Home Đọc Vũ khí hạt nhân – quân bài chiến lược trong giữ vị trí số 1 thế giới từ sau thế chiến II đến nay

Vũ khí hạt nhân – quân bài chiến lược trong giữ vị trí số 1 thế giới từ sau thế chiến II đến nay

Tóm tắt và trích đoạn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Peter Kuznick và Oliver Stone
Lưu ý: Các đoạn có chữ nghiêng là những trích đoạn trực tiếp từ sách. Những đoạn có chữ thường là phần tóm lược các sự kiện quan trọng mà sách cung cấp.

Dù rằng những cơ chế hợp tác toàn cầu có thể tạo ra sự ràng buộc để một quốc gia không sử dụng vũ khí hạng năng, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, lên một quốc gia khác, nhưng mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân vẫn là cơn ám ảnh đối với những ai lo lắng cho tương lai của nhân loại và luôn hoài nghi độ đáng tin cậy của các chính quyền lớn. Khi Mỹ và Nga sở hữu đến gần 90% lượng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, và không thể duy trì sự hòa bình với nhau, thì một áp lực đến từ các nước nhỏ hơn, đó là nên hay không nên quân sự hóa nền chính trị và xã hội, bằng cách mua sắm nhiều vũ khí hơn để phòng ngừa chiến tranh. Mối quan hệ Mỹ – Nga luôn căng thẳng từ sau thế chiến II đến nay và cuộc chạy đua vũ khí này đến nay có thực sự mang đến hòa bình cho nhân loại hay không, hay chỉ đang duy trì một văn hóa chiến tranh, kéo theo đó là một xã hội mà các vấn đề dân sự sẽ bị coi nhẹ khi đặt trên bàn cân quân sự, vẫn đang là một vấn đề cần tranh cãi.

Thế chiến II đã gây một nỗi ám ảnh lớn đến phương Tây, dẫn đến sự bắt tay chưa từng có của hai thế lực chính trị thường xuyên xung đột trong lịch sử, đó là phe Anh – Mỹ và phe Liên Xô (bao gồm Nga và các nước Đông Âu). Trong đó, Mỹ với ưu thế địa lý cách biệt ngoài khối lục địa Á – Âu, và nền tảng chế tạo vũ khí trong thế chiến I, kết hợp với chiến lược thu hút các nhân tài lưu vong, đã trở thành một vùng đất lý tưởng để phát triển ngành công nghiệp vũ khí, và tính đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia sở hữu “hỏa lực mạnh nhất, đội quân thiện chiến nhất được huấn luyện và trang bị tốt nhất, cùng những vũ khí với công nghệ hiện đại tinh vi nhất trong lịch sử quân sự … Năm 2002, các số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy, Mỹ đều có một hình thức hiện diện quân sự nhất định ở 132 trên tổng số 190 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Cộng với hạm đội tàu sân bay trị giá hàng tỉ đô la, quân đội Mỹ thực sự có mặt trên toàn cầu. Thêm vào đó, Mỹ có hệ thống tấn công hạt nhân mạnh nhất thế giới, dù đã suy giảm nhiều trong vài năm gần đây, nhưng vẫn có thể chấm dứt mọi sự sống trên hành tinh này đi nhiều lần.”

Nội dung được trích từ cuốn sách Nước Mỹ chuyện chưa kể. Tìm hiểu thêm về sách: Nước Mỹ – chuyện chưa kể – Book Hunter Lyceum

>> Đọc thêm: Phỏng vấn Peter Kuznick: OPPENHEIMER vs Lịch Sử – Book Hunter

Từ quả bom hạt nhân đầu tiên

Những động thái hòa bình

  • Roosevelt cũng đưa ra một tầm nhìn đột phá về việc hợp tác hậu thế chiến. Ông đề xuất rằng bên thắng cuộc sẽ “duy trì quân đội” và thành lập “lực lượng cảnh sát quốc tế.” “Bốn cảnh sát” – Mỹ, Anh, Liên Xô, và Trung Quốc – sẽ tước vũ khí của Đức và các đồng minh và “duy trì hòa bình thông qua vũ trang.” Stalin vui mừng vì kế hoạch này nhưng không hài lòng khi Roosevelt nói rằng việc chuẩn bị cho chiến tuyến thứ hai sẽ khiến nguồn hỗ trợ cho Liên Xô giảm xuống còn 60 phần trăm những gì ông đã hứa ban đầu. Tuy nhiên chiến tuyến thứ hai là ưu tiên chính của Liên Xô, và Roosevelt dự định sẽ thực hiện.
  • Khác với những bộ máy Cộng sản ban đầu mang tính áp đặt, Stalin tìm cách ngăn chặn những người muốn tạo thay đổi cách mạng ở cả Tây và Đông Âu, thuyết phục họ thành lập liên minh dân chủ rộng hơn. Suy nghĩ giống người theo chủ nghĩa dân tộc hơn là một nhà cách mạng quốc tế, ông ưu tiên những điều có lợi cho Liên Xô. Ông trông đợi sự ủng hộ của Mỹ để tái thiết sau chiến tranh, và ông cần sự hợp tác của phe Đồng Minh để đảm bảo Đức không hồi phục sức mạnh quân sự, điều ông vẫn cho là mối đe dọa chính đối với Liên Xô. Ông nói với các đồng minh Cộng sản rằng không nên đi theo mô hình Bolshevik mà nên hướng đến chủ nghĩa xã hội dưới “hệ thống chính trị khác – ví dụ như một nền cộng hòa dân chủ, đại nghị và kể cả một chế độ quân chủ lập hiến.” Ông không muốn điều gì sẽ phá hỏng liên minh với Mỹ và Anh. Do đó, các chính phủ do ông lập nên ở các vùng Đông và Trung Âu được Xô-viết giải phóng là thân thiện với Liên Xô nhưng không bị thống trị bởi Cộng sản.
  • Tạp chí Life vào tháng 7/1945 – chỉ hai năm sau khi nó đưa Stalin lên trang bìa như một người hùng – viết rằng “Nga là vấn đề số 1 đối với Mỹ vì nó là quốc gia duy nhất trên thế giới có sức mạnh để thách thức khái niệm của Mỹ về sự thật, công lý và cuộc sống tốt đẹp.”

Tuy nhiên, triển vọng hợp tác và hòa bình này đã đổ vỡ khi tin tức về vụ thử nghiệm quả bom hạt nhân thành công. Mỹ không còn thấy động lực cho việc hỗ trợ Liên Xô nữa. Tổng thống Truman đã rất hồ hởi khẳng định: “vì Mỹ giờ đã phát triển một loại vũ khí hoàn toàn mới có sức mạnh đến mức chúng ta không cần Nga – hay bất cứ quốc gia nào.”

Triển vọng hòa bình trước khi quả bom hạt nhân được thử nghiệm thành công.

Tiến trình tạo ra quả bom đầu tiên

Bắt đầu từ tin tức rằng nước Đức đang chế tạo một quả bom hạt nhân với sức sát thương kinh khủng.

