Home Nhớ Quy hoạch đô thị ở Hy Lạp cổ đại

Quy hoạch đô thị ở Hy Lạp cổ đại

Hà Trang

21/04/2017

Quy hoạch đô thị: chương trình được thực hiện ở phần lớn những đất nước công nghiệp hóa để có thể đạt được các mục tiêu nhất định về kinh tế và xã hội, cụ thể là để định hình và cải thiện môi trường đô thị nơi mà ở đó tỉ lệ dân số thế giới sinh sống ngày càng gia tăng. Encyclopedia Britannica

Theo như cách thức quy hoạch Hippodamian và cách thức quy hoạch hiện đại hơn, qui hoạch nơi cư trú của người dân được coi là hợp lí và thuận tiện nếu thành phố được quy hoạch theo kiểu cân đối. Nhưng vì mục đích an ninh trong chiến tranh nếu quy hoạch theo cách thức ngược lại, như thời cổ đại, sẽ có ích hơn. Vì cách sắp xếp ngẫu nhiên như thế sẽ gây khó khăn cho quân đội của địch xâm nhập và lựa chọn thời điểm tấn công.

Book Hunter MiletusPlan

Quy hoạch của Miletus vào khoảng những năm 470 TCN

 
Hippodamus (hay Hippodamos) của thành Miletus là người đã phát minh ra quy hoạch đô thị chính thức. Hippodamus giúp thiết kế ra thị trấn cảng mới Piraeus, được dùng làm cảng thương mại cho khu vực Athens trong đất liền. Cái tên Hippodamus thường đi cùng với những thị trấn quy hoạch mạng kẻ ô cờ khác, ví dụ như Olynthus, Priene, và Miletus. Chưa có bằng chứng về sự tham gia trực tiếp của ông vào trong những quy hoạch này, tuy nhiên, tên tuổi của ông luôn gắn liền với mô hình kế hoạch mà chúng ta vẫn gọi là Hippodamian.
Trục hình chữ Y đóng vai trò chính trong việc khiến cho cuộc sống đô thị ở thế kỉ thứ 4 TCN trở nên vô cùng bấp bênh. Trong 5 năm đầu nắm giữ quyền lực, Alexander Đại đế đã chiếm năm thành phố lớn và nhiều các thành phố nhỏ khác. Một đoạn văn trong quyền “Chính trị Aristotle” đã phản ánh thay đổi đó. Quy hoạch đô thị khoa học, với những con đường thẳng giao nhau để hình thành các dãy nhà hình tứ giác, đã được phổ biến trên khắp Hy Lạp bởi kiến trúc sư Hippodamus. Aristotle phản đối rằng ít nhất một phần của mỗi thành phố nên giữ cách sắp xếp ngẫu nhiên khi chưa được hoạch định của thời kì trước để kẻ xâm lược khó có thể tìm đường xâm nhập. Ông viết, hơn thế nữa, cách thiết kế tường và sự bảo trì các bức tường cẩn thận được coi là đặc biệt quan trọng ở thời đó, “khi… trục hình chữ Y và các công cụ bao vây thành đã đạt được sự chính xác cao đến như vậy.”
Hippodamus đã sắp xếp các tòa nhà và con đường của thành Miletus vào những năm 450 TCN để mà gió từ núi và biển gần Miletus có thể thổi được tối đa vào thành và cung cấp cho thành không khí mát mẻ trong mùa hè nóng bức. Trong De architectura libri decem, Vitruvius cũng nhắc đến rằng trong quy hoạch chúng ta phải cân nhắc ảnh hưởng của gió. Hippodamus áp dụng lần đầu quy hoạch mạng kẻ ô cờ mà ông phát triển và lấy cảm hứng từ sự định cư thiết kế theo hình học vào thành phố quê hương mình, mà sau này rất nhiều các thành phố khác cũng được sắp đặt theo quy hoạch này. Miletus là một ví dụ điển hình của quy hoạch theo mạng kẻ ô cờ, bao gồm nhiều khu nhà được tạo nên bởi những con phố chính và phố nhánh cắt nhau tạo thành góc vuông, với các tòa nhà công được đặt ở trung tâm thành phố. Quy hoạch này vẫn tồn tại ở thời kì Hy Lạp hóa, tuy nhiên ở thời kì Roman, nó không tránh được việc bắt đầu xuống cấp dần dần.
Người Hy Lạp là những người đầu tiên sử dụng kiến trúc thái dương. Họ hướng những ngôi nhà về hướng đông để có thể tận dụng được ánh mặt trời trong mùa đông, trong khi làm giảm tia nắng trong mùa hè. Toàn bộ thành phố đều được xây theo kiến trúc này vào những năm 400 TCN.
Theo như R. Herzog, gốc rễ của quy hoạch đô thị khoa học có thể được tìm thấy trong các tác phẩm hài Aristophanes: chúng ta có thể bắt gặp sự châm biếm thường đi cùng với xã hội hoàn hảo không tưởng, khi áp dụng cách quản lí khoa học lên các khía cạnh cuộc sống như không gian, tiền bạc, công việc, những mối quan hệ tình dục.

Chính trị Aristotle liên quan đến các tư tưởng chính trị và xã hội của Hippodamus:

