Home Chơi Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn

Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn

“Vi kỳ nhàn đắc địa” – Nguyễn Sưởng

Thế cục cuộc đời tựa hồ bàn cờ mà trong đó mọi quyết định và diễn biến đều là các nước đi của chính ta và tha nhân. Cuộc đời không bày sẵn trận để đưa ta vào thế khó, thoạt tiên, cuộc đời chúng ta là một khoảng trống mênh mông. Nhất niệm – bước đi đầu tiên, khi ta khai trận, đã đưa đẩy chúng ta đến với thế cục mà ta phải đối mặt, ta đạt được sinh khí và kiểm soát toàn bộ thế cờ hay ta lâm vào nhiều tử địa khó bề xoay xở, tất thảy đều đến từ mỗi đường đi nước bước của ta. Từng nước đi kiến tạo nên chuỗi sinh khí không thể bị vây hãm, ấy chính là thế cờ nhàn, nhàn thì không phải mệt mỏi suy tính, không phải chật vật tìm cửa sinh, nhàn thì nhất cử nhất động của tha nhân đều chẳng thể xâm phạm được. Những ai ngay từ khi bàn cờ còn mênh mang vô định hình, biết đặt quân cờ thuận theo sinh khí, thì vãn trận chẳng phải lao tâm khổ tứ. Nhưng lại có người chơi cờ mưu tính sâu xa, bày thế trận ban đầu tựa hồ như ít sinh khí, để rồi sau đó ngấm ngầm đẩy kẻ đang đắc ý vào tử địa. Được ăn cả, ngã về không, một khi mưu đồ bại lộ thì tâm tư phí hoài, ngậm ngùi ấm ức. Những người ấy chẳng bao giờ hiểu được lẽ nhàn.

Nhìn người nhàn như thể lười biếng mà ít ai thấy được rằng mọi lựa chọn của họ đều dựa trên sinh khí. Chỉ người nhàn mới nhận ra được lý lẽ rằng “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), bởi “vắng vẻ” chính là nơi chốn còn nhiều sinh khí, sao phải chen chúc nhau ở nơi đã bị vây kín bởi dục vọng của kẻ khác. Dẫu biết vậy, ngũ quan của chúng ta vẫn khó tránh bị tác động bởi ngoại cảnh, dẫn đến tâm tư vọng động, chẳng chịu yên trong thế nhàn, vội vã sa chân nơi “quần ngư tranh thực”. Vậy nên, để nhàn cũng cần luyện tâm! Và trong vô vàn pháp tu tâm thì trà nghệ vô ngôn, lặng lẽ nhưng chuyển hóa tinh thần chẳng hề thua các pháp như thiền hay yoga. Bởi thế mà các thiền sư đã chọn trà như một trợ lực giúp họ có lại sự tỉnh giác trong những lúc rơi vào hôn ám do thân xác mệt mỏi:

Tĩnh tọa nhọc nhằn suốt đêm thâu

Pha trà lòng cảm tấc ơn sâu

Một tách xua mây tan u ám

Mát lạnh thấm xương chẳng lo sầu.

Phiên âm Hán Việt:

Cửu toạ thành lao vĩnh dạ trung,

Chử trà bị cảm huệ vô cùng.

Nhất bôi quyển khước hôn vân tận,

Triệt cốt thanh hàn vạn lự không .

(Huệ trà kiêm trình giải đáp chi – Jingak Hyesim) (*)

Mây u ám là những ứ trệ trong thân thể, mây u ám là những chấp niệm đen tối bủa vây tâm trí của người chân tu. Thiền có thể quán chiếu được chấp niệm, nhưng không dễ đả thông được ứ trệ của thân xác vốn mong manh dễ dàng bị mọi biến dịch của thực tại tác động. Mà thân rã thì tâm cũng mỏi. Đông Y xưa đã tìm được mối liên hệ giữa thể trạng con người với những biến chuyển tâm, như hỏa vượng ở gan thì nóng tính, phổi bị tổn thương thì sinh u buồn chán nản… Vậy nên thân tĩnh thì tâm an. Cũng như Yoga, trà nghệ là cách điều thân. Nhấp một ngụm trà, cảm khí trà theo kinh mạch, thưởng hương thanh vị nhẹ để khai mở đa chiều các giác quan, mượn tính ấm của trà để xua tan mây u ám trong mình, ấy là sự kì diệu của trà.

