Home Chuyên đề tháng Những bóng hình chứng ngộ trong thơ Rumi

Những bóng hình chứng ngộ trong thơ Rumi

le-ai

Lê Ái

12/12/2023

Trong nhiều bài thơ của mình, Rumi kể những câu chuyện dài. Dù chúng đều chứa đựng các thông điệp về cuộc sống và bài học tâm linh quý giá, nhưng chúng cũng là một thế giới quá rộng lớn với hàng loạt nhân vật phức tạp. Ngay cả khi Shams xứ Tabriz hay vua Solomon, Joseph… không phải những cái tên xa lạ, thì dường như các nhân vật này cũng vẫn là một thử thách đối với những độc giả tìm đến thơ của ông vì sự hiếu kỳ hay sự ưa thích thi ca đơn thuần. Rumi kể về họ một cách rõ ràng, đồng thời lại cũng thật mơ hồ.

Shams xứ Tabriz – Khơi mở con đường tâm linh nơi Rumi

Nếu từng đọc thơ Rumi, hẳn sẽ chẳng mấy ai nhớ được nổi ông đã nhắc đến Shams xứ Tabriz, Joseph, Jacob, Muhammad… bao nhiêu lần. Đôi khi ông kể những câu chuyện khác nhau mà họ là nhân vật chính hoặc thoáng qua, đôi khi chỉ kể đi kể lại một câu chuyện. Các nhân vật cứ như vậy xuất hiện trong thơ của ông theo cách thật tự nhiên, đến nỗi mối liên kết giúp người đọc hiểu được lý do ông để họ xuất hiện dần bị xóa nhòa, giống trường hợp của Shams xứ Tabriz.

Đừng hỏi tình yêu có thể tạo ra hay làm được điều gì!

Hãy nhìn vào những sắc màu thế gian.

Dòng nước đương chảy trong mọi con sông cùng lúc.

Chân lý sống trong khuôn mặt của Shams.

(Những con sông cùng lúc, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Shams xứ Tabriz là một kẻ lang thang, nghèo khổ và thất học. Ông tình cờ gặp gỡ và kết bạn với Rumi ở Konya – nơi tập trung nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa cũng như tôn giáo khác nhau thời bấy giờ – sau một cuộc trò chuyện, rồi trở thành người thầy tâm linh của Rumi. Sự thân thiết của đôi bạn đưa đến kết cục bi thảm cho Shams, khi ông bị các môn đệ đi theo Rumi sát hại, còn Rumi dành phần đời còn lại đi khắp nơi tìm kiếm người bạn. Sự thương tiếc cùng lòng tôn kính dành cho Shams được Rumi thể hiện trong phần lớn các tác phẩm thơ ca của mình với nhiều sắc thái. Shams hiện diện trong vầng dương, một phép ẩn dụ cho người yêu dấu. Shams hiện diện trong phép so sánh giọt nước nhỏ với đại dương bao la, một sự gợi nhắc về câu hỏi ông từng đặt ra cho Rumi ở lần gặp đầu tiên: “Ai vĩ đại hơn, Muhammad hay Bestami?”.

Đâu còn rượu nữa, bát của tôi đà vỡ

Tôi ốm đau, chỉ Shams chữa lành thôi

Ai biết Shams ở chốn nao không, ôi ông hoàng thị kiến

bậc kéo người chết đuối khỏi đại dương

 và hồi sinh, để rồi bãi biển tựa hồ

bao lễ cưới đang diễn trình cùng lúc,

cười đùa rôm rả, bánh nướng theo lệ,

diễu hành trong âm nhạc.

