Home Đọc “Chiến thắng của đô thị” hay sự thất bại của thị dân

“Chiến thắng của đô thị” hay sự thất bại của thị dân

“Chiến thắng của đô thị” hay sự thất bại của thị dân

Mỗi khi đọc lại “Chiến thắng của đô thị” của nhà kinh tế học Edward Glaeser, tôi luôn nghĩ rằng có lẽ tác giả nên đổi tên cuốn sách thành “Sự thất bại của thị dân”. Vâng, những thị dân quần tụ trong các đô thị đông đúc và phồn thịnh đã thất bại trong cuộc tìm kiếm một cuộc sống thịnh vượng hơn, xanh hơn, lành mạnh hơn. Các đô thị trên thế giới, mà Việt Nam cũng nằm trong số đó luôn được tạo ra và thúc đẩy bởi những sự đánh đổi mà trong đó các cư dân dường như mơ hồ với sự đánh đổi này, họ gần như cũng là một giá trị được đặt trên bàn cân giống như các yếu tố khác mà đôi khi các nhà quy hoạch vĩ mô coi nhẹ.

Mô hình đô thị cũ : khi thị dân không phải là trọng tâm của sự phát triển

Ngay từ đầu cuốn sách, tác giả Edward Glaeser đã khẳng định rằng đô thị là nơi con người tập hợp với nhau trong một không gian chật chội nhưng trong sự chật chội ấy tồn tại một sự gần gũi. Ở đô thị, con người có thể giao thương và giao lưu với nhau với một tốc độ nhanh chóng với một lượng thông tin và hàng hóa khổng lồ, và đi kèm với đó là tạo ra một lượng lớn các công việc mang lại thu nhập cho người dân. Sự định hướng phát triển của một đô thị sẽ kiến tạo nên hình hài của đô thị ấy thông qua các công trình kiến trúc, đồng thời tạo nên lực sống của đô thị thông qua hệ thống nghề nghiệp để phục vụ các nhu cầu trong đô thị và cũng từ đó mà đời sống văn hóa được nảy sinh. Một đô thị sẽ thất bại khi các cư dân rời bỏ nó, để lại một thành phố chết với hệ thống công việc nghèo nàn và môi trường sống tệ hại .

Mô hình đô thị thất bại nhất dẫn tới sự rời bỏ của cư dân chính là mô hình đô thị công nghiệp.

Ông đưa ra những con số gây kinh hoàng từ trường hợp đô thị công nghiệp ở Âu-Mỹ: “Tám trong số mười thành phố lớn nhất Hoa Kỳ trong năm 1950 đã mất ít nhất 1/6 dân số kể từ thời điểm đó tới nay. Sáu trong số 16 thành phố lớn nhất Hoa Kỳ trong năm 1950 – Buffalo, Cleveland, Detroit, New Orleans, Pittsburge và St. Louis – đã mất hơn một nửa dân số kể từ năm đó tới giờ. Tại châu Âu, các thành phố như Liverpool, Glasgow, Rotterdam, Bremen, Vilnius cũng trở nên nhỏ bé hơn nhiều so với thời điểm trước đây của chúng. Thời đại của các thành phố công nghiệp đã qua, ít nhất là đối với phương Tây, và nó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại. Một vài đô thị công nghiệp gần đây đã xoay sở để tiến hóa từ sản xuất sản phẩm thành sản xuất ý tưởng, nhưng phần lớn trong số chúng vẫn tiếp tục sự suy thoái chậm rãi và không thể ngăn cản.”

