Home Chuyên đề tháng Nguồn gốc của yoga tư thế (asana yoga) và chuyển biến từ yoga trị liệu sang yoga thể hình

Nguồn gốc của yoga tư thế (asana yoga) và chuyển biến từ yoga trị liệu sang yoga thể hình

Nguồn gốc của Asana Yoga

Khi bắt đầu thực hành các asana yoga, chúng ta thường được định hướng để tin rằng những tư thế mà cơ thể chúng ta đang thực hành là một phần của truyền thống yoga cổ xưa. Nhưng trong cuốn sách Roots of Yoga xuất bản 2016, Mallinson đã lập luận rằng yoga thời tiền hiện đại có thể được xác định thông qua việc kiểm soát hơi thở, trong khi đó, yoga hiện đại ngày nay được xác định thông qua các tư thế của cơ thể. Vậy, nếu không được mô tả trong các văn bản cổ xưa, các tư thế yoga đến từ đâu? và xu hướng nào dẫn đến biến đổi từ yoga trị liệu như một phương pháp chữa bệnh sang loại hình yoga thể hình, làm đẹp thịnh hành ngày nay?

Asana trong các văn bản cổ xưa

Trong tiếng Phạn từ asana có nghĩa là “chỗ ngồi” và “tư thế”, và tùy thuộc vào ngữ cảnh, mà từ asana có thể đề cập đến hành động ngồi hoặc vị trí mà một người ngồi lên. Trong các văn bản yoga cổ điển như Yogasutra của Patanjali (khoảng TK thứ 4/thứ 5 CN), asana được đề cập đến một tư thế để thực hành thiền ngồi. Patanjali nói với chúng ta rằng một tư thế như vậy phải vững chắc (sthiram) và thoải mái (sukkham) (YS 2.46). Tương tự, trong Bhagavad Gita, thần Krishna đã hướng dẫn Arjuna:

Lựa  chọn một nơi thanh tịnh không vướng bụi, chuẩn bị chỗ ngồi sao cho thật vững chãi (sthiram-āsanam) độ cao vừa phải với cor Kusha lót dưới cùng, phủ lên một tấm da, và cuối cùng là một mảnh vải.

Tĩnh tọa, chú ý nhất tâm và chế ngự các hoạt động của tâm trí cùng các giác quan, và hãy thực hành Yoga để thanh lọc bản thân.

(Bhagavad Gita 6.11-12)

Trong bản bình giảng đầu tiên về Yogasutra, được gọi là Bhasya (khoảng TK 5 CN), đã liệt kê mười một asana. Những tư thế được đề cập trong văn bản là tất cả các tư thế ngồi để thiền định, bao gồm cả tư thế padmasana (tư thế hoa sen hay kiết già). Những tư thế ngồi thiền định như vậy đã được thực hành bởi những người tu khổ hạnh và những người tìm đạo trong các truyền thống giáo phái, bao gồm cả người theo đạo Hindu, đạo Phật, và đạo Jain, đồng thời được mô tả rõ nét trong văn học và nghệ thuật tạo hình của Ấn Độ.

Asana thời Trung cổ

Seth (2018) đã giới thiệu sự xuất hiện của một truyền thống yoga mới, có liên quan chặt chẽ nhất với nghiên cứu tiến sĩ của chính tác giả, truyền thống Hathayoga thời trung cổ. Theo nghiên cứu của Seth, bắt đầu vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ hai, một kho văn bản tiếng Phạn về Hathayoga mới bắt đầu xuất hiện, với sự hiểu biết mới về và nhấn mạnh vào cơ thể cùng các kỹ thuật liên quan đến cơ thể.

James Mallinson (2017) đã chứng minh rằng truyền thống Hathayoga này là sự tổng hợp của hai đường lối khổ hạnh kiểu yoga riêng biệt: 1) một truyền thống tu hành khổ hạnh cổ xưa, có từ hơn hai nghìn năm trước thời Đức Phật, nơi các nhà tu khổ hạnh thực hiện khổ hạnh về thể chất và tinh thần để tham gia vào một loạt các thực hành thiền định tâm linh khắc khổ và gia tăng sức mạnh tinh thần; và 2) các truyền thống Shaiva Tantra đã phát triển một lược đồ cơ thể gồm các bánh xe năng lượng (luân xa), kinh mạch (nadi), sinh lực (prana), khí (vayu) và khái niệm về sức mạnh của hỏa xà (kundalini) nằm cuộn tròn ở đáy cột sống. Theo các văn bản Hathayoga, thông qua các hành động khác nhau của cơ thể (karana) và các tư thế (asana), thủ ấn (mudra) và khóa (bandha), kiểm soát hơi thở (pranayama), và nén (kumbhaka), những năng lượng mạnh mẽ này có thể được đánh thức và vận hành bên trong cơ thể để dẫn dắt hành giả hướng tới các trạng thái nâng cao của ý thức, và cuối cùng hướng tới việc đạt được định (samadhi) hoặc giải thoát.

