Book Hunter: Bài viết được xuất bản ngày 29/4, tức là đã hơn 4 tháng tính tới thời điểm hiện tại, ngày 1/9/2020, tuy nhiên những thông tin mà bài viết mang lại vẫn có nhiều giá trị để chúng ta có thể đọc và suy nghĩ về một đại dịch làm rúng động thế giới suốt 2020. Bài viết có nhiều kiến thức khoa học nên nếu có chỗ nào dịch chưa chuẩn xác, mong quý độc giả góp ý để cải thiện. Chân thành cảm ơn!
(Tham khảo lịch sử chính trị Hoa Kỳ qua cuốn sách được xuất bản trong năm 2020 Nước Mỹ chuyện chưa kể tại đây)
——–
Vào ngày 27/3, khi mà Mỹ đã có chính thức hơn 100.000 trường hợp nhiễm COVID-19, Donald Trump đứng trước thềm Nhà Trắng trả lời phỏng vấn của báo chí và được hỏi là ông ta sẽ giải thích như thế nào về đại dịch này với một đứa trẻ. Với một câu trả lời vòng vo, Trump đã đưa ra nhận xét: “Anh có thể gọi nó là một mầm bệnh, một loại cúm, một loại virus hay gì cũng được. Tôi không chắc là có ai đó biết nó thực sự là cái gì.”
Đây có lẽ không phải là một lời tuyên bố có ảnh hưởng nhất từ Nhà Trắng, và nó cũng không phải là một lời tuyên bố sai lầm nhất. Nhưng có lẽ nó thuộc loại có tính châm biếm nhất. Dù đại dịch hiện nay có nhiều đặc tính khó nắm bắt, nhưng một trong số ít thứ mà các chuyên gia biết chắc được đó chính là danh tính của mầm bệnh: một loại virus gọi là SARS-CoV-2 có liên quan đến virus SARS thứ nhất. Cả 2 loại này đều thuộc họ coronavirus, khác hẳn với các loại virus gây ra bệnh cúm. Các nhà khoa học biết được chi tiết đến từng phân tử về hình dạng của các protein trên bề mặt của loài coronavirus mới này. Nếu có 2 giờ đồng hồ, tôi còn có thể đọc rõng rạc trình tự nguyên cả bộ gen của nó cho bạn nghe.
Nhưng ngoài điều đó ra thì hầu hết mọi thứ khác về đại dịch này đều còn quá khó hiểu. Tại sao một vài người bị nặng, còn những người khác thì không? Các mô hình phỏng đoán bệnh dịch đang quá lạc quan hay là đang quá bi quan? Virus này thực tế là được lây truyền nhanh như thế nào, và nguy hiểm đến thế nào? Thực tế đã có bao nhiêu người bị nhiễm? Cần phải giãn cách xã hội trong vòng bao lâu? Tại sao còn quá nhiều câu hỏi không được trả lời như vậy?
Sự khó hiểu này một phần bắt nguồn từ quy mô và tốc độ của dịch bệnh. Trên khắp thế giới đã có ít nhất 3,1 triệu người bị nhiễm trong vòng chưa đầy 4 tháng. Các nền kinh tế trượt dốc nghiêm trọng. Xã hội dừng hoạt động. Trong trí nhớ của hầu hết mọi người thì chưa từng có cuộc khủng hoảng nào gây ra chấn động rộng rãi và nhanh chóng đến vậy. “Chúng ta chưa từng phải đối mặt với một đại dịch nào như thế này, vì vậy chúng ta không biết là điều gì sẽ xảy ra hay điều gì có thể đã xảy ra,” Zoë McLaren, giáo sư về chính sách y tế tại trường Đại học Maryland tại quận Baltimore cho hay. “Điều đó khiến nó càng khó nắm bắt hơn.”
Nhưng ngoài tầm ảnh hưởng rộng lớn và tính độc nhất của nó, còn có các lý do khác khiến đại dịch này trở nên khó hiểu đến vậy, trong đó có một loạt các tác động về khoa học và xã hội, về dịch tễ học và nhận thức. Dưới đây là những phân tích về các tác động này, cũng như đưa ra một định hướng giúp các bạn tìm hiểu về một vấn đề mà giờ đây đã trở nên quá lớn đến nỗi không một cá nhân nào có thể nắm bắt toàn diện được.
1.Về virus
Từ coronavirus trước đây không phải là một từ thông dụng, nên những trường hợp sử dụng từ này trước đó giờ lại gây ra hiểu lầm. Khi có thông tin về một cuộc họp trong đó các nhà lãnh đạo thế giới nhận vai để mô phỏng một tình huống đại dịch coronavirus không có thực, thì một số người đã nhầm lẫn mà cho rằng đại dịch đang diễn ra hiện nay là nằm trong kế hoạch sẵn rồi. Còn khi thấy nhắc đến chữ “coronavirus ở người” trên một số sản phẩm tiệt trùng trước kia, một số người đã hiểu lầm rằng các nhà sản xuất bằng cách nào đó đã nhận được những lời cảnh báo từ trước.
Không phải chỉ có một loại coronavirus duy nhất. Ngoài SARS-CoV-2 ra, người ta đã tìm thấy 6 loại khác là có khả năng lây sang người – 4 loại thường thấy và ít nguy hiểm, gây ra ⅓ số ca bệnh cảm, còn 2 loại hiếm hơn nhưng nguy hiểm, gây bệnh MERS và bệnh SARS đầu tiên. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phát hiện hơn 500 loại coronavirus khác trong nhiều loài dơi ở Trung Quốc. Người dẫn đầu nghiên cứu này, Peter Daszak ở tổ chức EcoHealth Alliance, cho biết: “Còn nhiều loại vẫn chưa được biết đến – tôi cho rằng chắc chắn là còn hàng chục nghìn loại khác.” Các thí nghiệm cho thấy một vài loại trong số này có khả năng lây sang người. Ngay chính SARS-CoV-2 cũng có thể đã bắt nguồn từ loài dơi.
Khó có thể nghĩ rằng một loại virus nào đó bỗng lây từ dơi sang một người dễ nhiễm bệnh. Nhưng nếu bạn hình dung việc hàng triệu người thường xuyên tiếp xúc với hàng triệu con dơi, mỗi loài lại mang hàng chục nghìn loại virus mới, thì khả năng hiếm có kia sẽ trở nên dễ xảy ra hơn. Vào năm 2015, nhóm nghiên cứu của Daszak thấy rằng 3% số người dân từ 4 ngôi làng Trung Quốc gần các hang dơi có mang trong mình các kháng thể chứng tỏ họ đã từng gặp phải các loại coronavirus giống với SARS. “Mỗi tối dơi thường bay lượn trên mái nhà của họ. Có người thì trú mưa trong các hang dơi, có người lại thu phân dơi làm phân bón,” Daszak nói. “Nếu nhân con số này lên toàn khu vực nông thôn nơi có những loài dơi mang virus thì ta có khoảng 1 tới 7 triệu người phơi nhiễm mỗi năm.” Hầu hết các trường hợp nhiễm virus này không gây ra bệnh gì. Nhưng chỉ một trường hợp thôi cũng có thể tạo ra một đại dịch.
Khi điều đó xảy ra thì vấn đề là nhiều điều sẽ không được rõ ràng, trong khi các nhà khoa học cố gắng nhanh chóng hết sức để tìm hiểu về đặc điểm của mầm bệnh mới. Đây luôn là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng đặc biệt là khi mầm bệnh là một loại coronavirus. Vineet Menachery của Đại học Y Texas cho hay: “Đây là một loại virus rất khó để tìm hiểu; chúng không dễ nuôi cấy trong tế bào; và khó mà xin ngân quỹ để nghiên cứu chúng.” Ông là một trong số ít các nhà nghiên cứu trên thế giới chuyên về coronavirus, đề tài này ít được quan tâm so với các mầm bệnh thường gặp hơn, ví dụ như bệnh cúm. Chuyên ngành này có phát triển hơn một chút sau dịch SARS năm 2003, nhưng lại thu hẹp lại sau khi mối quan tâm và ngân quỹ giảm đi. “Chỉ sau khi MERS xuất hiện [vào năm 2012] thì tôi mới chắc là mình có thể xây dựng một sự nghiệp nghiên cứu chuyên về coronavirus,” Menachery nói.
