Home Chuyên đề tháng Thoái Tăng Trưởng tại Việt Nam để “định hướng phát triển về phía chất lượng cuộc sống” – Phỏng vấn Aaron Vansintjan

Thoái Tăng Trưởng tại Việt Nam để “định hướng phát triển về phía chất lượng cuộc sống” – Phỏng vấn Aaron Vansintjan

Book Hunter: Đứng trước những biến động lớn về kinh tế và thiên nhiên, một lần nữa chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc xu hướng THOÁI TĂNG TRƯỞNG. Trong một thời gian dài, THOÁI TĂNG TRƯỞNG bị coi là gần với mô hình kinh tế tự cung tự cấp thuở ban sơ và không kích thích thương mại, nhưng mọi dị nghị đều dần bị loại bỏ bởi chính hiện thực của nền kinh tế được ưa chuộng hiện hành và tương lai hứa hẹn của một nền kinh tế mới xanh hơn, bền vững hơn, thân thiện hơn.

Được tư vấn từ chuyên gia về Thoái Tăng Trưởng, Book Hunter đã tổ chức xuất bản bản dịch cuốn sách “Tương Lai Sẽ Là Thoái Tăng Trưởng” của Matthias Schmelzer, Andrea Vetter và Aaron Vansintjan. Cuốn sách dành được sự quan tâm của nhiều chuyên gia và các bạn đọc yêu thích kinh tế. Dịch giả của cuốn sách, chị Nguyễn Phương Anh đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Aaron Vansintjan, một trong 3 tác giả của cuốn sách và dịch sang tiếng Việt. Aaron Vansintjan cũng là tác giả của tiểu luận về đồ lên men tại Việt Nam như một phương thức tiết kiệm thực phẩm mà dịch giả Nguyễn Phương Anh đã dịch và đăng tại Book Hunter.

Nguyễn Phương Anh (PA): Điều gì đã thúc đẩy 3 bạn viết cuốn sách này? Và khi viết, có điều gì thú vị mà bạn nhận ra hay tìm hiểu thấy không?

Aaron Vansintjan (AV): Ban đầu, Matthias và Andrea đã viết một bản bằng tiếng Đức cho cuốn sách này. Rồi khi tôi được mời tham gia vào việc dịch và biên soạn sách cho độc giả nói tiếng Anh thì chúng tôi cũng đã có tìm hiểu về các cuốn sách nói tới thoái tăng trưởng trước đây. Chúng tôi thấy nhiều cuốn đã từng được xuất bản thì đều hướng về các độc giả nói chung hoặc độc giả trong ngành học thuật. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được hợp đồng viết sách với Verso Books, một nhà xuất bản sách tiếng Anh cánh tả. Cho nên chúng tôi đã quyết định là cần hướng cuốn sách này đến các độc giả nói tiếng Anh cánh tả – những độc giả đã sẵn có thái độ đồng tình với các giá trị phản tư bản, nữ quyền và giải thực dân, và muốn đào sâu thêm các câu hỏi về chiến lược hay kinh tế chính trị chẳng hạn.

Chúng tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi thấy cuốn sách dù mới ra nhưng đã thu hút được nhiều độc giả hơn dự kiến. Đã có sự quan tâm của các phương tiện truyền thông chính thống, cũng như sự quan tâm của nhiều nhà giáo dục và người dân ở nhiều quốc gia khác. Cuốn sách hiện cũng đang được dịch sang tiếng Hàn, Tây Ban Nha, Ý, và Séc. Có lẽ là chúng tôi đã đặt mục tiêu quá thấp chăng? Nhưng tôi cho rằng việc tập trung vào một đối tượng độc giả cụ thể đã giúp chúng tôi làm nổi bật các lập luận của mình và có những cuộc đối thoại rất sâu. Khi tôi đến các lớp học và các nhóm đọc sách để nói về cuốn sách này, những cuộc thảo luận đã rất sôi nổi và bổ ích. Việc viết một cuốn sách tốn khá nhiều công sức, nhưng sau cùng thì tôi vẫn rất biết ơn là đã có thể dùng việc viết sách để mở đầu cho những cuộc đối thoại sâu sắc, sôi nổi, và rất cần thiết về tình trạng thế giới hiện nay.

