Home Chuyên đề tháng Công cụ – Thao túng hay cộng sinh?

Công cụ – Thao túng hay cộng sinh?

“Thuốc chữa cho quản lý tồi là quản lý nhiều hơn. Thuốc chữa cho nghiên cứu chuyên ngành là nghiên cứu liên ngành tốn kém hơn, cũng như thuốc chữa cho các dòng sông bị ô nhiễm là thêm nhiều chất tẩy rửa không gây ô nhiễm nhưng tốn kém hơn. Việc tổng hợp các kho lưu trữ thông tin, việc tích trữ thêm kiến thức, nỗ lực để áp đảo các vấn đề hiện tại bằng cách cho ra nhiều khoa học hơn cuối cùng vẫn là nỗ lực để giải quyết khủng hoảng bằng sự leo thang”

Trích trang 24 – “Công cụ cộng sinh” của Ivan Illich, Nguyễn Phương Anh dịch, Book Hunter & NXB Dân Trí, 2023

Con người là một sinh vật kỳ lạ, một sinh vật giỏi sáng tạo và sử dụng công cụ. Lịch sử phát triển của con người không phải chỉ là sự tiến hóa về bộ gen mà là sự tiến hóa của công cụ. Đương nhiên, ta nên hiểu khái niệm “công cụ” (tool) ở nghĩa rộng của nó, tức là không phải chỉ là những dụng cụ hữu hình sử dụng trong sinh hoạt và lao động, mà còn là những nền tảng tư duy và thiết chế xã hội như giáo dục, chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo… Công cụ được sinh ra từ nhu cầu giúp con người thực hiện các thao tác tiện lợi hơn, hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn hơn mà giới hạn của cá nhân không đạt đến được. Từ đó, những vũ khí, bình chứa, áo quần… cho đến sự thuần hóa động vật, thiết chế xã hội, tôn giáo… và ngay cả hệ thống khoa học, tri thức, triết học…, mới đây nhất là các phương thức công nghệ như cải tạo gen, AI… cũng được sáng tạo ra trong suốt chiều dài biến chuyển. Ivan Illich đã có định nghĩa như thế này về “Công Cụ”:

“Công cụ nằm trong bản chất của các mối quan hệ xã hội. Mỗi cá nhân liên hệ hành động của bản thân với xã hội của mình thông qua việc sử dụng các công cụ mà cá nhân đó chủ động làm chủ, hoặc các công cụ người khác dùng để tác động lên cá nhân đó. Cá nhân làm chủ công cụ của mình đến đâu thì có thể tác động lên môi trường theo ý mình đến đó; còn cá nhân bị công cụ của mình làm chủ đến đâu thì sẽ bị hình dáng công cụ tác động lên ý thức về bản thân đến đó.” (Trang 38)

Tìm hiểu thêm & đặt sách: Công cụ cộng sinh – Ivan Illich – Book Hunter Lyceum

Trích đoạn này và trích đoạn mở đầu bài viết đều nằm trong cuốn sách “Công cụ cộng sinh” (Tên tiếng Anh: Tools for Conviviality) của triết gia & nhà phê bình xã hội nổi tiếng trong thế kỷ 20 – Ivan Illich. Đây là tác phẩm căn bản  của Ivan Illich có ảnh hưởng lớn tiền đề triết thuyết để triển khai chi tiết ở các cuốn sách khác của chính ông, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và truyền bá những tư tưởng phê bình công nghệ và hệ thống xã hội hiện đại. Trong những năm gần đây, với sự phát triển liên tục của mạng xã hội và các công nghệ khác, Ivan Illich và khái niệm “Công cụ cộng sinh” của ông lại được bàn thảo. Gần đây nhất, dịch giả Nguyễn Phương Anh của tác phẩm đã thực hiện cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Roberto Cibin, một chuyên gia về tính cộng sinh của công nghệ. Roberto Cibin hiện đang là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Tương tác Madeira với chuyên môn về Dữ liệu mở & chính sách đổi mới xã hội, đồng thời tham gia dự án Grassroot Wavelengths, tập trung vào thiết kế giao diện cho quản trị cộng đồng các đài phát thanh mạng, đặc biệt là các hình thức quản trị dựa trên cộng đồng và quản lý hợp tác. Bàn về ảnh hưởng của Ivan Illich, cuộc trò chuyện của Roberto Cibin cho biết như sau:

