Home Chuyên đề tháng Cảm thức tâm linh trong “Những vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce (6): Thỏ Phục Sinh, phù thủy Ombric và Tu sĩ Mặt Trăng – từ ẩn tu đến triết gia khắc kỷ

Cảm thức tâm linh trong “Những vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce (6): Thỏ Phục Sinh, phù thủy Ombric và Tu sĩ Mặt Trăng – từ ẩn tu đến triết gia khắc kỷ

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter

Xã hội loài người phân cực thành hai thế giới tri thức, một thế giới tri thức của thực chứng, một thế giới của chiêm nghiệm. Thế giới chiêm nghiệm ngự trị thực tại loài người khi các công cụ quan sát chưa phát triển, và bằng nhiều cách, những con người khao khát nhận thức chân diện của thế giới vẫn tìm cách để đạt được sự thấu triệt. Những con người ấy được gọi là bậc hiền minh, bậc thầy, chân sư… hoặc bất cứ khái niệm nào có cùng ý nghĩa. Khước từ đời sống thế tục, các bậc hiền minh thường chọn lối sống quy ẩn, không phải để trốn chạy, mà để không bị tạp nhiễm bởi những suy nghĩ tối tăm được nảy sinh trong đời sống của con người, giữ cho tâm trí sáng suốt để thấu rõ bản chất của mọi sự. Đời sống thường nhật của các bậc hiền minh là một bí ẩn lớn đối với con người thế tục, bởi người ta không thể hiểu một ai đó có thể sống trong cô độc, không bận tâm đến sinh lão bệnh tử, chẳng tranh chấp quyền lợi, và liên tục chìm đắm vào những hiểu biết dường như chẳng có chút hữu ích nào. Và toàn bộ đời sống dị thường của các bậc hiền minh cổ xưa đó được biểu trưng qua các thực thể huyền bí như Thỏ Phục Sinh, Phù Thủy Ombric và các Tu Sĩ Mặt Trăng, mà với mỗi biểu tượng là đại diện cho một mô hình đeo đuổi trí tuệ cổ xưa.

Những bậc hiền minh bảo vệ đời sống thế tục

Phù thủy Ombric được tạo hình với bộ râu dài bạc trắng, đội mũ trùm chóp nhọn, gợi cho chúng ta nhớ đến phù thủy Gandalf trong “Chúa tể những chiếc nhẫn” hay phù thủy Dumbledore trong “Harry Potter”. Các hình mẫu phù thủy này được xây dựng từ nguyên mẫu hiền minh huyền thoại đầu tiên của văn hóa Celtic: phù thủy Merlin. Phù thủy Merlin thường được nhận diện như một bậc thầy huyền bí, nắm vững các bí thuật và quy luật của vạn vật, nhưng không hoàn toàn ẩn mình, mà luôn ở bên cạnh những con người quả cảm dám vượt quá số phận hướng tới điều tốt đẹp như vua Athur. Ombric là một vị phù thủy có sứ mệnh như vậy. Nhưng nếu Merlin chỉ dẫn cho một chàng thiếu niên trở thành vị vua hào hiệp thì Ombric là người chỉ dẫn của toàn bộ những dân làng thiện lương xứ Santoff Clausen để bảo vệ cuộc sống an bình. Trong quá trình chỉ dẫn ấy, Ombric thuần hóa cả những con người sa cơ lầm lạc như Nicholas St.North, hướng anh tới sứ mệnh cao cả hơn. Dù không phải đấng toàn giác thấu hiểu mọi bí ẩn của vũ trụ, nhưng các phù thủy như Ombric, hay Merlin, Gandalf, Dumbledore…hiểu con người và có tình thương cũng như sự tin tưởng vào mục đích hướng tới điều tốt của con người.