Các đô thị này đều phục vụ chuyên biệt cho một tập đoàn hoặc một nhóm tập đoàn công nghiệp nào đó, và đến khi ngành công nghiệp ấy trở nên lỗi thời, đô thị không thể chuyển mình thay đổi kịp với thời đại mới và hậu quả khó tránh đó là sự sụt giảm kinh tế dẫn dến sụt giảm việc làm. Bên cạnh đó, do ưu tiên phát triển công nghiệp, môi trường sống của cư dân cũng không được chú trọng khiến điều kiện sống tồi và không có cơ hội cho cư dân nâng cao tay nghề cũng như kiến thức. Tất yếu, đô thị sẽ bị tụt lùi. Ví dụ sống động nhất là Glaeser đưa ra chính là thành phố Detroit: “Trong khoảng từ năm 1950 tới 2008, Detroit đã mất đi hơn 1 triệu người – 58% tổng số dân của nó. Giờ đây, 1/3 dân số Detroit thuộc diện nghèo đói. Thu nhập bình quân theo hộ dân của Detroit là 33.000 đô la mỗi năm, bằng khoảng một nửa so với mức bình quân toàn Hoa Kỳ. Năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp của Detroit là 25%, cao hơn 9% so với tỷ lệ thất nghiệp của bất kỳ thành phố lớn nào và cao hơn 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình cả nước. Năm 2008, Detroit có tỷ lệ giết người cao nhất Hoa Kỳ, cao hơn 10 lần so với tỷ lệ giết người của New York. Nhiều thành phố Hoa Kỳ đã trải qua sự sụp đổ bởi giá nhà đất trong năm 2006-2008. Nhưng Detroit là một trường hợp đặc biệt bởi không trải qua cơn sốt nhà đất đầu thập kỷ nhưng lại hứng chịu sự sụt giá 25% kể từ thời điểm rớt giá.” Trong suốt quá trình phát triển của mình, Detroit nhiều lần đối mặt với những chỉ trích của người dân đối với điều kiện sống của thành phố, nhưng các lãnh đạo của thành phố đã chọn đứng về phe các tập đoàn để đàn áp các cuộc đình công, các tiếng nói đối lập, dần dẫn tới tình trạng tồi tệ gia tăng theo thời gian và tất yếu là sự suy sụp của thành phố. Sự thay thế các tòa nhà mới hào nhoáng không giúp giải quyết một cách triệt để các vấn đề về nguy cơ mất việc làm của người dân, môi trường sống tồi tệ, tỉ lệ tội phạm gia tăng… Chính sách thay thế khu ổ chuột bằng xây dựng các tòa nhà đẹp đẽ như một nỗ lực tái thiết này được các ông trùm ở cả Detroit và New York thực hiện, nhưng nó dẫn tới sự suy thoái nhanh hơn bởi vì một ngân sách lớn đã đổ dồn cho xây dựng vượt quá mức nhu cầu thực. Edward Glaeser đưa ra kết luận: “Đầu tư vào các tòa nhà thay vì con người ở các khu vực nơi giá cả đã thấp sẵn có thể chính là sai lầm lớn nhất của chính sách đô thị” và hiển nhiên chúng không ngăn được các cuộc bạo loạn của người dân.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy đâu đó bóng dáng tương lai của các đô thị công nghiệp đang mọc lên như nấm tại Việt Nam từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay. Các khu công nghiệp được xây dựng, lôi kéo nhân công địa phương tham gia các ngành công nghiệp và trong tương lai sẽ là các cư dân của đô thị phục vụ cho khu công nghiệp ấy. Một điều dễ nhận thấy đây sẽ là những khu đô thị tập hợp các nhân công làm việc, với lượng giao thông bụi bặm do hệ thống vận tải phục vụ mục đích vận chuyển hàng hóa, kèm với đó là lượng rác thải & chất thải công nghiệp kết hợp với sinh hoạt mà không phải lúc nào cũng được ưu tiên để xử lý. Khi người dân từ bỏ ngành nghề cổ truyền để chuyển hướng làm việc trong các nhà máy, họ sẽ chỉ chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng ở trình độ thấp ở mức phù hợp. Nếu như trong tương lai, những ngành công nghiệp này bị đình trệ, một tương lai khó tránh đó là toàn bộ hệ thống công nghiệp này sẽ không chuyển mình kịp để tương thích, đặc biệt là với các ngành công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, môi trường sống tồi tệ có thể dẫn đến sự suy yếu về thể chất và suy giảm về năng lực học hỏi, càng giảm cơ hội cho sự phát triển của người dân cũng như của đô thị. Những nhân công giỏi với kiến thức và kỹ năng tốt, chắc chắn sẽ chuyển tới các đô thị khác có các cơ hội tốt hơn cho họ, các ông trùm rồi cũng sẽ rời bỏ, các quan chức địa phương rồi cũng sẽ hết nhiệm kỳ, chỉ những người dân thụ động phụ thuộc vào định hướng phát triển do thượng tầng vẽ ra là phải chịu đựng viễn cảnh tồi tệ.

