Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick
Ngay từ khi ở vị trí trung lập trong Thế chiến I, nước Mỹ đã chọn đứng ngoài và buôn vũ khí cho cả hai phe. Nhưng hơn cả thế, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu vũ khí riêng, đặc biệt đầu tư vào vũ khí hóa học. Năm 1918, Mỹ khởi động chương trình nghiên cứu chiến tranh hóa học và tập trung tại cơ sở Lực lượng Chiến tranh Hóa học (CWS). “Nước Mỹ chuyện chưa kể” cho biết “phần lớn các nhà hóa học hàng đầu đất nước rời khỏi khuôn viên trường học để thực hiện nghiên cứu. Dự án tuyển tới hơn 1700 nhà hóa học, làm việc trong hơn sáu mươi tòa nhà, rất nhiều trong số đó mới được xây dựng. Đến khi chiến tranh kết thúc, 5400 nhà hóa học đã từng tòng quân trong cuộc chiến được biết tới với cái tên Chiến Tranh Hóa Học” (trang 61). CWS đã sản xuất ra 200.000 quả bom và đầu đan hóa học mỗi ngày và Mỹ đã chuẩn bị sử dụng máy bay để thả một tấn khí độc xuống Đức vào cuối Thế chiến I nhưng đã gặp phải sự phản đối của Anh và Pháp (trang 63). Ưu tiên tốc độ hơn an toàn, chương trình nghiên cứu này đã mang tới nhiều cái chết bất thường. Một loạt các mô tả về nạn nhân của thí nghiệm vũ khí hóa học đã xuất hiện trên báo chí:
“Kết quả là nhiều cái chết đã được ghi nhận, theo kĩ sư điện George Temple, người đã là lãnh đạo bộ phận bảo trì động cơ tại “Đại học Trại American.” Nhiều năm sau, trong cuộc phỏng vấn với tờ báo sinh viên của Đại học American – tờ Eagle, Temple đã thuật lại nhiều vụ tai nạn. Trong một vụ, “ba người bị thiêu đốt bởi một loại khí độc. Xác của họ được chở đi trên xe đẩy, thịt ‘lúc lắc rời khỏi xương.’ Mỗi buổi sáng, khi điểm danh, nhân viên được yêu cầu xung phong làm vật thí nghiệm loại khí độc mới. Temple đã xung phong bảy lần. Trong các phòng thí nghiệm, hiện tượng rò rỉ thường xảy ra. Chim hoàng yến hay được nuôi gần đó. Cái chết của chim hoàng yến báo hiệu rằng đã đến lúc sơ tán tòa nhà. Temple mô tả cách các nhà nghiên cứu về nhà sau ngày làm việc tại phòng thí nghiệm: “Vào cuối ngày, những nhân viên của trại với các bộ quần áo ám đầy khí độc sẽ cùng lên xe điện công cộng. Khi các xe điện này xuống phố, dân thường bắt đầu lên xe. Họ đều nhanh chóng hắt xì hoặc chảy nước mắt, tùy vào loại khí độc mà các binh lính đang tìm hiểu.” Sống gần các khuôn viên trường cũng không an toàn, theo cựu Thượng nghị sĩ Nathan Scott phát hiện. Scott cùng vợ và chị bị “đầu độc” bởi một “đám mây” thoát ra từ một phòng thí nghiệm Scott và chị của mình phải điều trị ở Trạm Thí nghiệm và sau đó là bệnh viện địa phương.” (trang 62)
Mô hình này đã trở thành tiền thân cho Tổ hợp công nghiệp quân sự được lập ra dưới thời của tổng thống Franklin Roosevelt. Franklin Roosevelt nhậm chức tổng thống trong bối cảnh nước Mỹ bị khủng hoảng bởi sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán và người dân hoàn toàn mất đi niềm tin vào ngân hàng. F.Roosevelt đã nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia (National Industrial Recovery Act – NIRA) và sự hỗ trợ của Ban Công nghiệp quân sự (trang 92). Cùng lúc ấy, ông phải đối mặt với xu hướng phát xít và xu hướng Cộng Sản đang ngày càng gia tăng trên thế giới, và ngay tại Mỹ những tinh thần này cũng trở nên truyền cảm hứng. Franklin Roosevelt đã đưa ra thông điệp thách thức giới kinh doanh để đoàn kết tầng lớp lao động nghèo khổ có thể gây ra hỗn loạn bất cứ lúc nào:
“Chúng ta cần phải đấu tranh với những kẻ thù lâu đời của hòa bình – giới độc quyền kinh doanh và tài chính, sự đầu cơ, tầng lớp nhà băng liều lĩnh, chủ nghĩa địa phương, kiếm lợi từ chiến tranh. Họ đã bắt đầu coi Chính phủ Mỹ chỉ là phần phụ thuộc vào hoạt động của họ. Giờ chúng ta đã biết Chính phủ dựa vào tiền của tổ chức cũng nguy hiểm như Chính phủ dựa vào đám đông có tổ chức… Họ giống với nhau ở việc họ căm ghét tôi – và tôi chào đón sự căm ghét của họ.” (trang 105)
