Home Nhớ Lịch sử quyền trẻ em

Lịch sử quyền trẻ em

lich-su-quyen-tre-em

Tổng quan lịch sử về sự phát triển của Quyền trẻ em

Vào Thời cổ đại, không ai nghĩ đến việc bảo vệ đặc biệt cho trẻ em.

Vào Thời Trung cổ, trẻ em được coi là “những người lớn thu nhỏ”.

Đến giữa thế kỷ 19, một ý tưởng mong muốn bảo vệ đặc biệt cho trẻ em manh nha tại Pháp, điều này đã tạo điều kiện cho sự phát triển mang tính tiến bộ của “quyền trẻ vị thành niên”. Kể từ năm 1841, luật pháp bắt đầu bảo vệ trẻ em ở nơi làm việc. Kể từ năm 1881, luật pháp của Pháp bao gồm quyền giáo dục của trẻ em.

Vào đầu thế kỷ 20, việc bảo vệ trẻ em bắt đầu thực hiện, bao gồm bảo vệ trẻ trong các lĩnh vực y tế, xã hội và tư pháp. Loại hình bảo vệ này khởi xướng đầu tiên ở Pháp và sau đó lan rộng khắp châu Âu.

Kể từ năm 1919, sau khi thành lập Hội Quốc Liên (sau này trở thành Liên Hợp Quốc – LHQ), cộng đồng quốc tế đã bắt đầu coi trọng khái niệm đó và thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ em.

Hội Quốc Liên thông qua Tuyên bố về Quyền trẻ em vào ngày 16 tháng 9 năm 1924, đây là công ước quốc tế đầu tiên quan tâm đến quyền trẻ em. Trong năm chương, văn bản này đưa ra các quyền đặc biệt đối với trẻ em và nghĩa vụ đối với người lớn.

Tuyên bố Geneva được soạn thảo dựa trên công trình của bác sĩ người Ba Lan Janusz Korczak.

Thế Chiến II và những thương vong từ nó khiến hàng ngàn trẻ em rơi vào tình cảnh thảm khốc. Do đó, Quỹ Khẩn cấp Nhi đồng của LHQ được thành lập vào năm 1947, sau này là UNICEF và được trao tư cách là một tổ chức quốc tế thường trực vào năm 1953.

Ngay từ khi thành lập, UNICEF đặc biệt tập trung giúp đỡ các nạn nhân nhỏ tuổi của Thế Chiến II, chủ yếu là trẻ em châu Âu. Nhưng vào năm 1953, nhiệm vụ của tổ chức được mở rộng ra phạm vi quốc tế theo đúng nghĩa hơn và các hoạt động lan rộng sang các nước đang phát triển. Sau đó, UNICEF tiến hành một số chương trình giúp đỡ trẻ em về giáo dục, sức khỏe và khả năng tiếp cận nước và thực phẩm.

Kể từ ngày 10 tháng 12 năm 1948, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền công nhận rằng “sản phụ và trẻ em hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt”.

Năm 1959, Đại Hội Đồng LHQ thông qua Tuyên ngôn về Quyền trẻ em, trong đó mô tả mười nguyên tắc về quyền trẻ em. Trong khi văn bản này chưa được tất cả các quốc gia ký kết và các nguyên tắc chỉ có giá trị chỉ dẫn, nhưng văn bản này đã mở đường cho Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền Trẻ em.

Sau khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được thông qua, LHQ muốn đưa ra Hiến chương Nhân quyền có hiệu lực thi hành và buộc các quốc gia phải tôn trọng. Do đó, một Ủy ban Nhân quyền được thành lập để soạn thảo văn bản này.

Giữa Chiến Tranh Lạnh và sau các cuộc đàm phán gay go, hai văn bản bổ sung cho Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền đã được Đại Hội Đồng LHQ tại New York thông qua:

  • Hiến chương Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa công nhận quyền bảo vệ khỏi bóc lột lao động, quyền giáo dục và quyền chăm sóc sức khỏe.
  • Hiến chương liên quan đến Quyền dân sự xác lập quyền có tên và quốc tịch.

Năm 1979 được LHQ tuyên bố là Năm Quốc tế của Trẻ em. Năm đó đã chứng kiến một sự thay đổi tinh thần thực sự, khi Ba Lan đưa ra đề xuất thành lập một nhóm làm việc trong Ủy ban Nhân quyền, một cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo hiến chương quốc tế.

Công ước về Quyền Trẻ em được Đại hội đồng LHQ nhất trí thông qua vào ngày 20 tháng 11 năm 1989. 54 điều khoản của công ước này mô tả các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em.

Công ước về Quyền Trẻ em là văn bản liên quan đến quyền con người mà được thông qua nhanh chóng nhất. Sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn, văn bản này trở thành công ước quốc tế và có hiệu lực vào ngày 2 tháng 9 năm 1990.

Tổ chức châu Phi Thống nhất thông qua Hiến chương Châu Phi về Quyền và Phúc lợi của Trẻ em vào ngày 11 tháng 7 năm 1990.

Công ước về Các Hình thức Lao động Trẻ em Tồi tệ nhất được thông qua vào ngày 17 tháng 6 năm 1999.

Vào tháng 5 năm 2000, nghị định thư không bắt buộc bổ sung Hiến chương Quốc tế về Quyền trẻ em liên quan đến sự tham gia của trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang được phê chuẩn. Nghị định có hiệu lực vào năm 2002. Văn bản này cấm trẻ vị thành niên tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang.

Cho đến nay, Hiến chương Quốc tế về Quyền Trẻ em đã được 190 trong số 192 quốc gia ký kết, dù cho có các bảo lưu liên quan đến một số phần nhất định của văn bản. Chỉ có Mỹ và Somalia ký nhưng chưa phê chuẩn. Hiện nay, ý tưởng và đặc tính quyết liệt của hiến chương hầu như đã được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, cách ứng dụng trong thực tế của hiến chương vẫn có thể cải thiện, và các bên liên quan vẫn phải biến lời nói thành hành động. Trong một thế giới mà sự cấp bách ở trên tất thảy, nơi mà cứ 5 giây lại có một trẻ em chết vì đói, thì đã đến lúc chúng ta cần kết hợp lý thuyết và ứng dụng thực tiễn… Phải chăng mọi chuyện lẽ ra nên bắt đầu với việc này?

NguồnHumanium

Dịch: Hà Nguyên

Bài dịch dựa trên khuôn khổ dự án HOODIE PROJECT – Truyền thông về Quyền Trẻ Em

Tìm hiểu về Quyền trẻ em: Quyền Học tập – Thực trạng trên toàn thế giới

Thực trạng quyền học tập của trẻ em trên toàn thế giới Ngày nay, giáo dục vẫn là một quyền mà hàng triệu trẻ em trên thế giới không thể tiếp cận được. Hơn 72 triệu trẻ em trong độ tuổi giáo dục tiểu học không đến trường, và 759 triệu người lớn mù chữ và không có nhận thức cần thiết để cải thiện điều kiện sống của cả họ và con cái. Nguyên Nhân của sự thiếu thốn giáo dục Bị gạt ra