Một số ít các chuyên gia hiện có về coronavirus đang cố gắng nhanh chóng bắt kịp nhiều năm nghiên cứu đã bị bỏ lỡ – một nhiệm vụ khó khăn trong lúc đại dịch đang diễn ra. “Chúng tôi đang làm hết sức mình,” Lisa Gralinski, chuyên gia nghiên cứu virus tại Đại học North Carolina cho biết. “Không gian làm việc của chúng tôi thường xen kẽ nhau nên khó có thể thực hiện giãn cách xã hội.”
Cô cho biết, một điều may mắn nhỏ là SARS-CoV-2 không thay đổi quá nhanh. Các nhà khoa học đang theo dõi quá trình tiến hóa của loại virus này trong thời gian thực. Và dù có nhiều xôn xao về sự tồn tại của nhiều chủng khác nhau, những chuyên gia nghiên cứu virus mà tôi tiếp xúc nói chuyện đều cho rằng loại virus này đang thay đổi với tốc độ bình thường theo như ước tính. Không có dấu hiệu nào về “sự đột biến đáng lo ngại” cả, Gralinski cho biết. Tới giờ thì cả thế giới mới chỉ phải đối mặt với 1 mối nguy. Nhưng mối nguy này lại biểu hiện dưới nhiều mặt.
2.Về căn bệnh
SARS-CoV-2 là một loại virus. COVID-19 là loại bệnh mà nó gây ra. Hai thứ này không phải là một. Bệnh xảy ra khi có sự kết hợp của 3 yếu tố là virus, người bị nhiễm virus, và môi trường xã hội của người đó. Một số người bị nhiễm virus mà không bao giờ biểu hiện triệu chứng; những người khác thì lại bị bệnh nặng đến nỗi họ cần máy thở. Những số liệu ban đầu từ Trung Quốc cho thấy những người mắc bệnh nặng và qua đời hầu hết là người cao tuổi, nhưng ở Mỹ (và đặc biệt là vùng miền Nam), nhiều người trung niên cũng đã phải nhập viện, có lẽ bởi vì họ thường bị mắc các bệnh mãn tính hơn. Loại virus có thể ít thay đổi nhưng biểu hiện của bệnh này trên khắp thế giới thì rất đa dạng.
Điều này giải thích tại sao rất khó xác định được một vài thông số quan trọng về loại coronavirus này. Các ước tính về tỷ lệ tử vong ca bệnh (CFR) – tức là tỷ lệ tử vong trên tổng số người mắc bệnh – xê dịch trong khoảng từ 0,1 đến 15%. Việc không có một thông số rõ ràng khiến ta thấy lúng túng, nhưng cũng thật khó mà có thể có một con số chính xác vào thời điểm hiện giờ. “Mọi người đang nói về CFR như thể nó là một con số bất biến, nhưng trên thực tế thì không phải vậy,” Maia Majumder, nhà dịch tễ học của trường Đại học Y Harvard và Bệnh viện Nhi Boston cho hay.
Thành phần mẫu số của CFR – tổng số người mắc bệnh – phụ thuộc vào việc mỗi nước tiến hành lấy mẫu triệt để đến đâu. Thành phần tử số – tổng số ca tử vong – thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: thành phần độ tuổi của cư dân, tỷ lệ mắc các bệnh sẵn từ trước, người dân sống cách bệnh viện bao xa, và những bệnh viện đó được trang bị nhân viên và máy móc đầy đủ đến mức nào. Những yếu tố này thay đổi tùy vào từng quận, tiểu bang, thành phố, vậy nên CFR cũng thay đổi theo. (Majumder và đồng nghiệp hiện đang tạo ra các công cụ để ước tính tỷ lệ CFR của từng vùng, nhằm giúp lãnh đạo địa phương có thể quyết định xem khu vực nào là nơi sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất.)
Độ biến đổi của bệnh COVID-19 cũng làm các bác sĩ bối rối. Căn bệnh này có vẻ như không chỉ tàn phá phổi và đường hô hấp, nó còn gây ảnh hưởng đến tim, mạch máu, thận, dạ dày, và hệ thần kinh. Hiện nay vẫn chưa rõ là loại virus này có thể trực tiếp tấn công các bộ phận kể trên không, hay là do ảnh hưởng của việc hệ miễn dịch đã phản ứng quá mạnh trên toàn bộ cơ thể, nhưng cũng có thể là do ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ của việc điều trị hoặc việc phải sử dụng máy thở quá lâu.
Các lần dịch bệnh trước kia không cho ta biết nhiều thông tin bởi chúng đã được quanh vùng nhanh chóng. Trên toàn thế giới chỉ có khoảng 10.600 người được chẩn đoán là mắc SARS hoặc MERS, nghĩa là ít hơn số ca bệnh COVID-19 tại Staten Island tính riêng thôi. “Thường với các bệnh mới xuất hiện, chúng tôi gặp 100 hay 200 ca trong cả sự nghiệp của mình chứ không phải chỉ trong vòng có 1 tuần như thế này,” Megan Coffee, bác sĩ bệnh truyền nhiễm của trung tâm Y tế NYU Langone Health cho hay. Và “với các bệnh khác nếu gặp đủ nhiều các ca thì chúng tôi cũng sẽ bắt đầu thấy các hiện tượng bất thường thôi.” Ví dụ như trong đợt dịch cúm năm 2009, các bác sĩ cũng ghi nhận các vấn đề về tim, thận, thần kinh ở người bệnh. Vinay Prasad, nhà huyết học và bác sĩ ung thư tại trường Đại học Y và Khoa học Oregon đặt ra câu hỏi: “Liệu COVID-19 có thực sự khác biệt so với các căn bệnh khác không, hay chỉ là vì có rất nhiều ca nhiễm bệnh cùng một lúc?”
Bác sĩ Prasad lo rằng COVID-19 đã trở thành một căn bệnh lâm sàng kỳ lạ – vì mọi người cho rằng nó khác biệt đến nỗi căn bệnh này đòi hỏi một cách chữa trị hoàn toàn mới. Ông cho rằng “Con người rất hay kết nối sự việc với nhau, và đặt trong hoàn cảnh có nhiều nỗi hoang mang, sợ hãi, và có nhiều sự cường điệu như hiện nay thì cách tiếp cận vấn đề giống như lang băm hiện nay cũng là điều dễ hiểu.” Ví dụ như đã bắt đầu có những tranh luận gay gắt về việc có nên cho bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu không, bởi vì có vẻ như rất nhiều người có biểu hiện tụ máu, hay về việc có nên dùng máy thở hay không. Những vấn đề này có thể đều cần được giải quyết, và trong trường hợp một căn bệnh mới thì các bác sĩ phải nhanh nhạy và sáng tạo để có thể xử lý chúng, tuy nhiên cũng phải xem xét cẩn thận. “Các bác sĩ lâm sàng thường bị áp lực rất lớn, và điều này làm ảnh hưởng đến khả năng xử lý thông tin của họ,” McLaren nói. “Có thực là phương pháp điều trị này có hiệu quả không, hay là chỉ vì tôi muốn nó có hiệu quả trong lúc đang cảm thấy bất lực?”
