Home Chơi Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (4): Tứ nghệ bát thú

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (4): Tứ nghệ bát thú

3. Các cách hưởng lạc

a. Cầm kỳ thi họa

Nhắc đến hưởng lạc, không thể nhắc đến thú chơi cầm kỳ thi họa (tứ nghệ). Trên thực tế, tứ nghệ ban đầu là chuẩn mực để đánh giá học vấn phụ nữ trong thời trung đại. Đối với nam giới, người Trung Quốc đánh giá qua lục nghệ, bao gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII – XIX, chuẩn mực đánh giá học vấn của nữ giới dần chuyển thành chuẩn mực lạc thú cho nam giới, đặc biệt là cho giới “tài tử”.

Ở Việt Nam, đến thế kỷ XVII – XVIII và XVIII – XIX, các nhà Nho tài tử chuộng tứ nghệ, bát thú (cầm, kỳ, thi, họa, thư, tửu, trà, hoa) hơn là lục nghệ. Dù những người như Nguyễn Khản, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, … thì đều giỏi lục nghệ (văn võ toàn tài), nhưng lối sinh hoạt trong đời sống hàng ngày (khi rời khỏi triều chính) thì lại thiên về bát thú hơn.

Vậy, các nhà nho tài tử Việt Nam hưởng lạc bát thú như thế nào?

Đầu tiên, hãy đến với Nguyễn Khản (1734 – 1787). Ông là đại quan dưới thời vua Lê Hiển Tông – chúa Trịnh Sâm. Nguyễn Khản là anh của đại thi hào Nguyễn Du. Ông nổi tiếng với tài thơ phú và kiến trúc.

Tư­ơng truyền dinh thất của Nguyễn Khản trong nhà trần thiết kế trang hoàng, mỗi bức tranh khung cảnh, tấm khảm là sự ghi chép sự tích truyền kỳ, điển cố thi vị văn chương, dinh thất có hoa viên được trồng các loại hoa thơm, cỏ lạ, có cung thưởng nguyệt, có lầu nghe nhạc, thư viện đọc sách với cách bài trí hài hoà trang nhã cho biết chủ nhân có khiếu thẩm mỹ tinh tế. Chúa Trịnh thường tự cất bước bộ hành tới đây cùng chủ nhân thưởng ngoạn bình phẩm cảnh trí, toạ đàm thơ ca. Trịnh Sâm đã tự tay đề ở ngôi nhà riêng Nguyễn Khản 3 chữ: ”Tâm phúc đường”. Nguyễn Khản cũng được chúa ban ân theo ngự giá đi săn, đi câu, tắm sông thưởng nguyệt. Tại đêm hội Long Trì, chỉ riêng Nguyễn Khản là người được ngồi cùng mâm với chúa.

Nói về sự sủng ái của chúa Trịnh Sâm dành cho Nguyễn Khản, Phạm Đình Hổ kể lại:

“Năm Đinh Hợi (1767) chúa Trịnh Sâm thăng cho ông Khản làm Tri phiên liêu kiêm quản Nhất Hùng cơ, tước Kiều Nhạc hầu. Khi ấy trong nước bình yên vô sự. Thịnh Vương lại thích ngự chơi, lúc đi thưởng hoa, lúc đi câu cá., thế nào cũng có ông Nguyễn Khản cùng đi. Khi trở về, thì ông lại mặc áo chẽn tay hẹp ra vào nơi cung cấm. Nhà chúa đặc ban cho ông được đi lại ra vào, không khác gì quan nội giám. Khi chúa Trịnh thưởng ca, thường sai Nguyễn Khản ngồi hầu. Ông đội khăn lương, mặc thường phục, ngồi ngay bên cạnh, cầm chầu điểm hát. Những ngày rỗi, chúa Trịnh lên ngự chơi Hồ Tây, kẻ thị thần vệ sĩ, bày hàng buôn bán quanh cả bốn mặt hồ, nhà chúa chỉ cùng với bà Đặng Tuyên phi ngồi trên thuyền, mà Nguyễn Khản thì ngồi hầu ngang trước mặt, cùng thưởng lãm, cười nói, không khác gì bạn bè, người nhà. Trong cung có bày bể cạn, núi non bộ và cảnh hoa đá gì, đều phải qua tay ông Nguyễn Khản chăm sóc thì mới vừa ý nhà chúa. Nhà chúa lại thường sai ông đi sửa sang các hành cung ở Châu Long, Tư Trầm, Dục Thúy. Ông có tài đục nặn núi đá, vẽ vời phong hoa, nên thường được nhà chúa ban khen. Ông lại thích nghề hát xướng, sành âm luật, thường đặt những bài hát nhạc phủ ra làm điệu hát mới; viết xong bài nào thì những nghệ sĩ ngoài giáo phường tranh nhau truyền tụng. Ta có câu thơ rằng: Án phách tân truyền lại bộ ca (nghĩa là gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan lại bộ) chính là chỉ việc ấy. “

