Home Chuyên đề tháng Suối thượng nguồn cạn & câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh nên được kể thế nào?

Suối thượng nguồn cạn & câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh nên được kể thế nào?

Điều thôi thúc tôi viết bài viết này chính là con suối Lũng Vầy ở tỉnh Hà Giang, một con suối đang bị “bức tử” bởi xả thải và các hoạt động khai khoáng ở thượng nguồn. Tôi chưa từng đến đây, cũng chẳng quen biết bất cứ người dân nào tại khu vực này. Bài phóng sự Bức tử dòng suối huyết mạch ở Hà Giang” được đăng tải trên báo Thanh Niên đúng lúc tôi đang có phiên trò chuyện tại group Read&Chat của Book Hunter để giới thiệu cuốn sách “Khí hậu – Câu chuyện mới” của Charles Eisenstein. Cuộc trò chuyện bỗng nhiên thật vô nghĩa khi tôi thấy mình bất lực trong hành động và vẫn tiếp tục bàn luận về ô nhiễm môi trường chỉ để nỗ lực bán một cuốn sách. Liệu rằng có bao nhiêu chuyên gia, bao nhiêu nhà báo như tôi, bao nhiêu tác giả như tôi… mượn những câu chuyện thiên nhiên bị tàn phá, để kiếm chác một thứ gì đó có ích cho riêng mình. Trong lúc ấy, vẫn có nhiều con suối, nhiều khu rừng, nhiều ngọn núi, nhiều con sông, nhiều đầm lầy, nhiều vùng biển… vẫn tiếp tục bị tàn phá trên khắp cả nước. Và ngay tại Hà Nội nơi tôi đang sống, tôi cũng chứng kiến những dòng sông và khu hồ chết lặng vì độc tố từ những cống xả thải và các cuộc san lấp để mở rộng bất động sản đô thị. 

Nhưng rồi…thì sao? Các trí thức vẫn dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để bắt bẻ câu chữ và hủy diệt danh tiếng của nhau, những người có học thức vẫn đam mê chinh phục các cấp độ của danh tiếng, những người tu tập vẫn đóng cửa trong vòng an toàn của mình để giữ lấy thân… và bao nhiêu con người ngoài kia, chỉ chật vật để mưu sinh cũng đã quá vất vả rồi. Tại sao cần quan tâm đến ô nhiễm, ta có thể tự bảo vệ bản thân bằng những chiếc máy lọc khí, máy lọc nước… nếu khí hậu toàn cầu nóng lên, ta có thể chui vào phòng điều hòa… nếu đồ ăn thức uống nhiễm bẩn, ta sẽ kiếm nhiều tiền hơn để mua đồ organic hoặc đồ nhập khẩu… Con người có muôn vàn cách để chui vào vỏ ốc của chính mình, từ chối toàn bộ thực tại, để không phải chịu trách nhiệm và không cần tìm ra bất cứ giải pháp nào cho tương lai. Bởi vì, tương lai của mỗi cá nhân đề đi về với cái chết, tội gì mà không thỏa mãn lòng tham ích kỷ của bản thân mình.

Vỏ ốc của Chủ nghĩa Phân tách

Cũng như nhiều người, khi đối mặt với thực trạng thiên nhiên và môi trường sống quanh mình, trong tôi luôn nảy sinh một cơ chế tâm lý trốn chạy: Những gì diễn ra ngoài kia với thiên nhiên, với môi trường…không phải là thứ mình có thể thay đổi được. Mọi điều mình làm chỉ là muối bỏ bể, bởi đây là vấn đề vĩ mô, là chính sách áp đặt, là các thỏa thuận và chủ trương kinh tế của chính quyền. Mình chỉ có thể cố sinh tồn và chờ đợi mọi điều tốt lên…, trong lúc ấy mình phải tự trang bị mọi tiện nghi để bảo vệ mình.