>> Tìm hiểu thêm về sách: Tương lai sẽ là thoái tăng trưởng – Matthias Schmelzer, Andrea Vetter, Aaron Vansintjan – Book Hunter Lyceum

PA: Bạn có thể cho độc giả Việt Nam biết thoái tăng trưởng là gì không? Và vai trò của các quốc gia ở phía Nam của thế giới như Việt Nam trong các phong trào thoái tăng trưởng là gì?

AV: Thoái tăng trưởng là ý tưởng cho rằng chúng ta có thể có một nền kinh tế mang đến sự an lạc mà không phải phụ thuộc vào tăng trưởng GDP, và toàn bộ nền kinh tế đó sẽ đòi hỏi việc sử dụng ít năng lượng và vật chất hơn. Đối với ở phía Nam của thế giới như Việt Nam, có lẽ vẫn cần có sự tăng trưởng trong sử dụng năng lượng và vật chất ở nhiều lĩnh vực kinh tế – vì các nước này vẫn còn tiêu thụ ít hơn nhiều so với nhu cầu và so với các quốc gia phía Bắc, nơi đã chiếm quá phần trong việc sử dụng tài nguyên và tác động lên môi trường, chẳng hạn như phát thải khí cacbon. Tuy nhiên, ngay cả ở các quốc gia thuộc phía Nam của thế giới, sự phát triển vẫn cần phải được định hướng về phía chất lượng cuộc sống hơn là để đạt được các chỉ tiêu về GDP. Và sẽ cần có sự chuyển đổi ra khỏi mô hình phát triển khi mà mô hình này cho rằng sự công nghiệp hoá gây ô nhiễm và sự tăng trưởng gây bần cùng hoá (immiserising growth) là điều kiện tiên quyết để có được sự phồn thịnh.

PA: Bạn đã từng sống ở Việt Nam một vài năm và làm nghiên cứu về cách người dân sử dụng lương thực (food way) để kháng cự lại cải tạo đô thị (gentrification). Bạn cũng đã có một số bài báo về các thực hành ở Việt Nam như việc làm các món ăn lên men và sử dụng ao cá để xử lí chất thải. Có sự liên hệ nào giữa những chủ đề này và thoái tăng trưởng không?

>> Đọc thêm: Bàn về các món ăn lên men trong văn hóa ẩm thực Việt Nam – Book Hunter

AV: Nghiên cứu của tôi tìm hiểu việc mô hình phát triển đô thị gọi là cải tạo đô thị (gentrification) phụ thuộc như thế nào vào sự tận dụng và phá huỷ các không gian lương thực chung, và có lẽ là nghịch lý hơn, việc người dân dựa vào cũng chính các nguồn lực đó để kháng cự lại quá trình này. Khi sống ở Hà Nội, tôi cũng bắt đầu quan tâm đến sức mạnh của nền kinh tế phi chính thức – hay như một số người gọi là các thực hành công hữu (the commons) – trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân, và tôi cũng quan tâm đến các thực hành sinh thái sáng tạo. Tôi đã được thấy những thực hành tuy là có công nghệ thấp như ao cá hay việc lên men những có thể được coi là tiến bộ về mặt khoa học hơn là các phương pháp công nghiệp sử dụng công nghệ cao. Điểm đặc trưng của các thực hành này là chúng làm mờ đi biên giới giữa con người và thiên nhiên – trong đó việc sống sinh thái không có nghĩa là tách biệt ra khỏi thiên nhiên và dựng nên một nơi hoang dã, mà là việc làm cho xã hội của chúng ta trở nên cởi mở hơn với các dạng sống khác. Hình thái xã hội này có thể trông bừa bộn hơn nhiều, nhưng nó cũng sẽ trở nên cộng sinh hơn và khiến chúng ta thoả mãn hơn.

