Home Soát Khủng khoảng năng lượng – Ivan Illich

Khủng khoảng năng lượng – Ivan Illich

khung hoang nang luong

Tác giả: Ivan Illich
Chương 1 cuốn “Năng lượng và Công bằng”, được Le Monde xuất bản lần thứ nhất vào đầu năm 1973.


            Hiện ngày càng có nhiều người chạy theo mốt cho rằng đang có một cuộc khủng hoảng năng lượng. Cụm từ hoa mỹ này che giấu một sự mâu thuẫn và tấn phong một ảo tưởng. Sự mâu thuẫn mà nó che giấu nằm trong việc muốn theo đuổi cả sự bình đẳng và việc phát triển công nghiệp cùng một lúc. Ảo tưởng mà nó bảo vệ là ý nghĩ rằng sức máy móc có thể thay thế sức người mãi mãi. Để giải quyết mâu thuẫn và xua tan ảo tưởng này, chúng ta cần cấp thiết làm rõ một thực tế mà ngôn ngữ khủng hoảng đang che mờ: mức năng lượng lớn sẽ làm tan rã các mối quan hệ xã hội, cũng chắc chắn như việc nó sẽ phá tan môi trường vật chất vậy.

            Những người chủ trương rằng đang có khủng hoảng năng lượng tin vào một quan điểm kỳ quặc về con người. Theo đó, con người sinh ra là sẽ phụ thuộc vĩnh viễn vào nô lệ, và dù có đau đớn thế nào anh ta cũng phải học cách làm chủ những nô lệ đó. Nếu không sử dụng tù nhân thì là anh ta cần máy móc thực hiện hầu hết các công việc cho mình. Giáo lý này cho rằng phúc lợi xã hội có thể được tính bằng số năm mà các thành viên của xã hội đó dành cho việc tới trường, và bằng lượng sức nô lệ mà họ đã học được cách điều khiển từ đó. Niềm tin này thường được thấy trong các triết lý kinh tế đối lập đang thịnh hành hiện nay. Nhưng một khi sự vơ vét sức nô lệ đã vượt quá mức độ nào đó thì niềm tin này bắt đầu bị đe dọa bởi sự bất bình đẳng, sự phiền toái và sự bất lực rõ rệt hiện ra ở khắp nơi. Cuộc khủng hoảng năng lượng tập trung vào vấn đề thiếu thức ăn cho nô lệ, còn tôi thì lại muốn đặt ra câu hỏi rằng những con người tự do có cần phải có nô lệ không.

            Các chính sách năng lượng được thông qua trong thập kỷ này sẽ quyết định phạm vi và tính chất của các mối quan hệ xã hội mà chúng ta sẽ được thụ hưởng vào năm 2000. Một chính sách chủ trương sử dụng ít năng lượng sẽ cho phép có được một loạt các lựa chọn khác nhau về lối sống và văn hóa. Ngược lại, nếu một xã hội chọn việc tiêu thụ nhiều năng lượng thì các mối quan hệ của nó sẽ bị chi phối bởi hình thức kỹ trị, và dù có được gọi là tư bản hay xã hội chủ nghĩa thì nó cũng sẽ đều trở nên suy đồi như nhau.

            Tại thời điểm này, hầu hết các xã hội – đặc biệt là các xã hội nghèo – vẫn còn có khả năng đặt ra các chính sách năng lượng theo một trong 3 định hướng sau. Phúc lợi xã hội hoặc có thể được cho là đồng nghĩa với mức tiêu thụ năng lượng theo đầu người cao, hoặc là với khả năng chuyển hóa năng lượng hiệu quả, hay với việc những thành viên quyền lực nhất sử dụng năng lượng máy móc ở mức thấp nhất có thể. Hướng đi thứ nhất nhấn mạnh vào việc nhân danh công nghiệp để quản lý chặt chẽ nguồn nhiên liệu khan hiếm và có tính hủy diệt. Còn hướng đi thứ hai thì đặt trọng tâm vào việc chuyển đổi công cụ của ngành công nghiệp theo hướng tiết kiệm nhiệt động lực học. Hai hướng đi này có thái độ ngụ ý rằng chúng ta sẽ phải sử dụng nhiều công quỹ cũng như phải quản lý xã hội chặt hơn; cả hai đều biện minh cho sự ra đời của một chế độ Leviathan[1] được vi tính hóa, và cả 2 định hướng này hiện đều đang được đưa ra bàn luận rộng rãi.

