Home Sống SỰ THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

SỰ THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

su-thay-doi-tu-duy-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-duoi-tac-dong-cua-kinh-te-thi-truong

Trong vài thập niên qua, nền kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc dưới tác động của nhiều yếu tố, động lực khác nhau. Về vĩ mô, đó là tác động của quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và thị trường hóa. Bên cạnh đó là những thay đổi về mặt chính sách phát triển từ các cơ quan nhà nước kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa đất nước, hội nhập quốc tế. Một trong những yếu tố mang tính hạt nhân của các quá trình biến đổi ở miền núi là sự thay đổi về tư duy của con người. Với tư cách là chủ thể tiếp nhận, những người dân tộc thiểu số ở miền núi đã tiếp nhận/chịu nhận những tác động to lớn từ nhiều làn sóng khác nhau, trong đó có kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường đã làm thay đổi tư duy của người dân tộc thiểu số theo hướng thị trường hóa ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, quá trình thay đổi tư duy này đến nay vẫn chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức cho dù nhiều người vẫn nhấn mạnh con người là yếu tố trung tâm trung quá trình hoạch định phát triển miền núi. Dưới góc nhìn tư duy học và nhân học nhận thức (cognitive Anthropology), bài viết này muốn trình bày lại một số kết quả khảo cứu về sự thay đổi tư duy của người dân tộc thiểu số ở một số công đồng đã được khảo sát nhiều năm qua.

1. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và thị trường hóa: những làn sóng tấn công mạnh mẽ vào tư duy tộc người

Trong mấy thập niên qua, thuật ngữ toàn cầu hóa (Globalization) được xác lập, mở rộng và không ngừng phổ biến trong giới học thuật cũng như truyền thông trên toàn thế giới. Thậm chí, nó trở thành một khái niệm thời thượng, được gắn với hầu hết các nghiên cứu khoa học và chiến lược phát triển. Toàn cầu hóa gắn liền với nhiều quá trình, nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có một số vấn đề liên hệ mật thiết. Trước hết, đó là sự xuất hiện những vấn đề lớn vượt qua giới hạn của quốc gia, vùng hay châu lục mà tác động lớn và lan tỏa trên quy mô toàn thế giới. Đó cũng là sự đáp ứng nhu cầu của tài thiết của các quốc gia, vùng lãnh thổ từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Sau đó, với sự xuất hiện của các tổ chức quốc tế thì quá trình hợp tác kinh tế càng mở rộng ra và quá trình toàn cầu hóa được đẩy mạnh. Hiểu theo nghĩa cổ điển thì quá trình toàn cầu hóa, mà trước đó là sự khám phá và liên kết giữa các thành phần lớn ở các châu lục lại gần nhau hơn. Từ giữa thế kỷ XX quá trình này được đẩy mạnh nhưng đến những thập niên cuối thế kỷ trước thì thuật ngữ toàn cầu hóa mới được xác lập và phổ biến. Đó cũng là quá trình hình thành nền kinh tế toàn cầu cùng với những vấn đề toàn cầu liên quan đến sự tồn tại, phát triển hay diệt vong của Trái Đất. Nói cách khác là xuất hiện những vấn đề về phát triển bền vững, đòi hỏi các quốc gia, châu lục trên thế giới phải hợp tác với nhau cùng xử lý. Toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trên những phương diện lớn mà cả những nhu cầu cá nhân của con người cũng được tạo điều kiện để xích lại gần nhau hơn. Với sự phát triển của giao thông, việc di chuyển giữa các quốc gia và các châu lục thực sự được dễ dàng hơn thì việc con người tiến hành giao dịch thương mại hay du lịch đến các vùng khác càng trở nên nhộn nhịp. Khi các đô thị hàng chục triệu dân xuất hiện với không khí ngột ngạt và sự đông đúc thì nhu cầu du lịch lên những vùng miền núi, vùng nông thôn ít người hơn, có thắng cảnh đẹp, khí hậu trong lành hơn càng lên cao. Chính vì vậy, quá trình toàn cầu hóa đã tác động đến hầu hết các cộng đồng tộc người từ những nước phát triển đến các nước kém phát triển, từ vùng thành thị sầm uất đến các vùng miền núi hẻo lánh hay miền đảo xa cách. Quá trình toàn cầu hóa mang theo những hơi hướng, tư tưởng, quan điểm và văn hóa khác nhau đến những vùng đất mới, tạo nên những cuộc tiếp xúc văn hóa ở gần như mọi nơi trên thế giới. Nó đẩy nhanh quá trình tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia và các nền văn minh mà như cách gọi của Samuel Huntington (2003) là thời đại của “sự va chạm giữa các nền văn minh”. Từ quá trình toàn cầu hóa, tư duy tộc người cũng thay đổi nhanh chóng trong quá trình tiếp xúc văn hóa giữa các cộng đồng với nhau.

Hiện đại hóa (Modernization) lại là một quá trình khác với toàn cầu hóa. Nếu toàn cầu hóa là sự lan tỏa rộng lớn mà chủ thể tiếp nhận một cách chủ động và cả bị động, thì hiện đại hóa là một sự tiếp thu về xu hướng phát triển. Dù không tuyệt đối sự chủ động này vì thực tế vẫn có những trường hợp hiện đại hóa một cách tự nhiên hay cưỡng bức theo quan niệm của nhà cầm quyền. Nhưng nhìn chung, hiện đại hóa ở nhiều cấp độ khác nhau là một quá trình tiếp nhận các giá trị và các phương thức để hướng tới cuộc sống hiện đại. Ở Việt Nam, hiện đại hóa xuất hiện vào giữa nửa sau thế kỷ XX, nhưng rõ ràng hơn từ thập niên cuối thế kỷ XX. Đường lối phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nhắc lại nhiều lần và nhấn mạnh qua các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII và VIII. Và cho đến nay, mục tiêu hiện đại hóa đất nước vẫn luôn được đề cao. Hiện đại hóa ở Việt Nam qua các thời kỳ có những cách hiểu khác nhau. Thời kỳ đầu, để tái thiết đất nước, hiện đại hóa được gắn liền với công nghiệp hóa. Nhưng cơ cấu công nghiệp của một nước kém phát triển, chủ yếu dựa vào khai khoáng và sơ chế, khi bị đẩy nhanh đã gây tổn thương đến các nguồn tài nguyên của đất nước mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Và công nghiệp hóa chưa hẳn đã thúc đẩy hiện đại hóa như các nhà quản lý mong đợi. Và khi gắn hiện đại hóa với công nghiệp hóa chủ yếu tác động mạnh ở vùng đồng bằng và một số vùng miền núi có điều kiện để phát triển công nghiệp khai khoáng. Một mặt khác, trong quá trình đổi mới đất nước, hiện đại hóa cũng được gắn với sự phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này có nhiều vấn đề bất cập và nhiều khía cạnh còn đi ngược lại với khái niệm hiện đại hóa. Một hướng khác, một bộ phận không nhỏ đã đồng nhất cách hiểu hiện đại hóa với phương Tây hóa. Họ đem hệ giá trị của phương Tây là tiêu chuẩn để đo lường, đánh giá mức độ hiện đại hóa. Cách hiểu này đã từng thống trị suy nghĩ của một bộ phận trong một thời gian khá dài và đã có nhiều người phê phán. Đến nay, câu chuyện hiện đại hóa ở Việt Nam vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Đó là cuộc tranh luận về sự lựa chọn hệ giá trị để phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập, ở đó, cần có được sự hài hóa giữa những giá trị truyền thống dân tộc với những giá trị mới được du nhập từ ngoài vào và có sự chọn lọc sao cho phù hợp trong quá trình phát triển.