(Gió đượm hương bánh mì và muối, trích “Nhà huyền môn và kẻ say”)

Và các vị ngôn sứ trong truyền thống tôn thờ Thượng Đế tại Trung Đông

Truyền thống Islam đề cao Muhammad, sứ giả của Allah và cũng là lãnh đạo tôn giáo mà Rumi muốn đi theo. Tuy nhiên, Muhammad trong thơ của Rumi còn vượt hơn thế. Nhà tiên tri được các tín đồ Islam tôn sùng đại diện cho chỉ dẫn tâm linh đầu tiên mà Shams dạy Rumi. Ai vĩ đại hơn, Muhammad hay Bestami? Những lời răn tôn giáo cho Rumi biết câu trả lời là Muhammad, nhưng Shams dạy cho Rumi hiểu sự khác biệt giữa một người ca tụng Allah vĩ đại với một người đồng nhất mình với Allah. Con người quá nhỏ bé để chứa đựng được sự vĩ đại của Allah, ngay cả khi đã đạt được phần nào sự vĩ đại đó. Chiều sâu trong câu hỏi của Shams lẫn lời chỉ dẫn đã giúp ông trở thành người bạn, người thầy, người yêu dấu mà Rumi luôn hướng về. Ý niệm về giọt nước và đại dương cũng theo đó được Rumi kể lại qua các bài thơ.

Joseph cùng những người anh em cũng thường xuyên xuất hiện trong thơ của Rumi, thường là với một chiếc áo dính máu. Nhà thơ sufi thích sử dụng các câu chuyện ngụ ngôn và Kinh Thánh để đưa vào sáng tác cá nhân, nhưng luôn có ít nhiều thay đổi. Tại sao là Joseph? Rumi lựa chọn Joseph như một phép ẩn dụ cho nỗi ám ảnh và khắc khoải của ông trong những năm tháng lang thang tìm kiếm Shams. Kinh Cựu Ước kể câu chuyện thế này về Joseph:

Joseph là đứa con thứ 11 trong số 12 đứa con của Jacob với người vợ Rachel. Ngay từ bé, Joseph đã được Jacob yêu quý và ưu ái hơn những người con khác. Điều này, cộng với khả năng tiên tri thông qua các giấc mơ của Joseph đã khiến những người anh cùng cha khác mẹ ghen ghét. Một ngày, họ bày mưu giết hại Joseph. Người anh cả Reuben, vì muốn cứu Joseph nên đã vờ đề nghị các em trai của mình ném Joseph xuống một cái giếng cạn. Tuy nhiên, khi Reuben vắng mặt, những người khác lại đổi ý và đem Joseph bán cho người lái buôn. Joseph lưu lạc sang Ai Cập. Các anh trai của Josepha lột chiếc áo chùng dài của cậu, đem nhúng nó vào máu dê đực rồi đem về nhà đưa cho cha. Jacob nhìn chiếc áo của con trai, tin rằng con đã bị thú dữ ăn thịt nên đã khóc thương.

Theo Coleman Barks, giáo sư của đại học California, đồng thời cũng là dịch giả chuyển ngữ tập thơ The Essential Rumi, câu chuyện về Joseph dường như phản ánh sự hoài nghi của Rumi trước tin tức Shams xứ Tabriz đã chết. Có vẻ Rumi đã tìm thấy sự tương đồng trong câu chuyện về Joseph với chính cuộc đời ông.

Hãy nhớ những người anh em

tới cùng bao điều kỳ cục,

Con sói đã ăn thịt Joseph ư.

 

Sư tử của vầng trời

chẳng làm hại điều gì cho vui.

(Trầm hương ki kiết, trích “Nhà huyền môn và kẻ say”)

Hay:

Những anh em của Joseph đã không nhìn ra vẻ đẹp nơi Joseph,

Nhưng Jacob không bao giờ đánh mất nó.

(Cơn hứng tình, điều mà tiếng cười của một người phụ nữ có thể tạo ra, và bản chất của tính dương đích thực, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Không chỉ nhắc đến Joseph, Rumi sử dụng các biểu tượng nổi bật liên quan đến nhân vật này và kết hợp chúng với truyền thống tôn giáo của mình. Ở phiên bản Joseph mà Rumi tạo ra, Josepha mang hình bóng Shams xứ Tabriz, trong khi Rumi thấp thoáng trong bóng dáng Jacob. Câu chuyện của Rumi kể rằng Jacob đã mù vì mất đi con trai. Joseph gửi chiếc chùng đẫm máu cho cha, xem nó như biểu tượng của tình yêu thiêng liêng, vì nó nằm gần trái tim. Chiếc áo của con trai và việc biết con còn sống đã giúp Jacob sáng mắt trở lại. Cuộc hành trình của Joseph đến Ai Cập, với muôn vàng khó khăn, trở thành một ẩn dụ cho con đường giác ngộ tâm linh mà chính Rumi trải qua.