>> Tìm hiểu thêm: “Leviathan” của Thomas Hobbes – Tác phẩm chính trị kinh điển về mối quan hệ giữa con người và nhà nước – Book Hunter

            Còn khả năng thứ 3 lại được ít người chú ý tới. Dù người ta đã bắt đầu chấp nhận là có những giới hạn sinh thái về mức năng lượng bình quân tối đa để đảm bảo điều kiện sống còn về vật chất, nhưng chưa ai nghĩ tới việc sử dụng mức năng lượng thấp nhất có thể để làm nền tảng cho một loạt các hình thức xã hội hiện đại và đáng mong muốn. Nhưng chỉ việc giới hạn sử dụng năng lượng mới có thể mang đến những mối quan hệ xã hội có tính bình đẳng cao. Lựa chọn duy nhất hiện nay đang bị thờ ơ lại chính là lựa chọn duy nhất mà mọi quốc gia đều có thể với tới được. Đó cũng là cách duy nhất để một bộ máy quan liêu dù cơ giới hóa đến đâu cũng có thể bị kiểm soát thông qua tiến trình chính trị. Nền dân chủ tham gia (participatory democracy) cần có một nền công nghệ sử dụng ít năng lượng. Và chỉ có nền dân chủ tham gia mới tạo điều kiện cho nền công nghệ vừa đủ được hình thành. Người ta hay bỏ qua việc công bằng và năng lượng chỉ có thể cùng phát triển cho đến một mức nào đó. Dưới một mức năng lượng bình quân nhất định, máy móc có thể cải thiện điều kiện giúp xã hội tiến bộ. Năng lượng dư thừa trên mức đó chỉ đem đến tình trạng bất bình đẳng trong việc điều khiển nguồn năng lượng này.

            Niềm tin phổ biến rằng nguồn năng lượng sạch và dồi dào là thuốc chữa cho mọi vấn đề xã hội thực chất là một ngụy biện chính trị. Theo đó, tính công bằng luôn đi đôi với việc tiêu thụ năng lượng, chí ít là dưới một điều kiện chính trị lý tưởng nào đó. Khi làm theo ý niệm sai lầm này, chúng ta có xu hướng gạt bỏ mọi giới hạn xã hội đối với sự gia tăng tiêu thụ năng lượng sang một bên. Nhưng nếu các nhà sinh thái học đã đúng khi cho rằng năng lượng không dùng cho quá trình trao đổi chất sẽ gây ra ô nhiễm, thì chắc chắn rằng qua một mức giới hạn nào đấy thì sức máy cũng dẫn đến sự thối nát. Năng lượng gây ra sự tan rã xã hội tại ngưỡng nào thì lại không liên quan gì đến ngưỡng mà năng lượng chuyển hóa gây ra sự phá hủy vật chất cả. Nếu tính bằng mã lực thì chắc chắn là nó thấp hơn. Thực tế này cần phải được công nhận trên lý thuyết trước khi một xã hội đặt ra vấn đề về mức giới hạn năng lượng cho mỗi thành viên của mình.

            Ngay cả khi có nguồn năng lượng sạch và dồi dào thì việc sử dụng năng lượng trên diện rộng có tác hại như một chất gây nghiện, khiến cơ thể suy yếu cũng như tạo tâm lý phụ thuộc. Một xã hội có thể lựa chọn giữa Methadone hoặc việc bỏ thuốc đột ngột (cold turkey) – giữa việc tiếp tục bám lấy nguồn năng lượng xa lạ với việc từ bỏ nó qua những đợt vật thuốc đau đớn – nhưng không xã hội nào có thể có dân chúng ngày càng phụ thuộc vào các nô lệ năng lượng trong khi các thành viên xã hội vẫn duy trì được tính tự chủ được cả.
            Trong các bài luận trước, tôi đã chỉ ra rằng quá một mức GNP (tổng sản lượng quốc gia) nào đó thì chi phí để giữ gìn trật tự xã hội sẽ tăng lên nhanh hơn tổng sản lượng, và trở thành hoạt động thể chế chính trong nền kinh tế. Liệu pháp được cung cấp bởi các nhà giáo dục, tâm lý học, nhân viên xã hội sẽ phải phù hợp với thiết kế của các nhà hoạch định, quản lý, bán hàng, và bổ sung cho hoạt động của các cơ quan an ninh, quân đội, và công an. Giờ tôi muốn đưa ra một lý do để giải thích vì sao sự thịnh vượng ngày càng tăng đòi hỏi phải có sự kiểm soát ngày càng lớn lên dân chúng. Tôi xin lập luận rằng quá một mức năng lượng bình quân nào đó thì hệ thống chính trị và phông văn hóa của bất cứ xã hội nào cũng sẽ phải tan rã. Một khi mức năng lượng bình quân vượt qua ngưỡng giới hạn thì giáo dục chỉ còn là để phục vụ cho những mục tiêu trừu tượng của bộ máy quan liêu, thay vì những đảm bảo pháp lý cho tính chủ động thực tiễn, cá nhân. Đây là ngưỡng giới hạn của trật tự xã hội.