Nếu như trước đây, quá trình hiện đại hóa tác động chủ yếu đến người Kinh ở vùng đồng bằng và một số vùng miền núi có điều kiện phát triển, thì ngày nay, nó đã lan tỏa và tác động sâu rộng đến các công động dân tộc thiểu số ở miền núi. Từ những vùng thung lũng của các dân tộc như Thái, Tày, Mường… đến vùng lưng chừng đồi như người Dao, Giáy… hay vùng đỉnh núi cao nơi những người Hmông sinh sống đều chịu/bị ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa. Sự ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa lên vùng dân tộc thiểu số bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau: từ toàn cầu hóa, từ sự phát triển của thị trường hay từ các chính sách của nhà nước… Một đặc điểm quan trọng trong quá trình hiện đại hóa miền núi là vai trò chủ đạo của người Kinh-vốn là những người đang kiến thiết quá trình này bằng những chính sách phát triển. Cũng vì lý đó mà hiện đại hóa ở miền núi, ở góc độ chủ đạo, lại mang hơi hướng và tính chất như một quá trình “Kinh/Việt hóa miền núi”. Nếu người Kinh đang “Tây hóa” để thể hiện sự hiện đại của mình thì một bộ phận lớn người dân tộc thiểu số ở miền núi đang “Kinh hóa” để thể hiện sự hiện đại đó. Và quá trình này đang ngày càng sâu rộng, hứa hẹn những bước đi quanh co, phức tạp và khó đoán của các nền văn hóa của dân tộc thiểu số ở miền núi.

Dù ảnh hưởng lớn nhưng hai quá trình trên không phải là nhân tố mạnh mẽ nhất làm thay đổi tư duy của con người ở miền núi. Nhân tố quyết định nhất chính là quá trình thị trường hóa (Marketization) đã và đang diễn ra ở các dân tộc thiểu số với sự biểu hiện đa dạng và nhiều mức độ khác nhau đối với các dân tộc có trình độ phát triển khác nhau. Có thể nói, cùng với quá trình toàn cầu hóa, thị trường hóa đang là làn sóng mạnh mẽ, tác động sâu sắc và rộng rãi đến hầu hết các tộc người, nhóm người trên quy mô toàn thế giới. Theo thời gian, thị trường đang len lỏi đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, khi con người được mở mang và có nhu cầu giao lưu, giao thương thì thị trường sẽ xuất hiện để đáp ứng nhu cầu đó. Về mặt cộng đồng, muốn phát triển và đáp ứng nhu cầu phát triển thì cũng cần gia nhập thị trường để tăng cường nguồn lực và phát huy lợi thế của mình. Về mặt cá nhân, tiếp cận thị trường trở thành một trong những năng lực quan trọng để khẳng định giá trị bản thân cũng như để tiệm cận sự phát triển nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thị trường trở thành một làn sóng mạnh mẽ tấn công vào tư duy của con người ở miền núi và làm thay đổi tư duy con người một cách mạnh mẽ, qua đó làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các cộng đồng tộc người.

Nghiên cứu về tư duy tộc người không phải là vấn đề mới trong giới nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam. Từ nguồn cảm hứng về học thuật trong nghiên cứu về người nông dân ở châu Á đã và đang thịnh hành trong giới học thuật trên thế giới, tiêu biểu như cuộc tranh luận giữa quan điểm của J. Scott và S. Popkin. Đây thực chất là một cuộc tranh luận về tư duy của người nông dân ở châu Á là duy/hợp tình hay duy/hợp lý. J. Scott cho rằng người nông dân ở châu Á có tư duy luôn tránh rủi ro, lựa chọn an toàn là trên hết trong việc đầu tư cuộc sống, đầu tư kinh tế (J. Scott, 1976). Còn S. Popkin lại cho rằng tư duy của người nông dân châu Á là tư duy duy/hợp lý, luôn có những tính toán trong việc đầu tư để thu lợi ích, lợi nhuận cao nhất (S. Popkin, 1979). Cuộc tranh luận này châm ngòi cho một công cuộc đa dạng hóa quan điểm trong nghiên cứu nhân học ở châu Á (và Việt Nam). F. Ellis với quan điểm kinh tế học nông nghiệp, mở rộng thêm quan điểm kinh tế đạo đức của J. Scott về người nông dân châu Á (Ellis, Frank, 1993). Tiếp theo đó, Jennifer Sowerwine, từ một nghiên cứu cụ thể hơn về người Dao ở vùng núi Ba Vì (Hà Nội) tiếp tục củng cố quan điểm về tư duy kinh tế hợp tình mà J. Scott đặt ra (Jennifer Sowerwine, 2008). McElwee khi nghiên cứu về quá trình phát triển của cộng đồng người Kinh ở huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đã xem sự đa dạng hóa sinh kế như là một lựa chọn để giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát triển kinh tế (McElwee, 2007). Trong khi đó, để có một cái nhìn bao quát hơn về mối quan hệ lịch sử giữa các cộng đồng vùng miền ở Việt Nam, Oscar Salemink lại đặt ra vấn đề quan hệ kinh tế giữa các vùng lãnh thổ như là một lịch sử của sự phát triển kinh tế và qua đó người dân đã giải quyết các vấn đề phát triển quan trọng của mình. Ông đặt ra quan điểm nghiên cứu lịch sử kinh tế và quan hệ kinh tế ở Việt Nam nhìn từ hướng núi để đối lập lại với quan điểm tư duy người Việt hướng ra biển của một số nhà nghiên cứu khác. (Oscar Salemink, 2008). Quan điểm này tiếp tục được Alexandra Winkels chia sẻ khi xem mối liên hệ giữa các khu vực kinh tế như là một sự mở rộng sinh kế từ phân tích mối liên hệ kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên. (Alexandra Winkels, 2008). Nói chung, ở nhiều cách tiếp cận khác nhau cả về quan điểm, phương pháp và quy mô khảo sát, vấn đề tư duy của người nông dân đã được các nhà nghiên cứu quy về các khung mẫu khác nhau. Nhưng khái niệm người nông dân châu Á không phải là một thể thống nhất nên không hiểu đơn thuần như vậy được. Người nông dân ở châu Á là một tập hợp đa dạng và phức tạp, nên việc khảo sát nghiên cứu một cộng đồng nhỏ mà tổng kết lại thành quan điểm chung cho cả một thế giới phức tạp và khác nhau cũng là một phương pháp còn mang nhiều hạn chế. Tiếp cận tư duy của người nông dân ở miền núi nếu sử dụng các khung phân tích mang tính cứng nhắc quá thì chưa thể thể hiện hết sự biến đổi tư duy của người dân theo thời gian và điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Nếu để tìm một khung phân tích hợp lý hơn cho vấn đề này thì lý thuyết Khinh-Trọng và khung phân tích Khinh-Trọng của Tô Duy Hợp (2007 và 2012) sẽ là một cách tiếp cận khả dĩ và hợp lý hơn. Lý thuyết Khinh-Trọng không bị giới hạn bởi đối tượng tiếp cận là vĩ mô hay vi mô, và cũng không bị mức độ của mẫu khảo sát làm cho hạn chế trong quá trình tổng quát. Ngược lại, thuyết Khinh-Trọng nhấn mạnh cả yếu tố chủ quan và khách quan liên quan đến những biến đổi của đối tượng khảo sát. Theo đó, lý thuyết Khinh-Trọng tạo ra khung phân tích với nhiều mức độ khác nhau có thể tạo ra những mẫu nhỏ để phân tích sự biến đổi một cách linh động và hợp lý hơn, giúp lý giải sự thay đổi tư duy, thay đổi lựa chọn cùng như điều kiện tương tác đến chủ thể một cách chi tiết hơn.