  • Ở Mỹ, các nhà khoa học đã trốn khỏi châu Âu đang bị Nazi chiếm đóng là những người sợ hãi nhất với bước phát triển này, họ sợ hậu quả sẽ xảy đến khi Hitler có trong tay thứ vũ khí ấy. Các nhà khoa học nhập cư đã cố gắng đề xuất rằng Mỹ nên chế tạo riêng bom nguyên tử để ngăn chặn, nhưng họ không thu hút được sự quan tâm của chính quyền nước Mỹ. Tuyệt vọng, tháng 7 năm 1939, Szilard và nhà vật lý người Hungary là Eugene Wigner đã kêu gọi sự giúp đỡ của Albert Einstein, người đã đồng ý viết thư cho Tổng thống Roosevelt và thúc giục ông cấp quyền cho một chương trình nghiên cứu nguyên tử của Mỹ. Einstein sau đó đã hối hận về hành động này, ông thừa nhận với nhà hóa học Linus Pauling, “Tôi đã mắc một sai lầm lớn trong đời khi ký vào lá thư gửi cho Tổng thống Roosevelt để đề nghị tạo bom nguyên tử.”
  • Tuy vậy, đến cuối cuộc chiến người Mỹ mới biết, Đức đã sớm dừng nghiên cứu để tập trung vào các vũ khí sẵn có tức thời như tên lửa V-1 hoặc V-2. Hitler và Albert Speer không muốn tập trung nhân lực và tài nguyên vào một thứ vũ khí mà họ không thể sử dụng được cho cuộc chiến hiện tại.
  • Ban đầu, quá trình nghiên cứu bom hạt nhân khá đình trệ, vì nó tốn kém chi phí khi cần đến 500 tấn uranium nguyên chất để chế tạo một quả bom. Tuy nhiên, ở bản báo cáo của Vannevar Bush thì chỉ mất 5-10kg uranium cho mỗi quả bom. Đến đây, chính quyền Roosevelt đã phê duyệt ngân sách.
  • Một mối nguy khác cũng được đặt ra trong quá trình chế tạo bom, đó là quả bom không chỉ là một bom nguyên tử mà còn là một quả bom nhiệt hạch với khả năng đốt cháy tất cả Nito và Hydro trong không khí, có thể hủy diệt toàn bộ Trái Đất. Các nhà khoa học đã tính toán và cải thiện để giảm sát thương, bởi vì họ nhận ra rằng thà làm nô lệ trong xã hội Đức Quốc Xã còn hơn là khép màn lịch sử. Đến ngày 2/12/1942, quả bom với độ sát thương trong tầm kiểm soát đã được thử nghiệm ở Thành phố Chicago mà không có bất cứ quá trình bảo đảm an toàn. Từ đó, Dự án Manhattan được phê duyệt như một chiến lược quan trọng để kết thúc chiến tranh.
  • Cuối năm 1944, phe Đồng Minh mới phát hiện ra rằng Đức đã từ bỏ kế hoạch nghiên cứu bom từ năm 1942. Dù việc ngăn chặn người Đức – lý do căn bản từ ban đầu khởi động dự án bom, đến lúc này đã không còn nghĩa lý nữa, nhưng chỉ có một nhà khoa học duy nhất quyết định rời Dự án Manhattan khi biết tin, đó là nhà khoa học gốc Ba Lan, Joseph Rotblat. Những người còn lại vẫn say mê nghiên cứu và tin rằng họ có thể đẩy nhanh việc kết thúc chiến tranh, họ thậm chí còn nỗ lực hơn để hoàn thành những gì mình đã bắt đầu.
  • Truman nhận được một bản tóm tắt đầy đủ hơn về quả bom nguyên tử vào ngày 25/4 cùng lời cảnh báo của các nhà quản lý Dự án Manhattan rằng đây là thứ vũ khí khủng khiếp nhất từng biết đến, có thể phá hủy cả một thành phố, và các quốc gia khác sẽ sớm phát triển bom riêng. Vì vậy, việc quyết định sử dụng quả bom cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

>> Tìm hiểu thêm về bộ phim hoạt hình Watchmen, trong đó xây dựng hình ảnh Dr Manhattan như một biểu tượng cho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ: Watchmen – Sự xung đột của các nhận thức thế giới – Book Hunter

