Home Hiểu Trò chuyện với Roberto Cibin về kiến tạo mạng xã hội mang tính cộng sinh từ tư tưởng của Ivan Illich

Trò chuyện với Roberto Cibin về kiến tạo mạng xã hội mang tính cộng sinh từ tư tưởng của Ivan Illich

Vào một ngày cuối hè tại châu Âu, tôi đã có dịp phỏng vấn Roberto Cibin, một nhà khoa học xã hội trường Tâm lý học ứng dụng thuộc Đại học University College Cork, Ireland. Chủ đề mà Roberto quan tâm là sự tham gia của cộng đồng, công dân và người dùng trong quá trình đưa ra các quyết định nói chung. Anh đã thực hiện nghiên cứu về các đề tài như khoa học cộng đồng, dữ liệu mở và thiết kế có sự tham gia. Trong buổi nói chuyện, chúng tôi đã trao đổi về tính xã hội của công nghệ cũng như vấn đề của các nền tảng kỹ thuật số hiện nay, hướng giải quyết dựa vào các quan điểm của Ivan Illich, và cụ thể là làm thế nào để thiết kế một mạng xã hội mang tính cộng sinh hơn.

Roberto cho biết anh vốn luôn thích tìm hiểu về công nghệ, nhưng anh cũng quan tâm tới các ngành khoa học xã hội. Và tại đại học, Roberto thấy rằng có thể kết hợp nghiên cứu cả hai chủ đề này sau khi anh tham dự một khóa học trong ngành Nghiên cứu khoa học và công nghệ (STS – Science and Technology Studies). Đây là một lĩnh vực liên ngành, nghiên cứu về mối tương tác giữa xã hội và khoa học công nghệ. Một trong những vấn đề chính mà các học giả STS chỉ ra là việc công nghệ không mang tính trung lập, và rằng thiết kế công nghệ phản ánh các giá trị xã hội. Roberto nhận xét: “Khó có thể cho rằng công nghệ mang tính trung lập vì như thế đồng nghĩa với việc nói rằng công nghệ hoàn toàn độc lập với mọi thứ khác, mà rõ ràng là không phải vậy”. Ngành STS cho thấy các ý tưởng phía sau việc phát triển công nghệ là kết quả từ quá trình thương thuyết giữa các nhóm xã hội – hướng tiếp cận có tên là Kiến tạo xã hội của công nghệ (SCOT – Social construct of technology). Hoặc đó có thể là sự tạo thành các mạng lưới bao gồm các yếu tố con người và không phải con người (ANT – Actor network theory). Đây là ý tưởng cho rằng để có thể tương tác trong thế giới, con người cũng đang luôn tương tác với các vật thể, nguyên tắc, luật lệ, dịch vụ… Dưới góc nhìn nghiên cứu thì cả con người lẫn các yếu tố không phải con người đều như nhau, cả hai đều là chủ thể hành động, đều tạo ra thứ gì đó trong thế giới, và đều hợp tác để thể hiện ý định nào đó trong công nghệ. Triết gia, nhà nhân học và cũng là học giả STS nổi tiếng Bruno Latour đã đưa ra ví dụ về chiếc móc gắn chìa khóa của khách sạn (1). Ban đầu, để khách không làm mất chìa khóa phòng, chủ khách sạn sử dụng một yếu tố không phải con người là giọng nói của mình, và nói với khách: “Xin hãy để chìa khóa lại ở bàn tiếp tân”. Nhưng không mấy khách để chìa khóa lại, thế nên chủ khách sạn thêm vào một yếu tố không phải con người khác là một biển hiệu ghi dòng chữ: “Xin hãy để chìa khóa lại ở bàn tiếp tân”. Nhưng điều này cũng không giúp ích được mấy. Cuối cùng, chủ khách sạn gắn một vật nặng vào chìa khóa và khiến khách muốn bỏ nó lại cho bàn tiếp tân. Khách không biết đó là ý định của chủ khách sạn, nhưng vẫn thực hiện hành động mà chủ khách sạn muốn. Từ góc nhìn này thì có thể thấy hành động hay giá trị đã được ghi sẵn trong công nghệ.

