Home Đọc Yoga không phải lúc nào cũng là về Asana và Vóc dáng

Yoga không phải lúc nào cũng là về Asana và Vóc dáng

Nhắc đến “yoga” thì có lẽ một loạt các tư thế và asana vặn vẹo ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí bạn. Nhưng thật thú vị, sự liên kết giữa yoga với “thực hành tư thế”, trên thực tế, là cách giải thích của thế kỷ 20 về một nền văn hóa có niên đại hơn 3000 năm. Thiền hay dhyana, từng là khía cạnh quan trọng nhất của các thực hành yoga, đã phát triển thành một ngành công nghiệp toàn cầu song song theo đúng nghĩa của nó. Hiện nay đã xuất hiện hai phạm trù rộng lớn: sự rèn luyện tâm trí, tức là thiền định; và rèn luyện thân thể, tức là yoga dưới nhiều hình thức khác nhau.

Được đóng gói lại thành “hình thức chăm sóc sức khỏe New Age”, nhánh yoga mà mọi người quen thuộc nhất là Hatha yoga, dựa trên asana và pranayama. Hatha nghĩa đen là “mãnh liệt”. Chỉ đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, các tài liệu tham khảo về một phương pháp yoga có tên là “Hatha” mới bắt đầu xuất hiện trong các nguồn văn bản. Trong tác phẩm nổi tiếng Roots of Yoga, hai học giả yoga nổi tiếng Mark Singleton và James Mallion khẳng định rằng một hệ thống chính thức của Hatha yoga xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản Vaishnava thế kỷ 13 là Dattatreyayogasastra.

Tài liệu ban đầu về Yoga: Tâm trí vượt trên cơ thể

Mặc dù Kinh Yoga (Yoga Sutra) của Patanjali (thế kỷ thứ 4 CN) được coi là cơ sở của hệ thống triết học về yoga, tuy nhiên, nó không phải là văn bản sớm nhất về yoga. Các tài liệu tham khảo đầu tiên về các thực hành yoga dễ nhận biết được tìm thấy trong Upanishad và Mahabharata. Graham Burns, một Giảng viên cao cấp tại SOAS và là một giáo viên yoga kỳ cựu, đã viết trong một bài báo về “Thiền định”:

“Các thực hành thiền định, trong đó mục đích theo một cách nào đó là kiểm soát và/hoặc làm dịu hoạt động của tâm trí, vừa là dấu hiệu thực sự của các truyền thống yoga vừa là mối liên kết giữa các tập hợp thực hành đa dạng mà qua nhiều thế kỷ đã đưa ra cái tên “yoga”. Có lẽ việc sử dụng sớm nhất từ “yoga” để chỉ định một hình thức luyện tập xuất phát từ Katha Upanisad, một văn bản rất có thể được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Trong văn bản này, yoga được định nghĩa là “sự kiềm chế ổn đinh” các giác quan và tâm trí, nhằm giải phóng người tập khỏi những phiền nhiễu.”

Bhagavad Gita là một phần chứa đựng toàn bộ bài thuyết giảng về Yoga thông qua lời thần Krishna trong MahaBharata. Bhagavad Gita đã được dịch cùng với bản kinh gốc không bị pha trộn các yếu tố thần thoại.

Đây là cách Mallinson và Singleton dịch phần tham chiếu từ Katha Upanishad: “Khi năm giác quan, cùng với tâm trí, duy trì tĩnh lặng và tâm trí không lao chao, đó được gọi là trạng thái cao nhất. Họ coi yoga là sự kiềm chế ổn định các giác quan. Bấy giờ người ta trở nên không xao lãng, vì yoga là sinh và diệt.”

Rõ ràng là việc thực hành yoga trong thời kỳ Vệ đà mang tính tâm linh cao và tập trung vào tâm trí thay vì cơ thể. Họ chỉ tập trung vào cơ thể nhằm “thanh lọc” để sẵn sàng cho cấp bậc thiền định cao hơn.