Charles Eisenstein trong “Khí hậu – Câu chuyện mới” gọi đây là Chủ nghĩa Phân tách. Về bản chất, Chủ nghĩa Phân tách là loại não trạng coi bản thân là thực thể tách khỏi toàn bộ thiên nhiên và môi trường sống. Bản thân có thể là người quan sát, có thể là người phán xét, có thể là người than vãn về thực trạng…nhưng nhất quyết không phải là một phần của toàn bộ môi trường và thiên nhiên. Chủ nghĩa Phân tách cũng đưa con người vào trạng thái mất đi các cảm quan về mọi biến động của thực tại mà chỉ đưa ra nhận định và quyết định dựa trên các đo lường khoa học, những suy xét được cho là lý trí một cách ích kỷ để biện minh cho thói quen tiện nghi của mình. Eisenstein đã nhận diện toàn bộ quá trình này như sau:

“Sự suy thoái trong hệ sinh thái chỉ là một khía cạnh của thử thách mang dấu khởi xướng vốn đang thúc đẩy nền văn minh tiến vào một câu chuyện mới, một câu chuyện thần thoại tiếp theo. Khi nhắc đến thần thoại, tôi muốn nói đến những câu chuyện mà từ đó chúng ta thêu dệt nên sự hiểu biết của bản thân về chính ta, về cái gì là thật, là có thể, về lí do ta ở đây, về cách mà sự thay đổi xảy ra, cái gì là quan trọng, về cách sống, cách thế giới này biến đổi thành bản thân nó hiện nay, và về điều gì nên xảy ra tiếp theo. Sự suy thoái của hệ sinh thái là một hậu quả không thể tránh khỏi trong thần thoại – tôi gọi đó là Câu Chuyện về sự Phân Tách – vốn đã thống trị trong vài thể kỷ qua (và ở một mức độ nào đó là trong vài thiên niên kỷ qua). Nói theo Einstein thì sự suy thoái này sẽ không được ngăn chặn từ sâu bên trong câu chuyện thần thoại đó.

Bản chất của Câu Chuyện Phân Tách chính là cái tôi tách biệt trong một thế giới gồm nhiều cái tôi khác. Vì tôi tách biệt với bạn, nên hạnh phúc của bạn không ảnh hưởng đến tôi. Trong thực tế, nếu đặt vào một vũ trụ khách quan bên ngoài thì nhiều với bạn lại là ít với tôi; do đó theo một cách rất tự nhiên chúng ta luôn ở trong tình trạng tranh đấu với nhau. Nếu tôi có thể thắng và chế ngự được bạn thì tôi sẽ tốt hơn còn bạn lại tệ đi. Điều này cũng xảy ra tương tự giữa nhân loại nói chung với thiên nhiên. Chúng ta càng kiểm soát được nhiều nguồn lực vô tính trong thiên nhiên bao nhiêu thì chúng ta càng được lợi bấy nhiêu. Chúng ta càng có thể dùng trí tuệ mà kiểm soát vũ trụ ngẫu nhiên, vô định kia nhiều bao nhiêu thì thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn bấy nhiêu. Do đó, vận mệnh của chúng ta là vượt ra khỏi những giới hạn ban đầu của thiên nhiên, để trở thành chúa tể và chủ nhân của nó. Câu chuyện này kể rằng, vũ trụ chỉ là những nguyên tử và khoảng không, nó không có bất kỳ phẩm chất nào của một cái tôi như chúng ta có khi là con người: trí thông minh, mục đích, các tri giác, hành động và ý thức. Vì vậy chính chúng ta mới có thể gán những phẩm chất này cho các khối vật chất chết của vũ trụ, tức các hạt tổng hợp và nguồn lực vô tính của nó, để in dấu trí thông minh của con người vào thế giới vô tri vô giác.” (Trang 19, 20 – “Khí hậu – Câu chuyện mới”, Charles Eisenstein)

Thứ não trạng Phân tách là một vỏ ốc để ta thu rút toàn bộ các giác quan, tìm an toàn trong các giải pháp tạm thời mang tính thay thế, nhưng không thực sự giải quyết được các vấn nạn môi trường mà chúng ta gặp phải. Trong những giai đoạn đầu thắng thế của chủ nghĩa tư bản, đã từng có thời người ta thần thánh hóa năng lượng than đá bởi chúng là nguồn năng lượng cho mọi tiện nghi của loài người…cho đến khi những con bướm chỉ còn màu xám, những dòng sông đen ngòm và bầu trời chỉ còn màu u ám. Thế rồi, nhiệt điện bị hạn chế dần, người ta chuyển sang thủy điện, có vẻ sạch hơn… cho đến khi những con sông cạn dòng, hệ sinh thái dưới sông bị suy giảm, thảm thực vật ven sông bị triệt tiêu… và con người lại tìm đến với điện hạt nhân. Điện hạt nhân là nguồn vô biên, nhưng quá nguy hiểm, cần một thứ gì đó “tự nhiên” hơn: năng lượng mặt trời. Ánh sáng mặt trời là vô hạn, đủ để thỏa mãn lòng tham của loài người, nhưng…tấm pin thì không. Chúng là một thứ rác không dễ để xử lý với giá thành tái chế cao, và những hệ lụy môi trường nào có thể diễn ra thì tới nay chúng ta vẫn chưa thể nào lường hết. Công nghệ thay thế không sai, mọi sự cải tiến luôn nhằm hướng tới giải pháp tốt hơn, nhưng việc chúng ta đeo đuổi các giải pháp công nghệ thay thế mà chưa bao giờ đặt chúng trong bối cảnh rộng lớn hơn dẫn đến tình trạng mỗi hành động chúng ta đưa ra đều để lại hệ lụy to lớn. Các bậc đạo sư gọi đó là “nghiệp quả”. 