            Tôi xin đưa ra lập luận rằng sự kỹ trị sẽ lên ngôi ngay sau khi tỷ lệ năng lượng cơ học so với năng lượng trao đổi chất vượt qua một ngưỡng nhất định. Phạm vi của ngưỡng giới hạn này không phụ thuộc nhiều vào mức độ công nghệ được sử dụng, nhưng sự tồn tại của nó đã lọt vào điểm mù của trí tưởng tượng xã hội tại cả các nước giàu có lẫn trung lưu. Cả Hoa Kỳ lẫn Mexico đều đã vượt qua ngưỡng giới hạn này. Ở cả 2 quốc gia này, tăng năng lượng đầu vào sẽ làm tăng sự bất bình đẳng, thiếu hiệu quả, và sự bất lực cá nhân. Mặc dù một nước có thu nhập bình quân là 500 USD và nước kia gần 5.000 USD, nhưng tư lợi to lớn từ cơ sở hạ tầng công nghiệp đã thúc đẩy cả 2 nước này sử dụng ngày càng nhiều năng lượng. Kết quả là các nhà tư tưởng ở cả Bắc Mỹ và Mexico đều dán cái nhãn “khủng hoảng năng lượng” lên sự thất vọng của mình. Và cả 2 nước đều không nhận thấy rằng nguy cơ tan rã xã hội không phải là do thiếu năng lượng hay do sử dụng nguồn năng lượng hiện có một cách lãng phí, vô lý, gây ô nhiễm, mà là do các ngành công nghiệp đang cố gắng nhồi nhét vào xã hội một lượng năng lượng gây ra sự hủy hoại, thiếu thốn, thất vọng không tránh khỏi cho hầu hết mọi người.

            Một xã hội có thể dễ dàng bị nạp năng lượng quá mức từ các dụng cụ đầy năng suất của mình cũng như là từ lượng calo trong thức ăn của họ. Nhưng việc cả nước sa đà trong sử dụng điện năng lại khó để mà thú nhận hơn nhiều so việc họ đang đắm chìm trong một chế độ ăn bệnh hoạn. Lượng điện năng bình quân ở mức có thể đảm bảo cho phúc lợi xã hội nằm trong cấp độ lớn hơn hẳn lượng mã lực mà 4/5 nhân loại được biết tới, nhưng lại nhỏ hơn nhiều so với nguồn điện mà một người lái xe Volkswagen sử dụng. Cả người tiêu thụ ít quá lẫn người tiêu thụ nhiều quá đều không nhìn ra mức độ này, và cả 2 đều không sẵn sàng đối diện với sự thật. Đối với những người sống thô sơ, việc xóa bỏ cảnh nô lệ và lao dịch phụ thuộc vào việc ứng dụng những công nghệ hiện đại phù hợp. Còn đối với những người giàu có, để tránh khỏi sự suy thoái thậm chí còn tồi tệ hơn, thì họ lại phải nhận ra là các quy trình kỹ thuật sẽ bắt đầu điều khiển các mối quan hệ xã hội trên mức năng lượng nào. Lượng calo chỉ tốt cho cơ thể và xã hội khi mà nó nằm trong khoảng hẹp giữa vừa đủ và quá nhiều.


