Home Chuyên đề tháng Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (7): Nữ Hoàng Tiên Răng – Sức mạnh của Ký Ức

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (7): Nữ Hoàng Tiên Răng – Sức mạnh của Ký Ức

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter

Trong rất nhiều pháp tu hướng tới sự giải thoát, Ký Ức là một gánh nặng, bởi Ký Ức mang theo những duyên nghiệp trói buộc người tu với thế gian. Nhiều người tu đã chọn cách lãng quên Ký Ức, mà bản chất là sự chối bỏ toàn bộ những dấu vết của quá khứ trong tâm trí mình, để giữ một tâm trí trống rỗng. Nhưng khoảng rỗng chỉ là một khoảng nhỏ an toàn, còn toàn bộ Ký Ức bị gạt bỏ tích tụ trong tình trạng vô minh. Và đó là nơi bóng tối dễ dàng chiếm lĩnh.

Khi xem bộ phim hoạt hình “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, chúng ta có thể thích rất nhiều các nhân vật như Jack Frost, Ông già Noel, Thần Mộng Mơ, Thỏ Phục Sinh…, nhưng vệ thần quan trọng nhất trong bộ phim này lại chính là Nữ Hoàng Tiên Răng. William Joyce tạo dựng nên cõi giới của Tiên Răng như một nơi lưu giữ toàn bộ ký ức của nhân loại. Trong mỗi chiếc răng sữa mà Tiên Răng thu thập đều chứa đựng những ký ức vui, ký ức buồn, và bằng những ký ức ấy, mỗi đứa trẻ trong quá trình trưởng thành dựa vào đó để tìm lại chính mình thay vì bị trôi theo những phản ứng kháng cự hoặc thích ứng với bóng tối của thế gian. Ý tưởng về sức mạnh Ký Ức trong sự trưởng thành tinh thần có lẽ đã ám ảnh thế giới hoạt hình của Holywood trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2020 với một loạt các tác phẩm xuất sắc như “Sự trỗi dậy của các vệ thần” (2012), “Hoàng Tử Bé” (2015), “Kubo” (2016), “Coco” (2017), Soul (2020)… Không phải những bài học để tâm bình lặng, mà là thông điệp về sự chuyển hướng tâm thức dựa vào những ký ức về trạng thái tinh thần tốt đẹp nhất của bản thân. Đây là một pháp tu Yoga tâm trí, không phải chối bỏ, mà là nhận biết và chuyển hướng sang tri kiến đúng.

Trong số các vệ thần, Tiên Răng được William Joyce lựa chọn để gìn giữ các ký ức, cốt lõi sức mạnh để chống lại bóng tối của Pitch Black, vị vệ thần duy nhất mang giới tính nữ. Sự lựa chọn này có thể là ngẫu hứng đến từ sự tương đồng giữa mối liên hệ của răng sữa và thời thơ bé mộng mơ. Sự lựa chọn này cũng có thể đến từ tín ngưỡng cổ xưa về các fairy trong văn hóa Châu Âu xa xưa.

Tạo hình Nữ Hoàng Tiên Răng trong bộ phim “Sự trỗi dậy của các vệ thần”.

Fairy – Nguyên mẫu Tiên Bay

Trong cách chuyển ngữ « Fairy » là « Tiên » có nhiều bất cập, bởi vì fairy là một sinh vật có phép màu tự nhiên trong khi “tiên” là người tu luyện để đạt các cảnh giới tinh thần khác nhau; tuy nhiên, ta cứ tạm chấp nhận cách dịch này. Trong bản dịch “TOOTHIANA – Nữ hoàng của binh đoàn Tiên Răng” (Sophia Ngo dịch, Book Hunter & NXB Đà Nẵng), những “fairy” được gọi là “tiên bay”, và từ giờ khi tôi đề cập đến “tiên bay”, bạn có thể hiểu rằng tôi đang muốn nhắc đến các “fairy”. Trải khắp Châu Âu, dù trong các nhóm Celtic, hay nhóm Germanic, hay những người Slavic xa xôi ở Đông Âu… dân gian đều kể về các tiên bay với sức mạnh siêu nhiên. Các tiên bay có một cõi giới riêng và thường được cho là nó đến từ ảo giác của con người.

