Home Chuyên đề tháng Lời khuyên từ Bhagavad Gita: Hãy hành động! Hãy chiến đấu!

Lời khuyên từ Bhagavad Gita: Hãy hành động! Hãy chiến đấu!

Ở vị trí địa lý của Việt Nam, trong hai ngàn năm, và có thể còn xa xưa hơn thế, thường xuyên chịu ảnh hưởng của hai trục văn hóa: một trục là từ phương Bắc tức Trung Quốc, một trục là từ Tây Nam tức Ấn Độ. Và dẫu cho chính sử cố gắng xóa nhòa những dấu vết của văn hóa Ấn Độ tới các nhóm dân cư sinh sống trên cương vực lãnh thổ của Việt Nam hiện nay, thì dấu ấn ấy vẫn đọng lại sâu đậm trong tâm thức dân gian. Dấu vết ấy có thể là chi tiết “Trăm trứng trăm con” tương đồng giữa truyền thuyết khởi sinh Hồng Bàng thị và sự sinh thành những người thừa kế vua Kuru. Cũng có thể là tướng mạo Ấn Độ trong tạo tác pho tượng Pháp Vân – Pháp Vũ ở chùa Dâu. Cụ thể hơn là những di chỉ còn sót lại của người Chăm-pa, người Phù Nam ở miền nam Việt Nam. Gần gũi hơn cả là Phật giáo, dẫu có bị Hán hóa đến đâu, vẫn không xa rời giáo lý cốt lõi trong dòng chảy tư tưởng vĩ đại của nền văn minh Ấn Độ.

Tuy vậy, những gì người Việt tiếp cận với văn minh Ấn Độ vẫn là những mảnh vụn rời rạc. Ấn Độ không phải một quốc gia quyền mưu và hùng hổ như Trung Quốc, không áp đảo và đầy hấp dẫn như Pháp, càng không cường thịnh với sức mạnh công nghệ – quân sự khủng khiếp như Mỹ. Ấn Độ vẫn là một nền văn hóa phân cực giàu nghèo, vẫn tách bạch hai nửa giữa tiến bộ và lạc hậu. Hệ tư tưởng của Ấn Độ không thúc đẩy xã hội trở nên giàu mạnh hơn, có hiếu chiến hơn, uy quyền áp đảo hơn, mà liên tục đưa những nhà tư tưởng vào trải nghiệm nội tâm để đối mặt với cuộc chiến bên trong mình. Để đối mặt với cuộc chiến nội tâm ấy, các pháp tu mà trong đó là hệ lý thuyết bao gồm từ siêu hình đến đạo đức và phương pháp luyện tập cơ thể đã được hình thành, lấy mục tiêu là sự giác ngộ và giải thoát toàn triệt. Phật giáo – con đường của Thích Ca Mâu Ni, cũng nằm trong số rất nhiều pháp tu của Ấn Độ, trong đó, bậc giác giả đi trên con đường của tuệ mẫn và buông bỏ. Tuệ mẫn và buông bỏ đặc biệt thích hợp để tạo thế cân bằng tại những quốc gia bị trói buộc trong lẽ cương thường đầy phận vị và trách nhiệm của Nho giáo, nhưng khi đặt trong tổng thể của minh triết Bhagavad Gita (thường được dịch sang tiếng Việt là “Chí tôn ca”), ta sẽ thấy rằng đó chỉ là một vài trong số nhiều con đường dẫn tới toàn giác và giải thoát.

