Home Soát Điểm mù của ngành công nghệ Mỹ: Khi chủ nghĩa dân tộc định hình chính sách

Điểm mù của ngành công nghệ Mỹ: Khi chủ nghĩa dân tộc định hình chính sách

le-nam

Lê Nam

14/04/2025

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách lên tiếng cảnh báo về sự rối loạn chức năng mang tính hệ thống của ngành công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp sự kịch tính của các phiên điều trần của quốc hội với các CEO của Big Tech và một loạt các dự luật hứa hẹn cải cách toàn diện, kết quả vẫn tỏ ra đáng thất vọng.

Chủ nghĩa dân tộc đã nổi lên như một thế lực mạnh mẽ định hình chính sách công nghệ toàn cầu, và mạnh mẽ nhất chính là ở Mỹ. Với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ hai, tầm nhìn của ông về tương lai công nghệ của nước Mỹ đang trở nên rõ nét hơn.

Trong nước, Trump hứa hẹn một chương trình nghị sự bãi bỏ quy định kiểm soát toàn diện cùng với chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Ở nước ngoài, chính quyền của ông dường như sẵn sàng tăng gấp đôi các hạn chế mạnh mẽ nhằm mục đích giữ công nghệ của Mỹ tránh xa khỏi tay Trung Quốc.

Tuy nhiên, tầm nhìn lớn của Trump là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã bỏ qua một chi tiết quan trọng: chu kỳ đổi mới có ý nghĩa rất lớn đối với tiến bộ công nghệ. Con đường mà Mỹ đang vạch ra có nguy cơ thúc đẩy một hệ sinh thái công nghệ bị chi phối bởi các sản phẩm tầm thường, ví dụ như các ứng dụng mạng xã hội được tạo ra nhằm thu hút sự chú ý, trong khi không nuôi dưỡng loại phát minh mang tính chuyển đổi thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Joseph Schumpeter, nhà kinh tế học người Áo nổi tiếng với việc phổ biến thuật ngữ “phá hủy mang tính sáng tạo”, đã xác định ba giai đoạn chính của quá trình này. Đầu tiên, có sự đổi mới – một ý tưởng hoặc phương pháp đột phá. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, giai đoạn này bao gồm sự phát triển của lý thuyết mạng lưới nơ-ron, đặt nền tảng cho việc học sâu và gần đây hơn là kiến ​​trúc Transformer đã thúc đẩy sự trỗi dậy của AI tạo sinh.

Sau đó là giai đoạn thương mại hóa, khi những ý tưởng đột phá phát triển thành các sản phẩm sẵn sàng đưa ra thị trường. Đây là nơi các công cụ như ChatGPT – ứng dụng được xây dựng trên các mô hình ngôn ngữ lớn – xuất hiện và trở nên dễ tiếp cận với người tiêu dùng thông thường. Cuối cùng, có sự lan tỏa, giai đoạn này diễn ra khi công nghệ mới trở nên phổ biến, định hình lại các ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày.

Cho đến nay, các cuộc thảo luận về quy định công nghệ có xu hướng tập trung vào các giai đoạn sau của toàn bộ quá trình này, mang lại lợi ích kinh tế ngay lập tức, thường bỏ qua giai đoạn đầu của quá trình, tức là phát minh. Đúng là các quy định để đảm bảo an toàn, bảo đảm quyền riêng tư dữ liệu và bảo vệ sở hữu trí tuệ có thể làm tăng chi phí áp dụng và làm chậm quá trình triển khai sản phẩm. Nhưng những rào cản này ít có khả năng kìm hãm sự đổi mới ở giai đoạn phát minh, nơi các ý tưởng sáng tạo hình thành.

Tất nhiên, triển vọng khám phá ra bom tấn thương mại tiếp theo – thứ gì đó như ChatGPT – thực sự có thể thúc đẩy phát minh trong tương lai và việc áp dụng rộng rãi cũng có thể giúp tinh chỉnh các công nghệ này. Nhưng thành quả như vậy có thể rất giới hạn đối với hầu hết các sản phẩm.