Các tiên bay thường được mô tả là những sinh vật có hình người tí hon, có đôi cánh bướm hoặc chuồn chuồn. Có nhiều niềm tin khác nhau, một số nhóm coi tiên bay là linh hồn không được siêu thoát của người chết, có khi lại là một giống loài thần bí độc lập với loài người, có khi là những thiên thần sa ngã hay ác quỷ…  Nguyên sơ và hệ thống hơn cả, các tiên bay được mô tả trong tín ngưỡng của người Celtic, và được gọi là Aos sí, hay còn được phiên âm là sidhe. Aos sí được kể rằng sống dưới lòng đất các gò hoặc đồi, trong các pháo đài bên kia biển phía Tây hoặc ở cõi khác tồn tại song song với thế giới con người. Người Celtic ở Ireland cho rằng các Aos sí là linh hồn của tổ tiên đã khuất hoặc tinh linh của tự nhiên. Các tiên bay – fairy – Aos sí xuất hiện rất nhiều trong các chuyện kể dân gian với vai trò như những sinh vật sử dụng phép thuật tác động làm thay đổi thế giới hiện thực, bởi thế, những câu chuyện này được gọi là “fairy tale” mà chúng ta thường dịch là cổ tích. Những tiên bay cùng với thiên thần cánh chim (angel) là những biểu tượng siêu nhiên can dự vào đời sống thực theo các cách khác nhau phổ biến trong văn hóa Châu Âu.

Tạo hình các tiên bay trong chùm phim hoạt hình Tinkerbell của Walt Disney.

Mặc dù các fairy hay Aos sí trong tín ngưỡng cổ có hình thù xấu xí và các độc (có thể do bóp méo hình tượng do Công giáo áp đặt lên các tín ngưỡng khác), nhưng dần dần, khi quyền lực Công giáo suy giảm, thì các tiên bay lại có hình dáng xinh đẹp, đáng yêu và thiện lành hơn. Từ những tinh linh trong truyện cổ Andersen lên tiếng kêu oan cho chàng trai đã khuất, cho đến nàng tiên nhỏ Tinkerbell trong “Peter Pan”, các tiên bay dù cảm xúc, dễ giận dữ, nhưng đều bé nhỏ dễ thương. Những hình ảnh tiên bay dễ thương cũng xuất hiện trong mọi mẫu trang trí cho trẻ nhỏ, trên tranh ảnh, khăn trải bản, đồ gốm sứ…

Mặc dù được truyền cảm hứng từ các tiên bay Celtic ở Châu Âu, thế nhưng tâm thức liên văn hóa của Joyce đã khiến ông tạo ra một thế giới của các tiên bay hoàn toàn khác biệt nằm ở Cực Viễn Đông huyền bí, nơi cõi người và cõi huyền bí liên thông với nhau dễ dàng.

Cõi giới tiên bay ở Cực Viễn Đông

Trên màn ảnh, chúng ta bắt gặp một Nữ hoàng Tiên Răng dễ thương, nữ tính, cảm xúc, được tạo hình như một con chim ruồi với màu lông xanh mướt. Đôi cánh của Tiên Răng không phải đôi cánh bướm hay chuồn chuồn như các fairy, cũng không phải sải cánh chim rộng như các tổng lãnh thiên thần. Nhịp đập cánh của Tiên Răng rất nhanh, tạo nên nhịp độ bay thoắt ẩn thoắt hiện, thậm chí có thể đập cánh trên không mà không cần phải dịch chuyển, giống như những chú chim ruồi. Không giống như các loài chim khác, chim ruồi có kích cỡ vô cùng nhỏ bé, chỉ to hơn con côn trùng, nhưng mạnh mẽ. Người Aztec tin rằng chim ruồi là linh hồn của các chiến binh đã ngã xuống và người ta thường đeo bùa chim ruồi để hộ mệnh. Mang hình dáng con chim ruồi, nàng Toothania không chỉ là một tiên bay, không chỉ là một tiên răng mà còn là một vệ thần bảo hộ cho lũ trẻ. Yếu tố chiến binh này đặc biệt được miêu tả trong bộ tiểu thuyết “Những vệ thần của tuổi thơ”.