            Vì thế, cái gọi là cuộc khủng hoảng năng lượng thực ra là một vấn đề mập mờ về chính trị. Việc công chúng chú ý đến mức năng lượng và đến việc phân chia quyền kiểm soát năng lượng có thể dẫn đến hai hướng đi đối nghịch. Một mặt, dân chúng sẽ đặt ra các câu hỏi, dẫn đến việc tái thiết lập cơ cấu chính trị bằng cách tháo rời rào cản cho việc tìm kiếm một nền kinh tế hậu công nghiệp thâm dụng lao động, sử dụng ít năng lượng, và mang tính bình đẳng cao. Mặt khác, những lo ngại không đáng có về vấn đề năng lượng cho máy móc có thể sẽ củng cố thêm việc tăng cường thể chế vốn cần nhiều vốn liếng và hiện đang leo thang, khiến chúng ta không còn có thể quay đầu lại trước khi diễn ra trận Đại hồng thủy siêu công nghiệp. Sự tái thiết lập chính trị bao hàm việc nhận ra rằng khi vượt quá mức giới hạn năng lượng bình quân thì năng lượng không còn có thể được kiểm soát bởi các tiến trình chính trị. Vì nhất quyết muốn đưa sản xuất công nghiệp lên một mức tối đa giả định nào đó, những nhà hoạch định theo xu hướng công nghiệp sẽ đẩy mức sử dụng năng lượng lên đến tầm giới hạn sinh thái, khiến kết cục không tránh khỏi là những khuôn mẫu xã hội mang tính bó buộc.

            Những quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay Pháp có thể sẽ không bao giờ phải đến mức chết nghẹt vì rác thải của mình, nhưng đó chỉ là vì những nước này trước đó đã rơi vào trạng thái hôn mê năng lượng về mặt văn hóa xã hội rồi. Các quốc gia như Ấn Độ, Burma, và ít nhất trong một khoảng thời gian ngắn là cả Trung Quốc nữa, thì hiện đang ở vị trí ngược lại, tức là các nước này vẫn đang được vận hành bằng công cụ thô sơ ở mức có thể dừng lại được trước khi bị ngộ độc năng lượng. Ngay giờ đây, những quốc gia này vẫn có thể lựa chọn việc hoạt động trong giới hạn, những giới hạn mà các nước giàu có sẽ buộc phải quay lại bằng cách đánh mất hoàn toàn sự tự do của mình.
            Việc lựa chọn nền kinh tế sử dụng ít năng lượng buộc người nghèo phải từ bỏ những ước vọng viển vông và người giàu phải nhận ra rằng lợi ích cá nhân của họ thực ra là một thứ trách nhiệm nặng nề. Cả 2 đều cần phải bác bỏ hình tượng con người là chủ nô hiện đang được quảng bá bởi sự thèm khát năng lượng do ý thức hệ cổ xúy. Đối với những quốc gia trở nên giàu có nhờ phát triển công nghiệp, nơi con người bị trở nên thừa thãi do sự mở rộng kém hiệu quả, thì khủng hoảng năng lượng được sử dụng làm cái cớ để tăng thuế nhằm thay vào đó những quy trình công nghiệp mới, “hợp lý” hơn, và có hại cho xã hội hơn. Đối với lãnh đạo của các nước chưa bị điều khiển bởi quá trình công nghiệp hóa thì trong nỗ lực cuối cùng nhằm đuổi kịp các nước phát triển hơn, khủng hoảng năng lượng được xem như một sứ mệnh lịch sử để tập trung hóa sản xuất và ô nhiễm, cũng như để hợp nhất việc kiểm soát chúng. Không chỉ làm hại các nước nghèo bằng việc bán cho họ những sản phẩm từ các nhà máy lỗi thời, các nước giàu còn gây ra nhiều tổn thất hơn khi đem cuộc khủng hoảng của mình sang các nước khác và giao giảng về việc tôn thờ duy nhất năng lượng. Ngay khi một nước nghèo chấp nhận cái giáo lý rằng nhiều năng lượng được quản lý tốt hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhiều người hơn thì nước đó đã tự trói mình vào guồng xích nô lệ của năng suất công nghiệp tối đa. Khi lựa chọn hiện đại hóa sự đói nghèo của mình bằng cách phụ thuộc thêm vào các nguồn năng lượng, các nước nghèo sẽ không tránh khỏi việc mất đi khả năng có được nền công nghệ vừa đủ. Các nước nghèo cũng sẽ không tránh khỏi được việc tự chối bỏ khả năng có được nền công nghệ giải phóng con người cũng như nền chính trị tham gia khi họ chấp nhận rằng đi kèm với việc sử dụng năng lượng ở mức cao nhất có thể là sự kiểm soát xã hội nhiều nhất có thể.