Chúng ta hãy bàn về hydroxychloroquine – loại thuốc chống sốt rét đã được Nhà Trắng và các nhà bình luận cánh hữu cho là thứ “thay đổi cục diện” của COVID-19. Các thử nghiệm ban đầu của Pháp đã cho rằng loại thuốc này có thể chữa được COVID-19, nhưng sau này đã bị phát hiện là có nhiều sai lầm trong nghiên cứu. Các thí nghiệm này đã không tuân thủ đúng các yếu tố nghiên cứu khoa học quan trọng như việc chia bệnh nhân một cách ngẫu nhiên thành 2 nhóm để so sánh, hay đã không có nhóm kiểm soát để đảm bảo là thuốc có thực sự có công dụng chứ không chỉ là do bệnh nhân được chăm sóc y tế nói chung. Các nhà khoa học đứng đầu các nghiên cứu này đã lên tiếng phản đối cái được gọi là “sự cứng ngắc của các chuyên gia về phương pháp”, bởi vì việc chia nhóm ngẫu nhiên và có nhóm kiểm soát là rất khó thực hiện trong thực tế cấp bách. Và họ cho rằng nên chống lại các quy định này chứ không nên coi chúng là trụ cột của cách chữa trị hiệu quả.
Các nghiên cứu lớn (nhưng vẫn còn sơ khai) của Mỹ, Pháp, và Trung Quốc cho thấy có nhiều điểm nghi vấn về tính hữu hiệu của hydroxychloroquine. Và bởi vì loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng tới tim, nên Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) đã đưa ra khuyến cáo về việc không nên sử dụng thuốc này bên ngoài các nghiên cứu lâm sàng. Các thử nghiệm lâm sàng này sẽ cho ra các kết quả rõ hơn vào cuối hè, và có thể là loại thuốc này vẫn sẽ được chứng minh là hiệu quả. Nhưng hiện giờ thì các bác sĩ vẫn kê đơn có hydroxychloroquine mà không biết nó có tác dụng gì hay không, và đặc biệt là họ không biết nó có gây hại nhiều hơn lợi không. Trong lúc đó thì những người bị bệnh Lupus hay viêm khớp kinh niên là những người thực sự cần hydroxychloroquine thì lại không có đủ để dùng. Không phải là tất cả mọi nghiên cứu mới mẻ đều đóng góp thêm các hiểu biết về COVID-19. Mà những nghiên cứu tồi còn gây hại bởi chúng tạo ra sự tự tin không đúng chỗ, làm cho tình hình thêm bất ổn.
3.Về việc nghiên cứu
Kể từ khi bắt đầu đại dịch đã có hơn 7.500 bài báo khoa học về COVID-19 được xuất bản. Dù vậy “vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể,” Carl Bergstrom, nhà dịch tễ học và nhà nghiên cứu xã hội học về khoa học tại Đại học Washington nhận xét. Ông cho hay điều quan trọng nhất được rút ra là việc nhận ra rằng virus có thể được lây truyền trước khi người bệnh biểu hiện triệu chứng. Nhưng chúng ta cũng mất một thời gian dài mới rút ra được kết luận đó. Một nghiên cứu của Đức đã gợi ý về điều này từ đầu tháng 2 nhưng nó lại có khiếm khuyết. Và các ý kiến khoa học chỉ thực sự thống nhất sau khi đã có bằng chứng từ nhiều hướng, bao gồm các báo cáo trường hợp, các mô hình cho thấy hầu hết các ca nhiễm đều chưa được phát hiện, và các nghiên cứu cho thấy vào lúc triệu chứng bắt đầu xuất hiện thì lượng virus đã đạt đến đỉnh điểm.
Đây mới là cách khoa học thực sự diễn ra trên thực tế. Nó thường không phải là những khám phá lớn có tính chất quyết định như báo chí hay miêu tả, mà thường là những bước sẩy chân thất thường, khiến ta tiến dần về hướng ngày càng bất định hơn. “Các kết luận lúc đầu sẽ thường thay đổi, nhưng rồi câu trả lời sẽ dần hiện ra,” Natalie Dean, chuyên gia thống kê của trường Đại học Florida nói. “Đây là quá trình thường diễn ra trong nghiên cứu khoa học, nhưng với những ai không quen thì lại cảm thấy nó có vẻ mâu thuẫn.”
Chẳng hạn như việc các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford gần đây đã xuất hiện trên các trang nhất sau khi họ tiến hành kiểm tra lượng kháng thể chống lại coronavirus trong 3.330 người tình nguyện ở Quận Santa Clara. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng có khoảng 2,5 đến 4,2% người trong số đó đã bị nhiễm virus, cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức. Họ cho rằng điều đó có nghĩa là loại virus này gây tử vong ít hơn ta tưởng, và việc cách ly nghiêm ngặt là phản ứng thái quá – những ý kiến họ đã từng đưa ra trước đây trong các bài bình luận. Nhưng các nhà khoa học khác, trong đó có các chuyên gia thống kê, chuyên gia virus, và các nhà sinh thái bệnh học, đã lên tiếng phản đối phương pháp và các kết luận của nghiên cứu này.
Việc đánh giá về nghiên cứu Santa Clara này xứng đáng có một bài viết riêng, nhưng cũng không chứng minh được gì, bởi vì các nghiên cứu khi đứng một mình sẽ không có tác dụng thay đổi cục diện những hiểu biết của chúng ta về COVID-19. Tới giờ đã có khoảng 30 cuộc “khảo sát huyết thanh” (serosurvey) tương tự được công bố. Những cuộc khảo sát đã và sắp được thực hiện sẽ góp phần làm rõ số lượng người đã nhiễm virus. Ngay cả lúc đó thì kết quả vẫn phải được cân nhắc cùng với các thông tin khác. Ví dụ những tường thuật của các bác sĩ và y tá ở New York hay Lombardy đã chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có thể làm tê liệt hệ thống y tế như thế nào. Có thể là con số chính xác về tỷ lệ tử vong do loại virus này gây ra vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà chuyên môn, nhưng thực tế những thiệt hại mà nó gây ra tại các bệnh viện thì đã rõ ràng.
Đối với một người ngoài ngành thì các tranh luận khoa học về cuộc nghiên cứu ở Santa Clara có vẻ gay gắt, nhưng đó thực tế lại là một việc rất thường nhật trong giới chuyên môn. Tuy nhiên, những cuộc tranh cãi như vậy thường kéo dài trong nhiều tháng, vậy mà giờ đây chúng lại diễn ra trong vài ngày, trước mặt công chúng. Những nhà dịch tễ học vốn chỉ quen tương tác với đồng nghiệp của mình thì giờ lại có số người theo dõi tăng vọt trên Twitter. Họ bỗng bị đẩy vào các cuộc tranh luận chính trị. “Những phóng viên thuộc các đảng phái tìm thấy các thông tin này và sử dụng từng nghiên cứu hợp ý mình để làm vũ khí tấn công phía đối diện,” Bergstrom cho biết. “Những nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thì đã quen với việc này, còn chúng tôi những nhà dịch tễ học thì chưa từng phải đối đầu với nó.”
Nếu là trước đây thì những vấn đề gây khúc mắc trong nghiên cứu ở Santa Clara hẳn đã được đưa ra bàn luận trong quá trình bình duyệt, tức là quá trình một nghiên cứu khoa học được các nhà nghiên cứu khác đánh giá trước khi được xuất bản trong một tạp chí nào đó. Tuy nhiên, cũng giống với nhiều nghiên cứu về COVID-19 khác, nghiên cứu này được xuất bản dưới dạng tiền bản (preprint), chưa được bình duyệt. Các bài báo tiền bản giúp các nhà khoa học có thể nhanh chóng chia sẻ các số liệu của mình, và trong một đại dịch thì tốc độ là hết sức quan trọng. Một số nghiên cứu nòng cốt đã được đăng và bàn luận cả tháng trước khi chính thức xuất bản.
Các bài báo tiền bản cũng khiến các nghiên cứu còn nhiều lỗ hổng được công bố ngay cho công chúng, tuy vậy đó không phải là vấn đề của riêng loại báo cáo này. Bài báo đầu tiên về hydroxychloroquine và COVID-19 kể trên tuy có lỗi nhưng đã được chính thức xuất bản trong một tạp chí bình duyệt, mà chủ biên là một trong những tác giả bài báo. Một tờ tạp chí khoa học khác cũng đã cho xuất bản bài báo tuyên bố rằng loại coronavirus mới này có lẽ xuất phát từ loài tê tê, cho dù trước đó hầu hết các chuyên gia virus đã xem xét và bác bỏ ý kiến này.