Sự hồi sinh những thành phố công nghiệp đã chết này đòi hỏi một cuộc thay đổi mãnh liệt…và cả đau đớn nữa, Glaeser đã dùng hình ảnh con rắn lột xác cho nỗ lực tái sinh này. Trong khi Detroit suy thoái, từ những năm 1970, New York đã chuyển hướng, hồi sinh và được mệnh danh là “phượng hoàng tài chính”. Không giống như Detroit chỉ tập trung vào những tòa nhà vô nghĩa, New York đã chọn cách thu hút các doanh nhân sáng tạo và gia tăng tốc độ trao đổi thông tin và kiến thức, bằng việc thúc đẩy mô hình sàn giao dịch. Tương tự như New York, nhiều thành phố cũng tìm cách chuyển mình, và xu hướng chung đều đến từ việc tinh gọn chứ không phải cồng kềnh. Tính toán tối ưu để đô thị có cơ hội giao thương nhanh chóng hơn, thông tin luân chuyển chính xác hơn, mức thuế ưu đãi hơn, giữ mức chi phí đời sống rẻ hơn… luôn là công thức mang tính giải pháp nhưng dường như các đô thị ở Việt Nam từ chối ứng dụng.

Đô thị thu hút những người nghèo là một vấn đề đau đầu đối với các nhà quy hoạch.

Edward Glaeser chỉ ra rằng “Hầu hết mỗi thành phố ở các quốc gia đang phát triển đều có những nơi nghèo nàn, những khu ổ chuột. Ở một vài nơi, như Kolkata hay Lagos, sự nghèo đói có thể nhiều và cực đoan đến mức các nhà quan sát không thể không xem cả thành phố như địa ngục. Ngay cả tại các nước phát triển, thành thị cũng nghèo nàn chẳng kém. Ở Mỹ, tỷ lệ đói nghèo trong các khu đô thị là 17,7% và ngoại ô là 9,8%.”… “Các thành phố tràn ngập dân nghèo không phải vì chúng làm cho người ta nghèo đi mà bởi chúng thu hút người nghèo tới với viễn cảnh cuộc đời tươi sáng hơn. Tỷ lệ nghèo đói của nhóm người mới đến các thành phố lớn cao hơn tỷ lệ nghèo đói của những cư dân lâu năm, điều này cho thấy rằng, theo thời gian, cơ hội của những người sống ở thành thị có thể được cải thiện một cách đáng kể.” (Chương 3) Trong những khu đô thị mà tại đó vẫn tồn tại các khu ổ chuột, sẽ không thể tránh khỏi tình trạng dân trí thấp, bạo lực, tội phạm, ô nhiễm môi trường… và không khỏi khiến tầng lớp trung lưu và thượng lưu cảm thấy bị đe dọa đến sự an toàn. Các chính sách gia tăng khoảng cách giàu nghèo không giúp tầng lớp trung lưu và thượng lưu an toàn hơn, mà chỉ khiến đô thị ấy trở nên nghèo hơn.

