Home Chơi Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (2): Tiền đề

B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?

 

  1. Tiền đề:

Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII – XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ… Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục…) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một số sáng tác của Nguyễn Trãi và lối sống của Lê Thánh Tông.

Chẳng hạn, chùm 13 bài “Tích cảnh thi” (thơ tức cảnh) của Nguyễn Trãi đã mang màu sắc dục tính và ý thức cá nhân. Nhân vật trữ tình thấy cảnh “một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt” mà tiếc cho mình đã “Một phen liễu rủ một phen mềm”.

 

Hầu nên khôn lại tiếc khuâng khuâng,

Thu đến đêm qua cảm vả mừng.

Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt,

Khoan khoan những lệ thỏ tan vừng.

 

Dịp trúc còn khoe tiết cứng,

Rầy liễu đã rủ tơ mềm.

Lầu hồng có khách cầm xuân ở,

Cầm ngọc tay ai dắng dõi thêm.

 

Dắng dõi bên tai tiếng quản huyền,

Lòng xuân nhọn động ắt khôn gìn.

Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,

Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.

 

Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành,

Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình.

Biên xanh nỡ phụ người đầu bạc,

Đầu bạc xưa này có thuở xanh?

 

Hõi kẻ biên xanh chớ phụ người,

Thức xuân kể được mấy phen lười.

Vì thu cho nhẫn đầu nên bạc,

Chưa dễ ai đà ba bảy mươi.

 

Ba bảy mươi nào, luống nhọc thân,

Được thua đã biết sự vân vân.

Chớ cười hiền trước rằng dại,

Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.

 

Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,

Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.

Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ,

Một phen liễu rủ một phen mềm.

 

Liễu mềm rủ, nhặt đưa hương,

Hứng bợn lầu thơ khách ngại rằng.

Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít,

Một phen tiếc cảnh một phen thương.

 

Thương cảnh vì nhân cảnh hữu tình,

Huống chi người lạ cảnh hoà thanh.

Xuân ba tháng thì thu ba tháng,

Hoa nguyệt đon dùng mấy phát lành.

 

Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng,

Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng.

Ngoài ấy dầu còn áo lẻ,

Cả lòng mượn đắp lấy hơi dùng.

 

Ba xuân thì được chín mươi ngày,

Sinh vật lòng trời chẳng tây.

Rỉ bảo đông phong hời hợt ít,

Thế tình chớ tiếc, dửng dưng thay.

 

Lầu xanh từng thấy khách thi nhân,

Vì cảnh lòng người tiếc cảnh xuân.

Mới trách thanh đồng tin diễn đến,

Bởi chưng hệ chúa Đông quân.

 

Đâu đâu cũng chịu lệnh Đông quân,

Nào chốn nào chăng gió xuân.

Huống lại vườn còn hoa trúc cũ,

Trổi thức tối lạ mười phân.

Sự đa tình của Nguyễn Trãi cũng thể hiện ở nhiều giai thoại dân gian như việc ông trêu đùa cô bán chiếu, và viết thơ ghen với vợ mình là Nguyễn Thị Lộ. Tương truyền một hôm Nguyễn Trãi dạo chơi bên Hồ Tây, trời đã sẩm tối, ông gặp người con gái đi bán chiếu, nhan sắc tuyệt trần, ông liền đọc bỡn bốn câu thơ quốc âm:

Ả ở đâu ta bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?


Cô gái bán chiếu ấy tên là Nguyễn Thị Lộ, vốn xuất thân là con nhà gia thế sau vì cửa nhà sa sút phải đi bán chiếu, nên văn chương chữ nghĩa cũng không phải xoàng, lại cũng rất giỏi thơ Nôm bèn đọc ngay một bài tứ tuyệt đáp lại:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon.
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!


Nguyễn Trãi thấy Thị Lộ đã có nhan sắc lại thao văn từ, liền lấy nàng làm thiếp. Chẳng bao lâu, nàng lại được phong làm Lễ nghi nữ học sĩ trong triều và được Lê Thái Tông rất quý mến. Rồi cũng chính vì thế mà sau đó, gây nên tấn thảm kịch rất đáng thương tâm cho gia đình và họ hàng Nguyễn Trãi.
 

Cũng vẫn ở mối tình bi kịch này, khi có tin đồn Nguyễn Thị Lộ và vua Lê Thái Tông có tư tình, Nguyễn Trãi đã viết thơ gửi đến vợ:

 
Thiên cao địa hậu tứ thời thanh,
Khả trách hà nhân đạo bất minh.
Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm,
Đức tâm phương nhuệ dục tuỳ tranh.
Nhân thanh tằng hựu Chu vương đức,
Thệ chỉ tương đam Hán đế tình.
Hạnh đắc thiên nhân tương bán trợ,
Tất nhiên xã tắc cánh xuân sinh.