Hậu quả là, nền kinh tế Mỹ thậm chí còn suy sụp kinh khủng trong năm 1937 và toàn bộ đề xuất về chương trình nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân do Roosevelt đề xướng cũng bị hủy bỏ. (trang 106). Sự cực đoan và hiếu chiến của phát xít Đức dù gây lo ngại cho chính quyền của Roosevelt và nhiều người dân Mỹ, nhưng chính các tập đoàn lớn vốn coi trọng lợi nhuân hơn hòa bình đã đứng ra để bảo đảm cho tinh thần hữu nghị của Hitler, trong đó có Morgan, General Motors, Standard Oil, Du Pont, Ford… Các tập đoàn này vẫn thu lợi lớn từ các công ty con tại Đức và thống trị nhiều ngành kinh tế tại Đức. Họ từ chối rút vốn khỏi Đức và thậm chí còn ngấm ngầm nghe theo chính phủ Đức tái cơ cấu để phục vụ chiến tranh. General Motors và Ford thậm chí còn hỗ trợ cho quân đội Đức trong phát triển các loại động cơ, máy bay phản lực, ô tô… (trang 123-124 – 125) Henry Ford, ông trùm của tập đoàn Ford còn góp phần nuôi dưỡng tâm lý hận thù của quân đội Đức bằng việc viết và tài trợ tiền xuất bản cuốn sách bài Do Thái mà tầng lớp lãnh đạo của phát xít Đức tôn sùng. Bức ảnh Henry Ford được treo trong phòng làm việc của Hitler và Hitler tuyên bố:
“Tôi ước có thể gửi một số bộ đội xung kích tới Chicago và các thành phố lớn khác của Mỹ để giúp trong các cuộc bầu cử. Chúng tôi đặt kỳ vọng vào Heinrich Ford như nhà lãnh đạo của Đảng Phát xít đang phát triển ở Mỹ.” Vào năm 1931, ông nói với người đọc của tờ Detroit News: “Tôi coi Henry Ford như nguồn cảm hứng của mình.” (trang 126)
Để rồi, phe phát xít đã liên tục lấn tới, thúc đẩy rộng khắp cuộc xâm lược thế giới. Và ngay cả khi phát xít Đức và Ý đã khởi động chiến tranh ở châu Âu thì các ông trùm tài phiệt Mỹ vẫn tiếp tục đổ các nguồn vốn vào Đức, cho đến khi Mỹ bị Nhật ném bom tại Trân Châu Cảng.
Franklin Roosevelt đã phá vỡ rất nhiều tiền lệ để đối phó với chủ nghĩa phát xít bao gồm: ứng cử nhiệm kỳ thứ 3, lựa chọn đặt lòng tin vào Henry A. Wallace – một người có xuất thân từ gia đình truyền thống theo Đảng Cộng Hòa, bắt tay với Liên Xô thông qua đàm phán cùng Joseph Stalin, nhưng quan trọng hơn hết đó là thúc đẩy Tổ hợp công nghiệp quân sự (Military–industrial complex). Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thành lập Ban sản xuất thời chiến để điều phối các ngành công nghiệp dân sự và chuyển chúng sang sản xuất thời chiến.
Tổ hợp công nghiệp quân sự (MIC) là một liên minh không chính thức giữa quân đội và thế lực tài phiệt để tạo nên một ngành công nghiệp quốc phòng đồng thời có ảnh hưởng đến các chính sách công, bao gồm các hoạt động đóng góp chính trị, chấp thuận cho chi tiêu quân sự, vận động hành lang để hỗ trợ bộ máy hành chính, giám sát ngành công nghiệp quốc phòng. Liên minh bao gồm sự tham gia của các nhân tố như nhà thầu quốc phòng, nhà thầu quân sự tư nhân, Lầu Năm Góc, Quốc hội và các cơ quan hành pháp. Tổ hợp này đã sản xuất ra số lượng máy bay hơn 100.000 chiếc mỗi năm và gần một trăm tàu sân bay tại Thái Bình Dương trong những năm 1940s để phục vụ chiến dịch Thái Bình Dương (trang 177); đồng thời đầu tư nguồn lực khổng lồ để chạy đua sản xuất bom nguyên tử (trang 182) để rồi dẫn đến cuộc ném bom kinh hoàng lên Hiroshima và Nagasaki do tổng thống Truman ký sắc lệnh. Trong suốt Thế chiến II, sản lượng vũ khí ở Hoa Kỳ đã tăng từ khoảng một phần trăm GDP hàng năm lên 40 phần trăm GDP với khoản lợi nhuân siêu khổng lồ.
