Home Đọc William Joyce và ảnh hưởng của ông trong đời sống tinh thần của trẻ thơ trong thế kỷ 21

William Joyce và ảnh hưởng của ông trong đời sống tinh thần của trẻ thơ trong thế kỷ 21

Ngày nhỏ, khi được bao bọc trong tâm thức hồn nhiên và sống động của tuổi thơ, tôi đã hỏi mẹ tôi một câu hỏi – câu hỏi mà tôi cho rằng đó là một trong những điều thật sự quan trọng trong đời:

“Có thần tiên không hở mẹ?”

Và mẹ tôi đáp: “Có”.

Từ đó tôi vẫn luôn tin rằng, sự kì diệu là tràn đầy khắp mọi nơi, ẩn sau mỗi rặng cây, bông hoa, hạt mưa rơi, mỗi buổi sớm mai hay chiều muộn đều có vẻ huy hoàng trong bàn tay chăm nom của những thần tiên. Nơi sâu trong tiềm thức mỗi tâm hồn luôn hướng về – xứ sở tinh tươm trong trẻo ấy, nơi những lời ca vẫn luôn vang rọi.

Và những tâm hồn đã chu du, dũng cảm trải mình nơi xứ sở thần tiên ấy, kể lại cho chúng ta nghe với tất cả tấm lòng thì thật gần gũi với trẻ thơ, thấu hiểu những ước mơ trong trẻo của chúng và luôn ra sức giữ gìn kho báu ấy trong sự ngưỡng mộ dào dạt. Tôi thấy một tâm hồn đó ở William Joyce.

William Joyce bên quyển sách do ông viết, tác phẩm Ollie’s Odyssey. (Ảnh/ The Times)

Với vẻ ngoài có phần phốp pháp, khuôn mặt luôn toát lên vẻ rạng rỡ như bất kỳ đứa trẻ nào khi trông thấy một que kem ngon lành, William Joyce mang chiếc kính đen đồ sộ làm điểm nhấn bên dưới vầng trán dài hẳn là chứa đầy trí tưởng tượng ngộ nghĩnh của riêng ông. Sinh ngày 11 tháng 12 năm 1957, William Joyce được biết đến như là một nhà văn, họa sĩ minh họa, và nhà làm phim người Mỹ. Ông đã viết và minh họa trên 50 đầu sách thiếu nhi bao gồm Rolie Polie Olie, Người lá và những chú bọ tốt bụng dũng cảm, Một ngày bên Wilbur Robinson, v.v… và đặc biệt là series đồ sộ Những Vệ thần của Tuổi thơ với ba cuốn sách tranh và năm cuốn tiểu thuyết. Dù được biết đến với nhiều giải thưởng giá trị và hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực với các danh hiệu khác nhau, tôi vẫn thích khiêm tốn và gần gũi gọi ông với biệt danh “ông già trẻ thơ”.

Trọn bộ những tác phẩm của William Joyce do Book Hunter tổ chức dịch và xuất bản.

 

Thế kỷ 21 chứng kiến nhiều sự nở rộ của những tên tuổi lỗi lạc trong làng văn học thế giới. Triết học và huyền học lại một lần nữa được quan tâm hơn bao giờ hết – những trò chơi tưởng như chỉ dành riêng cho người lớn. Nhưng thật thú vị khi thử thay đổi lăng kính một chút, mở rộng tầm nhìn để thấy rằng trong thế giới của con trẻ luôn tồn tại những triết lý và bí ẩn đáng kinh ngạc, mà người lớn chúng ta, đôi khi có may mắn gìn giữ được sự trong trẻo đó để diễn lại qua ngôn ngữ, hình ảnh, sáng tạo và pha trộn, chơi đùa và biến hóa chúng với tính hồn nhiên duy nhất, những người lớn may mắn đó  tôi gọi là những “ông già, bà già trẻ thơ”, mà William Joyce là một hiện diện mà thế kỷ 21 có cơ hội biết đến. Và tôi tự hỏi, những tâm hồn như ông, đã có sức ảnh hưởng như thế nào lên tinh thần con trẻ?

(Bạn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về tiểu sử, các giải thưởng lớn mà William Joyce đã đạt được trong sự nghiệp của mình, do đó tôi xin mạn phép không đề cập đến các thông tin đó trong bài viết này, điều tôi cho là quan trọng hơn cả là tìm tòi lời đáp cho câu hỏi vừa được nêu trên).

Chúng ta hãy đọc những dòng sau, hoặc thì thầm hoặc phấn khích vang vọng, tùy ý:

 

“Tôi sẽ trông nom trẻ em trên Trái đất.