Hippodamus là con trai của Euryphon, một người dân bản địa của Miletusm, người sáng tạo ra nghệ thuật quy hoạch đô thị, và cũng là người quy hoạch nên Piraeus. Ông là một con người kì lạ, yêu thích sự độc đáo đến mức lối sống của ông cũng rất lập dị, khiến một vài người nghĩ ông là kẻ làm màu. Bởi lẽ ông luôn để tóc xõa, đeo đồ trang sức đắt tiền; nhưng lại luôn mặc bộ quần áo giữ ấm rẻ tiền bất kể vào mùa đông hay mùa hè). Bên cạnh mong muốn trở thành người tinh thông kiến thức về thiên nhiên, ông cũng là người đầu tiên không phải chính khách mà lại luôn tìm hiểu về mô hình chính phủ hiệu quả nhất.
Thành phố của Hippodamus có 10,000 dân chia làm ba phần – một là thợ thủ công, hai là nông dân, và ba là binh lính bảo vệ nhà nước. Ông cũng chia đất thành ba phần: một là khu đất linh thiêng được dành riêng cho việc duy trì tập quán cúng tế, hai là khu đất công dành cho việc hỗ trợ binh lính, và ba cho khu đất tư là tài sản của nông dân. Đồng thời, ông cũng chỉ chia luật thành ba tầng lớp, vì ông cho rằng có ba lĩnh vực kiện tụng chính – xúc phạm, gây thương tích và giết người. Tương tự như vậy ông xây dựng một tòa án phúc thẩm tối cao duy nhất để xét xử các vụ việc được phán quyết chưa đúng. Tòa án được hình thành bởi các vị bô lão được chọn lựa cho mục đích này. Ông giữ quan điểm rằng phán quyết của tòa án không nên được đưa ra bằng cách dùng hệ thống biểu quyết bằng đá cuội. Ông cho rằng mỗi người nên có một tấm bảng để không chỉ đơn giản là viết một lời buộc tội hay để trống bảng để biểu quyết trắng án; mà là nếu người đó thấy bị can vừa có tội lại vừa vô tội, thì cũng sẽ phải viết như vậy vào bảng. Ông phản đối pháp luật hiện hành (hệ thống biểu quyết bằng đá cuội) khi luật buộc quan tòa phản bội lời thề trước tòa, cho dù có biểu quyết theo cách nào. Ông cũng đưa ra   điều luật rằng bất cứ ai phát hiện ra điều gì có lợi cho quốc gia sẽ được vinh danh. Đồng thời, con cái của những người chết trận nên được trợ cấp bằng tiền công. Điều luật này chưa bao giờ được biết đến; nhưng lại thực sự tồn tại ở Athen và nhiều nơi khác. Thẩm phán tòa sơ thẩm sẽ do người dân bầu nên, cụ thể là bởi ba tầng lớp được nhắc đến phía trên. Những người trúng cử sẽ phải bảo vệ lợi ích của cộng đồng, người ngoại quốc và trẻ mồ côi. Đây là những điểm đáng lưu ý nhất trong hiến pháp của Hippodamus. Còn lại không có gì nổi bật.
Điều đầu tiên trong những đề xuất này dễ bị phản đối là việc phân chia ba tầng lớp công dân. Thợ thủ công, nông dân và binh lính đều có tiếng nói trong chính phủ. Nhưng nông dân không có vũ khí, thợ thủ công không có vũ khí lẫn đất đai, và do đó họ trở thành nô lệ cho giai cấp binh lính. Việc họ cùng có tiếng nói trong tất cả các cơ quan là điều không thể; vì tướng lĩnh, người bảo vệ công dân và gần như tất cả những thẩm phán đều phải đến từ tầng lớp của những người có vũ khí. Thế nhưng, nếu hai tầng lớp kia không có tiếng nói trong chính phủ, làm sao họ có thể trở thành công dân trung thành với đất nước? Có người sẽ nói rằng những người có vũ khí nhất định phải là tầng lớp kiểm soát hai tầng lớp kia, nhưng điều này không dễ đạt được nếu như số lượng của tầng lớp này không quá đông đảo. Nếu tầng lớp này đông đảo thì tại sao các tầng lớp khác nên có tiếng nói trong chính phủ hay có quyền lực chỉ định thẩm phán? Hơn nữa, lúc này, nông dân sẽ có lợi ích gì cho thành phố? Thợ thủ công thì nhất định thành phố nào cũng phải có, và họ có thể sống dựa vào đồ thủ công như bất cứ nơi đâu. Nông dân cũng sẽ được có tiếng nói, nếu họ cung cấp được thức ăn cho binh lính. Thế nhưng, trong nền cộng hòa của Hippodamus, họ canh tác đất đai cho lợi ích cá nhân. Vì binh lính có vùng đất riêng để nuôi quân, nếu họ cũng canh tác, tầng lớp binh lính sẽ giống như tầng lớp nông dân, dẫu cho các nhà lập pháp có ý phân biệt rõ hai tầng lớp này. Và nếu thế, nghĩa là sẽ có những người thực hiện canh tác khác ngoài nông dân, những người sở hữu đất đai. Như vậy, từ tầng lớp binh lính, họ sẽ hình thành tầng lớp thứ tư, không có vị trí trong nhà nước hay tiếng nói trong bất cứ thứ gì. Hoặc là, nếu cũng những người đó vừa canh tác cả đất tư lẫn đất công, họ sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp số lượng nông phẩm để duy trì hai hộ gia đình khác nhau, của mình và của binh lính. Trong trường hợp này, tại sao nên có sự phân chia này, vì họ hoàn toàn có thể vừa sản xuất lương thực cho mình vừa cung cấp cho binh lính cũng từ một mảnh đất đó? Chắc chắn điều này sẽ rất khó hiểu.
Luật pháp cũng không được đánh giá cao khi cho rằng thẩm phán nên phân định rạch ròi trong lời phán quyết, cho dù chỉ là một vụ án đơn giản. Như vậy quan tòa sẽ biến thành trọng tài. Trong một vụ phân xử, trọng tài là nhiều người, họ có thể hội ý về quyết định để giúp phân định được đúng sai. Thế nhưng trong phiên tòa điều này là không thể và phần lớn các nhà lập pháp thường cố ngắn cản việc các quan tòa có bất kì sự giao tiếp nào với nhau.  Thêm nữa, nếu quan tòa cho rằng bị can nên đền bù nhưng không nhiều đến mức nguyên can yêu cầu, thì tình hình sẽ rất rối rắm. Ví dụ như nguyên can yêu cầu 20 đồng mina mà quan tòa lại chỉ cho phép 10 đồng (hay nói cách khác nguyên can yêu cầu nhiều hơn, quan tòa lại chỉ cho phép ít hơn). Nhưng một quan tòa khác lại chỉ cho phép 5 đồng, người khác lại chỉ cho phép 4 đồng.  Như vậy, họ sẽ cứ tiếp tục chia nhỏ số tiền đền bù, mỗi người một ý kiến khác nhau: vậy khoản tiền cuối cùng sẽ là bao nhiêu? Không chỉ thể, nếu bản cáo trạng có sai phạm, không ai dám khẳng định là người biểu quyết đã phản bội lời thề trước tòa, dù là biểu quyết có tội hay không tội. Quan tòa tha bổng không có nghĩa bị cáo không phải đền bù, mà là anh ta không phải đền 20 đồng mina. Quan tòa chỉ được xem là phản bội lời thề khi nghĩ bị can vô tội nhưng vẫn buộc tội và bắt anh ta trả 20 đồng mina.
Vinh danh những người khám phá ra những thứ có ích cho quốc gia là một đề xuất nghe có vẻ hợp lí, nhưng không thể được thực thi một cách an toàn, vì nó có thể khuyến khích mật thám, và thậm chí có thể dẫn đến bạo động chính trị. Câu hỏi này liên quan đến một vấn đề khác. Người ta luôn nghi ngờ tính thiết thức của việc thay đổi luật pháp của một quốc gia, kể cả khi luật mới sẽ tốt hơn. Nếu một thay đổi không thiết thức, ta khó có thể đồng ý với đề xuất của Hippodamus; vì, dưới hình thức dịch vụ công, một người có thể  đem đến những cách thức phá hoại luật pháp hay hiến pháp. Tuy nhiên, nếu đã nói về chủ đề này, có lẽ nên nói chi tiết thêm, vì như tôi đã nói, khi có sự khác biệt quan điểm, đôi lúc người ta cũng mong muốn thay đổi. Những thay đổi trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học chắc chắn sẽ mang lại lợi ích; ví dụ như y học, và luyện tập thể thao, và các môn nghệ thuật, thủ công khác đã phát triển so với cách sử dụng truyền thống trước đây. Và nếu chính trị là một môn nghệ thuật, thay đổi cũng sẽ rất quan trọng như đối với bất kì môn nghệ thuật nào khác. Những phong tục cũ vô cùng tối giản và man rợ, ví dụ như người Hy Lạp thường có phong tục mua vợ của nhau hay lạm dụng vũ khí để gây bạo lực, giờ đã có sự cải thiện.
Trong thành phố Ephesus rộng lớn và tráng lệ của Hy lạp, có một điều luật cổ do tổ tiên của cư dân lập ra, tuy bản chất rất khó nhưng lại là hợp tình hợp lí. Khi một kiến trúc sư được tin tưởng giao cho việc thực hiện một công trình công cộng, một thẩm phán sẽ nắm giữ bảng kê giá của công trình, tài sản của người kiến trúc sư cũng bị giữ để đảm bảo, cho đến khi công việc hoàn thành. Nếu khi hoàn thành, chi phí không vượt quá bảng kê giá, anh ta sẽ được ban tặng sắc lệnh và danh hiệu. Khi khoản dư không nên đến quá một phần tư bảng kê khai ban đầu, công trình sẽ được chi trả bằng tiền công và không ai bị trừng phạt. Nhưng khi bảng kê khai nhiều hơn một phần tư, anh ta sẽ bị buộc phải trả khoản dư ra bằng tiền túi.  (Vitruvius nói về chi tiêu vượt ngân sách)
Ngoài tác phẩm của Aristotle về Hippodamus, cũng có Theano của thành Thurii với tác phẩm On Virtue bà viết dành cho Hippodamus.
Một nhà quy hoạch đô thị khác là Deinocrates của thành Rhodes, là kiến trúc sư làm việc cho Alexander Đại Đế. Ông cũng từ sử dụng mô hình mạng kẻ ô cờ cho thành phố Alexandria ở Ai Cập.

