Home Chuyên đề tháng Sự chuyển đổi của Hindu giáo, các nguồn gốc của Bhagavad Gita, và Gita không chỉ nói về một chân lý

Sự chuyển đổi của Hindu giáo, các nguồn gốc của Bhagavad Gita, và Gita không chỉ nói về một chân lý

Hindu giáo đã phát triển qua tám giai đoạn trong lịch sử, trong đó các tư tưởng đã thay đổi linh hoạt. Bhagavad Gita đứng ở đâu trong số tất cả những điều này?

Krishna – vị thần mà chúng ta vẫn tổ chức lễ Janmashtami kỷ niệm sự ra đời của ngài hàng năm, được cho là người diễn ngôn của các thông điệp trong Bhagavad Gita.

Gita được biết đến cực rộng rãi với cái tên “sách thiêng của người theo đạo Hindu”, nhưng bạn có biết rằng thực sự còn có một số cuốn Gita khác, trong đó Bhagavata Gita được coi là cuốn sách chính bao gồm toàn bộ thông điệp của Hindu giáo?

Tiến trình lịch sử của Hindu giáo

‘Hindu giáo’ đã trở thành tên của một tôn giáo có tổ chức về sau này – ban đầu, đây chỉ đơn giản là một lối sống được gọi là Sanatan Dharma. Hindu giáo đã phát triển hơn 5000 năm, qua tám giai đoạn trong lịch sử:

  1. Indus – Văn minh Thung lũng sông Ấn
  2. Veda – Vệ Đà
  3. Upanishad – Áo Nghĩa Thư
  4. Buddhish – Phật giáo
  5. Purana
  6. Bhakti
  7. Đông phương học
  8. Hiện đại

 

Cần lưu ý rằng mặc dù đây là tiến trình lịch sử của Hindu giáo, nhưng vẫn có nhiều người tin rằng Hindu giáo là một trường phái tư tưởng phi lịch sử, nơi tất cả các tư tưởng của Hindu giáo đều vượt ngoài thời gian. Niềm tin tách biệt này thường cản trở các nghiên cứu về Hindu giáo và chính trị hóa vấn đề.

Một vấn đề khác trong việc xác định niên đại lịch sử của Hindu giáo xuất phát từ thực tế là chữ viết chỉ trở nên phổ biến ở Ấn Độ sau khi Hoàng đế Ashoka phổ biến hệ thống chữ viết của người Bà la môn thông qua các sắc lệnh của ông cách đây chưa đầy 2300 năm.

Dòng chảy của tri ​​thức và các tư tưởng trong triết học Ấn Độ

Như Devdutt Pattanaik giải thích trong cuốn My Gita: “Không có tư tưởng nào xuất hiện từ hư vô. Các tư tưởng khác nhau mở rộng theo thời gian. Những tư tưởng cũ cùng tồn tại với tư tưởng mới. Và các tư tưởng mâu thuẫn thì ảnh hưởng lẫn nhau.”

Ông giải thích rằng không giống như hầu hết các nơi trên thế giới, các tư tưởng ở Ấn Độ không bị xóa sổ hoàn toàn để được thay thế bằng một tư tưởng mới. Các tư tưởng Vệ Đà rất trừu tượng về bản chất và thế giới quan mới – có thể là Phật giáo, Hồi giáo hoặc Cơ đốc giáo – đã giúp khẳng định lại các tư tưởng Vệ Đà theo những cách khác nhau.

Pattanaik viết: “cùng một tư tưởng thể hiện qua các nghi lễ Vệ Đà 4000 năm tuổi, những câu chuyện 2000 năm tuổi, nghệ thuật và kiến ​​trúc đền thờ 1000 năm tuổi và thơ ca sùng kính 500 năm tuổi.”

Sự vượt thời gian này của các tư tưởng Vệ Đà thường khiến người ta nói rằng các tác phẩm không phải là do phàm nhân viết nên, nhưng đây rất có thể là một sự ca ngợi quá mức đối với các tư tưởng Vệ Đà.

Nhưng điều cần lưu ý là kiến thức trong kinh Vệ Đà không khách quan – chúng là những tư tưởng linh hoạt và thay đổi theo thời gian của thế gian mà nó được đọc, quan điểm của người đọc và bối cảnh của việc đọc.

Các nhà học thuật hiện đại thường có xu hướng coi Hindu giáo là sản phẩm của chủ nghĩa Bà-la-môn bạo lực dựa trên chế độ phụ quyền và sự áp bức với các nhóm thiểu số. Nhưng nhìn nhận Gita qua lăng kính này là để cố gắng giải thích một hệ tư tưởng bằng cách sử dụng một tiền đề hoàn toàn không phù hợp với nó.