            Cuộc khủng hoảng năng lượng không thể bị áp đảo bởi việc có thêm nhiều nguồn năng lượng hơn nữa. Nó chỉ có thể bị làm tan biến đi cùng với ảo tưởng rằng sự an lạc phụ thuộc vào số lượng nô lệ mà một người nắm giữ. Vì lý do này, chúng ta cần phải tìm ra giới hạn mà qua mức đó, năng lượng sẽ gây ra sự hủ bại, và cần làm điều đó qua một tiến trình chính trị có sự tham gia của dân chúng. Bởi vì cuộc tìm kiếm này đi ngược với thứ đang được các chuyên gia và các cơ quan thực hiện, tôi xin được gọi nó là nghiên cứu cuống vé (counterfoil research). Trong đó bao gồm 3 bước. Trước hết, xã hội cần nhận ra rằng nhất thiết phải đặt ra giới hạn về mức sử dụng năng lượng bình quân dựa trên nền tảng học thuyết lý luận. Tiếp theo, cần xác định phạm vi chứa điểm tới hạn. Và cuối cùng, mỗi cộng đồng cần tự xác định mức độ bất bình đẳng, phiền toái, và điều kiện thao tác (operant conditioning) mà các thành viên sẵn sàng chấp nhận để đổi lấy sự mãn nguyện có được khi tôn sùng những thiết bị máy móc đầy quyền lực và khi tham gia vào các nghi thức được những chuyên viên điều khiển các thiết bị đó đặt ra.

            Đòi hỏi cần phải thực hiện nghiên cứu chính trị về định mức năng lượng tối ưu cho xã hội có thể được minh họa một cách rõ ràng và ngắn gọn qua vấn đề giao thông hiện nay. Hoa Kỳ sử dụng 25 đến 45% (tùy vào cách tính) tổng nguồn năng lượng của mình vào các phương tiện giao thông, bao gồm việc sản xuất, vận hành chúng, cũng như việc dọn chỗ cho các phương tiện đó đi lại, và chỗ đỗ. Phần lớn phần năng lượng này là để vận chuyển những người ngồi yên một chỗ. Chỉ vì mục đích duy nhất là vận chuyển người, 250 triệu người Mỹ đã phân bổ lượng nhiên liệu nhiều hơn lượng nhiên liệu mà 1.3 tỷ người Trung Quốc và Ấn Độ dùng cho mọi việc. Hầu hết lượng nhiên liệu này lại đều được đốt trong các hoạt động tượng trưng với mục đích tăng tốc nhưng cuối cùng lại làm tốn thời gian hơn. Các nước nghèo sử dụng ít năng lượng bình quân trên đầu người hơn, nhưng tỷ lệ năng lượng dùng cho giao thông ở Mexico hay Peru có lẽ lớn hơn ở Mỹ, và đem lại lợi ích cho một phần dân số nhỏ hơn. Do quy mô của ngành giao thông vận tải, việc chứng minh sự tồn tại của mức năng lượng giới hạn đối với xã hội thông qua ví dụ về phương tiện di chuyển cá nhân là một việc dễ dàng nhưng cũng có tầm quan trọng lớn.

            Trong giao thông, năng lượng sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định (công suất) được quy ra vận tốc. Trong trường hợp này, mức năng lượng giới hạn sẽ được thể hiện qua giới hạn vận tốc. Bất cứ khi nào vượt quá giới hạn này thì sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu căn bản của sự tan rã xã hội do mức năng lượng cao. Một khi một tiện ích công cộng nào đó di chuyển nhanh hơn 15mph (khoảng 24km/h) thì sự công bằng giảm đi còn sự thiếu thốn thời gian và không gian lại tăng lên. Các loại phương tiện cơ giới lấn chiếm giao thông và giành đường của xe thô sơ. Ở mọi nước phương Tây, số dặm đường hành khách đi được trên các phương tiện vận chuyển tăng lên hàng trăm lần chỉ trong vòng 50 năm kể từ khi có đường tàu đầu tiên. Khi tỷ lệ giữa công suất máy móc và con người vượt qua một giá trị nhất định thì các công cụ máy móc chuyển hóa nhiên liệu hóa thạch đã ngăn con người sử dụng năng lượng từ quá trình trao đổi chất của chính họ và buộc phải đóng vị trí người tiêu dùng trong ngành vận chuyển. Ảnh hưởng này của tốc độ lên tính tự chủ của con người chỉ bị chi phối rất ít bởi các đặc tính kỹ thuật của các phương tiện cơ giới hay bởi những cá nhân hoặc tổ chức nắm quyền sở hữu các hãng hàng không, xe khách, tàu hỏa, hoặc xe hơi. Tốc độ cao mới là yếu tố quan trọng khiến giao thông vận tải trở thành thứ tàn phá xã hội. Chỉ khi tốc độ bị giới hạn thì ta mới có thể lựa chọn đúng đắn các chính sách thiết thực nhằm có được các mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Nền dân chủ tham gia đòi hỏi phải có nền công nghệ sử dụng ít năng lượng, và những con người tự do cần phải đi trên con đường dẫn đến các mối quan hệ xã hội tốt đẹp với tốc độ của một chiếc xe đạp.

