Home Chuyên đề tháng Trịnh Công Sơn – ai cũng quen mà ai cũng lạ

Trịnh Công Sơn – ai cũng quen mà ai cũng lạ

Book Hunter Trịnh Công Sơn

Tôi vốn dự định chọn Phạm Duy như nhạc sĩ đầu tiên của Âm nhạc phản chiến trước 1975, nhưng rồi cứ lần lữa trì hoãn, bởi Phạm Duy quá ư phức tạp để tiếp cận, dẫu rằng tôi đã có một kho tài liệu về ông. Và thế là tôi bỏ lơ chùm bài viết đã nhiều năm. Chỉ đến khi đi xem bộ phim gây tranh cãi “Em và Trịnh”, nghĩ về những chuyện nực cười trên báo chí, về những câu tán tụng ca ngợi Trịnh Công Sơn, nghĩ về những danh phong của người khác dành cho ông, tôi bỗng thấy cần phải viết về ông như điểm khởi đầu cho dòng âm nhạc phản chiến.

Trịnh Công Sơn những năm sau Đổi Mới

Âm nhạc Trịnh Công Sơn xâm chiếm thế giới tâm trí của tôi từ rất sớm, bởi vì ông nằm trong số hiếm hoi (không muốn nói là duy nhất) các nhạc sĩ phản chiến hoạt động ở Sài Gòn trước 1975 được phổ biến tại miền Bắc Việt Nam. Trong khi các bạn nhỏ cùng trang lứa hay hát “Đội Ca” hay “Em là búp măng non”, hoặc “Chim chích bông” hay “Con tắc kè màu xanh màu đỏ”… thì tôi đặc biệt yêu ca khúc “Em là bông hồng nhỏ”. Ca khúc không giả ngây giả ngô hay hô hào khẩu hiệu, mà lãng mạn nhẹ nhàng, hướng tới những điều đẹp đẽ nhỏ nhoi trong cuộc sống, mang âm hưởng của những bộ phim cổ tích của Walt Disney mà ngày ấy tôi vẫn yêu thích. Hồi đó, tôi cứ hát, mà chẳng cần biết nhạc sĩ sáng tác ca khúc ấy là ai:

Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ
Em gối đầu trên những vần thơ
Em thấy mình là bông hồng nhỏ
Bay giữa đời làm mát ngày qua

Trích “Em là Bông hồng nhỏ”

Dần dần, cái tên Trịnh Công Sơn xuất hiện nhiều hơn trong các giờ học hát tại trường cấp 2. Tôi được làm quen với “Tuổi đời mênh mông”, “Quỳnh Hương”, “Nối vòng tay lớn”… Tôi càng lớn lên thì càng bị kéo sâu vào thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn, sở dĩ nói vậy là bởi thời ấy, tôi chưa bao giờ chủ động đến với âm nhạc của ông. Tuy không hề chủ động, nhưng ca từ trong các ca khúc của ông cứ thế đi vào tôi như một lời vọng từ cõi khác mỗi khi tĩnh lặng.

Thời thơ ấu, bướm hoa và chim, cùng mưa nắng
Em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha

Trích “Tuổi đời mênh mông”

Rừng núi giăng tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Trích “Nối vòng tay lớn”

Tôi nghe những ca khúc ấy ở mọi nơi: chương trình biểu diễn âm nhạc ở trường, sinh hoạt đoàn đội ở khu phố, chương trình âm nhạc phát trên kênh FM mà bố tôi hay nghe. Tôi nghe những ca khúc ấy nhiều tới nỗi đôi khi một vài lối diễn đạt hồi bé trong các bài văn bị lây nhiễm ca từ và các hình ảnh của ông, nhiều tới nỗi đến cái tuổi bắt đầu biết hoài nghi, tôi còn băn khoăn không rõ đâu là suy nghĩ thực của tôi và đâu là những cảm hứng mà ông đã lây nhiễm sang tôi. Tôi chỉ thực sự chủ động tìm nghe nhạc Trịnh Công Sơn khi lần đầu nghe ca khúc “Ngẫu nhiên” trên VTV, lúc ấy có lẽ tôi khoảng 14 tuổi. Thật kỳ lạ, tại sao một ca khúc sầu như vậy, mệt mỏi như vậy, lại có giai điệu tươi vui đến thế! Tôi đi tìm những ca sĩ khác từng hát “Ngẫu nhiên” và bắt gặp giọng hát của Khánh Ly. Nghe chất giọng lạnh lùng của bà khi hát một ca khúc giai điệu vui tươi mà ca từ thì hư vô trong những đêm không ngủ, thực sự khiến tôi cảm thấy rùng rợn, như thể đêm đêm nghe yêu nữ vui cười với cái chết của chính mình và tưng bừng chào đón những kẻ đã giã biệt cõi đời cùng nhập cuộc. Giọng Khánh Ly luôn có một độ trầm rền, vang vọng, tựa hồ không phải chỉ mình bà hát, mà cứ như “người chết nối linh thiêng vào đời” qua chính giọng của bà:

Mệt quá thân ta này
tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
mệt quá thân ta này
nằm xuống với đất muôn đời

Trích “Ngẫu nhiên” – Trịnh Công Sơn

Bắt đầu từ đó, tôi đi tìm kiếm, nhặt nhạnh âm nhạc của ông ở mọi hàng CD, mọi cuộc biểu diễn ở các góc cà phê. Tôi chợt nhận ra rằng ở Hà Nội nơi tôi sống, hóa ra có cả một tôn giáo tôn thờ Trịnh Công Sơn. Cứ đọc mười truyện ngắn trên Tạp chí Áo Trắng thì có đến 5-6 truyện nhắc tới “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, và hầu như chương trình biểu diễn nào của sinh viên trường Nhân Văn Hà Nội cũng có gần một nửa là các ca khúc của Trịnh Công Sơn, ít hơn một chút là nhạc Phú Quang, còn các nhạc sĩ nhạc nhẹ khác thì chỉ rải rác. Qúa nhiều người tụng lên âm nhạc của ông. Khoảnh khắc một ai đó vô danh, ôm cây đàn guitar, ngân nga mấy câu: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” hay “Sống trong đời sống/Cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không/Để gió cuốn đi…”…, chính là một nghi lễ. Trong nghi lễ ấy, người hát không cầu an cầu lộc, mà triệu hồi nỗi buồn, triệu hồi niềm tuyệt vọng, triệu hồi thứ cảm thức hư vô… , tất cả để chống lại cơn điên thế kỷ 20 với sự điên loạn súng đạn, điên loạn lẽ sống, điên loạn bạc tiền. Có những buổi tối, tôi ghé qua một trong các thánh đường nhạc Trịnh Công Sơn ở Hà Nội: quán Nhạc Tranh – một quán cà phê nhỏ nép mình trong khu tập thể cũ nát ở Vĩnh Hồ, trần thấp, bàn ghế thấp, cái gì cũng thấp, mùi tường ẩm mốc lẫn với khói thuốc lá, nến leo lắt lung linh, những bức ảnh và bài báo cũ về Trịnh Công Sơn. Tại đây, tuần nào cũng có buổi song tấu guitar và violon nhạc Trịnh, và cứ vào kỷ niệm ngày mất của ông, các ca sĩ lớn nổi tiếng lại đến đây hát. Ban ngày, thỉnh thoảng vài tín đồ lại đến ôm đàn hát cho nhau nghe, chẳng ai khen hay chê dở, cứ thế mà nghêu ngao. Không phải vô cớ mà Trần Anh Hùng trong bộ phim duy mỹ “Mùa hè chiều thẳng đứng” lại đưa cảnh ba chị em sau bữa ốc lại ngồi ngân nga hát “Cuối cùng cho một tình yêu” của Trịnh Công Sơn. Cảnh tượng có vẻ phi thực mà ngầy nay chúng ta không còn được chứng kiến nữa, chúng ta chỉ bắt gặp trong các bộ phim lãng mạn phong cách Latin, ấy thế mà đã từng hiện hữu vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 ở mỗi góc cà phê, trà đá.

