Home Ngẫm Chuyển đổi hay Khải huyền (tản mạn trong những ngày dịch bệnh COVID-19)

Chuyển đổi hay Khải huyền (tản mạn trong những ngày dịch bệnh COVID-19)

Khải huyền không phải một sự chấm dứt. Khải huyền không phải sự bắt đầu. Đó là cuộc tấn công mang tính cưỡng chế của tự nhiên (hoặc các vị thần, hoặc Thiên Chúa, hoặc bạn thích gọi là cái gì thì nó là cái ấy) với mục đích rõ rệt: Có chuyển đổi đang diễn ra đồng bộ từ tinh thần đến vật chất, và nếu chúng ta cố níu kéo đời sống cũ kỹ đã được mặc định thành truyền thống, thành trật tự… thì tự nhiên buộc phải giáng những đòn mạnh mẽ. Và đáng lý thời đại chuyển đổi trong hài hòa, thì bấy giờ lại chuyển đổi khốc liệt. Khải huyền là sự chuyển đổi khốc liệt tới mức con người run sợ.

Con người run sợ bởi họ không sẵn sàng. Tại sao phải thay đổi, khi họ đang rủng rỉnh tiền bạc, đang được chăn êm đệm ấm, đang tự đắc với những suy nghĩ điên rồ được lây lan chỉ để mua vài cuộc vui trần thế…? Những cảnh báo của môi trường, của xã hội lướt qua tai họ và họ cố tình lờ đi. Nếu những cảnh báo quá nhiều, họ sẽ lý luận và bao biện bằng các lý thuyết, các mô hình. Hay tệ hơn, họ tặc lưỡi: “Cứ vui đi! Sợ gì! Quan trọng là mình vui trong từng khoảnh khắc”. Nhưng tất cả chuỗi ngày phè phỡn và phởn phơ sẽ chấm dứt khi khải huyền rơi trúng đầu. Mọi sở hữu đều là hư vô, mọi khoái lạc không cứu rỗi được con người khỏi cơn run sợ.

Những lý lẽ này dường như quá cũ kỹ. Người xa xưa truyền lại rất nhiều kịch bản tận thế: đại hồng thủy, dịch bệnh, núi lửa, động đất… Các nhà văn khoa học viễn tưởng cũng dày công xây dựng nhiều kịch bản hậu tận thế, khi người còn sống sót xây dựng lại thế giới từ tàn dư. Nhưng lịch sử loài người dường như không vận hành theo cách ấy.

Ám ảnh tận thế…

Những đại nạn diễn ra với con người có thể mang tính cục bộ ở một vài địa phương.

Trong xã hội cổ đại, với dân số thưa thớt và co cụm, thiếu tương tác với các nhóm dân cư xa xôi khác, thì một đại nạn xảy ra cũng có thể dẫn đến tận thế.

Một trận lũ kinh hoàng nhấn chìm một thành bang có thể đã là đại hồng thủy. Một dịch bệnh lạ xảy đến với những bộ lạc châu Mỹ xa xôi vốn thiếu ý thức về vệ sinh và không có các phương pháp y học thích hợp cũng chính là ngày tận thế của các thổ dân. Động đất và phun trào núi lửa ở một đô thành xây dựng trên nền đất chưa ổn định, gây ra cái chết đột ngột của toàn bộ hoàng gia và người dân, tận thế cũng đã từng diễn ra theo cách ấy. Những đại nạn trầm trọng trong cộng đồng, qua lớp khúc xạ của tâm thức nguyên thủy, bỗng nhiên trở thành sự hủy diệt mà con người phải đón nhận bởi sự phẫn nộ của các vị thần hay Thiên Chúa. Kẻ được lợi là những tư tế của các vị thần hay Thiên Chúa. Và con người chỉ biết níu bám niềm tin vào các thế lực siêu hình ấy, hi vọng rằng mình sẽ không phải trải qua cơn run sợ hãi hùng trước khải huyền, để họ lại tiếp tục vui lòng với trật tự cũ của mình. Cho tới khi, đại nạn lại xảy đến, và có lẽ họ sẽ đổ lỗi cho niềm tin tổ tông mình đã chọn, rồi chạy tới bấu víu một niềm tin mới.