Như đã được chỉ ra trong cuốn sách, một trong những điểm mạnh của thoái tăng trưởng là đưa ra sự phân tích toàn diện về các vấn đề chính trị và sinh thái hiện thời. Thoái tăng trưởng kết nối nhiều luồng phê bình và nhiều tầm nhìn khác nhau, đem đến một tổng thể lớn hơn là các thành phần gộp lại. Góc nhìn toàn diện này đã thu hút tôi ngay từ đầu khi nghiên cứu về bối cảnh ở Việt Nam. Ví dụ, các tài liệu thoái tăng trưởng kết hợp các góc nhìn về công hữu, nữ quyền sinh thái, phê bình chủ nghĩa công nghiệp, chủ nghĩa hậu thực dân, và phê bình sinh thái đối với chủ nghĩa tư bản. Ta hãy lấy hai ví dụ trong số các góc nhìn này. Phê bình chủ nghĩa công nghiệp chỉ ra rằng chúng ta có thể phát triển các công nghệ mang tính cộng sinh (convivial), và mang đến một tầm nhìn khác mang tính dân chủ về sự hiện đại. Còn phê bình sinh thái đối với chủ nghĩa tư bản tập trung vào việc chủ nghĩa tư bản đã tạo nên vết rạn giữa xã hội và thiên nhiên như thế nào, còn chủ nghĩa hậu tư bản thì sẽ bao gồm việc hàn gắn vết rạn đó ra sao. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thoáng thấy viễn cảnh này khi nhìn vào các nền kinh tế phi chính thức hay các thực hành sinh thái bản địa và truyền thống chẳng hạn – và tôi có thể thấy điều đó khi làm nghiên cứu tại Việt Nam.

PA: Luồng nữ quyền trong thoái tăng trưởng kêu gọi việc trả công cho công việc chăm sóc nhà cửa như là một trong những chuyển đổi cần có để xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, mang tính chăm sóc. Vậy phải thực hiện điều này như thế nào để không biến việc nội trợ thành một mặt hàng tiêu dùng nữa?

AV: Phong trào Wages For Housework (tạm dịch “Trả lương cho việc nội trợ”) trong những năm 1970 đã lập luận rằng mặc dù phụ nữ thực hiện hầu hết các công việc nội trợ trong chủ nghĩa tư bản, nhưng họ lại phải chịu gánh nặng kinh tế vì công việc này không được trả lương. Điều này duy trì các mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa nam và nữ, cũng như chống đỡ cho bản thân thuyết nhị nguyên về giới. Nhưng lời kêu gọi trả lương cho việc nội trợ đã bị phê phán vì đang thương mại hoá chính công việc chăm sóc, và phê bình này cũng có được nêu ra trong phong trào thoái tăng trưởng. Nói cách khác, chúng ta có nên trả tiền để mọi người làm những công việc mà đáng ra phải được chia đều hơn, và đáng ra phải được làm vì niềm vui chứ không phải vì sự cô lập, tha hoá hay không?

Trong cuốn sách, chúng tôi đã lập luận rằng vấn đề nằm ở toàn bộ nền kinh tế, và nó cần được tái thiết để coi trọng lao động chăm sóc. Nền kinh tế chăm sóc này sẽ đòi hỏi một hạ tầng cơ sở gồm các hệ thống hỗ trợ để phân chia lao động chăm sóc một cách bình đẳng hơn, ví dụ như các hợp tác xã trông trẻ, việc chăm sóc người già, và thu nhập cơ bản.

Nhưng trước mắt, chúng ta cần ủng hộ những yêu cầu của các phong trào nữ quyền, và điều đó có thể có nghĩa là ủng hộ các cải cách phi cải cách (non-reformist reforms) như trả lương cho việc nội trợ. Các cải cách như thế trông có vẻ hạn hẹp, nhưng chúng có thể mở đường cho các thay đổi rõ rệt, ví dụ như bằng cách trao quyền trong gia đình cho phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, hay bằng cách phi giới hoá (queering) lao động chăm sóc. Có thể chúng ta sẽ nhìn thấy nam giới làm nhiều việc chăm sóc hơn, và thấy được sự mờ đi của đường biên nhị nguyên về giới, thứ hiện đang làm lợi cho chủ nghĩa tư bản.

>> Đọc thêm về vấn đề trả lương cho công việc chăm sóc: Khi phụ nữ đương đầu với đói nghèo, bệnh tật & tình trạng nhận thức thấp về sức khỏe phụ nữ – Book Hunter

PA: Trong cuốn sách, các bạn viết rằng nên dần loại bỏ các hoạt động quảng cáo. Bạn có thể cho biết thêm về việc cần phải loại bỏ lĩnh vực này không? Và truyền thông có vai trò gì trong một xã hội thoái tăng trưởng?