Theo thế giới quan khoa học, “chân lý” là những gì khách quan và thực tế – có thể được chứng minh. Trong Hindu giáo, kiến ​​thức được nhìn nhận theo cách khác nhau – mỗi cá nhân đều có một phần của sự thật và khi tất cả các phiên bản và quan điểm của sự thật kết hợp lại với nhau, chúng ta tìm thấy một sự thật vô hạn.

Các Purana (cổ tự), bao gồm Mahabharata và Ramayana, cũng được gọi là “itihasa”. Từ “iti” có nghĩa là “mọi thứ vẫn như vậy”. Do đó, về mặt biểu tượng, từ này có nghĩa là “những câu chuyện sẽ luôn có thật” – nó biểu thị sự sống trong tất cả sự phức tạp và màu sắc của nó, bao gồm cả tình dục, bạo lực, xung đột và tham muốn.

Kinh Vệ Đà là gì?

Kinh Vệ Đà là một tập hợp các bài thánh ca, giai điệu và nghi lễ được kết hợp với nhau khoảng 4000 năm trước, để thể hiện một số chân lý vĩnh cửu thông qua những câu chuyện ẩn dụ đầy biểu tượng.

Có 4 kinh Vệ Đà:

  1. Rig Veda (thánh ca)
  2. Sama Veda (giai điệu)
  3. Yajur Veda (nghi lễ)
  4. Atharva Veda (tụng chú)

Atharva Veda đã được đưa vào kinh Veda trong thời gian sau đó. Hơn nữa, ngay cả Mahabharata và Natya Shashtra cũng được coi là Veda thứ năm mãi về sau này.

Bhagavad Gita như một điểm chuyển tiếp giữa các hệ tư tưởng Vệ Đà và Purana

Sau khi kinh Vệ Đà được viết ra, các Upanishad đã nghiên cứu về những tư tưởng này, và sau đó, Phật giáo đã khảo nghiệm chúng. Sau này, các tư tưởng được xây dựng trong các Purana – sử thi Mahabharata (Bhagavad Gita là một phần) và Ramayana là một phần của các Purana, bao gồm rất nhiều câu chuyện xoay quanh các tư tưởng của Vệ Đà.

 

 

Sau thời kỳ Purana là thời kỳ Bhakti, những tư tưởng này đã được truyền đạt bằng các ngôn ngữ trong khu vực. Sau thế kỷ 18, các tư tưởng Vệ Đà lần đầu tiên được thể hiện bằng tiếng Anh.

Do đó, có thể lý giải được, Gita – được viết gần như bùng nổ ngay giữa hành trình chuyển đổi của Ấn Độ giáo – sẽ không thể thực hiện được nếu không tính đến tất cả các hệ tư tưởng trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của Hindu giáo.

Như Devdutt Pattanaik tuyên bố, Bhagavad Gita “đánh dấu sự chuyển đổi của Hindu giáo Vệ Đà cổ trên nền tảng nghi lễ sang Hindu giáo Purana mới trên nền tảng thần thoại”. Đó là một sự thay đổi rõ rệt trong hành trình của Hindu giáo.

Trong thời kỳ Vệ Đà, tư tưởng về Thượng đế thường trừu tượng và không có đền thờ nào tồn tại vào thời điểm đó. Khi giai đoạn Purana của Hindu giáo tiến triển, hệ tư tưởng đã thay đổi – các ngôi đền bắt đầu xuất hiện và tư tưởng về một vị thần cá thể hoặc nữ thần cá thể bắt đầu trở nên phổ biến.

>> Tìm hiểu thêm: Bhagavad Gita và văn bản gốc – Book Hunter Lyceum 

Ai đã viết kinh Veda?

Kinh Veda được viết ra bởi những bậc thánh nhân hoặc các nhà hiền triết, những người có thể tìm nguồn tri thức một cách trực quan qua nhiều ngày, tuần hoặc tháng thiền định mà phàm nhân bình thường không thể thực hiện được.

Hindu giáo đã từ từ thay đổi và tự hình thành trong một quá trình dài khoảng 1000 năm. Các bậc thánh nhân và nhà hiền triết đã bắt đầu truyền đạt các tư tưởng thông qua các câu chuyện dân gian thay vì các nghi lễ và thánh ca.