Đằng sau quyết định ném quả bom đầu tiên

  • Tuy nhiều người cho rằng việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật là vì quân đội Nhật hung hăng không chịu đầu hàng, nhưng những tư liệu của Henry Luce trong năm 1945 cho thấy rằng hoàng gia Nhật đang từng bước chuẩn bị cho sự kết thúc chiến tranh. Ngoài ra, lý do khiến Nhật không đầu hàng, đầu tiên đến từ yêu cầu “đầu hàng vô điều kiện” khiến người Nhật và nội các Nhật lo lắng, bởi điều đó đồng nghĩa với việc Nhật hoàng bị xử tử như tội phạm chiến tranh. Nhận ra điều này, nhiều chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản đã đề xuất với Truman bổ sung vào điều khoản “đầu hàng vô điều kiện” rằng nó không đi kèm với phế truất Nhật hoàng. Cùng lúc ấy, hoàng gia Nhật cũng đàm phán với Liên Xô và chọn Liên Xô ở vị trí trung gian trong thỏa thuận ngừng chiến. Tuy nhiên, Truman đã chọn cách không thỏa hiệp, vì cho rằng công chúng Mỹ không đồng tình với thỏa hiệp (dù cho không có cơ sở).
  • Bên cạnh đó, trong suốt giai đoạn thế chiến, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhân danh lệnh trừng phạt lên người Nhật sống tại Mỹ và sự tàn sát dân thường Nhật của quân đội Mỹ cũng diễn ra cao độ, dẫn đến mối lo ngại hậu chiến đối với người Nhật:
  • Phóng viên chiến trường của Mỹ ở Thái Bình Dương, Edgar Jones đã kể chi tiết về sự tàn bạo của Mỹ trong một bài báo tháng 2/1946 trên tờ nguyệt san The Atlantic: “Dù sao thì, người dân ch rằng chúng ta đã chiến đấu trong cuộc chiến kiểu gì đây? Chúng ta bắn chết tù nhân máu lạnh, càn quét bệnh viện, oanh tạc xuồng cứu sinh, giết hại hoặc ngược đãi thường dân Nhật Bản, kết liễu kẻ thù bị thương, ném xác địch vào một cái hố xác, và ở Thái Bình Dương thì còn luộc cho thịt róc khỏi hộp sọ kẻ thù để làm đồ trang trí bàn cho những người yêu thích, hoặc chạm xương của họ thành dụng cụ mở thư.”
  • Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng ngóc đầu dậy trong việc đối xử với những người gốc Nhật sống ở Mỹ khi chiến tranh nổ ra. Người Mỹ gốc Nhật đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong vấn đề bỏ phiếu, việc làm và giáo dục trong nhiều thập kỷ. Đạo luật Di trú (The Immigration Act) năm 1924 không cho phép người Nhật đã định cư tại Mỹ sau năm 1907 quyền trở thành công dân Mỹ nhập tịch và việc nhập cư từ Nhật Bản cũng bị cấm.
  • Tổng Chưởng lý bang California, Earl Warren, đưa ra khuyến cáo loại bỏ người Mỹ gốc Nhật khỏi các bang miền tây. Warren cảnh báo rằng người Nhật ở miền nam California có thể là “gót chân Achilles của toàn bộ nỗ lực phòng thủ dân sự.” Dù cho Edgar Hoover – giám đốc FBI đã cảnh báo với Roosevelt rằng việc “loại bỏ” này là không cần thiết, vì các rủi ro An ninh đã được đảm bảo, tuy nhiên, Roosevelt đã ký Sắc lệnh 9066, đặt nền tảng cho việc sơ tán và tống giam người Mỹ gốc Nhật và người Nhật tại California, Oregon và Washington, hai một phần ba trong số đó là công dân sinh tại Mỹ. Những người Mỹ gốc Nhật phải sống trong các khu tái định cư theo mô hình “trại tập trung” với điều kiện sống tồi tệ và làm tù khổ sai. Người da trắng tại Mỹ rất hồ hởi ủng hộ Sắc lệnh 9066 này, bởi họ có thể mua lại tàn sản của người Nhật với giá rất rẻ so với giá trị thức
  • Dẫu rằng Roosevelt liên tục đưa ra kêu gọi ngừng tấn công vào các khu vực có dân thường sinh sống trong suốt thế chiến II, nhưng khi chiến tranh leo thang thì lời kêu gọi này dần trở nên vô nghĩa. Những tự vấn về đạo đức của binh lính Mỹ khi ném bom vào dân thường cũng nguội dần sau nhiều năm không kích phe Phát xít, đặc biệt là với Nhật. Lượng bom ném xuống Nhật, bao gồm cả các đô thị đông dân, lớn hơn rất nhiều so với ở châu Âu. Với Nhật Bản, Mỹ áp dụng chính sách ném bom tàn nhẫn hơn nhiều. Khi Thiếu tướng Haywood Hansell, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Máy bay ném bom số 21, chống lệnh sử dụng hỏa lực ném bom vào khu đô thị lớn, Mỹ đã thay thế bằng tướng Curtis LeMay – một người rất tàn nhẫn trong các cuộc không kích tại châu Âu, và lúc này, rất nhiều tướng lĩnh tại Mỹ cảm thấy lo ngại vì e sợ rằng “tiếng ác” của Mỹ sắp sửa vượt qua Đức quốc xã. Lúc này 95% các đô thị Nhật Bản đã bị oanh tạc. Nhưng người dân Mỹ lúc bây giờ không ai phản đối trận oanh tạc này. Chuẩn tướng Bonner Fellers gọi chúng là “một trong số những cuộc tàn sát dân thường man rợ và tàn nhẫn nhất trong lịch sử”. Arnold cảm thấy rằng “90% người Mỹ sẽ đồng tình giết sạch người Nhật Bản.”
  • Tướng Groves đã quyết định rằng các quả bom nguyên tử sẽ được thả xuống các cơ sở quân sự được bao quanh bởi các khu nhà công nhân ở các thành phố chưa được ném bom trước đây. Ủy ban quyết định rằng lần ra mắt vũ khí này phải thật ngoạn mục để mọi người ở khắp nơi đều phải đánh giá cao ý nghĩa của loại vũ khí mới. Tướng Grove cũng khẳng định rằng mục đích thực sự của cuộc ném bom là dẹp bỏ mỗi nguy hiểm trong tương lai từ Liên Xô. “Không đến hai tuần kể từ khi tôi nằm quyền phụ trách dự án này, tôi luôn ý thức rõ rằng nước Nga là kẻ thù của chúng ta, và dự án này được tiến hành trên cơ sở nhận thức đó.” Tháng 3/1944, Groves gây sốc cho Joseph Rotblat khi nói trong một bữa tối rằng, “dĩ nhiên anh nhận ra rằng mục đích chính của dự án này là để khuất phục người Nga.
  • Vào tháng 6/1945, các nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm Kim loại học tại Chicago đã thành lập một loạt các ủy ban để khám phá các khía cạnh khác nhau của năng lượng nguyên tử. Ủy ban Ý nghĩa Chính trị và Xã hội (Committee on Social and Political Implications), do Chủ tịch James Franck, người đoạt giải Nobel, đã đưa ra một báo cáo chịu ảnh hưởng rất lớn của Leo Szilard, trong đó Ủy ban này đặt dấu hỏi về sự khôn ngoan của việc sử dụng bom nguyên tử trong cuộc chiến hiện tại. Ủy ban cảnh báo rằng một cuộc tấn công bất ngờ vào Nhật Bản sẽ không chỉ phá hủy vị thế đạo đức của Mỹ, mà còn có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân với Liên Xô, tạo ra nguy cơ “hủy diệt lẫn nhau.” Bản báo cáo cũng lưu ý rằng không có bí mật nào trong các nguyên tắc khoa học của việc chế tạo bom, và Liên Xô sẽ sớm bắt kịp Mỹ. Szilard khẳng định: “Có khả năng dùng bom nguyên tử chỉ là bước đầu tiên đi theo hướng này và gần như không có giới hạn nào đối với sức mạnh hủy diệt tiềm ẩn trong quá trình phát triển của chúng trong tương lai. Do đó, một quốc gia đặt tiền lệ cho việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên mới được giải phóng này vào các mục đích hủy diệt có thể phải chịu trách nhiệm mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên hủy diệt trên quy mô không thể tưởng tượng được.” 83% các nhà khoa học đã ký tên vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu xem xét kỹ lưỡng độ hủy diệt của quả bom trước khi ném bom, nhưng Tướng Grove đã giấu nhẹm kết quả này khi trình lên Truman.

  • Quyết định đi đến rải thảm bom nguyên tử thực sự, đó là Mỹ ép Nhật đầu hàng trước khi Liên Xô can dự vào Nhật. Do đó, mọi ý kiến can ngăn từ giới khoa học và những tướng lĩnh còn lòng xót thương đối với người dân thường sẽ bị gạt bỏ. Khi quả bom được ném xuống Hiroshima, tổng thống Truman đã thốt lên đầy phấn khích: “Đây là điều tuyệt nhất trong lịch sử.” Sau này ông nói vắn tắt rằng thông báo về vụ ném bom ở Hiroshima là tin “vui nhất” mà ông từng đưa ra cho công chúng.
  • Về phần Stalin, vốn đã lường trước được tình hình, ông ta đưa ra nhận định rằng: người Mỹ sẽ dùng độc quyền nguyên tử để chi phối các điều khoản ở châu Âu, nhưng ông sẽ không nhượng bộ trước sự đe dọa này. Liên Xô kết luận rằng việc thả bom ở Hiroshima khi không cần thiết là cách người Mỹ cảnh báo với thế giới rằng họ sẵn sàng sử dụng bom nguyên tử để chống lại Liên Xô nếu Liên Xô đe dọa tới lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời, Stalin tiếp tục thúc ép các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu quả bom nguyên tử. Đây chính là tiền đề cho Chiến Tranh Lạnh và xu hướng cực đoan của Liên Xô sau này.
  • Tin tức Liên Xô chuẩn bị xâm lược Nhật Bản sau trận oanh tạc của Mỹ khiến hoàng gia Nhật cảm thấy lo lắng, và cuối cùng đã quyết định đầu hàng Mỹ để giữ được vị thế của hoàng gia – Điều mà chắc chắn một đất nước Cộng Sản như Liên Xô sẽ khó chấp nhận.
  • Mặc cho các nhà khoa học và tướng lĩnh phản đối thả bom, 85% người dân Mỹ lúc bấy giờ ủng hộ thả bom nguyên tử, 23% cho rằng thả bom nguyên tử sớm quá trong khi Nhật cần bị trừng phạt bằng các đợt tấn công hơn, và Truman thì liên tục tuyên truyền rằng chính quả bom nguyên tử là nguyên nhân giúp kết thúc chiến tranh.