“Mặc dù các khái niệm mà Ivan Illich đưa ra về tính cộng sinh hiện nay thường được dùng để làm khung phê bình các nền tảng mạng xã hội, nhưng có điều thú vị là các ý tưởng của ông cũng đã ảnh hưởng tới những người tiên phong về Internet và truyền thông kỹ thuật số như Stewart Brand và Lee Felsenstein. Theo Roberto và cộng sự, đó là vì trong những năm 1970, Ivan Illich thường xuyên đến thăm Berkeley, một nơi được coi là cái nôi của văn hóa mạng. Bản thân Ivan Illich không kêu gọi sự xóa bỏ các thể chế, công nghệ và sự chuyên nghiệp hóa mà ông muốn tìm tới một sự cân bằng, điều này thể hiện qua thái độ lưỡng lự của ông đối với công nghệ thông tin và truyền thông mới bắt đầu vào thời này. Ông không hoàn toàn phản đối các công nghệ này vì bản thân ông cũng đang nghĩ tới và mơ về khả năng có thể dùng máy tính để tạo ra một mạng lưới những người có cùng mối quan tâm. Hay ông có ý tưởng về những chiếc băng ghi âm có thể được truyền đi giữa nhiều người để cùng nhau chia sẻ ý tưởng chung. Mặt khác, trong bài tiểu luận “Sự yên tĩnh là của chung” Ivan Illich bày tỏ sự lo ngại rằng những công nghệ như máy tính có thể bằng cách nào đó tác động đến cách con người giao tiếp với nhau, và chúng ta có thể thấy đây đúng là điều gần đây đang diễn ra trên Internet. Vậy nên dù không phản đối công nghệ, nhưng theo Roberto và cộng sự, Ivan Illich muốn nhấn mạnh việc chúng ta không thể mở rộng qui mô mãi mãi vì luôn cần phải giữ mối liên hệ với môi trường lân cận, phải đan xen (meshing), và luôn tạo điều kiện để cộng đồng là yếu tố chính trong những gì họ thực hiện. Và Roberto cho rằng đây là giải pháp mà Ivan Illich đưa ra về cách con người nên tương tác với công cụ và công nghệ.”

>> Đọc thêmTrò chuyện với Roberto Cibin về kiến tạo mạng xã hội mang tính cộng sinh từ tư tưởng của Ivan Illich – Book Hunter

Ivan Illich – Vị linh mục mở ra tầm nhìn về giáo dục phi trường lớp, y tế phi bệnh viện, và công cụ gia tăng tính tự chủ

Ivan Dominic Illich (1926 – 2002) xuất thân từ một linh mục Công giáo La Mã và ông đã dành trọn vẹn cuộc đời tu đạo của mình để nghiên cứu thần học, bàn luận về mặt triết học xoay quanh mối quan hệ của con người với các thiết chế xã hội như giáo dục, y tế, luật pháp… Trong suốt cuộc đời mình, Ivan Illich luôn tự xem mình là “một người hành hương lầm lạc” không ngừng tìm kiếm và chất vấn những lẽ phải thông thường, để mở ra những chân trời mới về tư tưởng và tri thức.

Năm 1951, Ivan Illich  được phong chức linh mục, ông tới Mỹ để theo học sau đại học tại Đại học Princeton nhưng rồi đã chuyển hướng để trở thành linh mục quản xứ tại Nhà thờ Incarnation ở Washington Heights, vốn là một khu vực của những người nhập cư Puerto Rico mới đến. Tại Incarnation, Illich giảng đạo dưới cái tên “John Illich” (ông buộc phải đổi tên vì nhận được góp ý rằng cái tên “Ivan” có vẻ “giống Cộng sản”. Tại giáo xứ toàn những người dân nhập cư này, Illich đã trở nên nổi tiếng như một đồng minh của cộng đồng Puerto Rico đông đúc ở Washington Heights, người đã tổ chức các hoạt động văn hóa cho họ, chẳng hạn như lễ hội San Juan Fiesta, một lễ kỷ niệm Puerto Rico và vị thánh bảo trợ của nó, sau này phát triển thành cuộc diễu hành Ngày Puerto Rico vẫn tồn tại đến ngày nay. Thành công của Illich thu hút sự chú ý của Tổng giám mục New York, Hồng y Spellman, và vào năm 1956, ở tuổi 30, ông được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng Đại học Công giáo Puerto Rico, nhưng chẳng bao lâu ông đã bị bãi nhiệm vì quá lớn tiếng chỉ trích về các tuyên bố của Vatican liên quan đến kiểm soát sinh sản và sự im lặng tương đối dè dặt của họ với vấn đề bom hạt nhân.” Liên tiếp sau đó, những phản biện kịch liệt của ông với giáo hội đã khiến ông bị cấm, bị hạn chế ở nhiều tổ chức đại học và hiệp hội. Dẫu vậy, ông vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều linh mục có chức sắc, để rồi họ giúp đỡ ông chuyển đến Cuernavaca, Mexico, nơi ông thành lập Trung tâm Hình thành Văn hóa (CIF) vào năm 1961, ban đầu là một trung tâm đào tạo truyền giáo, tiền thân của Trung tâm Tư liệu Liên văn hóa (CIDOC) sau này.

