Home Hiểu Biến chuyển nguyên mẫu Santa Claus hay St Nicholas trong dòng lịch sử: Từ niềm vui trao đi đến kích cầu thương mại

Biến chuyển nguyên mẫu Santa Claus hay St Nicholas trong dòng lịch sử: Từ niềm vui trao đi đến kích cầu thương mại

Cụt Đuôi

18/12/2022

Santa Claus – hay còn được biết đến với tên gọi St. Nicholas hoặc Kris Kringle – có một lịch sử lâu đời gắn bó mật thiết với truyền thống Giáng sinh. Ngày nay, người ta thường nghĩ đến ông với hình ảnh một người đàn ông vui vẻ mặc đồ đỏ, mang đồ chơi đến cho những cô bé và cậu bé ngoan vào đêm Giáng sinh, nhưng câu chuyện của ông kéo dài từ thế kỷ thứ 3, khi St. Nicholas đặt chân tới Trái đất và trở thành vị thánh bảo trợ của trẻ em.

Hãy cùng tìm hiểu thêm về lịch sử của Santa Claus từ nguồn gốc sớm nhất của ông cho đến các Santa tại các Trung tâm Thương mại ngày nay, và khám phá  xem bằng cách nào mà hai người đàn ông New York — Clement Clark Moore và Thomas Nast — đã gây ảnh hưởng lớn đến Santa Claus mà hàng triệu trẻ em chờ đợi vào mỗi Đêm Giáng sinh.

Truyền Thuyết về St. Nicholas: Santa Claus thực thụ

Truyền thuyết về Santa Claus có thể truy ngược hàng trăm năm trước về một thầy tu tên là St. Nicholas. Người ta tin rằng Nicholas ra đời vào khoảng năm 280 sau Công nguyên Ở Patara, gần Myra thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Được ngưỡng mộ bởi đạo đức và lòng tốt của mình, St. Nicholas đã trở thành chủ đề của nhiều truyền thuyết. Người ta nói rằng ông đã cho đi toàn bộ tài sản thừa kế của mình và ngao du tới các vùng nông thôn để giúp đỡ những người nghèo khó và ốm bệnh. Một trong những câu chuyện được biết đến nhiều nhất về St. Nicholas là khi ông cứu ba chị em nghèo khỏi bị cha bán làm nô lệ hoặc mại dâm bằng cách cung cấp cho họ của hồi môn để họ có thể lấy chồng.

Trong suốt nhiều năm, danh tiếng của Nicholas đã được lan truyền rộng rãi và ông được biết đến là người bảo vệ trẻ em và thủy thủ. Ngày lễ của ông được tổ chức vào kỷ niệm ngày mất của ông, 6 tháng 12. Theo truyền thống, đây được coi là một ngày may mắn để mua sắm số lượng lớn hoặc kết hôn. Đến Thời kỳ Phục hưng, St. Nicholas đã trở thành vị thánh nổi tiếng nhất châu Âu. Ngay cả sau Cải cách Tin Lành, khi lòng sùng kính dành cho các thánh bắt đầu suy thoái, St. Nicholas vẫn duy trì một danh tiếng tích cực, đặc biệt là ở Hà Lan.

Sinter Klaas đến New York

St. Nicholas đã thực hiện cuộc đổ bộ đầu tiên của mình vào Văn hóa đại chúng Mỹ vào cuối thế kỷ 18. Vào tháng 12 năm 1773, và một lần nữa vào năm 1774, một tờ báo của New York đã đưa tin các gia đình Hà Lan đã tụ tập để tôn vinh kỷ niệm ngày mất của ông.

Cái tên Santa Claus được phát triển từ biệt danh tiếng Hà lan của Nick, Sinter Klaas, một hình thức rút gọn của Sint Nikolaas (Saint Nicholas trong tiếng Hà Lan). Năm 1804, John Pintard, một thành viên Của Hội Lịch sử New York, đã phân phát tranh khắc gỗ Của Thánh Nicholas tại cuộc họp thường niên của hội. Nền của bức tranh khắc là hình ảnh Santa nay đã rất quen thuộc với những cái tất chứa đầy đồ chơi và trái cây treo trên một lò sưởi.

Năm 1809, Washington Irving đã giúp phổ biến những câu chuyện về Sinter Klaas khi ông gọi St. Nicholas là vị thánh bảo trợ của New York trong cuốn sách của mình, Lịch Sử New York. Khi danh tiếng của ông tăng dần, Sinter Klaas được mô tả theo đủ mọi kiểu từ một “kẻ lang thang” với chiếc mũ ba góc xanh, áo ghi lê đỏ, và đi tất vàng cho đến một người đàn ông đội mũ rộng vành và mặc một “chiếc quần bó chẽn thùng thình của dân Flemish.”