Trên thực tế, Swami Vivekananda, người được cho là người đầu tiên giới thiệu khái niệm yoga với thế giới phương Tây thông qua bài phát biểu sôi nổi của mình tại Nghị viện Tôn giáo ở Chicago năm 1893, đã bác bỏ ý tưởng coi asana là đại diện cho toàn bộ các thực hành yoga, xem các asana chỉ là một phương tiện để đạt kết quả cuối cùng. Ông viết trong cuốn sách Raja Yoga của mình: “Chúng ta không liên quan gì đến asana ở đây, bởi vì các thực hành của nó rất khó, không thể học trong ngày một ngày hai, và xét cho cùng, không dẫn đến sự phát triển tâm linh nhiều”. Cũng trong chương đó, ông gọi những tư thế này là “một loạt các bài tập thể chất và tinh thần, [mà] phải được thực hiện hàng ngày, cho đến khi đạt được một số trạng thái cao hơn”.

>> Tìm hiểu thêm về Bhagavad Gita: Bhagavad Gita và văn bản gốc – Book Hunter Lyceum

Tập trung vào thể chất của Yoga

Asana, theo Mallinson, lần đầu tiên được đề cập đến trong Yoga Sutras của Patanjali – đó cũng là cấp bậc thứ ba trong số tám cấp bậc hỗ trợ cần thiết để chinh phục yoga. Nhưng thực tế, bản kinh này không tập trung vào các loại tư thế (mặc dù các tu viện và đền thờ từ lâu đã miêu tả những nhà tu khổ hạnh trong các tư thế yoga trong đền thờ). Asana luôn là một phần của thực hành tantra, nhưng cho đến khoảng sáu thế kỷ trước, vẫn chỉ hoàn toàn bao gồm các tư thế ngồi với mudra (thủ ấn). Ông viết: “Văn bản nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất về hathayoga, là văn bản Hathapradipika thế kỷ 15, mô tả 15 asana, trong đó có 8 tư thế không phải là tư thế ngồi.

Tuy nhiên, mặc dù các asana đứng không phải là một phần của các văn bản yoga, nhưng có đề cập đến việc chúng đã được sử dụng cách đây 2500 năm. Đoàn tùy tùng của Alexander vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên đã tìm thấy 15 người đàn ông đứng ở các tư thế khác nhau dưới ánh mặt trời trong suốt một ngày, và thậm chí Mahabharata cũng đề cập đến những người khổ hạnh sẽ lộn ngược mình (sám hối), đứng bằng một chân hoặc giơ tay trong thời gian dài.

Chỉ sau thế kỷ 11 sau Công nguyên, toàn bộ một loạt asana – bao gồm Shavasana (tư thế xác chết), Tapkara asana (tư thế khổ hạnh), Narakasana, Kapalasana và Viparitakaranasana – đã được ghi lại trong các văn bản Ấn Độ. “Các tư thế đã trở thành một phần của yoga hiện đại nhưng không có tiền lệ ở Ấn Độ được phân loại là asana; ví dụ, trikonasana, tư thế tam giác,” Mallinson viết, và nói thêm, “ban đầu asana đơn giản chỉ là những tư thế ngồi thiền, lặp đi lặp lại các mantra và kiểm soát hơi thở – được dạy thoáng qua – thì khi các văn bản về hathayoga phát triển, asana đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng nhất, phức tạp, đa dạng và được ghi chép đầy đủ.’