Hoạt động bề ngoài của CIDOC là một trung tâm nghiên cứu cung cấp các khóa học ngôn ngữ cho các nhà truyền giáo từ Bắc Mỹ và các tình nguyện viên của chương trình Liên minh Tiến bộ do John F. Kennedy khởi xướng. Mục đích thực sự của ông là ghi lại sự tham gia của Vatican trong “phát triển hiện đại” của cái gọi là Thế giới thứ ba. Illich nhìn nhận sự thương hại tự do hay sự kiêu căng bảo thủ đã thúc đẩy làn sóng phát triển công nghiệp toàn cầu đang nổi lên như một hình thức bá quyền công nghiệp và chẳng khác nào một hành động chiến tranh diệt trừ khả năng tự chủ. Ông cố gắng dạy cho các nhà truyền giáo được Giáo hội cử đi không áp đặt các giá trị văn hóa của họ. “Trong suốt cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, CIDOC là một phần trường dạy ngôn ngữ và một phần đại học tự do cho các trí thức từ khắp châu Mỹ.”

Sau mười năm, các phân tích phê bình từ CIDOC đã đẩy tổ chức vào thế xung đột với Vatican. Ông từng bị triệu tập đến Rome để thẩm vấn bởi báo cáo của CIA, và ngay sau đó ông đã từ bỏ chức vụ linh mục. Ông cũng đóng cửa CIDOC vì e ngại rằng trung tâm sẽ bị “thể chế hóa”. Trong những năm 1970, Illich rất được ưa chuộng trong giới trí thức cánh tả ở Pháp, luận án của ông được đặc biệt thảo luận bởi André Gorz. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông giảm sút sau cuộc bầu cử năm 1981 của François Mitterrand, vì Illich bị coi là quá bi quan vào thời điểm cánh tả Pháp nắm quyền kiểm soát chính phủ. Từ đó đến khi qua đời, ông đi thỉnh giảng tại nhiều quốc gia và giảng dạy về thần học, xã hội học, triết học…

Ivan Illich tại CIDOC những năm 1970. Bức ảnh chụp lần Guillio Machetti tới thăm và phỏng vấn ông.

Trong các cuốn sách có ảnh hưởng của mình, ông lập luận rằng việc lạm dụng các lợi ích của nhiều công nghệ hiện đại và sắp xếp xã hội đang làm suy yếu các giá trị nhân văn, sự tự chủ, tự do và phẩm hạnh của con người. Những phê phán sâu sắc của ông về giáo dục đại chúng và y học đại chúng hiện đại đặc biệt sắc bén và vẫn còn giá trị tới tận ngày nay. Cuốn sách đầu tiên của ông, “Deschooling Society” (Tạm dịch: Xã hội giải trừ trường học) xuất bản năm 1971, là một sự phê phán đột phá đối với giáo dục đại chúng bắt buộc. Ông lập luận rằng cấu trúc áp bức của hệ thống trường học không thể cải cách được mà phải bị dỡ bỏ để giải phóng nhân loại khỏi những tác động gây tê liệt của sự thể chế hóa toàn bộ cuộc sống. Ivan Illich là người “dẫn đạo” cho John Holt trong quá trình thúc đẩy và xây dựng cộng đồng homeschooling tại Mỹ. Bên cạnh đó, các bàn luận về Y học đại chúng của ông cũng rất đáng chú ý. Ông cho rằng sức khỏe là khả năng đối phó với thực tế con người của cái chết, đau đớn và bệnh tật. Công nghệ có thể mang lại lợi ích cho nhiều người; tuy nhiên, y học đại chúng hiện đại đã đi quá xa, lao vào một trận chiến như thần thánh để tiêu diệt cái chết, đau đớn và bệnh tật. Trong việc này, nó biến con người thành những đối tượng tiêu thụ ngại rủi ro, biến việc chữa bệnh thành khoa học đơn thuần, biến các thầy thuốc thành những kỹ thuật viên chỉ biết sử dụng thuốc và phẫu thuật. Có thể nói, Ivan Illich là tác giả học thuật lên tiếng mạnh mẽ nhất thúc đẩy xu hướng y học bản địa trong thế kỷ 20. Thật tiếc, ông đã qua đời khi thế kỷ 21 vừa mới bắt đầu. Nếu ông chứng kiến những gì nền y tế đại chúng đã làm trong đại dịch COVID-19, có lẽ ông sẽ cay đắng nhận thấy rằng mọi tiên tri của mình về sự bất lực của y tế đại chúng và nhân loại lệ thuộc đều đã đúng.