Ai, giống Jacob mù lòa ở nỗi đau và tuổi tác,

ngửi áo đứa con trai thất lạc của mình

và có thể nhìn lại?

(Khơi mở thần thoại của bạn, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Rumi là nhà thơ, đồng thời cũng là nhân vật trong chính những bài thơ của ông. Sự hiện diện của Rumi, nếu không được ẩn ý thông qua các nhân vật như Joseph hay Jacob, thì trực diện và rõ ràng trong nhân vật “Tôi”, “cây sậy”, “người thầy”… để kể về hành trình đi tìm giác ngộ tâm linh. Rumi trò chuyện trực tiếp với người đọc. Ông tha thiết cầu xin họ đi tiếp con đường tâm linh của cá nhân họ, giống như ông đã làm. Linh hồn con người đến từ chốn nào? Nó hệt như cây sậy bị cắt khỏi bụi. Nó chỉ là một mảnh nhỏ trong một tổng thể to lớn hơn. Vị thầy tu kiêm nhà thơ tin rằng tổng thể đó là Allah.

Người thợ thủ công nhổ cây sậy khỏi đám sậy,

khoét lỗ nó, và gọi nó là một con người.

Kể từ đó, nó than khóc cho đau đớn dịu dàng

buổi chia ly, chẳng bao giờ nhắc đến sự tài hoa

đã cho nó sống đời cây sáo.

(Người cha hợp lý, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Cây sáo sậy khao khát tri thức, Rumi cũng thế, nhưng để đi đến đích cuối của con đường tâm linh, những tri thức đó cần bị thiêu rụi.

Tôi nói với cây sáo sậy, “nhưng cũng biết bao bí mật ngọt ngào. Ngươi tạo tác,

Ngươi hòa cùng nhịp thở Tri Âm

Ngươi còn cần gì nơi ta nữa ?”

Sáo sậy đáp, “Tri thức là để

hủy diệt hoàn toàn.” Tôi nói, “Thiêu đốt rụi ta đi

và để lại vô trí.”

Sao tôi có thể, khi tri thức dẫn dắt chúng ta?

Nhưng Tri thức này lạc mất lòng trắc ẩn

và cũng dần chán ghét chính mình.

Cũng bỏ quên cả tĩnh tại và trống rỗng.

Cây sáo sậy có chín lỗ thông

và đó là kiểu ý thức loài người

cái đầu bị chặt, dẫu vẫn yêu bằng đôi môi.

Đây là nỗi khổ nhục, rên la.

Khóc ròng bởi những thanh âm được tạo ra.

(Tác phẩm của sáo sậy, trích “Nhà huyền môn và kẻ say”)

Rumi dành nhiều bài thơ để nói về con đường đi tìm sự giác ngộ tâm linh, theo ông, nó có thể khó khăn như hành trình đến Ai Cập của Joseph hay đầy đau đớn như cây sáo sậy. Tuy nhiên, cũng chẳng thiếu những lúc nó xuất hiện ngay trong cuộc sống đời thường, nằm ẩn mình ở một ngóc nghách nào đấy để chờ được tìm ra. Đó là lý do Moses, vua Solomon, Jesus được nhắc đến. Cả ba nhân vật đều đóng vai trò như những con người tìm ra được phép màu và sự giác ngộ tâm linh chỉ trong một khoảnh khắc đời thường. Moses đi tìm ngọn lửa rồi đạt được sự giác ngộ lúc bình minh. Vua Solomon tìm được nhẫn vàng bên trong một con cá. Jesus mở ra cánh cửa dẫn đến thế giới khác lúc đang trốn chạy khỏi kẻ thù… Họ đều có những câu hỏi tâm linh và chợt tìm ra câu trả lời khi đang làm công việc đời thường nào đó.

Ai thả chiếc xô xuống và múc lên

Một lời tiên tri từ nước? Hoặc giống Moses đi tìm lửa

và ngộ ra cái gì bùng cháy lúc bình minh?

Jesus nấp vào ngôi nhà để trốn khỏi kẻ thù,

và mở ra một cánh cửa dẫn đến thế giới khác.