 

Chiến tranh Lạnh & xu hướng hạt nhân hóa hệ thống quân sự toàn cầu

Ngoại giao nguyên tử

  • Giữa tháng 9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Byrnes đến London để thảo luận với Vyacheslav Molotov và các ngoại trưởng khác. Trước khi rời đi, ông ta tỏ rõ ý định sử dụng độc quyền nguyên tử để buộc Liên Xô chiều theo những yêu cầu từ Hoa Kỳ. Nhưng bất cứ khi nào Byrnes nhấn mạnh đến việc Liên Xô mở cửa Đông Âu, Molotov lại chỉ ra các chính sách ngăn cấm của Hoa Kỳ tại Ý, Hy Lạp và Nhật Bản. Mệt mỏi với thái độ không thân thiện của Byrnes, cuối cùng Molotov đã hỏi xem liệu ông ta có giấu một quả bom nguyên tử trong túi áo khoác của mình hay không, Byrnes trả lời, “Ông không hiểu những người miền nam rồi. Chúng tôi mang theo đại bác trong túi của mình. Nếu ông không chấm dứt hoàn toàn sự đình trệ này…, tôi sẽ lấy quả bom nguyên tử ra khỏi túi quần và tặng nó cho ông.”
  • Đường lối ngoại giao của Byrnes khiến các nhà khoa học và các nhà chính trị chủ hòa lo ngại, nhưng sự thù ghét Liên Xô của Grove còn đáng lo ngại hơn. Grove chủ trương bằng mọi giá ngăn cản Liên Xô phát triển vũ khí hạt nhân. Nhóm khoa học gia và các chính trị gia chủ hòa dần dần bị loại ra khỏi chức vụ đương nhiệm.
  • Sau thế chiến, quyền lực của Liên Xô lan rộng ở Châu Âu. Lo ngại trước tình hình này, Mỹ đã thúc đẩy và hình thành sự mâu thuẫn giữa các nước Tây Âu và Liên Xô.
  • Tuy nhiên, xung đột thực sự giữa Liên Xô và Mỹ lại diễn ra ở Trung Đông, khi Stalin quyết định chọn ở rộng ảnh hưởng ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, để cạnh tranh dầu mỏ với Anh, cùng lúc ấy, Mỹ đang phát triển dầu mỏ nhờ vào sự hợp tác với Ả Rập. Trong các bài phát biểu, Churchill của Anh và Truman của Mỹ không ngần ngại công kích Stalin và Liên Xô và gây sức ép buộc Liên Xô rút khỏi Iran cùng với những đe dọa lấp lửng liên quan đến bom hạt nhân.
  • Liên Xô đưa ra đề xuất yêu cầu Mỹ hủy bom nguyên tử và không phát triển mở rộng bom nguyên tử. Tuy nhiên, Tờ Pravda chỉ ra rằng chính phủ Hoa Kỳ đã ký hợp đồng sản xuất bom cho “các công ty độc quyền tư nhân như DuPont, công ty mà tất cả triển vọng tương lai trước chiến tranh của nó được kết nối bằng hàng ngàn sợi chỉ đến với I. G.Farbenindustrie của Đức.” Cùng với đó, Mỹ thúc đẩy thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại đảo san hô Bikini để tiếp tục khẳng định thế độc quyền của mình. Lúc này, bên trong nước Mỹ liên tục mở rộng tiếng nói phản chiến với những lời kêu gọi cắt giảm chi tiêu quốc phòng (vốn đang chiếm 80% ngân sách của Mỹ lúc bấy giờ)

Triệt hạ quyền lực của Liên Xô tại Đông Âu và Trung Đông

  • Thông qua CIA, Mỹ đã xây dựng một hệ thống quân nổi dậy du kích tại Đông Âu, đặc biệt là đội du kích Nightingale được đặt nền móng từ các phần tử thân Phát xít trước đây. Trước áp lực này, Liên Xô buộc phải loại bỏ tất cả các chính trị gia không phải đảng viên Cộng Sản tại Đông Âu. Cùng với đó, năm 1947, Mỹ liên tục tấn công những mục tiêu của Liên Xô tại Trung Đông, Anh và Okinawa.
  • Tháng 11/1948, Truman quyết định gửi khoảng 60 chiếc B-29 có khảnăng vận chuyển bom nguyên tử đến các căn cứ của Anh và Đức. Vị tổng thống quả quyết rằng nếu điều kiện cho phép, thì ông ta sẽ phê duyệt sử dụng các vũ khí nguyên tử. Sự việc này đã dẫn đến sự hình thành khối NATO. Lúc này, Truman vẫn tiếp tục bỏ qua cảnh báo về tiến độ bom nguyên tử tại Liên Xô và cho rằng Liên Xô sẽ chưa thể phát triển bom nguyên tử trong thời điểm này.

Và khi Liên Xô cũng sở hữu một quả bom nguyên tử

Năm 1949, khi Liên Xô thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên thành công, nước Mỹ thật sự đã chấn động. Các nhà khoa học Xô-viết thở phào nhẹ nhõm. Nhà vật lý học Yuli Khariton nhận xét, “Bằng việc sở hữu vũ khí, chúng tôi đã loại bỏ khả năng nó được sử dụng để chống lại USSR mà không bị trừng phạt.” Quả bom, ông cảm thấy, cho phép “Đất nước chúng tôi… tự vệ trước nguy cơ chết người đang thậtsự đe dọa.” Nhà vật lý Igor Golovin viết rằng những đêm không ngủ và nỗ lực phi thường của họ là xứng đáng bởi “chúng đã đánh bật lá bài chủ khỏi tay các nhà ngoại giao nguyên tử của Hoa Kỳ.

  • Tập san của các Khoa học gia Nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists) đã chuyển kim đồng hồ trên Đồng hồ Tận thế từ còn 7 phút đến nửa đêm sang còn 3 phút. Lãnh tụ đa số Scott Lucas lo ngại “chúng ta có thể đang ở giai đoạn cuối của một nền văn minh vĩ đại, giai đoạn cuối trước cuộc đại chiến và sự tan rã của xã hội như chúng ta đã biết về nó trong cuộc đời mình.” Tờ New York Times tự hỏi liệu “ngày hôm nay có người nào [còn] đủ liều lĩnh để nói xem ai đang thắng trong chiến tranh lạnh hay không?”
  • Phóng viên William Laurence nghĩ giả định Xô-viết có thể chế tạo mỗi tuần một quả bom và, trong một năm, sẽ có năm mươi quả bom có khả năng phá hủy năm mươi thành phố của Hoa Kỳ bao gồm 40 triệu dân là khả thi. Tuy nhiên, ông ta cũng cho rằng việc sở hữu bom của Liên Xô có thể đem lại thỏa thuận đã được chờ đợi từ lâu về sự kiếm soát quốc tế vì việc thương lương giữa các bên đồng đều hiệu quả hơn nhiều so với thương lượng giữa các cường quốc rõ ràng không ngang hàng. Một lần nữa, những cái đầu nóng hơn lại thắng thế. Thêm tiền đổ vào nghiên cứu hạt nhân và mở rộng kho vũ khí của Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ Brien McMahon, chủ tịch Ủy ban hỗn hợp về năng lượng hạt nhân, nói với David Lilienthal rằng giờ đây Hoa Kỳ phải “thổi bay [Xô-viết] khỏi mặt đất” một cách nhanh chóng.