VITRUVIUS
VỊ TRÍ THÀNH PHỐ
  1. Đối với những thị trấn phòng thủ, những nguyên tắc sau phải được chú ý. Đầu tiên là việc chọn lựa vị trí đắc địa. Những vị trí tốt sẽ ở nơi cao, không có sương mù hay sương giá, khí hậu không nóng không lạnh, phải ôn hòa; hơn thế nữa, không được có đầm lấy xung quanh. Vì khi mặt trời mọc, làn gió buổi sớm thổi về phía thị trấn, nếu gió cuốn theo sương mù từ đầm lầy và hòa vào với sương mù là hơi thở cực độc của những sinh vật đầm lầy, bay trong không khí và xâm nhập vào cơ thể của cư dân, khu vực sẽ trở nên ô nhiễm. Thêm nữa, nếu thị trấn ở bờ biển đối mặt với hướng nam hoặc tây, vị trí cũng không có lợi. Vì vào mùa hè, bầu trời phương nam sẽ rất nóng vào lúc mặt trời mọc và như lửa đốt vào buổi trưa. Trong khi đó, nếu đối mặt với hướng tây khí hậu sẽ ấm khi mặt trời mọc, nóng vào buổi trưa và nóng cháy vào buổi tối.
  2. Sức nóng thay đổi đột ngột và dịu đi sau đó sẽ không tốt cho sức khỏe của người dân. Trong trường hợp thời tiết không biến động gì, kết quả cũng tương tự. Ví dụ như ánh sáng cho những căn phòng rượu được che kín không đến từ phía nam hay phía tây, mà từ phía bắc – hướng có ánh nắng luôn ổn định và không thay đổi. Như vậy, ngũ cốc phơi dưới nắng mặt trời sẽ sớm mất đi chất lượng, lương thực dự trữ và hoa quả cũng không giữ được lâu.
  3. Sức nóng là một dung môi, làm tan chảy sức chống chịu của mọi vật, hút sạch và loại bỏ sức mạnh tự nhiên với luồng hơi nóng như lửa khiến cho mọi vật mềm đi, vì vậy cũng yếu đi dưới ảnh hưởng của nó. Ví dụ như sắt, cho dù bản chất có rắn thế nào, khi bị làm nóng lên qua lửa nung có thể dễ dàng bị uốn thành bất kì hình dạng nào, dù vậy khi đang mềm và nóng trắng, nếu được nhúng vào nước lạnh, sắt sẽ rắn lại và trở về bản chất ban đầu.
  4. Chúng ta cũng nhận ra bản chất của hiện tượng này từ việc vào mùa hè, sức nóng khiến con người yếu đi, ở cả những nơi đất lành và không lành. Đến mùa đông, thậm chí những vùng u ám nhất cũng khỏe mạnh trở lại như thanh sắt rắn lại khi được làm nguôi. Tương tự, con người rời bỏ đất nước nhiệt độ giá lạnh để đến nơi có nhiệt độ nóng hơn sẽ không thể chịu được sự thay đổi này; trong khi những người đi từ vùng nóng sang vùng lạnh ở phía bắc, không chỉ không phải chịu ảnh hưởng sức khỏe khi thay đổi nơi ở mà thậm chí còn đạt được nhiều lợi ích.
  5. Vì vậy, khi thành lập thị trấn, chúng ta phải để ý những vùng mà từ đó gió nóng có thể thổi sang nước khác, ảnh hưởng đến cư dân. Vì cơ thể bao gồm bốn yếu tố, đó là nhiệt, nước, đất và không khí. Các yếu tố này kết hợp và thay đổi tỉ lệ để làm nên đặc tính khác nhau của mỗi loài động vật.
  6. Do đó, nếu nhiệt, một trong các yếu tổ này, trở nên nổi trội hơn trong cơ thể, nó sẽ phá hủy và hòa tan tất cả những yếu tố khác bằng tính dữ dội của mình. Vấn đề này có thể bị gây ra do hơi nóng khủng khiếp đi vào cơ thể qua các lỗ chân lông đang mở khiến cho nhiệt độ hệ thống không thể chịu được. Ngoài ra, cơ thể khi chứa một lượng nước lớn hơn mức cần thiết để cân bằng với các yếu tố khác, sẽ nhanh chóng suy sụp và mất đi các đặc tính và ưu điểm của mình. Do đó, cơ thể đặc biệt bị ảnh hưởng xấu từ gió và không khí ẩm. Tương tự, sự tăng hoặc giảm tỉ lệ không khí hoặc đất tự nhiên của cơ thể có thể làm mất đi trạng thái cân bằng; sự lấn át của đặc tính đất do việc dư thừa thức ăn, của không khí là do không khí nặng nề.
  7. Nếu một người mong muốn hiểu biết rõ ràng hơn về những điều này, người đó chỉ cần xem xét và quan sát đặc tính tự nhiên của loài chim, cá và động vật trên cạn. Từ sự đa dạng đó sẽ phản ánh được bản chất của những nguyên lý này. Chim, cá hay động vật trên cạn đều có những đặc điểm riêng biệt. Động vật có cánh có ít đặc tính đất và nước hơn, nhiệt độ vừa phải và lượng không khí đáng kể. Do đó, được hình thành từ những yếu tố nhẹ hơn, chúng có thể dễ dàng tung cánh bay trên bầu trời. Cá, với đặc tính dưới nước, nhiệt độ vừa phải và lượng không khí và đất đáng kể, yếu tố nước ít, nên dễ dàng tồn tại trong nước, vì chúng có ít yếu tố nước hơn các yếu tố khác trong cơ thể; và vì vậy, khi chúng bị lôi lên cạn, chúng cũng đồng thời rời bỏ cả sự sống và nước. Tương tự, động vật trên cạn, được cung cấp nhiều các yếu tố không khí, nhiệt và nước, có ít đặc tính đất nên không thể sống sót lâu dưới nước, vì yếu tố nước của chúng đã quá đủ.
  8. Do đó, nếu đúng như những gì chúng ta vừa giải thích, cơ thể động vật được hình thành từ những yếu tố trên, và chúng có thể phải chịu đựng hoặc chết do dư thừa hay thiếu hụt một yếu tố nào đó không phù hợp với đặc tính tự nhiên của chúng, chúng ta sẽ phải chọn lựa cẩn thận cho thành phố một khu vực có khí hậu ôn hòa và có lợi cho sức khỏe.
  9. Về mặt này, chúng ta cần xem lại phương pháp của thời xưa. Tổ tiên của chúng ta, khi chuẩn bị xây thị trấn hay bốt quân đội, đều hy sinh gia súc trước bằng cách cho chúng ăn ở vùng đất đang được xem xét, sau đó họ sẽ kiểm tra lá gan của chúng. Nếu gan của những nạn nhân đầu tiên này có màu tối hay bất thường, họ sẽ hy sinh những con khác, để xem liệu là do chúng bị mắc bệnh hay do thức ăn. Họ sẽ không bao giờ bắt đầu xây các công trình phòng ngự ở một nơi cho đến khi đã thử nghiệm và biết chắc thức ăn và nước uống ở đó an toàn cho gan. Nếu họ tiếp tục thấy khu đất bất thường, họ sẽ cho rằng nguồn thức ăn và nước uống tìm được ở nơi như vậy sẽ không tốt cho người và vì vậy họ sẽ chuyển đến nơi khác. Khỏe mạnh là mục tiêu lớn nhất.
  10. Việc đồng cỏ và thức ăn cho thấy chất lượng khu đất là một sự thật có thể quan sát và tìm hiểu được trong trường hợp của đồng cỏ ở Crete. Ở mỗi bờ sông Pothereus chia rẽ hai nhà nước Crete là Gnosus và Gortyna. Có gia súc trên đồng cỏ ở mỗi bên bờ trái, phải của sông. Nhưng gia súc ăn cỏ gần Gnosus có lá lách bình thường, gia súc gần Gortyna lại không thấy lá lách. Khi điều tra vấn đề này, các bác sĩ tìm ra rằng ở phía bên này, một loại cỏ mà đàn gia súc nhai làm lá lách nhỏ đi. Loại cỏ này được hái và sử dụng làm thuốc chữa bệnh đau lá lách. Như vậy, từ thức ăn và nước uống, chúng ta có thể biết được khu đất nào lành hay không lành.
  11. Nếu thị trấn có tường bao quanh được xây giữa đầm lầy, miễn là ở gần biển, hướng về phía bắc hoặc đông bắc ở cao hơn so với mặt biển, thì khu đất đó đủ phù hợp. Vì những con mương có thể được đào để nước thoát ra bờ biển, hay trong lúc có bão, biển sẽ cồn lên và làm ngập các bãi đầm lầy. Sự hòa trộn này sẽ ngăn cản việc sinh sản của các sinh vật vùng đầm lầy bình thường. Ngoài ra, bất cứ thứ gì bơi đến từ vùng biển cao hơn sẽ bị chết vì không quen với độ mặn. Ví dụ như vùng đầm lầy Gallic quanh Altino, Ravenna, Aquileia, và các thị trấn khác ở gần đầm lầy đều là nơi đất lành, do những lí do đã trình bày ở trên.
