Chiến tranh thế giới thứ nhất, ban đầu được gọi là Đại Chiến, đã gây ra cái chết cho hơn chín triệu người, vốn được châm ngòi bằng vụ ám sát người sẽ thừa kế vương vị đế quốc Áo-Hung, Thái tử Franz Ferdinand nước Áo. Tuy nhiên, đây chỉ là ánh lửa châm vào đám quân đội hổ lốn, hiếu chiến và các phe phái phức tạp tạo nên hai lực lượng chính trị đối đầu nhau ở châu Âu: phe Hiệp ước và phe Liên minh.
Đại Chiến trở thành chiến tranh tiêu hao vì cả hai bên đều sử dụng chiến hào kỹ lưỡng để ẩn nấp và tránh pháo kích của đối phương. Mỗi chiến hào đều được bảo vệ bằng thép gai, giữa các chiến hào là Khu vực Không người ở. Quân đội được lệnh chiến đấu sẽ phải leo xuyên qua một khoảng không lớn không được quân đội bảo vệ, để tiếp cận và tấn công kẻ thù. Thực hiện những nhiệm vụ như vậy thường gây nhiều thương vong trong khi mỗi bên chỉ có thể chiếm được một phần đất rất nhỏ. Tấn công hoá học lúc này vẫn chưa bị cấm. Bài thơ ‘Dulce et Decorum Est’ (Dulce và Decorum Est) của Wilfred Owen mô tả lại trải nghiệm khi đối mặt với một cuộc tấn công bằng khí gas.
Điều kiện sống dưới hầm chiến cực kỳ khắc nghiệt. Bệnh tật triền miên như: Hội chứng chân ngập nước (Trench foot), ở đó binh sĩ đối mặt với nguy cơ hoại tử và nấm sinh do điều kiện ẩm mốc, bùn lầy; Sốt chiến hào (Trench fever), một loại bệnh bao gồm viêm kết mạc, phát ban và đau đầu; Nướu viêm cấp tính, hay viêm lợi loét hoại tử cấp tính. Trước khi Hoà ước Versailles kết thúc cuộc chiến vào ngày 28 tháng 6 năm 1919, có ít nhất hai triệu người chết do bệnh tật trong các chiến hào.
Hậu quả sau cuộc chiến là sự xuất hiện của một nhóm người trẻ mới, được gọi là “Thế hệ lạc lối”. Thuật ngữ này được Gertrude Stein đề xuất khi bà quan sát một người chủ gara ô tô nói chuyện với một nhân viên trẻ của ông ta, điều được Hemingway sau đó sử dụng làm chất liệu để viết nên tác phẩm “Mặt trời vẫn mọc” (The Sun Also Rises, 1926): “Tất cả các ông đều là thế hệ lạc lối”. Lời buộc tội này ám chỉ đến sự thiếu mục tiêu và dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đến từ cơn vỡ mộng kinh hoàng của những người lớn lên và kinh qua chiến tranh, những người lúc bấy giờ chỉ mới hai mươi, ba mươi tuổi. Chứng kiến hàng loạt cái chết vô nghĩa, nhiều người mất niềm tin vào các giá trị truyền thống như lòng dũng cảm, yêu nước hay tính nam nhi. Một số người lại trở nên bâng quơ, liều lĩnh và chú trọng đến tiền tài vật chất, không chút niềm tin vào lý tưởng nào cả.
Trong văn chương, “Thế hệ lạc lối” này cũng dùng để chỉ một nhóm nhà văn, nhà thơ, đàn ông cũng như phụ nữ của giai đoạn này. Tất cả họ đều là người Mỹ, nhưng nhiều người tìm đến châu Âu. Trong số đó có thể kể đến nhiều tên tuổi như Gertrude Stein, Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, và T. S. Eliot.
Điểm chung trong sáng tác của những con người thuộc Thế hệ lạc lối là:
Suy đồi: Xem các bữa tiệc xa hoa của James Gatsby trong tác phẩm Đại gia Gatsby của Fitzgerald hay những bữa tiệc tùng của các nhân vật khác trong tập truyện ngắn Chuyện kể về thời nhạc Jazz của ông; Nhớ về vòng luẩn quẩn những chuyến đi lại, ăn uống trong vô định của người xa xứ trong tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc và Hội hè miên man (A Moveable Feast) của Hemingway; nhiều người mang tâm tưởng khoái lạc bởi chiến tranh đã vùi lấp bao nhiêu lý tưởng. Các nhà văn thuộc Thế hệ lạc lối bộc lộ lên bản chất hèn nhát trong lối sống hời hợt, phù phiếm của giới trẻ và sự giàu có nhanh chóng thời hậu chiến.
Vai trò giới và Sự bất lực: Sự thoái trào của tinh thần thượng võ thời chiến trong đời sống thanh niên đã giáng một đòn nghiêm trọng lên vai trò truyền thống của giới và hình tượng nam nhi; trong Mặt trời vẫn mọc, Jake, người kể chuyện, bất lực theo đúng nghĩa đen trước vết thương chiến tranh khi thay vì yêu một cô cô gái mạnh mẽ như Brett, anh lại gạ gẫm nhân tình và chăm nom cả đời họ; bài thơ Bản Tình ca của J.Alfred Prufrock do T.S.Eliot sáng tác cũng vậy, Prufrock không thể nào công khai tình cảm với một người giấu tên được.
Quá khứ huy hoàng: thay vì đối diện với cuộc chiến kinh hoàng, nhiều người lại tạo dựng nên một quá khứ mộng mơ đầy huyễn hoặc, một hình ảnh hào nhoáng đầy xa xăm. Ví dụ điển hình nhất chính là sự lý tưởng hoá của Gatsby với Daisy bởi ông không thấu được cô, và những dòng sau cùng, khép lại cuốn tiểu thuyết bằng cái chết và sự tuyệt vọng:
“Gatsby tin vào đốm sáng xanh ấy, tin vào cái tương lai ảo mộng cứ xa dần theo năm tháng. Dẫu rằng nó đã bay xa, nhưng có hề chi đâu, mai đây chúng ta lại chạy nhanh hơn, sải cánh xa hơn… Và một sáng đẹp trời—Vậy nên hãy cứ đạp lên con sóng dữ, những thứ không ngừng đẩy ta lùi về phía sau”.
Kate O’Connor
Nguồn: Writer Inspire
Dịch: Lê Minh Tân