> Đọc thêm:

Ivan Illich: xóa bỏ trường học, cộng sinh và học tập suốt đời – Book Hunter

Hệ tư tưởng cấp tiến về giáo dục tại gia: hành trình của John Holt từ phê phán trường học tới biện hộ cho giáo dục tại gia – Book Hunter

Khủng khoảng năng lượng – Ivan Illich – Book Hunter

Mối quan hệ giữa con người – công cụ – tập thể

Các truyền thuyết dân gian ở mọi nền văn minh đều kể về những kẻ tu tà thuật với quyền năng vô hạn, nhưng rồi, họ sẽ bị chính pháp thuật mà mình sử dụng kiểm soát, đánh bại hoặc nuốt trọn linh hồn. Đó là một ẩn dụ dân gian cho đam mê công cụ của loài người. Không giống như động vật, con người không có bộ răng hay móng vuốt sắc nhọn, trần truồng giữa thiên nhiên chẳng có lông che phủ, không thể đổi màu, không có cánh, không có đôi tai nghe được siêu âm hay đôi mắt nhìn trong bóng tối, không thể khuân vác nặng gấp trăm lần trọng lượng cơ thể hay nhanh như cắt…vâng, con người hoàn toàn yếu đuối. Sự yếu đuối của con người khiến họ nỗ lực để thoát khỏi định mệnh áp đặt – tức Tự Nhiên, vì thế họ sáng tạo ra rất nhiều công cụ và cùng nhau sử dụng công cụ một cách có tổ chức. Nhưng rồi, sau nhiều ngàn năm, ta buộc phải tự đặt lại câu hỏi: “Có thực rằng ta đang sử dụng công cụ?”

Ivan Illich mở đầu những chất vấn đề sự lệ thuộc của con người vào công cụ bằng câu chuyện về y tế. Thế kỷ 20 cùng với sự tiến bộ về khoa học, lần đầu tiên y tế được tổ chức một cách bài bản với quy trình đào tạo, đo đạc hiệu quả khám chữa bệnh… và điều này cơ hội mang lại 50% cơ hội sống cho con người. Sự tiến bộ này giúp cho rất nhiều căn bệnh chết người thường bị huyền thoại hóa như “lời nguyền của Chúa” hay “Qủy ám”… dần trở nên bị vô hiệu hóa bằng vệ sinh dịch tễ. Đó hẳn phải là một tiến bộ vượt trội để hướng tới một xã hội khỏe mạnh hơn về thể chất, tuy nhiên, Ivan Illich đã chỉ ra một vấn đề, đó là: “Nghịch lý thay, công cụ càng trở nên đơn giản thì ngành y càng đòi độc quyền sử dụng chúng, bác sĩ càng được đào tạo lâu hơn trước khi được phép sử dụng loại công cụ đơn giản nhất một cách hợp pháp, và toàn bộ dân chúng càng cảm thấy phụ thuộc vào bác sĩ. Việc giữ vệ sinh từ một đức tính tốt đã biến thành thứ lễ nghi được chuyên nghiệp hóa và một ngành khoa học được tôn thờ.” (Trang 16, “Công cụ cộng sinh”) Đương nhiên, không thể phủ nhận, sự tiến bộ y khoa đã giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, điều này vô tình giúp bộ máy công nghiệp đạt được hiệu quả cao chưa từng có khi người lao động đi làm thường xuyên hơn, và con người càng chẳng chút ngần ngại gì chấp nhận các điều kiện độc hại hơn như ô nhiễm môi trường, khí hậu khắc nghiệt, sử dụng thực phẩm có hại cho sức khỏe, sinh hoạt không điều độ… – những hệ quả của chính nền công nghiệp. Tóm lại, với hệ thống y khoa có thể chữa được bách bệnh với nhiều kỳ tích đã góp phần khiến con người càng thêm vui vẻ bước vào lòng xoáy công nghiệp. Tất yếu, như đến nay chúng ta đã biết, quá trình lệ thuộc vào cơ chế bệnh viện càng khiến nảy sinh thêm các bệnh mới chưa từng có, khiến con người càng lệ thuộc vào bệnh viện. Hơn thế nữa, các kiến thức chăm sóc y tế căn bản có thể giúp phòng hoặc chữa các bệnh đơn giản không còn là kiến thức dân gian mà ai cũng có thể biết để bảo vệ mình và người thân nữa. Phòng bệnh trở thành nhiệm vụ của các chuyên gia y tế cộng đồng và chữa bệnh là đặc quyền của bác sĩ. Đây là một hiện thực tồi tệ đang diễn ra mà biểu hiện rõ nhất chính là COVID-19. Chúng ta hãy nhớ lại COVID-19, một dịch bệnh không đến từ tự nhiên mà đến từ phòng thí nghiệm, lây lan rộng nhất ở chính các bệnh viện, và chúng ta buộc phải tiêm những liều vaccine để lại hậu quả (tác hại đã bị o bế thông tin trong quá trình tuyên truyền thúc đẩy tiêm). 