Nghiệp quả của thứ não trạng phân tách này không chỉ dừng ở những lựa chọn sai lầm do nhận thức thiếu, mà còn là cơ chế bao biện cho hành động xấu một cách có chủ ý. Các “giải pháp” được đưa ra nhằm “tẩy xanh” (green-washing) cho thương hiệu của doanh nghiệp hoặc để đảm bảo các tiêu chí của quốc tế hơn là thực sự làm gì đó để cải thiện môi trường hay bảo tồn hệ sinh thái. Liệu chúng ta có thể chặt rừng tự nhiên để khai thác gỗ rồi trồng thay thế bằng những cây keo vốn hại đất để phủ xanh nhằm đảm bảo tín chỉ carbon hay không? Chặt cây này, trồng thay thế bằng cây khác có tốc độ sinh trưởng nhanh, thoạt tiên nghe thật có lý, tuy nhiên, hệ sinh thái tự nhiên nguyên bản trong khu vực ấy đã bị thay thế. Cây keo nhanh chóng làm bạc màu đất, các hệ vi sinh trong đất bị hủy hoại, các cây tán thấp vốn có trong vùng cũng không thể tiếp tục sinh trưởng, nhiều loài động vật cũng theo đó mà sụt giảm. Cây keo không xấu, nhưng nó cần được trồng ở những nơi khí hậu khô hạn, và không thể được sử dụng như một giải pháp phủ xanh bù lấp cho những đại thụ đã bị khai thác. 

Thị trường bán tín chỉ carbon có thể gây hại cho chính môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu nếu nó không được xem xét trong tổng thể của hệ sinh thái. Sơ lược đôi chút về nỗi ám ảnh của con người về vấn đề carbon thế này: Các nhà khoa học đã quy giản nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cho khí carbon dioxide và liên tục đưa ra các giải pháp quy mô toàn cầu để cắt giảm. Eisenstein bình phẩm: “Giống như kiểu tư duy chiến tranh và tư duy tiền bạc, vấn đề của chủ nghĩa quy giản carbon chính là nó đơn giản hóa “mọi vấn đề quan trọng” đến mức chỉ còn là “một vấn đề quan trọng”.”… “Chủ nghĩa khử carbon nằm trong một chủ nghĩa quy giản mang tính khoa học có phạm vi rộng hơn. Bản cáo trạng của khoa học mang tính quy giản hóa thường bị hiểu lầm là đang ám chỉ đến nhiệm vụ giải thích hành vi của sự tổng thể thông qua thuộc tính của từng bộ phận. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đặt nền tảng dựa trên một chủ nghĩa quy giản cơ bản và xảo quyệt hơn: đó là sự quy giản tính tự nhiên của thế giới thành các con số. Cái nực cười của sự quy giản này chính là một ngày nào đó, khi mọi thứ được sắp xếp, phân loại đồng thời đo lường thì chúng ta mới thâm nhập được vào mọi bí ẩn và cuối cùng thế giới sẽ là của chúng ta. Việc quy giản thực tế thành các con số chỉ lượng này là sự tối giản cái vô hạn đến thành cái hữu hạn, cái thiêng liêng thành cái phàm tục, và cái định tính thành cái định lượng. Nó là sự phủ nhận các bí ẩn, ẩn chứa trong đó là nỗi khao khát ôm trọn mọi thực tại trong giới hạn của nó.” (trang 45-46, “Khí hậu – Câu chuyện mới”, Charles Eisenstein).  Eisenstein cũng cho biết một thực tế rằng, các hoạt động theo lối tư duy này không hề mang lại hiệu quả như mong muốn. Thay vì liệt kê một loạt các con số vô hồn, Eisenstein kể một câu chuyện thực tế về đập thủy điện Tehri trên sông Bhagirathi ở Ấn Độ để ta có thể hình dung hệ quả của chủ nghĩa quy giản carbon. Để giảm thiểu nhiệt điện, một đập thủy điện đã được xây, và nó đã đảm bảo được những con số mang tính định lượng về giảm thiểu lượng carbon phát thải ra môi trường tại địa phương. Nhưng, để phục vụ cho dự án này, một ngôi làng đã bị di dời đến thành thị, nơi họ bị lệ thuộc vào các tiện nghi chạy bằng điện để rồi phát thải carbon nhiều hơn. Lẽ tất nhiên, không chỉ vậy, đập thủy điện khiến những con sông dần cạn dòng. Không chỉ đem đến sự khô hạn, những con sông cạn dòng làm giảm đối lưu không khí trong không gian, và tất yếu dẫn tới tình trạng nóng lên cục bộ. Thảm thực vật trong khu vực sông cũng suy kiệt, và ta lại tìm cách bù lấp bằng những đồn điền cây xanh trồng vội ở đâu đó. 