Bị lạc lối trong tôn giáo lãng du của Trịnh Công Sơn, tôi đã quyết định làm một nghiên cứu về ông. Tôi cho rằng, âm nhạc của Trịnh Công Sơn trở nên ám ảnh là bởi sự kết hợp giữa ca từ thấm đẫm chất liệu thơ siêu thực với triết học hư vô, và sự hòa lẫn giữa tính chất hồn nhiên của đồng dao và sự cân xứng hài hòa trong các khúc thánh ca. Hồi ấy, tôi đọc rất nhiều sách về ông, nghe hơn 200 ca khúc của ông, đọc cả những lời tụng ca ông được in thành sách và đăng trên báo, nhưng rồi tôi thấy vẫn không thể nhìn ra khớp nối liên kết tất cả các dữ liệu mà mình thu thập ấy. Có lẽ vì tôi vô duyên chẳng có cơ hội gặp ông khi ông còn sống, hoặc vì tôi không cam tâm chấp nhận những gì người ta viết về ông: Một người hát thơ ư, không đúng! Một nhạc sĩ của chủ nghĩa hiện sinh ư, người ta gắn tên chủ nghĩa ấy để đánh bóng cho ông thôi, vì cứ ngỡ rằng phải có “chủ nghĩa” mới sang. Hay một nhạc sĩ thấm đẫm tính Thiền… chỉ vì ông nhắc đến quá nhiều lần tính chất hư vô và vô thường của cuộc đời. Cho đến những năm 2010, tôi lang thang tới các nhóm tập thiền, tôi vẫn nghe họ hát nhạc Trịnh Công Sơn với một nụ cười tràn đầy hy vọng. Có lẽ, nhạc Trịnh Công Sơn là một sợi tơ hồng an toàn nối họ với thế tục, để họ không hoàn toàn đoạn tuyệt với cuộc đời, vì họ vẫn ngại ngần bước vào cõi tịch mịch của tinh thần. Sâu thẳm trong họ, mọi khao khát đời thường vẫn ngọ nguậy, và các ca khúc ấy như một sự xoa dịu, một chút “phá giới” trong sự cho phép, bởi cảm xúc của ông có chất màu buồn buồn nhè nhẹ, vừa thoáng nét cảm thông với nỗi khổ nhân sinh, lại vừa xa lánh cơn điên của nhân loại (như những người Thiền) mà vẫn xúc động trước vẻ đẹp cuộc đời. Trong số các bài mà những Thiền sinh yêu thích, thì có lẽ “Ở trọ” là được hát nhiều hơn cả:

Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng

Cuối cùng, tôi đã từ bỏ viết một nghiên cứu về âm nhạc của ông. Tôi e sợ tôi rơi vào tình huống trớ trêu của các nhà nghiên cứu ông: càng viết càng xa âm nhạc của ông. Tôi cũng không viết một bài tản mạn về ông theo lối các nghệ sĩ hay các Thiền sinh viết về ông, bởi vì họ đang sử dụng cõi giới của ông như một cái cớ để nói về bản thân, để phô diễn năng lực cảm nhận hay chiêm nghiệm của mình. Với tôi, các bài viết ấy chỉ có một tác dụng duy nhất, khiến tôi chán dần Trịnh Công Sơn. Tôi chán ngấy bức chân dung Trịnh Công Sơn mà họ dựng nên: một người đàn ông nhỏ bé như Hoàng Tử Bé rơi từ hành tinh B612 xuống và ngơ ngác bước giữa cuộc đời, những chân dung ấy là chắp vá được gỡ ra từ các mẩu tâm hồn ông còn sót lại trong văn, trong nhạc. Còn Trịnh Công Sơn, khi tự phác họa về mình, ông viết thế này:

Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều những sợi tóc bạc…

Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.

Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Ðó là những năm 56 – 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ…

Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.

Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.

Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.

Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người vàncuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.

Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.

Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành…

Tản văn Phác Thảo Chân Dung Tôi của Trịnh Công Sơn

Chân dung tự họa của Trịnh Công Sơn

Hơn mọi nhà nghiên cứu và những người nghệ sĩ tự nhận mình là tri kỷ của ông, ông hiểu rõ ông hơn ai hết. Cứ đọc kỹ bản phác họa chân dung của ông đi, ông không phải một Hoàng Tử Bé với đôi mắt ngây tròn, mà là một người nhẹ nhõm gánh trên vai những nặng nhọc của cuộc đời, ông cũng không ngơ ngẩn đắm đuối theo cái đẹp của tình yêu, bởi với ông các cuộc tình chỉ là sự gặp gỡ, đã đến rất gần rồi lại đi rất xa, ông không xa lánh đời mà “tham dự vào những hân hoan của đời người”. Bởi thế, ông cũng không phải tên sinh viên cuồng triết học hiện sinh để uể oải ngắm nhìn niềm tuyệt vọng nhân sinh, mà dũng cảm đi đến tận cùng của niềm tuyệt vọng, dẫu đôi khi phải thốt lên “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng”, nhưng rồi dần dần lại nhận ra rằng:

Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọn g và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.