Thâu lại trong tách trà pháp bảo là trùng trùng nhân duyên. Tinh hoa đất trời và vạn vật bao tháng ngày hun đúc nên lá trà trong vụ mùa. Thiên kinh vạn quyển cũng không thể lưu được trà nghệ của nghệ nhân sao chế trà. Hàng tỉ cây trà có trên đời không cây nào giống nhau, thời điểm thu hoạch khác nhau trong một ngày cũng đủ khiến hương vị khác biệt nhau, lá trên một cây cũng chẳng giống nhau. Lên men thế nào, dùng nhiệt thế nào, đảo tay ra sao, cũng không thể khiên cưỡng áp đặt, mà tùy từng giống loài, tùy từng cương vực, tùy từng độ cao, tùy từng thổ nhưỡng… để biến hóa. Thế rồi, một thoáng ám hương từ gói giấy, hay một hạt bụi trong bầu nước … cũng có thể phá đi sự hoàn hảo của chén trà. Lơ đãng không cảm được nhiệt phù hợp với cánh trà, lỡ để nhiệt cao thì sinh ra đắng chát gắt, lỡ để nhiệt thấp thì hương dậy phong vị trời đất, chén trà ấy coi như lãng phí, và đôi khi ấm trà cũng vì thế mà phí hoài. Ấm chén không tinh tươm, đọng nước thừa lúc rửa, không gian ám mùi tục lụy… tất cả đều hủy hoại thời cơ tạo tác nên món pháp bảo mong manh này. Hãm trà chậm hay nhanh cũng chẳng có thức chung, người pha trà phải tự cảm dựa trên hương thơm của cánh trà. Thanh âm huyên náo của tha nhân, và tâm tư xao động của chính trà nhân là dấu chấm hết vô vọng, nhân duyên bất thành. Một chén trà ngon đích thị là nhân duyên hội tụ, mà không phải sự hội tụ của phàm nhân, đó là sự hội tụ của tinh hoa.

Ấy thế nên hòa thượng Tích Công bám chấp vào chén trà của Lục Vũ, không phải trà Lục Vũ pha thì ông không uống. Chỉ bậc hàn nho thoát tục như Lục Vũ mới đủ định tuệ để pha được tách trà pháp bảo. Hòa thượng Tích Công có lẽ là bậc thanh tu, tránh xa cõi tục, ngũ quan thanh tịnh nên chỉ ưa nhã phẩm, bởi tục phẩm hẳn sẽ khiến cõi thanh của ông vẩn đục. Nhưng lánh tục và thoát tục khác nhau muôn trượng. Còn thèm khát chén trà pháp bảo do Lục Vũ pha, hóa ra tu vi của Tích Công còn ở dưới Lục Vũ, dẫu rằng một người theo Phật, một người sống cảnh hàn nho, một người nương vào thiền để tầm đạo, một người thông qua trà mà thấu suốt. Tại sao nói Tích Công ở dưới Lục Vũ một bậc, đó là bởi Lục Vũ chuyên tâm luyện pháp tới độ hợp nhất trùng trùng nhân duyên trong mọi cuộc trà, còn Tích Công chẳng thể dùng pháp tu của mình để định tâm giữa thế cục bày ra. Tích Công còn lệ thuộc vào trợ lực còn Lục Vũ tĩnh tại thi pháp qua trà nghệ. Trà nghệ vô ngôn và thâm sâu bởi thế. Lục Vũ trong nhàn cảnh, còn Tích Công vướng mắc nơi ảo cảnh.