Nhưng y học không phải là lĩnh vực duy nhất. Ivan Illich đề cập tới nhiều lĩnh vực khác cũng ở trong tình trạng tương tự khi được đại chúng hóa và tối ưu để “nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn, rẻ hơn”: cũng như hệ thống y tế hiện đại được tạo ra để giảm bệnh tật nhưng lại nảy sinh nhiều bệnh mới,  người ta thiết kế ra bom hạt nhân để kết thúc chiến tranh nhưng lại gia tăng chiến tranh và xung đột, người ta thiết kế ra ô tô để chi chuyển nhanh hơn nhưng rồi lại mất nhiều thời gian hơn để di chuyển, người ta áp đặt giáo dục bắt buộc để tạo cơ hội cho nhiều trẻ đến trường hơn nhưng lại tước mất khả năng tự học và niềm hứng thú học tập ở rất nhiều đứa trẻ. Những luận bàn của Ivan Illich khiến tôi nghĩ tới khám phá của Jevon vào cuối thế kỷ 19: Khi động cơ hơi nước được phát minh và ngày càng được cải tiến hiệu quả hơn, chúng đã giúp tiêu thụ ít than hơn cho mỗi đơn vị công việc được thực hiện. Tuy nhiên, sự cải thiện này làm giảm chi phí sử dụng động cơ hơi nước, dẫn đến việc sử dụng chúng nhiều hơn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, và càng khiến tổng mức tiêu thụ than tăng lên. Nghịch lý Jevons hay tư tưởng của Ivan Illich đều cho thấy rằng không công cụ tối thượng nào mà không để lại hậu quả khi chúng ta lệ thuộc vào nó tới mức lạm dụng. Thật chẳng khác nào triệu hồi một con quỷ to hơn để tiêu diệt con quỷ nhỏ hơn và rồi lệ thuộc vào nó và chấp nhận để nó hành hạ. 

Sự lệ thuộc vào công cụ, xét về bản chất, là sự khước từ khả năng tự chủ của cá nhân và ủy quyền hoàn toàn vào một thiết chế nào đó, mà bản thân thiết chế cũng là dạng thức khác của công cụ. Một khi ủy quyền, ta sẽ lược bỏ những yếu tố cá nhân để tương thích với bộ công cụ được số đông chấp thuận (có thể do ảnh hưởng của giới chóp bu quyền lực). Ivan Illich viết: “Nguồn gốc chính của sự bất công trong thời đại chúng ta là sự chấp thuận về mặt chính trị đối với các công cụ mà về bản chất đã hạn chế quyền tự do sử dụng cho chỉ một số ít người. Các nghi lễ hào nhoáng cho mỗi người một phiếu bầu để chọn giữa các phe phái chỉ là để che đậy sự thật rằng chủ nghĩa đế quốc của công cụ công nghiệp mang tính độc đoán và đang ngày càng phát triển. Các số liệu thống kê cho thấy sản lượng tăng và mức tiêu thụ bình quân đầu người cao đối với những lượng năng lượng được xác định một cách chuyên nghiệp chỉ che đậy những mức chi phí vô hình cực kỳ lớn. Người ta được giáo dục tốt hơn, có sức khỏe tốt hơn, giao thông vận tải tốt hơn, giải trí tốt hơn và thậm chí còn được nuôi dưỡng thường là tốt hơn chỉ khi mục tiêu của các chuyên gia được coi là thước đo cho việc “tốt hơn” nghĩa là gì.” (Trang 63)