Solomon cắt đầu con cá, và có một chiếc nhẫn vàng…

(Khơi mở thần thoại của bạn, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Một chiếc bàn rơi xuống lều trại của bạn,

chiếc bàn của Jesus.

Hãy trông chờ nhìn thấy nó, khi bạn nhịn ăn, cái bàn này

bày thức ăn khác, tốt đẹp hơn nước xuýt bắp cải.

(Nhịn ăn, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Đạo tu Sufi đề cao tình yêu thiêng liêng giữa các tín đồ với Allah của họ. Rumi thể hiện tình yêu thiêng liêng bằng nhân vật “người tình”. Người tình không có danh tính, nhưng anh ta hoặc cô ta ở trong một cuộc đối thoại với người mình yêu quý. Những sự say mê của cả hai là phép ví von dễ hiểu hơn trải nghiệm về tình yêu thiêng liêng mà các bậc thầy Sufi vẫn thường ca ngợi.

Có những phép ẩn dụ thô tục về điều xảy đến với tình nhân.

Không có ai thiếu tôn kính hơn một người tình. Chàng, hoặc ả,

nhảy lên đĩa cân đối xứng với vĩnh hằng

và đòi hỏi ngang bằng với nó.

Và chẳng ai ngầm tôn kính hơn nữa.

Một bài học ngữ pháp: “Tình nhân đã chết.”

“Tình nhân” vừa là chủ ngữ và là kẻ thực hiện hành động,

nhưng nào có thể vậy!

“Tình nhân” chết đi rồi.

Chỉ về mặt ngữ pháp thì người tình-tu sĩ mới là người thực hiện.

Còn thực tế, vì chàng hoặc nàng quá ư cuồng si,

thế nên mới tan chảy trong tình yêu,

thảy phẩm chất của hành động đều biến mất.

(Những phép ẩn dụ thô tục, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Hành trình tâm linh của Rumi kết thúc ở đâu? Có lẽ là ở một hạt đậu gà. Thật vậy, bởi ông đã viết về một hạt đậu đầy hóm hỉnh. Hạt đậu gà bướng bỉnh nhảy ra khỏi nồi và chất vấn người đầu bếp tại sao lại nấu nó. Người đầu bếp trả lời, anh ta không hành hạ hạt đậu, anh ta chỉ giúp nó chuyển hóa. Nó sẽ trở nên thơm ngon hơn khi trộn với các loại gia vị, nó có mùi vị và rồi nó sẽ thành thứ nuôi sống con người. Cuộc đối thoại của hạt đậu gà kết thúc khi hạt đậu tận hưởng việc được nấu lên một cách hân hoan. Đậu gà là con người chưa đạt giác ngộ trên con đường tâm linh, còn đầu bếp là người thầy của họ. Sự sục sôi tưởng chừng như dày vò mà hạt đậu trải qua chính là thử thách để con người biến những khổ đau, nỗi buồn, giận dữ… thành một niềm hân hoan.

Một hạt đậu gà như thể nhảy khỏi vành cái nồi đang luộc nó.

“Tại sao anh lại làm điều này với tôi?”

Đầu bếp gõ nó xuống bằng cái muôi múc.

“Mi đừng cố nhảy ra ngoài.

Mi nghĩ ta đang giày vò mi. Ta đang ban cho mi mùi vị,

Nhờ đó mi có thể trộn cùng các loại gia vị và gạo

Và trở thành sức sống tuyệt diệu nơi con người.

Hãy nhớ khi mi uống nước mưa trong vườn.

Khoảnh khắc đó chính vì điều này đây.”

(Đậu gà để nấu, trích “Rumi tinh tuyệt”)

Mariam Mafi, dịch giả đã thực hiện cuốn sách The Book of Rumi: 105 Stories and Fables that Illumine, Delight, and Inform, từng viết:

Nhu cầu thiết yếu của chúng ta là tập hợp lại với nhau, cùng với khao khát được chia sẻ kinh nghiệm, suy nghĩ, ước mơ và giải trí, cuối cùng lên đến đỉnh điểm trong hành động kể chuyện. Câu chuyện là một phần ăn sâu của cuộc sống ở khắp mọi nơi và trên thực tế đời sống là một chuỗi những câu chuyện liên tiếp với những hứa hẹn và bất ngờ thay đổi vô tận. Mỗi trải nghiệm trong cuộc sống bao trùm một cốt truyện có thể soi sáng và diễn giải ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta.