 

Em trai ông là Nguyễn Du (1766–1820). Nguyễn Du cũng là một tài tử nổi tiếng đương thời. Ông được coi là nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt. Thời còn trẻ, Nguyễn Du thường đi gà bài trong các cuộc hát phường nón dân gian. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan. Bốn nghề chơi: cầm, thư, thi, hoạ bốn nghề đều thông thạo.

Ngoài Nguyễn Khản và Nguyễn Du, nhắc đến tài tử với thú vui cầm kỳ thi họa, không thể không kể đến Phạm Đình Hổ (1768-1839). Ông là một danh sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Cuốn “Vũ trung tùy bút” của ông có luận bàn về các thú vui thanh nhàn khi rỗi rãi.

Với thú chơi hoa, Phạm Đình Hổ chê trách người đời không biết thưởng hoa:

“thứ bùn đã phơi khô đốt ủ đi rồi, hoặc lấy những sừng hươu, bã chè khô phủ lên trên gốc, rồi lấy thứ nước ngâm cá ươn tưới cho nó; mỗi ngày phải cắt lá úa, rửa lá tươi vài bốn lần. Nó đâm lá ra xanh tốt, có khi dài đến hai thước, mỗi giò có đến vài mươi cái hoa; lúc thưởng hoa thì đốt hương tùng chi để trước gió mà thưởng ngoạn. Cũng có người lại đánh cuộc xem lá lan của ai dài hay ngắn, hoa lan của ai nhiều hay ít. Ôi! Như thế có phải là bản sắc của hoa đâu. Đó chỉ là lấy cái màu sắc rực rỡ mà thưởng lan, chứ không biết lấy cái phẩm cách của lan mà thưởng lan.”

Hay:

“Ta mới hay người đời chơi lan chỉ biết thưởng thức bằng mắt chứ không biết thưởng thức bằng mũi, chỉ biết được cái hình của hoa chứ không biết được cái thần của hoa.”

Phạm Đình Hổ yêu thích, trọng việc ngắm hoa tự nhiên, không qua bàn tay nhân tạo. Ông viết:

“Ta chỉ quái lạ cho người đời bây giờ, chơi hoa, chơi đá, mà chỉ lấy cái ý kiến riêng, muốn làm khéo hơn người trước mà lại thành ra vụng, uốn cây đục đá, muốn làm cho giống hình loài cầm thú, nào rồng leo, hổ phục, sư tử ngoảnh mặt lên trời, kỳ lân đạp chân xuống đất, biết bao nhiêu cách không thể nói hết được. Ôi! Nếu trời sinh ra cây ra đá mà làm hệt như hình cầm thú thì tạo vật cũng đến phải hết nghề, còn có gì mà đáng thưởng ngoạn nữa! Phỏng như để những hình long, hổ ngoằn ngoèo, sư, lân hống hách và những hình xà thần, ngưu quỷ đầy cả nhà thì trông thấy, ai chẳng bịt mắt lắc đầu mà chạy. Thế nhưng người đời lại lấy cách chơi ấy làm cao, ta thực không hiểu ra làm sao cả.”