Roberto chỉ ra rằng điều này có liên quan đến công nghệ số ngày nay, anh cho biết nhiều công nghệ hiện nay có chứa thứ gọi là kịch bản, một chương trình hành động mà ai đó muốn người dùng thực hiện. Nhà lý luận chính trị Langdon Winner cũng cho rằng các đồ tạo tác đều mang tính chính trị (2). Các ví dụ gồm có việc các phần mềm dịch thuật dựa trên trí tuệ nhân tạo thường sử dụng giống đực khi gặp câu nhắc tới các nghề danh giá, còn với các nghề bị xem thường thì thường được dịch sang giống cái, bởi vì chúng dựa trên các định kiến có sẵn trong xã hội. Hay có các công nghệ được thiết kế mà không tính đến các nhóm người cụ thể, ví dụ như phụ nữ, người da màu và người chuyển giới. Ví dụ như một số phần mềm nhận diện giọng nói gặp khó khăn trong việc hiểu giọng nữ giới và các từ ngữ liên quan đến mất cân bằng giới, hệ thống nhận diện khuôn mặt gặp khó khăn với những khuôn mặt không phải của người da trắng, hay máy quét ảnh tại sân bay dựa trên hệ thống nhị nguyên về giới và không dùng được cho người chuyển giới. Tất cả các công nghệ này đều chứa đựng các nguyên tắc và giá trị mà trong một số trường hợp là do người thiết kế hầu hết đều là đàn ông da trắng, hoặc đối tượng của họ chủ yếu là người da trắng. Nhưng trong các trường hợp khác thì còn là vì các công nghệ này được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu và thông tin thu thập từ mạng Internet, và vì thế, chúng tái tạo lại các định kiến và lệch lạc có sẵn ở đó. Ngoài ra, mọi thứ đều không phải là trắng hay đen, vì thiết kế và quá trình phát triển công nghệ không phải là một quá trình tuyến tính. Roberto nhận định: “Không có thiên tài nào tạo ra công nghệ và đưa nó từ trên xuống cho xã hội dùng, mà là một quá trình bề bộn và lặp đi lặp lại”. Do đó, mặc dù có vai trò của các nhà thiết kế chuyên nghiệp, nhưng việc các công nghệ này được phát triển như thế nào còn phụ thuộc vào lúc đó có các nguyên liệu nào cũng như có các luật lệ và quy định hiện hành nào. Ngoài ra, còn có vai trò của người dùng, vì công chúng chiếm hữu công nghệ theo những cách nhất định và sử dụng nó không như được tính từ đầu mà thay đổi hoàn toàn chức năng của công nghệ đó.

Theo Roberto, công chúng cần hiểu rõ điều này về công nghệ vì nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiếp cận các công nghệ này. Vụ bê bối Cambridge Analytica cho thấy Facebook đã sử dụng dữ liệu của chúng ta theo cách khác với những gì chúng ta tưởng. Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu nói đến chủ nghĩa tư bản dựa trên nền tảng kỹ thuật số (platform capitalism). Đây là quá trình chuyển đổi thông tin cá nhân về sự tương tác giữa con người thành tài nguyên để tạo ra lợi nhuận và giá trị cho các công ty lớn. Do đó, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết, còn cần phải thúc đẩy để có các công nghệ mang tính bao quát đối với các công nghệ không chỉ dành riêng cho những nhóm đặc biệt, và đòi hỏi tính minh bạch nhiều hơn, cũng như thay đổi cách thiết kế các công nghệ này. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng như các nước khác, nhiều người cho rằng nhờ các công ty công nghệ lớn mà chúng ta có được các công cụ giúp cho cuộc sống thuận tiện và cải thiện hơn. Bản thân Roberto cũng là người sử dụng các nền tảng lớn, nhưng anh vẫn cho rằng cần phải biết điều gì diễn ra khi ta sử dụng chúng, các thông tin mà chúng ta đưa lên các nền tảng này không chỉ được dùng để gửi tin nhắn cho bạn bè mà còn có thể được dùng để lập hồ sơ dữ liệu về ta và bán thông tin cho công ty nào đó để chạy quảng cáo hoặc thực hiện các chiến dịch chính trị. Và các nền tảng kỹ thuật số có thể đang làm cho thế giới tốt đẹp hơn thật, nhưng là chỉ đối với một số người, còn với những người khác thì không vì có rất nhiều nền tảng dựa trên sự bóc lột sức lao động, sử dụng công sức của những người được trả lương rất ít, hoặc các nền tảng có vấn đề về phân biệt đối với các nhóm thiểu số như đã nói ở trên.