Những câu chuyện của Rumi là trải nghiệm trong cuộc sống của ông, chính điều đó đã đem đến cho các nhân vật một sức sống. Bất cứ ai, dù có cùng đức tin với Rumi hay không, khi đọc thơ của ông đều sẽ tìm thấy điểm giao, nơi họ có thể suy ngẫm về hành trình tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh, tình yêu, phép màu trong đời thường của chính họ.

 Lê Thúy Ái

*Tranh minh họa, nguồn: Rumi Art Gallery.

Paulo Coelho bàn về nhảy múa và cầu nguyện theo lối Sufi

Tôi đã kể những câu chuyện Sufi trong nhiều bài viết, một vài câu chuyện có nhân vật chính là Nasrudin, một gã khở luôn cố gắng để thông minh hơn cả những người khôn ngoan, và hành động của gã có thể làm độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hôm nay tôi muốn đặt những câu chuyện ấy sang một bên và thử viết một chút về chủ đề này. Bách khoa thư định nghĩa về Sufi là một

Minh Hùng

11/09/2019

Vô thần, hữu thần và quay về với Chúa trong thơ Hafiz

“Những người buồn chán có điểm gì chung? Dường như họ xây một lăng mộ của quá khứ và thường tới đó rên rỉ và thờ phụng. Còn sự bắt đầu của Hạnh phúc? Đó là ngưng việc tôn thờ như vậy” – Hafiz. Chúng ta đã ngừng việc “tôn thờ như vậy” như thế nào? Chúng ta đã ngừng tôn thờ chưa? Hoặc, liệu chúng ta có thể ngừng việc tôn thờ để quay về với Chúa? Và điều đó cảm giác như thế

Tô Lông

20/09/2017

KHẢO LƯỢC VỀ ISLAM VÀ ẢNH HƯỞNG LÊN CHÂU ÂU THỜI PHỤC HƯNG (PHẦN II)

CHƯƠNG 9: KHOA HỌC Kinh Qur’an nhấn mạnh vẻ đẹp của tự nhiên và sự hiện diện của phép màu từ Thượng đế trong thế giới vật chất. Ở nhiều nơi, Qur’an là tài liệu tham khảo về tự nhiên cũng như các yếu tố của khoa học và kết nối tất cả với sự sáng tạo của Thượng đế, thậm chí còn khuyến khích nghiên cứu có hệ thống. Kinh Qur’an hướng sự chú ý tới các dấu hiệu từ thế giới tự nhiên
le-ai

Lê Ái

04/10/2017

“LỜI DẠY CỦA RUMI” – CHỈ DẪN TỚI ĐIỀU THIÊNG

“Khi bạn tìm kiếm Thượng Đế, bạn thấy bản thân mình Khi bạn tìm kiếm bản thân mình, bạn tìm thấy Thượng Đế” Rumi Jalal-ud-din Rumi  (1207-1273) là nhà thần bí đồng thời là nhà thơ vĩ đại nhất của thế giới Islam cổ đại. Ông là nhà thần bí quan trọng trong trường phái bí giáo Islam có tên là Sufi – trường phái tâm linh đạt được chứng nghiệm về Thượng Đế và toàn thể thông qua nhảy múa, âm nhạc và thơ

Đạo tu Sufi trong thế giới Islam: Thơ ca thăng hoa trong vũ điệu say vũ trụ

Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Sufi đã gây ra tranh cãi, thậm chí là chịu bài xích từ chính thế giới Islam. Dù vậy, chủ nghĩa Sufi lại cống hiến cho Islam, cho thế giới một nền văn hóa, nghệ thuật rực rỡ cũng như tư tưởng tiến bộ. Văn hóa Sufi từng đạt đến đỉnh cao rồi bị rơi vào quên lãng. Nhưng giờ đây, khi con người từ Đông sang Tây đều đang sống trong dòng chảy đầy biến
le-ai

Lê Ái

12/12/2023