Ngoài Hindu giáo: Các tài liệu tham khảo đa văn hóa

Văn bản đầu tiên dạy các thực hành thể chất dưới sự phân loại của Hatha yoga là Dattatreyayogasastra (Những giáo lý kiểu yoga của Dattatreya). Văn bản này cho rằng bất cứ ai cũng có thể tập yoga, bất kể họ theo tôn giáo nào. Theo cuốn Roots of Yoga:

“[Nếu] siêng năng, qua thực hành, mọi người dù già hoặc trẻ hoặc bệnh tật, dần dần đạt được thành tựu trong yoga. Cho dù là Bà la môn, khổ hạnh (sramana), Phật giáo, Jain, kapalika hay carvaka, nhà thông thái có đức tin (sraddha), thì người không ngừng tận tụy thực hành sẽ đạt được thành tựu trọn vẹn. Thành tựu chỉ xảy ra với người thực hành – làm sao nó có thể xảy ra với người không thực hành gì cả?”

Các văn bản mô tả cả thực hành Phật giáo và Jain mô tả nhiều asana khác nhau, cũng đã được mô tả trong nghệ thuật và tác phẩm điêu khắc thời đó. Trong phần giới thiệu tập tài liệu về triển lãm du lịch phong phú “Yoga: Nghệ thuật chuyển hóa” (ghi lại kho tư liệu trực quan về yoga qua các thời đại), biên tập viên Debra Diamond viết:

“Truyền thống bằng hình ảnh… tiết lộ rằng yoga không phải là một cấu trúc thống nhất hay lĩnh vực của bất kỳ tôn giáo đơn lẻ nào, mà là phi tập trung và đa dạng. Trong khi hầu hết các đối tượng xuất hiện ngoài bối cảnh Ấn Độ giáo hoặc mô tả các học viên Hindu giáo, thì các hình ảnh của đạo Jain, đạo Phật, đạo Sikh và đạo Sufi làm sáng tỏ các mô hình chia sẻ giữa các giáo phái…Các đại diện của các bậc thầy được thần thánh hóa, các yogini hung dữ, các chiến sĩ khổ hạnh và các anh hùng lãng mạn là hình ảnh thu nhỏ của tính linh hoạt của bản sắc yoga qua ranh giới “thiêng” và “phàm”.”

Thậm chí đã có những nghiên cứu và tài liệu tham khảo về các tư thế khác nhau được người Hồi giáo thực hiện trong quá trình namaz, tương tự như các tư thế yoga như Balasana (tư thế đứa trẻ).

Yoga dưới thời Mughals

Nhà sử học kiêm tác giả William Dalrymple, trong một bài viết cho The New York Review of Books, đã viết về “một thần đồng khanazad (hay “người sinh ra trong cung điện”) trẻ tuổi theo đạo Hindu tên là Govardhan” vào thế kỷ 17, đã vẽ những bức tranh về những vị thánh nhân đang thực hiện yoga asana hoặc các bài tập nhằm mục đích tập trung tâm trí và đạt được sự giải thoát và siêu việt về tinh thần”.

Rachel Parikh, thành viên giám tuyển của Calderwood tại Calderwood viết về Nghệ thuật Nam Á, trong một bài báo có tên “Yoga dưới thời Mughals”: “Người Mughals, giống như những người tiền nhiệm Hồi giáo của họ, bị mê hoặc bởi yoga và những lợi lạc được truyền bá của nó, từ mục tiêu cuối cùng là đạt được sự giác ngộ cho đến những khả năng thậm chí còn mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như giành được quyền thống trị của các vị thần tối cao”. Các vị vua tin chắc rằng có thể đạt được sức mạnh phi thường thông qua việc thực hành yoga. Các Hoàng đế Akbar, Jahangir và Shah Jahan không chỉ yêu cầu các bản dịch tiếng Ba Tư của các tác phẩm tiếng Phạn về yoga, mà còn cả tài liệu bằng lời nói và hình ảnh về các cuộc gặp gỡ cá nhân của họ với các nhà tu khổ hạnh. Quan trọng nhất, họ kêu gọi nghiên cứu có hệ thống các bài tập yoga, để họ, giống như những vị thánh Hindu, có thể tiếp cận sức mạnh của nó.

Những năng lực siêu nhiên này đã được đề cập đến trong các văn bản như Dattatreyayogasastra, trong đó đề cập đến các năng lực yoga bao gồm khả năng bay, nghe và nhìn qua những khoảng cách rộng lớn, biến mình thành rất nhỏ hoặc rất lớn, kiểm soát tâm trí, v.v.