>>Tìm hiểu thêm về Bhagavad Gita: Bhagavad Gita – Book Hunter Lyceum

Bhagavad Gita – Khải lộ của đấng toàn giác

Tâm thức của văn hóa Ấn Độ xoay quanh ba kinh văn vĩ đại: Rigveda mang tính vũ trụ luận siêu hình được hình tượng hóa qua các vị thần, có thể ví với Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh; MahaBharata vừa mang tính huyền sử vừa chứa đựng các triết lý sống (Bhagavad Gita là một phần thuộc MahaBharata); Manusmriti hay còn được dịch là Luật Manu, chứa đựng các nguyên tắc sống, phần nào đó tương đương với Kinh Lễ của Khổng Tử. Những kinh văn nổi tiếng khác như các Upanishads, Ramayana, Kamasutra, Yoga Sutra…đều xoay quanh thế giới quan và nền tảng văn hóa của ba kinh văn này, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Dù là một phần của sử thi MahaBharata, nhưng Bhagavad Gita lại có một sức sống riêng bởi tính minh triết vừa mang tính siêu hình lại vừa mang tính đạo đức, được trình bày tuần tự và hệ thống, như thể tách bạch khỏi bối cảnh của những câu chuyện huyền sử của gia tộc Bharata. Sự truy nguyên về văn bản đã dẫn các nhà nghiên cứu Bhagavad Gita tới kinh văn có niên đại cổ xưa hơn – Svabhavikasutra (Kinh về nỗ lực hợp nhất), thường được gọi là Gita gốc. Tương đồng về cấu trúc cũng như nội dung giữa Bhagavad Gita và Svabhavikasutra có lẽ phần nào lý giải sự độc lập của kinh văn này so với toàn bộ phần còn lại của sử thi MahaBharata. (Bản dịch Bhagavad Gita và Svabhavikasutra đều được dịch và xuất bản trong ấn bản “Bhagavad Gita” do Sophia Ngo dịch, Hà Thủy Nguyên hiệu đính, xuất bản tháng 1 năm 2022, NXB Đà Nẵng & Book Hunter ấn hành).

Trong bài viết này, tôi không muốn đề cập sâu tới lịch sử văn bản của Bhagavad Gita, đó là công việc của những nhà văn bản học; cũng không khai thác khía cạnh văn hóa vì đó là việc của các nhà văn hóa học, và cũng không bàn đến tính triết học bởi những luận giải dựa trên nền tảng thuật ngữ phức tạp của triết học chỉ gia tăng thêm phần khó khăn trong tiếp cận một hệ tư tưởng trừu tượng và thâm sâu. Còn tôi, với tư cách là một người đọc sách say mê thế giới tư tưởng của cổ nhân, chỉ có thể phiêu lưu trong những dòng chảy ngôn từ với hành trang là những trải nghiệm tinh thần của mình, với hi vọng chạm tới trọng tâm của những lời truyền dạy.

Svabhavikasutra, đúng như tên gọi của mình: Kinh về nỗ lực hợp nhất, gợi mở một con đường tu tập – chứng ngộ và hợp nhất với Chân ngã. Chân ngã không phải một cái tôi mơ hồ không định hình, cũng không phải một thứ siêu ngã kì bí. Chân ngã là thứ không thể định nghĩa, như thể trạng thái Niết Bàn trong Phật giáo hay quan niệm về tự tính (οὐσία) trong triết học siêu hình của Aristotle, hay trạng thái hòa cùng đại đạo mà các hiền triết Đạo học thường đề cập đến. Có rất nhiều con đường dẫn tới hợp nhất, đó là “tri kiến về hệ thống triết lý”, tức sự hiểu biết thông qua tri thức; hay bằng hành động tu tập; hay buông bỏ, hay biện biệt, hay thiền định… Tất cả đều đưa người tu tập thoát khỏi những ảo giác được sinh ra bởi sự thu nhận của ngũ quan (Karmendriya – tức năm cơ quan vận động theo quan điểm của Hindu, bao gồm miệng, tay, chân, cơ quan sinh sản và cơ quan bài tiết), chế ngự được ngũ quan, tự do khỏi hành động, nhận biết và “định nơi Chân Ngã thẳm sâu”.

Những lời truyền dạy này, pháp tu này, đều được tái hiện lại trong phiên bản Bhagavad Gita với sự mở rộng và thay đổi mục tiêu của tu tập. Nếu Svabhavikasutra coi hợp nhất là mục tiêu tối cao, thì Bhagavad Gita đặt trọng tâm vào hành động của một đấng toàn giác. Từ câu hỏi băn khoăn mà bất cứ bậc quân vương nhân hậu nào cũng sẽ đặt ra khi đối mặt với những cuộc chiến tranh đẫm máu: nên chiến đấu chống lại điều sai trái hay thoái lui để bảo toàn mạng sống của những người vô tội – một câu hỏi mà có lẽ gần đây, khi chúng ta chứng kiến những hi sinh và mất mát của quân dân Ukraine, chắc chắn sẽ liên tục tự vấn. Arjuna – vị vua huyền sử trong MahaBharata, khi thấy bóng dáng của thần Krishna đã thốt lên cầu xin chỉ dẫn trong cơn đau buồn:

“Ôi! Krishna, nhìn thấy những thân bằng quyến thuộc của tôi, dàn trận ở đây và khao khát chiến đấu, tay chân tôi rụng rời, và miệng tôi thì khô lại.