  12. Những đầm lầy ứ đọng và không có cửa thoát, như đầm lầy Pomptine, chỉ thối rữa, bốc ra mùi nặng nề, có hại đến sức khỏe. Một trường hợp khác cũng được xây ở một nơi tương tự là Old Sapia ở Apulia, được lập nên bởi Elpias thành Rhodes. Hết năm này sang năm khác, đều có bệnh dịch, cho đến khi cuối cùng những cư dân phải đưa ra kiến nghị đối với Marcus Hostilius và bắt ông ta đồng ý tìm một nơi khác thích hợp để chuyển thành phố đến đó. Không trì hoãn, ông ta mau chóng tìm kiếm và lập tức mua một khu đất gần biển và xin phép viện nguyên lão và nhân dân La Nã di chuyển thị trấn đến đó. Ông cho xây tường và chia nhiều khu đất, bán lại cho người dân với già hời. Sau đó, ông cắt một phần hồ thành biển và biến hồ thành một cảng biển cho thị trấn. Kết quả là người dân Salpia được sống trong một khu đất tốt cách thị trấn cũ chỉ bốn dặm.
TƯỜNG THÀNH
  1. Sau khi đảm bảo các nguyên tắc về sự lành mạnh của thành phố tương lai, chọn một khu đất có thể cung cấp nhiều thức ăn để duy trì cộng đồng, với đường xá tốt hoặc đường sông, cảng biển thuận tiện cho việc giao thông, điều tiếp theo phải làm là đặt móng để xây tháp và tường. Nếu được, đào sâu xuống tầng đất cứng dưới đáy và đặt móng. Việc này rất quan trọng đối với yêu cầu của công việc này. Móng nên dày hơn phần tường trên mặt đất, và kết cấu nên cứng nhất có thể.
  2. Các tòa tháp phải được xây cách xa tường thành, để mà khi có kẻ thù muốn tiếp cận tường thành để tấn công, chúng sẽ bị đột kích hỏa lực từ cung nỏ ở phía cánh quân bên trái và phải, từ các tòa tháp. Ta nên đặc biệt bỏ công sức để kẻ địch không dễ dàng tấn công được tường thành. Ở những nơi dốc đứng, ta nên bao quanh đường, và quy hoạch sao cho đường đến cổng không phải một đường thẳng, mà từ phải sang trái, vì như thế, phía tay phải của những kẻ tấn công, không có khiên bao vệ, sẽ là bức tường. Các thị trấn nên được quy hoạch không phải theo hình vuông hay góc lồi, mà ở dạng hình tròn, để nhìn được kẻ thù từ nhiều điểm. Phòng vệ sẽ rất khó ở những nơi có góc lồi, vì góc lồi giúp bảo vệ kẻ thù hơn là cư dân.
  3. Theo tôi, tường thành nên dày đến mức mà nếu có nhiều người mang vũ khí đứng trên tường, họ có thể di chuyển qua nhau dễ dàng. Trong lòng tường, nên đặt một chuỗi những miếng gỗ oliu cháy liên tiếp, gắn kết chặt chẽ hai mặt tường từ trước ra sau, giúp tường có sức chống chịu tốt hơn. Vì đây sẽ là chất liệu mà không bị mục rỗng, thời gian hay thời tiết cũng không làm hư hại được. Mặc dù bị chôn dưới tầng đất hay trong nước, nó vẫn lành lặn và dùng được. Không chỉ tường thành mà các cơ sở hạ tầng nói chung và tất cả các bức tường đều cần độ dày này để tránh mục nát, hư hại.
  4. Các tòa tháp nên được đặt cách nhau không quá tầm bay của một mũi tên, để mà trong trường hợp một tòa bị tấn công, kẻ thù sẽ bị đẩy lùi bằng súng bắn đá và các loại vũ khí tương tự từ các tòa tháp phía phải và tría. Tường thành sẽ kéo dài đến tòa tháp rồi được tiếp nối bằng phần dưới của tòa tháp. Bên trong tòa tháp là nội thất nên được làm bằng gỗ. Trong trường hợp kẻ thù chiếm được một phần tường thành, gỗ sẽ được binh lính bảo vệ thành cắt ra để ngăn chặn kẻ thù đột nhập vào các tòa tháp khác và các phần tường thành khác, trừ khi hắn muốn mạo hiểm ngã dập mặt xuống đất.
  5. Các tòa tháp phải có hình dạng hoặc tròn hoặc đa giác. Tháp hình vuông sẽ mau chóng bị đập nát bởi các cỗ máy quân sự, vì cột gỗ phá thành sẽ đập vỡ các góc của tháp. Nhưng trong trường hợp tháp hình tròn, chúng không có tác dụng vì chúng hướng lực vào trung tâm. Hệ thống công sự bằng tường thành và tháp sẽ được an toàn nhất khi xây đắp nên thành lũy bằng đất, vì cho dù có dùng cột gỗ, đào xới hay dùng các công cụ kĩ thuật cũng không thể tác động được.
  6. Tuy nhiên, thành lũy bảo vệ không phải chỗ nào cũng cần, mà chỉ những chỗ bên ngoài tường thành có vùng đất cao mà từ đó có thể tấn công vào các công sự. Ở những nơi xây thành lũy phải đào những con mương sâu và rộng, dưới đáy phải được đào sâu hơn để làm móng của tường thành, đủ dày để chống chịu được công sự bằng đất này.
  7. Một bức tường khác sẽ được xây bên trong bức tường đầu tiên, với một khoảng không đủ rộng để quân đội xếp theo cấp bậc quân ngũ. Tường trong tường ngoài được nối bằng những bức tường chéo, tạo thành hình răng lược hay răng cưa để chia nhỏ áp lực lên đất, tránh làm bức tường bị vỡ.
  8. Về chất liệu của tường, không thể bàn luận chắc chắn vì chúng ta khó có thể có được tất cả những nguyên liệu mong muốn. Do đó, chúng ta phải dùng luôn những gì tìm được, dù là đá tảng, đá lửa, đá vụn, gạch nung hoặc chưa nung. Vì không phải nơi nào cũng có nguyên liệu thay thế đá vôi và cát thành gạch nung và nhựa rải giống như ở Babylon. Thế nhưng, mỗi nơi cũng có thể sở hữu những nguyên liệu khác nhau với chất lượng tương tự để xây nên những bức tường vững bền.
HƯỚNG PHỐ VÀ ĐÁNH GIÁ VỀ GIÓ
  1. Khi thành phố đã được củng cố, bước tiếp theo là phân chia các khu nhà và xây đường xá theo điều kiện khí hậu. Đường phố nên được xây sao cho loại trừ được ảnh hưởng của gió. Gió lạnh thì khó sống, nóng thì làm con người kiệt sức, gió ẩm thì có hại có sức khỏe. Do đó, ta phải tránh điều trên và nhận thức rõ về kinh nghiệm các cộng đồng khác thường gặp. Ví dụ, thành phố Mytilene ở đảo Lesbos là một thành phố được xây dựng nguy nga, hoành tráng, nhưng lại không có tầm nhìn xa về mặt vị trí. Ở nơi này, khi gió đến từ hướng nam, người dân ngã bệnh; khi gió đến từ hướng tây bắc, người dân mắc bệnh ho; khi gió đến từ hướng bắc, con người tuy hồi phục nhưng lại không chịu được khi đứng trên phố vì những cơn lạnh khắc nghiệt.
  2. Gió là một luồng khí di chuyển đây đó không cố định. Gió được sản sinh khi sức nóng gặp hơi ẩm, luồng nhiệt tạo ra dòng không khí mạnh. Chúng ta học được điều này từ động cơ hơi nước bằng đồng. Nhờ phát minh khoa học này, chúng ta đã phát hiện ra một chân lý của qui luật tự nhiên. Động cơ hơi nước là những quả đồng rỗng, với phần miệng bé để nước được đổ vào. Khi nước được đun nóng trên lửa, một luồng hơi nhỏ sẽ thoát ra. Ngay khi bắt đầu sôi, ta sẽ thấy luồng gió mạnh thổi ra từ động cơ này. Từ thí nghiệm ngắn này, chúng ta có thể hiểu và đánh giá được các qui luật tự nhiên cũng như bản chất của gió.
  3. Do đó, khi tránh gió ở nơi cư trú, chúng ta sẽ không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho người không có bệnh mà còn giúp những người mắc bệnh do điều kiện sống ở nơi ở trước không tốt. Họ dù có thể được chữa trị theo phương thức khác ở những nơi khác, nhưng ở đây, nhờ tránh gió, bệnh tình của họ có thể được chữa trị nhanh hơn nhờ tính ôn hòa của khí hậu. Các bệnh khó chữa trị ví dụ như bệnh viêm màng nhầy, khản giọng, ho, viêm màng phổi, bệnh lao phổi, khạc ra máu, và các bệnh được chữa bằng việc bồi dưỡng cho cơ thể. Các bệnh này khó chữa vì thứ nhất, chúng bị gây ra bởi bệnh cảm lạnh; thứ hai, vì cơ thể bệnh nhân bị kiệt sức do căn bệnh, gió thổi làm không khí di chuyển nhiều và trở nên xấu đi, lấy dần sức sống của người bệnh, làm bệnh tình họ ngày một trầm trọng. Mặt khác, không khí dày đặc, ôn hòa, không di chuyển nhiều giúp bồi dưỡng cơ thể và làm họ khỏe lại.