Từ thời thuộc địa đến kỷ nguyên hiện đại

Như Singleton đã nói trong bài tiểu luận “Trao đổi Xuyên quốc gia và Nguồn gốc của Yoga tư thế Hiện đại”, ý nghĩa chủ yếu của từ “yoga” đã xuất hiện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Đây là kết quả của sự trao đổi các ý tưởng và thực hành xuyên quốc gia phức tạp trong bối cảnh rộng lớn hơn của cái mà chúng ta có thể gọi là “thời kỳ phục hưng yoga”.

Tuy nhiên, khởi đầu của sự trao đổi này có thể được nhìn thấy vào cuối thế kỷ 19, với sự giao thoa giữa các asana yoga và thể thao phương Tây. Vào thời điểm đó, người châu Âu và người Mỹ đang đồng thời tiếp nhận và pha trộn các hình thức yoga mới, vốn được định vị là một môn thực hành “tâm linh”. Cũng trong khoảng thời gian này, những động tác “duỗi cơ thể” này bắt đầu được liên kết với Hindu giáo. Singleton cho rằng hệ tư tưởng này đã được thúc đẩy bởi các thành viên của Brahmo Samaj (trong đó Swami Vivekananda cũng là một thành viên), vì họ cho rằng tầm nhìn này của Hindu giáo “cố gắng thể hiện một tầm nhìn thống nhất về tôn giáo Ấn Độ, nhằm chống lại những tuyên bố của thực dân rằng người theo đạo Hindu là những kẻ lạc hậu” và mê tín trong niềm tin cùng thực hành”.

Thời điểm nổi lên mối quan tâm này đối với các thực hành yoga trùng hợp với sự phát triển và lan rộng của thể thao và thể hình — đang được phát triển như một hệ thống các động tác trị liệu — dẫn đến sự xuất hiện của cụm từ “tâm trí, cơ thể và tinh thần”. Học giả tiếng Phạn Srisa Chandra Vasu, trong bản dịch Gheranda Samhita năm 1895, đã nói rằng các tư thế khác nhau được tìm thấy trong cuốn sách là “các bài tập thể dục, tốt cho sức khỏe nói chung và đem lại sự an tâm”. Ở Ấn Độ, những người như vận động viên thể hình người Đức Eugen Sandow (1867–1925), và yogi kiêm người theo chủ nghĩa dân tộc Sri Aurobindo (1872–1950) đã cố gắng kết hợp các yếu tố của thể hình với các asana yoga.

Sau đó, trong nhiều thập kỷ, những nhân vật như Swami Kuvalayananda, Shri Yogendra và T. Krishnamacharya là những người đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của yoga như một môn văn hóa thể chất trên nền tảng toàn cầu. Yoga sau đó đã trở thành một địa vị được sùng bái nhờ học trò và anh rể của Krishnamacharya là B.K.S Iyengar, người có những bức ảnh đen trắng thể hiện các tư thế vặn vẹo đã trở thành đồng nghĩa với yoga trên toàn thế giới.

Do đó, yoga đã chuyển đổi từ một hoạt động theo đuổi tâm linh thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 80 tỷ đô la. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, nó dự kiến ​​sẽ vượt qua 11 tỷ đô la vào năm 2020, trong khi ở Ấn Độ, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe ước tính sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ Rs (khoảng 22 tỷ đô) vào năm 2020. Hàng tỷ người tập yoga asana trên khắp thế giới, và nó thậm chí đã có một vị thế riêng trên mạng xã hội, với những người tập yoga ở các địa điểm có phong cảnh đẹp và đăng lên Instagram và Facebook.