Đây là tình trạng áp đặt của công cụ, tức các công cụ được thiết kế để phù hợp với đại chúng chiếm ưu thế hoàn toàn, loại trừ mọi khác biệt, đến mức con người buộc phải gọt rũa chính mình để phù hợp với tiêu chuẩn của công cụ. Ta có thể lấy lấy những ví dụ từ chính bối cảnh đương đại hiện nay của chúng ta. Như chúng ta đã biết, sự xuất hiện của website và cơ chế SEO của Google thực sự đã ảnh hưởng đến chất lượng nội dung của các cây viết. Để hiển thị tốt trên Google Search, các bài viết trong khoảng 1000 – 2000 từ thường được ưu tiên, với một loạt các quy tắc về từ khóa và trình bày thông tin. Cơ chế này ảnh hưởng đến quy trình viết bài và đăng bài của các báo và tạp chí khi họ phát triển kênh online. Lượng view cho mỗi bài là tiêu chí đánh giá độ hiệu quả của bài viết thay vì chất lượng tri thức hay khả năng sáng tạo chứa đựng trong bài. Điều này khiến cho các nhà báo phải gọt rũa ý tưởng của mình và cách sử dụng ngôn từ của mình để phù hợp với định dạng tối ưu nhất để có cơ hội tiếp cận nhiều độc giả nhất có thể đồng thời cũng pha nhát diễn đạt của mình để hợp với đại chúng. Độc giả, những người đặt niềm tin vào báo chí, tin tưởng rằng các bài viết trên báo là mẫu mực của hành văn, là tiêu chuẩn cho cái hay, và cái hay đó trở thành khuôn mẫu để soi chiếu và học theo. Hoặc một ví dụ khác mà tôi được nghe một người bạn nghiên cứu âm nhạc kể, đó là giới âm nhạc ở Việt Nam hiện nay đang có xu hướng chuộc phối khí (công cụ) hơn so với giọng hát thực lực của ca sĩ. Từ những năm 2000, công nghệ phối khí chuyên nghiệp dần được du nhập vào Việt Nam, có thể tinh chỉnh mọi giọng hát ở phòng thu âm ngay cả khi giọng hát ấy dở tệ. Các ca khúc được phối khí hay nhanh chóng thành công giúp cho nhạc sĩ phối khí và bộ phận chỉnh âm được trọng dụng, nhưng dần dần, dẫn đến một hiện trạng đó là… ngày càng có nhiều người có giọng hát tệ tham gia nền âm nhạc tới mức họ tạo ra chuẩn về “hay” cho âm nhạc đương đại. Tất yếu, người có giọng hát hay tự nhiên sẽ phải nắn chỉnh lối hát của mình để phù hợp với các quy tắc phối khí điện tử. Hậu quả là một nền âm nhạc với năng lực thẩm mỹ kém, đì đẹt, chẳng đảm nhiệm chức năng điều hòa tinh thần của con người hay nâng tinh thần con người thoát khỏi sự trì độn của đời sống nhạt nhẽo. Đương nhiên, nền âm nhạc này cũng chẳng giúp thu về khoản doanh thu lớn bởi chẳng thể sánh được với công nghệ của thế giới. Tương tự như vậy, các sàn thương mại điện tử giúp chúng ta tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nhưng nó cũng cướp đi cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng của mỗi người bán.

Chứng kiến và tiên liệu, Ivan Illich đã liệt kê ra 6 mối nguy mà sự lệ thuộc vào công cụ có thể gây ra, đó là: “(1)Phát triển quá mức đe dọa quyền được ở trong môi trường vật lý căn bản mà con người đã tiến hóa để thích nghi. (2) Công nghiệp hóa đe dọa quyền có công việc cộng sinh. (3) Lập trình con người quá mức để phù hợp với môi trường làm thui chột trí tưởng tượng sáng tạo của họ. (4) Mức năng suất mới đe dọa quyền tham gia chính trị. (5) Sự lỗi thời bắt buộc đe dọa quyền được nương theo truyền thống: việc trông cậy vào các tiền lệ trong ngôn ngữ, huyền thoại, đạo đức, và óc suy xét. Tôi sẽ mô tả 5 mối đe dọa này như là các phạm trù khác biệt nhưng có liên quan lẫn nhau, đều có điểm chung là đảo lộn phương thức thành mục tiêu cuối cùng, mang đến sự hủy diệt. (6) Sự thất chí ở khắp nơi, bắt nguồn từ sự hài lòng được vẽ sẵn nhưng gượng ép, tạo thành mối đe dọa thứ 6, có phần tinh vi hơn.” (Trang 70)

Xem video ghi lại cuộc trò chuyện về cuốn sách “Công cụ cộng sinh” của Ivan Illich