>> Tìm hiểu thêm: Khí hậu: Câu chuyện mới – Charles Eisenstein – Book Hunter Lyceum

Sự trả thù của Thủy Tinh & biến đổi khí hậu

Tại Việt Nam, từ thuở nhỏ, chúng ta được dạy về câu chuyện “Sơn Tinh – Thủy Tinh” trong sách giáo khoa. Trong truyền thuyết này, Sơn Tinh đã thắng, đánh bại được Thủy Tinh và những cơn mưa lũ. Sự chiến thắng của Sơn Tinh đại diện cho tinh thần chế ngự dòng nước lũ bằng kỳ công đắp đê của con người: nước lũ càng cao thì đê càng cao. Não trạng hành xử của chúng ta đối với tự nhiên vẫn đang được dẫn hướng theo quy tắc Sơn Tinh này. Nhưng ngày nay, Thủy Tinh đã “trả thù”. Không phải chỉ bằng những trận lũ lụt khủng khiếp mà còn bằng sự khô hạn: lũ lụt thì càn quét, còn khô hạn khiến tài nguyên kiệt quệ. Những con cháu của Sơn Tinh vẫn tiếp tục trốn trong vùng an toàn và tìm kiếm các giải pháp thay thế mà chẳng dám đối mặt với cách thức tốt nhất: hãy làm hòa với Thủy Tinh. 

Câu chuyện về sự trả thù của Thủy Tinh là một ẩn dụ của tôi để tôi bàn về thứ tâm thức được đúc kết trong truyền thuyết Sơn Tinh đã ăn sâu vào nhận thức của chúng ta: loại tâm thức đánh giá thấp vai trò của nước, và rộng hơn thế, là loại tâm thức tự mãn tự cho rằng con người có sức mạnh khống chế tự nhiên, chính là loại não trạng phân tách. Thủy Tinh đương nhiên không thể trả thù, nhưng việc coi nhẹ vai trò của nước, đặc biệt trong vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu đã để lại nghiệp quả đớn đau cho nhân loại. Tất nhiên, phần lớn nhân loại sẽ vẫn tiếp tục trốn trong vỏ ốc trong sự thư thái để rồi dần dần bị khô đét lại mà chẳng hề nhận ra. 

Nếu nói rằng nước có vai trò quan trọng trong tưới tiêu hay trong thủy điện thì e rằng đã quy giản thái quá vai trò của nước thành những tính năng thực dụng. Nước cần được đặt trong một tổng thể lớn hơn: sự sống trên Trái Đất. Dễ dàng nhận thấy ngay trong sự sống của mỗi cá nhân, nước là nguyên tố cần thiết, nhưng khi đặt trong toàn thể sự sống của Trái Đất, ta lại có đôi chút mơ hồ. Nước giúp cho cây cối xanh tươi, nhưng cũng có những loại cây không nhất thiết cần đến nước, liệu ta có thể loại bỏ hết các cây ưa nước để chuyển sang trồng các cây ưa cạn được chăng? Chỉ là vấn đề “phủ xanh” thôi mà? Những con sông cạn dòng thì có hề gì, vào mùa mưa, một trận mưa to sẽ đổ xuống và con sông sẽ hồi sinh thôi. Khi tôi viết bài này, tôi cũng đọc được tin rằng con sông Đà hung dữ vốn được biểu tượng hóa thành nhân vật Thủy Tinh trong truyền thuyết đang cạn dòng. Con cháu của Sơn Tinh giờ đây chỉ có thể than thở vì hoa màu không sống được và nỗi lo thiếu đói trong thời gian tới. Tin bài từ báo Tiền Phong cho biết, đã gần một tháng, lòng sông vẫn cạn và không có dấu hiệu dâng lên dù có mưa to. 