Thực chất thì những bài báo tiền bản được tung lên mạng cũng đã bị săm soi rất kỹ rồi. Bài nghiên cứu về Santa Clara có thể chưa được bình duyệt chính thức, nhưng chắc chắn là nó đã được xem xét và bình phẩm rất kỹ bởi những người trong nghề rồi. Ngày nay, các nhà báo rất dễ biết được là các nghiên cứu mới được tiếp nhận và đánh giá ra sao, nhưng chỉ ít người trong số họ giải thích cho công chúng về những cuộc tranh luận này. Những người khác đôi khi còn đăng thông tin về những nghiên cứu mới được công bố sơ qua và còn chưa ra tiền bản. “Nguyên tắc đăng tin về các bài báo tiền bản cũng không khác gì khi đăng về các bài báo xuất bản trên tạp chí khoa học. Mọi thứ phải được kiểm tra cẩn thận kỹ nhất có thể,” nhà báo Ivan Oransky chia sẻ với tổ chức giám sát báo chí Y tế Health News Review.
Việc đánh giá kỹ càng này sẽ cần thiết hơn nữa trong lúc đại dịch tiếp tục hoành hành. Julie Pfeiffer từ trường Đại học UT Southwestern, một biên tập viên của Journal of Virology (Tạp chí Virus học), cho hay cô và đồng nghiệp đã nhận được vô số các bài báo với chất lượng kém đến nỗi không thể gửi đi để bình duyệt được. “Những bài báo này không nên được xuất bản ở bất cứ đâu,” cô nói, “thế rồi chúng lại rút cục có mặt [trên một trang tiền bản].” Một số bài trong đó là do những người không có chuyên môn dựng vội một mô hình toán học sơ sài rồi đem nộp; một số bài khác là từ các chuyên gia virus học đột nhiên chuyển sang nghiên cứu coronavirus và “vì muốn giành vị trí đầu tiên nên họ đã đem nộp những công trình mà bình thường thì họ sẽ không công bố,” Pfeiffer cho biết. “Đúng là có một số người thực sự muốn giúp một tay, nhưng cũng có rất nhiều người đang lợi dụng tình huống.”
4.Về các chuyên gia
Tháng trước, chuyên gia pháp lý Richard Epstein đã phát biểu rằng “sự hoảng loạn có tổ chức hiện nay ở Hoa Kỳ có vẻ rất vô lý” và rằng với việc đại dịch tiếp tục diễn ra thì “sẽ có thêm nhiều tin tốt hơn là tin xấu.” Bài phát biểu này của ông ta đã lan rộng trong các nhóm bảo thủ và chính quyền Trump. Trong bài phỏng vấn với Isaac Chotiner của tờ The New Yorker, khi được hỏi về chuyện ông ta không có chuyên môn về dịch tễ học thì Epstein đã trả lời: “Một trong những kỹ năng mà anh có khi làm luật sư là việc kiểm tra chéo. Trong sự nghiệp của mình tôi đã dành rất nhiều thời gian để dạy nhân viên y tế về những thứ như thế này.” Ban đầu, bài viết của ông ta đoán rằng sẽ có khoảng 500 người Mỹ chết vì COVID-19. Sau đó ông ta sửa lại con số dự đoán thành 5.000. Nhưng thực tế cho đến nay con số tử vong đã là 58.000 và vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Nhiều người khác tuy không làm trong ngành dịch tễ học nhưng cũng có vẻ như đã tích lũy nhiều chuyên môn trong ngành này vậy. Nhà sử học quân sự Victor Davis Hanson đã đề xuất ý tưởng được nhiều người chia sẻ rằng coronavirus đã lây lan ở California từ mùa thu năm ngoái – ý tưởng này đã bị phủ nhận bằng các nghiên cứu về di truyền cho thấy ca đầu tiên ở Mỹ có khả năng xuất hiện sớm nhất là vào tháng 1. Trong một cuộc họp của Nhà Trắng, có tin cho biết chuyên gia kinh tế Peter Navarro đã chỉ vào một loạt bài nghiên cứu về hydroxychloroquine và nói rằng: “Đây là các bằng chứng khoa học chứ không chỉ là những giai thoại” trước mặt Anthony Fauci, người đã làm việc trong ngành y tế công cộng từ 5 thập kỷ qua và hiện đang điều hành Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm. Kỹ sư công nghệ Aaron Ginn của Silicon Valley thì đã tự xuất bản bài báo trên trang Medium với tiêu đề “Bằng chứng thay vì sự cuồng loạn đối với COVID-19”. Bài báo này đã bị Bergstrom bác bỏ và bị gỡ xuống, nhưng trước đó đã có hàng triệu lượt xem.
Chuyên môn không chỉ là kiến thức mà còn bao gồm khả năng nhận ra các sai sót. Ginn đã không thể nhận ra các sai lầm trong công trình của chính mình còn Bergstrom thì có thể. Còn chúng ta thì chắc sẽ thuộc về nhóm thứ nhất hơn là nhóm thứ 2. Chúng ta đói thông tin, nhưng lại không biết cách đánh giá tin tức cũng như nguồn cung cấp tin. “Hiện giờ đang xảy ra một cuộc khủng hoảng về nhận thức luận: Chuyên môn thì ở khắp nơi nhưng lại chả có các công cụ để ta phân biệt nó với những thứ khác,” Zeynep Tufekci, một nhà xã hội học của Đại học North Carolina và một công tác viên của tờ Atlantic, phát biểu. “Cũng không phải là vấn đề là họ có bằng cấp hay không. Tuy rằng nhiều người đã đăng nhiều bài viết rất dở trên trang Medium, nhưng có một vài bài rất tốt giải thích được vấn đề cho mọi người lại là do dân kỹ thuật viết.”
Bergstrom cũng đồng ý với ý kiến cho rằng các chuyên gia không nên đóng vai trò canh giữ kiến thức. Ông nói: “Có rất nhiều người tài ở khắp nơi, và giờ chúng ta cần mọi người chung tay giải quyết vấn đề.” Ví dụ, nhà phân tích môn khúc quân cầu David Yu đã tạo ra một công cụ cho thấy các dự đoán từ mô hình COVID-19 có ảnh hướng lớn nhất ở Mỹ hiện nay đã thay đổi theo thời gian như thế nào. “Trong vòng quãng 1 giờ thôi, công cụ này đã giúp tôi nhìn thấy những thứ mà cả 3 tuần tôi không nhận ra,” Bergstrom nói.
Việc thiếu chuyên môn trở thành vấn đề khi kết hợp với sự tự tin thái quá, và khi được đặt trong bối cảnh xã hội có xu hướng coi trọng việc thể hiện sự tự tin hơn là sự khiêm nhường. “Các nhà khoa học vốn được đào tạo để chỉ ra các điểm cần lưu ý thay vì đưa ra các tuyên bố chắc chắn,” Gralinski nói, “nhưng chính điều này lại khiến họ có vẻ như không hiểu chuyện gì đang xảy ra, và điều này dễ làm cho người ngoài trở nên hoài nghi.” Ngay chính ngành khoa học cũng không thoát khỏi quan điểm sai lầm này. Qua những cơ chế khiếm khuyết như giải Nobel chẳng hạn, ngành khoa học thường đề cao các cá nhân trong những công trình nghiên cứu vốn thường được thực hiện bởi một đội ngũ, do vậy nó đã góp phần làm mọi người tin vào ảo tưởng về các nhân tài đơn độc. Báo chí thì tập trung chú ý và đề cao những tiếng nói thẳng thắn nhưng không nhất thiết là đúng đắn. Và những tiếng nói này lại chủ yếu là từ nam giới.