Khái niệm “Tổ hợp công nghiệp quân sự” chính thức được đề cập đến trong phát ngôn của tổng thống Dwight D. Eisenhower. Bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 1953, Eisenhower đủ hiểu về bom hạt nhân để chán ghét thứ vũ khí này, đến mức liên tục nhắc nhở nội các rằng không nên nghĩ bom hạt nhân là “một biện pháp rẻ tiền có thể giải quyết mọi thứ” (trang 307). Để rồi, cũng chính Eisenhower, trong Diễn văn từ biệt tổ quốc của mình vào năm 1961 đã chỉ ra rằng:
“Sự liên kết giữa một tổ chức quân đội khổng lồ với một ngành công nghiệp vũ khí lớn như thế này là một trải nghiệm mới đối với Mỹ. Sự ảnh hưởng toàn thể—về kinh tế, chính trị, và cả tâm linh—có thể thấy ở mọi thành phố, mọi tòa nhà bang, mọi văn phòng của Chính phủ Liên bang… chúng ta phải hiểu được những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó. Công sức, tài nguyên, kế sinh nhai của chúng ta đều liên quan đến nó; và ngay cả cơ cấu xã hội của chúng ta cũng vậy. Trong các ủy ban của chính quyền, chúng ta cần phải cảnh giác với sự xuất hiện của các ảnh hưởng không chính đáng, dù cố tình hay không, của tổ hợp công nghiệp-quân sự… Chúng ta không được phép để sức mạnh của mối liên kết này gây nguy hại cho quyền tự do và các quá trình dân chủ của chúng ta… Chỉ có một đội ngũ công dân cảnh giác và có hiểu biết mới biết cách đan xen bộ máy phòng thủ công nghiệp và quân sự khổng lồ này với các phương pháp và mục tiêu hòa bình của chúng ta, để cho an ninh và tự do cùng song song phát triển.” (trang 346)
Trong biên bản họp về ý tưởng của bài diễn văn, Ralph Williams – một trong cách thành viên của đội ngũ viết diễn văn đã viết một cách thẳng thắn:
“…lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Mỹ đã có một nền công nghiệp dựa hẳn vào chiến tranh… Không chỉ vậy, các tướng lĩnh và đô đốc nghỉ hưu sớm còn nắm giữ các vị trí trong /một/ tổ hợp công nghiệp dựa vào chiến tranh, từ đó định hướng cho các quyết định và sự phát triển mạnh mẽ của tổ hợp này. Việc này tạo ra mối nguy là những điều mà Cộng sản luôn nói về chúng ta có thể sẽ thành hiện thực. Chúng ta cần thận trọng để đảm bảo rằng “những thương nhân buôn bán cái chết” sẽ không nắm vị trí hoạch định chính sách quốc gia.” (trang 345)
Trên trang New York Times, một bài phân tích về Tổ hợp công nghiệp quân sự đã chỉ ra rằng chi phí phòng thủ của Mỹ chiếm 59% ngân quỹ và Lầu năm Góc thì kiểm soát gần 32 tỷ USD tiền bất động sản ở thời điểm bấy giờ. Và cho đến nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, tổ hợp công nghiệp quân sự vẫn là một quyền lực ngầm chi phối nhiều hoạt động của chính phủ. Trong nhiệm kỳ của mình, kế hoạch vũ trụ và không gian mạng đã trở thành lĩnh vực mới trong đối đầu quân sự. Tháng 6 năm 2018, ông ta kêu gọi Bộ Quốc Phòng và Lầu Năm Góc tạo ra một “Lực lượng Vũ trụ” và tuyên bố rằng “chúng ta phải thống trị không gian bên ngoài trái đất”… vì ông không muốn thấy Trung Quốc và các nước khác đi trước nước Mỹ (lại một lối tư duy bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng). Kế hoạch của Trump đã bị tiết lộ sẽ bao gồm các “chùm tia laser, chùm hạt và súng giảm tốc, tất cả sẽ phải liên quan đến năng lượng hạt nhân” và “nếu có một cuộc chiến của hỏa lực, thì đó sẽ là Chernobyl và Fukushima trên bầu trời.” Dự án này của Trump đã “nuôi dưỡng sự háu ăn của tổ hợp công nghiệp quân sự”. Để tăng ngân sách quân sự từ 3-5% so với lạm phát, chính quyền Trump đã cắt giảm các dịch vụ xã hội bao gồm An sinh xã hội và Trợ cấp y tế – những dịch vụ dân sinh đáng lẽ đã có thể giúp nước Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19 vừa qua. (trang 810,811,812).
Hà Thủy Nguyên