Trong năm cuốn tiểu thuyết “Những vệ thần của tuổi thơ”, William Joyce khắc họa quá trình biến chuyển tâm thức của Ombric từ phù thủy cổ xưa còn sót lại của thời đại Atlantis thành Cha Thời Gian. Nếu Người Cung Trăng có một Kỷ Nguyên Vàng để tưởng nhớ và tin tưởng, thì Ombric cũng lưu giữ một kỷ nguyên vàng trên Trái Đất – Atlantis. Trong tâm thức của văn minh phương Tây, Atlantis là biểu tượng cho một xã hội lý tưởng, nơi tri thức huyền bí ngự trị và loài người đạt được thịnh vượng tột bậc. Nhưng Atlantis đã biến mất trên Trái Đất bởi bóng tối, cũng giống như Kỷ Nguyên Vàng của Người Cung Trăng. Kinh nghiệm về sự sụp đổ của Atlantis giúp Ombric luôn biết rõ điều mình phải đối mặt là gì: không phải Pitch Black mà là bóng tối. Chính Ombric là người đầu tiên khám phá ra rằng Pitch cũng chỉ là nạn nhân của bóng tối và bị chính bóng tối chiếm hữu. Nếu Người Cung Trăng là một biểu tượng cao vời để tin tưởng thì Ombric là lời nhắc nhở luôn hiện diện trong suốt cuộc chiến của các vệ thần, như một người Cha hiền từ. Và như mọi người Cha yêu thương, ông luôn dõi theo, ở bên, chờ đợi những đứa con ngây thơ bước vào cuộc đời, lầm lạc vấp ngã và khuyến khích chúng đứng dậy vững bước. Tất cả những gì ông có chính là Thời Gian, bởi chỉ có Thời Gian mới chứng kiến vạn sự biến thiên với sự kiên nhẫn vô hạn. Thời Gian hóa ra không phá hủy mọi điều tốt đẹp cũng không xoa dịu mọi nỗi đau như chúng ta vẫn tưởng, mà luôn theo sát và chứng kiến. Trên con đường trở thành Cha Thời Gian, Ombric cũng có lúc nông nổi mất kiên nhẫn, muốn tìm cách can thiệp vào kết quả, nhưng rồi, chính ông nhận ra rằng vũ trụ tự có bí ẩn riêng và ông tôn trọng trật tự ấy, còn việc của ông chính là chỉ dẫn cho con người biết cách tin tưởng trật tự vũ trụ và hành động điều đúng đắn. Bởi thế, bài học đầu tiên ông dạy những đứa trẻ làng Santoff Clausen đó là “Sức mạnh thật sự của phép thuật nằm ở niềm tin” và cũng là điều quan trọng nhất trong toàn bộ chuỗi hành động của ông.

Cùng mô hình với phù thủy Ombric, các Tu sĩ Mặt Trăng trên đỉnh Himalaya là một biến thể khác. Nếu phù thủy Ombric là một cá nhân đơn lẻ, thì các Tu sĩ Mặt Trăng là một tập thể đại diện cho sự tôn trọng trật tự và những điều huyền bí của vũ trụ. Các Tu sĩ Mặt Trăng dễ dàng gợi chúng ta nhớ tớ các vị tu sĩ Bà La Môn hay tu sĩ Tây Tạng hay các thầy tu ở tu viện đá cheo leo Meteora. Không gần gũi những người dân thường như Ombric, các Tu sĩ Mặt Trăng sống tách biệt, nghiêm cẩn, không phải để đưa ra lời chỉ dẫn, mà để thực hiện các nghi lễ thiêng trong trạng thái thiền định. Nếu những lời chỉ dẫn luôn hữu ích với con người trong đời sống thì nghi lễ là sự kiến tạo một không gian để đưa mỗi thực thể tham gia vào đều bước ra khỏi tính thường nhật để chìm sâu trong trạng thái tinh thần hướng thượng. Bởi thế một nghi lễ có thể triệu hồi những thực thể mang đến điều tốt đẹp, cũng có thể biến chuyển sâu sắc bên trong một cá nhân, có thể tích tụ hoặc phát tán những năng lượng mang lại sự sống. Tu sĩ Mặt Trăng giữ mình thanh sạch, đồng nhất, hài hòa không chỉ với nhau mà với cấp độ tinh thần cao nhất, loại bỏ mọi tính cá nhân, để mang đến những nghi lễ thiêng không phải chỉ cho loài người mà cho toàn vũ trụ.