Giữ chúng an toàn, tránh xa bao điều nguy hiểm.

Giữ cho trái tim của chúng được hạnh phúc, tinh thần luôn dũng cảm, và đôi má luôn hồng hào.

Tôi sẽ bảo vệ ước mơ và hy vọng của chúng bằng tính mạng của mình.

Vì chúng là tất cả những gì tôi có, tôi là.

Và tất cả những gì tôi sẽ là.”

(Tranh minh họa của William Joyce cho tác phẩm sách tranh “Người Cung Trăng”)

 

 

LÀ NGƯỜI BẠN LỚN

          William Joyce tại trường tiểu học Sidney Lanier (Ảnh/ The Dallas Morning News)

Khi bạn hỏi bất kỳ đứa trẻ nào về niềm vui thích của chúng, câu trả lời sẽ là kem hoặc những người bạn. Để trở thành một người bạn đúng nghĩa trong mắt trẻ, bạn chẳng cần gì nhiều ngoài sự can đảm dám sống trong thế giới của chúng, nhưng chẳng mấy ai còn giữ được sự can đảm hồn nhiên đó ngoài những “ông già, bà già trẻ thơ”. Tôi gọi họ với các tính từ “dũng cảm”, “can đảm hồn nhiên” là bởi chính điều này cần viện tới sự trung thực và chân thành, sống với tự tính vốn có và dám bộc lộ sự sáng tạo, họ không che giấu tiếng cười hay khoác lên đó sự nghiêm nghị thường trực để làm ra vẻ “người lớn”.

Là một người bạn trẻ thơ cũng đồng nghĩa có tính thoải mái vui đùa, chúng ta thấy điều đó qua các tác phẩm của William Joyce, trong các nhân vật với những tên gọi ngộ nghĩnh thế, như Toothiana (Tiên Răng), The Man in the Moon (Người Cung Trăng) v.v…Và ta cũng có “Thần Mộng Mơ” – vệ thần “đi khắp muôn nơi, dù trời mịt mùng hay trong trẻo, để gửi Bụi Mơ tới các em bé trên Trái đất” (trích bộ sách “The Guardians of Childhood” – Những Vệ thần của Tuổi thơ, Hồ An Nhiên dịch).

Những Vệ thần của Tuổi thơ do William Joyce vẽ minh họa

Chỉ đơn thuần hiện diện như một người bạn, dám hiểu và dám chơi cùng con trẻ, họ – những “ông già, bà già trẻ thơ” đã rót lên tâm hồn chúng niềm vui thích bất tận và góp vào sứ mệnh hằng nuôi dưỡng tinh thần trong trẻo – kho báu quý giá nhất của nhân loại.

 

LÀ NGƯỜI ƯƠM MẦM

(Ảnh/ the coffee and a book chick)

Dạo quanh những dãy sách được đánh dấu “Sách thiếu nhi”, không khó để cảm nhận ở đó một bầu không khí mới mẻ và thú vị rất riêng, ở đó tiếng cười là rộn rã, ánh mắt là đầy phấn khích và ánh lên niềm vui có tính lây lan khi đứa trẻ tìm thấy quyển sách yêu thích của riêng chúng. Những tác giả đã tạo nên câu chuyện, trường năng lượng đó, góp công nuôi dưỡng nó thực thụ là những người ươm mầm – những hạt mầm của tính sáng tạo cốt lõi cần được khai phá trong thế kỷ này.

Mỗi đứa trẻ là một hạt mầm đầy tiềm năng và thật may mắn khi chúng ta vẫn còn những tâm hồn miệt mài lao động hướng về trẻ thơ, phục vụ chúng và gửi gắm đến chúng những ước vọng kỳ vĩ, giàu có của thế giới. Không giáo điều, không đặt trên vai chúng bất kỳ tiêu chuẩn nào để trở thành, chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện hàm chứa yêu thương và có sức nuôi dưỡng.