Trong nghiên cứu về tư duy tộc người ở Việt Nam thì việc nghiên cứu sự thay đổi tư duy tộc người dưới tác động của thị trường lại là một vấn đề khá mới mẻ. Trên góc độ tư duy học và tiếp cận về nhân học nhận thức, nghiên cứu này muốn đặt vấn đề phân tích sự thay đổi về tư duy của một số dân tộc thiểu số ở miền núi Tây Bắc Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế thị trường. Không chỉ là một nghiên cứu mang tính lý thuyết, bài viết hướng đến những câu chuyện cụ thể từ những cộng đồng thiểu số mà tác giả có điều kiện nghiên cứu thực địa để minh họa cho sự thay đổi tư duy của họ dưới tác động của kinh tế thị trường.

2. Sự hình thành thị trường ở miền núi và tác động của nó đến tư duy của các tộc người thiểu số

Kinh tế thị trường mà mức độ thấp hơn trước đó là nền kinh tế hàng hóa đơn giản ở nông thôn nói chung và vùng nông thôn miền núi nói riêng đã tồn tại trong lịch sử. Nhưng do điều kiện tự nhiên chia cắt bởi các dãy núi và các dòng sông nên giao thông đi lại khó khăn, cùng với chiến tranh liên tục nên bị hạn chế phát triển. Sau đó, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, với việc xây dựng hệ thống hợp tác xã, kinh tế tập thể lên ngôi thì kinh tế hàng hóa bị hạn chế đến mức thấp nhất. Phải đến giữa những năm 80 của thế kỷ XX, khi thực hiện đổi mới đất nước và hội nhập, kinh tế thị trường mới được công nhận và khuyến khích phát triển. Nhiều nhà khoa học đang hoài nghi về sự tồn tại của kinh tế hàng hóa, nhất là trong nông thôn truyền thống. Cái bài học cơ bản: “nước ta là một nước nông nghiệp tự cung tự cấp, lạc hậu, chậm phát triển…” đã được bao nhiêu thế hệ người Việt Nam dạy và học nên nhiều người phủ nhận sự tồn tại của kinh tế hàng hóa ở nông thôn cũng là một hệ quả dễ hiểu. Nhiều người khác không nghĩ vậy. Nước ta dưới thời phong kiến đã có nhiều loại tiền để trao đổi, hệ thống và mang lưới chợ khá dày. Bên cạnh đó là sự tồn tại của rất nhiều làng nghề, trong đó có làng buôn. Đã có một bộ phận trong xã hội sinh sống bằng nghề trao đổi, buôn bán. Những điều này chứng minh cho sự tồn tại của nền kinh tế hàng hóa ở nông thôn, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta vẫn mang tính chất khép kín, tự cung tự cấp. Nói cách khác, nền kinh tế hàng hóa tồn tại mờ nhạt trong nền kinh tế nông thôn.

Công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (1986) là một sự kiện lịch sử quan trọng. Trên phương diện kinh tế, đổi mới là đưa nền kinh tế của nước ta hội nhập vào nền kinh tế của khu vực và thế giới, cũng là thừa nhận chính thức nền kinh tế thị trường ở Việt Nam mà Đảng gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới xoá bỏ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thiết lập nền kinh tế thị trường là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa ở nông thôn. Chúng ta đang tiến hành cùng một lúc hai sự quá độ, mà như nhà khoa học người Bỉ là Francois Houtart gọi là “sự quá độ kép ở Việt Nam” (Francois Houtart (2004). Đó là quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quá độ lên nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế bao cấp bị phá vỡ đặt áp lực và trách nhiệm gánh vác vấn đề kinh tế lên các gia đình. Trước đó, hợp tác xã như một đơn vị bảo trợ toàn phần cho mọi gia đình. Các gia đình không được tham gia hoạch toán kinh tế trong khi các thành viên vẫn tham gia lao động. Đây là một rào cản đối với những người nông dân sáng tạo trong lao động nhưng lại là người bảo trợ tốt bụng cho những người lười nhác, kém cỏi. Sự tan vỡ của kinh tế bao cấp đồng nghĩa với sự biến mất của cái rào cản hay người bảo trợ tốt bụng, các gia đình phải gánh lấy trách nhiệm về sự sinh tồn của chính mình. Đây là một sự giải phóng lao động đối với những người có sự năng động trong kinh tế, tạo điều kiện cho họ tiếp cận kinh tế hàng hóa và vươn lên khẳng định chính mình. Nhưng nó cũng đặt các gia đình khác vào nhiều nguy cơ nghèo đói.

Bản thân nền kinh tế – xã hội nông thôn sau đổi mới đã có những bước chuyển mình nhanh chóng. Lao động được giải phóng, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển làm thay đổi nhiều trong quan hệ sản xuất. Đời sống con người ngày càng được đảm bảo hơn, nhất là vấn đề lương thực – thực phẩm, nhu cầu của người dân cũng tăng lên rõ rệt. Các thành quả trong việc áp dụng các thành tựu của khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cũng tạo điều kiện cho sự thay đổi kinh tế nông thôn. Đây cũng là một tiền đề và động lực quan trọng cho sự phát triển của kinh tế hàng hóa.

Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa ở nông thôn. Đô thị hóa tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đem ảnh hưởng của lối sống đô thị vào vùng nông thôn, cho họ những tiếp cận mới về kinh tế thị trường.

Miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một dạng nông thôn đặc biệt, là nông thôn trong nông thôn. Theo Michaud (2010) thì ở miền núi từ thời phong kiến đã có sự phát triển của kinh tế hàng hóa, dù là ở trình độ thấp nhưng đó là những trao đổi hàng hóa khá rộng rãi. Người dân tộc thiểu số không chỉ trao đổi với nhau trong một cộng đồng mà còn trao đổi với các cộng đồng khác. Thậm chí còn trao đổi với người Kinh qua những thương nhân đi chuyến, hình thành những trục nhỏ vận chuyển một số loại hàng hóa đặc sản. Nhưng kinh tế hàng hóa ở miền núi chịu phụ thuộc vào một số cộng đồng dân tộc phát triển, nắm giữ những tuyến giao thông chính. Khi thực dân Pháp vào Tây Bắc, họ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, mua các đặc sản của người bản địa, đồng thời trao đổi lại các vũ khí cho các nhóm khác nhau. Mặt hàng trao đổi của người bản địa lúc này chủ yếu là các đặc sản rừng núi và thuốc phiện. Sau 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa thì kinh tế hàng hóa ở miền núi Tây Bắc bị hạn chế. Đây là thời gian xây dựng kinh tế hợp tác xã lên miền núi.

Sau Đổi mới (1986), kinh tế hàng hóa ở nông thôn bắt đầu được khôi phục để phát triển. Trong phát triển kinh tế nông thôn, “Chuyển sang sản xuất hàng hóa là một yêu cầu khách quan có tính quy luật. Đưa nông thôn nước ta chuyển sang sản xuất hàng hóa là một tất yếu lịch sử” (Phan Đại Doãn,1989: Tr. 28). Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nêu rõ: “nắm vững chủ trương phát triển có kế hoạch nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội; điều chỉnh lại quan hệ sản xuất ở miền núi cho phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thật sự tôn trọng quyền tự quyết định của nhân dân trong việc lựa chọn các hình thức kinh tế và cơ chế quản lý thích hợp, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chuẩn hàng đầu, nhất thiết không hình thức, máy móc rập khuôn, áp đặt” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1992: Tr. 20-21) và tiếp tục “xây dựng cơ cấu kinh tế miền núi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa, liên kết chặt chẽ với các tỉnh đồng bằng, ra sức phát huy thế mạnh từng vùng” (Đảng Cộng sản Việt Nam,1992: Tr. 21). Với những đường lối như vậy, nền kinh tế hàng hóa ở miền núi ngày càng được củng cố và phát triển nhanh chóng.

Nền kinh tế thị trường ở miền núi hình thành trong những điều kiện đặc thù ở miền núi quy định nên nhìn chung còn phát triển chậm. Ta có thể điểm qua các đặc điểm quan trọng sau:

Nền kinh tế hàng hóa phát triển thấp, chậm, không phải dựa trên sự chuyển dịch sang các ngành mới có kỹ thuật cao mà là phát triển nâng cao năng suất và sản lượng của các ngành đã có trước đó để tạo ra sản phẩm dư thừa đem đi trao đổi.