Tuy vậy, lựa chọn không sử dụng các nền tảng trên không phải là một việc dễ dàng, và việc rút lui khỏi mạng xã hội giờ đây đã trở thành một đặc quyền mà không phải ai cũng có được. Đó là vì các nền tảng này tạo ra thứ mà các nhà học thuật gọi là sự độc quyền triệt để (radical monopoly), tức là việc mở rộng qui mô đã biến thành sự độc quyền và người dùng khó có thể tìm thấy sự lựa chọn khác. Ví dụ như nếu muốn giữ liên lạc với bạn bè và người thân, ta sẽ phải dùng các ứng dụng như Messenger hay Whatsapp chứ khó có thể dùng các ứng dụng ít được biết đến hơn mặc dù có thể chúng an toàn hơn về mặt quản lý dữ liệu cá nhân. Roberto vẫn nhớ rằng vào thời đại học, giảng viên của anh nói rằng các máy tính của trường đã được cài Windows vì việc mua phần mềm và sử dụng hỗ trợ từ Windows rất tiện và rẻ cho trường. Bằng cách đó, Windows đảm bảo được rằng tất cả sinh viên sẽ bắt đầu sử dụng phần mềm này và quen với việc dùng nó về sau. Do vậy, một mặt, Roberto đề cao việc giáo dục mọi người về tầm quan trọng của dữ liệu và thông tin, về việc các nền tảng là một loại hộp đen mà chúng ta không biết có gì diễn ra bên trong, để mọi người đưa ra lựa chọn đúng đắn. Mặt khác, anh cũng đồng ý rằng đến một mức nào đó, cần đưa ra các quy định để đối phó với các vấn đề nghiêm trọng này.

Liên quan đến khái niệm độc quyền triệt để, Roberto nhắc tới tính phản năng suất (counterproductivity), anh cho rằng đây là một trong những khái niệm chính mà Ivan Illich đề cập tới trong cuốn “Công cụ cộng sinh”. Sự phản năng suất diễn ra khi việc thể chế hóa các vật thể hay dịch vụ do con người tạo ra trở nên lớn đến mức tạo ra vấn đề thay vì lợi ích cho các cá nhân. Mọi thứ trở nên ngày càng chuyên sâu hơn, quan liêu hơn và phụ thuộc vào các tiêu chuẩn nhiều hơn. Và như thế, con người ngày càng bị các dịch vụ cụ thể điều khiển, có thể là giáo dục, y tế hay giao thông. Ivan Illich cho rằng việc công nghiệp hóa công cụ và công nghệ, kết nối công cụ và công nghệ với thị trường khiến cho sự sáng tạo của con người rời xa thế giới thực vì họ không thể tự tạo ra công cụ cho mình mà phải phụ thuộc vào các công cụ công nghiệp, họ kết nối với các công cụ này và quên mất cách thực sự tương tác với thế giới thật. Ivan Illich đưa ra ví dụ về ô tô, vì một khi ô tô được thiết kế ra, các cơ sở hạ tầng được tạo ra khiến cho việc không dùng ô tô trở nên khó khăn: đường phố được làm chỉ dành cho ô tô chứ không phải cho người đi bộ, các qui tắc cũng được thay đổi khiến người ta khó có thể tìm được lựa chọn khác. Đây là sự độc quyền triệt, nghĩa là không chỉ là sự độc quyền về một sản phẩm mà về mọi thứ xung quanh nó. Roberto chỉ ra: “Đây còn là sự độc quyền đối với cách làm thỏa mãn nhu cầu của con người, và đó không chỉ còn là vấn đề kinh tế mà còn tạo ra một dạng nghiện ngập của con người đối với một số loại công cụ”.