Santa tại Trung tâm mua sắm

Quà tặng, chủ yếu tập trung vào trẻ em, đã là một phần quan trọng của lễ Giáng sinh kể từ khi ngày lễ được trẻ em hóa vào đầu thế kỷ 19. Các cửa hàng bắt đầu quảng cáo mua sắm mùa Giáng Sinh vào năm 1820, và vào những năm 1840, các tờ báo đã tạo ra mục riêng cho quảng cáo mùa lễ hội, trong đó thường có hình ảnh của Santa Claus mới nổi.

Năm 1841, hàng ngàn trẻ em đã ghé thăm một cửa hàng ở Philadelphia để xem mô hình Santa Claus có kích thước của người thật. Đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi các cửa hàng bắt đầu thu hút trẻ em, và cha mẹ của chúng, với sức quyến rũ của việc được nhìn thấy một Santa Claus “sống”. Đầu những năm 1890, Lực lượng Cứu hộ cần tiền để trả cho các bữa ăn Giáng sinh miễn phí mà họ cung cấp cho các gia đình nghèo. Họ bắt đầu hóa trang cho những người đàn ông thất nghiệp trong bộ quần áo của Santa Claus và đưa họ xuống đường phố New York để thu hút tiền quyên góp. Những Santa Claus quen thuộc của Lực lượng Cứu hộ đã rung chuông trên mọi góc phố của các thành phố Mỹ kể từ đó.

Có lẽ cửa hàng bách hóa Santa mang tính biểu tượng nhất là Kris Kringle trong bộ phim kinh điển Santa Claus năm 1947, “Phép màu trên đường 34”. Natalie Wood thời trẻ đóng vai một cô bé tin lời Kris Kringle (được thủ vai bởi Edmund Gwenn, người đã giành giải Oscar cho vai diễn) khi anh nói rằng anh là Santa Claus  thực sự. “Phép màu trên đường 34” được làm lại vào năm 1994 với sự tham gia của Richard Attenborough và Mara Wilson.

Santa của The Macy’s đã xuất hiện ở hầu hết các cuộc diễu hành vào Lễ Tạ Ơn của hãng, kể từ khi nó bắt đầu vào năm 1924, và người hâm mộ ở mọi lứa tuổi vẫn xếp hàng để gặp San của The Macy’s ở Thành phố New York và tại các cửa hàng trên khắp đất nước, nơi trẻ em có thể chụp ảnh trên đùi của Santa và nói với ông điều bé mong muốn cho Giáng sinh.

Ấy là cái đêm trước Giáng Sinh (‘Twas the Night Before Christmas)

Năm 1822, Clement Clarke Moore, một giám mục Tân Giáo, đã viết một bài thơ Giáng sinh dài cho ba cô con gái của mình mang tên “Tường thuật về chuyến viếng thăm của St. Nicholas (An Account of a Visit from St. Nicholas),” được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi  “Ấy là cái đêm trước Giáng Sinh (‘Twas the Night Before Christmas)”.

Bài thơ của Moore, mà ban đầu ông đã do dự xuất bản do tính chất phù phiếm của chủ đề, chịu trách nhiệm phần lớn cho hình ảnh hiện đại như một “tinh linh già vui vẻ” của chúng ta về Santa Claus với vóc dáng béo tốt và khả năng siêu nhiên trèo lên ống khói bằng chỉ cần một cái gật đầu! Mặc dù một số hình ảnh của Moore có thể được mượn từ những nguồn tư liệu khác, song, bài thơ của ông đã giúp phổ biến hình ảnh quen thuộc của một Santa Claus, người bay từ nhà này sang nhà khác vào Đêm Giáng Sinh trong “một chiếc xe trượt tuyết thu nhỏ” được kéo bởi tám con tuần lộc bay để lại quà cho trẻ em xứng đáng.

Năm 1881, họa sĩ biếm họa chính trị Thomas Nast đã dựa trên bài thơ của Moore để tạo ra bức chân dung đầu tiên phù hợp với hình ảnh Santa Claus hiện đại của chúng ta. Bức biếm họa của ông, xuất hiện trên tạp chí Harper’s Weekly, đã mô tả Santa Claus là một người đàn ông tròn trịa, vui vẻ với bộ râu trắng dày dặn, tay cầm một chiếc bao tải đựng đầy đồ chơi dành cho những đứa trẻ may mắn. Chính Nast đã tặng cho Santa Claus bộ đồ màu đỏ tươi được trang trí bằng lông trắng, xưởng Bắc Cực, yêu tinh và vợ ông, bà Claus.