Những câu chuyện mang tính biểu tượng này đều do một người tên Vyasa – được biết đến là con trai của một người đánh cá. Ông không chỉ được ghi nhận trong việc biên soạn kinh Vệ Đà, mà còn được cho là đã viết kinh Purana.

Tuy nhiên, điều rất quan trọng cần lưu ý là từ “vyasa” có nghĩa là “người biên soạn”.

Bhagavad Gita là gì?

Bhagavad Gita là lời khuyên của Krishna dành cho Arjuna ngay trước khi bắt đầu trận đại chiến Kurukshetra giữa anh em nhà Kaurava và Pandava trong sử thi Mahabharata – một phần của Purana. Phiên bản cuối cùng của Bhagavad Gita bao gồm 18 chương trong đó có 700 câu – 574 câu của Krishna, 84 câu của Arjuna, 41 câu của Sanjaya, và 1 câu của Dhritarashtra.

Gita được viết dưới dạng một cuộc đối thoại và được cho là diễn ra trong khoảng thời gian 90 phút khi binh lính của cả hai bên chờ đợi cuộc chiến bắt đầu. Một sự thật khác mà hầu hết mọi người đều biết là – có một số Gita trong văn học Hindu giáo. Chúng tôi xin giới thiệu sơ lược dưới đây tám phiên bản Gita quan trọng khác ngoài Bhagavad Gita.

 

> Tìm hiểu thêm về Bhagavad Gita:

Lời khuyên từ Bhagavad Gita: Hãy hành động! Hãy chiến đấu! – Book Hunter

GIỚI THIỆU VỀ TÁM GITA KHÁC

  1. Anu Gita: được Krishna thuật lại cho Arjuna nhưng ở thời điểm sau khi trận chiến Kurukshetra kết thúc và anh em nhà Pandava đã thiết lập quyền thống trị của họ.
  2. Uddhava Gita: Đây còn được gọi là Hamsa Gita. Krishna đã thuật lại cho người bạn đồng hành của mình là Uddhava trước khi ngài rời thế gian để trở về cõi của mình – Vaikuntha.
  3. Vyadha Gita: “Bài ca của người đồ tể” được tìm thấy trong Quyển 3 của Mahabharata. Ở thi phẩm này, người đồ tể giải thích cho một ẩn sĩ kiêu ngạo về tầm quan trọng của cuộc sống của một người phàm tục. Trong cuộc đời ấy, anh ta thực hiện bổn phận của mình và điều này có tầm quan trọng về mặt tinh thần ngang với việc từ bỏ thế gian và chỉ phục vụ bản thân mình.
  4. Guru Gita: Gita này đến từ Skanda Purana, nơi Shiva giải thích ý nghĩa của người đã tạo điều kiện tinh thần cho người phối ngẫu Shakti của mình, thông qua một bài hát.
  5. Ganesh Gita: Ganesha trong vai Gajanana giải thích chân lý của thế gian cho vua Varenya. Phiên bản này được tìm thấy trong Ganesha Purana.
  6. Avadhuta Gita: Dattatreya, vị đạo sư đầu tiên của tất cả các Tantrik, ca lên Gita này – về bản chất của thực tại.
  7. Ashtavakra Gita: Ashtavakra, một ẩn sĩ, khám phá bản chất của linh hồn trong Gita này để trả lời câu hỏi của vua Janaka.
  8. Ram Gita: Ram đối mặt với Lakshman thông qua thi phẩm này khi ông trở về cung điện sau khi bỏ rơi Sita trong rừng.

Bhagavad Gita dành cho phàm nhân hay ẩn sĩ?

Kinh Vệ Đà kêu gọi sự cân bằng giữa lối sống của người phàm tục tận hưởng những gì cuộc sống mang lại, và lối sống ẩn sĩ buông bỏ tất thảy mọi vật chất và để tâm trí tiến hóa thông qua tu khổ hạnh.

Nhưng sự cân bằng thì chẳng bao giờ dễ dàng và ở thời điểm 2000 năm trước, Nam Á phải đối mặt với hai hệ tư tưởng cực đoan – đó là của các triều đại vĩ đại của các vị vua như Mauryas, Guptas và Nandas, và của các ẩn sĩ như Budhhist (Phật giáo), Jain (Kỳ na giáo) và Ajivika.

Trước khi sự khác biệt rõ ràng này xuất hiện, các tư tưởng Vệ Đà đã thống trị xã hội. Yajna[1] (tế lễ) là một dấu hiệu lớn của lối sống Vệ Đà.