Đối lập với công cụ công nghiệp, Ivan Illich đưa ra khái niệm công cụ cộng sinh. Theo Roberto và cộng sự là Tiziano Bonini và Maurizio Teli, có thể phân tích tính cộng sinh (conviviality) theo 3 phương diện. Thứ nhất, một công cụ mang tính cộng sinh khi nó hỗ trợ tính sáng tạo của các cá nhân để họ có thể thể hiện trí tưởng tượng, tính sáng tạo, nhu cầu và mong ước của mình qua cách thiết kế, điều chỉnh và sử dụng công cụ đó. Thứ hai, liên quan đến vấn đề quyền lực, công cụ cộng sinh không tạo ra sự khác nhau về quyền lực mà có thể được chia sẻ, dùng chung. Vì khi đó, công cụ có thể được mọi người tiếp cận dễ dàng chứ không chỉ nằm dưới quyền kiểm soát của các nhà chuyên môn. Hai phương diện này là về phạm vi cá nhân, còn phương diện thứ ba nằm ở mức độ tương tác cộng đồng, công cụ cộng sinh giúp nuôi dưỡng các mối quan hệ cộng đồng. Qua công cụ đó, con người có thể tạo ra tài sản là các mối quan hệ trong cộng đồng, qua giao tiếp và sống dựa vào nhau. Ví dụ mà Ivan Illich đưa ra về công cụ cộng sinh là chiếc điện thoại, vì theo ông, ai cũng có thể dùng nó, không quyền lực trung tâm nào có thể điều khiển hay độc chiếm cuộc hội thoại, và có thể tạo lập cộng đồng nhờ điện thoại. Ngoài ra, Roberto còn cho biết anh đã làm trong một dự án có tên là Grassroot Radio (Truyền thanh Cơ sở). Đây là dự án tạo ra một nền tảng giúp các cộng đồng nhỏ tại những khu vực hẻo lánh có thể tự lập nên trạm truyền thanh cho mình. Theo Roberto, đây có thể được coi là một công cụ cộng sinh vì nó giúp người dân tự thể hiện bản thân qua trạm truyền thanh cộng đồng, nó có thể được mọi người tiếp cận và được thiết kế cùng với những người dân trong cộng đồng, và có thể tạo nên các mối quan hệ trong các cộng đồng đó.

Mặc dù các khái niệm mà Ivan Illich đưa ra về tính cộng sinh hiện nay thường được dùng để làm khung phê bình các nền tảng mạng xã hội, nhưng có điều thú vị là các ý tưởng của ông cũng đã ảnh hưởng tới những người tiên phong về Internet và truyền thông kỹ thuật số như Stewart Brand và Lee Felsenstein. Theo Roberto và cộng sự, đó là vì trong những năm 1970, Ivan Illich thường xuyên đến thăm Berkeley, một nơi được coi là cái nôi của văn hóa mạng. Bản thân Ivan Illich không kêu gọi sự xóa bỏ các thể chế, công nghệ và sự chuyên nghiệp hóa mà ông muốn tìm tới một sự cân bằng, điều này thể hiện qua thái độ lưỡng lự của ông đối với công nghệ thông tin và truyền thông mới bắt đầu vào thời này. Ông không hoàn toàn phản đối các công nghệ này vì bản thân ông cũng đang nghĩ tới và mơ về khả năng có thể dùng máy tính để tạo ra một mạng lưới những người có cùng mối quan tâm. Hay ông có ý tưởng về những chiếc băng ghi âm có thể được truyền đi giữa nhiều người để cùng nhau chia sẻ ý tưởng chung. Mặt khác, trong bài tiểu luận “Sự yên tĩnh là của chung” (3), Ivan Illich bày tỏ sự lo ngại rằng những công nghệ như máy tính có thể bằng cách nào đó tác động đến cách con người giao tiếp với nhau, và chúng ta có thể thấy đây đúng là điều gần đây đang diễn ra trên Internet. Vậy nên dù không phản đối công nghệ, nhưng theo Roberto và cộng sự, Ivan Illich muốn nhấn mạnh việc chúng ta không thể mở rộng qui mô mãi mãi vì luôn cần phải giữ mối liên hệ với môi trường lân cận, phải đan xen (meshing) (4), và luôn tạo điều kiện để cộng đồng là yếu tố chính trong những gì họ thực hiện. Và Roberto cho rằng đây là giải pháp mà Ivan Illich đưa ra về cách con người nên tương tác với công cụ và công nghệ.