Những khu ổ chuột, xét về bản chất, chính là bàn đạp cho đời sống trung lưu và thượng lưu, nơi tập hợp những nhân công thuộc tầng lớp lao động và tiêu thụ các sản phẩm mà các ông chủ của thành phố sản xuất ra. Nỗ lực loại bỏ khu ổ chuột và thay thế bằng những khu thượng lưu và trung lưu không bao giờ là giải pháp tốt cho đô thị bởi sự tồn tại của tầng lớp lao động là thiết yếu. Vấn đề nằm ở chỗ, tầng lớp lao động có nhất thiết phải chịu đựng cảnh nghèo và khổ hay không? Glaeser đã đưa ra hai ví dụ tương phản trong hướng giải quyết giữa thủ đô Rio de Janeiro của Brazil và thủ đô Washington của Mỹ. Trong khi Rio nỗ lực chu cấp cơ hội học tập và đưa ra cái giải pháp y tế cộng đồng cho người dân khu ổ chuột thì Washington lại chọn cách “mạ vàng khu ổ chuột” của mình bằng chương trình phân bổ ưu đãi đến nhóm ngẫu nhiên với mục đích đưa người dân nghèo vào khu của người giàu. Kết quả là, Rio trở nên đầy cảm hứng với mệnh danh “thành phố của Chúa” nhưng không ngăn được làn sóng ngày càng nhiều người nghèo di dân vào thành phố, còn Washington tuy làm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng nhưng không hề rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Các đô thị cần giải quyết tình trạng nghèo khổ không phải bằng cách hỗ trợ mà bằng cách không đưa ra các chính sách kích thích sự nghèo đói, xã hội cần những người lao động chân tay, nhưng không bao giờ nghèo khổ là cần thiết.

Những đô thị xa xỉ mang lại mức lương cao nhưng sẽ dẫn đến chi phí đắt đỏ, và đó là trở ngại.

Nếu những người nghèo tìm đến các đô thị tạo ra công ăn việc làm cho người nghèo, thì những nhân công có trình độ cao hơn cũng luôn tìm đến các đô thị sẵn sàng trả mức lương tốt hơn cho họ và đáp ứng các nhu cầu lạc thú xa xỉ hơn. London, Paris, Monaco… là những ví dụ tiêu biểu cho những đô thị xa xỉ. “Một lý do mà London, New York và Paris được yêu thích nhiều như vậy là vì chúng có giá trị đầu tư hàng thế kỷ trong các tòa nhà, bảo tàng và công viên, tuy nhiên chúng cũng phát triển hơn nhờ điều kiện đô thị để khơi gợi tính sáng tạo của con người – thứ khiến các thành phố nhộn nhịp cũng như bận rộn. Sự đổi mới thành thị không có nghĩa chỉ là những loại hình nhà máy hay công cụ tài chính mới; nó còn là cách ăn uống và vui chơi mới. Trên tất cả, sự phong phú về tài năng con người ở các thành phố, ví dụ như London, đem đến cơ hội tương tác với những người có hứng thú với bạn. Lý do các tỷ phú thích những nơi như London và New York là vì họ được gặp gỡ các tỷ phú khác, những người có lẽ có thể hiểu được nỗi khổ cực và phiền phức của riêng họ.”

Nhưng mức lương cao đã đẩy giá thành tại các đô thị này cũng theo đó mà ngày càng đắt đỏ, không chỉ giá các dịch vụ, lương thực thực phẩm, chăm sóc y tế,… mà ngay cả chi phí nhà ở cũng tăng cao. Glaeser cho rằng nhà cao tầng là giải pháp đối tối ưu đối với các khu đô thị xa xỉ chật hẹp, giúp cho giá nhà đất không leo thang ngoài tầm kiểm soát. Nhưng một nghịch lý đó là những ngôi nhà cao tầng gây ảnh hưởng đến cảnh quan và kết cấu của các đô thị cổ điển mà Paris là ví dụ điển hình và nhu cầu bảo tồn được các nhà quy hoạch đặt ra. Nhưng bảo tồn là một hoạt động… đắt đỏ. Việc hạn chế các tòa nhà cao tầng khiến giá bất động sản tại các khu vực bảo tồn tăng cao và kèm theo đói là toàn bộ chi phí trong khu vực cũng đắt đỏ hơn, và tất yếu là lượng dân cư sẽ thấp hơn với các gia đình giàu có vốn không có nhiều động lực để phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc các khu đô thị này sẽ không còn là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế và sản xuất và tầng lớp giàu có sẽ phải di chuyển (với mức chi phí đắt đỏ và sự lãng phí năng lượng chất đốt cho các phương tiện vận chuyển cũng như thời gian trên đường) để tới được các trung tâm kinh tế năng động hơn vốn là nơi giúp họ gia tăng khối tài sản để sống được ở các đô thị xa xỉ. Một trường hợp nghịch lý tương tự đó là các khu ngoại ô tập hợp nhiều người giàu “bỏ phố về rừng” để tránh xa các ồn ào và bụi bặm ở vùng nội đô của người nghèo, để tận hưởng một cuộc sống trong lành gần gũi thiên nhiên nhưng lại hủy hoại môi trường và tàn phá thiên nhiên hơn cả đời sống tại đô thị. Tất cả những điều này ngăn cản sức sống của đô thị.