Đó là cách con người chúng ta đối phó với cơn ám ảnh tận thế trong những kỷ nguyên bị chia cắt và mông muội.

Đại nạn có thể xảy đến với một địa bàn rộng lớn khi con người mở rộng tương tác.

Dịch hạch là đại dịch đầu tiên trên thế giới có mức độ ảnh hưởng lớn trên lục địa Á – Âu. Vó ngựa của quân Mông Cổ đã đưa dịch hạch – Cái Chết Đen từ Trung Quốc, đến Trung Đông, Bắc Phi và Châu Âu. Ước tính, đại dịch này đã giết chết gần 60% dân số thế giới bấy giờ trong suốt thế kỷ 14. Cái Chết Đen còn nhiều lần quay lại Châu Âu cho đến thế kỷ 17. Nhưng Cái Chết Đen không được coi là tận thế. Bởi vì khi một đại nạn xảy đến trên diện rộng tới vậy, nó đã thách thức dân cư của nhiều nền văn minh, và việc tìm ra thuốc chữa hay biện pháp phòng ngừa liên tục được thử nghiệm. Kết quả xử lý triệt để giải quyết dịch bệnh là điều khả thi hơn so với một địa phương riêng biệt phải hứng chịu. “Sự cứu rỗi” không thuộc độc quyền của một tôn giáo hay một chính quyền, mà được lan truyền qua tri thức. Ở ý nghĩa khải huyền, Cái Chết Đen chính là chung cuộc cho đêm trường Trung Cổ, mở cửa cho ánh sáng tri thức hé lộ. Sau cơn kinh hoàng Cái Chết Đen, Châu Âu bước vào thời kỳ Phục Hưng, thời kỳ lên ngôi của tri thức, nền tảng của những thành tựu vĩ đại của thế giới hiện đại. Cái Chết Đen dù không được coi là tận thế, nhưng nó chính là khải huyền cho Châu Âu.

Nếu không có Cái Chết Đen, châu Âu sẽ thế nào? Tri thức sẽ tiếp tục bị chìm lấp trong bóng tối? Đã nhiều lần trong suốt sự cai trị của Công giáo tại Châu Âu, nhu cầu tri thức được đòi hỏi bởi chính các quý tộc và thầy tu, nhưng sự thay đổi không diễn ra. Cái Chết Đen là một cưỡng chế man rợ để chấm dứt thể chế man rợ được vận hành bởi những kẻ man rợ.

Tự nhiên sẽ vui khi gây ra cái chết của nhiều con người ư? Tự nhiên chỉ làm việc của mình. Nếu con người không thay đổi, đại nạn sẽ còn tiếp diễn. Nếu con người thuở ấy không chấp nhận để tri thức dẫn hướng sinh mệnh của họ thay vì quyền lực mờ mịt của Thiên Chúa, thì đại dịch sẽ tiếp tục tận diệt châu Âu.

Câu hỏi là: khi nào thì thế giới đến ngưỡng phải chuyển đổi? Khoan hẵng, ta cần trả lời một câu hỏi khác.

Chiến tranh thế giới thứ II liệu có phải là một cuộc khải huyền? Những tên độc tài điên rồ cai trị đám đông người dân bị thôi miên bởi lý tưởng dân tộc xông vào giết chóc đến chết. Tri thức trở thành tay sai cho ác quỷ, nghệ thuật chẳng làm được gì ngoài rên xiết, triết học rơi tõm vào thứ hiện sinh hư vô. Sau tất cả, vẫn những tên độc tài điên rồ, vẫn đám đông dân chúng đầy mặc cảm và kỳ thị… mọi thứ vẫn vậy. Chiến tranh thế giới thêm nhiều lần nữa, con người vẫn không tỉnh ngộ, mà sẽ chỉ tiếp tục dùng chiến tranh để giải quyết chiến tranh. Không thể thuyết phục những tên độc tài về hòa bình, bởi vì hòa bình không thỏa mãn lòng tham của cộng đồng mà hắn cai trị. Chiến tranh chỉ kết thúc, hoặc khi có kẻ thắng người bại, hoặc khi chiến tranh tốn kém nhiều hơn những gì thu về. Không có bài học nào loài người có thể rút ra từ những cuộc chiến. Chỉ rải rác các cá nhân đơn lẻ dần dần ngộ được một điều rằng: tốt nhất đừng để những tên độc tài dắt mũi.