Thế giới Vệ Đà ‘lý tưởng’ là một thế giới không có sự giằng co giữa lối sống của người phàm tục và ẩn sĩ như trong những câu chuyện về vua Janaka của vương quốc Mithila.

Bhagavad Gita là một tập hợp các lời khuyên dạy có thể mang lại sự tự nhận thức ở một cá nhân. Vì tiến trình tự nhận thức bản thân có thể dễ dàng hơn khi là một ẩn sĩ sống tách biệt khỏi cuộc sống vật chất, nên nhiều người thuật lại Gita ở thời kỳ đầu đã lựa chọn lối sống ẩn sĩ như Shankara, Ramanuja và Dhyaneshwara.

Hindu giáo đã được ‘viết lại’ như thế nào?

Sau khi Hồi giáo thâm nhập vào Ấn Độ, người dân đã tiếp xúc với tư tưởng về một thượng đế duy nhất, vô hình và kịch liệt bác bỏ việc thờ ngẫu tượng và nhiều thứ bậc.

Pattanaik giải thích rằng Hindu giáo đã thay đổi theo từng đợt sau đó. Những ‘bản bình giảng’ đầu tiên về Bhagavad Gita được viết bởi các tu sĩ độc thân, họ đã sử dụng một ngôn ngữ rất trí thức – lối sống của người phàm tục dần bị gạt sang một bên để ủng hộ lối sống ẩn sĩ của Phật giáo, mặc dù đó là điều mà Hindu giáo đã chế nhạo từ lâu. Do đó, dẫn tới sự tách biệt của ‘trí tuệ’ Vedanta chính thống với Tantra, vốn được coi là huyền bí.

Ngay sau đó là những câu chuyện kể lại Gita bằng ngôn ngữ địa phương. Đây được coi là những tác phẩm giàu cảm xúc với Thượng đế là một thực thể nhân hóa, nhưng chính nhờ những hình thức này, Bhagavad Gita mới thực sự đến được với quần chúng ở tiểu lục địa Ấn Độ.

Làn sóng thứ ba liên quan đến các bản dịch của những người châu Âu, những người tìm kiếm cách kể lại “đúng” hoặc khách quan về Gita vì họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thần thoại độc thần gốc Abraham[2].

Thông qua công trình của họ, tư tưởng đã đến được với quần chúng về việc những lời thuật lại theo lối chủ quan là “thấp kém” theo một cách nào đó vì chúng không “đúng”. Họ coi Gita như một loại Kinh thánh của Hindu giáo.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ là những người tạo ra làn sóng “dịch lại” lần thứ tư là khi họ nhận ra Gita là một cuốn sách hay để giúp thống nhất người Ấn Độ. Mọi nhà lãnh đạo vĩ đại từ Mahatma Gandhi đến Bal Gandhadhar Tilak đều nhìn nhận điều đó theo một cách khác và nỗ lực ràng buộc mọi người bằng một câu chuyện duy nhất.

Sau khi thế giới chứng kiến ​​sự khủng khiếp của hai cuộc chiến tranh thế giới, làn sóng “tái cấu trúc” lần thứ năm bắt đầu. Quần chúng với tâm trạng đau thương không biết giải thích Bhagavad Gita như thế nào. J Robert Oppenheimer thậm chí còn đánh đồng vóc thể vũ trụ của Krishna với bom hạt nhân.

Các đạo sư tâm linh bắt đầu gọi Gita là chỉ dẫn khai sáng của Thượng đế, Hindu giáo sau đó đã trở thành một tôn giáo có tổ chức. Pattanaik viết rằng vào những năm 1980, ngay cả trước khi internet hoạt động mạnh mẽ, đã có khoảng 3000 bản dịch Bhagavad Gita với gần 50 ngôn ngữ.

Gita không chỉ có một cách diễn giải duy nhất

Mặc dù Bhagavad Gita bao gồm những lời khuyên từ Krishna cho Arjuna ngay trước trận chiến Kurukshetra trong sử thi Mahabharata, nhưng thi phẩm là một cách truyền tải kiến ​​thức rất gián tiếp.

Gita được viết theo lời tường thuật của Sanjaya – đã chứng kiến từ xa ​​tất cả những gì xảy ra trên chiến trận nhờ vào quyền năng nhận thức mà Vyasa đã ban cho, và thuật lại cho vị vua mù Dhritarashtra của Kaurava.

Truy tìm sự thật khách quan của những gì Krishna đang nói với Arjuna là cơ sở cho mọi lập luận liên quan đến Gita. Nhưng không có sự thật duy nhất cho một tập hợp tri thức vượt thời gian và có cốt lõi mang tính biểu tượng. Đánh giá cao Gita là đánh giá cao sự đa dạng.