Thỏ Phục Sinh – Triết gia khắc kỷ

Khác hoàn toàn với phù thủy Ombric và các Tu sĩ Mặt Trăng, Thỏ Phục Sinh Bunnymund là một thực thể thần linh bí ẩn không lộ diện và luôn cô độc – một vị ẩn tu đích thực, đến mức gần như con người và các thực thể khác trong vũ trụ không hề biết đến. William Joyce khắc họa một Thỏ Phục Sinh trong “Những vệ thần của tuổi thơ” rất khác so với Thỏ Phục Sinh trong tâm thức dân gian phương Tây.

Phục Sinh là một nghi lễ mang tính biểu tượng thời gian. Chúng ta thường biết đến khái niệm Phục Sinh qua sự tái sinh của Jesus trong truyền thống Kito giáo, tuy nhiên có thuyết cho rằng, Phục Sinh có nguồn gốc gần gũi với các nghi lễ mùa màng tại Châu Âu. Khái niệm “Easter” (Lễ Phục Sinh) bắt nguồn từ “Ostern” trong tiếng Đức, có liên quan tới nữ thần Eostrae – nữ thần của mùa xuân và sinh sản trong văn hóa dân gian Anglo Saxon. Trên thực tế, Phục Sinh là một nghi lễ mùa xuân quan trọng trong văn hóa Châu Âu, đánh dấu sự sống trở về và ngự trị, thay cho chết chóc của mùa đông. Trước khi tồn tại nghi lễ Phục Sinh của Kito giáo, các tín ngưỡng thờ Persephone, thờ Dionysus, tôn giáo La Mã cổ và các tín ngưỡng khác quanh khu vực Địa Trung Hải đều có nghi lễ Phục Sinh đón chào mùa xuân và cầu mong vụ mùa bội thu. Đó là lý do mọi lễ Phục Sinh, ngay cả lễ Phục Sinh của Kito giáo diễn ra vào mùa xuân. Vào thời cổ đại, những người Kito giáo thường đặt thịt cừu dưới bàn thờ, ban phép lành cho món thịt và ăn vào Lễ Phục Sinh. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ 12, bữa ăn Phục Sinh đã được thay đổi theo hướng Lễ Chay với các món bao gồm trứng, jambon, phô mai, bánh mì và đồ ngọt. Việc sử dụng những quả trứng Phục Sinh được sơn và trang trí lần đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ 13. Trước Lễ Phục Sinh, trong Tuần Thánh, Nhà Thờ Kito giáo quy định các tín đồ không được ăn trứng, dù vậy, những con gà vẫn tiếp tục đẻ trứng. Do đó, việc trang trí trứng là một cách để đánh dấu xác định rằng đó là những quả trứng của “Tuần Thánh”, và các quả trứng này trở thành biểu tượng của Phục Sinh. Bởi quả trứng là biểu tượng cho ngôi mộ, từ đó sự sống mới xuất hiện. Phong tục liên quan đến thỏ phát sinh ở khu vực theo đạo Tin Lành vào thế kỷ 17, nhưng đến thế kỷ 19 mới phổ biến, đặc biệt ở châu Mỹ. Người Tin Lành ở châu Mỹ tin rằng chính Thỏ Phục Sinh đã tạo ra những quả trứng, trang trí và giấu chúng, đặc biệt để lại cho trẻ em những giỏ đồ chơi và bánh kẹo vào buổi sáng lễ Phục Sinh, cũng giống như ông già Noel để lại các món quà trong lễ giáng sinh.