Hãy xem xét trường hợp của Character.AI, một công ty đã phát triển một chatbot bằng hữu phổ biến. Mặc dù sản phẩm chắc chắn đã góp phần vào việc phổ biến các dịch vụ dựa trên LLM, nhưng nó không thúc đẩy được nhiều cho việc phát minh. Gần đây, công ty thậm chí đã từ bỏ kế hoạch xây dựng LLM của riêng mình, cho thấy rằng trọng tâm của công ty vẫn chú trọng vào việc phổ biến hơn là tạo ra phát minh mang tính đột phá.

Trong những trường hợp như vậy, các quy định đảm bảo rằng các sáng kiến ​​an toàn, có đạo đức và có trách nhiệm khi chúng đến được thị trường rất có thể sẽ mang lại lợi ích lớn hơn chi phí. Thảm kịch gần đây của một cậu bé 14 tuổi đã tự tử sau khi tương tác kéo dài với chatbot của Character.AI nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là khi những dịch vụ như vậy dễ dàng tiếp cận với người dùng trẻ tuổi.

Quy định công nghệ lỏng lẻo cũng có một chi phí ẩn: nó có thể chuyển hướng các nguồn lực khỏi khám phá khoa học, thay vào đó ưu tiên lợi nhuận nhanh chóng thông qua sự lan truyền hàng loạt. Động lực này đã thúc đẩy sự gia tăng của các ứng dụng truyền thông xã hội gây nghiện hiện đang thống trị thị trường, để lại một loạt các tệ nạn xã hội – từ chứng nghiện ở tuổi vị thành niên đến sự phân cực chính trị sâu sắc.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách đã lên tiếng cảnh báo về sự rối loạn chức năng mang tính hệ thống của ngành công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp sự kịch tính của các phiên điều trần của quốc hội với các CEO của Big Tech và một loạt các dự luật hứa hẹn cải cách toàn diện, kết quả vẫn tỏ ra đáng thất vọng.

Cho đến nay, nỗ lực nổi bật nhất của chính phủ liên bang nhằm kiềm chế Big Tech tập trung vào TikTok – dưới hình thức dự luật sẽ cấm hoàn toàn ứng dụng này hoặc buộc chủ sở hữu Trung Quốc phải thoái vốn. Trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu, biện pháp quan trọng nhất cho đến nay là lệnh hành pháp hạn chế luồng dữ liệu nhạy cảm số lượng lớn đến “các quốc gia đáng quan ngại”, trong đó có Trung Quốc.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ ngày càng hướng sự giám sát của họ vào bên trong để loại bỏ hoạt động gián điệp. Sáng kiến ​​Trung Quốc khét tiếng, nhắm mục tiêu không cân xứng vào các nhà khoa học gốc Hoa, đã khơi dậy nỗi sợ hãi và thúc đẩy một cuộc di cư tài năng khỏi Mỹ. Làm trầm trọng thêm điều này là lệnh cấm thị thực rộng rãi đối với sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên quan đến chương trình “hợp nhất quân sự-dân sự” của Trung Quốc. Mặc dù bề ngoài nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, chính sách này đã khiến vô số cá nhân có tay nghề cao rời đi.

Điều này đưa chúng ta đến nghịch lý cốt lõi của chính sách công nghệ Mỹ: cùng lúc quản lý dưới mức và quá mức. Một mặt, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ thiết yếu cho an toàn sản phẩm và quyền riêng tư dữ liệu – những lĩnh vực mà sự giám sát chu đáo có thể giảm thiểu rủi ro trong khi thúc đẩy môi trường cạnh tranh có lợi cho sự đổi mới tiên tiến. Mặt khác, họ đã áp dụng lập trường hung hăng, thậm chí là trừng phạt, đối với các nhà nghiên cứu tại Mỹ đi đầu trong khám phá khoa học, trên thực tế là đang điều chỉnh chính quá trình phát minh.