Eisenstein bằng những kiến thức về hệ sinh thái của mình, đã kể một câu chuyện khác về nước, về Thủy Tinh mà tâm thức dân gian của chúng ta đã chối bỏ:

“Khả năng nuôi dưỡng sự sống cho con người của đất cũng phụ thuộc vào nước. Lượng mưa càng dồi dào và xuất hiện thường xuyên bao nhiêu, thì đất càng có khả năng tốt bấy  nhiêu trong việc nuôi dưỡng sự sống của biết bao con người. Một mùa hè nắng nóng hơn mức trung bình thì thường chẳng gây nguy hiểm gì nhiều đến cây trồng, nhưng một mùa hạn hán sẽ mang đến một thảm họa. Đương nhiên, nhiệt độ ảnh hưởng mạnh đến lượng mưa, hầu như gây tác động trực tiếp thông qua gió và các dòng hải lưu. Hơn thế nữa, 

vòng tuần hoàn nước và vòng tuần hoàn carbon lại liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng ta không thể nói đến yếu tố này mà lại không nhắc đến yếu tố kia. Điều tôi muốn nhấn mạnh đơn giản chỉ là “Nước ảnh hưởng đến chúng ta một cách trực tiếp hơn, do đó chúng ta cần quên chủ đề carbon đi”. Những gì ta sẽ thấy là: khi vấn đề về nước được đặt lên hàng đầu, thì vấn đề về carbon và sự nóng lên toàn cầu cũng sẽ được giải quyết.” (trang 110,111 – “Khí hậu – Câu chuyện mới”, Charles Eisenstein)

Chúng ta đã quen với sông suối và biển cả như những không gian rộng lớn để trữ nước mà quên mất rằng những khu rừng, cây cối, vùng đầm lầy, vùng ngập mặn… cũng đều là đóng góp lớn trong quá trình dự trữ nước này. Hạn hán là khi nước trong không gian bị cạn kiệt, tức đất và cây không còn dự trữ được nước nữa. Nạn phá rừng, san lấp sông hồ, đầm lầy, vùng ngập mặn, biển cả…  khiến cho toàn bộ không gian sống ở một địa phương bị sa mạc hóa. Hành tinh của chúng ta nóng lên không phải vì những cơn bão mặt trời mà vì chúng ta đang làm cạn kiệt dần nguồn nước nội tại không chỉ cục bộ địa phương mà còn ở quy mô toàn cầu. Sự thiếu nước trong nội tại của Trái Đất dẫn đến tình trạng Trái Đất nóng lên mà chúng ta vẫn gọi là biến đổi khí hậu. Vâng, không phải chỉ do khí phát thải carbon mà do Trái Đất đã thiếu lượng nước cần thiết để làm dịu mát bầu không khí. Eisenstein cho biết: “Theo một báo cáo, nếu chúng ta tiếp tục phá rừng với mức độ như hiện nay thì hành tinh này sẽ ấm lên 1,5 độ cho dù các nguyên liệu hoá thạch đã nhanh chóng bị loại bỏ chỉ qua một đêm.” (trang 112). Thậm chí, ngay cả khi hơi nước ngưng đọng rất nhiều trong không khí, trời cũng không thể có mưa, và càng làm gia tăng hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên. “Khí hậu – Câu chuyện mới” đã đưa ra một phân biệt quan trọng về sương mù gây nên hiệu ứng nhà kính và những đám mây. Nếu những đám mây tích tụ có thể tạo mưa thì “sương mù hình thành khi thiếu hụt diện tích rừng, gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ. Nó đón ánh sáng mặt trời và bao phủ trái đất như một lớp phủ ngăn nhiệt bức xạ trở về không gian vào ban đêm. Kết quả là nhiệt độ và độ ẩm rất cao, nhưng không có mưa.” (trang 114). Đây là tình trạng không khí oi bức điển hình tại miền Bắc Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị vốn đang từng ngày khai tử các con sông và những hàng cây. 