AV: Hầu hết các công việc trong nền kinh tế hiện nay đều là những công việc nhảm nhí (bullshit jobs): rất khó để tìm thấy ý nghĩa và sự thoả mãn từ các công việc này. Nhưng hầu hết mọi việc sản xuất cũng đều là nhảm nhí. Việc sản xuất hàng hoá liên tục thật là vô lý: nó sử dụng rất nhiều tài nguyên và tạo ra nhiều rác thải, những thứ có thể được sử dụng cho các hoạt động ít gây hại hơn. Ngành quảng cáo thuê rất nhiều người làm những công việc nhảm nhí để quảng cáo cho các sản phẩm nhảm nhí mà chúng ta không cần và cũng không làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn lên. Từ phía góc nhìn của thoái tăng trưởng, quảng cáo là không gian quan trọng cho việc tái sinh tư bản chủ nghĩa. Quảng cáo càng được quyền lấn lướt các không gian công cộng (trong đó phải kể đến các không gian số công cộng như mạng xã hội) thì càng nhiều người được khuyến khích bán sức lao động đi để mua thêm hàng hoá. Ta có thể so sánh điều này với ngành công nghiệp thuốc lá: ngay cả khi thời trang nhanh, nhựa độc hại, và thực phẩm siêu chế biến mang tới nhiều tác hại kinh khủng cho chúng ta, nhưng ta vẫn cho phép các ngành công nghiệp này quảng cáo sản phẩm của mình tại các không gian công cộng. Cho nên quảng cáo là một đầu máy mấu chốt của nền kinh tế tăng trưởng.

Mặt khác, truyền thông có thể có một chỗ đứng trong xã hội thoái tăng trưởng. Chúng tôi lập luận rằng ít nhất thì quảng cáo tư nhân phải bị cấm tại các không gian công cộng. Nhưng truyền thông cũng cần phải được chuyển hướng sang phục vụ cho các mục đích giáo dục hoặc phi lợi nhuận.

PA: Bạn có cho rằng trào lưu về sức khoẻ và chăm sóc bản thân (wellness and self-care) hiện nay chỉ là một phương pháp bình định hay đó là một phần trong các cải cách phi cải cách? Làm thế nào để phân biệt một cải cách phi cải cách với một cải cái thuần tân tự do nhằm bảo vệ hiện trạng?

AV: Trào lưu về chăm sóc sức khỏe bản thân là một ngành công nghiệp lớn, với tốc độ tăng trưởng 5% và đáng giá 5 tỷ đô la toàn cầu. Người ta ước tính rằng lực đẩy mạnh nhất cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này là việc gia tăng các căn bệnh mãn tính do lối sống. Và đấy chính là vấn đề: đây là sự phản ứng trước một xã hội gây đau ốm. Nhưng nhìn chung, đó là một phản ứng phi chính trị và cá nhân hoá. Ở những nơi mà nó trở thành một vấn đề chính trị thì thường dẫn đến các nền chính trị máu-và-đất (blood and soil) phi khoa học. Điều này có thể thấy rõ qua việc các ông thầy (guru) về sức khoẻ đã chuyển dịch rõ rệt sang hệ tư tưởng phát-xít trong đại dịch Covid-19. Chúng ta không cần một phong trào chăm sóc bản thân, mà chúng ta cần một phong trào chăm sóc xã hội – đó là điều mà thoái tăng trưởng lập luận. Điều này không có nghĩa là việc chăm sóc cho bản thân là không cần thiết hay thậm chí là cực đoan. Nhưng sự tư nhân hoá ngành y tế ở khắp toàn cầu nên trở thành một vấn đề then chốt đáng quan tâm hiện nay.

Cải cách phi cải cách là các chính sách trông có vẻ hạn hẹp về phạm vi, nhưng thực tế là đang mở đường cho một sự biến đổi trong toàn xã hội. Chúng tôi không đưa ra thước đo nào để định nghĩa cho một cải cách phi cải cách. Tôi cho rằng một chính sách có mang tính biến đổi hay không thì còn phụ thuộc vào thời gian và không gian, và vào cách chúng được thực thi. Ví dụ, trong một số trường hợp, việc dựng nên các phòng tập công cộng, đường cho xe đạp, công viên có thể được coi là mang tính chiến lược, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến vấn đề về cải tạo đô thị và chiếm chỗ trong một khu phố lao động. Nhưng theo quan điểm của tôi thì ngành công nghiệp chăm sóc sức khoẻ không phải là một cải cách phi cải cách, vì nó tập trung chủ yếu vào lợi nhuận tư thay vì các giải pháp công cộng cho cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

PA: Giáo dục có vai trò như thế nào trong thoái tăng trưởng? Trạng thái tâm lý cá nhân ảnh hưởng thế nào đến sự chuyển đổi theo hướng xã hội thoái tăng trưởng?