Ý kiến cho rằng không ai là chuyên gia cả thực chất là khái quát quá mức. Vấn đề là ở chỗ chuyên môn hiện nay thường thiên về chiều sâu và hạn hẹp. Ngay cả trong ngành dịch tễ học, một người nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm sẽ hiểu biết về dịch bệnh nhiều hơn là một người nghiên cứu về dinh dưỡng chẳng hạn. Nhưng đại dịch đòi hỏi ta phải có cả chuyên môn sâu lẫn rộng. Để biết việc kiểm tra diện rộng có quan trọng trong việc kiểm soát đại dịch hay không thì ta nên lắng nghe các chuyên gia về y tế công cộng; còn để biết việc kiểm tra diện rộng có khả thi không thì ta lại nên lắng nghe các chuyên gia về chuỗi cung ứng. Để biết các xét nghiệm kháng thể có thể cho thấy ai đã miễn dịch với coronavirus hay không, hãy lắng nghe các nhà miễn dịch; còn để quyết định xem những xét nghiệm đó có phải là một ý hay hay không thì hãy lắng nghe các chuyên gia về đạo đức, nhân chủng học, và sử gia khoa học. Không ai biết được hết mọi điều, và không nên tin những ai tuyên bố rằng họ biết tất cả.
Trong một đại dịch, phẩm chất đáng tin nhất không nên là sự tự tin mà là việc nhận ra các giới hạn của mình, biết tham khảo những người có chuyên môn hơn mình, và thái độ sẵn sàng tham gia làm một thành phần của tập thể. “Một điểm chung dễ nhận thấy ở những nhà dịch tễ học tại gia này là họ đều đưa ra một giải pháp tổng thể cho mọi vấn đề,” Bergstrom nói. “Thường thì giải pháp tổng thể này sẽ đến từ các đội ngũ nghiên cứu đông đảo của các trường đại học tốt nhất… hoặc từ tầng hầm nhà ai đó.”
5.Về việc gửi thông điệp
Những tháng đầu đại dịch, khi coronavirus đang càn quét Trung Quốc, thì ngay cả các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm cũng đã đánh giá sai khả năng dịch bệnh sẽ trở thành một đại dịch. Vào ngày 26/1, chính Fauci cũng nói rằng loại virus này “có khả năng ảnh hưởng đến Hoa Kỳ rất rất thấp” và chỉ là một mối quan tâm của các nhân viên y tế cộng đồng chứ không phải của công chúng. Nhiều nhà báo cũng đã đưa ra các lời đảm bảo tương tự, và họ thường so sánh là cúm còn nguy hiểm hơn coronavirus.
Một vài quan chức có lẽ đã có lý khi tránh gây ra náo loạn không đáng có như trong đợt dịch Ebola ở Mỹ năm 2014. Việc nỗ lực để luôn bình tĩnh và cân nhắc là điều đáng ca ngợi – nhưng cũng phải tùy hoàn cảnh. “Việc gây hoang mang thường được cho là đồng nghĩa với việc reo rắc thông tin sai lệch, và thường thì đúng là vậy. Nhưng khi có việc xảy ra thì không ai dám phát biểu rằng: “Đây không phải chỉ là để gây hoang mang,” Tufekci, nhà xã hội học, phát biểu. “Chúng ta đang hành động theo kịch bản văn hóa, và khi kịch bản này thay đổi thì chúng ta cũng nên hành động khác đi.”
Việc cho rằng các chuyên gia đã cố tình coi thường nguy cơ cũng không hẳn là đúng. Vào ngày 26/1, Thomas Inglesby ở Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg đã đăng trên Twitter: “Chúng ta cần sẵn sàng cho khả năng là không thể khoanh vùng [coronavirus].” Tiếp đó ông đã đưa ra danh sách các khuyến cáo mà hiện giờ Mỹ vẫn chưa thực hiện hết được, như là việc chẩn đoán, có thêm thiết bị bảo hộ, và thông tin rõ ràng. Bốn ngày sau, Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA, và Luciana Borio, thành viên của văn phòng chuẩn bị cho đại dịch của Ủy ban An ninh Quốc gia mà giờ đã bị giải tán, cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ “hành động ngay” để tránh dịch bệnh ở Mỹ. “Tôi mong rằng từ sự việc này mọi người sẽ không kết luận là “Các chuyên gia đã sai lầm,”” Tufekci nói. “Nếu bạn theo dõi đúng người thì sẽ thấy là họ đã cực kỳ chuẩn xác. Chỉ là chúng ta đã không đặt họ vào vị trí đúng đắn để có thể nghe theo họ.”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã bị chỉ trích vì đã bám theo quá sát quan điểm của Trung Quốc vào tháng 1, và vì đã chậm chạp trong việc xác nhận rằng coronavirus đang lây giữa người với người và rằng tình hình đã lên đến mức đại dịch. Nhưng những vấn đề này không nên khiến chúng ta quên đi những việc WHO đã thực hiện nhằm khoanh vùng cuộc khủng hoảng. Và đây cũng không phải là cái cớ để biện minh cho những nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc chuẩn bị cho đất nước mình trong khi mối nguy đã hiện rõ hơn và WHO đã cảnh báo là họ cần hành động “xông xáo” và “nhanh chóng” hơn. Tuy nhiên những sai lầm của tổ chức này cũng chỉ ra những bài học về việc cung cấp trao đổi thông tin trong tình trạng khẩn cấp. Vào giữa tháng 1, tổ chức này đã cho ra một thông báo trên Twitter mà giờ đã trở nên nổi tiếng, trong đó họ đã cho rằng “không có bằng chứng cụ rõ ràng nào về việc loại coronavirus mới có khả năng truyền nhiễm từ người sang người” mà không bàn rõ về các chi tiết quan trọng khác, ví dụ như về một ca bệnh mới ở Thái Lan hay các lời khuyến cáo từ Đài Loan và Hồng Kông. Tufekci cho rằng: “Họ đã không báo hiệu gì cho thế giới biết cả.”
Có thể nói rằng Nhà Trắng và các quan chức khác của Mỹ cũng đã hành động như vậy, họ liên tục đảm bảo với người dân vào tháng 1, tháng 2, và thậm chí là tháng 3, rằng nguy cơ ở Mỹ thấp. Inglesby cho rằng ban đầu có thể là thế thật, nhưng các quan chức đáng lẽ cũng phải nói rõ rằng chúng ta chưa biết nhiều về tình hình bệnh dịch, rằng chưa có cách nào để đo đạc được tình hình vì chưa có các xét nghiệm; rằng virus đã lây ra khắp toàn cầu; và rằng các biện pháp kiểm soát như ở sân bay hay việc cấm đi lại thường không mấy hiệu quả. “Việc giải thích những lời tuyên bố một cách đầy đủ thường tốn nhiều thời gian hơn, nhưng đó là điều hay xảy ra khi dịch bùng nổ.” Inglesby nói. “Luôn có nhiều điều không chắc chắn, và chúng ta không nên cố tóm tắt tình hình một cách ngắn gọn quá.”
Vào cuối tháng 2, Nancy Messonnier, trưởng ban bệnh hô hấp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC), đã làm trái lệnh mà nói cho dân Mỹ biết rằng việc lây nhiễm virus trong cộng đồng ở Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Messonnier kêu gọi cả nước chuẩn bị cho việc đóng cửa trường học, thất nghiệp, “việc cuộc sống hàng ngày sẽ bị xáo trộn một cách ghê gớm,” và “sẵn sàng tâm lý cho những việc tồi tệ sắp xảy ra.” Ngay ngày hôm sau, Trump khẳng định là số ca “sẽ sớm giảm xuống gần bằng 0.” Hôm sau nữa, Giám đốc CDC, Robert Redfield, lại một lần nữa nhắc lại là “nguy cơ rất thấp,” và cho rằng Messonnier đáng lẽ nên diễn đạt hoa văn hơn. Ngay sau đó, Redfield nói: “Dân chúng Mỹ cứ nên sống như bình thường.” Gần đây thì các viên chức CDC đã gần như không lên tiếng gì nữa cả, dù họ đã luôn là tiếng nói có thẩm quyền trong các đại dịch trước đây.