Thực trạng sở hữu bom hạt nhân tại Mỹ đầu Chiến tranh Lạnh

  • Sau khi Chiến Tranh Thế Giới lần hai kết thúc, Mỹ đã dần dần tích luỹ kho dự trữ bom nguyên tử từ 13 quả trong giữa năm 1947, trong đó chỉ có một quả là có thể hoạt động trong vòng hai tuần, lên tới 300 quả vào giữa năm 1950. Cùng lúc đó, họ cũng nâng cao khả năng vận chuyển những quả bom này.
  • Sự ra đời của thời đại nguyên tử đã cách mạng hoá tư duy chiến lược. Không quân giờ đây sẽ thống trị. Không quân Mỹ (United Sates Air Force – USAF) đã trở thành một lực lượng độc lập vào năm 1947. Một trong ba đơn vị của USAF, Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược (Strategic Air Command – SAC) nắm quyền chủ đạo trong việc tung ra những vũ khí mới. Năm 1948, Trung tướng Curtis LeMay, đạo diễn đằng sau cuộc đánh bom kinh hoàng của Mỹ xuống Nhật Bản, nắm quyền SAC và bắt đầu biến nó thành một lực lượng chiến đấu hạng nhất – một lực lượng sẽ luôn sẵn sàng cho cuộc chiến chống lại Xô-viết bất kỳ giây phút nào có lệnh. “Chúng ta đang trong cuộc chiến ngay lúc này đây!” ông tuyên bố. Khi cuộc chiến bắt đầu, ông dự định chỉ đơn giản uy hiếp tuyến phòng thủ của Xô-viết, thả 133 quả bom nguyên tử xuống 70 thành phố, đánh bại 40 phần trăm nền công nghiệp của Xô-viết, và giết 2.7 triệu người. Kế hoạch Chiến tranh Khẩn cấp của SAC mà ông thiết kế đòi hỏi việc thả xuống toàn bộ kho bom dự trữ “trong một cuộc tấn công ồ ạt duy nhất.” Truman là người ủng hộ kế hoạch này bởi vì không quân và bom nguyên tử thì ít tốn kém hơn các biện pháp khác.
  • Một dự án nghiên cứu bom nhiệt hạch (bom hydro) bắt đầu được triển khai. Hội đồng Tham mưu Trưởng, được ủng hộ bởi những nhà vật lý học Edward Teller, Ernest Lawrence, và Luis Alvarez, ra lệnh phát triển một quả bom hydro, còn được gọi là “siêu” bom. Người đứng đầu Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử (AEC – Atomic Energy Commission), David Lilienthal miêu tả những người đề xướng là “nhỏ dãi với viễn cảnh này và ‘khát máu.” Trong một cuộc họp bí mật, Tướng James McCormack, chỉ huy Phân khu Ứng dụng quân sự của AEC nói với các thành viên của Quốc hội rằng quả bom sẽ là “vô hạn. Các vị có đủ kích cỡ từ nhỏ cho đến to như ông mặt trời.”
  • Nếu người Mỹ trở nên trở nên yếu đuối, công nghệ của Mỹ sẽ bù đắp. Chỉ ba ngày trước cuộc tuyển cử của Eisenhower, Mỹ thử nghiệm quả bom hydro mẫu đầu tiên trên hòn đảo Elugelab thuộc Đảo san hô vòng Enewetak của quần đảo Marshall. Hòn đảo cháy bừng hết sáu giờ đồng hồ dưới một đám mây hình nấm dài một trăm dặm và sau đó biến mất. Vụ nổ hơn 10 megaton vượt hẳn mọi kỳ vọng. Dù nhận thức được mối nguy đe dọa từ bom nhiệt hạch, nhưng Eisenhower tiếp tục sử dụng vũ khí hủy diệt như một hình thức để đe dọa thế giới, và tiếp tục sử dụng ngoại giao hạt nhân.