Thỏ Phục Sinh Bunnymund của William Joyce được phát triển dựa trên niềm tin của người Tin Lành tại châu Mỹ, nhưng vượt qua sự định hình của Kito giáo. Ngài Thỏ của Joyce được miểu tả như một thực thể toàn năng, người thỏ cuối cùng còn sót lại của tộc thỏ chiến binh Pooka. Ông tạo hình cổng vào thế giới Thỏ Phục Sinh bằng những bức tượng đầu thỏ khổng lồ, giống như tượng đầu người Moai tại Đảo Phục Sinh – Chile, tượng trưng cho sự tưởng nhớ các Pooka đã quá cố. Pooka, theo lời kể của các Tu sĩ Mặt Trăng, là những thực thể có “kiến thức rộng lớn” (đôi tai thính nhạy mang tính biểu tượng cho sự hiểu biết), “thích ẩn dật” (những con thỏ thường thích đào hang). Gắn liền thế giới Pooka với thế giới các di tích phong cách thổ dân Nam Mỹ là một ý tưởng liên văn hóa tuyệt với. Biểu tượng Thỏ Phục Sinh phổ biến trong các cộng đồng dân cư Tin Lành, và Đạo Tin Lành có quan điểm cởi mở về Thiên Chúa đồng thời chấp nhận tích hợp Thiên Chúa của Kito giáo cùng các khái niệm Thượng Đế ở nhiều khu vực khác nhau. Nhãn quan Tin Lành cho rằng Thượng Đế ngự trị muôn nơi và biểu hiện theo các hình hài khác nhau, thậm chí là người da đỏ, người da đen, mana và có thể là những Người Thỏ Pooka. Khái niệm “Phục Sinh” được gắn với ý tưởng về Đảo Phục Sinh, nơi những bí ẩn về năng lượng mana được chôn giấu và phục sinh qua những người tưởng nhớ. Sự phục sinh về bản chất, chính là biểu hiện của những cái vô hình thành những thứ hữu hình, những cái lẩn khuất hiển hiện, những gì đã bị lãng quên được nhớ lại, những điều vốn chỉ là ý niệm hay ký ức giờ trở thành thực tế.

Thỏ Phục Sinh không phải là một tạo vật của Trái Đất, mà là Đấng Sáng tạo tồn tại vượt qua không thời gian. Thỏ Phục Sinh sống ẩn dật trong lòng Trái Đất, thích trứng và socola, nhưng mọi sáng tạo chỉ dành cho riêng mình. Những binh đoàn trứng hùng mạnh, những hương vị socola tuyệt vời, tất cả đều được tạo ra nhưng không được dùng đến, dù vậy, Thỏ Phục Sinh vẫn miệt mài sáng tạo. Nhưng trứng và socola không phải là tất cả những gì Ngài Thỏ sáng tạo nên. Tạo tác mà ngài tâm đắc nhất chính là Trái Đất. Joyce đã dành những lời kể thật ngộ nghĩnh nhưng sâu sắc để nói về sự sáng tạo Trái Đất:

“Trên một bức tường, North và Katherinethấy một bức tranh về một hành tinh xanh lam và xanh lá quen thuộc, chỉ có điều nó có hình quả trứng,chứ không phải hình tròn. “Đó có phải là Trái đất không?” Katherine hỏi. Thỏ Phục Sinh nhìn ngắm hình ảnh một cách tôn kính. “Đúng vậy, nhiều tỷ năm trước,”ngài trả lời. “Vào thời điểm đó, nó có hình quả trứng. Thật không may, hình bầu dục có quỹ đạo không ổn định. Nếu không được kiểm soát, hành tinh này sẽ xoáy ngày càng gần mặt trời hơn và cuối cùng sẽ bị nấu chín như một quả trứng luộc”. Katherine nhìn chằm chằm vào bức ảnh.“Nhưng… Làm thế nào mànó trở nên tròn?”“Ồ, ta đã sửa nó – đắp ở đây, gọt ở kia,”Pooka nói với vẻ hiển nhiên không cảm xúc.“Thật sự rất buồn. Hình bầu dục là một hình dạng thú vị như vậy kia mà. Và hình tròn ư? Thật tầm thường, phổ biến,tẻ nhạt.” Sau đó, ngài thở dài sâu sắc như thể cứu rỗi hành tinh là một việc vặt quá ư phiền nhiễu. “Ta đã sử dụng phần đất dưthừa để tạo thêm một vài lục địa.Châu Úc là tác phẩm đẹp nhất của ta, ta nghĩ vậy,” ngài nói. “Ta giỏi đào bới ra phết.”Katherine chớp mắt. “Ngài đã tạo ra Châu Úc cơ à?”“Ngay sau khi ta hoàn thành dãy Himalaya,” ngài trả lời. Râu của ngài ta lại co giật. “Nhưng nói chuyện địa lý thế đủ rồi; Ta có rất nhiều, rất nhiều trứng để cho mọi người xem.”Ngài xoay một chân sau và nghiêng người về phía Katherine. “Quả trứng là hình dạng hoàn hảo nhất trong vũ trụ, cô có đồng ý không?”.”