Công cụ cộng sinh là công cụ gia tăng tính tự chủ của con người

Ivan Illich ngay ở lời giới thiệu của cuốn sách “Công cụ cộng sinh” đã khẳng định: “Chúng ta cần thừa nhận rằng phải có giới hạn thì máy móc mới có thể thay thế nô lệ; còn vượt qua các giới hạn này thì chúng sẽ dẫn đến một chế độ nô dịch khác.” Sự giới hạn này chính là ranh giới giữa việc con người chấp nhận giới hạn của công cụ đồng thời sử dụng nó một cách sáng tạo và phục vụ quá trình sáng tạo của chính mình. Giới hạn này, tuy vậy, rất mong manh. Về căn bản, công cụ càng mở rộng thì càng bị lệ thuộc vào quyền lực chính trị chi phối nó, các xã hội độc đoán tất yếu sẽ áp đặt người dân tuân theo chuẩn của công cụ bất chấp mọi hạn chế. Illich thở dài ngao ngán: “Trong 100 năm, chúng ta đã cố gắng khiến cho máy móc làm việc cho con người và đào tạo con người để duy trì chúng. Giờ thì hóa ra là máy móc không “làm việc” còn con người thì không thể được đào tạo để phục sự máy móc cả đời được. Giả thuyết mà thí nghiệm này dựa trên, rằng máy móc có thể thay thế cho nô lệ, đến nay cần phải bị loại bỏ. Bởi bằng chứng đã cho thấy rằng khi được sử dụng cho mục đích này thì máy móc sẽ biến con người thành nô lệ. Cả giai cấp vô sản lẫn giai cấp nhàn rỗi đều không thể thoát khỏi sự thống trị của các công cụ công nghiệp không ngừng mở rộng.” (trang 25)

Con người, về căn bản là sinh vật sử dụng công cụ. Họ cần đủ loại công cụ để sinh tồn và khắc phục những nhược điểm về thể trạng tự nhiên của mình nhằm đạt đến mục đích tốt đẹp hơn. Công cụ đôi khi cũng là thú vui nữa, bởi trong khi sử dụng công cụ ấy, người ta tìm thấy niềm vui của sự sáng tạo và tương giao với vạn vật tốt hơn. Trong mối quan hệ này, con người và công cụ đã “cộng sinh” với nhau. Cộng sinh, có nghĩa là “sự giao thoa tự chủ và sáng tạo giữa các cá nhân với nhau và sự tương giao giữa cá nhân với môi trường của mình; và điều này trái ngược với phản ứng có điều kiện của cá thể đối với các yêu cầu mà những người khác và môi trường nhân tạo đặt ra cho họ.” (Trang 27)

Nhưng một xã hội độc đoán đam mê công nghiệp hóa không bao giờ có thể là môi trường phát triển thuận lợi cho các công cụ cộng sinh, mà cần một xã hội cộng sinh nữa. Ông đưa ra tầm nhìn về một xã hội cộng sinh như sau: “Để thay thế cho thảm họa kỹ trị, tôi đề xuất tầm nhìn về một xã hội cộng sinh. Một xã hội cộng sinh sẽ là kết quả của các sắp đặt xã hội để đảm bảo cho mỗi thành viên nhiều quyền truy cập phong phú và miễn phí nhất tới các công cụ của cộng đồng và hạn chế quyền tự do này chỉ khi nó xâm phạm tới quyền tự do tương đương của một thành viên khác.” (trang 28)… “Một xã hội cộng sinh nên được thiết kế để cho phép tất cả các thành viên trong đó được hành động tự chủ nhất bằng các công cụ ít bị người khác kiểm soát nhất. Họ cần được cảm thấy niềm vui, thay vì khoái lạc đơn thuần, tới mức các hoạt động của họ đều trở nên sáng tạo; còn sự phát triển của công cụ vượt ra ngoài một mức độ nhất định thì sẽ làm tăng sự hệ thống hóa, phụ thuộc, bóc lột và bất lực.” (Trang 37) Một xã hội cộng sinh đồng thời cũng chấp nhận tính đa nguyên của công cụ chứ không phải độc quyền công cụ như một thiết chế cứng nhắc, bởi mỗi công cụ sẽ phù hợp với mỗi cá nhân khác nhau. Ví dụ như xe điện sẽ không thể và không nên độc chiếm thị trường trong một xã hội cộng sinh, bởi một khi độc chiếm, tự nó sẽ đẩy mình vào nghịch lý Jevons mà chúng ta đã đề cập ở trên. Hay giáo dục phổ thông bắt buộc là một thiết chế phản cộng sinh chỉ nhằm phục vụ cho bộ máy công nghiệp mà ở đó con người bị hạn chế theo chương trình áp đặt tới mức quên mất thiên hướng cá nhân của mình. 