Chính trong các văn bản và truyền thống Hathayoga mà chúng ta có thể bắt đầu thấy sự thay đổi dần dần từ các asana ngồi được sử dụng chủ yếu để thiền, sang các asana không ngồi phức tạp hơn bao gồm các tư thế giữ thăng bằng và đảo ngược được sử dụng để thanh lọc cơ thể, để khai thác các năng lượng tinh tế trong cơ thể, và thậm chí cho mục đích điều trị. Trong khi các văn bản Hathayoga sớm nhất từ khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 vẫn có xu hướng dạy và mô tả tương đối ít các asana (Goraksa sataka – TK 13, Shiva Samhita – TK 15, Hathayogapradipika – TK 15-16), từ thế kỷ 16 trở đi thì các asana mới dần dần được giới thiệu (Hatharatnavali – TK 17, Gheranda Samhita – TK17-18, và Jogapradipaka – TK 18).

Theo một nghĩa nào đó, nguồn gốc của yoga tư thế có thể bắt nguồn từ việc thực hành hathayoga thời tiền thuộc địa ở Ấn Độ thời trung cổ. Tuy nhiên, nguồn gốc của yoga tư thế hiện đại – như chúng ta biết và hiểu về môn tập luyện ngày nay – có thể bắt nguồn chính xác hơn từ kinh nghiệm của Ấn Độ về chủ nghĩa thực dân Anh và gắn bó chặt chẽ với phong trào văn hóa thể chất châu Âu thế kỷ 19.

>> Tìm hiểu thêm về bộ ba cuốn sách về Yoga: Combo sách “Yoga: Từ trí tuệ cổ xưa đến hiểu biết đương đại” – Book Hunter Lyceum

Yoga như một hình thức chữa bệnh bằng vận động

Học giả yoga Mark Singleton, tác giả của Yoga từ góc nhìn hiện đại: Nguồn gốc của các tư thế & xu hướng biến đổi (bản tiếng Anh 2010 do đại học Oxford ấn hành, bản tiếng Việt 2023 do Book Hunter ấn hành) đã chỉ ra rằng hệ thống thể thao Thụy Điển do P.H Ling (1766-1839) tạo ra đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của văn hóa thể chất phương Tây nói chung và yoga tư thế hiện đại nói riêng.

Phương pháp của Ling, theo truyền thống “thể thao y tế” do C. J. Tissot và những người khác phát triển, chủ yếu là trị liệu, nhằm mục đích chinh phục bệnh tật thông qua vận động, và vì lý do này, nó thường được gọi là “chữa bệnh bằng vận động” (Dixon và McIntosh 1957).

Thông qua một hệ thống giáo dục Anh hóa và nghĩa vụ quân sự, phương pháp Ling và các nhánh của nó đã trở nên cực kỳ phổ biến trong các cơ sở giáo dục của Ấn Độ, và đã khiến yogasana được cải cách lại như một hình thức cổ xưa về chữa bệnh bằng vận động, với các tư thế riêng lẻ được quy định cho các bệnh cụ thể.

Trong số những người thực hành yoga tại Ấn Độ vào giai đoạn này, Yogendra là người thực hành hatha kết hợp với sinh học hiện đại, quan tâm đến việc cung cấp bằng chứng khoa học về lợi ích sức khỏe của yoga và tạo ra các khóa học Asana đơn giản, dễ tiếp cận cho đại chúng. Ông và Học viện Yoga Mumbai của mình đã xuất bản một lượng lớn tài liệu về những lợi ích thiết thực của yoga đối với thể lực và sức khỏe, chẳng hạn như Yoga Asanas Simplified (1928) và Yoga Personal Hygiene (1931).

>> Tìm hiểu thêm về sách: Thực hành Yoga hiện đại – Mark Singleton – Book Hunter Lyceum

Yoga như một hình thức thể hình cải thiện thể lực và vóc dáng

Theo Singleton (2010), người Anh thường có thành kiến về đàn ông Ấn Độ rằng họ ẻo lả, kém cỏi, và yếu đuối. Ý thức về suy thoái thể chất và chủng tộc này phần lớn là dựa trên tiêu chí cơ thể vạm vỡ và cách cư xử hoàn hảo được lý tưởng hóa của một quý ông người Anh. Những tiêu chí đánh giá này đã được chính người Ấn Độ tiếp thu, thường thông qua hệ thống giáo dục Anh ngữ.

Diễn ngôn phổ biến về sự yếu ớt của người Ấn Độ đã tạo ra một ám ảnh về sự đeo đuổi cơ thể vạm vỡ của đàn ông Ấn Độ. Điều cực kỳ quan trọng là phải đánh đổ ám ảnh về sự yếu ớt bằng cách thể hiện đàn ông Ấn Độ không chỉ kiện cường thân thể mà còn có khả năng đánh bại các nhà vô địch châu Âu. Thể lực và sức mạnh do đó trở thành một biểu hiện mạnh mẽ của chính trị văn hóa.

Bởi lẽ này, ở Ấn Độ thuộc Anh thời bấy giờ, một khía cạnh quan trọng của việc chống lại sự thống trị của thực dân là kết hợp các ý tưởng về văn hóa thể chất và thể thao của châu Âu cùng với các chế độ luyện tập bản địa Ấn Độ. Kết quả là các hệ thống tập thể dục và văn hóa thể chất “bản địa” ra đời. Nền văn hóa thể chất theo chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ này được nhiều người gọi là “Yoga”.