  4. Một vài người vẫn tin chỉ có bốn loại gió: Solanus – gió Đông, Auster – gió Nam, Favonius – gió Tây, Septentrio – gió Bắc. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, có tám loại. Trong các nhà nghiên cứu đó có Andronicus của thành Cyrrhus, người từng xây tòa tháp bát giác cẩm thạch ở Athens. Ở mỗi mặt của tòa tháp này, ông lại cho điêu khắc một bức tượng đại diện cho ngọn gió thổi đến từ hướng đó. Ở trên đỉnh tỏa tháp, ông cho đặc một miếng cẩm thạch hình nón và một tượng thần nửa người nửa cá Triton bằng đồng với tay phải cầm gậy, Tượng được đặt để sao cho cây gậy xoay tròn theo hướng gió như kim chỉ, hướng thẳng về phía gió đang thổi.
  5. Eurus là gió Đông Nam, đặt giữa Solanus và Auster: Africus là gió phía Tây Nam giữa Auster và Favonius; Caurus hay nhiều người gọi là Corus ở giữa Favonius và Septentrio; và Aquilo giữa Septentrio và Solanus. Điều này thể hiện tên gió, số gió và hướng từ đó gió thổi đến. Để tìm được hướng gió, ta hãy nên làm như sau.
  6. Hãy đặt một con điệp bằng cẩm thạch ở giữa thành phổ, hoặc đặt ở một nơi mặt đất phải thật bằng phẳng thì sẽ không cần đến con điệp này. Ở trên mặt phẳng này, để đánh dấu được bóng, phải dựng một cột đồng hồ mặt trời bằng đồng. Vào khoảng canh giờ thứ năm buổi sáng, bóng đổ xuống bởi cột đồng sẽ được đánh dấu, và điểm cao nhất của bóng sẽ được xác định chính xác. Từ điểm trung tâm của không gian nơi dựng cột đồng hồ, lấy làm tâm, với một khoảng cách bằng độ dài bóng vừa quan sát được, vẽ một vòng tròn. Vào buổi chiều, quan sát bóng của cột đồng hồ khi nó dài ra, và khi bóng chạm vào đường tròn một lần nữa và bóng có chiều dài bằng lúc sáng, hãy đánh dấu lại.
  7. Từ hai điểm này, vẽ hai cung tròn giao nhau. Qua điểm giao nhau và qua tâm, vẽ một đường thẳng để có được 2 hướng Bắc và Nam. Sau đó, lấy một phần mười sáu chu vi làm đường kính, vẽ một đường tròn với tâm nằm trên đường thẳng về hướng Nam, tại điểm đường thẳng giao với đường tròn. Với đường tròn mới này, ta sẽ có thêm hai điểm mới nằm bên trái và bên phải đường thẳng, là giao của đường tròn mới với đường tròn lớn. Làm tương tự với phía Bắc. Từ tất cả bốn điểm có được, vẽ đường thẳng đi qua tâm, từ một điểm bên này đường tròn với điểm đối diện ở phía bên kia. Vậy ta sẽ có một phần tám đường tròn cho gió Auster và 1 phần tám đường tròn cho gió Septentrio. Các phần còn lại của đường tròn sẽ được chia làm ba phần bằng nhau mỗi bên. Vậy là, ta đã thiết kế được một hình có tỉ lệ bằng nhau giữa tám hướng gió. Ta hãy qui hoạch hướng đường phố trên các đường thẳng phân chia giữa các hướng gió.
  8. Nếu làm như vậy, sức mạnh của gió sẽ bị chia nhỏ; các ngôi nhà và dãy nhà sẽ tránh được gió. Vì nếu hướng phố song song với hướng gió, hướng gió sẽ thổi qua với cường lực lớn, vì khi gió thổi đến từ khoảng không rộng lớn, khi gặp lối đi hẹp, gió sẽ càng mạnh hơn. Các dãy nhà do đó phải được tránh xa hướng gió, để mà khi gió thổi, nó sẽ đập phải các góc nhà, do đó độ mạnh của gió bị phân tán.
  9. Những người đã thông thạo tên các loại gió sẽ thấy ngạc nhiên khi thấy ta chỉ chia thành tám loại; nhưng nếu họ nhớ được rằng Eratosthenes cua thành Cyrene, đã khẳng định chu vi trái đất, theo tính toán, được hình thành dựa trên hướng mặt trời. Bóng của một cột đồng hồ mặt trời điểm phân và độ xiên chéo bầu trời, và được tính toán vào khoảng 252.000 đơn vị stadia (1 stadia=157 mét) hay 31.500.000 bước chân, 1/8 chu vi sẽ bằng 3.937.000 bước chân. Họ không nên ngạc nhiên khi một ngọn gió, khi di chuyển một khoảng cách xa, sẽ gặp phải rất nhiều chướng ngại vật, dẫn đến sinh ra nhiều loại gió khác nhau.
  10. Ở bên phải và trái của gió nam Auster , ta thường có gió Leuconotus và Altanus; ở bên phải và trái gió Africus là gió Libonotus và Subvesperus, ở cạnh gió Favonius là gió Argestes và có lúc có cả gió Etesiae, ở bên cạnh gió Caurus là Circias và Corus, ở bên cạnh gió Septentrio có gió Thracias và Gallicus, ở bên cạnh gió Aquilo là Supernas và Caecias, ở bên cạnh gió Solanus là Carbas và có lúc Ornithiae, trong khi đó gió Eurus thổi ở giữa gió Eurocircias và Volturnus. Có rất nhiều tên gió khác bắt nguồn từ địa phương hoặc từ những cơn bão thổi đến từ sông hoặc từ núi xuống.
  11. Ngoài ra còn có rất nhiều cơn gió nhẹ buổi sáng sớm; vì mặt trời mọc lên từ dưới mặt đất mang theo độ ẩm không khí ban đêm; và khi mặt trời mọc lên cao, nó lan lớp không khí này đi khắp nơi; từ những hơi nước sót lại lúc bình minh. Những ngọn gió thổi sau khi mặt trời mọc được xếp cùng loại với gió Eurus, được người Hy Lạp đặt tên theo loại gió này. Từ “ngày mai” trong tiếng Hy Lạp cũng xuất phát từ ý nghĩa “những cơn gió nhẹ buổi sớm”. Có một vài người cho rằng Eratosthenes không thể đo được chu vi của trái đất. Cho dù có đúng hay sai, điều này cũng không ảnh hưởng đến những gì tôi viết về việc các hướng mà từ đó gió thổi đến.
  12. Nếu ông ta sai, kết quả duy nhất sẽ là từng cơn gió sẽ thổi, không phải với phạm vi được dự đoán từ những tính toán của ông, mà là với sức mạnh lớn hơn hoặc bé hơn. Để hiểu hơn chủ đề này, tôi nghĩ tốt nhất nên thêm vào hai hình vẽ để vào cuối quyển sách này: một để thể hiện hướng chính xác mà gió thổi đến; một để thể hiện việc quay hướng các dãy nhà và đường phố sẽ giúp tránh những cơn gió có cường độ mạnh hoặc những đợt gió gây hại. Lấy A là trung tâm của mặt phẳng, B là điểm mà bóng của cột đồng hồ mặt trời sẽ chạm đến vào buổi sáng. Lấy A làm tâm, mở compa đến điểm B, và vẽ đường tròn. Đặt cột đồng hồ lại vị trí cũ và đợi đến chiều, khi bóng cột bé đi rồi lại lớn trở lại kích thước độ dài ban sáng,chạm vào đường tròn ở điểm C. Từ điểm B và C vẽ hai cung tròn bằng compa để giao nhau tại D. Vẽ đường thẳng nối từ D đến tâm và đến đường tròn, cắt đường tròn tại hai điểm gọi là EF. Đường thẳng này sẽ cho thấy hướng Bắc và Nam.
  13. Sau đó, cùng compa, tạo 1/16 đường tròn, lấy tâm ở điểm E tại hướng Nam của đường thẳng cắt đường tròn, có được hai điểm G và H ở bên phải và trái của E. Làm tương tự với hướng Bắc, đặt tâm compa ở điểm F trên đường thẳng về hướng Bắc, có được hai điểm I và K ở bên phải và trái. Sau đó vẽ đường thẳng qua tâm từ G đến K và từ H đến I. Vì vậy, khoảng không gian từ G đến H sẽ thuộc về gió Auster và khoảng không gian từ I đến K sẽ thuộc về Septentrio. Phần còn lại của đường tròn sẽ được chia đều thành ba phần ở bên phải và ba phần ở bên trái, những phần ở phía Đông đánh dấu ở điểm L và M, những phần ở phía Tây đánh dấu ở điểm N và O.