Leo thang ngoại giao hạt nhân tại phương Đông

  • Khi các phong trào dân tộc trỗi dậy ở phương Đông, bộ máy quân sự của Mỹ đã quyết định sử dụng quả bom nguyên tử ở Triều Tiên. Truman cũng khẳng định rằng bom nguyên tử luôn sẵn sàng được thả. Các tướng lĩnh và chính trị gia xôn xao bàn tán về mục tiêu của bom nguyên tử, trong đó Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên đều nằm trong danh sách mục tiêu. Tuy nhiên, sau khi  cân nhắc thiệt hơn, Mỹ đã chọn bom napan.
  • Dầu vậy, cân nhắc bom nguyên tử vẫn luôn được ưu tiên để kết thúc chiến tranh. Eisenhower, người kế nhiệm Truman tính toán “dùng vũ khí nguyên tử tại Triều Tiên có thể sẽ rẻ hơn, tính theo đô la, so với vũ khí thông thường.” Trong suốt nhiệm kỳ của mình Eisenhower liên tục sử dụng chiến lược ngoại giao hạt nhân, và tiếp tục leo thang dưới thời của Richard Nixon trong chiến tranh Việt Nam.
  • Lợi thế bom hydro của Mỹ cũng bị biến mất khi Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom hydro đầu tiên vào năm 1953. Dù cho độ sát thương thấp hơn, nhưng bom nhiệt hạch của Liên Xô lại dễ dàng vận chuyển hơn vì không cần hệ thống ướp lạnh.
  • Lúc này, chi tiêu quân sự tại Mỹ ngày càng phình to, và quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ, cuối cùng Eisenhower đã đưa ra quyết định hạn chế khoản chi cho quân sự, thay vì đó, dựa hoàn toàn vào vũ khí hạt nhân. Cuối tháng 10 năm 1953, ông thông qua một Chính sách An ninh Quốc gia mới, NSC 162/2, trọng tâm của chính sách quốc phòng “Diện mạo mới” (“New Look”), trong đó nêu rõ, “trong trường hợp có chiến tranh, Mỹ sẽ coi vũ khí hạt nhân như những đạn dược khác, luôn có sẵn để dùng.”
  • Các đồng minh Châu Âu của Mỹ lo sợ rằng Hoà Kỳ sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh hạt nhân, và họ gây áp lực bắt Eisenhower phải giảm bớt những căng thẳng. Ông đáp trả vào ngày 8/12/1953, mê hoặc 3.500 đại biểu tại Liên hợp quốc với bài phát biểu “Hạt nhân vì hoà bình”, tuyên bố rằng Mỹ sẽ dành “trọn trái tim và tâm trí của mình tìm ra con đường mà trong đó sức sáng tạo phi thường của loài người không bị đem đi hiến dâng cho cái chết mà được dùng để tôn thờ sự sống của mình”. Mỹ sẽ làm điều này bằng cách truyền bá những lợi ích của sức mạnh hạt nhân mang tính hoà bình trong nước và ngoài nước. Viễn cảnh “Hạt nhân vì hòa bình” càng khiến Liên Xô lo lắng và cũng khiến nhiều nhà khoa học lo lắng hơn, liên tục đưa ra các cảnh báo. Dù vậy, Eisenhower vẫn bỏ ngoài tai.
  • Đến mùa xuân năm 1954, chiến lược chiến tranh mới kêu gọi tấn công Liên Xô với 600 đến 750 quả bom và biến nó thành “một đống đổ nát phóng xạ và khói lửa sau hai giờ đồng hồ.”114 Kế hoạch bao gồm tiêu diệt 80 phần trăm dân số của 118 thành phố lớn, hay là 60 triệu người. Cuối năm đó, Mỹ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân trên đất của các đồng minh Châu Âu. Đến năm 1958, đã có gần ba nghìn quả được bố trí tại Tây Âu.
  • Trong khi đó, kho đạn dược của Mỹ tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, từ gần 1,000 quả khi Eisenhower tiếp nhận nhiệm kỳ mở rộng ra trên 22.000 quả bom khi ông rời khỏi văn phòng thủ tướng tám năm sau đó.
  • Một cuộc thử nghiệm bom hydro một lần nữa được diễn ra ở Thái Bình Dương vào ngày 1/3/1954, được biết đến với cái tên Castle Bravo. Những tính toán sai lầm của Mỹ đã dẫn đến thảm họa môi trường, khi quả bom nổ với sức mạnh gấp đôi dự kiến, mạnh gấp 1000 lần quả bom đã hủy diệt Hiroshima. Đám san hô nhiễm phóng xạ trôi đến đảo Rongelap, Rongerik, và Utrik thuộc quần đảo Marshall, gây ô nhiễm cho 236 cư dân đảo và 28 người Mỹ. Không nhận thức được nguy hiểm, trẻ em chơi đùa trong đám bụi phóng xạ. Nhiều cư dân đảo không được di tản trong ba ngày, và vào thời điểm đó thì họ đã có triệu chứng trúng độc phóng xạ. Hai mươi ba ngư dân trên tàu đánh cá Nhật Bản, Daigo Fukuryu Maru (Long Vận 5), chịu số phận tương tự khi họ bị bao phủ bởi một màn tro trắng chết chóc từ trên bầu trời suốt ba giờ đồng hồ. Khi họ cập cảng mười ba ngày sau đó cùng với những con cá ngừ bị nhiễm độc, những thuyền viên có các dấu hiệu ngộ độc nặng. Người đầu tiên chết vài tháng sau đó. Hoảng loạn thực sự bắt đầu khi người ta nhận ra rằng cá ngừ nhiễm độc của tàu đánh cá Nhật Bản này đã được bán ra tại bốn thành phố lớn và rất nhiều người ăn phải. Nhiều người đã hoàn toàn thôi không ăn cá nữa. Bốn trăm năm mươi bảy tấn cá ngừ cuối cùng bị tiêu huỷ.
  • Từ đó, các đồng minh của Mỹ bắt đầu nghi ngại lời hứa “Hạt nhân vì hòa bình” của Eisenhower, còn các quốc gia phương Đông thì không ngần ngại coi Mỹ như những “lũ điên vị kỷ đầy nguy hiểm”, những kẻ sẽ “cho nổ tung bất kỳ ai hay đất nước nào ngáng đường chính sách của họ.” (Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru).
  • Một phong trào thỉnh nguyện tại Nhật yêu cầu ngừng thủ nghiệm vũ khí hạt nhân được dấy lên. Để chống lại quan điểm chống hạt nhân đang lan toả rộng khắp này, Uỷ ban Điều phối Chiến lược của NSC đề nghị Mỹ khởi động “một chiến dịch mạnh mẽ về những ứng dụng phi chiến tranh từ năng lượng hạt nhân” và đề nghị xây dựng cho Nhật bản một lò phản ứng hạt nhân thực nghiệm. Trong vài năm tiếp theo, Lãnh sự quán Mỹ, CIA, và Sở thông tin Mỹ tiến hành một cuộc tuyên truyền và chiến dịch giáo dục quy mô lớn để loại bỏ sự căm thù năng lượng hạt nhân vốn đã ăn sâu của người Nhật. Tờ báo Manichi đã lên án chiến dịch này: “Trước là rửa tội với mưa phóng xạ, sau là làn sóng chủ nghĩa tiêu dùng thông minh dưới vỏ bọc ‘nguyên tử vì hoà bình’.
  • Sự cạnh tranh vũ khí hủy diệt tiếp tục leo thang khi những tin đồn về bom cobalt đang được Mỹ phát triển, còn Liên Xô đang phát triển bom nito và heli với sức công phá khủng khiếp. Cao trào được đẩy lên vào tháng 10/1962 khi cả Mỹ và Liên Xô đều đang chĩa bom nguyên tử vào các khu dân cư của nhau.
  • Thành công trong thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa và vệ tinh Sputnik đã làm cân bằng vị thế của Liên Xô với Mỹ & NATO. Khrushchev tận dụng cơ hội này để gửi tới các lãnh đạo Mỹ lời kêu gọi cạnh tranh không gian một cách hòa bình và kết thúc Chiến tranh Lạnh: “Vệ tinh của chúng tôi đang… đợi vệ tinh của Mỹ và các nước khác gia nhập để thành lập một khối thịnh vượng chung của các vệ tinh. Một khối thịnh vượng chung như vậy… sẽ tốt hơn rất nhiều so với cuộc cạnh tranh sản xuất vũ khí giết người… Chúng tôi muốn có một cuộc họp giữa đại diện cấp cao các nước tư bản và xã hội chủ nghĩa… để đạt thỏa thuận dựa trên việc… không sử dụng chiến tranh làm công cụ giải quyết các vấn đề quốc tế, dừng cuộc chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang và thiết lập mối quan hệ giữa các quốc gia dựa trên cơ sở cùng tồn tại, giải quyết các tranh chấp… bằng việc cạnh tranh trong hòa bình về văn hóa và về việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu đòi hỏi về cuộc sống của người dân.” Đáp lại lời kêu gọi này, Eisenhower đã thả tự do cho các nhà khoa học Đức thuộc phe Phát xít để phát triển hệ thống vệ tinh vượt trội, thậm chí quyết định ném bom các căn cứ trên mặt trăng của Liên Xô để đáp trả.
  • Mượn tình thế dần dần suy giảm của phe “ngoại giao hạt nhân” thuộc Đảng Cộng Hòa, J.Kennedy của Đảng Dân Chủ đã tận dụng để tạo ra lợi thế trong tranh cử. Kennedy đề xuất giải trừ vũ khí hạt nhân, và coi đó là hành động cấp thiết. Cùng lúc ấy, nhiều nguyên thủ thế giới, đặc biệt là Ấn Độ đã liên tục lên tiếng đòi giải giáp vũ khí hạt nhân, ngừng chạy đua và kết thúc chiến tranh. Khoa học gia và các nhóm dân sự của Mỹ cũng liên tục lan tỏa thông điệp này. Để giải quyết khủng hoảng này, Eisenhower chuyển sang công bố các chế tạo nguyên tử gần với dân dụng hơn, đặc biệt là xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời, các nhà khoa học đeo đuổi Hạt nhân vì hòa bình liên tục đề xuất các ý tưởng như ném bom ở kênh đào Suez để nắn dòng kênh hay ném bom ở Bắc Cực để giúp tan băng, tăng nhiệt độ lên 10độ F.
  • Cuối cùng Eisenhower kết thúc nhiệm kỳ với sự tiếc nuối vì kế hoạch “Nguyên tử vì hòa bình” của ông đã bị các tướng lĩnh và khoa học gia cực đoan dẫn đến sự leo thang, đồng thời, ông để lại bài diễn văn cảnh báo về Tổ hợp khoa học quân sự tại Mỹ và khả năng thao túng chính sách của tổ hợp này. J.Kennedy nhậm chức tổng thống, và trong thời gian tại vị của mình, ông từ chối dùng bom hạt nhân để kết thúc chiến tranh cũng như sử dụng đường lối ngoại giao hạt nhân.  Dẫu vậy, Kennedy không làm giảm đi mối lo ngại của Liên Xô trước bom hạt nhân và không khiến Mỹ ngừng chạy đua vũ khí hạt nhân, bởi vì ngân sách đã duyệt chi thì không thể dừng lại.