Và có lẽ, chúng ta cần một lần nữa ôn lại sâu sắc vòng tuần hoàn của nước, để nhận thức rằng những cơn mưa quý giá cần thiết cho sự sống của chúng ta không phải đến từ đại dương bao xa xôi, mà đến từ chính sông hồ và thảm thực vật địa phương:

“Trong một vòng tuần hoàn nước đầy đủ, nước bốc hơi từ đại dương sẽ di chuyển qua các lục địa, nơi nó rơi xuống thành mưa. Một phần nhỏ trong lượng mưa đó bốc hơi trực tiếp; hầu hết được hấp thụ bởi đất và thảm thực vật, trong khi một số thấm vào tầng nước ngầm, cuối cùng nổi lên mặt đất thành các con nước đổ vào sông suối. Một khi lượng nước này còn ở trong đất và tầng nước ngầm, thì thực vật và đặc biệt là cây cối sẽ đều đặn làm chúng bốc hơi ngược trở lại không khí, cung cấp một lượng mưa cho mùa khô. Tùy theo khu vực, khoảng 30-90% lượng mưa không bắt nguồn trực tiếp từ đại dương mà từ sự thoát-bốc hơi nước từ đất và thảm thực vật. Tại những khu vực rộng lớn trên trái đất, cây cối đóng vai trò quan trọng với khả năng của đất trong việc hấp thụ nước mưa: – Tầng lá mục hấp thụ nước và giữ hơi ẩm không bị bốc hơi ngay lập tức; – Bóng mát cũng làm chậm quá trình thoát hơi nước; – Cây cối và hệ động vật rừng làm tăng độ xốp của đất, cho phép nước thấm qua; – Rễ cây và thảm thực vật ở tầng sát mặt đất rừng bảo vệ đất khỏi bị xói mòn.” (Trang 115)

Thật dễ dàng để chúng ta đổ lỗi toàn bộ hiện trạng nóng hạn tại địa phương của chúng ta cho một vấn đề chung chung: biến đổi khí hậu hay  nóng lên toàn cầu. Và cũng thật dễ chịu, ta có thể nhẹ nhàng phủi tay khỏi trách nhiệm bỏ mặc nạn chặt phá cây rừng hay san lấp sông hồ để phục vụ các mục tiêu bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp thiếu bền vững, phát triển công nghiệp, mở rộng đô thị…thậm chí là để xây chùa chiền đền miếu. Nhưng chúng ta có thể làm gì? 

Hồi kết cần được khuyến khích cho truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh

Tôi còn nhớ, khi học cấp 1, chúng tôi được giao bài tập làm thêm: tự sáng tạo một cái kết cho truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh”. Hồi đó, tôi chỉ thấy rằng việc hai người đàn ông tranh nhau một người đàn bà mà gây ra trận chiến của hai bộ tộc, thật không đáng! Rất nhiều lần tôi nghĩ về hồi kết cho sự dàn hòa giữa hai bộ tộc này. Cái kết tôi sáng tạo ra không được thành công lắm, sở dĩ bởi tôi chưa thoát ra khỏi tâm thức “bên thắng cuộc” của Sơn Tinh. Bài tập dang dở ấy khiến tôi nhiều lần nghĩ rằng mình sẽ sáng tác một tiểu thuyết, hoặc chí ít là một truyện ngắn để giải quyết khúc mắc này, nhưng rồi mỗi lần đặt bút đều dang dở. Khi nhìn những con sông cạn dòng và cây cối khô hạn, tôi chợt nhận ra cái kết cần có thực sự nên là gì. 