Cuối cùng, các đường thẳng được nổi từ M đến O và L đến N. Do đó, chúng ta sẽ có một đường tròn chia làm 8 phần bằng nhau theo các loại gió. Khi vẽ xong, chúng ta sẽ có 8 sự phân chia khác nhau, bắt đầu từ phía Nam, chữ G ở giữa Eurus và Auster, H ở giữa Auster và Africus, N ở giữa Africus và Favonius, O ở giữa Favonius và Caurus, K ở giữa Caurus và Septentrio, I ở giữa Septentrio và Aquilo, L ở giữa Aquilo và Solanus, và M ở giữa Solanus và Eurus. Hãy áp dụng một cột đồng hồ mặt trời với các góc khác nhau của hình đa giác này và điều chỉnh lại hướng phố.

KHU VỰC TÒA NHÀ CÔNG
  1. Sau khi đã sắp xếp hướng đường phố, tiếp theo ta phải lựa chọn khu vực xây đền, tòa án và các địa điểm công cộng khác, sao cho thuận lợi và thiết thực. Nếu thành phổ ở biển, ta nên chọn vùng đất gần cảng làm nơi xây tòa án; nhưng nếu ở đất liền, nên xây ở giữa thành phố. Về đền thờ, các khu vực cho các vị thần bảo hộ cho thành phố cũng nhưu các vị thần Jupiter, Juno và Minerva, nên được đặt ở nơi cao nhất để có được tầm nhìn khu vực chính của thành phố. Thần Mercury nên được đặt ở tòa án, Isis và Serapis nên ở nơi buôn bán; thần Apollo và Bacchus nên ở gần nhà hát, Hercules ở đấu trường ngoài trời nếu thành phố không có trường thể thao hay đấu trường mái vòm, thần Mars nên được đặt ở khu huấn luyện ở ngoài thành phố, và Venus cũng nên đặt ở ngoài thành phố, ở gần cổng. Theo như những nhà tiên tri, đền của Venus, Vulcan và Mars nên được đặt ngoài thành. Thứ nhất, xây đền Venus bên ngoài thành để tránh việc những người đàn ông trẻ và phụ nữ đã kết hôn gặp phải sự cám dỗ khi thờ thần Venus. Thứ hai, nếu các nghi lễ và cúng tế tôn giáo gọi mời sức mạnh của Vulcan từ phía ngoài thành, những tòa nhà cũng sẽ không gặp nỗi khiếp sợ về rủi ro hỏa hoạn. Thứ ba, về thần Mars, khi xây thành phía bên ngoài, dân chúng sẽ không gây gổ với nhau và thần sẽ bảo vệ họ khỏi kẻ thù và nguy cơ chiến tranh.
  2. Thần Ceres cũng nên được thờ cúng bên ngoài, ở nơi người ta không bao giờ cần đến, trừ khi vì mục đích cúng tế. Nơi đó nên được đặt dưới sự bảo vệ của tôn giáo, sự thuần khiết và đạo đức. Theo bản chất của việc cúng tế, địa điểm đền thờ nên tránh xa các khu thánh địa của các vị thần khác.