Tiên Răng Toothania đến từ vùng Punjam Hy Loo, một vùng đất hoàn toàn đến từ trí tưởng tượng của Joyce. Punjam Hy Loo là một cõi giới tách biệt hoàn toàn với con người, là nơi sinh sống của các tiên bay, được mô tả là “nằm trên đỉnh ngọn núi dốc nhất ở vùng đất bí ẩn vùng Cực Viễn Đông. Một binh đoàn voi cao quý đứng canh gác dưới chân núi. Nhân loại không được phép tiến vào, vì rừng rậm trên núi là thiên đường ẩn náu của những con thú  hoang – một nơi mà chúng có thể được an toàn trước loài người và sự ngu ngốc của họ.” Cực Viễn Đông, những con voi, những chú chim ruồi, rừng rậm… dường như tất cả gợi nên vùng đất Ấn Độ hoặc Đông Nam Á, nơi sự hoang sơ vẫn còn gần như nguyên vẹn trong tâm thức của các nhà sáng tạo fantasy (dù thực tế không hẳn là vậy). Không chỉ nguyên sơ, nơi đây ẩn chứa các bí mật phép màu huyền nhiệm, nơi những đứa trẻ có thể dễ dàng chạm tới cõi thần tiên Punjam Hy Loo chỉ cần bằng một niềm vui. Joyce đã đưa ra chỉ dẫn lối vào Punjam Hy Loo thế này:

“Vào thời cổ đại đó, chưa con người nào khám phá ra bí ẩn của bay lượn. Nhưng sau khi yêu cầu lời khuyên từ các phù thủy và nhà tiên tri của mình, quốc vương đã biết được một bí mật: Trẻ em có thể bay khi chúng mơ, và khi Mặt Trăng tỏa sáng, giấc mơ của chúng có thể trở nên sống động đến mức một số giấc mơ trở thành sự thật. Đôi khi bọn trẻ nhớ, nhưng thường là chúng không nhớ. Đó là lý do tại sao trẻ em đôi khi thức dậy trên giường của cha mẹ mà không biết bằng cách nào chúng đến đó – chúng đã bay!” Những ký ức trong mơ của đứa trẻ được lưu lại trong những chiếc răng sữa, và bằng cách khơi dậy ký ức trong chiếc răng sữa, người ta có thể đến Punjam Hy Loo – lâu đài của các tiên bay.

Các tiên bay của Punjam Hy Loo vừa mang dáng dấp của các fairy –  Aos sí, vừa có phong thái của các chiến binh chim ruồi của Aztec, nhưng lại được đặt trong một không gian Châu Á, tạo nên một sắc thái huyền bí xuyên biên giới, một cõi giới hoàn toàn tách biệt khỏi các châu lục, mà tại đó các  mảnh vỡ từ đó dường như đã tạo nên sắc màu của nhiều nền văn minh cổ sơ khác nhau. Những tiên bay tựa hồ như những ẩn sĩ trong rừng sâu mạnh mẽ nhưng từ bi, từ bi đến nỗi có thể nhìn thấy lòng thiện trong kẻ định ra tay tiêu diệt mình và chuyển hóa kẻ thù thành người yêu thương. Tình yêu giữa tiên bay từ bi và nô lệ gánh tội nghiệt được gột rửa tội lỗi đã sinh ra Toothania – Tiên Răng.

Tạo hình Nữ hoàng Tiên Răng Toothania trong bộ tiểu thuyết “Những vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce.