Người tôi sởn gai ốc, tóc dựng ngược lên, cây cung Gandiva trượt khỏi tay tôi, da thịt tôi như thiêu như đốt.

Ôi Krishna, đầu óc tôi quay cuồng, và tôi không còn giữ được vững vàng nữa.

Ôi Krishna ơi, tôi không thấy điều gì tốt đẹp khi giết thân bằng quyến thuộc của mình trong trận chiến. Tôi không thèm khát chiến thắng, không cần vương quốc, cũng không cần hưởng thụ.

Những chiến binh này, ta không muốn giết họ, dù nếu không làm vậy thì họ sẽ giết ta, thậm chí không vì quyền thống trị ba cõi giới, càng không vì lợi ích của cõi trần gian, hỡi Madhusudan! (Tên gọi khác của Krishna)” (Trang 32, 33).

>>>Tìm hiểu thêm về bối cảnh của đoạn đối thoại giữa vua Arjuna và Đấng Krishna trên chiến trận qua video:

Và cơn bi thương của Arjuna được đẩy tới cao trào khi ông nhận thức lẽ hư vô của chiến tranh và thà chọn làm một kẻ ăn mày sẵn sàng vứt bỏ vương quốc chứ không muốn tham chiến:

“Tốt hơn cả là sống ở đời bằng cách đi ăn xin và thôi giết hại những linh hồn vĩ đại, bởi vì ngay cả khi giết họ, rốt cuộc chúng ta cũng chỉ được hưởng thứ khoái cảm đẫm máu mang hình hài của cải và lạc thú.

Bởi vì ngay cả khi giành được chủ quyền bất khả xâm phạm, một vương quốc giàu có trên trần gian này và quyền cai quản đối với cả các vị thần, tôi không thấy bất kỳ điều gì có thể xua tan nỗi đau buồn đang làm cạn kiệt các giác quan.” (trang 37)

Sư bi lụy của Arjuna, theo như lời đáp trả của vị thần Krishna vĩ đại – hiện thân của Toàn thể, đó là sự yếu đuối. Krishna không nhìn chiến đấu là thực hiện một cuộc giết chóc, mà như một hành động giống như bao nhiêu hành động khác mà mỗi con người buộc phải thực hiện trong cõi thế gian. Và từ đó, chúng ta bước vào một cuộc đối thoại siêu hình bàn về bản chất của hành động và con đường dẫn tới hành động đúng – cốt lõi của đạo đức trong Bhagavad Gita nói riêng và nền văn minh Ấn Độ nói chung.

Hành động đúng chỉ tới từ thấu triệt chân ngã – thông điệp chính của Bhagavad Gita

Trong quan niệm của người Hindu, dù vô thần hay hữu thần, đều có chung một nhận định về thể xác và linh hồn: thể xác có thể hư hoại, còn linh hồn thì trút bỏ thân xác để trú ngụ ở một thân xác mới khi nó không còn sự sống. Nhưng Bhagavad Gita phân tách linh hồn thành hai khái niệm: “linh hồn hiện thân”“linh hồn chân ngã”. “Linh hồn hiện thân” trải nghiệm đời sống, rồi chuyển kiếp và tiếp tục trải nghiệm, bởi thế luôn biến động và bị chi phối bởi thế giới giả huyễn của vô vàn sự hiện diện. Trong khi ấy, “linh hồn chân ngã”, hay còn gọi tắt là “chân ngã” thì “không có sinh cũng chẳng có diệt, sau khi thể xác mất đi, linh hồn chân ngã cũng không biến mất” (Trang 39), “không có khả năng bị phá vỡ, thiêu cháy, hoặc tan chảy, hay tiêu tán. Linh hồn chân ngã là vĩnh cửu, hiện hữu muôn nơi, bất biến, bất động và vĩnh hằng. Linh hồn chân ngã không có hình dạng rõ ràng, không thể nghĩ bàn, và bất biến.” (trang 40) Những kẻ vô minh sẽ luôn rơi vào hai khả năng, hoặc coi sự chết của thân xác là chấm dứt tồn tại, hoặc sa đà vào thực tại giả huyễn qua những trải nghiệm chuyển kiếp. Bậc giác ngộ, tức thấu triệt chân ngã, trú ngụ trong chân ngã, thì sẽ hành động như thể không hành động và không e sợ kết quả của hành động vốn bị chi phối bởi lẽ sinh diệt ở thế giới vật lý. Và từ đó, Krishna khải lộ cho Arjuna về Yoga – khái niệm tương đồng với đạo – có nghĩa là con đường.