Santa Claus trên khắp thế giới

Santa Claus của nước Mỹ thế kỷ 18 không phải là người tặng quà duy nhất lấy cảm hứng từ St. Nicholas xuất hiện vào dịp Giáng Sinh. Có những hình tượng và truyền thống Giáng Sinh tương tự trên khắp thế giới. Christkind hoặc Kris Kringle được cho là người tặng quà cho những đứa trẻ ngoan ở Thụy Sĩ và Đức. Christkind, cái tên mang nghĩa “đứa trẻ của Chúa”, là một nhân vật giống như thiên thần thường đi cùng với St. Nicholas trong các nhiệm vụ ngày lễ của ông. Ở Scandinavia, một yêu tinh vui tính tên là Jultomten được cho là đi tặng quà trong một chiếc xe trượt tuyết do dê kéo. Truyền thuyết người Anh giải thích rằng Father Christmas đến thăm từng nhà vào đêm Giáng Sinh để lấp đầy những chiếc tất của trẻ em bằng những món quà ngày lễ. Père Noël chịu trách nhiệm lấp đầy giày của trẻ em Pháp. Ở Ý, có một câu chuyện về một người phụ nữ tên là La Befana, một phù thủy tốt bụng, người cưỡi chổi xuống ống khói của những ngôi nhà ở Ý để bỏ đồ chơi vào tất của những đứa trẻ may mắn.

Truyền thống Giáng Sinh ở Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, Santa Claus thường được miêu tả là bay từ nhà này sang nhà khác vào Đêm Giáng Sinh để giao đồ chơi cho trẻ em. Ông bay trên chiếc xe trượt tuyết ma thuật do đàn tuần lộc của mình kéo: Dasher, Dancer, Prancer, Vixen, Comet, Cupid, Donner, Blitzen, và chú tuần lộc nổi tiếng nhất, Rudolph. Santa đi vào từng nhà qua ống khói, đó là lý do vì sao những chiếc tất Giáng Sinh rỗng – từng chỉ là những chiếc tất rỗng, giờ đây thường là những chiếc tất dành riêng cho dịp này – được “treo cẩn thận cạnh ống khói với hi vọng rằng St. Nicholas sẽ sớm xuất hiện”, như Clement Clarke Moore đã viết trong bài thơ nổi tiếng của mình. Những chiếc tất có thể chứa đầy kẹo và các món ăn vặt khác hoặc đồ chơi nhỏ.

Santa Claus và vợ ông, bà Claus, gọi Bắc Cực là nhà và trẻ em viết thư cho Santa, theo dõi tiến trình của Santa khắp thế giới vào Đêm Giáng Sinh. Trẻ em thường để lại bánh quy và sữa cho Santa và cà rốt cho đàn tuần lộc của ông vào Đêm Giáng Sinh. Santa Claus giữ một “danh sách trẻ hư” và một “danh sách trẻ ngoan” để xác định ai xứng đáng được nhận quà vào buổi sáng Giáng Sinh và các bậc phụ huynh thường viện dẫn những danh sách này như một cách để đảm bảo con cái mình cư xử tốt đẹp nhất. Những danh sách này đã trở nên bất tử trong bài hát Giáng Sinh năm 1934, “Santa Claus sắp đến thị trấn rồi (Santa Claus is coming to town)”:

“Ông ấy đang lập một danh sách
Và soát lại nó những hai lần;
Ông ấy sẽ biết bé nào hư và có bé nào
Santa Claus sắp đến với thị trấn rồi.

Ông ấy thăm bạn khi bạn ngủ say
Ông ấy biết khi nào bạn đang thức giấc
Ông ấy biết bạn có phải đứa trẻ ngoan hay không!
Nên hãy ngoan để được nhận quà nhé!”

Chú tuần lộc thứ chín, Rudolph

Rudolph, “con tuần lộc nổi tiếng nhất loài tuần lộc,” được sinh ra hơn 100 năm sau tám bạn đồng hành biết bay của mình. Kỳ quan mũi đỏ là sáng tạo của Robert L. May, một người viết quảng cáo tại cửa hàng bách hóa Montgomery Ward.