Trích tản văn Nỗi Lòng Của Tên Tuyệt Vọng – Trịnh Công Sơn

Và rồi, ông đã chọn cho mình một thái độ sống: “tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.”

Tên tuyệt vọng yêu thương cuộc đời

Người ta chạm đến Trịnh Công Sơn ở nhiều khía cạnh, nhưng tôi thì chỉ muốn bước vào thế giới tuyệt vọng của ông, bởi ở đó, tôi được tự do là một kẻ tuyệt vọng. Những kẻ tuyệt vọng gặp nhau ở một cõi giới thì sẽ chẳng có gì xảy ra, chẳng còn khao khát hay hi vọng, mà thả trôi nhau không chút giao hòa. Đó là trạng thái thú vị hiếm hoi mà tôi có được khi tận hưởng nghệ thuật, nói như Trịnh Công Sơn, đơn giản là: “Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối.” Tức là tôi không bị lôi tuột vào trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn, mà lang thang bên ngoài chiêm ngưỡng. Mỗi ca khúc của ông là một khối tiểu cảnh nhỏ nhắn vừa được sắp đặt đầy dụng ý nhưng vẫn ẩn chứa tính bất thường khó lường của tự nhiên. Tôi không cho rằng ca khúc của ông tạo ra một cảm giác mênh mang rộng lớn của hư vô như người đời ca ngợi, những lời ấy hoắng quá, hoặc có lẽ bởi cái nhìn của họ nhỏ bé hơn ông. Các ca khúc của ông đều có một nhịp điệu cân bằng, không quá trầm chẳng quá bổng, không ngắn cũng chẳng dài lê thê, giữa niềm vui thì xen thoáng buồn thân phận, giữa nỗi sầu sẽ le lói ánh vui. Ám ảnh cân bằng ấy không phải là trạng thái của một người ở giữa mênh mông, vì trong mênh mông thì đâu có giới hạn để ta biết được rằng đâu là hài hòa và đâu là thiên lệch.

Khi còn ngây trẻ vẫn nghĩ mình là con chim bằng bay lượn tự do trên bầu trời cao rộng mênh mông, tôi đã không cảm được thế giới tuyệt vọng ấy. Chỉ đến khi đã quá mỏi mệt, tình trạng thường thấy trong các câu hát của ông, buộc phải chấp nhận như một con chim “ưu phiền”, giới hạn tầm mắt của mình trong góc đô thị chật hẹp, vẫn tiếc nhớ bầu trời mênh mông nhưng cũng đã quá yêu những đời thường trước mắt.

Tôi như con chim buồn
Bay về lúc chiều hôm
Thôi quên đi thiên đường
một đời tôi mãi tìm
Tôi như con chim bệnh
thiếu hạnh phúc trần gian
Có những tháng mùa Đông
ngồi khóc rất âm thầm

Ca khúc của Trịnh Công Sơn là một sự thâu lại giấc mơ tự do mênh mông trong tư tưởng giữa vô cùng vô tận thời gian, rồi đặt chúng vào trong cuộc sống hữu hạn nhỏ nhoi chật hẹp. Giống như những kẻ du lãng qua bao cảnh đẹp thiên nhiên khắp thế gian rồi quay về với góc nhà nhỏ bé, nhưng vẫn tiếc nhớ, và tìm cách tái hiện trong khu vườn của mình. Sự tái hiện ấy chính là biểu hiện của tuyệt vọng. Ta bắt gặp trong ca khúc của ông rất nhiều tiểu cảnh đẹp.