Các nguyên tắc về việc xây dựng và tính đối xứng tôi sẽ giải thích trong quyển sách thứ ba và thứ tư. Trong cuốn thứ hai, tôi nghĩ tốt nhất nên đưa ra danh sách các chất liệu được dùng trong xây dựng mà có đặc tính tốt và nhiều lợi thế. Sau đó, trong những quyển tiếp theo, tôi sẽ giải thích và giới thiệu về tỉ lệ, sự sắp xếp và các dạng đối xứng khác nhau.

CỘT VÀ LỐI ĐI
  1. Không gian giữa các hàng cột và ở ngoài trời nên được tô điểm bằng màu xanh lá cây, vì đi lại ngoài trời rất lành mạnh, đặc biệt là cho mắt, vì không khí thuần khiết và trong lành đến từ màu xanh lá giúp hình ảnh mắt nhận được rõ ràng, làm sạch dịch bẩn cơ thể từ mắt, giúp tầm nhìn sáng sủa hơn. Bên cạnh đó, vì cơ thể ấm lên bằng việc tập luyện khi đi bộ, không khí, bằng việc hút thể dịch ra khỏi cơ thể, giúp làm giảm và phân tán tình trạng dư thừa thể dịch mà vượt ra khỏi khả năng chịu đựng của cơ thể.
  2. Những hơi nước sương mù không bao giờ xuất hiện từ dòng suối ngầm hay những đầm lầy chứa nước bên dưới, mà là ở những nơi ngoài trời, khi mặt trời mọc bắt đầu mang theo sức nóng, nó cũng mang theo cả hơi nước từ đầm lầy và những vùng có nước. Do đó, nếu như ở những nơi thông thoáng ngoài, không khí sẽ hút hết thể dịch độc hại ra khỏi cơ thể, vì thể dịch này đến từ đất ở dạng sương mù, tôi nghĩ các thành phố nên xây dựng những lối đi rộng rãi, trang hoàng, đặt ở dưới bầu trời mênh mông, thoáng đãng.
  3. Để lối đi khô ráo và không lầy lội, ta cần phải làm như sau. Đào sâu và dọn sạch mức sâu nhất có thể. Ở bên trái và phải xây dựng hệ thống cống thoát nước có nắp, và trong tường đặt hướng về lối đi, đặt các ống đất với một đầu thấp hơn nghiêng về cống. Sau đó, dùng than củi lấp đầy, và rải cát trên lối đi và san phẳng. Vì thế, vì bản chất xốp của than và việc lồng các ống này vào cống, lượng nước sẽ bị dẫn đi nơi khác, và lối đi do đó sẽ hoàn toàn khô ráo và không ẩm ướt.
  4. Hơn nữa, tổ tiên chúng ta khi xây dựng các công trình này cũng xây dựng nơi cất trữ cho thành phố một loại nguyên liệu không thể thiếu được. Sự thật là trong khi bị bao vây, cái gì cũng dễ kiếm hơn gỗ. Muối có thể dễ dàng được mang đến trước, ngô có thể được thu hoạch bởi nhà nước hoặc người dân, và nếu phân phát, hàng phòng ngự có thể trụ được bằng cải bắp, thịt hoặc đậu, nước có thể kiếm được khi đào giếng, hay khi đột ngột có mưa, hay bằng cách lấy nước từ các mái nhà. Nhưng gỗ, nguyên liệu cần để nấu ăn, lại rất khó kiếm; vì thu gom tốn nhiều thời gian mà tiêu thụ lại cần số lượng lớn.
  5. Vào những lúc như vậy, lối đi sẽ được mở cho người dân, gỗ được phân phát từ trong kho cho mỗi bộ lạc. Vì vậy những lối đi này đảm bảo hai thứ: đầu tiên là sức khỏe trong thời bình; hai là an toàn trong thời chiến. Vì vậy, nếu được phát triển trên những nguyên tắc này và được xây không chỉ ở phía sau nhà hát, mà còn ở đền thờ các vị thần, sẽ rất hữu dụng đối với thành phố.
TRƯỜNG HUẤN LUYỆN
  1. Đấu trường thuộc loại này được người Hy Lạp gọi là “xystus” (khu thể thao có mái che) vì trong mùa đông, vận động viên tập luyện ở các đường chạy có mái che. Bên cạnh trường tập này và đấu trường đôi nên đặt các lối đi ngoài trời để vào những ngày mùa đông trời đẹp, các vận động viên có thể ra đó tập luyện. Trường tập phải được xây sao cho có thể có vườn ươm giữa hai đấu trường, hoặc các rừng cây nhỏ, với lối đi được đặt giữa những hàng cây và nơi nghỉ ngơi bằng loại gạch “opus signinum”. Đằng sau trường tập, xây một sân vận động để có đủ chỗ cho một số lượng lớn người xem các vận động viên thi đấu.