Như vậy thì thế giới không đến ngưỡng chuyển đổi khi một quốc gia này giàu có vượt trội hơn quốc gia khác và quốc gia khác phải đánh chiếm để cướp bóc.

Sự chuyển đổi bắt đầu khi có những ý tưởng đột phá giúp cộng đồng con người vận hành theo hướng tốt hơn, tối ưu hơn, nhân văn hơn. Nếu cộng đồng cho phép ý tưởng ấy được bén rễ và thử nghiệm, hệ thống sẽ tự chuyển đổi. Nếu cộng đồng trì trệ cản trở, thế thì sự cưỡng chế có thể diễn ra theo nhiều kịch bản khác nhau. Đây là một bí ẩn siêu hình không lời giải. Không thể giải thích điều này một cách khoa học và lý trí, chỉ có thể trực nhận.

Dịch bệnh COVID-19 như cuộc khải huyền mới…

Thế giới của chúng ta ngày nay cũng đang phải trải qua một cuộc cưỡng chế của tự nhiên: Chuyển đổi hay không chuyển đổi, hãy chọn đi!

Đại dịch Covid-19 là sự cưỡng chế của tự nhiên. Đó là khải huyền!

Đại dịch hé lộ cho chúng ta biết rằng dường như nền học thuật được coi là chính thống của phương Tây đang có vấn đề. Chính phủ các nước phương Tây đã đặt niềm tin không phải vào toàn bộ giới học thuật mà chỉ một vài thế lực học thuật thân tín, chẳng khác nào sự mê tín của nhà thờ trong thế kỷ 14, và chắc chắn chẳng thể ngăn ngừa Cái Chết Đen theo lối ấy. Nền học thuật ấy đa chiều nhưng lại chỉ một vài tiếng nói có quyền lực. Cách thức vận hành giới chuyên gia đó cần phải được thay đổi.

Cũng hé lộ cho chúng ta thấy rằng hóa ra nhiều thành phần của nền kinh tế không mang lại giá trị thực tiễn mà chỉ tiềm ẩn vô số nguy cơ. Có ý nghĩa gì những trận đua xe  F1, những lễ hội, những cuộc trình diễn thời trang, những trận bóng, những thành phố du lịch phù phiếm… Có ý nghĩa gì những vật dụng thời trang đắt tiền? Bao nhiêu tiền chúng ta đã lãng phí cho đủ loại nhu cầu không thực sự cần thiết cho sự sống và sự bồi đắp tinh thần?

Và Chúa hay thần thánh không cứu giúp con người khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, thế thì tụ tập cầu cúng đông người, phỏng có ích gì? À, có thể những đám đông ấy đang giúp cho tự nhiên thành toàn sứ mệnh cưỡng chế của mình.

Chúng ta nhận ra rằng thế giới hóa ra có thể vận hành theo cách khác. Học và làm việc online, xem hòa nhạc online, mua bán online…có hề gì nhỉ! Tại sao hệ thống xã hội trước đây không chính thống hóa cách vận hành này? Họ có đủ những lập luận để ngăn cản, rằng con người sẽ thiếu tương tác khi làm việc online, rằng online có nhiều hạn chế… Và giờ đây, khi dịch bệnh đến, họ buộc phải online hóa các tác vụ, thì họ lúng túng không thể quản lý. Lỗi không phải do những nhược điểm của hệ thống online, mà lỗi tại họ quá quen với nhịp độ có sẵn tới mức chưa bao giờ chuẩn bị cho hệ thống mới.

Nếu bạn quan sát bản thân mình thật kỹ trong những ngày đóng cửa ở nhà phòng ngừa dịch bệnh, bạn sẽ thấy hóa ra cuộc đời trước đây của mình là một chuỗi ngày lãng phí. Bao nhiêu lần chúng ta ra đường vì thật sự thấy cần thiết? Bao nhiêu người chúng ta tương tác hàng ngày là những người chúng ta cần phải trò chuyện và gặp gỡ? Bao nhiêu câu chuyện trong đó đáng để nói? Bao nhiêu bữa tiệc tùng đáng để tham gia? Rốt cuộc, chúng ta đã làm gì cho cuộc đời của mình?