Tiểu cảnh của một bóng hồng:

Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Trích “Như cánh vạc bay”

Có khi là tiểu cảnh rất Huế với những bóng tháp cổ lẫn với bóng thiếu nữ, tiếng mưa rơi lẫn với tiếng bước chân, mà lá vàng rơi lẫn với phút “hồn xanh buốt”… trong tuyệt phẩm được yêu thích nhất “Diễm xưa”…

Và cả ánh nắng trong suốt lấp lánh qua kẽ tóc, qua ánh mắt của của một thiếu nữ, làm sáng bừng cỏ cây trong công viên. Công viên, ô kìa, cũng là sự tuyệt vọng của đô thị. Những con người ở đô thị không thể sống một đời phiêu lãng tự do tự tại giữa thiên nhiên, nên buộc phải tạo nên những công viên, để được hít “gió mây về ngàn”. “Nắng thủy tinh” bởi thế vừa trong trẻo, vừa đẹp, vừa tuyệt vọng hơn tất cả những lời tuyệt vọng khác. Đâu cần phải hô lên rằng tôi đang tuyệt vọng, chỉ cần mấy chữ nuối tiếc: “Mùa thu qua tay đã bao lần…” là quá đủ. Tiếc rằng, hình như chưa ai từng hát hay ca khúc này, kể cả các đại danh ca từng được xưng tụng như Khánh Ly và Lệ Thu. Nói thế nào nhỉ, giọng ca của họ quá thiếu… nắng. Nắng tưởng như mang lại niềm vui và hi vọng, nhưng nó cũng mong manh, có thể bị tắt, bị che lấp bất cứ lúc nào, bởi ánh nắng dù đẹp cũng chỉ là ánh sáng trong bóng tối. Còn những ca sĩ thời nay, từ Hà Trần đến Giang Trang đều chỉ vẽ nên được hình ảnh cô gái dễ thương bước vào công viên, còn sự nuối tiếc chẳng thể nào khắc họa.

Bản chép tay đầu tiên ca khúc “Nắng Thủy Tinh” của Trịnh Công Sơn

Với người Ả Rập, những khu vườn đóng vai trò tinh thần rất quan trọng, bởi ở giữa sa mạc nắng nóng và chết chóc, khu vườn chứa đựng giấc mơ hạnh phúc. Họ cần hình bóng của những khu vườn tới mức họ đưa cỏ cây hoa lá và muông thú vào thảm dệt, vào gạch ốp, vào các họa tiết trong vật dụng. Bóng dáng những người con gái trong khoảnh khắc thiên nhiên đẹp đẽ xuất hiện ở cõi giới tuyệt vọng của Trịnh Công Sơn cũng vậy, chứa đựng toàn bộ hi vọng hạnh phúc của ông, tương phản với chết chóc, đói nghèo, dối lừa…của cuộc đời. Định mệnh sắp đặt số phận của ông vào một cuộc chiến tang thương của dân tộc, giữa một đại cảnh hủy diệt của toàn cầu. Ông chông chênh đi giữa các phe cánh chính trị, và rồi không thể chọn phe, không muốn cầm súng để giết người, cũng không muốn biến âm nhạc của mình thành công cụ tuyên truyền. Ông viết:

Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Ðóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân…

Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.

Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác.

Trích tản văn Nỗi Lòng Của Tên Tuyệt Vọng – Trịnh Công Sơn

Chứng kiến quá nhiều nỗi đau tới mức không thể tiếp tục ở mãi trong tiểu cảnh, Trịnh Công Sơn rốt cuộc buộc phải mở to đôi mắt để chứng kiến:

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứu một người
Này em hãy đến tìm tôi
Vì những con sông đã cạn nguồn rồi
Vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời
Về cùng tôi đứng bên âu lo này

Trích “Này em có nhớ” – Trịnh Công Sơn

Nhưng sự chứng kiến ấy vẫn chưa thật sâu sắc, vẫn còn lẩn tránh, vẫn níu kéo những đấng “đã ngủ quên cùng chân lý”. Cùng với sự tuyệt vọng không thể tìm thấy cứu rỗi ấy, ông bắt đầu nhìn đau khổ chân thực hơn. Giờ đây, ngay cả đau khổ cũng được lưu lại trong tiểu cảnh – những tiểu cảnh hiện thực chết chóc.