Đến khi bàn về cách uống trà, Phạm Đình Hổ cũng than thở:

“Thị hiếu của người ta cũng hơi giống người Trung Hoa. Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời đời Cảnh Hưng, trong nước vô sự, các nhà quí tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người đến chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy chục khác để mua chè ngon. Lúc ngồi rỗi, pha chè uống với nhau, lại đánh cuộc xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên, mua cho được chè ngon, bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú uống chè tàu có phải ở chỗ đó đâu! Chè tàu thú vị ở chỗ nó tinh sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục.”

Viết về âm nhạc, ông cũng đưa ra ý kiến thú vị:

 “Âm nhạc phải tuỳ mỗi lúc một khác. Bây giờ, những người tập nghề thổi kèn hay làm những trò quỉ quái để cho thế tục khen, như lúc đám ma thổi kèn thờ, bắt chước giọng đàn bà trẻ con khóc lóc kể lể, người nghe lấy làm thích ý, lại thưởng cho. Ôi! Âm nhạc chủ hoà, cốt phải hợp lễ, thế nào trang nghiêm, lúc nào thê thảm, lúc nào được nhập điệu là hay. Còn như tiếng rền rĩ, giọng nghêu ngao, khác nào tiếng khóc tiếng mếu, sao không để người khóc cho mà nghe, lại phải thổi kèn bắt chước làm gì? Thế chẳng phải sai mất cái ý cổ nhân đi ư? Đó là tạikhông có quan chuyên trách, chứ trách chi những bọn thợ kèn!”

Cách viết của Phạm Đình Hổ thiên về việc cung cấp thông tin lịch sử từng thú vui, rồi sau đó liên hệ với cách con người thời ông thưởng ngoạn. Cách viết này cho thấy ông có kiến thức sâu rộng về bát thú, nhưng cũng cho thấy rằng phần lớn quan lại, quý tộc bấy giờ không biết cách để thưởng ngoạn cho đúng vị.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Dương tổng hợp và biên soạn

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (6): “Làm cây thông đứng giữa trời”

(*) Tiêu đề trích thơ Nguyễn Công Trứ c. Ngông nghênh: Nhắc đến nhà Nho tài tử, không thể không kể đến thái độ ngông nghênh, khinh thế ngạo vật của những con người nhận thức rõ tài năng của bản thân trước thời thế này. Vậy, họ thể hiện sự ngông của bản thân như thế nào? Chúng ta hãy bắt đầu với Nguyễn Khản, quan đại thần dưới thời chúa Trịnh Sâm. Khi làm quan, Nguyễn Khản thường xin phép nghỉ ở nhà.

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (5): “Một mối chung tình tan mấy mảnh”

(*) Tiêu đề trích thơ Phạm Thái b. Tình: Phạm Thái si tình Nói đến “tài tử”, không thể không nhắc đến yếu tố “tình”. Mà người nổi tiếng về “tình” nhất thời kỳ này là Phạm Thái (1777-1813) với mối tình si với nàng Trương Quỳnh Như. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu. Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?   Tiền đề: Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII – XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ... Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục...) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (1): Tài tử và nhà Nho tài tử

Nhắc đến văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử thời trung đại, nhiều người sẽ bỡ ngỡ trước khái niệm “nhà Nho tài tử”, và thế nào là lối hưởng lạc của nhóm người này. Trong phần tổng hợp này, chúng tôi đi tìm ý nghĩa cụ thể nhất của hai chữ “tài tử”, từ đó xác định thế nào là “Nhà Nho tài tử”, và sau đó sẽ giới thiệu với bạn đọc về văn hóa hưởng lạc của nhóm người này

Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn)

Hà Nội là một mảnh đất chứa nhiều bí ẩn, với nhiều tục thờ cúng thần quỷ xa xưa đã được Nho giáo hóa hoặc Phật giáo hóa. Tôi luôn muốn tìm hiểu một cách tổng thể về các thần và quỷ được thờ ở Hà Nội, cũng muốn qua đó hiểu hơn về các sắc dân đã an cư và lập nghiệp tại đây. Đây là những ghi chép của tôi, có thể có những phần suy luận chưa có đủ căn cứ. Đây