Nhắc đến việc nên giới hạn qui mô, Roberto chỉ ra điểm chung với thoái tăng trưởng (degrowth) là: “Mở rộng qui mô đến một mức nào đó sẽ mang lại lợi ích cho chỉ một số ít người”. Ví dụ anh đưa ra là nền tảng thuê phòng AirBnB, với  ý tưởng ban đầu là giúp mọi người có thể du lịch mà không tốn nhiều tiền thuê chỗ ở còn những người có phòng trống có thể kiếm tiền thêm qua đó. Nhưng giờ đây, nền tảng này đang tạo ra rất nhiều vấn đề cho các thành phố vì các căn hộ tại các thành phố lớn được dùng làm phòng cho khách du lịch thuê còn người dân địa phương thì không có chỗ ở. Một lựa chọn khác tốt hơn về mặt đạo đức mà Roberto có giới thiệu là Fairbnb.

Nói về các giải pháp, chúng tôi quay sang trao đổi về bài báo mới đây của Roberto và cộng sự trên tạp chí Interaction Design and Architecture(s) (5). Đây là kết quả của sự trao đổi giữa ngành nghiên cứu phương tiện truyền thông (đại diện là tác giả Tiziano Bonini) và lĩnh vực thiết kế có sự tham gia (đại diện là tác giả Roberto Cibin và Maurizio Teli), để tìm hiểu xem có thể tưởng tượng ra một nền tảng truyền thông mà không dựa trên lợi nhuận và sự bóc lột như đã nói ở trên không. Cuộc thảo luận tìm thấy điểm chung ở các ý tưởng của Ivan Illich về việc thiết kế công cụ có sự tham gia của người dùng và công chúng. Roberto cho biết thiết kế có sự tham gia (PD – Participatory design) là lĩnh vực bắt đầu xuất hiện tại Bắc Âu vào những năm 1970 nhằm đưa người dùng máy tính và công nghệ vào việc thiết kế chúng, dưới góc nhìn của dân chủ công nghiệp. Sau đó, phương pháp tiếp cận này dần được dùng trong nhiều lĩnh vực khác như thiết kế đô thị và thiết kế dịch vụ. Về căn bản, PD là cách đưa công chúng tham gia ngay từ đầu vào việc thiết kế công nghệ thông tin mà họ sẽ sử dụng. Đây là một quá trình học hỏi lẫn nhau giữa người thiết kế chuyên nghiệp và người dùng, những người có thể đem lại kiến thức từ kinh nghiệm sử dụng. Và mục đích cuối cùng không chỉ là việc thiết kế một vật thể mà còn là thiết kế công đồng xung quanh vật thể đó và thiết kế các mối quan hệ giữa con người với nhau. Các tác giả nhận thấy điểm chung với các tiêu chí về công cụ cộng sinh nêu trên, vì thế, họ thử đánh giá các cách thiết kế nền tảng khác nhau dựa trên các tiêu chí này (Hình 1). Cụ thể là ở phương diện thứ nhất, cách chúng định hình mối quan hệ về quyền lực giữa các bên liên quan (chủ sở hữu, người dùng, vv…) và liệu chúng có giúp người sử dụng tăng tính sáng tạo và tính xã hội hơn không, hay chỉ nhằm tạo lợi nhuận nhờ dữ liệu. Còn phương diện thứ hai là cách chúng được thiết kế: chỉ bởi chuyên gia hay được thiết kế có sự tham gia của nhiều bên. Kết quả là có hai thái cực: một bên là các nền tảng đại diện bởi Facebook, chúng được thiết kế bởi các chuyên gia còn người dùng luôn được đặt ở cuối quá trình thiết kế chỉ với vai trò là người tiêu thụ hoặc đối tượng sử dụng. Ở thái cực còn lại là các nền tảng như Grassroot Radio, chúng trao quyền cho cộng đồng sử dụng qua việc đưa họ vào quá trình thiết kế cũng như quản lý công nghệ. Bài nghiên cứu kết luận rằng để có được các nền tảng mang tính cộng sinh, cần đưa người sử dụng vào việc hoạch định nền tảng, cũng như cần làm cho các nền tảng này minh bạch. Ví dụ như có thể sử dụng các phần mềm miễn phí và nguồn mở để có thể hiểu rõ điều gì phía sau hộp đen.