Hình ảnh về Đồng hồ tận thế điểm 12h00 trong bộ truyện tranh viễn tưởng Watchmen của DC.

>> Tìm hiểu thêm về Tổ hợp khoa học quân sự Hoa Kỳ: Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (2): Tổ hợp công nghiệp quân sự – Book Hunter

Tiến gần đến hòa bình

  • Trong những năm 60s, Khrusev và Kennedy đều mong muốn đi đến hiệp ước hòa bình và chấm dứt thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng các phe cực đoan trong cả hai chính phủ đều không muốn điều này. Kennedy đã tuyên bố chấm dứt chạy đua vũ khí hạt nhân trong một bài diễn văn năm 1963. Thượng viện thông qua Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Từng phần vào ngày 24/9 với tỷ lệ phiếu 80–19.
  • Thật không may, Kennedy bị ám sát, và Johnson đã thay thế ông. Dưới thời Johnson, Việt Nam trở thành tâm điểm của xung đột, với quyết định nã bom napan và sử dụng vũ khí hóa học (điều đã bị cấm từ thế chiến I) với số lượng chưa từng có, đồng thời tướng McNamara đe dọa sử dụng bom hạt nhân tấn công Bắc Việt, và có vẻ như cũng không loại trừ khả năng dùng tại miền Nam Việt Nam. Dư luận tại Mỹ đã lên án xu hướng này kịch liệt. Trong giai đoạn leo thang chiến tranh, Mỹ một lần nữa cân nhắc sử dụng bom hạt nhân tại Khe Sanh. Về sau, vẫn có nhiều tướng lĩnh tại Mỹ tỏ ý nuối tiếc vì đã không dùng bom hạt nhân tại Việt Nam. Chiến thuật ném bom hạt nhân ở Việt Nam liên tục được đưa ra dưới thời Nixon, và thật may mắn khi phong trào phản chiến lúc này cũng đang lớn mạnh tại Mỹ.
  • Năm 1964, Trung Quốc thực hiện thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân, và sau đó là thành công về bom nhiệt hạch năm 1967,  đã dấy lên nỗi lo lắng của Nhật. Thủ tướng Sato của Nhật nói rằng nếu Trung Cộng có thể thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản cũng nên có, và ông đã thúc đẩy Johnson tái vũ trang Nhật Bản. Và Mỹ đã bí mật đưa vũ khí hạt nhân vào Okinawa để chuẩn bị sử dụng cho chiến tranh Việt Nam. Với khả năng công nghệ và dự trữ nhiên liệu đã qua sử dụng của Nhật Bản, việc có bom hạt nhân sẽ luôn chỉ cách biệt bởi một “cái vặn tua vít.”
  • Song song với đó, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Triều Tiên cũng phát triển được chương trình hạt nhân của riêng mình để đối đầu với quả bom mà Mỹ đưa tới Nam Hàn.
  • Mỹ cũng khởi động chương trình hạt nhân tại Iran và Ả Rập Saudi, triển khai cơ sở hạt nhân của Mỹ tại Ý để đe dọa Trung Đông.
  • Nixon và Kissinger tuy bị lên án trong chiến tranh Việt Nam, nhưng lại ghi điểm trong vấn đề bình thường hóa quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, đặt nền móng cho quá trình bình thường hóa dưới nhiệm kỳ của Jimmy Carter và Reagan. Tiếc rằng, những hiệp ước giới hạn vũ khí được ký trong quá trình bình thường hóa này không giúp giảm tốc độ chạy đua vũ khí hạt nhân mà chỉ mang tính tượng trưng, gieo thêm hi vọng về một thế giới hòa bình. Qúa trình bình thường hóa này dần dần dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc Chiến tranh Lạnh.
  • Tuy Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng viễn cảnh mà các nhà khoa học cảnh báo về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đã thực sự diễn ra.

>> Đọc thêm về Chiến tranh Việt Nam: Địa chính trị trong chiến tranh Việt Nam – Book Hunter

Hậu Chiến tranh Lạnh, và nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn luôn thường trực