Phương Anh dịch

[1]     Chế độ Leviathan: Hình thức xã hội được bàn đến trong cuốn sách cùng tên của Thomas Hobbes, trong đó Hobbes chủ trương một chế độ quân chủ tuyệt đối để tránh tình trạng hỗn loạn và nội chiến.

Book Hunter hiện đang chuẩn bị ra mắt tác phẩm đầu tiên của Ivan Illich được dịch sang tiếng Việt với tựa đề CÔNG CỤ CỘNG SINH.

Tìm hiểu thêm: Công cụ cộng sinh – Ivan Illich – Book Hunter Lyceum

Phản biện bộ phim “Cuộc sống trên hành tinh chúng ta” của David Attenborough

David Attenborough thân mến, đó quả thực là một bộ phim tài liệu đẹp trên Netflix. Nhưng những “giải pháp” của ông còn tàn phá tự nhiên nhiều hơn. Thưa ông David Attenborough, Gần đây tôi đã được xem bộ phim mới của ông - Cuộc sống trên hành tinh chúng ta - một phim tài liệu thật đẹp nói về sự suy giảm sinh thái tự nhiên trên toàn cầu. Bộ phim như viên thuốc đắng phục vụ kèm một món tráng miệng ngọt

Vân Trần

19/11/2020

9 thủ thuật digital marketing khiến bạn bội chi

Đây là cách để tránh bị lừa bởi "các mô hình hắc ám" của các doanh nghiệp trực tuyến. Các ý quan trọng trong bài Từ đồng hồ đếm ngược đến “khơi gợi tội lỗi”, các digital marketer đã nghĩ ra nhiều chiến lược - hoặc “mô hình hắc ám” - để khiến bạn tiêu nhiều tiền hơn trên mạng. Giống như các cửa hàng thực tế được bố trí theo cách được thiết kế để thu hút người mua sắm, các website thương mại

Book Hunter

26/12/2022

Tình dục có mang tính chính trị không?

Cuốn The Right to Sex (Quyền quan hệ tình dục) của Amia Srinivasan, xuất bản vào tháng 9 năm 2021, khám phá không chỉ câu hỏi về tình dục và tình dục thuộc về ai, mà còn cả sự trỗi dậy và tập đoàn hóa của phong trào nữ quyền hiện đại, cùng các chủ đề khác. Một số lập luận của Srinivasan nghe có vẻ bảo thủ một cách đáng ngạc nhiên, nhưng những lập luận khác vẫn bị sa lầy trong quan điểm

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: LẼ THƯỜNG HAY SỰ KHOA TRƯƠNG VÔ NGHĨA?

Xã hội đã có lịch sử phát triển bền vững dài mà không cần sự chỉ dẫn của các nhà hoạch đinh chính sách xanh Jerry Taylor (Jerry Taylor là giám đốc của chương trình nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên ở Học viện Cato và là Biên tập cấp cao của tạp chí Regulation.) “Phát triển bền vững” là câu thần chú thường xuyên được các cơ quan quốc tế và các tổ chức phi chính phủ trợ giúp cho các nước kém phát

Ký sự ăn chơi (1): Chén trà Hương Mộc Vị Thanh vớt từ cõi trần ai

Gửi tặng Dương Anh và trà Mộc Thanh nhân dịp kỷ niệm 7 năm tròn vị Mộc Thanh.  Vào một ngày hè nóng bức năm 2020, tôi đã thử hơn 10 vị trà khác nhau suốt từ 10h sáng đến 16h chiều. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên hôm ấy, mệt - đói - đơ (chứ không phải say) và chán. Các hương các vị lướt qua miệng rồi trôi tuột vào bụng, chẳng đọng lại chút nào nhung nhớ, kèm với đó là một