Khải lộ chính mình

Tiên Răng khi mới ra đời bình thường như một cô bé người phàm, và vì thế, nàng được nuôi dưỡng trong thế giới người phàm, cũng giống như mỗi chúng ta ban sơ đều đặc biệt và phi thường, nhưng đều bước vào cuộc đời mờ nhạt như mọi người trong đời sống thường nhật. Theo thời gian, sự phi thường ấy không thể che dấu. Chiếc răng sữa đầu tiên của Tiên Răng rụng xuống và đôi cánh mọc ra. Đôi cánh ấy mang theo sự màu nhiệm, sự khao khát tự do, sự siêu việt khỏi đời sống tầm thường. Trong đôi mắt trẻ thơ, đôi cánh màu nhiệm là điều tuyệt diệu, nhưng với những con người đã quá quen với đời sống tầm thường sẽ thấy Tiên Răng là một mối nguy, một món hàng, thậm chí một thứ dị dạng, một linh hồn xấu xa. Người lớn làm ra những cái lồng để nhốt Tiên Răng Toothania còn lũ trẻ luôn tìm cách để báo tin giúp Toothania trốn thoát.

Mọc cánh giống như quá trình khải lộ đầu tiên, khi ta trở nên khác biệt với thường nhật, khi ta có thể bay cao hơn những người bị lực hút của cuộc đời níu giữ. Khải lộ chính mình cũng là khải lộ một cõi giới khác với đời thường – thứ mà những kẻ ngập trong tội lỗi luôn sợ hãi, sẵn sàng tiêu diệt. Những lũ trẻ với đôi mắt ngây thơ, vẫn tin tưởng vào điều phi thường, lại bảo vệ sự siêu việt ấy. Trẻ thơ vô tội còn cơ hội để khải lộ, và những kẻ chìm trong bóng tối sợ hãi thì chẳng bao giờ có thể khải lộ. Khải lộ chính mình là một quá trình tự nhiên không thể gượng ép, Tiên Răng đến tuổi rụng chiếc răng sữa đầu tiên, và đôi cánh mọc ra, vậy thôi. Và sự khải lộ giữa đời thường phải trả một cái giá rất đắt : sự hủy diệt.

Các sinh vật của cõi giới Punjam Hy Loo phải đối mặt với cuộc tấn công ác độc của những con người bị sự xấu xa chế ngự. Cha và mẹ của Tiên Răng cùng với các tiên bay bị sát hại, chỉ còn Tiên Răng đơn độc trên cõi đời với sự căm thù tột độ, căm thù tới mức ghét bỏ cả đôi cánh – đại diện cho sự siêu việt, sự khải lộ bản thân. Cuộc chiến đấu của Tiên Răng không phải là chiến đấu với kẻ thù, bởi vì chẳng kẻ thù nào mạnh bằng sự siêu việt của nàng, mà là chiến đấu với chính nỗi căm hận bên trong mình. Lòng căm hận ấy đeo đuổi thông qua chính thực tế rằng cha mẹ nàng đã chết, những tiên bay đã chết, Punjam Hy Loo bị hủy diệt… tất cả chỉ bởi đôi cánh của nàng, bởi sự siêu việt giữa đời thường của nàng. Nhưng lòng căm hận được xoa dịu bởi chính lời dặn dò của cha mẹ nàng :

« Con gái thân yêu nhất của chúng ta,

Đây là những chiếc răng thời thơ ấu của con. Nếu con đặt chúng dưới gối khi ngủ hoặc ôm nó thật chặt, con sẽ ghi nhớ điều mà con cần – ký ức về những ngày hạnh phúc, về những vọng niệm sâu kín nhất, hoặc còn cả về chúng ta trong những thời khắc đẹp đẽ hơn thế…»