 

Tôi không phải là người yêu thích chất giọng của danh ca Khánh Ly, dù không thể phủ nhận rằng có những khúc tình ca của Trịnh Công Sơn đến nay vẫn chưa ai hát hay hơn Khánh Ly. Giọng của Khánh Ly quá lạnh lùng, quá thế tục, quá trải đời, và vì thế nó luôn khiến các ca khúc của Trịnh Công Sơn buồn thảm. Tôi đã từng dành cả tháng ngồi trong quán trà Trường Xuân ở gần Văn Miếu và nghe đi nghe lại album Sơn Ca 7. Phần phối của Nguyễn Ánh 9 dù sang trọng cỡ nào cũng không bù lấp được chất giọng xẩm chợ của bà. Nhưng chất giọng ấy lại tình cờ phù hợp với album phản chiến Ca Khúc Da Vàng. Chất giọng xẩm chợ ấy khiến xác chết ngổn ngang và bom đạn khốc liệt được khắc nổi trên bức phù điêu Việt Nam thế kỷ 20, còn triết lý nhân sinh chẳng qua như đám mây lơ lửng bị khói súng phủ xám. Người hát xẩm chợ không giống như các ca nương lúng liếng, cũng chẳng cao sang đài các như các kỳ nữ, họ chứng kiến và hát, lạnh lẽo hiu quạnh, nhìn mọi cảnh đời dù đau thương đến đâu hóa ra cũng chỉ là cảnh thường ngày. Với tâm hồn của một nghệ sĩ, thì chút nắng tắt cuối chiều cũng đủ để bi lụy, nhưng với một người hát xẩm thì cái khổ trở nên quá đỗi bình thường, và vì thế, chúng ta – những người đứng ngoài để nhìn một người hát xẩm chứng kiến đau thương với vẻ bình thản – lại thấy nỗi đau khoét sâu hơn thế rất nhiều.

Ca khúc được Trịnh Công Sơn viết khi chứng kiến một bà mẹ khi thấy xác chết của con mình tại Bãi Dâu, phía Đông Thành phố Huế, trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968. Bà mẹ thấy xác con cứ vừa cười vừa khóc, vừa vỗ tay. Ca khúc có câu:
“Mẹ vỗ tay reo mừng xác con
Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng
Người vỗ tay cho đều gian nan”

Và đến khi ở đáy của tuyệt vọng, Trịnh Công Sơn nhận ra rằng chỉ còn một cách duy nhất là hy vọng, hy vọng được “Lại gần với nhau”, được “Nối vòng tay lớn”… Hy vọng được thắp lên ở đáy tuyệt vọng có khi còn ồn ào như lời hô hào “Hãy yêu nhau đi”, nhưng vẫn không khiến ta có cảm giác giống như lời tuyên truyền giả dối, bởi vì tất cả lời hát ấy đều vang lên trong tuyệt vọng cùng cực. Người ta chỉ có thể biết đến hy vọng, biết đến nguyện cầu, khi không còn lối thoát. Mà lời nguyện cầu của Trịnh Công Sơn còn tuyệt vọng hơn, bởi chẳng thể gửi đến ai, chỉ có thể gửi đến vô cùng:

 

Đi ra khỏi tuyệt vọng thì còn lại gì…

Các ca khúc được sáng tác trong trạng thái tuyệt vọng, lạ thay, lại là những ca khúc chạm đến trái tim của nhiều người nhất. Có lẽ bởi vì con người ai cũng tuyệt vọng, chỉ là họ chạy trốn cảm thức ấy thôi, chạy trốn vào các tham vọng, vào những niềm vui dối lừa. Nhưng đi ra khỏi sự tuyệt vọng, Trịnh Công Sơn có gì? À, ông còn có một cuộc đời bình thường, với ước ao bình thường, với khoảnh khắc đẹp đẽ… ông còn có cả một cuộc tình để nuối tiếc. Nhiều người nói rằng Trịnh Công Sơn không yêu ai trong số các nàng thơ của mình, rằng ông chỉ yêu trạng thái được yêu, rằng ông thực ra chỉ yêu mẹ ông…nhưng không phải vậy. Rất rõ ràng, ông nhận thức rằng:

Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.