Việc các nhà chức trách có phản xạ là phải làm yên lòng dân chúng thì cũng là một điều dễ hiểu, nhưng “điều quan trọng nhất là phải nói chính xác nhất có thể,” Inglesby nói. “Chúng ta nên trao cho mọi người thông tin để mọi người có thể làm những gì mình cho là đúng. Chúng ta nên nói cho mọi người rằng chúng ta không biết những gì, và khi nào thì sẽ có thêm thông tin.” (Tổ chức WHO đang dần rút ra bài học: Vào ngày 25/4, sau khi đăng trên Twitter thông tin sai lệch rằng “hiện không có bằng chứng cho thấy những người đã hồi phục sau COVID-19 và có kháng thể thì sẽ trở nên miễn dịch,” tổ chức này đã đưa ra lời giải thích rõ ràng và chính xác hơn vào sau đó.)
Giá như các quan chức – và các nhà báo – đã nói rõ về những điều chưa biết ngay từ đầu, thì công chúng đã có thể xem xét các tin tức mới trong bối cảnh hiện có, và hiểu được rằng các chứng cứ mới sẽ dẫn đến các chính sách mới. Còn nếu không thì các thông tin cập nhật sẽ gây ra sự bối rối. Khi CDC bỗng nhiên thay đổi ý kiến về việc đeo khẩu trang mà trước đó không giải thích rõ vì sao vấn đề này lại gây tranh cãi đến vậy, thì mọi việc trông có vẻ như hú họa. “Cách đưa ra thông tin như vậy rất nguy hiểm,” Kate Starbird của Đại học Washington cho hay. Cô là một chuyên gia nghiên cứu về việc trao đổi thông tin trong các cuộc khủng hoảng. “Điều này dẫn đến việc mất dần lòng tin vào các tổ chức. Và một khi công chúng không còn biết đâu là nguồn tin chính xác, họ sẽ dễ nghe theo các thông tin sai lạc.”
6.Về thông tin
Trong các sự kiện thời sự ví dụ như buổi xét xử luận tội Trump thì mọi người thường chia sẻ thông tin để cho người khác thấy họ tin vào điều gì, theo lời Renée DiResta của Đại học Stanford, người chuyên nghiên cứu về việc các câu chuyện lan truyền trên mạng như thế nào. Nhưng trong một thảm họa thì người ta thường chia sẻ thông tin “để làm người có ích cho cộng đồng,” cô nói. Việc chia sẻ giúp đem lại cảm giác tự chủ. Nó giúp người ta cùng nhau cố hiểu việc gì đang diễn ra trong những tình huống đầy lo âu và bất định. “Với một trận động đất thì chỉ cần nói chuyện với hàng xóm và vài ngày sau là bạn hiểu được việc gì đang diễn ra,” Starbird nói. “Còn với COVID-19 thì sự bất định này kéo dài hơn.”
Đại dịch kéo dài làm mọi người cứ bị tắc trong ở khoảng giữa. Để làm rõ tình hình cuộc sống hiện đang bị đảo lộn và chưa biết tương lai ra sao, người ta cố tìm mọi thông tin có thể – và họ không thể dừng lại được. “Chúng ta tìm kiếm thông tin ngày càng mới, và kết cục là ta tiêu thụ những thông tin sai lạc chưa được kiểm chứng nhưng lan truyền nhanh chóng,” Bergstrom nói. Đại dịch lại thường “diễn ra chậm chạp,” ông cho hay, và “không có sự kiện duy nhất nào làm thay đổi hoàn toàn cục diện ngay lập tức cả.” Nhưng ta lại có cảm giác vậy, bởi vì chúng ta liên tục tìm kiếm các thông tin cập nhật nhất. Thời xưa, phải mất rất nhiều công sức để tìm được đủ thông tin. Còn giờ đây, chúng ta lại mất sức vì tìm thấy quá nhiều thông tin.
Thêm vào đó, các kênh thông tin trên mạng lại thường bị cá nhân hóa và chính trị hóa quá mức, và bị điều khiển bởi các thuật toán mang xu hướng đề cao một số tuyên bố quá khích nào đó thay vì những tuyên bố chính xác nhưng phức tạp hơn. Trên Twitter, các thông tin sai lạc lan truyền nhanh hơn thông tin chính xác tới 6 lần. Nhưng “đấy không phải chỉ là vấn đề internet,” DiResta nói. “Với nhiều người, điều được coi là đúng lại là điều mà những người họ tin tưởng cho là đúng.” Điều này có nghĩa là ngay từ đầu, người Mỹ theo hướng cấp tiến và bảo thủ đã có cái nhìn rất khác nhau về đại dịch rồi.
Với việc thực tế đại dịch ngày càng trở nên rõ ràng, khoảng cách giữa các đảng phái cũng nhanh chóng khép lại. Nhưng cùng với thời gian thì các thông tin sai lạc (ở đây có nghĩa là các câu chuyện gây hiểu lầm được lan truyền với ý đồ tốt) sẽ dần bị thay thế bởi thông tin bịa đặt – những lời nói dối được cố tình dùng để “lợi dụng thảm họa nhằm chuộc lợi về chính trị,” Starbirds cho hay. Trong đống bùi nhùi của sự sợ hãi và hoang mang thì các thuyết âm mưu đang mọc lên như nấm.
Các buổi họp báo hàng ngày của Nhà Trắng chỉ làm mọi thứ rối thêm. Trump đã nhiều lần cố tình coi nhẹ đại dịch và chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc đã xử lý kém. Quân bài ông ta đưa ra vẫn không có gì mới: không nhận trách nhiệm, tìm người thế mạng, kích động xung đột văn hóa, và xuyên tạc sự thật theo ý mình (và ngay cả sự xuyên tạc đó cũng tự mâu thuẫn với chính nó). Danh sách những lời nói dối của Trump về coronavirus ngày càng dài ra, và dẫn đến những hậu quả cũng ngày càng nhiều thêm. Việc ông ta ca ngợi hydroxychloroquine khiến loại thuốc này giờ đang bị thiếu. Lời tuyên bố sai sự thật của ông ta về việc ai muốn thì sẽ đều được xét nghiệm đã làm cho người người lũ lượt kéo đến các bệnh viện hiện đã quá tải.
Một số nhà báo và nhà phê bình báo chí đã lên tiếng kêu gọi các kênh thông tin không phát trực tiếp buổi họp báo của Nhà Trắng nữa. Việc này có vẻ là quá khích, nhưng đúng là giờ đã đến thời kỳ quá khích khi mà các thông báo của tổng thống khiến các bác sĩ phải giải thích với mọi người là không nên uống chất tẩy. “Dù bạn có đặt ra các câu hỏi chính đáng như thế nào thì cũng không thể ngăn ông ấy đưa ra các thông tin sai lệch dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe được,” Jay Rosen, giáo sư về báo chí của NYU phát biểu. “Người ta cho rằng nếu nhiều nhà báo quyết tâm hơn thì sẽ giải quyết được vấn đề – nhưng thực tế là không phải vậy.”
Rosen cũng cho rằng cách làm quen thuộc của báo chí khi thường xuyên cho ra những tin tức cập nhật từng tẹo một cũng không phù hợp với việc đưa tin về một sự kiện lớn như đại dịch này. “Các nhà báo vẫn nghĩ nhiệm vụ của họ là tạo ra các nội dung mới, nhưng nếu mục đích của bạn là giúp công chúng hiểu được COVID-19 thì từng đoạn thông tin ra lần lượt sẽ không giúp bạn đạt được điều này,” ông nói. “Cần phải có rất nhiều vốn liếng kiến thức để có thể hiểu được những cập nhật đó, mà hệ thống báo chí thì rất tệ trong việc cung cấp [các kiến thức nền tảng đó].” Thay vào đó, những mảng thông tin ngắt đoạn chỉ làm tăng thêm tính bấp bênh vốn có của quá trình khoa học, khiến từng chứng cứ nhỏ một biến thành các điểm mấu chốt, và làm tăng cảm giác bất định vốn đã lên cao và đẩy nhiều người về phía các thông tin sai lạc.