Đi tìm giá trị cốt lõi của đô thị: giao lưu và giao thương

Những diễn ngôn mang tính chất bài đô thị luôn mô tả đô thị như mội nơi bụi bặm, chật chội, và văn hóa thấp, đầy những thị dân với trình độ dân trí thấp bon chen để kiếm miếng ăn. Nhưng đây là hệ quả của sự tập hợp đông đúc chứ không phải bản chất của đô thị. Từ thuở ban sơ, các đô thị được hình thành từ nhu cầu giao thương và giao lưu của những vùng dân cư khác nhau. Tại đô thị, người ta trao đổi hàng hóa, trao đổi thông tin, trao đổi tri thức và cùng nhau sáng tạo những giá trị mới, kiến tạo những mô hình mới… với mức giá rẻ hơn vì dễ dàng và nhanh chóng tận dụng nguồn lực đa dạng.

Những đô thị thành công trong lịch sử như Athens, Baghdad, Florence… đều kiến tạo nền văn minh dựa trên sự thông thái với một tinh thần tôn vinh tri thức. Với sự thu hút các học giả, nghệ sĩ, nghệ nhân, từ nhiều lĩnh vực, và bên cạnh đó là nhiều thương gia, quý tộc giàu có, các đô thị này đã tạo nên những thành tựu rực rỡ không chỉ phi vật thể mà còn hiện hữu đến ngày nay. Những đô thị hiện đại như New York, Nagasaki, Bangalore, Thung lũng Silicon… tạo thành một trung tâm dân cư liên văn hóa, tạo ra liên kết tri thức và hợp tác phát triển toàn cầu.

Sự phát triển của Bangalore được mô tả đầy cảm hứng: “Sự thành công của những nơi như Bangalore không chỉ nhờ sự liên kết các tri thức trên toàn cầu. Những thành phố này tạo ra một vòng lặp hồi đáp tăng cường , trong đó những người chủ bị thu hút bởi một lượng lớn nhân công tiềm năng và nhân công lại bị lôi cuốn bởi sự phong phú các nhà tuyển dụng tiềm năng. Vì vậy, các công ty đến Bangalore tìm kiếm các kỹ sư, còn kỹ sư đến vì các công ty. Quy mô đô thị cũng khiến cho người lao động dễ dàng chuyển từ công việc này sang công việc khác. Trong các ngành công nghiệp sẵn sàng chịu rủi ro cao, người lao động tiến thân bằng cách nhảy từ công ty này sang công ty khác. Những người trẻ tuổi ngày càng làm việc có năng suất hơn và được trả lương cao hơn khi họ nhảy việc và có kỹ năng mới. Số lượng lớn nhà tuyển dụng địa phương cũng là một sự bảo đảm tuyệt đối nếu có bất kỳ công ty khởi nghiệp nào thất bại. Ở Bangalore, sẽ luôn có một công ty phần mềm khác. Hơn nữa, sự tập trung dày đặc các tài năng khởi nghiệp khuyến khích sự phát triển của các ngành liên quan, giống như các nhà đầu tư mạo hiểm làm việc gần Thung lũng Silicon vậy.” Edward Glaeser khẳng định rằng bí quyết làm nên thành công của Bangalore không phải là điều kiện tự nhiên hay vị trí địa lý mà chính là sự thu hút  tài năng, tương tự với mô hình của Kỷ nguyên vàng Islam. 