Kinh tế hàng hóa phát triển trên nền tảng của nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp, yếu tố công nghiệp mờ nhạt. Điều này lý giải tại sao trong cơ cấu hàng hóa trao đổi thì số hàng có lượng kỹ thuật cao là rất hạn chế còn lượng hàng kết tinh lao động của con người lại chiếm ưu thế tuyệt đối.

Sự phát triển của du lịch giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của kinh tế hàng hóa ở miền núi. Chính sự hưng khởi của du lịch đã thổi một luồng gió vào nền kinh tế truyền thống của tộc người thiểu số, tạo điều kiện để họ tiếp cận thị trường và vươn ra phát triển kinh tế hàng hóa.

Kinh tế hàng hóa diễn ra có các yếu tố thị trường chi phối nhưng không mang tính quyết định vì các quy luật thị trường biểu hiện không trọn vẹn. Ví như khi ta xem xét các trường hợp bán hàng thủ công cho khách du lịch thì ta thấy nó không phải tuân thủ hoàn toàn quy luật giá trị.

Nói tóm lại, sự hình thành nền kinh tế thị trường ở nông thôn nói chung và miền núi nói riêng là một bước tiến mới trong sự phát triển kinh tế đất nước. Bước phát triển này phù hợp với các quy luật khách quan.

3. Sự thay đổi tư duy của người dân tộc thiểu số ở miền núi dưới tác động của thị trường

3.1. Sự thay đổi trong tư duy về mục đích sản xuất

Nền kinh tế truyền thống của phần lớn các dân tộc thiểu số ở miền núi Tây Bắc Việt Nam trước đây là nền kinh tế tự cung tự cấp. Trong nền kinh tế đó, người ta sản xuất ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của cá nhân và gia đình. Kinh tế hàng hóa đã xuất hiện từ trước nhưng rất hạn chế và chưa trở thành một nền kinh tế thị trường theo nghĩa hiện nay, tức là mức độ trao đổi hàng hóa rất thấp và vai trò của sự trao đổi chưa thật sự nổi bật vì chưa hình thành các bộ phận chuyên môn trao đổi hàng hóa (thương nghiệp). Nhưng từ vài thập niên trở lại đây, với sự hình thành thị trường ở miền núi, tư duy của con người cũng thay đổi. Nếu trong nền kinh tế truyền thống, sản phẩm tạo ra chủ yếu để tiêu dùng cho bản thân và chỉ sản xuất khi cần thiết thì hiện nay họ biết sản xuất hàng hóa nào để bán được nhiều nhất và sản xuất lúc nào thì bán hàng được giá nhất.

Một nghiên cứu về người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai từ năm 2007 đến 2015 đã cho tôi một cái nhìn rõ ràng hơn về quá trình thay đổi tư duy của họ dưới tác động của thị trường. Năm 2007, tôi đến Tả Phìn khảo sát và gặp một phụ nữ người Dao mang một hai xâu nấm hương họ lấy được trên rừng về đi bán cho khách với giá khoảng 40 ngàn đồng. Trước đó vài năm, họ lấy nấm về để sử dụng trong gia đình, nhưng khi có một số người Kinh lên đây mở quán ăn hay buôn bán tạp hóa thì người Dao lấy được nấm về mang ra bán cho người Kinh. Năm 2000, tôi gặp người phụ nữ này thì họ đã xác định đi lên rừng tìm nấm để đem về bán chứ không còn là công việc tranh thủ khi đi làm nương. Sau đó, người này còn đi mua nấm của những người dân khác trong thôn để làm hàng hóa bán cho du khách và người Kinh. Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng nó thể hiện sự thay đổi về tư duy kinh tế của người Dao Đỏ ở đây. Sự thay đổi này, như S. Popkin gọi là sự duy/hợp lý vì người nông dân đã tính toán làm sao để mang về nhiều lợi ích nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào một hành động nhỏ đó để kết luận thì chưa đủ thuyết phục bởi đó không chỉ là một hiện tượng mà là một quá trình thay đổi: lúc đầu người ta ưu tiên để ăn trước vì đó là nhu cầu tối quan trọng của họ. Nhưng khi cái ăn được đảm bảo hơn thì họ mới bắt đầu tính toán lợi ích và lựa chọn hành động để mang lại lợi ích cao hơn. Theo lý thuyết Khinh-Trọng thí đây là quá trình chuyển từ hợp tình sang hợp lý mà cụ thể ở đây là từ ưu tiên ăn sang ưu tiên bán. Hiện nay, nền kinh tế thị trường của người Dao Đỏ ở Tả Phìn phát triển mạnh mẽ với nhiều mặt hàng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như thuốc tắm người Dao, hàng dệt thổ cẩm người Dao, hay các nông sản như thảo quả, phong lan, cá hồi… Sự thay đổi trong tư duy kinh tế đã làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế của người Dao Đỏ. Trong nông nghiệp, năm 2008, ở Tả Phìn có khoảng 1,0ha trồng rau xang thì đến năm 2014, diện tích này đã tăng lên 3,4ha. Rau thu hoạch họ dùng trong việc kinh doanh du lịch hay bán cho các nhà hàng ở Sa Pa. Trồng phong lan là một nghề thu nhập khá cao. Năm 2013, Tả Phìn trồng 15.000 giỏ phong lan và thu về hơn 5,0 tỷ đồng. Trồng cây dược liệu giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp của người Dao ở đây. Trước hết, họ trồng cây thuốc để phục vụ cho nhà máy sản xuất thuốc tắm trong xã do cây dược liệu trên rừng đã hết, phải trồng ở các nương của các hộ gia đình. Gần đây, cây Atiso được khuyến khích phát triển và thu nhập cao. Người dân đã trồng được 4,0ha Atiso cung cấp cho các nhà máy sản xuất (đứng thứ 3 toàn huyện sau thị trấn Sa Pa và xã Sa Pả). Một cây quan trọng khác là thảo quả cùng không ngừng tăng lên, tuy nhiên càng ngày giá thảo quả càng thấp hơn và khó bán hơn, nhưng nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống người dân bản địa. Việc chăn nuôi lợn và gia cầm để phục vụ nhu cầu khách du lịch càng trở nên phổ biến. Những gia đình có hoạt động dịch vụ du lịch thường mua gà, lợn về để làm thực phẩm cho khách. Nuôi cá hồi là một nghề mới đang đem lại thu nhập cao cho người dân. Năm 2104, nguồn thu từ cá hồi ở Tả Phìn đạt con số 3,8 tỷ đồng. Đây là những con số minh chứng cho một nền nông nghiệp hàng hóa đang vươn ra thị trường mạnh mẽ. Nhưng hoạt động kinh tế thị trường trong lĩnh vực thủ công nghiệp càng trở nên sôi động hơn. Từ các bài thuốc tắm cổ truyền của cha ông để lại, người Dao đã dùng nó để bảo vệ sức khỏe của mình qua bao nhiêu thế hệ. Nay kinh tế phát triển, có nhiều khách du lịch tới và có nhu cầu được tắm thuốc nên người Dao đem thuốc ra bán như một món hàng hóa. Nhưng cách truyền thống là lấy thuốc chặt ra phơi khô, khi tắm thì nấu lên tắm trực tiếp. Cách này vừa tốn nhiều thuốc, vừa kém hiệu quả và khó mang đi xa. Được sự giúp đỡ của Đại học Dược Hà Nội và Đại học Nông Nghiệp I bày cho cách chiết xuất thuốc tắm cho vào các lọ để dễ bảo quản và đem bán ở nhiều nơi. Đầu năm 2007, 19 gia đình người Dao đã cùng nhau góp vốn xây dựng công ty Sa Pa – Napro. Đây là một công ty cổ phần có 19 cổ đông góp vốn. Sau một năm hoạt động đạt hiệu quả nên công ty đang tìm cách mở rộng tiềm lực của mình. Quy trình sản xuất của công ty: Các cổ đông theo sự phân chia thay nhau đi lấy cây thuốc trong rừng về công ty. Những người làm việc ở công ty chịu trách nhiệm chiết xuất, đun nấu thuốc và đóng vào lọ. Chai lọ và nhãn mác được đặt sản xuất ở Hà Nội đem lên. Với những nỗ lực ban đầu, sau một năm hoạt động công ty đã bán ra thị trường hơn 6.000 chai thuốc tắm nhãn hiệu Sa Pa – Napro và thu về hơn 250 triệu đồng. Nhưng hoạt động của Công ty Sa Pa-Napro cũng thăng trầm khó đoán vì những người tham gia hạn chế trong việc tiếp cận thị trường. Nhu cầu thì trường đang lớn dần, nhiều nơi ở các thành phố đều có những hiệu thuốc tắm của người Dao để phục vụ khách. Tuy nhiên, sự hạn chế trong việc tiếp cận thị trường của lãnh đạo công ty đã làm họ mất đi một khoản thu lớn do qua các công ty khác hay các đại lý. Có nhiều người đã rút khỏi công ty đi ra làm ăn riêng. Nhưng do nhu cầu con đang lớn nên nguồn thu của công ty vẫn tương đối lớn. Theo báo cáo của chính quyền xã thì năm 2014, công ty đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo những cổ đông thì doanh thu thực tế của công ty trong năm này đạt gần 4 tỷ đồng. Hay hoạt động của câu lạc bộ thổ cẩm Tả Phìn cũng là một sự thay đổi lớn trong tư duy kinh tế của họ. Câu lạc bộ thổ cẩm Tả Phìn được thành lập cuối năm 1998 trên cơ sở hợp tác của Dự án phát triển vùng cao Lào Cai và Quỹ Si Đa của Thuỵ Điển. Khi mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có 30 người tham gia (16 người Hmông và 15 người Dao). Một năm sau đã tăng lên 72 người, năm 2000 lên đến 120 người và đến cuối năm 2007 là 250 người, nếu tính cả những người tham gia không chuyên lên đến 300 người. Sự tổ chức của câu lạc bộ nhìn rất đơn giản: gồm một ban quản lý chuyên lo đầu vào và đầu ra của câu lạc bộ. Các thành viên tham gia rất tự do, ai cũng có thể đăng ký tham gia, họ nhận mẫu hàng và sản xuất, đến đúng thời hạn thì nộp lại cho ban quản lý để giao hàng. Tuy vậy nhưng các mối quan hệ bên trong lại khá phức tạp. Ban quản lý đem hàng đi tiêu thụ bằng cách gửi cho các cửa hàng ở nhiều nơi như thị trấn Sa Pa, thành phố Lào Cai và Hà Nội. Từ các trung tâm này, hàng hóa của họ được bán đi xa khắp nơi, có cả xuất khẩu. Nhưng nơi bán hàng xem xét thị hiếu của khách hàng, thiết kế các mẫu mới rồi chuyển về cho ban quản lý. Tiếp đó, ban quản lý tập hợp các thành viên lại để tập huấn làm mẫu mới và giao thời hạn. Các nhân công về tranh thủ sản xuất cho kịp thời để giao hàng đúng thời hạn. Số tiền trả nhân công tính theo sản phẩm, ai tham gia đều và làm được nhiều hàng thì thu được nhiều tiền. Số lượng hàng hóa của câu lạc bộ bán đi tương đối, doanh thu trung bình hàng năm khoảng 250 triệu đồng. Nếu khi mới xuất hiện, được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức nên câu lạc bộ hoạt động hiệu quả hơn thì càng về sau, hoạt động của câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn do phải tự chủ trong các khâu từ tìm đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Chuỗi hàng hóa thổ cẩm có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thổ cẩm của người dân nói chung và trong câu lạc bộ nói riêng. Khi chuỗi hàng hóa này hoạt động trôi chảy, nguồn nguyên liệu được cung cấp, sản phẩm được hoàn thành đúng thời hạn và đáp ứng chất lượng, đầu ra thị trường thuận lợi thì hoạt động của câu lạc bộ cũng khả quan. Nhưng hiện nay, sự tiếp cận thị trường khó khăn khiến cho câu lạc bộ không phát triển được. Nhiều khi các thành viên quản lý câu lạc bộ phải mang hàng đi bán cho các cửa hiệu ở Sa Pa, thành phố Lào Cai hay Hà Nội và các thành phố khác. Nếu tính chi phí đi lại thì khoản tiền thu được cũng không đáng kể đối với người sản xuất. Cụ thể, năm 2014, câu lạc bộ chỉ thu được khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất và phân chia ra thì cũng không đáng bao nhiêu cho ban quản lý lẫn người sản xuất.