Yoga, hay con đường dẫn tới chân ngã, bắt đầu từ Tuệ Mẫn, tức là khi thấu triệt được sự giả huyễn của sinh diệt, từ đó chẳng mong cầu kết quả thành hay bại của hành động, mà thực hiện hành động theo đúng bổn phận. Cũng giống như Phật giáo, coi sự giác ngộ là con đường có thể đưa giác giả vượt trên nghiệp và thế giới nhị nguyên, Tuệ Mẫn hay giác ngộ về chân ngã là con đường tu tập nhanh nhất, có thể đưa chúng ta vượt khỏi bám chấp vào thân xác, hay các ảo giác được sinh ra từ năm giác quan, khỏi bám chấp vào hành động hay không hành động. Người tuệ mẫn hiểu ràng mọi hành động đều không tổn hại đến Chân ngã, nên hành động chỉ như một vai diễn giữa thế gian. Bởi vậy, bậc chân sư xưa đều nhận ra Huệ Năng giác ngộ còn Thần Tú vẫn mê lầm. Khi Thần Tú viết: “Thân thị bồ-đề thọ/ Tâm như minh kính đài/ Thời thời cần phất thức/ Vật sử nhạ trần ai.” (Thân như cây bồ đề/Lòng như đài gương sáng/Luôn luôn cần lau chùi/Đừng để vướng bụi trần”, chứng tỏ ông đang bám chấp vào những trải nghiệm từ kiếp này qua kiếp khác, vào linh hồn hiện thân luôn biến động mà chưa chạm tới chân ngã bất biến. Còn Huệ Năng, một người mù chữ, lại thấu triệt chân ngã khi nhận thấy rằng “Bồ-đề bổn vô thọ/ Minh kính diệc phi đài/ Bổn lai vô nhất vật/ Hà xứ nhạ trần ai?” (Bồ đề vốn không phải cây/ Gương đã sáng thì cần gì lau chùi/Xưa nay vốn chẳng phải vật/ Bụi trần làm sao mà bám được?)

>>> Lắng nghe trích đoạn về Con đường Tuệ Mẫn qua Video:

Nếu con đường của Tuệ Mẫn gần với con đường giác ngộ của Phật giáo, thì con đường phụng sự thông qua hành động là điểm khác biệt thú vị của Bhagavad Gita. Không giống Phật giáo hướng đến sự rút lui khỏi các hành động, Bhagavad Gita khẳng định “ không ai có thể không hành động dù chỉ trong giây lát, vì, tất cả mội người đều bị thúc đẩy một cách vô thức bởi các Guna (thuộc tính cơ bản) sinh ra từ Prakriti (Tự nhiên)” (trang 49,50)… và “hành động thì ưu việt hơn là không hành động. Không có hành động, ngươi thậm chí không thể duy trì nổi thân xác vật chất của mình. Thế gian này bị ràng buộc bởi các hành động, ngoại trừ khi nó được thực hiện vì lợi ích của Yajna” – tức dâng hiến (trang 50). Nếu người thấu triệt chân ngã có thể vượt trên mọi bổn phận – vai diễn – định mệnh được sắp đặt cho mình, nhưng một mặt khác, người ấy sẽ thấy rằng chẳng có điều gì đáng hành động bằng hoàn thành phận sự của mình giữa thế gian. Hoàn thành phận sự của mình, không mong cầu, bởi vì mọi hành động đều “lập ra mọi chuẩn mực bằng hành vi của mình.” (Trang 52) Con đường thực hiện bổn phận không xuất hiện trong Phật giáo, nhưng lại tương đồng kỳ lạ với triết lý hành đạo của Nhan Hồi (một trong các thánh hiền của Khổng giáo), và đặc biệt gần gũi với Thiền tông nhập thế của các thiền sư Đại Việt, mà nổi tiếng nhất là câu kệ của Quảng Nghiêm thiền sư: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Nam nhi có chí xông trời thẳm/Sao phải nhọc nhằn như Như Lai.”