Trích tản văn Tôi Đã Mơ Thấy Chuyến Đi Của Mình

Tin đồn về một thứ mặc cảm Pygmalion ở người nghệ sĩ, rằng người nghệ sĩ chỉ say đắm trạng thái yêu của mình thay vì yêu một ai đó hiện hữu, có lẽ chỉ là những lập luận xoa dịu người xem, người nghe, người đọc… Họ thần tượng những người nghệ sĩ – đại diện cho tinh thần sáng tạo của Thượng Đế – tới mức biến người nghệ sĩ trở thành nàng Galatéa, Và một khi đã là tượng đài thì không thể yêu một cách bình thường, sống một cách bình thường, và đôi khi cũng tầm thường một cách bình thường được. Vì nếu thế, ta có gì để ngưỡng mộ nữa. Chính những nghệ sĩ cũng góp phần bồi đắp thêm cho hiểu lầm này, vì họ cũng muốn trở thành một Thần Tượng, mà một khi đã là Thần Tượng thì sẽ phải hư ảo như Thần và lạnh lẽo như Tượng. Thế là tốt nhất họ không thừa nhận yêu một ai đó, khao khát một điều gì đó bình thường. Họ tự bơm thổi về một tình yêu toàn đích, và coi người tình bên cạnh họ như chỗ ký thác của cảm hứng bất tận. Nhưng Trịnh Công Sơn không thế, dường như ông có một tình yêu, chỉ là tình yêu ấy không trọn vẹn, nên cứ níu bám vào những cuộc kiếm tìm. Nhưng thôi, chúng ta đừng vội kiếm tìm cuộc tình đích thực ấy là dành cho nàng thơ nào. Đó là đời tư của ông, và ta cứ để nó là đời tư, để ông được làm người bình thường, và để ta biết ông cũng là một người bình thường. Bởi vì chỉ khi là một người bình thường thì chân tâm mới hiển lộ, bởi vì hóa ra sau tất cả, ông chỉ muốn:

Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về

Trích Một Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ – Trịnh Công Sơn

Và cả ca khúc “Đóa hoa vô thường”, một ca khúc dài hiếm hoi với khúc thức phức tạp của Trịnh Công Sơn, hóa ra là phút khai ngộ trong khoảnh khắc rất đời thường. Các học giả, và Thiền sinh, và những ai mê muội Thần Tượng Trịnh Công Sơn, khó có thể chấp nhận rằng đó là một khúc tình ca. Họ đã sai. Đó đích thực là một khúc tình ca. Trước hết, họ đã lầm lẫn về tình yêu nam nữ, họ đánh đồng các xúc cảm nam nữ với dục vọng tầm thường hay sự sến sẩm trẻ con. Thứ nữa, họ lầm lẫn về thức tỉnh tâm linh mà trong văn hóa Thiền vẫn gọi là đốn ngộ. Trạng thái thức tỉnh tâm linh không giống như tỉnh táo trong thế giới trừu tượng của triết học, cũng không phải bồng bềnh trong thế giới hư ảnh của nghệ sĩ. Đốn ngộ đến từ những hoạt động rất bình thường trong cuộc sống. Một chấp niệm đeo đuổi không thể buông bỏ được, bỗng một ngày nhận ra, và buông. Trịnh Công Sơn dành một đời tìm kiếm cuộc tình của riêng mình, có buồn có vui, có vá víu có đủ đầy, nhưng rồi trong một lần giao hòa ân ái, ông đốn ngộ. Bất kể cuộc ân ái ấy có là một giai nhân hiện hữu hay là một hư ảnh chợt bắt gặp trong cuộc kiếm tìm, thì khoảnh khắc tình yêu tuôn trào ấy, hoa chứng ngộ đã nở trong ông. Và cuộc tình ấy đã “viên thành”, không phải bằng cái kết hạnh phúc mãi mãi về sau, mà đến từ “chút tình mới chớm”. Cuộc ái ân nở hoa chứng ngộ này giống như pháp tu Mật Tông được lưu lại trong các bức tượng Phật Hoan Hỉ, mà tại đó hoan lạc yêu đương được chuyển hóa thành phúc lạc Niết bàn.