Nếu báo chí không chịu thay đổi thì những người tiêu thụ thông tin có lẽ cần phải làm vậy. Starbird đề nghị chúng ta nên chậm lại và dành thời gian để kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ chúng. Bản thân cô ấy cũng không còn dành nhiều thời gian để đọc từng thông tin một về đại dịch, và dành nhiều thời gian hơn cho các nguồn tin địa phương. Cô cho đó là việc tương đương với hành động “rửa tay để tránh đại dịch thông tin.” Và điều đó có lẽ sẽ giúp xóa bỏ hiểu lầm rằng chúng ta có thể theo dõi đại dịch ngay tức thời.
7.Về các con số
Tốc độ thông tin lan truyền nhanh chóng tạo ra cảm giác rằng chúng ta có thể theo dõi chuẩn xác đại dịch ngay khi nó đang xảy ra. Nhưng những con số được đưa ra hằng ngày thực tế đã vẽ nên một bức tranh lệch lạc. Tháng 4 trôi đi và số ca cho thấy đại dịch đang được kìm hãm ở một phần nước Mỹ. Nhưng khó có thể biết chắc được điều đó. Như đồng nghiệp của tôi là Robinson Meyer và Alexis Madrigal đã đăng tin, 20% người Mỹ được xét nghiệm vẫn đang có kết quả dương tính. Con số này cao hơn hầu hết các nước phát triển khác, và không có chiều hướng thay đổi. Điều đó cho thấy Mỹ vẫn đang chủ yếu xét nghiệm những người có nguy cơ nhiễm virus cao, và vẫn chưa tìm ra hết phần lớn các ca bệnh. Nếu vậy thì số ca không tăng có lẽ là vì Mỹ đã đạt đến giới hạn khả năng tìm ra người bị nhiễm virus rồi.
Điều này làm cho kế hoạch của chính phủ thêm phần rắc rối khi muốn nới lỏng đất nước sau khi có “số ca giảm liên tục trong vòng 14 ngày.” Nếu số ca nhiễm không được tính một cách chính xác thì tiêu chuẩn này cũng không có nghĩa lý gì. “Tôi thì tôi sẽ muốn biết chúng ta đã xét nghiệm đủ chưa để có thể tin rằng số ca thực sự đang ổn định,” Dean, một chuyên gia thống kê của Đại học Florida phát biểu. “Tôi chưa tin là chúng ta đã đạt được điều này.”
Khi nhìn vào số ca chính thức, hãy nhớ rằng: Những con số đó không phải là số người bị nhiễm mỗi ngày. Chúng cho thấy số xét nghiệm đã được thực hiện (tuy rằng vẫn chưa đủ), khoảng cách thời gian từ lúc xét nghiệm cho đến lúc có kết quả (có thể dài), và tỷ lệ âm tính nhầm (có vẻ cao). Cũng vậy, con số tử vong hằng ngày cũng không cho thấy tỷ lệ tử vong do virus trong thực tế. Con số này thường thấp vào cuối tuần vì có gián đoạn trong thời gian báo cáo.
Nói chung, khó tính toán được số ca tử vong, và đối với mỗi bệnh cách tính toán lại khác nhau. Trung tâm CDC ước tính bệnh cúm khiến 24.000 đến 62.000 người Mỹ thiệt mạng mỗi năm, và nhìn qua thì giống với con số 58.000 người thiệt mạng vì COVID-19 cho đến lúc này. Nhưng sự so sánh này dễ gây ra hiểu lầm. Con số tử vong vì COVID-19 được tính dựa trên số ca dương tính trong xét nghiệm coronavirus hoặc dựa vào chẩn đoán lâm sàng. Còn con số tử vong do cúm lại được ước tính dựa vào một mô hình về số bệnh nhân nhập viện và số giấy chứng tử, và xem xét khả năng là có nhiều ca tử vong do cúm mà không được tính là cúm. Nếu số ca tử vong vì cúm được tính như với COVID-19 thì nó sẽ thấp hơn hiện giờ nhiều. Điều này không có nghĩa là chúng ta ước tính tỷ lệ bệnh cúm cao quá. Nó có nghĩa là chúng ta có thể là đang ước tính tỷ lệ COVID-19 thấp quá.
Các cách thu thập số liệu luôn khiến việc diễn giải những số liệu đó trở nên phức tạp. Hãy xem xét những bài báo tuyên bố rằng coronavirus có thể “tái phát” ở những bệnh nhân đã hồi phục, hay rằng người ta có thể bị “nhiễm lại.” Điều này có nghĩa là bệnh nhân có kết quả dương tính dù trước đó đã được xét nghiệm âm tính. Nhưng việc này có thể không liên quan gì đến virus mà chỉ liên quan đến cách xét nghiệm. Các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 cho ra rất nhiều tỷ lệ âm tính nhầm, với việc 15 đến 30% người bị nhiễm được báo là không có virus. Và thậm chí ngay cả khi các xét nghiệm này chính xác hơn thì lượng virus trong một bệnh nhân đang hồi phục cũng sẽ giảm xuống dưới ngưỡng đo được. Khi các bệnh nhân này được xét nghiệm lại thì vài người trong số họ sẽ có kết quả lúc âm lúc dương, khiến họ dễ tưởng là đã bị nhiễm lại.
Tỷ lệ dương tính nhầm cũng là một vấn đề. Nhiều công ty và quốc gia đã đặt hy vọng vào các xét nghiệm kháng thể, chúng được cho là sẽ chỉ ra ai là người đã từng bị nhiễm coronavirus. Một trong số những loại xét nghiệm này đã được tuyên bố là có khả năng xác định với tỷ lệ chính xác là 93,8%. Và nó chỉ phát hiện kháng thể trong 4,4% số người không bị nhiễm. Tỷ lệ dương tính nhầm này trông có vẻ chấp nhận được. Nhưng thực ra là không phải vậy. Giả sử 5% dân số Mỹ đã nhiễm virus. Trong số 1.000 người thì xét nghiệm này sẽ phát hiện chính xác kháng thể ở 47 người trong số 50 người đã nhiễm. Nhưng nó cũng sẽ xác định kháng thể ở 42 người trong số 950 người không bị nhiễm. Số ca dương tính chính xác và dương tính nhầm ở đây là gần như bằng nhau. Trong hoàn cảnh này, nếu bạn được cho biết là bạn có kháng thể coronavirus thì tỷ lệ đúng sai cũng chỉ nhỉnh hơn việc tung đồng xu một ít thôi.
Tất cả những điều này không có nghĩa là mọi thứ đều đi tong cả và chúng ta không thể đo đạc gì về đại dịch này. Số ca tính đến nay có thể không chính xác, nhưng chắc chắn là nó quá thấp chứ không quá cao so với thực tế, và có nhiều khả năng nó sai số trong vòng 10 lần chứ không phải 100 lần. Các con số vẫn có ý nghĩa, chỉ là chúng hỗn độn và khó hiểu, đặc biệt là trong lúc này. Trên điện thoại của mình, tôi có thể nhìn thấy các quy luật thời tiết, vị trí của mọi máy bay trên trời, và số người đang đọc bài báo này, tất cả đều theo thời gian thực. Nhưng tôi không thể có những thông tin tương tự ngay tức khắc về đại dịch. Những con số tôi nhìn thấy phản ánh nhiều về các công cụ mà các nhà khoa học đang dùng chứ không chỉ về các đại lượng họ đang đo đạc. “Tôi cho rằng người ta không biết đo đạc nói chung khó đến mức nào,” Dean nói. “Đối với chúng tôi, những người làm trong ngành y tế công cộng, thì tìm cách đo đạc các đại lượng đã chiếm đến 80% vấn đề cần giải quyết rồi.”