Những thay đổi tư duy của người Dao như đã trình bày ở trên đã tạo nên những biến đổi trong kiến tạo xã hội hiện tại của họ. Sự thay đổi tư duy đó đã tạo ra một hệ thống tri thức mới, là sự kết hợp cả tri thức địa phương và tri thức khoa học hiện đại, cũng như tri thức hàng ngày và tri thức đã được đúc kết, tổng quát. Trong một nghiên cứu xã hội học cách đây hơn một nửa thế kỷ, hai nhà xã hội học Mỹ là Peter L. Berger và Thomas Luckmann đã nhấn mạnh đến vai trò kiến tạo thực tại xã hội của tri thức hàng ngày (Peter L. Berger và Thomas Luckmann, 2015). Theo đó, không chỉ những tri thức dân gian vốn được đúc kết qua nhiều thế hệ đã ăn sâu vào văn hóa tộc người, mà chính tri thức hàng ngày của con người đã kiến tạo lại thực tại xã hội của họ. Người Dao thay đổi tư duy bằng/qua những tri thức hàng ngày, họ hành động theo những tri thức đó dưới tác động của kinh tế thị trường và nhiều yếu tố khác để làm thay đổi cuộc sống của họ, thay đổi xã hội mà họ đang sống.

Không chỉ người Dao ở Sa Pa mà người tư duy của Hmông ở một huyện miền núi khác của Lào Cai là Bắc Hà cũng có những thay đổi mạnh mẽ. Một khảo sát của tôi về người Hmông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà vào năm 2008 đã đưa ra khá nhiều dẫn chứng cho sự thay đổi này. Hiện nay, nói đến thương hiệu rượu ngô Bắc Hà thì nhiều người biết đến, và quả thật, việc rượu ngô trở thành một hàng hóa được phân phối rộng rãi đã tác động đến tư duy của những người Hmông ở Bắc Hà. Khi khảo sát một thôn ở xã Bản Phố có 49 hộ gia đình thì có 45 hộ làm nghề nấu rượu ngô. Trong số 45 gia đình này thì có 41 hộ gia đình nấu rượu ngô theo quy trình truyền thống nhưng sử dụng loại men bột mua từ người Kinh hoặc mua ở Trung Quốc. Còn lại 4 gia đình nấu rượu ngô bằng men hồng my là loại men lá truyền thống của họ. Và số rượu nấu bằng men bột được các gia đình mang ra chợ bán cho khách còn rượu nấu bằng men hồng my lại được đem bán cho các gia đình trong thôn để uống. Đây là một thể hiện cho tư duy thị trường của người dân bản địa-một cách tư duy mà trong xã hội truyền thống của họ gần như chưa phổ biến.

