Trẻ em sinh ra đã bất lực và hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn. Do đó, luật pháp dóng vai trò rất cần thiết trong việc bảo vệ trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em và cho phép trẻ em có tiếng nói trong các quyết định liên quan. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề.
Đi tìm sự cân bằng giữa bảo vệ và độc lập
Con người không giống như những loài khác
Trẻ em được hưởng một số quyền đặc biệt. Các quyền này tách biệt với các quyền con người nên có thể được xem như một loại quyền phụ. Sự tách biệt với quyền con người ngụ ý rằng một đứa trẻ không được xem như những người bình thường và do đó nhận được sự bảo vệ không giống với một người trưởng thành.
Hơn nữa, hệ thống pháp luật thường không cân bằng được giữa bảo vệ quá mức và quá nhiều tự do. Ví dụ: mặc dù trẻ em được kỳ vọng sẽ ngày càng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn khi lớn lên, nhưng cha mẹ thường phải gánh trách nhiệm tài chính cho những hành vi sai trái của con cái khi chúng chưa đủ 18 tuổi. Vì vậy, đứa trẻ có thể bị coi như gánh nặng khi đặt cạnh một cá nhân có trách nhiệm.
Cuối cùng, đối với một số người, các quyền sẽ không tồn tại nếu thiếu vắng các yếu tố tương ứng ở trẻ em: trách nhiệm. Đa số các quyền quốc tế liên quan đến trẻ em chỉ đề xuất các nghĩa vụ đạo đức, chẳng hạn như tôn trọng cha mẹ và do đó thường bị xem là không liên quan.
Xác định trẻ em theo độ tuổi
Rất khó để xác định chính xác độ tuổi mà một đứa trẻ trở thành người trưởng thành vì mỗi người phát triển với một tốc độ khác nhau. Vì vậy, giới hạn độ tuổi cố định được xác định dựa trên quan điểm, và điều này có thể dễ dàng nhận ra là rất không phù hợp.
Tuy nhiên, nếu không có các quy tắc được xác định rõ ràng, trẻ em có nguy cơ bị đối xử theo những cách mà chấp nhận được với người lớn nhưng lại không phù hợp với trẻ em. Điều này có thể bao gồm hôn nhân, công việc và tù ngục. Mặt khác, những đứa trẻ có khả năng tự suy nghĩ và đưa ra quyết định của riêng mình có thể thấy rằng quan điểm của chúng bị phớt lờ.
Vì vậy, quyền trẻ em mà không có giới hạn độ tuổi cụ thể sẽ bị chỉ trích, do chúng khiến trẻ em dễ bị lạm dụng ở một số quốc gia. Ví dụ, Hiến chương châu Phi về Quyền và Phúc lợi của Trẻ em nghiêm cấm trẻ em nhập ngũ do xung đột vũ trang, nhưng không nêu rõ độ tuổi áp dụng quy tắc này. Trên thực tế, hiến chương cho phép những “người trưởng thành” 11 tuổi nhập ngũ, dẫn đến biện pháp bảo vệ được nêu trong văn bản là vô nghĩa.
Tuy nhiên, một số văn bản có giới hạn độ tuổi ở các quốc gia. Nhưng các văn bản này đôi khi không hợp lý vì bảo vệ quá mức không phù hợp với sự trưởng thành của một đứa trẻ, ví dụ như các em có thể muốn mua nhà hoặc kết hôn với một ai đó trước khi bước sang tuổi 18 chẳng hạn.
Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, trong điều đầu tiên nêu rõ, “trẻ em là mọi con người dưới mười tám tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng cho trẻ em quy định trẻ em phải trưởng thành sớm hơn.”
Tuy nhiên, giới hạn độ tuổi này cũng không hiệu quả vì nó vẫn cho phép người ta đối xử với trẻ em như người trưởng thành quá sớm. Việc này sẽ an toàn hơn nếu đặt ra một giới hạn độ tuổi thấp hơn mà dưới bất kỳ trường hợp nào, một người không thể được coi là người trưởng thành. Ví dụ: sẽ hợp lý khi mường tượng giới hạn độ tuổi tối thiểu mà bảo vệ tất cả những người dưới 16 tuổi.
Quyền phổ quát?
Quyền trẻ em được mô tả trong Công ước về quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho tất cả trẻ em trên thế giới có quyền như nhau.