Nếu việc đo đạc hiện tại đã khó thì việc tiên đoán tương lai càng khó hơn. Các mô hình toán học được sử dụng trong việc quyết định cách đối phó với đại dịch trên toàn cầu đã được cho là rõ ràng rành mạch như những quả cầu thủy tinh. Nhưng đó không phải là mục đích của chúng. Thay vào đó, chúng cho thấy phạm vi các khả năng, và giúp các nhà khoa học cùng các nhà hoạch định chính sách hiểu việc gì sẽ diễn ra nếu chọn một hướng hành động nhất định. Các mô hình cho thấy nhiều khả năng có thể xảy ra, và cho phép chúng ta chọn một trong số đó. Và dù cho các dự đoán trong tương lai xa thường không rõ ràng, nhưng không nhất thiết là chúng ta không thể biết được hướng đi trước mắt. “Về lâu dài thì giống như đang cố dự đoán đường đi của một chiếc lá đang rơi, còn về trước mắt thì chỉ như mô phỏng một quả bóng bowling đang rơi vậy,” Dylan Morris, một chuyên gia mô phỏng bệnh dịch tại Princeton cho hay. Ông nói thêm rằng những điều khó đoán trong năm tới không nên làm lu mờ việc “chúng ta biết được chắc chắn rằng các hậu quả tức thì sẽ đáng sợ và tàn khốc thế nào” nếu không kiểm soát được đại dịch.
8.Về cách kể chuyện
Vào giây cuối cùng của ngày 31/12/1999, đồng hồ đã điểm báo thời khắc bắt đầu thiên niên kỷ mới, và… không có gì lạ diễn ra cả. Sự cố máy tính Y2K được cho là sẽ gây ra nhiều hỗn loạn trên thế giới đã không gây ra việc gì đáng kể. Hai mươi năm sau, Y2K được gắn với sự phản ứng quá đáng, nó được nhớ tới như là thời điểm loài người đã hoảng hốt chả vì lý do gì cả. Nhưng thực sự thì không phải vậy. Đó thật ra đã là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng hầu hết những lo lắng đó đã không trở thành hiện thực phần lớn là nhờ vào nỗ lực giải quyết của rất nhiều người. “Có 2 bài học được rút ra từ việc tránh được thảm họa,” Tufekci nói. “Một là: Mọi việc đã được nói quá lên. Và bài học còn lại à: Suýt nữa thì đi tong.”
Tháng trước, một nhóm nghiên cứu của trường Imperial College London đã cho ra một mô hình dự đoán rằng nếu không được kiểm soát thì đại dịch coronavirus sẽ cướp đi sinh mạng của 2,2 triệu người Mỹ. Vậy nên nó đã được kiểm soát. Các thống đốc và các thị trưởng đã cho đóng các cửa hiệu, trường học, đã cấm các cuộc hội họp lớn, và ra lệnh cho mọi người ở nhà. Những biện pháp giãn cách xã hội đó đã được thực hiện một cách thất thường và thiếu đồng bộ, nhưng dù sao cũng có vẻ đã có tác dụng. Số người tử vong vẫn tăng, nhưng có vẻ là sẽ không đến 2,2 triệu như dự đoán xấu nhất. Thật hú hồn. Hoặc như một số chuyên gia bình luận đã tuyên bố, mọi việc đã bị thổi phồng lên.
Coronavirus cũng không khác gì sự cố Y2K, nó là một nguy cơ có thật nhưng vô hình. Khi một trận bão hay động đất xảy ra thì sự nguy hiểm hiện rõ, mối lo ai cũng thấy được, và hậu quả cũng rành rành trước mắt. Ai cũng biết khi nào cần phải tìm chỗ trú, và khi nào đủ an toàn để ra ngoài. Nhưng virus thì nằm ngoài ngưỡng nhận biết của giác quan. Cả mức nguy cơ lẫn an toàn đều không rõ ràng. Mỗi lần ra ngoài đi dạo (với khẩu trang) tôi lại thấy choáng váng khi nghĩ về việc thế giới đã hoàn toàn bị thay đổi nhưng trông vẫn như cũ. Tôi vẫn có thể đọc về chuyện những người kém may mắn hơn – những người đã bị mất mát, và những người đã mất. Nhưng tôi không thể đọc về những mất mát đã không xảy ra, bởi vì chúng đã được ngăn chặn. Có thể là nên phòng chống hơn là nên chữa trị, nhưng việc phòng tránh lại không động đến tâm can bằng việc chạy chữa.
Coronavirus không chỉ lợi dụng tế bào của chúng ta, mà nó còn khai thác cả những thành kiến trong nhận thức của ta. Con người thường hay dựng lên các câu chuyện để có thể rút ra được ý nghĩa từ những điều bất định, và để có được mục tiêu từ đống hỗn độn. Chúng ta thèm khát những kịch bản giản đơn, nhưng đại dịch lại chẳng mang lại cho ta cái gì như thế cả. Sự phân chia đơn thuần giữa một bên là cứu mạng sống và một bên là vớt vát nền kinh tế làm người ta hiểu lầm và không nhận thấy là cả các nhà dịch tễ học lẫn kinh tế học đều đồng thuận cho rằng Mỹ không nên mở lại sớm quá. Việc thần tượng hóa nhân viên y tế và nhân viên bán hàng đã lờ đi việc họ đang phải gánh chịu những nguy cơ to lớn như thế nào, trong khi các thiết bị bảo hộ thiếu thốn như thế nào. Việc đang dần có nhiều các cuộc biểu tình nhỏ chống lại lệnh phong tỏa đã khiến ta bỏ qua sự thật là hầu hết những người thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý rằng cần phải thực hiện giãn cách xã hội “cho đến khi giảm được tốc độ truyền nhiễm coronavirus.”
Và việc muốn lôi một thế lực cụ thể nào đó ra để đổ tội, dù là Đảng Cộng sản Trung Quốc hay là Donald Trump đi nữa, cũng đã bỏ qua sự thực rằng các phương diện của cuộc sống ở thế kỷ 21 này chính là nguyên nhân khiến đại dịch xảy ra. Cụ thể là sự mở rộng không ngừng những ảnh hưởng của loài người đến môi trường tự nhiên, việc đi lại bằng máy bay ngày càng nhiều, hệ thống y tế khiến việc phải đi làm thuê mới được chăm sóc sức khỏe, mạng xã hội loan tin thất thiệt, việc đánh giá thấp các chuyên gia, việc đẩy người già ra lề xã hội, và việc kỳ thị có hệ thống kéo dài hàng thế kỷ khiến sức khỏe của những người thiểu số và dân tộc bản địa trở nên yếu kém. Chúng ta sẽ thấy dễ đồng ý rằng nguyên nhân đại dịch là do có người cố tình thả coronavirus ra chứ khó mà chấp nhận sự thật rằng chính chúng ta đã tạo ra một thế giới dễ bị mắc đại dịch trong khi chưa sẵn sàng đối phó với nó.
Trong các câu truyện cổ tích về cuộc phiêu lưu của các vị anh hùng, nhân vật chính luôn là một người miễn cưỡng phải rời xa cuộc sống yên ổn để đi về hướng bất định, và phải vượt qua nhiều thử thách để rồi quay trở về nhà sau khi đã thay đổi hoàn toàn. Trong câu chuyện coronavirus thì nhân vật này không phải là bất cứ cá nhân nào mà là toàn thể thế giới. Còn chuyến phiêu lưu cũng như bản chất sự thay đổi cuối cùng của nhân vật thì sẽ được đúc kết từ trí tưởng tượng và hành động tập thể của tất cả chúng ta. Và cũng như mọi thứ khác lúc này đây, chúng ta vẫn không rõ hành trình này sẽ đi đến đâu.
Phương Anh dịch
Nguồn: The Atlantic