Sự trớ trêu không thể rõ ràng hơn: trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ có nguy cơ kìm hãm tiềm năng của chính mình đối với công nghệ đột phá tiếp theo.

Alex Yang và Angela Huyue Zhang (Bài viết được đăng ngày 2/12/2024)

Lê Duy Nam dịch

Bài gốc: America’s Tech Blind Spot by S. Alex Yang & Angela Huyue Zhang – Project Syndicate

Tìm hiểu thêm về cách Mỹ kiềm chế công nghệ Trung Quốc và cách Trung Quốc ứng phó ở nghiên cứu Trung Quốc quản lý big tech và nền kinh tế như thế nào của Angela Huyue Zhang.

 

Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (1): Chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng

Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick Chúng ta thường hình dung về nước Mỹ như một quốc gia lý tưởng mà ở đó chính quyền phải tôn trọng các quyền tự do dân sự. Không ít người quan tâm tới tình hình thế giới đều đặt kỳ vọng rằng tổng thống Mỹ, chính quyền Mỹ sẽ mang lại tự do, dân chủ không phải chỉ cho người dân Mỹ mà còn cho cả thế giới. Niềm

Tri thức là vũ khí chống lại sự độc ác – Oliver Stone và Peter Kuznick trả lời phỏng vấn Tuần báo Shukan Kinyobi, Nhật Bản

Phỏng vấn Oliver Stone và Peter Kuznick (ảnh chỉ mang tính minh họa)bởi SATOKO OKA NORIMATSU và NARUSAWA MUNEO Tuần báo Shukan Kinyobi, Nhật Bản và tạp chí châu Á – Thái Bình Dương: Japan Focus cùng phỏng vấn Oliver Stone và Peter Kuznick, đồng tác giả của loạt phim tài liệu 10 tập The Untold History of the United States (Nước Mỹ chuyện chưa kể) (phát sóng trên Showtime Network, năm 2012 – 13) và cuốn sách cùng tên vào ngày 11 tháng 8

Chu Huyền

21/12/2020

Tổng thống đã có thể nhìn thấy được điều gì đang tới: Đằng sau sự thất bại của Trump trước COVID-19 – Phần 1

Một cuộc khảo sát cho thấy tổng thống đã được cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch nhưng sự chia rẽ nội bộ, thiếu kế hoạch và tự tin vào bản năng của chính mình đã dẫn đến tình trạng phản ứng chậm trễ. Từ WASHINGTON: “Dù nghĩ theo cách nào thì chuyện này sẽ vẫn tồi tệ”, Tiến sĩ Carter Mecher-  một cố vấn y tế cao cấp của Bộ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ đã viết vào đêm 28 tháng 1
le-nam

Lê Nam

17/04/2020

Có phải công cụ thông minh đang khiến chúng ta trở nên ngờ nghệch?

Bạn có muốn tất cả bạn bè trên Facebook của bạn có thể soi vào thùng rác nhà bạn? Một nhóm nhà thiết kế từ Anh và Đức nghĩ rằng bạn muốn. BinCam ra đời: một thùng rác "thông minh" hướng tới cách mạng trong quá trình tái chế. Liệu bạn có muốn sở hữu thùng rác thông minh BinCam? BinCam chỉ như thùng rác thường, nhưng có một chi tiết mới: Nắp của nó được trang bị một chiếc di động thực hiện chụp

Thời tàn của Tiểu luận Đại học hay cách AI sẽ thay đổi ngành nhân văn

Giả sử bạn là giáo sư ngành sư phạm, và bạn giao một bài luận về thủ thuật học tập. Một sinh viên nộp bài luận có đoạn mở đầu như sau: Cấu trúc của “các thủ thuật học tập” có vấn đề vì nó không giải thích được các quá trình mà qua đó các thủ thuật học tập được hình thành. Một số sinh viên có thể phát triển một thủ thuật học tập cụ thể bởi vì họ đã có kinh nghiệm