WILLIAM JOYCE - Vị Vệ thần đích thực của tuổi thơ

Trong quyển sách The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore, William Joyce kể câu chuyện về nhân vật có tên là ngài Morris Lessmore – một nhà văn trầm lặng đã chịu nhiều mất mát trong cuộc sống, nhưng phúc lành thay cho tâm hồn ngài khi được cứu rỗi bởi căn phòng kỳ diệu nơi có những quyển sách biết bay mà ông đã dành cả đời để chăm sóc. Hóm hỉnh và hàm súc nhiều thông điệp, mỗi tác phẩm mà “ông già trẻ thơ” gửi gắm đều chứa trong đó những câu chuyện tuyệt đẹp, lấp lánh ánh sáng của tình yêu, niềm hy vọng sống mà mỗi đứa trẻ sẽ hấp thu, ghi nhớ và khám phá ra trong mỗi ngóc ngách của cuộc sống. Đâu đó trên chặng đường lớn lên, khi chúng bắt gặp những điều kỳ diệu, hoặc khi buồn bã và chợt nhớ đến sức sống mãnh liệt vẫn luôn ngầm chảy trong tinh thần qua những câu chuyện tuổi thơ, thì một lần nữa, nghị lực sống và sáng tạo lại được tiếp thêm sức mạnh để cháy sáng và lan tỏa. Câu chuyện này đã được chuyển thể thành một bộ phim hoạt hình ngắn và mang về cho William Joyce một tượng vàng Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất.

Hạt mầm ẩn mình trong đất, tiềm năng của chúng là phá đất để bộc lộ mình, nở hoa và kết trái. Những câu chuyện bay bổng, ngợi ca tạo hóa, tình yêu thương con người và vạn vật không chỉ là chất xúc tác mà còn là trường nuôi dưỡng, bảo vệ những hạt mầm được nảy nở trong tính duy nhất của chúng.

 

MỘT TIA HY VỌNG

William Joyce tạo dáng với trẻ em bên cạnh bức tượng trong Công viên Everman dựa trên một cảnh trong cuốn sách năm 1993 của ông, “Santa Calls”. Quyển sách sau đó đã thúc đẩy thành lập Trung tâm quốc gia về Văn học, Minh họa dành cho Thiếu Nhi – National Center for Children’s Illustrated Literature tại Mỹ. (Ảnh/ Ronald W. Erdrich/Reporter-News)

“Này William Joyce, ông đừng lớn nhé!” (Hey, William Joyce, Don’t Ever Grow Up!) Tờ báo Los Angeles Times đã có lời nhắn nhủ như vậy đến “ông già trẻ thơ” cứ như sợ hãi những điều kỳ diệu một lúc nào đó sẽ bay biến mất. Mà thật vậy, thế giới sẽ trở nên tẻ nhạt và đáng chán thế nào nếu vắng đi những tâm hồn còn biết mơ mộng, hy vọng và luôn chan chứa yêu thương. Thật đáng sợ! Không thể tưởng tượng nổi! Những đứa trẻ (và cả người lớn) sẽ hết toáng lên không thôi!

Khi được hỏi nguồn cảm hứng đến từ đâu, William Joyce đã đáp rằng chúng đến tự nhiên tựa như bị ong chích hay sét đánh. Hoặc là kết quả của việc bắt gặp những thứ đẹp đẽ thường ngày, là sự đáp ứng của niềm vui hoặc nỗi buồn trong đời sống . Điều tạo nên sự nổi bật thu hút của ông không chỉ là những câu chuyện thú vị, những bức minh họa tuyệt đẹp mà còn là ở sức hình dung ra những thế giới có – một – không – hai. Trong tác phẩm “A Day with Wilbur Robinson” có ngôi nhà của một nhà phát minh, một con rô bốt, một bộ xe lửa cỡ người thật, một khẩu pháo phóng thức ăn trên bàn và một chú ếch nhái Tarzan. Hoặc những anh hùng trẻ tuổi trong “Santa Calls” bắt đầu cuộc hành trình từ một trang trại ở Abilene, Tex. đến mũi Bắc Cực trên một chiếc ca nô bay, họ gặp gỡ ông già Noel, đối mặt với Nữ Hoàng Bóng Tối và chiến thắng sự kình địch của anh chị em. Những sự điên rồ này như một hiệp ước thân thiện mang tính sống còn, hoặc là cho phép chúng và bạn sẽ thấy sự kỳ diệu sống động mọi lúc mọi nơi, hoặc đơn giản là chấp nhận sự tẻ nhạt (ai lại muốn điều này chứ!).

William Joyce chia sẻ “Hoặc bạn sống và làm điều điên rồ để bạn luôn điên một nửa, hoặc bạn chỉ đơn giản là phát điên hoàn toàn hoặc hoàn toàn bình thường, tôi giống như một đứa trẻ trong cửa hàng kẹo: Ồ, tất cả những thứ xinh đẹp này giờ đã nằm trong tầm tay. Còn trưởng thành là giơ ngón tay thối ra và ở nhà. Nhưng tôi vẫn chưa đến đó. Tôi vẫn là một kẻ sáng tạo chưa bị dậy thì bắt kịp. Nguyên tố sáng tạo của tôi là không kiểm soát được ”. (trả lời phỏng vấn trên báo Los Angeles Times, thực hiện bởi Lisa Broadwater).