Khi còn sống, Ivan Illich rất quan tâm đến công nghệ thông tin, ông luôn băn khoăn về loại công cụ này tới mức rất khó để kết luận được rằng tương lai của chúng sẽ là cộng sinh hay thao túng. Nhưng giờ đây, khi soi chiếu với đời sống đương đại, ta có thể thấy nhiều cơ hội mới đang được mở ra cho những băn khoăn của Ivan Illich. Sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet đã làm giảm quyền lực của giáo dục bắt buộc, gia tăng sự lan tỏa của kiến thức y tế căn bản và y học bản địa. Sự cạnh tranh toàn cầu giúp công cụ trở nên có tính đa nguyên hơn, đặc biệt trong các công cụ công nghệ thông tin. Rất nhiều công cụ cộng sinh dần được thiết kế và được ưa chuộng. Cùng lúc, xã hội vừa tồn tại các sản phẩm công nghiệp lại vừa ưa chuộng các sản phẩm thủ công, các nền tảng công nghệ không còn là sự áp đặt tiêu chuẩn mà là sự tìm kiếm cái khác biệt và kêu gọi đóng góp của cái khác biệt… Thế giới thực sự đã chuyển biến theo hướng cộng sinh hơn ở thời đại hậu công nghiệp mà chúng ta đang sống, nhưng vẫn còn rất nhiều tàn dư của các thiết chế quan liêu cứng nhắc như một đối trọng còn sót lại vừa cần thiết để nảy sinh nhiều ý tưởng cộng sinh vừa kìm hãm tính cộng sinh. Hạn chế còn lại nằm ở chính con người, rằng họ có thực sự yêu thích sự tự chủ và ý thức được các phẩm giá của mình để sáng tạo, lựa chọn và sử dụng công cụ hay không. 

Hà Thủy Nguyên

Sự vô lý của giải Nobel Khoa học

Giải thưởng này làm biến dạng bản chất của ngành khoa học, sửa đổi lịch sử, và coi nhẹ nhiều nhân vật đóng góp quan trọng trong ngành.------------------- (bài viết ngày 3/10/2017 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay)------------- Sáng nay, các nhà vật lý Rainer Weiss, Kip Thorne, và Barry Barish đã được nhận giải Nobel Vật lý cho các phát hiện về sóng trọng lực - các biến dạng trong cấu trúc không gian và thời gian. Bộ ba này

Thời tàn của Tiểu luận Đại học hay cách AI sẽ thay đổi ngành nhân văn

Giả sử bạn là giáo sư ngành sư phạm, và bạn giao một bài luận về thủ thuật học tập. Một sinh viên nộp bài luận có đoạn mở đầu như sau: Cấu trúc của “các thủ thuật học tập” có vấn đề vì nó không giải thích được các quá trình mà qua đó các thủ thuật học tập được hình thành. Một số sinh viên có thể phát triển một thủ thuật học tập cụ thể bởi vì họ đã có kinh nghiệm

Trò chuyện với Roberto Cibin về kiến tạo mạng xã hội mang tính cộng sinh từ tư tưởng của Ivan Illich

Vào một ngày cuối hè tại châu Âu, tôi đã có dịp phỏng vấn Roberto Cibin, một nhà khoa học xã hội trường Tâm lý học ứng dụng thuộc Đại học University College Cork, Ireland. Chủ đề mà Roberto quan tâm là sự tham gia của cộng đồng, công dân và người dùng trong quá trình đưa ra các quyết định nói chung. Anh đã thực hiện nghiên cứu về các đề tài như khoa học cộng đồng, dữ liệu mở và thiết kế có

MỘT VẬT LIỆU CÓ NGUỒN GỐC TỪ THUỐC LÁ CÓ THỂ CHẮC KHỎE NHƯ GỖ HOẶC NHỰA

Các tế bào từ thực vật đã được biến thành một vật liệu tổng hợp sinh học có thể phân hủy tự nhiên sau khi hết thời gian có ích.   Sự phụ thuộc của nhân loại vào nhựa là một vấn đề quan trọng. Vật liệu này có nguồn gốc từ dầu mỏ và thường kết thúc vòng đời của nó ở nơi tập kết và hoặc trong lò đốt rác. Dù bằng cách nào, đây cũng là một điều không bền vững. Vậy

10 cuốn sách phù hợp nhất dành cho các Doanh nhân khởi nghiệp và Nhà phát minh kiến tạo

Các ý chính Khám phá 50 phát minh kiến tạo nên đời sống hiện đại. Nhiều lời khuyên đáng giá trong tài liệu về phát triển mô hình khởi nghiệp.  Tìm hiểu về tính liên kết giữa đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều kinh qua những thăng trầm. Một phát minh tình cờ làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp, có khi là toàn bộ thế giới. Trải qua nhiều thử thách và gian nan, những người tiên phong