Rất nhiều lần xuyên suốt những cuộc hành trình tới các thành phố lớn trên thế giới, dù là đô thị thành công hay thất bại, yếu tố học tập và tri thức luôn được Edward Glaeser đề cao. Nếu một đô thị không thể thu hút những tài năng và tạo ra các tài năng mới, để liên tục kiến tạo và đổi mới, thì đô thị ấy, cho dù có nhiều phúc lợi xã hội cho người nghèo hay xây dựng các đặc khu xa xỉ cho giới thượng lưu hay nhộn nhịp hàng hóa vào ra,  thì đô thị ấy luôn ở trong vòng lặp của các nghịch lý và không tạo được những giá trị vững bền nội tại. Đặc biệt, trong thời đại thông tin, trao đổi giá trị với toàn cầu đòi hỏi các đô thị luôn cần tối ưu hơn, tinh gọn hơn và thông minh hơn để các cư dân có thể vươn xa hơn, lành mạnh hơn và thịnh vượng hơn.

Hà Thủy Nguyên

Bong bóng bất động sản và phát triển đô thị – Kỳ 1 (Edward Glaeser)

Bong bóng bất động sản thường xuyên xảy ra trên khắp thế giới, để lại đằng sau nhiều vụ phá sản và khủng hoảng tài chính đau đớn. Bất động sản là một khoản đầu tư yêu thích đối với các nhà đầu tư theo phong cách đầu tư thụ động bằng việc cho vay, bao gồm cả ngân hàng, vì tính linh hoạt của bất động sản khiến nó trở thành nguồn tài sản thế chấp tốt hơn so với các cơ sở sản

Yến Nhi

23/11/2022

[Bài giảng Kinh tế học đô thị của Edward Glaeser] #5: Lợi thế quần tụ và cung – cầu

Mời các bạn cùng theo dõi video số 5 của Crash course Kinh tế học đô thị, một khóa học rất ngắn và thú vị về Kinh tế học đô thị ở mức độ cơ bản. Trong video này, Giáo sư Edward Glaeser bàn rộng hơn về các lợi thế quần tụ bằng cách phân tích cách các hệ quả từ lợi thế này làm thay đổi các phân tích cung – cầu mà chúng ta đã bàn đến trong các video trước. Lợi thế

Minh Hùng

03/04/2023

[Bài giảng Kinh tế học đô thị của Edward Glaeser] #4: Tháo gỡ nhu cầu nhà ở

Mời các bạn cùng theo dõi video số 4 của Crash course Kinh tế học đô thị, một khóa học rất ngắn và thú vị về Kinh tế học đô thị ở mức độ cơ bản. Trong video mới này, Giáo sư Edward Glaeser đưa bạn làm quen với khái niệm “agglomeration” – lợi thế kinh tế nhờ quần tụ kết khối, qua đó bạn sẽ thấy thành phố càng quần tụ đông thì càng dễ nâng cao năng suất và càng dễ dàng thuận

Minh Hùng

20/03/2023

Cái giá của tiếng ồn

“Bạn có nghe thấy không?” sau đó, Tiến sĩ Mathias đã để cho một vài giây trôi qua. “Bạn có biết cái đó là gì không?” Ông lại dừng lại. “Im lặng. Âm thanh của sự im lặng.” Basner đã đặt ra câu hỏi tu từ trong buổi nói chuyện TEDMED của ông, nội dung về sức khỏe và y học của chuỗi hội nghị TED, năm ngoái tại Palm Springs, California. Không chỉ mong muốn phá vỡ những định kiến mà còn cố gắng

[Bài giảng Kinh tế học đô thị của Edward Glaeser] #6: Ngoại ứng tắc nghẽn và quy mô đô thị

Mời các bạn cùng theo dõi video số 6 của Crash course Kinh tế học đô thị, một khóa học rất ngắn và thú vị về Kinh tế học đô thị ở mức độ cơ bản. Trong video trước, ta đã biết về những lợi thế quần tụ: các tiện ích có được nhờ việc mở rộng quy mô thành phố, nhưng còn những mặt trái của sự gia tăng dân số này thì sao? Giáo sư Edward Glaeser sẽ nói đến chúng trong video

Minh Hùng

07/07/2023