Bước ra khỏi cửa Phật, trà theo bóng dáng của Lục Vũ vào thi mộng của Nho gia. Thân theo cửa Khổng, ắt phải gánh vác trọng trách quốc gia đại sự, nhưng tâm trụ nơi tự tính, ắt kiếm tìm vẻ nhàn nhã của Nhan Hồi. Trong các thánh hiền Khổng giáo, Nhan Hồi là vị đệ tử được Khổng Tử yêu mến và khâm phục nhất. Có lần ông đã thốt lên: “Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giả, bất cải kỳ lạc! Hiền tai Hồi giả!” Nghĩa là: “Hiền thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, chốn ngõ hẹp, kẻ khác ở tình cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, vậy mà Nhan Hồi không đổi cái vui của mình. Hiền thay Nhan Hồi!” Bậc túc nho trước mọi biến thiên, đều lấy gương của Nhan Hồi mà nhắc nhở bản thân, không vì nghèo khó mà xa rời chính đạo, đắc thế thì gánh trọng tránh, thất thế thì lui về vui cảnh thanh đạm chốn thôn dã. Phong thái nhàn hạ của Nhan Hồi có được là bởi thấu hiểu thế cục. Khi Tử Lộ, một đệ tử khác chất vấn Khổng Tử rằng tại sao đi theo chính đạo mà có lúc lâm vào đường cùng, Nhan Hồi đáp: “Đạo của Phu Tử vô cùng lớn lao, nên thiên hạ chẳng ai dung nạp nổi. Nhưng Phu Tử cứ hành đạo, người ta không dung nạp được thì có sao! Người ta không dung nạp, nhưng sau này họ sẽ thấy Phu Tử là người quân tử. Đạo không được trau dồi, nên lấy đó làm xấu hổ. Đạo đã được trau dồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là nỗi nhục của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp được Phu Tử thì có sao! Về sau người ta ắt sẽ thấy Phu Tử là bậc quân tử.” (**) Không vội vã vọng động theo thế cục, đó là cái đức của Nhan Hồi mà Khổng Tử dẫu là sư phụ vẫn còn ở dưới một bậc. Sở dĩ có thể nói vậy là bởi Nhan Hồi nương theo sinh khí, dẫu cho sớm qua đời mà tứ đức thì còn mãi, Khổng Tử dù là vạn thế sư biểu nhưng chính đạo bị lu mờ bởi lòng tham của hủ nho, vậy mà Nhan Hồi mãi mãi trụ nơi chính tâm của Nho giáo để người hành đạo chuyên tâm quay về soi tỏ lòng mình. Và với những bậc túc nho, pha một ấm trà nhàn tựa như được ung dung bầu nước giỏ cơm bước giữa cõi đời biến ảo.

“Bao giờ dựng lán nơi mây núi

Nước suối đun trà tựa gối say”

(Nguyễn Trãi)

Phiên âm Hán Việt:

“Hà thời kết ốc vân phong hạ

Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên”

Vẻ thanh tao ấy là ước ao của bậc túc nho một đời lao đao vì thế cục, chẳng ngờ lại trở thành vật trang trí của các thế gia. Cũng như hòa thượng Tích Công, họ cần thứ gì đó thanh tịnh để xoa dịu cho cuộc đời ô trọc của mình, theo lối lễ Phật niệm kinh, trà bỗng nhiên thành thú chơi và cũng là cứu rỗi cho họ. Nhưng vì không hiểu đạo của trà, nên họ lệ thuộc vào giá thành của trà, vào danh tiếng của nghệ nhân, vào cái ấm, cái chén… như thú chơi trà cầu kỳ trong thứ văn chương uốn éo của Nguyễn Tuân hay tiệc trà phồn hoa vô nghĩa của hoàng gia Anh. Họ ưa thích sự ngoạn mục trong trà nghệ thay vì nhận ra điều vô ngôn huyền bí trong chén trà pháp bảo. Nhưng thôi, nào có hề gì, giống như Đức Phật vẫn cần Cấp Cô Độc cúng dường tài sản, như Khổng Tử cần Tử Cống xoay xở cơm áo gạo tiền, pháp tu trà nghệ cũng cần những thế gia vội vã và nông nổi ấy. Còn Nhan Hồi, còn Lục Vũ, còn cổ thi thanh nhã về ấm trà nhàn, còn trùng trùng nhân duyên hội tụ, thì lo gì đạo thưởng trà dẫn vào mạt lộ.

