tài tử thư”… “Lục tài tử thư” lần đầu tiên được Kim Thánh Thán (1608-1661) nhà phê bình văn học nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh đưa ra, bao gồm: 1) Nam hoa kinh của Trang Tử2) Ly tao của Khuất Nguyên3) Sử ký của Tư Mã Thiên4) Đỗ thi, tức thơ Đỗ Phủ5) Thủy hử truyện của Thi Nại Am6) Tây Sương ký của Vương Thực Phủ. Đây đều là những cuốn sách văn chương tưởng tượng phong phú, vượt ra ngoài vòng cương tỏa của Nho giáo, cũng mang nhiều yếu tố “quái lực loạn thần” mà Khổng Tử không thích. Tóm lại, “Lục tài tử thư” là những tác phẩm thiên về văn nghệ, có tính chất phi chính thống, rất khác với các tác phẩm chính thống như Kinh thi của Khổng Tử.

 

Ở Việt Nam, chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát đầy đủ xem chữ “Tài tử” xuất hiện lần đầu tiên trong sách nào, theo như phỏng đoán của chúng tôi: trong thơ văn Lý Trần chưa thể xuất hiện khái niệm “tài tử”, khái niệm ấy chỉ có thể xuất hiện trong các loại sách có tính chất tiểu thuyết kiểu như Truyền kỳ mạn lục (thế kỷ XVI) hay trong các tác phẩm sớm hơn một chút. Tuy nhiên thời đại của từ “Tài tử” là Hậu kỳ trung đại, tức là từ thế kỷ XVIII trở đi. Tài tử thường gắn với loại tác giả thích cầm kỳ thi họa, sống ngoài vòng cương tỏa, ngông nghênh “khinh thế ngạo vật”.  

Từ đây, ta nhận thấy có sự khác biệt giữa quan niệm “Tài tử” của Trung Quốc hiện đại và Trung Quốc xưa, và quan niệm “Tài tử” ở Việt Nam hiện đại với Việt Nam trung đại. Trong đó, “tài tử” ở Việt Nam trung đại không bao gồm đức hạnh (theo chuẩn mực Nho giáo) mà chỉ có tài tình. Còn yếu tố đức hạnh thì thuộc về nhà Nho chính thống (hành đạo hoặc ẩn dật)). Còn “tài tử” ở VN hiện đại thì lại dùng để chỉ những người có tài năng hoặc không chuyên. Tài tử theo quan niệm của Trung Quốc xưa là những người tài năng, phi chính thống. Còn theo nghĩa hiện đại lại bao gồm cả có phẩm hạnh.

Độc giả có thể theo dõi bảng so sánh sau:

Tài tử

Trung Quốc xưa

Trung Quốc hiện đại

Việt Nam trung đại

Việt Nam hiện đại

Người

Có tài

Có tài

Có tài

Có tài

 

Phóng túng, đa tình

Có đức hạnh

Phóng túng, đa tình

Không chuyên

 

 

 

Không chính thống

 

Sách vở

Không chính thống

 

 

 

 

 

2. Khái niệm “Nhà Nho tài tử” trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam là gì?

“Nhà Nho tài tử” là một khái niệm được dùng trong nghiên cứu văn học, cụ thể là nghiên cứu loại hình học tác giả. Khái niệm này được đề xướng bởi nhà nghiên cứu Trương Tửu, tiếp nối bởi Trần Đình Hượu, và hoàn thiện với các nghiên cứu của Trần Ngọc Vương.

Trong công trình “Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ” (Tạp chí Văn mới, Hà Nội, 1944) lần đầu tiên Trương Tửu dùng khái niệm “người tài tử”, “nhà nho tài tử”. Ông viết: “Quan niệm “cầm kỳ thi tửu” là một quan niệm tài tử. Bằng danh từ này người ta thường chỉ thị hạng nho sĩ lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo) mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc). Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lưu Linh… là những nhà nho tài tử vậy. Họ không sống cho Tổ quốc, không sống vì đạo lý. Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ tìm cái đẹp. Cái ý vị của cuộc sống, theo quan niệm tài tử, không phải ở chỗ phụng sự mà là ở chỗ hưởng thụ, ở uống rượu, ở làm thơ, ở gẩy đàn, ở đánh cờ, ở giăng gió, ở sông núi. Nếu không biết thưởng thức những trò chơi ấy một cách mỹ thuật thì dù có sống đến nghìn tuổi cũng như là chết non mà thôi (thiên tuế diệc vi thương)”.