Và hãy nhìn những con phố tĩnh lặng, sạch sẽ mà thường ngày chẳng mấy khi ta được tản bộ. Bạn có tự hỏi chúng ta đã làm gì với thành phố nơi chúng ta sống? Điên rồ lao theo một trật tự không tối ưu, một trật tự chỉ mang đến sự tiêu tốn tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Chiêm tinh học và các nhà tâm linh có nhiều lý giải khác nhau về sự chuyển đổi này, nhưng đều thống nhất với nhau ở một điểm: chúng ta đang bước vào thời đại mới. Từ những năm 1960s, những tiên đoán về sự chuyển dịch sang  Kỷ nguyên Bảo Bình đã được đưa ra. Cứ khoảng hai ngàn năm, một kỷ nguyên mới lại bắt đầu theo trật tự của vòng hoàng đạo. Trước kỷ nguyên Bảo Bình, nhân loại ở trong kỷ nguyên Song Ngư, kỷ nguyên của những niềm tin tập thể và sự tương tác mang tính cảm xúc. Sự rung động của kỷ nguyên Song Ngư đã mang đến cho nhân loại những tôn giáo lớn, những vần thơ bay bổng lãng mạn, và cũng mang đến cho nhân loại những kẻ vĩ cuồng dẫn dắt đám đông mông muội tàn phá thế giới. Sự rung động của kỷ nguyên Bảo Bình có lẽ đã mang đến nhiều chuyển đổi đang biểu hiện trên thế giới giao thoa hiện nay.

Khi thế giới hoàn toàn rung động theo thiết lập của chòm sao Bảo Bình, con người sẽ cá nhân hơn và đòi hỏi nhiều không gian cá nhân hơn, trong đó, khoa học công nghệ góp phần chủ chốt để phục vụ sự cá nhân hóa này. Những giá trị tập thể và sự gắn kết tập thể buộc phải đặt trên bàn cân giá trị. Bao nhiêu trong số các hoạt động tập thể là cần thiết với cá nhân? Bảo Bình cũng là chòm sao không ưa thích xung đột và chiến tranh, mà thích ổn định và hài hòa, nên thay vì hung hăng gây chiến, Bảo Bình sẽ chứng minh bản thân bằng sự vượt trội trong ý tưởng sáng tạo và khoa học công nghệ.

Sự chuyển đổi này đã manh nha nhiều thập kỷ với tuyên ngôn của nhiều nhà tư tưởng, nghệ sĩ, ca ngợi tự do cá nhân và lối sống tâm linh dựa trên giác ngộ thay vì dựa trên niềm tin mù quáng, thậm chí đề xuất những hướng đi mới cho trật tự xã hội để con người có cơ hội được cá nhân hơn, phát minh nhiều công cụ để gia tăng khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng biểu hiện của mỗi cá nhân. Nhưng con đường chuyển đổi ấy không êm ả.

Những yếu tố của kỷ nguyên Bảo Bình manh nha trong suốt kỷ nguyên Song Ngư, nhưng chỉ tồn tại trong bóng tối và yếu thế. Cái Chết Đen dù đã thay đổi Châu Âu, nhưng không mang lại sự thay đổi triệt để, vì xã hội ngay lập tức quay trở lại đồng hóa các cá nhân trở thành công cụ của những niềm tin tập thể mới. Từ đó đến hết thiên niên kỷ trước, ta chỉ thấy biết bao thế hệ con người cá nhân vùng vẫy đòi quyền của mình nhưng ta không thấy họ bước ra ánh sáng. Sự vùng vẫy ấy khiến họ bị phân mảnh, bị rơi vào các thái cực điên rồ của tâm lý, và các nhà phê bình những tưởng đó là sự tiến bộ trong tâm thức của con người. Không có tiến bộ trong đó, chỉ có nỗi đau.