3.2. Sự thay đổi tư duy về nguồn lực phát triển

Kinh tế thị trường luôn đề cao các nguồn lực phát triển và thị trường của các cộng đồng cũng phải dựa trên những nguồn lực cơ bản để phát triển. Và nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế thị trường trở nên mới lạ đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi. Trước đây, nguồn lực phát triển của người dân ở miền núi chủ yếu là đất, rừng, nguồn nước, hệ sinh vật và mạng lưới xã hội cổ truyền như dòng họ, gia đình, quan hệ thân tộc và liên thân tộc. Khi kinh tế thị trường phát triển, những nguồn lực như đất đai, rừng, nguồn nước, hệ sinh vật… vẫn là những yếu tố để phát triển, nhưng có nhiều sự thay đổi và xuất hiện nhiều nguồn lực mới.

Trước hết, đó là vị trí thuận lợi của các gia đình là một điều kiện để phát triển. Phần lớn các gia đình người Dao ở miền núi Lào Cai thường sống ở các sườn núi, không gần các đường lớn. Ở xã Tả Phìn, trên cung đường lớn vào trung tâm xã trước đây có rất ít hộ gia đình cư trú. Nhưng kinh tế thị trường phát triển, khu vực trung tâm xã và hai bên đường lớn lại trở thành những vị trí thuận lợi. Và hình thành xu hướng di chuyển ra trung tâm để phát triển kinh tế. Năm 2007, khu vực trung tâm xã Tả Phìn chỉ có khoảng 20 nóc nhà thì đến 2015, khu vực này đã tập trung hơn 40 nóc nhà, tăng gấp hai lần so với trước. Và cùng với sự thay đổi tư duy về nguồn lực này thì giá cả của đất đai ở vùng thuận lợi cũng tăng lên, mầm móng cho những sự tranh chấp đất đai cũng tăng theo.

Nguồn lực thứ hai là vị thế xã hội và quan hệ xã hội để phát triển. Trong xã hội truyền thống, một số cá nhân có quyền lực như già làng, trưởng bản, trưởng họ… có vị trí quan trọng và có vai trò trong quá trình phát triển của cộng đồng. Và vị thế của họ được củng cố qua thế tục hoặc tập tục. Nhưng trong kinh tế thị trường, những người này vẫn giữ vai trò nhất định tuy nhiên đang hình thành một nhóm mới có vị thế cao qua năng lực tổ chức và phát triển kinh tế. Càng ngày người dân miền núi càng hiểu rõ lợi thế của vị thế xã hội và quan hệ xã hội. Một số người khi làm cán bộ địa phương, có vị thế và có quan hệ xã hội, được tiếp cận với các dự án phát triển đã tận dụng và sau này xây dựng nên hệ thống tổ chức hoạt động kinh tế cho mình rất hiệu quả. Trường hợp một người Dao ở Tả Phìn đã trở thành hạt nhân quan trọng để phát triển kinh doanh thuốc tắm, sản xuất buôn bán thổ cẩm và phát triển dịch vụ du lịch là một ví dụ. Đây là một người phụ nữ sinh năm 1955, từng là tổ trưởng một tổ sản xuất thời hợp tác xã, sau đó làm cán bộ ở xã nhiều năm và làm chủ tịch Hội phụ nữ xã. Quá trình làm cán bộ tạo cho bà khả năng tiếp xúc với bên ngoài và có uy tín với người dân trong xã. Khi các dự án phát triển thủ công nghiệp về Tả Phìn, bà là người tiên phong tiếp nhận và tổ chức người dân thực hiện. Bà là người tổ chức và giữ vai trò quan trọng nhất của câu lạc bộ thổ cẩm Tả Phìn, đi đầu trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và tham gia điều hành công ty thuốc tắm trên địa bàn. Nhận thức được vấn đề nên bà cho con cái đi học tập, tự học thêm tiếng Anh và tham gia chính quyền xã để tiếp cận các nguồn lực bên cạnh vẫn tổ chức hoạt động kinh tế gia đình.

Nguồn lực quan trọng khác là tri thức phục vụ phát triển kinh tế thị trường: Tri thức cần được hiểu là cả tri thức dân gian (hay tri thức bản địa, tri thức địa phương) và tri thức khoa học. Tri thức dân gian của các cộng đồng tộc người thường được vận dụng cho cuộc sống hàng ngày của họ. Và nó gần như phát huy được giá trị trong đời sống của cộng đồng đó như là một sự hài hòa giữa con người, tự nhiên và xã hội đó. Nhưng hiện nay, tri thức đang trở thành một thứ hàng hóa, một nguồn lực tạo ra các sản phẩm để phân phối trên thị trường. Nói cách khác, tri thức trở thành một thứ vốn để phát triển kinh tế. Người Dao ở Tả Phìn đã biết vận dụng tri thức dân gian về chăm sóc sức khỏe để tạo ra thuốc tắm và các loại thuốc khác để đem bán cho khách và thu về một nguồn tiền lớn. Hay người Hmông ở Bản Phố vận dụng tri thức dân gian về nấu rượu để tạo ra sản phẩm rượu ngô đang trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Không chỉ vận dụng tri thức dân gian, người dân tộc thiểu số còn biết vận dụng các tri thức khoa học trong chế biến các sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trưởng. Những cách thức chiết xuất thuốc hiện đại được người Dao tiếp nhận và sử dụng để sản xuất thuốc, những quy trình sản xuất nông nghiệp cũng được đưa lên miền núi. Nhiều cộng đồng đã biết sử dụng máy tính, mạng internet vào công việc kinh doanh, buôn bán.

Và cuối cùng, một nguồn lực quan trọng khác là nguồn tài chính, là vai trò của nguồn tiền trong đời sống kinh tế. Càng ngày, tiền càng trở thành một nguồn của cải và có thể tích trữ trong gia đình. Những thứ của cải trong xã hội truyền thống vỗn hay được tích trữ trước đây nay thường được quy đổi thành tiền.

3.3. Sự thay đổi tư duy về hệ thống giá trị cơ bản

Dưới tác động của thị trường, những tư duy về hệ thống giá trị cơ bản cũng thay đổi khá sâu sắc. Trong các mối quan hệ, tư duy hướng nội trong xã hội truyền thống đang thay đổi thiên về tư duy hướng ngoại trong kinh tế thị trường. Phần lơn các dân tộc thiểu số đều mang nặng tư duy hướng nội, coi trọng thân tộc, coi trọng cộng đồng và tộc người. Khi trao đổi, họ ưu tiên cho những người trong họ, trong bản và cùng dân tộc, với những người ngoài thì họ lại có những nguyên tắc khác hơn. Trong quan hệ xã hội cũng vậy, mối quan hệ họ tộc, gia tộc hay dân tộc được đề cao. Đó là tư duy hướng nội. Nhưng dưới tác động của kinh tế thị trường, tư duy hướng nội đang thay đổi theo hướng hướng ngoại. Những quan hệ nội tộc, gia dtộc vẫn được coi trọng nhưng các mối quan hệ xã hội rộng lớn, quan hệ khách hàng được củng cổ và mở rộng. Người Dao ở Sa Pa đã tạo ra một mạng lưới quan hệ với các nhóm dân tộc khác ở các địa phương khác, ở Hà Nội và thậm chí cả những mối quan hệ với đối tác làm ăn nước ngoài. Người Hmông ở Bắc Hà cũng vậy, họ mang rượu ra chợ bán xong có thể ngồi uống rượu giao lưu với các nhóm người thuộc các dân tộc khác.