 

Tuy nhiên Trương Tửu chưa đi sâu vào khái niệm này, nhận thức của ông cũng còn chưa rõ, ông vẫn nhấn mạnh vào tính chất một chiều là “chơi”, hứng thú với cái đẹp. Giáo sư Trần Đình Hượu là người kế thừa và phát triển quan niệm “nhà nho tài tử” của Trương Tửu. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương là người kế thừa và làm rõ hơn quan niệm của Trần Đình Hượu trong luận án Tiến sĩ, sau đó xuất bản thành sách Loại hình tác giả văn học nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam.

 

Xét trên quan niệm của ba trụ cột nghiên cứu trên, có thể thấy ba tác giả đánh giá một nhà Nho là “tài tử” hay không được dựa trên các quy chuẩn của nhà Nho chính thống, trong đó, cứ đối lập với cách ứng xử với các nhà Nho chính thống (bị chi phối bởi tam cương (quân thần, phụ tử, vợ chồng) ngũ thường (nhân lễ nghĩa trí tín), tư tưởng vinh thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ,…) thì sẽ được/ bị coi là tài tử.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn chương, các phẩm chất của người quân tử và người tài tử đối lập tương đối như bảng sau:

 

Người Quân tử

Người Tài tử

Tâm

(Lòng ưu ái)

Tài

(Tài hoa)

Chí

Tiên ưu chí

(Chí nam nhi, Chí công danh)

Tình

(Ái tình)

Đạo

(Đạo cương thường)

Tính

(Tính dục)

Nghĩa

(Nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè, đất nước)

Du

(Thú giang hồ; Thú phong lưu/ Hành lạc)

Khí

(Chí khí, khí cốt)

Mỹ

(Mỹ cảnh, mỹ nhân)

 

 

Như vậy, về cơ bản, khi bàn về người tài tử, hay nhà Nho tài tử trong thời trung đại, tôi lựa chọn nội hàm chung nhất: đều là những người có tài, nhận thức được tài năng, nhân phẩm của mình, và họ có sự chủ động trong việc chọn cách ứng xử với thế giới bên ngoài. Cách ứng xử này có thể phù hợp với chuẩn mực Nho giáo hoặc không, tùy theo chiến lược của mỗi người.

Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng nhà Nho tài tử khác với nhà Nho truyền thống ở hai điểm: trọng tài và đa tình.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Dương tổng hợp và biên soạn

Thần quỷ ở Hà Nội (2): Thần trong quan niệm khu vực đồng bằng bắc bộ (Ghi chép ngắn)

Đọc đầy đủ chùm bài THẦN QUỶ Ở HÀ NỘI. Trích từ bài viết “Hệ thống thờ cúng thần của người Việt” của tôi. “Thần” là một khái niệm rất khó định nghĩa cho dù ở bất cứ nền văn hóa nào. Một cách mơ hồ, ta có thể hiểu “thần” như một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài đời sống hiện hữu của con người nhưng vẫn có thể tác động đến số phận của mỗi cá nhân. Con người một các tự

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (4): Tứ nghệ bát thú

3. Các cách hưởng lạc a. Cầm kỳ thi họa Nhắc đến hưởng lạc, không thể nhắc đến thú chơi cầm kỳ thi họa (tứ nghệ). Trên thực tế, tứ nghệ ban đầu là chuẩn mực để đánh giá học vấn phụ nữ trong thời trung đại. Đối với nam giới, người Trung Quốc đánh giá qua lục nghệ, bao gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII – XIX, chuẩn mực đánh giá học vấn của nữ giới dần

Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn)

Hà Nội là một mảnh đất chứa nhiều bí ẩn, với nhiều tục thờ cúng thần quỷ xa xưa đã được Nho giáo hóa hoặc Phật giáo hóa. Tôi luôn muốn tìm hiểu một cách tổng thể về các thần và quỷ được thờ ở Hà Nội, cũng muốn qua đó hiểu hơn về các sắc dân đã an cư và lập nghiệp tại đây. Đây là những ghi chép của tôi, có thể có những phần suy luận chưa có đủ căn cứ. Đây

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (5): “Một mối chung tình tan mấy mảnh”

(*) Tiêu đề trích thơ Phạm Thái b. Tình: Phạm Thái si tình Nói đến “tài tử”, không thể không nhắc đến yếu tố “tình”. Mà người nổi tiếng về “tình” nhất thời kỳ này là Phạm Thái (1777-1813) với mối tình si với nàng Trương Quỳnh Như. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu. Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?   Tiền đề: Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII – XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ... Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục...) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một