Con đường của Đức Phật còn là con đường của Buông Bỏ. Buông Bỏ có lẽ là khái niệm dễ hiểu lầm nhất trong đạo Phật, bởi người đời dễ nhầm lẫn giữa buông bỏ thực sự và sự thoái chí, trốn chạy, bám chấp vào không hành động. Sự phân định này được chỉ rõ trong Bhagavad Gita: “Hãy biết rằng, người đã hoàn toàn buông bỏ là người không có lòng ghét bỏ cũng không tham muốn thành quả” (trang 64) và “nếu không thực hiện hành động thì khó mà buông bỏ được hành động” (trang 65), thế nên thực ra người thực hành buông bỏ không phải là không hành động mà là người buông bỏ những chấp niệm, là “người đã chế ngự được chính mình, bằng việc buông bỏ mọi thành động nhờ sự cân nhắc của trí óc, an lạc ở trong chính cơ thể mình, không hành động và cũng không là nguyên nhân khiến người khác phải hành động” (trang 67), là “không còn tham dục và sân hận, với tâm trí đã được điều phục và đã chứng ngộ Chân Ngã, thì với họ, tự do vĩnh cửu hiện diện khắp nơi.”

Những triết luận xoay quanh Thiền định có lẽ là những đối thoại trừu tượng và phức tạp nhất của Bhagavad Gita, dẫu rằng pháp tu mang tính thực hành không đi sâu vào siêu hình. Tưởng như những chỉ dẫn dễ ứng dụng ấy là dễ hiểu nhất, nhưng lại ẩn chứa cùng một lúc của Tuệ Mẫn – Phụng Sự và Buông Bỏ. Hơn hết, Thiền định là pháp tu “dùng chân tâm để chế ngự chính mình”, để trở thành “bằng hữu của chính mình”. Giữ tâm an định trong thân thể của chính mình nhưng lại có thể cảm nhận thấy Chân Lý tuyệt đối bao phủ khắp thế gian, đó là trạng thái không thể miêu tả bằng lời hay lý giải bằng lý trí, chỉ có thể thực hành và nhận ra. Và nhờ thế, người chuyên tâm thiền định đạt được tâm bình thản, không bị xao động bởi những giả huyễn nảy sinh từ trải nghiệm của giác quan về thế giới, trú ngụ trong Chân Ngã và buông bỏ mọi vọng niệm về kết quả của hành động.

Từ thấu hiểu bản chất của hành động, vốn chỉ là màn diễn giữa thế gian và không thể gây ảnh hưởng đến chân ngã bất sinh bất diệt, hành động không mong cầu kết quả là chỉ dẫn quan trọng nhất, xuyên suốt trong toàn bộ cuốn sách, là nguyên tắc đạo đức tối cao có ảnh hưởng bao trùm lên văn hóa sống của Ấn Độ và các quốc gia chịu ảnh hưởng của nền văn minh này, như Việt Nam. Trong khi Nho giáo xây dựng nên những con người “Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ” (Trích “Chí nam nhi” của Nguyễn Công Trứ), thì hệ tư tưởng của của Ấn Độ, bao gồm cả Phật giáo hình thành nên những vị vua sẵn sàng thoái lui khỏi vương vị khi đã hoàn thành bổn phận thế gian của mình.