Tư duy về địa vị của đàn ông và đàn bà cũng có sự khác nhau. Các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc theo chế độ phụ hệ, người đàn ông có quyền lực và làm chủ gia đình, người phụ nữ ít có vị thế ngoài xã hội lẫn trong gia đình. Nhưng kinh tế thị trường đã làm thay đổi nhiều về quan niệm đó. Người Dao ở Tả Phìn là một trường hợp điển hình cho sự thay đổi này. Ngày trước những người phụ nữ này chỉ chăm lo công việc gia đình, sản xuất nông nghiệp và phục vụ chồng con. Nhưng từ ngày du lịch phát triển, sản xuất thuốc tắm, thổ cẩm và các hoạt động dịch vụ du lịch hứng khởi lên, người phụ nữ bắt đầu tham gia vào thị trường thì vị thế xã hội, vai trò của người phụ nữ đã thay đổi. Những người phụ nữ là lực lượng chủ yếu tham gia sản xuất và trao đổi hàng hóa, hoạt động du lịch ở Tả Phìn, còn người đàn ông bên cạnh công việc ruộng nương (cả gia đình cùng làm) thì cũng làm những việc trong gia đình mỗi khi vợ đi vắng. Từ sáng sớm, những người phụ nữ đã tụ tập ở trung tâm xã để thêu may, bán hàng rong hay tham gia các hoạt động kinh tế khác. Có khi họ đi bán hàng, giao hàng ở xa nhiều ngày mới về. Càng ngày họ càng có quyền tham gia vào nhiều việc trong gia đình và xã hội hơn.

Tư duy về truyền thống và hiện đại trong quá trình phát triển kinh tế. Như đã nói ở phần trên, quá trình hiện đại hóa đã có tác động đến tư duy tộc người ở miền núi Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thị trường hóa đã đẩy mạnh hơn tư duy hiện đại hóa và hình thành một tư duy mới về sự hiện đại của người dân tộc thiểu số. Nhìn chung, người dân luôn có ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống bên cạnh tiếp thu sự hiện đại. Và có thể nói, đây là một cuộc chiến thật sự, một sự va chạm văn hóa và các nền văn hóa tộc người đang đối diện với nguy cơ mất đi bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện đại hóa, trong mắt của nhiều tộc người thiểu số được hiểu như một quá trình Kinh hóa tộc người. Những người dân tộc Tày ở Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) hay những người Mường ở Lạc Sơn đang ngày càng tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa người Kinh và nếu chỉ nhìn thoáng qua thì nhiều người sẽ nghĩ đang vào một thôn người Kinh khi mà họ ăn, mặc, trò chuyện hay tổ chức các sinh hoạt văn hoa giống như người Kinh. Mặt khác, sức nặng của văn hóa truyền thống cũng là một hạn chế cho một bộ phận cộng đồng tộc người gặp khó khăn và khiến họ phải có những sự thay đổi trong cuộc sống. Ví dụ như một số người Hmông ở Sa Pa đã cải đạo theo đạo Tin Lành vì nhiều lý do trong đó có lý do là không đủ điều kiện thực hiện các nghi lễ như đám cưới, tang ma, hiếu kỷ quá tốn kém theo cách truyền thống…

4. Hệ quả của những thay đổi về tư duy tộc người

Sự thay đổi tư duy của các dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của con người. Sự thay đổi tư duy đã tạo điều kiện để nhiều người tiếp cận thị trường và phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn. Người dân ngày càng được tiếp cận với đời sống hiện đại, sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Những người Dao ở Sa Pa có thể sử dụng những chiếc điện thoại hàng hiệu xịn bậc nhất trên thị trường. Họ cũng sử dụng mạng internet để giao dịch với các công ty du lịch ở trong và ngoài nước, thậm chí còn thuê cả người Kinh làm việc cho họ với mức lương cao. Những người Hmông ở Bản Phố cũng nâng cao đời sống của mình qua việc xây dựng một cơ cấu kinh tế xoay quanh tam giác kinh tế trồng ngô-nấu rượu-nuôi lợn. Sự thay đổi tư duy theo hướng thị trường cũng tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để nâng cao đời sống của người phụ nữ trong các chế độ phụ hệ truyền thống.

Bên cạnh đó, sự thay đổi tư duy theo hướng thị trường cũng có nhiều tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa tộc người. Khi tiếp cận với thị trường, với hiện đại hóa, nhiều nền văn hóa có nguy cơ bị mai một, bị Kinh hóa một cách nặng nề. Những ngôi nhà bê tông được xây dựng theo kiểu người Kinh đang chen lấn vào những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) là một ví dụ. Những sinh hoạt văn hóa của người dân tộc bản địa đang ngày càng mất dần, thay bằng những sinh hoạt văn hóa người Kinh mà họ coi đó là hiện đại hóa. Một nghệ nhân tâm huyết với văn hóa truyền thống người Tày ở đây đã thốt lên rằng: Dưới tác động cảu thị trường và nhiều điều kiện khác, văn hóa truyền thống người Tày đang ngày càng mất đi. Một thế hệ người Tày mới sinh ra đang muốn vươn ra học tập văn hóa của người Kinh nhưng không đủ sức để thành người Kinh, lại không giữ được những nét văn hóa truyền thống người Tày. Họ trở thành một thế hệ lơ lưởng giữa các nền văn hóa. Hay những cuộc tranh chấp về đất đai ở các cộng đồng khác khi di chuyển ra mặt đường, ra vùng trung tâm để tìm kiếm vị trí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Những người Kinh liên tục di chuyển lên miền núi, len lỏi vào các không gian sinh sống của dân tộc thiểu số cũng gây nên những xung đột nhất định. Tư duy về đồng tiền, về lợi ích kinh tế cũng tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều người dân tộc miền núi. Khi vào thị trường, đồng tiền lên ngôi, những quan hệ truyền thống cũng lỏng lẻo hơn, và nhiều giá trị phai nhạt dần. Đó là điều kiện để một số tệ nện tiêu cực hoành hành. Nhiều địa phương ở Tây Bắc đang đau đầu về nạn buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc, đặc biệt ở những địa bàn có đời sống khó khăn. Năm 2008, tại xã Bản Phố, một người đàn ông Hmông 30 tuổi đã ngậm ngùi kể cho tôi nghe rằng anh đang phải một mình nuôi hai đứa em nhỏ và một đứa con nhỏ. Nguyên nhân trớ trêu là mẹ của anh tham gia vào một đường dây buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc và đã lừa đem bán vợ của anh (tức con dâu) sang nước bên cạnh để lấy số tiền khoảng 5 triệu đồng. Mẹ anh sau đó bị bắt và phát 7 năm tù, để lại hai đứa em gái, còn vợ anh bị bán đi vẫn chưa có tin tức và để lại anh nuôi một đứa con trai 2 tuổi. Hay nhiều vùng dân tộc thiểu số khác, số lượng người đánh lô, đánh đề ngày càng tăng lên, các tệ nạn xã hội khác cũng hoành hành. Đó chính là những mặt trái của đời sống thị trường. Và câu chuyện này vẫn sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài nữa khi mà những chiến lược kinh tế hiện tại chưa tỏ ra có hiệu quả đổi với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi./.

Bùi Minh Hào

Tài liệu tham khảo

1. Alexandra Winkels (2008), ““Mở rộng sinh kế”: mối liên hệ kinh tế-xã hội giữa vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên”. In trong “Thời kỳ mở cửa: Những chuyển đổi kinh tế – xã hội ở vùng cao Việt Nam”. Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, trang 99-116.

2. Bourdieu, Pierre (1984), Distinction-a Social Critique of the Judgement of Taste. London: Routledge & Kegan Paul.

3. Nguyễn Văn Chính, Hoàng Lương (2003), Tổng quan về tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển miền núi và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, Tạp chí Dân tộc học, số 3-2003, Tr. 18-28.

4. Phan Đại Doãn (1989), Kinh tế hàng hóa trong nông thôn truyền thống, Tạp chí Thông tin Kinh tế, tháng 12-1989, Tr. 26-35.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1992), Một số văn kiện về chính sách dân tộc – miền núi của Đảng và Nhà nước, Nxb. Sự Thật, Hà Nội.

7. Ellis, Frank (1993), Peasants Economics: Farm Households and Agrarian Devolopment, 2ndEdition, Cambridge University Press.