Năm 1939, May đã viết một bài thơ với chủ đề Giáng Sinh để giúp thu hút khách đến với cửa hàng của mình trong dịp lễ. Sử dụng cách gieo vần tương tự như bài “’Twas the Night Before Christmas” của Moore, May kể câu chuyện về Rudolph, một chú tuần lộc non bị những chú hươu khác trêu chọc vì chiếc mũi to, đỏ rực và phát sáng của mình. Tuy nhiên, khi đêm Giáng sinh mù mịt mờ sương và Santa lo ngại rằng mình sẽ không thể giao quà vào đêm đó, cậu bạn bị ruồng bỏ trước đây đã cứu Giáng Sinh bằng cách dẫn đầu chiếc xe trượt tuyết nhờ chiếc mũi đỏ của mình. Thông điệp của Rudolph – rằng nếu được trao cơ hội, nợ đời có thể biến thành vật báu – đã được chứng minh là phổ biến.

Montgomery Ward đã bán được gần hai triệu rưỡi bản truyện vào năm 1939. Khi được tái bản vào năm 1946, cuốn sách đã bán được hơn ba triệu rưỡi bản. Vài năm sau, một trong những người bạn của May, Johnny Marks, đã viết một bài hát ngắn dựa trên câu chuyện của Rudolph (1949). Bài hát được ghi âm bởi Gene Autry và bán được hơn hai triệu bản. Kể từ đó, câu chuyện đã được dịch ra 25 thứ tiếng và dựng thành phim truyền hình, do Burl Ives thuyết minh, thu hút khán giả hàng năm kể từ năm 1964.

Cụt Đuôi dịch

Bài gốc: https://www.history.com/topics/christmas/santa-claus

Đừng quên rằng tại Book Hunter cũng đang có tác phẩm tiểu thuyết của nhân vật quen thuộc này – “Nicholas St. North và Trận chiến với Vua Ác Mộng” thuộc Toàn Tập Sách tranh và Tiểu thuyết NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ (William Joyce):

“Vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce: Bộ truyện thiếu nhi dẫn đường tìm đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta

Ngay từ lần đầu tôi xem bộ phim hoạt hình “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, tôi đã lập tức yêu từng nhân vật trong đó: Jack Frost với lòng trắc ẩn và dũng cảm, thỏ Phục Sinh thẳng thắn và hoạt bát, Tiên Răng đáng yêu và ngây thơ, Ông già Noel hay Nicholas StNorth thông thái, Sandman - Thần Mộng Mơ quyền năng và hóm hỉnh… Khung cảnh đẹp lung linh của ánh trăng chiếu xuyên qua lớp tuyết trắng vừa kỳ

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (8): Nicholas St North – Các vị thánh đều mang tội lỗi, và kẻ tội đồ cũng có tương lai

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Nicholas St North xuất hiện trong “Những vệ thần của tuổi thơ” với một sắc thái rất khác so với những hình ảnh ta đã biết trong huyền thoại về Ông già Noel. North không phải vị thánh Nicholas huyền nhiệm với các kỳ tích cứu rỗi bằng sức mạnh thần thánh, cũng không phải ông già bụng phệ vui vẻ.

Sự thật về Giáng Sinh – sự chuyển đổi của niềm tin tôn giáo

Giáng sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 vừa là một ngày lễ tôn giáo thiêng liêng vừa là một hiện tượng văn hóa và thương mại trên toàn thế giới. Trong hai thiên niên kỷ, mọi người trên khắp thế giới đã cử hành nó với các truyền thống và nghi lễ mang bản chất vừa tôn giáo vừa thế tục. Những người theo đạo Cơ đốc tổ chức Giáng sinh là kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus của Nazareth, một

Cụt Đuôi

09/12/2022

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce (5): Thần Mộng Mơ (Sandman) – Chiến thắng cái ác là chiến thắng ác niệm của chính mình

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Cùng với Người Cung Trăng và Jack Frost, Thần Mộng Mơ - Sandman là những gì đẹp đẽ còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng. Nếu thế giới của Người Cung Trăng tràn ngập sắc màu rực rỡ, của Jack Frost xanh một màu băng tuyết, thì Thần Mộng Mơ lấp lánh ánh vàng rực rỡ, và nếu xét về tính
Xem

“Sự Trỗi Dậy Của Các Vệ Thần” – Hay Sự Chiến Thắng Của Niềm Vui?

Phim hoạt hình từ rất lâu đã không chỉ là sản phẩm giải trí cho trẻ em mà trở thành một hình thức sáng tạo mà bằng cách mượn góc nhìn của trẻ thơ để lý giải về thế giới con người. Đây là phương thức đã được những nhà văn giả tưởng như Lewis Caroll, C.S Lewis sử dụng. Nhiều bộ phim hoạt hình cũng như các tác phẩm giả tưởng ấy đã tạo ra một thực tại mô phỏng thế giới hiện hữu
le-nam

Lê Nam

24/12/2019