Một phần sức hấp dẫn của yoga – đối với số đông nói chung – nằm ở quan niệm rằng nó cổ xưa. Như Jeremy David Engels, giáo sư truyền thông tại Đại học bang Pennsylvania, đã viết trong tác phẩm của mình cho “The Conversation”, niềm đam mê với yoga bắt nguồn từ ngụy biện “argumentum ad antiquitatem” – nói rằng điều gì đó tốt đơn giản chỉ vì nó cổ xưa, và bởi vì nó luôn được thực hiện theo cách này”.

Sophia Ngô dịch

Nguồn: The Indian Express.

Tìm hiểu thêm bộ sách YOGA TỪ GÓC NHÌN HIỆN ĐẠI do Sophia Ngo và Hà Thủy Nguyên dịch, Book Hunter xuất bản.

Tìm hiểu và đặt trước tại: Ra mắt & ĐẶT TRƯỚC bộ đôi “Yoga từ góc nhìn hiện đại” – Book Hunter Lyceum

Hệ thống các vị Phật, bồ tát và thần, quỷ trong Phật giáo

I – Giáo đoàn của Thích Ca Mâu Ni và các hệ thống kinh điển Những chứng tích về Thích Ca Mâu Ni Đức Phật Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) hay Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) là cái tên đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt và chúng ta được nghe kể rất nhiều về cuộc đời của ông qua các truyền thuyết Phật giáo được lưu lại trong văn bản kinh sách, thế nhưng, nếu tiếp cận cuộc đời của ông dưới góc

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay

Ban đầu, tôi biết đến Rumi qua các bài giảng của nhà huyền môn thế kỷ 20 đầy mê hoặc – Osho (Rumi có một cái tên rất dài, nhưng tôi chỉ muốn gọi ông đơn giản là Rumi). Osho yêu Rumi, không ít lần Osho thốt lên điều ấy. Tình yêu của Rumi cũng chính là trọng tâm trong những lời giảng về con đường chứng ngộ của Osho. Năm 2016, tôi được đọc bản dịch Rumi đầu tiên được xuất bản ở Việt

Mối liên hệ giữa sự phát triển của Ayurveda và thực hành Yoga tư thế hiện đại

Tổng quan về mối liên hệ Ayurveda - Yoga Các truyền thống thúc đẩy sức khỏe thể chất và giải thoát (mokha) thường diễn ra trong bối cảnh đối thoại. Khi được coi là một công cụ để giải thoát, cơ thể con người cần được duy trì ở một tiêu chuẩn sức khỏe nhất định. Về mặt lịch sử, Yoga và Ayurveda là những truyền thống tri thức riêng biệt và đều có những kỹ thuật để tăng cường sức khỏe. Hai trường phái

Sự chuyển đổi của Hindu giáo, các nguồn gốc của Bhagavad Gita, và Gita không chỉ nói về một chân lý

Hindu giáo đã phát triển qua tám giai đoạn trong lịch sử, trong đó các tư tưởng đã thay đổi linh hoạt. Bhagavad Gita đứng ở đâu trong số tất cả những điều này? Krishna – vị thần mà chúng ta vẫn tổ chức lễ Janmashtami kỷ niệm sự ra đời của ngài hàng năm, được cho là người diễn ngôn của các thông điệp trong Bhagavad Gita. Gita được biết đến cực rộng rãi với cái tên “sách thiêng của người theo đạo Hindu”,

KHÁM PHÁ KHOA HỌC CHO THẤY NIỀM TIN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ SỐNG

“Khoảnh khắc bạn nghi ngờ mình có thể bay, bạn đã mất đi khả năng thực hiện nó” (“Peter Pan” – J.M Barrie) Trong cuốn tiểu thuyết cho thiếu nhi nổi tiếng “Peter Pan”, J.M Barrie đã đề cập đến sức mạnh của niềm tin khi những đứa trẻ sống trong xã hội công nghiệp tin tưởng vào thế giới kỳ diệu. Niềm tin ấy mang lại cho chúng niềm vui, có thể khiến chúng bay bổng trong không gian. Thông điệp của cuốn sách