Từ Mahatma Gandhi, BR Ambedkar, đến APJ Abdul Kalam, đều tìm thấy giá trị riêng của họ từ Gita. Có bao nhiêu Gita thì cũng có bấy nhiêu tâm trí, bởi vì mỗi tâm trí đều diễn giải Gita theo cách riêng, cá nhân, và chủ quan.

Sophia Ngo dịch

Nguồn: Indiatoday

 

[1] Bao gồm các bài thánh Rigveda, hát Saman và nhẩm tụng thần chú tế lễ (Yajus), cùng lửa hiến tế – Agni, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, gia súc đầy nhà, con cái khỏe mạnh, cuộc sống dài lâu và được lên “thiên giới” sau khi chết đi. (ND)

[2] Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, hay còn gọi là các tôn giáo theo Abraham, là các tôn giáo độc thần (monotheistic) xuất phát từ Tây Á, tự coi là có sự tiếp nối từ các thực hành tôn giáo thờ Thượng đế của Abraham hoặc công nhận truyền thống tâm linh gắn với ngài. Abraham được coi là một ngôn sứ, như được miêu tả trong Kinh Tanakh, Kinh Thánh và Kinh Qur’an. Trong lĩnh vực so sánh tôn giáo, đây là một trong các nhóm tôn giáo chính cùng với các tôn giáo Ấn Độ và các tôn giáo Đông Á. Các tôn giáo theo truyền thống Abraham bao gồm: Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo. (ND)

Tantra và truyền thống tantra của Hindu giáo và Phật giáo

Thuật ngữ tantra và truyền thống tantra của Hindu giáo và Phật giáo đã bị hiểu sai trầm trọng ngay cả tại Ấn Độ và phương Tây. Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau đối với truyền thống tantra, từ những hiểu biết mang màu sắc huyền thoại như con đường dẫn tới sự giải thoát cho đến những mối liên hệ tương đối rộng gắn tantra với ma thuật và tình dục phóng đãng. Tương tự như vậy, các truyền thống tantra cũng vô

Bhagavad Gita & Đối cảnh vô tâm

Nhân lễ hội Gita Mahotsav 2023 Năm 2009, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với kinh văn Ấn Độ ngoài Phật giáo, và đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị mà sau này tôi chẳng thể gặp lại ở bất cứ một tri thức nào khác nữa. Đó là những ngày tôi lưu lạc ở Sài Gòn, đã quyết định bỏ học ở trường Nhân Văn Hà Nội và quyết định đeo đuổi con đường kiếm tiền qua các hoạt động truyền

Khái niệm Thực phẩm và Dinh dưỡng theo Ayurveda

Tóm tắt: Ayurveda đặc biệt chú trọng Ahar (chế độ ăn uống) và Anna (thực phẩm) và tin rằng dinh dưỡng lành mạnh nuôi dưỡng tâm trí, cơ thể và tâm hồn. Ayurveda không phân biệt thực phẩm tốt hay xấu, thay vào đó, nhấn mạnh các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến thực phẩm, chẳng hạn như đặc tính sinh học, nguồn gốc, các yếu tố môi trường, các mùa trong năm, sự chuẩn bị, độ tươi mới, và đưa ra cách giải

Ayurveda & Yoga – Những hạn chế trong tiếp cận tại Việt Nam

Như chúng ta biết, cho đến nay Yoga đã trở nên khá là phổ biến ở Việt Nam. Khi nhắc đến, hầu như ai cũng sẽ biết về Yoga. Ayurveda cũng mới xuất hiện và cũng chưa có nhiều thông tin được phổ biến ở Việt Nam. Hiện tại, có một vài trung tâm Yoga tổ chức khóa học về Ayurveda, thế nhưng, do nền tảng triết lý của người Việt Nam mình không thông thuộc hệ thống triết lý  Nam Á, cụ thể là

Yoga không phải lúc nào cũng là về Asana và Vóc dáng

Nhắc đến “yoga” thì có lẽ một loạt các tư thế và asana vặn vẹo ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí bạn. Nhưng thật thú vị, sự liên kết giữa yoga với “thực hành tư thế”, trên thực tế, là cách giải thích của thế kỷ 20 về một nền văn hóa có niên đại hơn 3000 năm. Thiền hay dhyana, từng là khía cạnh quan trọng nhất của các thực hành yoga, đã phát triển thành một ngành công nghiệp toàn cầu