AV: Hệ tư tưởng bá quyền về “con người lý tính” và chủ thể tự chủ được các nhà lý thuyết tư bản tự do xây dựng và đã biểu hiện tột bậc trong thời đại tân tự do. Chúng ta được dạy là phải xem bản thân như các cá thể làm việc có năng suất, và rằng nếu ta không sống sót được là do lười biếng hay không đủ sức cạnh tranh. Mỗi cá nhân đã trở thành một công ty. Giá trị của chúng ta nằm ở việc ta làm ra được bao nhiêu thứ và hiệu quả công việc ra sao. Như các nhà tư tưởng nữ quyền đã chỉ ra từ lâu, hệ tư tưởng bá quyền này không chỉ hoàn toàn sai lầm, mà nó còn giúp bảo vệ các hệ thống thứ bậc như nam trên nữ dưới, con người làm chủ thiên nhiên, lý trí được coi trọng hơn cảm xúc, vv… Và đó là điều khiến chúng ta trở nên không ổn.

Chắc chắn là thoái tăng trưởng sẽ đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ về các cá nhân. Thứ mà chúng tôi gọi là “chủ thể tăng trưởng” được hình thành đầu tiên trong gia đình, tiếp theo là trong các thể chế giáo dục, và sau đó là ở nơi làm việc. Chúng tôi cho rằng các chiến lược phản bá quyền nên bao gồm giáo dục không chính thống, và chủ thể tăng trưởng có thể được thách thức và chuyển đổi trong nhiều không gian như ở các hợp tác xã, các thư viện, và các nghiệp đoàn tại nơi làm việc. Một phần thiết yếu trong vấn đề này còn là mối quan hệ của chúng ta với bản thân. Tuy đây là một thách thức lớn, nhưng ta cần xem xét những ý tưởng mang tính hạn chế này về bản chất con người và xóa bỏ lối tư duy tự tôn, chuộng năng suất và gây cô lập trong mỗi người chúng ta. Nhưng ngay cả trong quá trình này, chúng ta cũng không thể thực hiện một mình. Mà chúng ta còn cần có tình đoàn kết để có thể thay đổi bản thân.

PA: Trước đây đã từng có nhiều ý tưởng cấp tiến để giảm bất bình đẳng và bảo vệ môi trường, vậy bạn nghĩ tại sao thoái tăng trưởng có một vị thế đặc biệt trong việc thúc đẩy những cuộc đấu tranh này? Cụ thể là những sai lầm và những ấn tượng xấu về thời kỳ cải cách ruộng đất và bao cấp trong thế kỷ trước vẫn còn dai dẳng trong tâm trí người dân Việt Nam cho đến nay, vậy làm thế nào để thuyết phục họ rằng thoái tăng trưởng sẽ khác?