Đôi lời “xin trả nợ người”

Tôi đã nhiều lần chối bỏ nhạc của Trịnh Công Sơn, như chối bỏ một quá khứ mệt nhoài với những gương mặt nhầu nhĩ đại diện cho thứ tôn giáo thờ phụng ông. Tôi cũng chối bỏ nỗi tuyệt vọng của ông để bản thân mình được tung cao đôi cánh chim bằng bay lượn giữa thế gian. Nhưng mỗi khi tôi tuyệt vọng, tôi chán ngán hết thảy mọi thứ phơi bày trước mắt mình, dẫu không còn cái chết tang thương của chiến tranh nhưng vẫn còn quá nhiều giả dối lọc lừa, thì từ sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn nghe thấy tiếng hát của ông:

Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này

Trích Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng – Trịnh Công Sơn

Và hóa ra, tôi đã nợ ông một bài viết, hình như thoáng cái đã gần hai chục năm, và hóa ra tôi đã phụ ông, dẫu rằng tôi chưa từng được gặp ông ở thế gian này. Và bài viết này “xin trả nợ người”, trả lại những hứa hẹn thời bé, đồng thời, tôi cũng trả nợ tôi, trả nợ những ngày dại dột đã “không nhớ gì tôi”, đã “quên hết tình tôi”. Với tôi, thế là đủ. Còn ngoài kia, họ tranh cãi những gì về ông thì cứ để cho gió cuốn trôi…

Hà Thủy Nguyên

*Nguồn ảnh: Báo Hải Quan

> Đọc thêm bài:

Cảm nghĩ khi nghe ca khúc Tìm Nhau của nhạc sĩ Phạm Duy – Book Hunter

TỪ BAO GIỜ NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI KHÔNG CÒN ĐEO ĐUỔI CÁI ĐẸP? – Book Hunter

ÂM NHẠC, CÂU CHUYỆN CỦA LOÀI NGƯỜI – Book Hunter

Hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ (phần 2): Diễn biến phong trào

Diễn biến hoạt động xã hội chống chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ Tổ chức theo New Left thành lập và phát triển trước giai đoạn phản chiến (Tham khảo lịch sử chính trị Hoa Kỳ qua cuốn sách được xuất bản trong năm 2020 Nước Mỹ chuyện chưa kể tại đây) Trước 1964, hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam diễn ra nhỏ lẻ, với sự tham gia của các tổ chức có mục tiêu hòa bình như War Resisters League (WRL), Committee

Hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ (phần 1): Những tiền đề cơ bản

Vì sao quan tâm tới phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam Là người Việt, chúng ta đã biết ít nhiều về cuộc chiến của người dân Việt Nam chống lại quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ ủng hộ đằng sau. Tuy nhiên ít người còn nhớ việc người dân Mỹ trong giai đoạn này cũng đã đấu tranh phản đối việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Bài viết này nhằm giúp chúng ta biết thêm một

Cảm nghĩ khi nghe ca khúc Tìm Nhau của nhạc sĩ Phạm Duy

Một trong những ca khúc để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và mơ man chính là bài Tìm nhau của Phạm Duy, sáng tác năm 1956. Tìm Nhau, hẳn là sự tìm kiếm đến từ hai phía. Tại sao lại phải đi tìm? Liệu cuộc đời có thể được định nghĩa một cách ngắn gọn là một sự tìm kiếm. Có người tìm kiếm chân lý, có người tìm kiếm lý tưởng, có người tìm kiếm sự bình an, có người tìm kiếm hạnh
le-nam

Lê Nam

20/11/2022

“Đừng bỏ em một mình” – Tiếng gió hay tiếng hồn

Phạm Duy, người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp bất hoại trước thời gian và không gian. Người nghệ sĩ luôn hướng về cái đẹp bất chấp là trong cõi thẳm sâu, chết chóc. Nhạc của ông không chỉ là sự kết nối giữa những người đương thời, giữa hiện tại với quá khứ và vị lai, mà còn giữa những linh hồn ở hai bờ sinh tử. Đừng bỏ em một mình là ca khúc được viết về điều đó. Nỗi buồn và sự

Hòa bình hay chiến tranh nằm trong tay chúng ta – Giao lưu với Peter Kuznick và Tom Wilber

Vào ngày 13/1/2024, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của hai người bạn viễn phương đến từ Hoa Kỳ của Book Hunter, nhà sử học, đồng tác giả "Nước Mỹ chuyện chưa kể" Peter Kuznick và nhà nghiên cứu, đồng tác giả "Tù binh bất đồng chính kiến" Tom Wilber, chúng tôi đã mời hai ông đến Trung tâm Book Hunter làm diễn giả cho một cuộc chia sẻ về chủ đề Viễn cảnh hòa bình hay chiến tranh nằm trong tay chúng ta. Trong