Hà Thủy Nguyên

(*) Jingak Hyesim 진각혜심 (1178-1234), tên Hán Việt là Chân Giác Tuệ Thầm, là nhị tổ phái Tào Khê, thiền phái lớn nhất của Hàn Quốc. Ông là một trong các thi tăng nổi tiếng nhất Hàn Quốc.

(**) Trích “Luận Ngữ”

Xin được gửi tặng bài viết này tới những người bạn trà của tôi, những người đã đưa đẩy tôi đến với trà, và những người tôi chưa từng được gặp mặt đang hành đạo qua trà nghệ.

> Đọc thêm bài:

Thưởng trà cũng lắm công phu… và cả khoa học nữa – Phân loại các dòng trà – Book Hunter

Thưởng trà cũng lắm công phu… và cả khoa học nữa – Phân loại các dòng trà

1. Giới thiệu tổng quan Trà ở phương Đông rất đa dạng về chủng loại, phong phú về các sản phẩm giống như rượu vang đối với người phương Tây. Về mặt lý thuyết, tất cả các loại trà đều có thể được làm từ cùng một loài thực vật gọi là cây chè hay cây trà, tên khoa học là camellia sinensis (loài là bậc phân loại sinh học cơ bản, loài người, loài bò, loài bồ câu, …). Loài cây chè bao gồm

Mắt xích còn thiếu trong lịch sử y học Trung Quốc: Một ghi chú nghiên cứu về những nội dung liên quan y học trong Đại Tạng Kinh

Dẫn nhập về Y học Phật giáo Nhiều văn bản đã được tạo ra vào khoảng giữa năm 150 và 1100 SCN đã giới thiệu y học Ấn Độ đến Đông Á. Những điều này về mặt lịch sử đại diện cho một kho kiến thức liên quan đến sức khỏe tương đối rời rạc, không được tích hợp vào y học Trung Quốc và thường bị bỏ qua trong lịch sử y học chính thống của Trung Quốc. Các văn bản Phật giáo không

Sự xuyên tạc của thực dân về “Cách mạng Chè” ở tỉnh Phú Thọ (Bắc Kỳ), 1920-1945

“Phát hiện” này giải thích làm thế nào mà việc trồng chè, loài cây mà trong các sách chuyên khảo và nghiên cứu kinh tế trước năm 1935 vẫn được coi là một loại cây trồng ‘trong vườn’ có tầm quan trọng kinh tế thứ yếu, nhanh chóng trở thành mối quan tâm chủ yếu trong tỉnh.”[1] “Phát hiện” của tác giả trong báo cáo năm 1939 này về việc thuộc địa hóa tỉnh Phú Thọ[2] liên quan đến 1.866 đồn điền chè trái phép với tổng

NHỮNG MỐI NGUY HIỂM TỪ THIỀN

Thiền rất tốt cho sức khỏe của chúng ta nhưng liệu nó có tiềm ẩn những mối nguy hiểm nào đó không? Một vài năm trước, sau khi tôi thảo luận về lợi ích của thiền trong một buổi hội thảo của tôi, một sinh viên nói với tôi: “Những gì tiến sĩ đang thực sự nói ở đây là thiền thật tuyệt vời, và không có bất kỳ nguy hiểm hoặc tác dụng phụ nào.” Lời nhận xét đó khiến tôi nhận ra việc
le-nam

Lê Nam

05/01/2020

Đọc “Siddhartha” của Herman Hesse để nghĩ về chặng đường truy tìm chân lý

Siddhartha gặp Đức Cồ Đàm và được nghe về Tứ diệu đế và Bát chính đạo, nhưng chàng không dừng ở đó, chàng không gia nhập giáo đoàn của Đức Cồ Đàm như người bạn thân từ thủa thiếu thời Giovinda của chàng. Vẫn còn điều gì đó thôi thúc bên trong chàng: đi theo Đức Cồ Đàm để diệt khổ sẽ không mang lại bình yên trong tâm trí của chàng. Đức Cồ Đàm lý luận rất hay, rất chuẩn nhưng Siddhartha chẳng để
le-nam

Lê Nam

15/09/2017