Tôi đã miêu tả tất cả những quy hoạch cần thiết ở bên trong thành phố. [bao gồm các khía cạnh của việc môi trường do con người xây dựng, vì các thành phố phải được tăng cường phỏng thủ.

Book Hunter Alexandria

Alexander trải bản đồ qui hoạch thành Alexandria (Andre Castaigne 1898/99)

Michael Lahanas

Nguồn: https://www.hellenicaworld.com/Greece/Technology/en/CityPlan.html

Dịch bài: Hà Trang

Con người định hình Đô thị hay Đô thị định hình con người? Sự cùng tiến hóa trong thay đổi về mặt diện mạo, xã hội và kinh tế tại năm thành phố chính của Hoa Kỳ (phần 2-cuối)

Thay đổi đô thị bao gồm sự chuyển đổi về diện mạo vật lý và cấu trúc xã hội của các khu vực dân cư. Thế nhưng, mối quan hệ giữa các thành phần vật lý và xã hội trong thay đổi đô thị chưa được hiểu một cách kỹ lưỡng do sự thiếu thốn các thước đo đầy đủ về diện mạo khu dân cư. Ở bài nghiên cứu này, chúng tôi giới thiệu một phương pháp thị giác máy tính để định lượng

Thảo Minh

14/02/2023

Dịch Aristotle phiêu lưu ký (1): Khó

Trong những cuộc trò chuyện tri thức trong nội bộ Book Hunter từ 2011 đến 2016, Aristote được nhắc đến không hề ít, bởi vì, dù ông sống cách đây hơn 2 thiên niên kỷ, nhưng rất nhiều phương pháp tư duy của ông vẫn được ứng dụng trong nhiều khía cạnh của học thuật và đời sống, chỉ là chúng ta không nhận ra mà thôi. Lúc ấy, chúng tôi tìm cách đọc ông, nhưng cũng chỉ hiểu láng máng, bởi các bản dịch
le-nam

Lê Nam

21/02/2023

Khảo lược về Islam và ảnh hưởng lên Châu Âu thời Phục Hưng (Phần I)

Bookhunter: Đây là bài giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu về nền văn minh Islam”, xuất bản vào năm 2010 và tái bản 2011 của hai tác giả Ahmed Essa và Othman Ali. 1- VAI TRÒ CỦA ISLAM TRONG LỊCH SỬ Đạo Islam đã tạo ra cây cầu độc nhất nối giữa các nền văn minh của phương Đông và phương Tây. Giới học giả Islam đã cứu lại nền tri thức đang trên đà thất lạc trong nhiều thế kỷ và đem cái mới
le-ai

Lê Ái

27/09/2017

Tại sao nhà ở có mật độ dân cư dày đặc hơn có nghĩa là cuộc sống rộng rãi hơn

Làm thế nào mà chủ nghĩa đô thị thị trường là lợi ích đôi bên cùng có lợi cho người dân ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Trong những năm qua, FEE (Quỹ Giáo dục Kinh tế) đã xuất bản và tái xuất bản một số bài báo về khái niệm “chủ nghĩa đô thị thị trường”. Trước khi tôi bắt đầu viết cho FEE, tôi chưa từng nghe về nó, nhưng phản ứng ban đầu của tôi đối với thuật ngữ

Book Hunter

04/01/2023

Luân Lý Học của Aristotle: Từ Lý trí Đúng tới Trung Đạo

Vượt qua những khó khăn do sự khác biệt văn phong, chúng ta sẽ chạm đến lối tư duy và cách biện luận của Aristotle, những điều rất hữu ích cho mỗi chúng ta trong thế giới hiện đại. Dù sống ở thời Hy Lạp cổ đại, cách chúng ta hơn 2300 năm, dù nhiều quan điểm của ông bị giới khoa học hiện đại bác bỏ, nhưng ông vẫn là một bộ óc lỗi lạc với những nền móng tư tưởng và phương pháp
le-nam

Lê Nam

13/02/2023