Roberto cho biết khác với việc tham khảo ý kiến công chúng, khảo sát người dùng hay thiết kế lấy người dùng làm trung tâm nói chung, đằng sau PD luôn có mục đích là hỗ trợ những người bị bỏ lại phía sau và không được tính đến. Ngoài ra, trong PD, người dùng không chỉ tham gia vào quá trình thiết kế mà còn là từ trước đó, tức là người dùng luôn có vai trò trong việc định nghĩa vấn đề cần được giải quyết, và thiết kế công nghệ là quá trình có kết thúc mở. Ngoài ra, người dùng có công cụ để thay đổi công nghệ dựa vào hoàn cảnh. Như vậy, trong PD, người dùng không chỉ là đối tượng của quá trình thiết kế mà còn là người thiết kế, và họ có tiếng nói trong quyết định cuối cùng. Trong khi đó, quyết định cuối cùng trong các dự án khảo sát người dùng hay lấy người dùng làm trung tâm thường là do các chuyên gia. đưa ra. Vì vậy, Roberto nhận định: “PD là một quá trình dân chủ, bao trùm, khó có thể tương thích với mục tiêu kiếm lợi nhuận của các công ty lớn”. Ngoài ra, đây là một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức vì liên quan tới nhiều người và việc tìm tiếng nói chung không dễ dàng. Tuy vậy, Roberto tin rằng PD nên được sử dụng ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh, vì một khi đã hoạt động, nó sẽ đưa đến kết quả đáng ngạc nhiên khi mọi người được khuyến khích để tạo ra những thứ mà chính họ sẽ sử dụng. Anh cũng cho biết, mặc dù xuất phát từ Bắc Âu nhưng PD là một phong trào mang tính phản tư và luôn cố gắng phi thực dân hóa bản thân nó. Đã có nhiều hội thảo PD diễn ra ở các nước Nam địa cầu, và đồng nghiệp của anh cũng đang sử dụng PD từ nhiều năm nay ở các nước như Namibia trong các dự án liên quan đến wifi và điện thoại di động. Theo Roberto, PD có thể được so sánh với các cách tiếp cận trong các nền văn hóa khác, khi có sự tập hợp của nhiều người lại để đưa ra các quyết định dân chủ.

Cuối cùng, Roberto lưu ý rằng hiện nay từ khóa “đồng thiết kế” hay“đồng sáng tạo” đang được nhiều công ty nhắc đến, và nếu được làm đúng, PD trong kinh doanh có thể mang lại nhiều điều có ích. Nhưng cũng cần đảm bảo nêu rõ ngay từ đầu về mục đích và lợi ích cho người sử dụng là gì, nếu không dễ xảy ra trường hợp nó sẽ trở thành một công cụ bóc lột khác, khi người dùng phải gánh lấy trách nhiệm nghĩ ra các ý tưởng mới để bán sản phẩm cho doanh nghiệp.

 

Hình 1: Tính cộng sinh của một số nền tảng và phương pháp thiết kế về mặt triết lý và mức độ tham gia của người dùng trong quá trình thiết kế (dựa vào Cibin et al., 2023 (5)).

 

Hiện Roberto Cibin đang làm việc trong dự án giúp người dân thay đổi hành vi khi nhận được thông tin về ô nhiễm không khí. Các dự án và nghiên cứu khác của anh có thể được tìm thấy ở đây.