K.V. Iyer ở Bangalore (1897-1980) có thể nói là người ủng hộ văn hóa thể chất nổi tiếng nhất của Ấn Độ trong nửa đầu thế kỷ 20. Hệ thống của ông là sự kết hợp tự ý thức giữa thể hình và yoga. Mặc dù hầu như chỉ được nhớ đến với tư cách là một vận động viên thể hình, nhưng Iyer là người nhiệt tình quảng bá bài tập kiểu hatha yoga, mang tính thẩm mỹ cao dựa trên các mô hình phương Tây. Iyer (giống như nhiều nhà văn hóa thể chất Ấn Độ thời bấy giờ) coi thể thao theo phương pháp Ling hoàn toàn không hiệu quả và kêu gọi tẩy chay “tập luyện kiểu Thụy Điển” trong các trường đại học và cơ sở giáo dục của Ấn Độ. Ông là người đã kêu gọi độc giả của mình hãy tiếp nhận văn hóa thể chất để ngăn chặn sự suy thoái giống nòi, một vấn đề nhức nhối của Ấn Độ thời bấy giờ.

Ngoài ra, người tạo ra hệ thống suryanamaskar hiện đại (chuỗi chào mặt trời phổ biến tại các lớp yoga tư thế ngày nay), Pratinidhi Pant, Người Cai trị của Aundh, cũng giống như Iyer, là một vận động viên thể hình tận tình và là người thực hành phương pháp của nhà thể hình nổi tiếng thế giới, Sandow. Ông chính là người đã không ngừng đại chúng hóa các chuỗi asana kiểu năng động, chính các chuỗi này đã trở thành yếu tố chủ yếu của nhiều lớp yoga tư thế ngày nay.

Sophia Ngo

 

Tài liệu tham khảo

  1. Mallinson, James; Singleton, Mark (2017). Roots of Yoga. Penguin Classics. London: Penguin Books. ISBN 978-0-241-25304-5
  2. POWELL, Seth. Etched in Stone: Sixteenth-century Visual and Material Evidence of Śaiva Ascetics and Yogis in Complex Non-seated Āsanas at Vijayanagara. Journal of Yoga Studies, [S.l.], v.1, p.45 – 106, may 2018. ISSN 2664-1739.
  3. Singleton, Mark (2010). Yoga Body: the origins of modern posture practice. Oxford University Press. ISBN 978-0-19-539534-1.
  4. Ellens, G. (1981). The Yoga-Sūtra of Patañjali: A new translation and commentary. By Georg Feuerstein. pp. 179. Folkestone, Dawson, 1980. £10. Journal of the Royal Asiatic Society, 113(2), 219-219. doi:10.1017/S0035869X00158186

Tại sao Ngày Quốc tế Yoga không phải là vinh dự đối với Ấn Độ

Cuộc tranh luận xung quanh Ngày Quốc tế Yoga không phải là về lợi ích sức khỏe. Đó là về cảnh tượng truyền thông nhân danh sức khỏe khi chi tiêu cho y tế đang bị cắt giảm. Một khía cạnh khác cần quan tâm đó là ngày này mang tính quảng bá các bậc thầy yoga hơn là thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe. Yoga được cả thế giới công nhận là một lựa chọn đáng mơ ước để duy trì sức khỏe

Yoga không phải lúc nào cũng là về Asana và Vóc dáng

Nhắc đến “yoga” thì có lẽ một loạt các tư thế và asana vặn vẹo ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí bạn. Nhưng thật thú vị, sự liên kết giữa yoga với “thực hành tư thế”, trên thực tế, là cách giải thích của thế kỷ 20 về một nền văn hóa có niên đại hơn 3000 năm. Thiền hay dhyana, từng là khía cạnh quan trọng nhất của các thực hành yoga, đã phát triển thành một ngành công nghiệp toàn cầu

Mối liên hệ giữa sự phát triển của Ayurveda và thực hành Yoga tư thế hiện đại

Tổng quan về mối liên hệ Ayurveda - Yoga Các truyền thống thúc đẩy sức khỏe thể chất và giải thoát (mokha) thường diễn ra trong bối cảnh đối thoại. Khi được coi là một công cụ để giải thoát, cơ thể con người cần được duy trì ở một tiêu chuẩn sức khỏe nhất định. Về mặt lịch sử, Yoga và Ayurveda là những truyền thống tri thức riêng biệt và đều có những kỹ thuật để tăng cường sức khỏe. Hai trường phái

Bhagavad Gita & Đối cảnh vô tâm

Nhân lễ hội Gita Mahotsav 2023 Năm 2009, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với kinh văn Ấn Độ ngoài Phật giáo, và đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị mà sau này tôi chẳng thể gặp lại ở bất cứ một tri thức nào khác nữa. Đó là những ngày tôi lưu lạc ở Sài Gòn, đã quyết định bỏ học ở trường Nhân Văn Hà Nội và quyết định đeo đuổi con đường kiếm tiền qua các hoạt động truyền