8. Ellis, Frank (2000), Rural livelihood and diversity in developing Countries. Oxford Univesity Press.

9. Bùi Minh Hào (2015), Từ truyền thống đến thị trường: Sự chuyển đổi kinh tế của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số tháng 8/2015.

10. Bùi Minh Hào (2015), Hoạt động kinh tế hàng hóa của người Dao Đỏ trong quá trình đô thị hóa miền núi (Trường hợp ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Luận văn Thạc sĩ Dân tộc học, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

11. Francois Houtart (2004), Những suy nghĩ về sự quá độ hướng về một nền kinh tế thị trường. T/c Xã hội học, số 4-2004. Tr68-74. Bùi Đình Thanh dịch.

12. Tô Duy Hợp (Cb) (2000), Sự biến đổi làng xã Việt Nam hiện nay (ở vùng Đồng bằng sông Hồng), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

13. Tô Duy Hợp (2007), Khinh – Trọng, một quan điểm lý thuyết trong nghiên cứu triết học và xã hội học, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

14. Tô Duy Hợp (2012), Khinh – Trọng: Cơ sở lý thuyết, Nxb Thế giới, Hà Nội.

15. Kerkvliet, B., Scott, J., Nguyễn Ngọc và Đỗ Đức Định (sưu tầm và giới thiệu) (2006), Một số vấn đề về nông nghiệp nông dân và nông thôn ở các nước và Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

16. Lê Văn Khoa, Phạm Văn Tú (đồng chủ biên), Đặng Hoàng Giang, Phan Đình Nhã, Lê Thành Văn (2014), Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên. Nxb Tri thức, Hà Nội.

17. McElwee, Pamela (2007), From the Moral Economy to the World Economy: Revisiting Vietnamese Peasants in the Globalizing Era. Journal of Vietnamese Studies, vol.3, No.2, pp 57-107.

18. Ngô Thị Phương Lan (2014), Từ lúa sang tôm: hành vi giảm thiểu rủi ro và khai thác vốn xã hội của nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

19. Lâm Mai Lan, Phạm Mộng Hoa (2000), Những tác động kinh tế – xã hội của du lịch đối với các dân tộc thiểu số ở Sa Pa, Tạp chí Dân tộc học, số 4-2000, Tr. 31-43.

20. Phạm Văn Linh (2001), Các khu kinh tế cửa khẩu biên giới Việt – Trung và tác động của nó tới sự phát triển kinh tế hàng hóa ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

21. Liang Nightxin (2007), Nghiên cứu nghèo khổ: Những phân tích phương pháp luận hiện có và góc nhìn nghiên cứu mới, Tạp chí Xã hội học, số 2-2007, Tr. 110-121.

22. Peter L. Berger và Thomas Luckmann (2015), Sự kiến tạo xã hội về thực tại, (Trần Hữu Quang dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội.

23. John Clammer (2001), Ngư dân, dân du canh, người bán hàng rong, nông dân và dân du mục: Nhân học kinh tế, In trong Bức khảm văn hóa hóa Châu Á: Tiếp cận nhân học, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, Tr. 195-223.

24. Samuel L. Popkin (1979), The rational Peasant. The political Economy of rural Society in Vietnam. University of California Press, Ltd. USA.

25. Trần Hữu Sơn (2007), Tác động của du lịch đối với các “giao” (làng) của người Hmông ở Sa Pa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai.

26. Trần Hữu Sơn (2004), Xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao. Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

27. Nguyễn Văn Sửu (2015), Khung sinh kế bền vững: một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm nghèo. In trong “Nhân học phát triển: lich sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. Nxb Tri thức, Hà Nội, trang 15-33.

28. Neefies, Koos (2008), Môi trường và sinh kế: các chiến lược phát triển bền vững. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

29. James C. Scott (1976), The Moral Economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia. Yale Univ Pr. USA.

30. Jean Michaud (2010), Nghiên cứu về kinh tế và bản sắc của người H’mông ở Việt Nam. In trong “Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học”. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trang 42-70.

31. Jennifer Sowerwine (2008), Nhà nước biến đổi và các quy luật thị trường: biến đổi ruộng đất và nền kinh tế thị trường duy tình ở vùng núi Ba Vì, Việt Nam. In trong “Thời kỳ mở cửa: Những chuyển đổi kinh tế – xã hội ở vùng cao Việt Nam”. Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, trang 37-64.

32. Nguyễn Trần Trọng, Đồng Xuân Ninh, Lưu Đức Hồng, Đào Xuân Cầu (1994), Kinh tế gò đồi với phát triển kinh tế hàng hóa, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.

33. Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy (1972), Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

34. Viện Nghiên cứu chính sách dân tộc miền núi (2002), Vấn đề dân tộc và xây dựng dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

35. Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (1999), Kinh tế thị trường và sự phân hóa giàu nghèo ở vùng dân tộc và miền núi phía Bắc nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

36. Viện Nghiên cứu kinh tế (2001), Kinh tế trang trại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Năm nhà nữ kinh tế với những ý tưởng thay đổi mọi định nghĩa

Kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, nhưng ít có tên tuổi nào trong giới kinh tế học lại được nhiều người dân thường biết đến. Tuy vậy, gần đây có 5 nhà kinh tế đang được nhiều người chú ý: Esther Duflo, Stephanie Kelton, Mariana Mazzucato, Carlota Perez và Kate Raworth. Một điểm chung nổi bật là họ đều thuộc phái nữ, và có lẽ vì vậy, những người phụ nữ này đang mang đến cái nhìn

Muốn cứu thế giới, giải pháp không phải là ăn chay!

Thâm canh thịt và sữa là một tai họa, nhưng cả những cánh đồng đậu nành và ngô cũng vậy, chỉ là một cách thức khác mà thôi. Số lượng người ăn chay ở Anh tăng mạnh trong vài năm qua – từ 0.5 triệu người trong năm 2016 lên đến hơn 3.5 triệu người (tương đương 5% dân số chúng ta) trong năm 2018.  Các tài liệu có uy tín như Cowspiracy và What the Health đã đưa ra một nhấn mạnh về ngành công nghiệp thâm canh

Thư Sinh

11/09/2018

Thoái Tăng Trưởng là gì và tại sao có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu

Cứu tinh cho biến đổi khí hậu có thể là một nền kinh tế chậm chạp. Không có cách nào khác khi nói về nó – vì biến đổi khí hậu ngày càng bao trùm lên cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ phải thay đổi cách ta sống. Điều đó có nghĩa là phải chuẩn bị cho thời tiết bất thường hơn, thay đổi chế độ ăn uống, và sử dụng năng lượng sạch hơn. Nhưng, một ý tưởng về tăng trưởng kinh

Minh Tân

25/12/2022

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: LẼ THƯỜNG HAY SỰ KHOA TRƯƠNG VÔ NGHĨA?

Xã hội đã có lịch sử phát triển bền vững dài mà không cần sự chỉ dẫn của các nhà hoạch đinh chính sách xanh Jerry Taylor (Jerry Taylor là giám đốc của chương trình nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên ở Học viện Cato và là Biên tập cấp cao của tạp chí Regulation.) “Phát triển bền vững” là câu thần chú thường xuyên được các cơ quan quốc tế và các tổ chức phi chính phủ trợ giúp cho các nước kém phát

Đường cong môi trường Kuznets – Đi lên nhưng chưa chắc đã đi xuống

Vào đầu thập niên 90, 2 nhà kinh tế người Mỹ là Gene Grossman và Alan Krueger đã phát hiện ra một sự trùng lặp. Khi tìm hiểu số liệu về mối tương quan giữa GDP với chất lượng không khí và nguồn nước trên khoảng 40 quốc gia, họ thấy rằng cùng với sự gia tăng GDP, vấn đề ô nhiễm đầu tiên là tăng cao nhưng sau đó lại giảm dần, tạo ra biểu đồ hình chữ U lộn ngược khi phác họa