 

 

 

 

 

(1) Latour, Bruno. (1990). “Technology is society made durable”. The Sociological Review, 38(1_suppl), 103–131. https://doi.org/10.1111/j.1467-954x.1990.tb03350.x

(2) Winner, Langer. (1980). “Do artifacts have politics?” Daedalus, 109 (1):121–136. https://www.jstor.org/stable/20024652

(3) Illich, Ivan. “Silence is a Commons.” CoEvolution Quarterly 40 (1983): 5-9.

(4) Light, Ann và Clodagh Miskelly. “Platform of Platforms: Meshing Networks, Scales and Values for a Local Sustainable Sharing Economy.” (2019).

(5) Cibin, Roberto, Tiziano Bonini, và Maurizio Teli. “Participatory Design and Critical Media Studies: A Convivial Conversation.” ID&A Interaction design & architecture (s) 56 (2023): 156-173.

 

Nguyễn Phương Anh

TƯƠNG LAI CỦA MỘT INTERNET MỞ NẰM CHÍNH TRONG TAY CHÚNG TA – PHẦN 3

Phần 3: Cuộc chiến vì các Bits [caption id="attachment_17467" align="aligncenter" width="1280"] “Sweet as One” by Craig and Karl. 2016. Candy.[/caption] Thời kỳ hậu Net Neutrality internet sẽ thế nào? Nhìn thử vào kho ứng dụng của Apple là thấy ngay. Có 2 triệu ứng dụng trong kho, có giá trị vào khoảng 28 tỷ đô la vào năm 2016. Apple thu về 30% hoa hồng cho mỗi giao dịch và tổng giá trị thu về từ kho ứng dụng là 8.4 tỷ đô. Phần còn

Sự chiến thắng của đô thị hiện đại

Vào năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử, sự đô thị hóa, quy mô và dân số thành thị trên thế giới đã tăng vượt trội so với nông thôn. Theo điều tra và ước lượng của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thì vào năm 2030, dân số thành thị sẽ chiếm tới hơn 60% tổng dân số trên thế giới. Số liệu đó là kết quả của các đường lối, sự thi hành các chính sách kinh tế thông minh và mang
le-nam

Lê Nam

10/10/2017

Ivan Illich: xóa bỏ trường học, cộng sinh và học tập suốt đời

Được biết đến với những lời chỉ trích về hiện đại hóa và tác động có tính tha hóa gây ra bởi các thể chế, mối quan tâm của Ivan Illich đối với việc xóa bỏ trường học, các mạng lưới học tập và tác động vô hiệu hóa của các ngành nghề đã gây được sự đồng thuận trong nhiều nhà giáo dục không chính thức. Chúng ta khám phá ra những khía cạnh chính trong lý thuyết của ông và sự liên quan

Lợi nhuận đến từ hào phóng – Phỏng vấn Charles Eisenstein, tác giả “Kinh tế học thiêng liêng”

Charles Eisenstein là tác giả của hai trong số những cuốn sách tôi yêu thích, The Ascent of Humanity (tạm dịch Nhân loại thăng hoa) và Sacred Economics (Đã được dịch sang tiếng Việt với tên Kinh tế học thiêng liêng). Ông tốt nghiệp ngành Triết học và Toán học tại đại học Yale và giờ đang giảng dạy tại trường đại học Goddard. Ông được biết đến là diễn giả của nhiều chủ đề như văn hóa, tâm linh, kinh tế, quà tặng, hệ

Minh Tân

28/12/2022

Một nền giáo dục không trường lớp đang dần hình thành

Nhiều người có thể cho rằng những khóa học mở trực tuyến là cách tốt nhất để chúng ta mở mang, học tập với sự hỗ trợ của Internet; nhưng thực sự thì công nghệ có thể biến cuộc sống hàng ngày của chúng ta thành những trải nghiệm học tập. Bạn có thể thấy những điều sau rất quen thuộc: Bạn và những người bạn của mình đang tranh cãi về một thông tin bé xíu hoặc một sự kiện lịch sử nào đó,