Charles Eisenstein nhiều lần nhấn mạnh trong “Khí hậu – Câu chuyện mới” một khái niệm mà Thích Nhất Hạnh đề xướng: “tiếp hiện”. “Tiếp hiện”, có thể hiểu giản đơn rằng: “Chúng ta là một”. Sơn Tinh hay Thủy Tinh, hay vua Hùng, hay nàng Mị Nương, hay bất cứ người dân nào…đều  là một phần của tổng thể sự sống hài hòa. “Bên thắng cuộc” đã trở thành một dân tộc hùng cường “đào núi lấp bể” với những tòa nhà “xây cao, cao mãi”, họ say men chiến thắng tới mức chưa ý thức sâu sắc được sự suy tàn của đất đai, sông ngòi…và sự suy giảm của chất lượng sống đang được bao bọc bởi văn minh tiện nghi. Họ kể đi kể lại câu chuyện của chiến thắng mà không nhìn thấy mầm thất bại đang ăn lan trong sự oi bức của hiệu ứng nhà kính hay những bức tường bụi mịn. Làm giảm quyền lực của Thủy Tinh cũng chính là cách rất nhanh để Sơn Tinh tự giết chính mình. Sơn Tinh cần nhận thức rất rõ ràng điều này, nhận thức tới mức không thể chối bỏ theo cách con cháu của ngài đang làm. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh cần được viết lại và giảng dạy theo hướng ấy, để mỗi người dân thoát ra khỏi thứ tâm tư phân tách ta – địch, để chấp nhận mọi sự tồn tại của sự sống như vốn có và để tự nhiên tự điều phối tự nhiên thay vì để ý chí của con người can thiệp một cách thô bạo và xuẩn ngốc. 

Chúng ta có thể bắt đầu bằng nhận thức, bằng sự mở rộng giác quan và trái tim. Làm sao chúng ta có thể yêu một con sông, tiếc một cánh rừng, khóc thương cho một loài vật bị tuyệt chủng nếu trái tim của chúng ta chưa từng rung động vì chúng, hay nói đúng hơn, chúng ta chưa từng rung động trước bất cứ điều gì. Đa phần các hoạt động hiện giờ của nhân loại đều là sự bào mòn các giác quan và trái tim thay vì khuyến khích. Thuở nhỏ, chúng ta chạy đua theo các cuộc thi và điểm số mà không dành thời gian để cảm nhận thiên nhiên, cảm nhận vạn vật hay tiếp xúc với các công việc chân tay trong gia đình. Lớn lên, chúng ta đi xin việc để vào làm trong những nơi trả lương cao dễ dàng đo lường thành tích như nhà máy hay các văn phòng, nơi không cần dùng đến giác quan hay trái tim (ở đôi chỗ, người ta còn lên án giác quan quá nhạy và trái tim dễ rung động là một thứ tật nhược của tâm lý). Chúng ta kiếm được tiền, rồi nhốt mình trong những tòa nhà chung cư và trong những xe hơi, tách biệt hoàn toàn khỏi tự nhiên, giác quan của chúng ta không có nhiều trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta không thể đổ vào đâu ngoài sự tức giận và chán ghét với những con người cũng đang đờ đẫn. Nuôi dưỡng giác quan và trái tim của mình để lựa chọn hài hòa thay vì như Hùng vương thiên vị để mặc thứ duy lý lệch lạc dẫn dắt vào lối mòn của thói quen truyền thống. Chúng ta đã từng đùa cợt lời thách cưới “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” của vua Hùng là sự thiên vị cho Sơn Tinh, đúng không? Hiện giờ, chúng ta cũng đang như ông ấy, chúng ta đang thiên vị sự tiện nghi quen thuộc của mình bởi đã để tham muốn của bản thân lựa chọn tương lai của mình như cách ông vua già lựa chọn gả con gái của mình cho “bên thắng cuộc”. 

Bước ra khỏi sự phân tách, khỏi tâm lý thù địch, là bước đi đầu tiên nhưng quan trọng để giải quyết nan đề hòa hợp giữa con người và thiên nhiên hiện nay, và bước tiếp theo là thoát khỏi lối tư duy quy giản. Chúng ta buộc phải chấp nhận rằng chúng ta nhỏ bé và vấn đề chúng ta phải đối mặt là khó khăn. Sự quy giản toàn bộ khó khăn trở thành một thứ khó khăn có thể hiểu được, có thể tuyên truyền được, có thể đo lường thành tích được, chính là cản trở rất lớn trong việc đưa ra hành động đúng ít để lại các hệ lụy nghiêm trọng. Thoát ra khỏi sự quy giản để nhận thức khó khăn trong tính toàn bộ của nó đương nhiên khiến hành động của chúng ta chậm hơn, không dễ dàng như xây một đập thủy điện hay phát động sáng chế một chiếc xe ô tô điện, nhưng cần thiết. Điều này đòi hỏi một sự lộn ngược toàn bộ hệ thống khoa học và kinh tế, kéo theo nó là sự thay đổi các định chế chính trị toàn cầu. Dù cố cưỡng lại, nhưng thực tế khốc liệt của khí hậu và môi trường chắc chắn sẽ dồn ép đến khi sự thay đổi này thực sự diễn ra với lời đe dọa không lời: “Thay đổi hay là chết!”