Một bạn nhỏ khi đọc đoạn này chắc hẳn sẽ bật cười thích thú, người lớn yêu thích tính thực tế sẽ nghĩ đây là trí tưởng tượng ngớ ngẩn, nhưng với những ai đã hình thành tư duy siêu hình chắc hẳn sẽ giật mình. Thỏ Phục Sinh là đại diện cho tạo hóa, biến mọi tiềm năng thành thực tế theo những cách rất bí ẩn. Sự sáng tạo không phải lúc nào cũng “tròn trịa”, và Trái Đất có hình quả trứng chứ không phải hình cầu như hiện nay. Hình quả trứng là đại diện cho những thứ trong tiềm năng chưa thành thực tế, và một khi chưa thành thực tế thì vạn vật chưa thực sự sống. Vậy là tạo hóa, ngài Thỏ Phục Sinh, vị Pooka vĩ đại còn sót lại, đã lựa chọn sự sống cho tác phẩm của mình thay vì khiên cưỡng ép tác phẩm ấy theo ý muốn của mình. Và rồi, tác phẩm Trái Đất có cách riêng để cân bằng quỹ đạo của mình, tức có đời sống riêng, đấng tạo hóa cũng cần nương vào đời sống ấy để tạo tác tốt nhất. Tác phẩm tự hình thành một quy luật của riêng nó, mà chính chủ thế sáng tạo tạo tác vạn vật không xa rời mục đích sống của chính tác phẩm ấy. Tác phẩm khi thoát thai khỏi ý tưởng của người sáng tạo và có hình hài riêng đã hình thành nên một mối quan hệ phức tạp giữa tác phẩm và người sáng tạo: một phần người sáng tạo không hài lòng với tác phẩm, một phần vẫn tâm đắc với tuyệt tác hiếm hoi mình đã tạo ra, từ đó kích thích người sáng tạo luôn tìm cách cải thiện theo nhiều cách khác nhau và học cách để tác phẩm tự sửa chính nó bằng việc trao quyền cho những người Trái Đất – thành tố của tác phẩm – tạo tác theo ý tưởng của đấng tạo hóa. Và chính bởi thế, người sáng tạo liên tục phát hiện ra những điều mới mẻ của tác phẩm, sẵn sàng làm mọi điều để bảo vệ tác phẩm ấy. Bởi thế, Thỏ Phục Sinh chỉ thực sự hành động khi tác phẩm hoàn hảo của mình bị đe dọa, và đứng dậy cầm vũ khí chiến đấu như người cha bảo vệ người con của chính mình.