Khi ôm ấp những ký ức tuyệt đẹp ấy bên mình, Tiên Răng biết thêm về trách nhiệm của các tiên bay, về ước ao bao điều tốt đẹp của cha mẹ nàng, về tình yêu chuyển hóa nơi họ… Tất cả… tạo nên một trạng thái tâm trí đẹp đẽ, nơi toàn bộ sức mạnh tinh thần của nàng được chuyển dịch sang nuôi dưỡng lòng thiện nơi trẻ nhỏ, để đến khi lớn lên, với chiếc răng sữa mà nàng giữ, vào một thời điểm nào đó, có thể giữ họ không sa vào tội ác, để nhớ lại mọi điều đẹp đẽ nơi mình. Vậy là thông qua Ký Ức, Tiên Răng chuyển hóa mình, cũng thông qua Ký Ức, nàng giúp con người sống tốt hơn. Và khi mong muốn mang đến điều tốt đẹp cho vạn vật càng mạnh mẽ, thì nàng không chỉ khải lộ mình nữa, nàng có thể phân tách thành rất nhiều phiên bản khác của mình, phân tách tới vô hạn với sức mạnh vô hạn. Khải lộ chính mình hóa ra không hữu hạn, mà là sự vô hạn, còn lớn lao hơn sự siêu việt của đôi cánh, còn lớn lao hơn sự chuyển hóa của chính mình. Và bởi thế, hành trình của Tiên Răng cũng là hành trình của một bậc chứng ngộ theo pháp đại thừa, đạt được toàn giác bằng cứu độ chúng sinh.

Hà Thủy Nguyên

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce (5): Thần Mộng Mơ (Sandman) – Chiến thắng cái ác là chiến thắng ác niệm của chính mình

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Cùng với Người Cung Trăng và Jack Frost, Thần Mộng Mơ - Sandman là những gì đẹp đẽ còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng. Nếu thế giới của Người Cung Trăng tràn ngập sắc màu rực rỡ, của Jack Frost xanh một màu băng tuyết, thì Thần Mộng Mơ lấp lánh ánh vàng rực rỡ, và nếu xét về tính

Biến chuyển nguyên mẫu Santa Claus hay St Nicholas trong dòng lịch sử: Từ niềm vui trao đi đến kích cầu thương mại

Santa Claus - hay còn được biết đến với tên gọi St. Nicholas hoặc Kris Kringle - có một lịch sử lâu đời gắn bó mật thiết với truyền thống Giáng sinh. Ngày nay, người ta thường nghĩ đến ông với hình ảnh một người đàn ông vui vẻ mặc đồ đỏ, mang đồ chơi đến cho những cô bé và cậu bé ngoan vào đêm Giáng sinh, nhưng câu chuyện của ông kéo dài từ thế kỷ thứ 3, khi St. Nicholas đặt chân

Cụt Đuôi

18/12/2022

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (1): Khởi thủy là điều thiện

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Năm 2012, tôi có một mùa Giáng Sinh u tối trong hố sâu tuyệt vọng. Lúc ấy, cả thế giới đang đồn nhau về ngày tận thế, một số khác thì bản về sự sụp đổ hệ thống để khởi đầu một thứ gì đó mới mẻ hơn (nhưng chưa chắc đã tốt hơn). Tôi lạc lối trong lựa chọn của

‘VỊ VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ’ – WILLIAM JOYCE, nhà sáng tạo thiên tài của Sự trỗi dậy của các vệ thần, Toy Story, Epic…

“Vượt qua mọi rào cản về thời gian và không gian, là cách để nắm bắt trí tưởng tượng”. —Nicholas St. North - William Joyce. Những cuốn sách bay diệu kỳ của ông Morris Lessmore(The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore - William Joyce) Điều gì có thể được ẩn giấu phía dưới người đàn ông luôn khoác lên mình bộ phục trang bình dị, chỉ gồm chiếc quần jeans, áo sơ mi trắng không cổ, cùng bộ râu và ria mép luôn được

BIỂU TƯỢNG KỲ LÂN TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA PHƯƠNG TÂY (P.1)

Bài viết có chứa một số nội dung phù hợp với lứa tuổi 16+. ---- Kỳ lân là biểu tượng chính trong "Skandar và kẻ trộm kỳ lân" của cô A. F. Steadman. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên sinh vật huyền thoại này xuất hiện trong văn học. Chúng mình xin giới thiệu đến các bạn một bài viết thú vị về kỳ lân của tác giả Teresa Noelle Roberts đăng trên tạp chí Mythlore (1982, vol. 8 ). Thông qua bài