Và rồi thì, tất yếu, chúng ta cần thực hành sống tiếp hiện hoặc bất cứ khái niệm nào bạn đã quen thuộc mà có nghĩa tương ứng: là một phần của tự nhiên vậy thì ranh giới cho những hành động hủy hoại sự sống của chúng ta sẽ nằm ở đâu? Đó là lựa chọn của mỗi cá nhân trong tính cân đối hài hòa giữa ích lợi và hệ lụy của mỗi hành động. Chúng ta không thể sửa sai bằng một hành động sai khác, chúng ta chỉ có thể sửa sai bằng một hành động đúng đắn hơn.

Cái kết mới cho Sơn Tinh – Thủy Tinh nhất thiết cần phải viết lại để thế hệ tương lai của chúng ta hình thành tâm thế mới khi đối diện với sai lầm của thế hệ chúng ta và thế hệ trước đó. Hoặc chí ít, nếu cần phải “bảo tồn” một truyền thuyết đến thế, hãy để người đọc nó được rộng mở liên hệ với tự nhiên, với hệ sinh thái, với hiện trạng môi trường đang diễn ra như cách câu chuyện mới mà Eisenstein kể về khí hậu đang gợi mở trong chúng ta. Sẽ không có công thức chỉ dẫn hành động đâu, bởi công thức chính là sự quy giản sai lầm, và chúng ta hãy cứ để những gợi mở này chạm đến trái tim, rồi để trái tim chỉ dẫn. 

Hà Thủy Nguyên

> Xem thêm:

Thoái Tăng Trưởng là gì và tại sao có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu

Cứu tinh cho biến đổi khí hậu có thể là một nền kinh tế chậm chạp. Không có cách nào khác khi nói về nó – vì biến đổi khí hậu ngày càng bao trùm lên cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ phải thay đổi cách ta sống. Điều đó có nghĩa là phải chuẩn bị cho thời tiết bất thường hơn, thay đổi chế độ ăn uống, và sử dụng năng lượng sạch hơn. Nhưng, một ý tưởng về tăng trưởng kinh

Minh Tân

25/12/2022

Phản biện bộ phim “Cuộc sống trên hành tinh chúng ta” của David Attenborough

David Attenborough thân mến, đó quả thực là một bộ phim tài liệu đẹp trên Netflix. Nhưng những “giải pháp” của ông còn tàn phá tự nhiên nhiều hơn. Thưa ông David Attenborough, Gần đây tôi đã được xem bộ phim mới của ông - Cuộc sống trên hành tinh chúng ta - một phim tài liệu thật đẹp nói về sự suy giảm sinh thái tự nhiên trên toàn cầu. Bộ phim như viên thuốc đắng phục vụ kèm một món tráng miệng ngọt

Vân Trần

19/11/2020

Ký sự ăn chơi (1): Chén trà Hương Mộc Vị Thanh vớt từ cõi trần ai

Gửi tặng Dương Anh và trà Mộc Thanh nhân dịp kỷ niệm 7 năm tròn vị Mộc Thanh.  Vào một ngày hè nóng bức năm 2020, tôi đã thử hơn 10 vị trà khác nhau suốt từ 10h sáng đến 16h chiều. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên hôm ấy, mệt - đói - đơ (chứ không phải say) và chán. Các hương các vị lướt qua miệng rồi trôi tuột vào bụng, chẳng đọng lại chút nào nhung nhớ, kèm với đó là một

Biến đổi khí hậu – Một câu chuyện chẳng hề xa lạ

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách "Khí Hậu - Câu Chuyện Mới" của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.   Phu nhân của thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nói rằng “Biến đổi khí hậu là bài kiểm tra đánh giá trí thông minh, lòng trắc ẩn và ý chí con người. Nhưng chính chúng ta cũng là thử thách đối với khí hậu”. Thật vậy trong những năm gần đây môi trường sống

Book Hunter

24/08/2023

1/5 loài thực vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng

Báo cáo toàn cầu nhấn mạnh mối đe dọa đối với an ninh lương thực và nguồn cung cấp thuốc nhưng cũng tiết lộ 2.000 loài mới được phát hiện mỗi năm. Theo đánh giá toàn cầu đầu tiên về hệ thực vật, một phần năm số loài thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, khiến nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng báo cáo cũng cho thấy 2.000 loài thực vật mới được phát