Bấy lâu nay, giới học thuật Việt Nam gần như tảng lờ thế giới triết học kỳ bí và trừu tượng của Ấn Độ, chỉ một vài học giả quan tâm, chưa có đến trăm đầu sách được dịch, âu cũng là một thiếu sót lớn. Thiếu sót này đến từ hạn chế của lịch sử, khi nền tảng ảnh hưởng từ quốc gia này lụi tàn dần cùng các vương triều Chăm-pa và sự suy tàn của các triều đại sùng Phật. Thay thế vào đó là thứ Nho giáo thực dụng, thiên về khoa cử và lễ nghi mang tính cưỡng ép của Tống Nho và Minh Nho, khiến người dân Việt Nam ngày càng lún sâu vào ảo giác về sự ngự trị văn hóa của Trung Quốc lên cư dân Việt xưa. Nhưng đâu đó, từ sâu thẳm, có lẽ cư dân Việt Nam vẫn chạm được tới phần ký ức xa xưa nhờ những dấu vết còn sót lại, và chúng tôi, những người trẻ bước vào hành trình dịch thuật các tác phẩm kinh điển của Ấn Độ mà chọn cách mở đầu bằng Bhagavad Gita trong sự đối chiếu văn bản với Svabhavikasutra, cũng góp phần he hé cánh cửa ký ức trong hồn cốt của các nhóm cư dân đang sinh sống trên dải đất hình chữ S.

Hà Thủy Nguyên

PHÁP SƯ, PHÙ THỦY, THIỀN GIẢ – KHÁC NHAU Ở ĐÂU?

Khi viết bài này, hẳn nhiều người tu tập tâm linh sẽ nói rằng tôi có tâm phân biệt, cứ phiên phiến thôi, vì hình thức tu luyện nào cũng là tốt cả. Những hình thức tu luyện không xấu, nhưng nhập nhằng không phân rõ cái nào vào cái nào thì chỉ là cơ hội cho những đồ giả mạo lên ngôi. Mà giả mạo thì chắc chắn là xấu. Thế nên, tôi sẽ cố gắng phân rõ từng khái niệm. #1. Pháp sư Wizard:

Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy – Cuộc hội tụ của những thế giới người chết Ấn Độ và Trung Quốc

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh buốt xương khô, Não người thay buổi chiều thu, Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. Đường bạch dương bóng chiều man mác, Ngọn đường lê lác đác sương sa, Lòng nào là chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. Trong trường dạ tối tăm trời đất, Có khôn thiêng phảng phất u minh, Thương thay thập loại chúng sinh, Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. …

Sự chuyển đổi của Hindu giáo, các nguồn gốc của Bhagavad Gita, và Gita không chỉ nói về một chân lý

Hindu giáo đã phát triển qua tám giai đoạn trong lịch sử, trong đó các tư tưởng đã thay đổi linh hoạt. Bhagavad Gita đứng ở đâu trong số tất cả những điều này? Krishna – vị thần mà chúng ta vẫn tổ chức lễ Janmashtami kỷ niệm sự ra đời của ngài hàng năm, được cho là người diễn ngôn của các thông điệp trong Bhagavad Gita. Gita được biết đến cực rộng rãi với cái tên “sách thiêng của người theo đạo Hindu”,

Ayurveda & Yoga – Những hạn chế trong tiếp cận tại Việt Nam

Như chúng ta biết, cho đến nay Yoga đã trở nên khá là phổ biến ở Việt Nam. Khi nhắc đến, hầu như ai cũng sẽ biết về Yoga. Ayurveda cũng mới xuất hiện và cũng chưa có nhiều thông tin được phổ biến ở Việt Nam. Hiện tại, có một vài trung tâm Yoga tổ chức khóa học về Ayurveda, thế nhưng, do nền tảng triết lý của người Việt Nam mình không thông thuộc hệ thống triết lý  Nam Á, cụ thể là

Giải mã triết học huyền bí của Hamvas Béla

Tôi bắt đầu đọc Hamvas Béla vào năm 2013 với bản dịch cuốn “Câu chuyện vô hình & Đảo” (Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung), ban đầu được đăng tải trên website Ăn mày văn chương, và sau đó được NXB Tri Thức ấn hành. Ấn tượng đầu tiên về Béla đó là một nội lực cuồn cuộn nhưng bị nén lại trong lý trí triết học. Nội lực ấy được khơi nguồn bởi các minh triết cổ xưa trong tinh túy tâm linh của cả phương Tây