Trong Tarot, 21 quân Major đại diện cho 21 trạng thái nhập định của người tu luyện, nếu Ombric chính là lá Magician (Pháp sư), các tu sĩ mặt trăng là lá Hierophant (Giáo hoàng), thì Thỏ Phục Sinh gần gũi với lá Temperance (Cân Bằng). Thỏ Phục Sinh thông qua hành động tạo tác để tạo ra trật tự hài hòa nơi sự sống được nảy sinh. Bởi thế, Joyce để Thỏ Phục Sinh có một trạng thái lý trí hoàn hảo và luôn giữ vẻ điềm tĩnh, bởi sự cân bằng một khi bị phá vỡ thì đó chính là hủy diệt. Thỏ Phục Sinh dù yêu thích những điều có thể làm mình trở nên mất cân bằng, như Trái Đất hình trứng hay viên kẹo socola, nhưng sau cùng, Ngài Thỏ chọn tiết chế bản thân để bảo toàn sự sống của nhân loại, dù ngài chẳng hề ưa nhân loại. Ta dễ dàng thấy Ngài Thỏ ở hình bóng của các triết gia trường phái Ẩn Nhẫn hay còn gọi là Khắc Kỷ (Stoicism), và để ẩn nhẫn, người ta không thể khiên cưỡng. Sự ẩn nhẫn đích thực chỉ đến với những ai từng tạo tác nên điều gì đó tốt đẹp, dù ở quy mô nào, đến mức không muốn bị phá hủy.

Hà Thủy Nguyên

> Tìm hiểu toàn tập NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ của William Joyce:

3 cuốn sách tranhNhững vệ thần của tuổi thơ – combo 3 cuốn – Book Hunter Lyceum

5 cuốn tiểu thuyết: Bộ Tiểu Thuyết – Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ – Book Hunter Lyceum

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (2): Biểu tượng Vệ Thần, sự kết hợp của đấng Messiah và bậc giác ngộ

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives - Book Hunter Mỗi lần nghĩ về bộ phim “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, tôi vẫn còn nhớ mãi khoảnh khắc Jack Frost đứng tuyên thệ trên mặt băng lấp lánh dưới ánh trăng sáng vằng vặc, trong vòng tay của các vệ thần hân hoan. Jack Frost đã trải qua những thăng trầm cảm xúc và tìm được tự tính

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (8): Nicholas St North – Các vị thánh đều mang tội lỗi, và kẻ tội đồ cũng có tương lai

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Nicholas St North xuất hiện trong “Những vệ thần của tuổi thơ” với một sắc thái rất khác so với những hình ảnh ta đã biết trong huyền thoại về Ông già Noel. North không phải vị thánh Nicholas huyền nhiệm với các kỳ tích cứu rỗi bằng sức mạnh thần thánh, cũng không phải ông già bụng phệ vui vẻ.

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (4): Jack Frost – Từ linh hồn của mùa đông đến hiện thân của mọi phẩm hạnh vệ thần

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Ngay khi bộ phim “Sự trỗi dậy của các vệ thần” được công chiếu, Jack Frost đã ngay lập tức chinh phục các khán giả trẻ khắp năm châu, bất kể doanh thu của bộ phim không cứu vãn được chi phí khổng lồ đã được William Joyce và hãng phim Dreamworks đầu tư để có một tác phẩm hoạt hình

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce (5): Thần Mộng Mơ (Sandman) – Chiến thắng cái ác là chiến thắng ác niệm của chính mình

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Cùng với Người Cung Trăng và Jack Frost, Thần Mộng Mơ - Sandman là những gì đẹp đẽ còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng. Nếu thế giới của Người Cung Trăng tràn ngập sắc màu rực rỡ, của Jack Frost xanh một màu băng tuyết, thì Thần Mộng Mơ lấp lánh ánh vàng rực rỡ, và nếu xét về tính

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần của tuổi thơ của William Joyce (3): Kỷ ức về Kỷ Nguyên Vàng và ánh sáng của Người Cung Trăng

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Mặt Trăng đóng vai trò rất quan trọng trong tâm thức của William Joyce. Công ty sáng tạo của ông được đặt tên là Moonbot Studio, và thế giới đẹp đẽ nhất mà ông tạo ra cũng tràn ngập biểu tượng của mặt trăng. Thậm chí, trong cuốn truyện khác của mình - "Người Lá & những chú bọ dũng cảm