AV: Như đã lập luận trong cuốn sách này, chúng tôi không cho rằng thoái tăng trưởng nên trở thành một phong trào hay khẩu hiểu dẫn đường cho các cuộc đấu tranh cấp tiến. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy thoái tăng trưởng đã đưa ra một phân tích và đề xuất độc đáo, mà ít nhất cũng cần phải được xem xét trong các phong trào tiến bộ. Trước hết, thoái tăng trưởng chỉ ra và đối đầu trực tiếp với một hệ tư tưởng tương đối mới là tăng trưởng kinh tế, thứ biện hộ cho hiện trạng và góp phần duy trì nó. Nếu không gọi tên hệ tư tưởng này ra thì chúng ta không có cách nào vượt qua được nó. Tiếp đến, quan điểm toàn diện của thoái tăng trưởng kết nối nhiều luồng phê bình – chúng ta cần phải cùng lúc nhìn bằng quan điểm của các nhà sinh thái học, các nhà phản tư bản, các nhà nữ quyền, các nhà chống phân biệt chủng tộc, và các nhà phản đế quốc. Hơn nữa, thoái tăng trưởng đưa ra một tầm nhìn phản ánh thực tại, và gắn với một chủ nghĩa lý tưởng mang tính khoa học (scientific utopianism) mà chúng ta cần có hiện nay.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, và cũng là để trả lời cho phần hai của câu hỏi, thoái tăng trưởng có thể được coi như là sự chính trị hoá quá trình chuyển hoá xã hội (social metabolism). Ý chúng tôi là thoái tăng trưởng khiến cho nền tảng tác động vật chất của xã hội chúng ta trở thành một dự án chính trị. Đó là việc toàn xã hội cùng chọn xem ngành công nghiệp nào là cần hay không cần. Các dự án cộng sản của thế kỷ trước – trong đó có chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam – đã giúp nhiều người bước ra khỏi nghèo khó, nhưng thường là với cái giá phải trả là việc tạo nên hệ thống chính trị dựa vào một trật tự cố hữu, và đến lượt nó, trật tự này lại dẫn đến sự phá huỷ công hữu tập thể mà trước đây là thứ duy trì cuộc sống cho người dân. Chẳng hạn ở Việt Nam, Đảng Cộng sản lúc đầu đã ngăn cấm việc tự sản xuất lương thực trong dân chúng bởi vì việc này không phù hợp với học thuyết cộng sản, nhưng rồi cuối cùng cũng buộc phải quay mặt làm ngơ khi chuỗi cung ứng tập trung không thể cung cấp đủ lương thực cho người dân. Ở Cuba cũng vậy, chính phủ rốt cục cũng phải ủng hộ một hệ thống nông-lâm nghiệp hỗn hợp, kết hợp sản xuất cây công nghiệp ngắn hạn với các nền kinh tế tự túc bền vững dựa vào công hữu. Trong thế kỷ 21 này, có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của một chủ nghĩa cộng sản không phải là để cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản trong việc bòn rút công hữu, mà thay vào đó là dựa nền kinh tế vào việc người dân tự quản lý của công, và không đem thiên nhiên làm vật cống cho quá trình công nghiệp hoá nữa.

PA: Hiện nay, nhiều người tin rằng mình không có ảnh hưởng chính trị nào, hoặc là họ quá bận rộn với cuộc sống hằng ngày và không thể tham gia vào chính trị. Bạn có cách nào để nói chuyện với những người này về thoái tăng trưởng không? Và một người thuộc tầng lớp lao động hoặc trung lưu thực hành thoái tăng trưởng trong cuộc sống hằng ngày thì sẽ trông như thế nào?

AV: Khi trò chuyện về thoái tăng trưởng, tôi thường thấy mọi người đồng cảm nhất với các phê bình của thoái tăng trưởng về sự cô lập, tha hoá (alienation). Chúng ta đang tạo ra một xã hội cực kỳ cô lập, và hầu hết chúng ta đều dành nhiều thời gian làm việc mà không được thấy thành quả từ sức lao động của mình. Chúng ta cảm thấy bị buộc phải năng suất và hiệu quả, nhưng lại luôn cảm thấy như đang trong một guồng quay và tụt lùi, trong khi thế giới cứ tiếp tục tăng tốc. Và chúng ta cảm thấy có sự xa cách dữ dội với môi trường xung quanh – một thế giới bị bê tông hoá và đầy kênh hào, thiếu vắng tính sáng tạo và những khả năng có thể xảy ra một cách tự nhiên.

Cách để thoát ra khỏi tình trạng này là phải bắt đầu với trí tưởng tượng. Như nhà tư tưởng cách mạng Murray Bookchin đã nói, “Giả định rằng thứ đang tồn tại hiện nay nhất thiết phải tồn tại thì chính là chất axit ăn mòn mọi tư duy có tầm nhìn”. Chúng ta cần phải bắt đầu, không phải với hi vọng hay niềm tin, mà với khả năng tưởng tượng ra những thứ chưa có sẵn. Thoái tăng trưởng là việc khát khao một thứ gì khác, một thứ chưa tồn tại, nhưng là thứ sẽ giải phóng chúng ta khỏi gông cùm của hiện tại.