Và kể cả khi bước sang thế kỷ 21, những ý tưởng mới được chấp nhận, được thử nghiệm thì rào cản lớn nhất lại đến từ chính con người. Con người không dễ dàng gì quen với cái mới. Họ có thể nắm giữ công nghệ hiện đại trong tay, nhưng tư duy của họ vẫn ở thời mông muội, họ vẫn đang rung động theo thiết lập cũ. Họ tin rằng họ là con người khi ở trong tập thể và hoạt động theo cách vận hành của đại đa số. Bên ngoài những thứ đó, dường như họ không còn là họ nữa. Thứ mà họ tin là chính họ thực ra không phải họ, mà chỉ là chồng chất các ký ức được cài đặt trong tâm trí họ.

Sự cưỡng chế xảy ra để đưa con người vào một trật tự trong đó chúng ta có thể tận hưởng rung động của kỷ nguyên Bảo Bình. Dịch bệnh này giật chúng ta khỏi những cuộc tụ tập mang tính tập thể mà chúng ta đang quen thuộc, nhốt chúng ta trong không gian riêng biệt, để ta phải tự đối diện với cá nhân ta, và tự xử lý các vấn đề của cá nhân. Mọi công cụ đã có sẵn để phục vụ nhu cầu cá nhân, còn chúng ta có biết tận dụng hay không thì lại là vấn đề khác.

So với nhiều cuộc khải huyền khác, COVID-19 đã được tự nhiên sắp đặt một cách tinh vi và có chiến lược. Khởi điểm ở một thành phố công nghiệp và du lịch của Trung Quốc, nơi con người vận hành thuần túy theo trật tự tập thể. Sự cảnh báo đã được đưa ra từ sớm, nhưng chính quyền Trung Quốc đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân của từng người dân, và hậu quả là sự bùng phát. Tiếp tục, dịch bệnh lây lan sang Nhật và đặc biệt là Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, dịch bệnh bùng phát trong một giáo phái mà người ta đề cao sự tụ tập để thực hiện các nghi lễ cuồng tín hơn sự tự giác ngộ. Và rồi Iran, lại một quốc gia cuồng tín và coi thường giá trị cá nhân khác. Sau đó là đến thế giới Âu Mỹ với sự tự mãn vào hệ thống y khoa và đang kiếm bộn tiền nhờ những hoạt động tụ tập hạng sang từ giải trí đến tôn giáo. Thay vì cảnh giác, thế giới Âu Mỹ vẫn tiếp tục những cơn tụ tập điên rồ của những tập thể thừa mứa tiền bạc và đặt lòng tin vào hệ thống học thuật độc quyền. Giờ đây đã là cả thế giới. Bất cứ nơi đâu con người còn đeo bám niềm tin rằng chúng ta cần phải tụ tập để thực hiện một hoạt động nào đó thì sự lây nhiễm diễn ra.

Chúng ta nên lấy làm may mắn khi dịch bệnh COVID-19 không diễn ra trong thời gian chiến tranh, bởi vì nếu dịch bệnh diễn ra trong thời chiến thì chúng ta sẽ hoàn toàn không thể kiểm soát và hệ lụy của nó chắc chắn kéo dài nhiều thế kỷ giống như trường hợp Cái Chết Đen.

Nếu sau dịch bệnh, con người vẫn cố chấp không chịu học hỏi, thì có lẽ một đại nạn khác lại tiếp tục diễn ra cho đến khi con người ý thức được rằng mình cần phải thay đổi từ cốt lõi bên trong. Hoặc tệ theo hướng này: tự COVID-19 sẽ biến đổi thành phiên bản khác lợi hại hơn để tiếp tục duy trì tình trạng “giam cầm” này với nhân loại.

Thế đấy, sến súa đau thương không ích gì! Nương theo thời thế, trục lợi kiếm thêm vài đồng bạc không ích gì! Lạc quan tếu cũng chẳng ích gì! Sự công kích cá nhân và gây hấn, đổ tội cho nhau, kì thị nhau, lại càng không ích gì!

Điều quan trọng là chuyển đổi. Chuyển đổi từ bên trong đến bên ngoài, từ tinh thần đến thể xác, từ cá nhân đến xã hội.

