Home Chơi ÂM NHẠC, CÂU CHUYỆN CỦA LOÀI NGƯỜI

ÂM NHẠC, CÂU CHUYỆN CỦA LOÀI NGƯỜI

Minh Hùng

04/03/2019

Âm nhạc xuất hiện như thế nào? Từ thuở ban đầu, tổ tiên chúng ta gõ các vật vào nhau để tạo ra nhịp điệu, hay họ dùng giọng để hát? Họ dùng những loại nhạc cụ nào? Phải chăng âm nhạc luôn đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người, và nếu là thế, vì lý do gì vậy? Đó là những vấn đề được khám phá trong một bài viết được đăng trên Frontiers in Sociology, mục Giả thuyết và Lý thuyết. Những câu trả lời sẽ tiết lộ cho ta thấy, câu chuyện âm nhạc, bằng nhiều cách khác nhau, chính là câu chuyện của loài người.
Vậy, âm nhạc là gì? Thật khó trả lời, mỗi người lại một quan niệm riêng. Jeremy Montagu, tác giả của bài viết, đến từ trường Đại học Oxford, đã miêu tả quan niệm của mình một cách ngắn gọn: Âm nhạc là âm thanh truyền tải cảm xúc. Khi người mẹ ngâm nga nho nhỏ để trấn an đứa con thơ của mình, đó cũng được tính là âm nhạc theo định nghĩa nêu trên, và thứ âm nhạc giản đơn này có thể đã ra đời trước lời nói.
Vậy đâu là sự phân tách rõ ràng giữa âm nhạc và lời nói? Bạn có thể nghĩ rằng nhịp điệu, khuôn mẫu và điều khiển hơi là quan trọng trong âm nhạc, nhưng những thứ đó cũng có thể được sử dụng khi người ta ngâm một bài sonet hoặc nói chuyện một cách diễn cảm. Montagu kết luận rằng “mỗi người trong chúng ta, theo cách riêng của mình, đều có thể phán “Đúng, đó là âm nhạc” và “Không, đó chỉ là lời nói”.”
Như vậy thì, tự bao giờ tổ tiên của chúng ta bắt đầu tạo ra âm nhạc? Nếu nói về việc hát, vậy thì việc điểu khiển hơi là quan trọng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu hóa thạch hộp sọ và hàm của những loài khỉ hình người để xem xét khả năng phát âm và kiểm soát giọng của chúng. Khoảng một triệu năm trước đây, tổ tiên chung của người Neanderthal và người hiện đại đã có đủ cấu trúc giải phẫu để “hát” như chúng ta, nhưng chúng ta không có cách nào để biết được họ có làm vậy hay không.
Một yếu tố quan trọng khác của âm nhạc là nhịp điệu. Tổ tiên xa xưa của chúng ta có thể tạo ra nhịp nhạc bằng cách vỗ tay. Điều này có thể dẫn đến sự ra đời của loại nhạc cụ đầu tiên, khi người ta bắt đầu nhận thấy rằng vỗ vào đá hoặc que thì cũng không làm đau tay cho lắm. Nhiều nhạc cụ có thể được làm từ các vật liệu mềm như gỗ hoặc sậy, và do đó, không thể tồn tại được cho tới tận ngày nay. Những gì còn sót lại chỉ là những ống xương. Các nhạc cụ cổ nhất tìm được đã 39 000 đến 43 000 tuổi, làm từ xương thiên nga hoặc kền kền. Một số nhạc cụ khác được tìm thấy ở những nơi không ngờ tới. Chẳng hạn, có bằng chứng cho thấy người ta đã gõ vào thạch nhũ hay đá trong các hang động từ 12 000 năm trước đây, hang động đóng vai trò cộng hưởng cho âm thanh.
Như vậy, chúng ta biết âm nhạc có nguồn gốc cổ xưa, và có thể đã gắn bó với loài người từ thuở vừa mới bắt đầu tiến hóa. Nhưng lý do gì khiến nó có thể phát triển và đứng vững trong lịch sử? Âm nhạc có thể có rất nhiều chức năng khác nhau. Đầu tiên là giúp người ta nhảy múa. Không thể biết chắc được vũ công đầu tiên tạo ra nhạc cụ, hay chính âm nhạc khiến con người vận động theo nhịp điệu. Một lý do hiển nhiên khác, âm nhạc làm người ta thư giãn, cả với mức độ cá nhân hoặc cộng đồng. Âm nhạc được dùng để truyền tin qua những khoảng cách xa xôi, sử dụng nhạc cụ như trống hoặc tù và. Thêm một lý do nữa, âm nhạc còn là nghi thức, hầu như mọi tôn giáo đều dùng tới âm nhạc.
Tuy nhiên, lý do chính khiến âm nhạc phát triển và đứng vững đến nay là nó có thể mang con người lại gần nhau hơn. Montagu giải thích: “Âm nhạc dẫn tới sự liên kết, chẳng hạn như liên hệ giữa mẹ và con, hay mối quan hệ giữa các cộng đồng. Âm nhạc làm người công nhân hạnh phúc hơn khi làm những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, giúp mọi người di chuyển cùng nhau, tăng sức lực làm việc. Nhảy múa hát hò cùng với nhau trước khi đi săn hoặc trước trận chiến giúp tăng cường mối quan hệ giữa những người trong cùng một nhóm.” Montagu kết luận: “Thậm chí có thể cho rằng, âm nhạc, với sức mạnh tạo mối liên kết như vậy, đã tạo ra không chỉ gia đình mà cả xã hội, đưa những cá nhân nhỏ lẻ đơn độc đến gần nhau hơn.”
Người dịchTư Thành 
Bài gốchttps://blog.frontiersin.org/2017/06/29/the-story-of-music-is-the-story-of-humans/

MUỐN LUYỆN NÃO? HÃY HỌC CHƠI NHẠC CỤ

Học chơi nhạc có thể tác động đáng kinh ngạc đến cấu trúc bộ não, tăng cường trí nhớ, tư duy không gian và kỹ năng ngôn ngữ của bạn. Ngành kinh doanh về rèn luyện trí não đáng giá nhiều triệu đôla đang bị công kích dữ dội. Tháng 10/2014, một nhóm gồm hơn 100 nhà thần kinh học và tâm lý học xuất sắc đã viết một bức thư ngỏ cảnh báo rằng “những trò chơi luyện não thường xuyên được phóng đại

Minh Hùng

13/08/2019

Giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc: Một phương pháp luyện tập phi cổ điển

Kỹ thuật thanh nhạc hiện đang là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của khán thính giả của cả Việt Nam và trên khắp thế giới, trong bối cảnh sức hút của nghề ca hát ngày càng lớn mạnh, và điều kiện để tập luyện cũng có nhiều thuận lợi hơn trước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng trong lĩnh vực này, dẫn tới còn nhiều bất đồng, tranh cãi có khi tới mức nảy lửa