Khát khao đó bắt đầu từ cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các nowtopia. Nowtopia là các không gian và sáng kiến hiện có, đi theo chiều hướng lý tưởng. Chúng ta có thể tìm thấy xã hội lý tưởng (utopia) trong những mảnh vỡ vương khắp cuộc sống ảm đạm của ta. Đó có thể là trong việc tổ chức ở nơi làm việc và tìm ra các khả năng mới qua tình đoàn kết với các công nhân khác, hay bằng việc tham gia vào một khu vườn tập thể và nhận ra rằng mọi việc có thể hoạt động theo cách khác đi một chút, hay bằng việc cùng hàng xóm tổ chức phản đối một siêu dự án vô nghĩa và gây hại. Có các nowtopia khá phát triển và cho phép cả cộng đồng sống khác đi, hướng theo các giá trị hậu tư bản, ví dụ như thử nghiệm Rojava ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm Zapatistas, các làng sinh thái. Chúng tôi không cho rằng nên mở rộng quy mô của các nowtopia này để thay thế cho xã hội hiện nay – đây là một sự mơ tưởng hão huyền. Điều mà chúng tôi muốn chỉ ra là, như triết gia Barbara Mucara đã nói, các nowtopia là để “giáo dục sự khát khao” (education of desire), và rằng trong thời điểm khủng hoảng, những người dân thường sẽ hướng về các trải nghiệm lý tưởng trong cuộc đời mình mà tưởng tượng ra và xây dựng nên một thế giới khác, không dựa trên cơ cấu của thế giới cũ.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để trao đổi về cuốn sách “Tương lai sẽ là thoái tăng trưởng”!

Nguyễn Phương Anh thực hiện

> Các bài liên quan:

Thoái Tăng Trưởng là gì và tại sao có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu – Book Hunter

Lợi nhuận đến từ hào phóng – Phỏng vấn Charles Eisenstein, tác giả “Kinh tế học thiêng liêng” – Book Hunter

Cái Chết của Lễ hội – Charles Eisenstein – Book Hunter

1/5 loài thực vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng

Báo cáo toàn cầu nhấn mạnh mối đe dọa đối với an ninh lương thực và nguồn cung cấp thuốc nhưng cũng tiết lộ 2.000 loài mới được phát hiện mỗi năm. Theo đánh giá toàn cầu đầu tiên về hệ thực vật, một phần năm số loài thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, khiến nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng báo cáo cũng cho thấy 2.000 loài thực vật mới được phát

Tầm Quan trọng của Việc Mua hàng Địa phương

Adam Lague Ảnh hưởng của đại dịch đối với thương mại quốc tế đã khiến việc mua hàng tại địa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mùa giải golf 2020 là một trong những mùa giải thử thách nhất mà chúng ta từng chứng kiến. COVID-19 đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và vận hành các sân golf trong thời gian ngắn, nhưng nhiều tác động của nó có thể sẽ kéo dài. Mua hàng địa phương đã trở

Phản biện bộ phim “Cuộc sống trên hành tinh chúng ta” của David Attenborough

David Attenborough thân mến, đó quả thực là một bộ phim tài liệu đẹp trên Netflix. Nhưng những “giải pháp” của ông còn tàn phá tự nhiên nhiều hơn. Thưa ông David Attenborough, Gần đây tôi đã được xem bộ phim mới của ông - Cuộc sống trên hành tinh chúng ta - một phim tài liệu thật đẹp nói về sự suy giảm sinh thái tự nhiên trên toàn cầu. Bộ phim như viên thuốc đắng phục vụ kèm một món tráng miệng ngọt

Vân Trần

19/11/2020

SỰ THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Trong vài thập niên qua, nền kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc dưới tác động của nhiều yếu tố, động lực khác nhau. Về vĩ mô, đó là tác động của quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và thị trường hóa. Bên cạnh đó là những thay đổi về mặt chính sách phát triển từ các cơ quan nhà nước kể từ khi thực

Bàn về các món ăn lên men trong văn hóa ẩm thực Việt Nam

Hệ thống thực phẩm đơn giản của Việt Nam tận dụng quá trình phân hủy trong tự nhiên Hệ thống thực phẩm của các nước công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các quy trình sản xuất hàng loạt, quá trình phân phối toàn cầu, và công nghệ đóng đông, giữ lạnh thường xuyên. Hệ thống này đòi hỏi việc sử dụng nhiều năng lượng và cũng tạo ra rất nhiều sự lãng phí đồ ăn. Aaron Vansintjan đã đến thăm phố phường Hà Nội, nơi