Dịch bệnh COVID-19 là kịch bản khải huyền mềm dẻo mà tự nhiên đã sắp sẵn cho chúng ta. Hãy tưởng tượng những kịch bản tệ hại hơn! Biến đổi khí hậu diện rộng trên toàn thế giới gây ra thời tiết quái gở liên miên. Hay ô nhiễm môi trường gây ra khói bụi trong toàn bộ bầu khí quyển? Hay tệ hơn nữa là những cơn địa chấn lớn làm sụp đổ hàng loạt các thành phố?… Với những kịch bản như vậy, sức người dường như khó có thể ngăn cản hơn. Nhưng có thể, đó là kịch bản cho kỷ nguyên khác với các đặc tính khác và để mang tới sự chuyển đổi khác. Và cũng có thể, con người sẽ phải đối mặt với sự tận thế thực sự khi Trái Đất và hệ mặt trời không còn vận hành theo cách này, nhưng hiện nay chưa tới thời điểm chúng ta phải thực hiện sự chuyển đổi lớn đến thế.

Dịch bệnh diễn ra, bởi vì nó phải diễn ra, không thể oán trách, không thể đổ lỗi, không thể nguyện cầu cứu rỗi.

Hà Thủy Nguyên

Đọc thêm về Kỷ nguyên Bảo Bình

https://bookhunter.vn/ky-nguyen-bao-binh-va-su-chuyen-dich-lon-cua-lich-su-nhan-loai/

Tái định vị bản thân trong bình thường mới

Có lẽ thế giới sau 2020 sẽ không thể quay trở lại như cũ. Đây là điều hiển nhiên đã được các nhà nghiên cứu và binh luận xã hội nhân định và phân tích. Bình thường mới có thể đến sớm, nhưng cũng có thể mất tới 2-3 năm mới ổn định xong. Vậy bản thân mỗi chúng ta sẽ tìm thấy chỗ đứng mới của mình như thế nào trong bình thường mới? Trong bài viết này tôi không mong muốn thuyết giảng
le-nam

Lê Nam

29/12/2020

Bố mẹ có thể học được gì từ khải huyền trong công việc do COVID-19

Đó là lần đầu tiên tôi ra khỏi nhà sau ba ngày – có lẽ là lần thứ ba kể từ khi COVID-19 đưa tới một thử nghiệm làm việc kiểu phân tán được bắt đầu một cách nghiêm túc. Trong lúc chúng tôi đang tiến tới gần nhà của mình, hai người qua đường đi xuống phố cách chúng tôi một khoảng cách an toàn trong thời COVID, nhưng tôi có thể nghe thấy họ đang nói chuyện về công việc. “Tôi đã làm

Vấn đề với Zero COVID: Cách chính sách của Tập Cận Bình gây nên khủng hoảng cho chế độ

Bài viết của Yuen Yuen Ang, tác giả cuốn "Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào", phân tích các kịch bản có thể xảy ra sau các cuộc biểu tình phản đối Zero Covid tại Trung Quốc.  Sự thất vọng của người dân Trung Quốc với chính sách “Zero COVID” của chính phủ đã lên đến đỉnh điểm. Bắt đầu từ ngày 26 tháng 11, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố, với việc người dân xuống đường và

Tô Lông

03/12/2022

Vì sao Coronavirus lại khó hiểu đến vậy?

Book Hunter: Bài viết được xuất bản ngày 29/4, tức là đã hơn 4 tháng tính tới thời điểm hiện tại, ngày 1/9/2020, tuy nhiên những thông tin mà bài viết mang lại vẫn có nhiều giá trị để chúng ta có thể đọc và suy nghĩ về một đại dịch làm rúng động thế giới suốt 2020. Bài viết có nhiều kiến thức khoa học nên nếu có chỗ nào dịch chưa chuẩn xác, mong quý độc giả góp ý để cải thiện. Chân

Tổng thống đã có thể nhìn thấy được điều gì đang tới: Đằng sau sự thất bại của Trump trước COVID-19 – Phần 1

Một cuộc khảo sát cho thấy tổng thống đã được cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch nhưng sự chia rẽ nội bộ, thiếu kế hoạch và tự tin vào bản năng của chính mình đã dẫn đến tình trạng phản ứng chậm trễ. Từ WASHINGTON: “Dù nghĩ theo cách nào thì chuyện này sẽ vẫn tồi tệ”, Tiến sĩ Carter Mecher-  một cố vấn y tế cao cấp của Bộ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ đã viết vào đêm 28 tháng 1
le-nam

Lê Nam

17/04/2020