Tầm nhìn lý tưởng về trẻ em của phương Tây đang bị tranh cãi gay gắt trên toàn thế giới. Các quốc gia khác nhau có nền văn hóa khác nhau và không phải tất cả trẻ em đều có mong muốn hoặc nhu cầu giống nhau. Các quốc gia phương Tây đóng vai trò trung tâm của các văn bản không nghiên cứu kỹ lưỡng các thông lệ và truyền thống khác nhau. Do đó, các quốc gia có phong tục tập quán khác với các quốc gia phương Tây ít được khuyến khích tích hợp các quyền của trẻ em này vào đời sống của họ vì họ có thể sợ nó đem tác động tiêu cực đến văn hóa của họ.
Tuy nhiên, ở cấp độ khu vực, sự khác biệt địa phương được tích hợp nhiều hơn vào các văn bản. Chúng đang dần được xem xét, nhưng vẫn thường bị các tổ chức quốc tế trên phạm vi toàn cầu bỏ qua.
Ví dụ, Hiến chương Châu Phi về Quyền và Phúc lợi Trẻ em lồng ghép trẻ em vào khái niệm ‘nhóm’ và áp đặt trách nhiệm không như Công ước về Quyền Trẻ em. Trong điều 31, hiến chương tuyên bố rằng “mọi trẻ em phải có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội của mình, Nhà nước và các cộng đồng được pháp luật công nhận và cộng đồng quốc tế”. Tầm quan trọng đặt lên nhóm (có thể làm giảm tầm quan trọng của cá nhân) phản ánh sự công nhận các phong tục trên lục địa châu Phi.
Cuối cùng, quyền trẻ em đôi khi bị chỉ trích là không thực tế vì quyền không tính đến những khác biệt về kinh tế, xã hội và chính trị tồn tại giữa các quốc gia. Trên thực tế, rất khó để áp dụng các quyền giống nhau cho tất cả trẻ em trên thế giới do các em không sống trong những điều kiện giống nhau. Chẳng hạn, sẽ không liên quan nếu áp dụng quyền có thời gian giải trí ở những quốc gia mà quyền sống hoặc quyền có nước thậm chí không thể được thực thi.
Quyền trẻ em… và thực tế – Hành động và không hành động của quốc gia
Tuân thủ các văn bản
Rất nhiều quốc gia vẫn chưa ký hoặc phê chuẩn các văn bản quốc tế về quyền trẻ em. Trong số các quốc gia đã ký kết, một số sử dụng quyền tài phán hoặc các biện pháp chính trị để giới hạn phạm vi của các quyền. Điều này về cơ bản khiến cho một số quyền được nêu trong các văn bản trở nên vô nghĩa.
Mức độ tin cậy về quyền của trẻ em cũng bị đe dọa khi những quốc gia đã biên soạn và chỉnh sửa các quyền mà thậm chí không hoàn toàn tôn trọng.
Hiệu quả của quyền trẻ em
Điều 4 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định rằng các quốc gia thành viên phải cam kết thực hiện các quyền của trẻ em như được nêu ra trong văn bản. Tuy nhiên, có rất ít quốc gia không vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm cả vi phạm quyền trẻ em. Trên thực tế, bất chấp tính chất bắt buộc của luật pháp quốc tế, nhiều quốc gia vẫn không nhìn nhận quyền trẻ em là bất cứ điều gì khác hơn là các nguyên tắc đạo đức.
Hơn nữa, để áp đặt một công văn quốc tế ở cấp độ quốc gia, các bộ luật phải được phủ quyết và điều chỉnh để đáp ứng các quyền mà họ công bố. Hệ thống này phức tạp và thường không được xem là ưu tiên. Do đó, một số quốc gia, ngay cả khi họ đã tuân thủ các công ước quốc tế, không phải lúc nào cũng tích hợp các quyền của trẻ em vào quyền tài phán nội bộ của họ vì các lý do chính trị hoặc tôn giáo…
Ngay cả khi luật được thông qua, các tổ chức quan trọng để thực hiện các quyền này, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em, cảnh sát và bệnh viện, v.v., không phải lúc nào cũng có sẵn do chi phí cao.
Ở những nơi có các tổ chức này, trẻ em thường không thể tiếp cận được hoặc các tổ chức hoạt động không hiệu quả do hạn chế về địa điểm hoặc tài chính và/hoặc thiếu kiến thức hoặc tham nhũng.
Quyền trẻ em chỉ có thể có hiệu quả khi các quốc gia đưa ra các chiến lược để lên án bất kỳ ai vi phạm các quyền này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia không có biện pháp lên án lạm dụng một cách hiệu quả.
Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có thể áp đặt các quyết định pháp lý ngay cả khi chúng được tạo ra. Sự tồn tại của quyền trẻ em bị đặt ra nghi vấn bởi thực tế là chúng không thể được thực thi và hành vi lạm dụng không bị trừng phạt.
Tư pháp quốc tế và quyền trẻ em
Vấn đề vẫn là ở cấp độ quốc tế, không có thẩm quyền nào có quyền xử phạt các quốc gia và cá nhân liên quan đến việc tôn trọng các quyền của trẻ em.
Các hiệp hội và tổ chức tố cáo hành vi vi phạm nhưng không thể cải thiện tình hình nếu không có quyền đưa ra phán quyết hoặc chế tài pháp lý.
Các quốc gia thành viên của Công ước về Quyền trẻ em phải lập báo cáo về những tiến bộ mà họ đã đạt được liên quan đến các biện pháp được áp dụng để thực hiện quyền trẻ em ở quốc gia của họ. Tuy nhiên, họ chỉ được yêu cầu lập một báo cáo trong hai năm sau khi Công ước được thông qua và sau đó cứ 5 năm một lần. Các báo cáo này có vẻ không chính xác và không hiệu quả.
Mặc dù một nghị định thư bổ sung đã được phê duyệt vào năm 2011 cho phép các khiếu nại cá nhân được gửi đến Ủy ban Quyền trẻ em, nhưng có nhiều trở ngại cản trở tính hiệu quả của nó (tiểu bang phải đồng ý với nghị định thư và thủ tục khiếu nại, đó là không được công bố rộng rãi, dài dòng và tốn kém). Có những tổ chức khác được áp dụng, chẳng hạn như Tòa án Nhân quyền Châu Âu hoặc Ủy ban Châu Phi về Quyền và Phúc lợi của Trẻ em, nhưng những khó khăn tương tự cũng diễn ra.
Xử phạt một nước vẫn là một vấn đề nan giải và bất thường và thậm chí còn khó khăn hơn nếu nhà nước đó hùng mạnh về kinh tế hoặc quân sự.
Các trường hợp quốc gia vắng mặt
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc lật đổ chính quyền, bản thân nhà nước không phải lúc nào cũng có thể yêu cầu người dân tôn trọng quyền trẻ em. Ở một quốc gia có bạo lực, thậm chí có thể quyền trẻ em không được áp dụng theo luật cụ thể thời chiến. Chỉ những quyền cơ bản nhất như quyền được sống vẫn được áp dụng.
Cuối cùng, trẻ em không có quốc tịch, nghĩa là những người không có quốc gia hoặc những người tị nạn đã rời khỏi đất nước mình, không thể dựa vào tình trạng gốc gác của họ để được bảo vệ.
Vai trò của xã hội
Luật pháp quốc tế thường khác biệt quá xa so với thực tế. Việc thực hiện các quyền của trẻ em vẫn phụ thuộc vào sự hợp tác của cha mẹ và gia đình, cũng như các chuyên gia nhà nước và tư nhân cùng tất cả những người khác hàng ngày. Trên thực tế, nếu không có họ, quyền trẻ em không tồn tại.
Ở hầu hết các quốc gia, một đứa trẻ không thể tự mình khiếu nại. Bé phải có người lớn đi cùng để đảm bảo rằng ít nhất, tiếng nói của bé được nghe thấy.
Tương tự như vậy, luật pháp quốc tế thúc đẩy các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử, nhưng vẫn mang tính lý thuyết thuần túy. Trên thực tế, cần phải đấu tranh tích cực hơn nữa đối với các hủ tục phân biệt đối xử. Trên thực tế, trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ em gái hoặc trẻ em dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các hành vi vi phạm quyền trẻ em nhiều hơn những trẻ em khác. Ví dụ, theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào năm 2008, trẻ em Roma ở Slovakia bị coi là bị từ chối nhập học một cách có hệ thống, mặc dù thực tế là Slovakia đã ký một số văn bản quốc tế chống lại kiểu hành nghề này.
Do đó, để biến quyền của trẻ em thành hiện thực, các quốc gia cần phát triển hơn nữa thông tin liên quan đến quyền và giúp đỡ nhiều hơn cho trẻ em và gia đình của chúng cũng như làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn vi phạm.
Nguồn: Humanium
Dịch: Hà Nguyên