William Joyce đã có ảnh hưởng lên tinh thần trẻ thơ trong thế kỷ này như thế nào? Tôi tin rằng những đứa trẻ đã và đang đọc các cuốn sách của ông sẽ bật cười khúc khích và đây sẽ là câu trả lời hoàn hảo. Bạn hiểu ý tôi chứ? Đó là vì sao những đứa trẻ luôn trông tươi mới đến thế, vì sự hỗn loạn, sức sáng tạo của chúng được tôn trọng, được hiểu và chia sẻ. Còn điều gì có thể tuyệt hơn cho chúng, một khi thế giới vẫn còn đó những “ông già, bà già trẻ thơ” như William Joyce để cùng chúng tư lự và ca vang lên những bài ca bất tận về vẻ đẹp của đời sống này!

Tạ Hồng Bảo Châu

> Đọc thêm:

‘VỊ VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ’ – WILLIAM JOYCE, nhà sáng tạo thiên tài của Sự trỗi dậy của các vệ thần, Toy Story, Epic… – Book Hunter

Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter

Xem

Tại sao khán giả Việt không thích “Kong”

Khi quay “Kong” tại Việt Nam, các khán giả Việt không giấu nổi tự hào vì các cảnh đẹp nước mình trở thành một trong các trường quay của Holywood. Thế nhưng, khi phim được công chiếu tại các rạp, không ít các khán giả tỏ ra bực bội về bộ phim. Phản ứng này liệu có phải thái quá trước một bộ phim bom tấn mà đáng lẽ phải nhận được sự trầm trồ của khán giả hay không? Tôi xin phép được đưa

Tô Lông

13/03/2017

SÁCH TIẾNG ANH HỌC THUẬT THÁNG 3 NĂM 2022: BÓNG MA JOHN BALL, NHỮNG TÁC PHẨM KINH ĐIỂN TRONG TRIẾT HỌC NGHỆ THUẬT PHƯƠNG TÂY, BERLIN BỊ ẨN GIẤU…

Một chủ đề hiếm hoi về phòng chống tấn công tình dục cho các bé trai và nam giới. Tôn giáo vẫn là lĩnh vực được ưu ái hơn cả trong tháng này qua hai đầu sách: khoa học về tôn giáo, chữa lành bằng tôn giáo tại các khu bảo tồn Asclepius. Các tác phẩm được chọn lọc về nghệ thuật của Plato, Aristotle, Hutcheson, Hume, Kant,.. cùng xuất hiện trong cùng một tác phẩm? Và, chúng ta thực sự hiểu được gì về
Xem

House of cards (9.1/10 IMDB)- Xem người Mỹ làm phim về chính phủ của họ

*Dưới đây là các luận điểm rút ra từ bộ phim không hoàn toàn là quan điểm của tác giả (Tham khảo lịch sử chính trị Hoa Kỳ qua cuốn sách được xuất bản trong năm 2020 Nước Mỹ chuyện chưa kể tại đây) Giới thiệu House of cards  là một series phim về chính trị được sản xuất bởi BBC vào năm 1990 chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Michael Dobbs. Cho tới năm 2012 bộ phim được sản xuất lại

Sơn A

12/08/2014

Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền (1) : Định nghĩa và các chức năng của Pháp quyền

Đọc toàn bộ chùm bài tại đây: Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền Lê Duy Nam chuyển ngữ Brian Z.Tamanaha, St. John’s University – School of Law Thảo luận giữa các nhà lý thuyết về pháp quyền bị chia rẽ bởi bất đồng xoay quanh định nghĩa của từ pháp quyền, các nguyên tố hoặc những yêu cầu của nó, lợi ích mà nó mang lại cũng như những giới hạn, liệu nó có phải là điều tốt phổ quát, và những câu hỏi phức hợp
le-nam

Lê Nam

06/07/2014

Khổ hạnh và phúc lạc, hay một cuộc vui đạo ở cõi trần của Rumi – nhà thơ Islam vĩ đại nhất

Không giống những bậc tu hành xuất thế hướng đến một cõi vĩnh hằng, các thiền giả thời Trần với đại diện tiêu biểu nhất là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông đều cùng đưa ra diễn ngôn “Cư trần lạc đạo”  tức “Vui đạo ở cõi trần”. Quan niệm nhập thế là di sản độc đáo của Phật giáo thời Trần trong thế kỷ 13, xuất phát từ thân phận của những thiền giả cùng lúc đảm đương hai vị thế: con