 Dịch thơ:

Trời cao đất rộng bốn mùa thanh,
Đáng trách cho ai đạo chẳng minh.
Mặt kính gương trong nhơ đã vấy,
Đức cao dù đẹp dục còn tranh.
Chu vương từng học lòng nhân đức,
Hán đế còn đam chuyện ái tình.
May được trời người cùng hiệp trợ,
Nước nhà ắt hẳn lại hồi sinh.


 Thị Lộ đọc thơ, biết Nguyễn Trãi có ý nghi ngờ mối quan hệ giữa nàng với nhà vua, nhất là câu “Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm” (Mặt kính gương trong nhơ đã vấy) khiến nàng vô cùng đau lòng, nàng đã theo nguyên vận gửi cho Nguyễn Trãi bài thơ rằng:

Đan tâm khẩn khẩn sự do thành,
Thuỳ vị cương thường đạo bất minh.
Nhật hỏa hà ưu vân thốn điểm,
Mộc cù khởi phụ cát tuỳ tranh.
Anh hùng miễn đại anh hùng chí,
Nữ tử phi nhi nữ tử tình.
Phúc quyến thiên duyên cầm sắt hợp,
Nghiệm chư tôn tử thánh hiền sinh.


 Dịch thơ:

Lòng son khăn khắn việc mong thành,
Ai bảo cương thường đạo chẳng minh.
Ngày nắng sao lo mây chút gợn,
Cây cao há ngại sắn leo tranh.
Anh hùng gắng giữ anh hùng chí,
Phận gái đừng theo phận gái tình. (1)
Phúc luyến duyên trời cầm sắt hợp,
Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh.


(1) Cả câu này ý nói, tuy phận gái nhưng không theo thói nữ nhi thường tình.

Thị Lộ đã khéo léo, mềm mỏng, giãi bày lòng mình với Nguyễn Trãi. Nàng vì lo hoàn thành công việc trong cung nên ít về nhà, chớ chẳng có gì mờ ám. Ý thơ cũng nói rõ, mình trong sáng thì ngại gì những lời dị nghị. Lại nhẹ nhàng nhắc nhở Nguyễn Trãi là bậc anh hùng, đừng chỉ quan tâm đến những chuyện tình cảm thường tình.

Sau lối tài tử trọng tình của Nguyễn Trãi, một nhân vật khác cũng nổi tiếng với lối sống tài tử là Lê Thánh Tông với “Thánh Tông di thảo” và “Lưu Nguyễn nhớ tiên nữ”:

Khách ở Thiên Thai cách mấy trùng,

Ngày ngày hằng nhớ một niềm mong.

Tưởng người ngọc nữ, thêm ngừng mặt,

Nhớ nỗi Vu Sơn dễ chạnh lòng.

Giục khách mưa sầu khoan lại nhặt,

Trêu ai mây thảm lạt thì nồng.

Nôn nao xuân lại bằng nguyền cũ,

Ngỏ nỗi đôi phương thuở chốc mòng.

Vua cũng nổi tiếng với nhiều giai thoại đa tình. Tương truyền, một buổi chiều mùa hạ,hoàng tử Hiệu đi hóng mát trên bờ sông đào vùng Tống Sơn (Thanh Hoá) tình cờ gặp một cô gái đang vo gạo ở một bến nọ . Cô gái nhan sắc tuyệt vời , khiến hoàng tử không sao bỏ đi được. Đứng tần ngần hồi lâu, hoàng tử liền đọc bỡn một câu thơ rằng :

Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả …
Câu văn của hoàng tử tuy còn bỏ lững,nhưng ý nghĩa đã quá rõ ràng. Cô gái nghe xong vẫn cứ cúi đầu làm thinh. Mãi lúc cắp rá gạo ra về, cô mới ngoái cổ đáp lại:

Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hẵng lo cho …

Câu này cũng bỏ lửng, thiếu chữ như câu trên nhưng nghĩa cũng rõ lắm. Ý nói đời đang loạn lạc, làm thân nam nhi nên ra tay giúp đời trước đã, rồi sau có nghĩ đến chuyện mình hay chuyện ai hẵng hay. Nghe lời cô gái, hoàng tử càng thêm yêu mến bội phần. Sau đó, hỏi dò mới biết đó là cô Ngọc Hằng con một vị quốc công,mẹ vì bị tình phụ nên đưa cô đến ở vùng này làm ăn. Từ đó, hai người thường gặp nhau luôn. Sau này, khi hoàng tử lên ngôi thì Ngọc Hằng trở thành hoàng hậu của nhà vua.

Một dịp khác, đầu xuân, vua Lê Thánh Tông ngự thăm nhà Thái học (Văn miếu), lúc về ghé qua chùa Ngọc Hà ở thôn Thanh Ngô gần đấy. Tới nơi, vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại nghe tiếng ni cô tụng kinh vang vang trong chùa. Giọng ni cô trong như nước suối,mà du dương uyển chuyển lạ thường , khiến người nghe dường như cũng phiêu diêu trong thế giới cực lạc. Nhà vua hứng tình, nguồn thơ lai láng, liền đề ngay lên vách chùa hai câu thơ :

Tới nơi thấy cảnh thấy người,
Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần !


       Rồi nhà vua lấy hai câu ấy làm đầu đề, bắt các quan tùy tòng ngâm vịnh. Lúc ấy, Thân Nhân Trung, một trong hai vị phó soái của “Tao đàn nhị thập bát tú” có thơ vịnh như sau :

Ngẫm sự truyền duyên khéo nực cười,
Sắc không tuy bụi, hẫy lòng người.
Chày kình một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm ba canh lẳn sự đời.
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!


 Vua trao bài thơ cho ni cô xem, ni cô chê hai câu “thực” thiếu ý cảnh và sửa lại rằng:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẳn sự đời.


    Nhà vua khen hay, rồi đưa luôn ni cô về cung. Nhưng kiệu đi tới cửa Đại Hưng  (2) thi ni cô chợt biến mất. Lấy làm lạ, vua bèn sai dựng ở đó một cái lầu gọi là “Vọng tiên lâu” để lưu dấu người tiên.

(1) Tức đền Ngọc Hà ở phố Nguyễn Khuyến (phố Sinh Từ của Hà Nội bây giờ)
(2) Chợ cửa Nam bây giờ

Qua một vài bài thơ và giai thoại, có thể thấy, lúc này, các nhà Nho vẫn chưa thoát hẳn vòng cương tỏa của giáo lý Nho gia, nên đời sống tựu trung vẫn là trung quân ái quốc. Chỉ có một số ít bài thơ mà tác giả bộc lộ rõ cảm xúc, tâm trạng cá nhân của mình, cái tâm trạng hoàn toàn tách biệt với trách nhiệm, với thời cuộc. Những câu chuyện được kể thực chất cũng chỉ là những giai thoại được lưu truyền trong dân gian, chứ không hề được lưu giữ trong các nguồn ghi chép chính thống. Chỉ có Lê Thánh Tông là một trường hợp cá biệt. Ông là vua và có thẩm quyền, nên có thể có lối sống phóng túng, ăn chơi hơn. Nhưng nhìn chung, thời kỳ này, đời sống hưởng lạc của các nhà Nho vẫn chưa phát triển.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Dương tổng hợp và biên soạn

Lễ Pút Tồng của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai (Ghi chép điền dã)

Tả Phìn là một xã vùng cao nằm ở phía bắc của huyện Sap Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km. Trong xã có ba dân tộc anh em cùng sinh sống là người Dao, người Hmông và người Kinh. Người Dao ở Tả Phìn thuộc nhóm Dao Đỏ (Miền Xí), là một cộng đồng tương đối đặc biệt, họ còn lưu giữ được khá nhiều nét đặc sắc trong nền văn hoá truyền thống của họ. Trong cuốn “Trang phục

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (1): Tài tử và nhà Nho tài tử

Nhắc đến văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử thời trung đại, nhiều người sẽ bỡ ngỡ trước khái niệm “nhà Nho tài tử”, và thế nào là lối hưởng lạc của nhóm người này. Trong phần tổng hợp này, chúng tôi đi tìm ý nghĩa cụ thể nhất của hai chữ “tài tử”, từ đó xác định thế nào là “Nhà Nho tài tử”, và sau đó sẽ giới thiệu với bạn đọc về văn hóa hưởng lạc của nhóm người này

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (3): Tuyên ngôn hưởng lạc

II. Sự xuất hiện đông đảo của các nhà Nho tài tử: Bối cảnh xuất hiện: Kể từ thế kỷ XVII, ở nước Việt tồn tại nhiều chính quyền khác nhau: từ Lê – Mạc, đến Lê – Trịnh, Lê – Trịnh – Nguyễn. Việc có nhiều chính quyền, quyền lực của vua không còn là tuyệt đối,  và mỗi chính quyền lại tổ chức những kỳ thi tuyển chọn khác nhau ở từng nơi khiến cho giới học trò không còn bị ràng buộc

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (5): “Một mối chung tình tan mấy mảnh”

(*) Tiêu đề trích thơ Phạm Thái b. Tình: Phạm Thái si tình Nói đến “tài tử”, không thể không nhắc đến yếu tố “tình”. Mà người nổi tiếng về “tình” nhất thời kỳ này là Phạm Thái (1777-1813) với mối tình si với nàng Trương Quỳnh Như. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu. Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần

Thần quỷ ở Hà Nội (2): Thần trong quan niệm khu vực đồng bằng bắc bộ (Ghi chép ngắn)

Đọc đầy đủ chùm bài THẦN QUỶ Ở HÀ NỘI. Trích từ bài viết “Hệ thống thờ cúng thần của người Việt” của tôi. “Thần” là một khái niệm rất khó định nghĩa cho dù ở bất cứ nền văn hóa nào. Một cách mơ hồ, ta có thể hiểu “thần” như một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài đời sống hiện hữu của con người nhưng vẫn có thể tác động đến số phận của mỗi cá nhân. Con người một các tự