  • Sau khi thế giới trở về trạng thái “đơn cực” mà trong đó Mỹ đóng vai trò như “cảnh sát toàn cầu”, giải trừ vũ khí hạt nhân trở thành chiêu bài trong các cuộc tấn công quân sự vào quốc gia khác, trong đó nổi tiếng nhất là cuộc tấn công Iraq. Cuộc tấn công của Mỹ nhân vào Iraq đã dấy lên nỗi lo lắng của các quốc gia Trung Đông khác, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nói với một hội nghị cấp cao Liên minh Ả Rập vào ngày 1/3 rằng: “Tất cả chúng ta đều là mục tiêu… Tất cả chúng ta đều đang gặp nguy.” Bắc Triều Tiên càng thêm tin tưởng rằng việc có vũ khí hạt nhân là điều cấp thiết để bảo vệ quốc gia.  Sự kiện tấn công Iraq của Mỹ cũng chấm dứt triển vọng hợp tác Nga – Mỹ mà Putin kỳ vọng.
  • Iran – đồng minh đã hỗ trợ Mỹ tấn công Iraq, đến năm 2007, gặp phải cáo buộc của tổng thống Bush khi ông này cho rằng Iran đang sở hữu vũ khí hạt nhân và sẵn sàng khởi động thế chiến III. Nỗ lực làm dấy lên tâm lý chiến tranh này của ông ta đã bị làm hỏng khi vào đầu tháng 12, cộng đồng tình báo cho ra bản Ước tính Tình báo Quốc gia mới. Trong đó họ kết luận “một cách chắc chắn” rằng Iran đã dừng chương trình hạt nhân vào năm 2003, ngược với những gì họ báo cáo mới chỉ 2 năm trước. Ngược lại, Israel – đồng minh thân tín của Mỹ – lại sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn, và đứng trước áp lực bị buộc giải trừ vũ khí. Ở thời Donald Trump, một lệnh trừng phạt đã áp xuống Iran để yêu cầu Iran giải trừ vũ khí hạt nhân thay vì thỏa thuận hạn chế, trong bối cảnh này, Iran vẫn tiếp tục tăng tốc chương trình hạt nhân với cam kết rằng hoạt động phát triển này vẫn là “vì hòa bình”.
  • Xung đột giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan cũng có thể tiến đến chiến tranh, và cả hai đều đưa ra lời đe dọa xóa sổ đối phương bằng bom hạt nhân. Lúc này, tại Mỹ, nhiều ý kiến lo lắng cũng bắt đầu nhen nhóm, nhưng Mỹ quyết định tuồn vũ khí vào Pakistan. Điều đáng phiền hơn nữa là vào năm 2003, A. Q. Khan, cha đẻ của ngành hạt nhân Pakistan, bị phát hiện là đã chỉ huy một mạng lưới bán thiết kế và nguyên liệu làm bom hạt nhân cho Bắc Triều Tiên, Libya, Iran, và có thể là nhiều quốc gia khác trong suốt 15 năm. Được biết là Khan và các cộng sự của ông ta đã từng đến thăm Syria, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Chad, Mali, Nigeria, Niger, và Sudan. Bằng chứng cho thấy các quan chức cao cấp trong chính phủ và quân đội Pakistan đã ủng hộ các hoạt động của Khan. Và Mỹ đã quay mặt làm ngơ trước dự án về bom của Pakistan để đổi lại việc nước này trợ giúp Mỹ chống lại Liên Xô từ thời Reagan. Tình trạng này kéo dài, và đến năm 2011, Pakistan thực sự đã trở thành một kho vũ khí hạt nhân tầm cỡ, thay thế Pháp đứng ở vị trí cường quốc hạt nhân thứ năm trên thế giới. Và, để ngăn ngừa cuộc tấn công từ Pakistan, Ấn Độ cũng đầu tư vào chương trình hạt nhân bất chấp những điều khoản của hiệp ước về không sử dụng vũ khí hạt nhân. Ấn Độ chi tiêu nhiều hơn cho chiến tranh, bất chấp tình trạng người dân đói nghèo lan rộng.
  • Một lần nữa, Bush tiếp tục làm mờ khái niệm “vũ khí hạt nhân” và đánh đồng vũ khí hạt nhân với các loại vũ khí thông thường khác. Trong Đánh giá Tình hình Hạt nhân (NPR – Nuclear Posture Review) năm 2002 của Bush, ông kích động các quốc gia phi hạt nhân và thuyết phục rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân là cần thiết. Bush không những không tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân, ông ta còn  kêu gọi việc phát triển một thế hệ mới những loại vũ khí hạt nhân thu nhỏ và bom phá hầm, kích cỡ gọn nhẹ sẽ khiến việc sử dụng chúng dễ dàng hơn trong các tình huống chiến đấu. Chiến lược điên rồ của Bush đã đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau và cam kết cùng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Các tin tình báo từ Mỹ cũng mâu thuẫn với nhau trong đánh giá độ nguy hiểm của vũ khí hạt nhân mà Nga sở hữu.  Một lần nữa, Mỹ lại kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới khi Nga và Trung Quốc liên tục vận động giải trừ vũ khí tại Liên Hiệp Quốc. 
  • Căng thẳng giữa Mỹ và Nga đã leo thang ở mức báo động. Những xung đột ở Syria, các nước Baltic và Ukraine đe dọa sẽ bùng nổ trong cuộc chiến giữa hai siêu cường quốc về quân sự. Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên bị kích động bởi phản ứng hiếu chiến của tổng thống Donald Trump đối với các vụ thử bom và tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã khiến cả thế giới đứng trên bờ vực. Lời hứa hẹn của Trump về việc xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran chỉ làm gia tăng sự giận dữ của toàn cầu. Các chuyên gia hạt nhân đã đặt Đồng hồ Tận thế (Doomsday Clock) của Tập san của các Khoa học gia Nguyên tử về hai phút trước nửa đêm, đưa thế giới đến gần với Ngày tận thế Hạt nhân hơn so với những năm 1950. Ủy ban Khoa học và An ninh, đã cảnh báo, “Việc gọi tình hình hạt nhân thế giới là thảm khốc chính là nhấn mạnh đến mối nguy hiểm và gần kề của nó.”
  • Năm 2001, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Tên lửa chống đạn đạo (ABM) mà Nga coi là “nền tảng của hệ thống an ninh quốc tế,” kể từ ngày ký kết năm 1972. Hiệp ước đã được đặt ra dựa trên sự hiểu biết rằng nếu lá chắn phòng thủ của một siêu cường ngày càng trở nên bất khả xâm phạm, nước khác sẽ chống lại bằng cách tăng cường khả năng tên lửa tấn công của nó, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang vô tận. Alexei Arbatov, phó chủ tịch ủy ban quốc phòng ở hạ viện của quốc hội Nga, đã gọi sự rút lui của Hoa Kỳ là “một sự kiện cực kỳ tiêu cực mang quy mô lịch sử.” Nga đã phản đối kịch liệt, nhưng Putin đã hối hận rằng, những lời kêu gọi của họ đã là nước đổ lá khoai khi Hoa Kỳ chọn theo đuổi “lợi thế quân sự đơn phương tối thượng nhằm đưa ra những điều khoản trong mọi lĩnh vực trong tương lai.” Putin bắt đầu triển khai chương trình vũ khí hạt nhân mới nhằm đánh bại mọi vũ khí của Mỹ, và sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào vào các nước đồng minh của Nga. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ hơn cho vũ khí hạt nhân tối tân. Và đến nay thật khó để nói rằng ai đứng đầu trong cuộc chạy đua này.
  • Nguy cơ tiếp tục gia tăng khi Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) – hiệp ước thành công nhất từ trước tới giờ trong trì hoãn tốc độ phát triển của hạt nhân.

Lời nhắn Giáng sinh 2020 – Chuck Searcy

Xin chào bạn hữu, gia đình, đồng nghiệp và những người quen biết có cùng liên kết với Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh trước đây, và cả những bạn trẻ mà tôi mới kết bạn gần đây. Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của tôi và nhiều người bạn Mỹ khác. Năm 2020 đang dần khép lại và tại Project Renew, các nhân viên Việt Nam luôn tận dụng những ngày nghỉ lễ này để có

Chuck Searcy

21/12/2020

Phỏng vấn sử gia Peter Kuznick: Vụ Ám sát Trump & Tình thế mong manh

Vào ngày 13 tháng 7 năm 2024, một vụ ám sát nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump đã xảy ra tại một buổi vận động ở Butler, Pennsylvania. Trong khi Trump đang phát biểu, một tay súng 20 tuổi, Thomas Matthew Crooks, đã bắn vào đám đông từ vị trí cao. Cựu Tổng thống Trump bị thương ở tai nhưng may mắn thoát nạn. Tay súng và một người tham dự khác đã thiệt mạng, trong khi hai người khác bị thương nặng​. Vụ

Book Hunter

15/07/2024

Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (3): Truyền thông đại chúng

Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick Bài 1: https://bookhunter.vn/nhung-quyen-luc-ngam-chi-phoi-chinh-tri-my-1-chu-nghia-nuoc-my-xuat-chung/ Bài 2 https://bookhunter.vn/nhung-quyen-luc-ngam-chi-phoi-chinh-tri-my-2-to-hop-cong-nghiep-quan-su/ Để đảm bảo cho chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng luôn ngự trị trong lòng người dân, và hợp lý hóa tất cả các cuộc chiến mà nước Mỹ thực hiện ở các quốc gia khác, cũng như duy trì vòng tiêu dùng bất tận phục vụ các tập đoàn, truyền thông đại chúng đã nhanh chóng trở thành thứ vũ khí hủy diệt

Sơ lược lịch sử ra đời của Hiến pháp Mỹ

(Tham khảo lịch sử chính trị Hoa Kỳ qua cuốn sách được xuất bản trong năm 2020 Nước Mỹ chuyện chưa kể tại đây) Chính quyền hợp bang được thiết lập dưới Điều lệ liên bang. Hội nghị Lập hiến của Mỹ được triệu tập trong bối cảnh 13 bang của nước Mỹ vừa trải qua chiến tranh giành độc lập với mẫu quốc là Vương quốc Anh, và chỉ vừa mới bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế từ đống đổ nát. Từ lâu

Bhagavad Gita của J. Robert Oppenheimer: Một trường hợp diễn giải sai kinh văn

Ý tưởng cơ bản trong câu trả lời mà Krishna đưa ra cho Arjuna là thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ tương xứng với địa vị của mình, mà không nghĩ đến kết quả, người ta đang đến nơi cứu rỗi. John McKenzie, Hindu Ethics (1922)[1] MỘT TRONG NHỮNG trích dẫn được nhấn mạnh nhiều nhất và ít được giải thích nhất trong lịch sử thời đại nguyên tử chính là điều mà J. Robert Oppenheimer khẳng định đã nghĩ khi chứng kiến