Bên cạnh vai trò một nhà văn, nhà thơ, Edgar Allan Poe còn được biết đến là nhà phê bình văn học có sức ảnh hưởng lớn đến nền văn học Mỹ. Thông qua các bài tiểu luận phê bình được đăng tải trên các tạp chí, ông đã đóng góp vào quá trình định hình một số khái niệm và thuật ngữ mà sau này trở nên rất phổ biến trong lĩnh vực phê bình văn học.
Ngày nay, Edgar Allan Poe nổi tiếng với tư cách là cha đẻ của thể loại văn học trinh thám. Tuy nhiên, sự nghiệp sáng tác của ông kỳ thực lại gắn liền với văn học gothic. Phần lớn nguồn cảm hứng cho Poe đến từ chính cuộc đời đầy bi kịch mà ông đã cố trốn tránh bằng thơ văn. Không chỉ sáng tác các tác phẩm văn học gothic đầy ám ảnh, Poe còn tự phát triển những nguyên tắc then chốt nhằm tạo ra thẩm mỹ văn chương, cảm xúc, hiệu quả diễn đạt trong từng tác phẩm, dù là truyện hay thơ.
> Tìm hiểu và đặt mua tập tiểu luận LINH TÍNH VÀ LÝ TRÍ của Edgar Allan Poe do Book Hunter thực hiện xuất bản.
Thống nhất hiệu ứng
Nguyên tắc đầu tiên được gọi là “thống nhất hiệu ứng”. Poe sử dụng nguyên tắc này một cách đều đặn trong các sáng tác của ông, đặc biệt là truyện ngắn. Ông cho rằng một câu chuyện nên được viết một mạch và đọc một mạch. Poe không thích việc không khí của câu chuyện bị phá vỡ trong lúc viết hoặc đọc, bởi đối với các truyện có hơi hướm gothic thì không khí xuyên suốt truyện là điều quan trọng nhất. Nguyên tắc này giúp trọng tâm của truyện được giữ vững, nên mỗi câu thoại hay lời văn đều sẽ góp phần đẩy mạnh cường độ cảm xúc. Dẫu vậy, nguyên tắc này đòi hỏi một sự ngắn gọn. Nó phù hợp với quan điểm của Poe khi nhận xét về hai kiệt tác của John Milton trong tiểu luận “Thư gửi ông B.”, theo đó điểm mà ông chê trách ở cả hai tác phẩm này đều là chúng quá dài dòng.
Trong số các tác giả mà Poe từng công kích công khai thông qua tiểu luận phê bình của mình, William Wordsworth có lẽ là một trong số ít những người bị đề cập đến một cách trực diện. Poe dường như không hài lòng với lối sáng tác mà ông cho là nặng lý trí của William Wordsworth. Điều này thật dễ hiểu, khi nguyên tắc quan trọng thứ hai của Poe, không gì hơn ngoài việc bác bỏ ngụ ngôn và chủ nghĩa giáo huấn. Với nguyên tắc này, Poe xem nghệ thuật đơn thuần là nghệ thuật, không dành cho xã hội.
Every poem, it is said, should inculcate a moral; and by this moral is the poetical merit of the work to be adjudged. We Americans especially have patronized this happy idea; and we Bostonians, very especially, have developed it in full. We have taken it into our heads that to write a poem simply for the poem’s sake, and to acknowledge such to have been our design, would be to confess ourselves radically wanting in the true poetic dignity and force: — but the simple fact is, that, would we but permit ourselves to look into our own souls we should immediately there discover that under the sun there neither exists nor can exist any work more thoroughly dignified — more supremely noble than this very poem — this poem per se — this poem which is a poem and nothing more — this poem written solely for the poem’s sake. – The Poetic Principle, Edgar Allan Poe.
[Mỗi bài thơ, người ta nói, cần hằn sâu đạo đức; và giá trị thơ ca trong tác phẩm sẽ được đánh giá thông qua ý nghĩa đạo đức này. Người Mỹ chúng ta đặc biệt ủng hộ cho ý tưởng tuyệt vời này; và dân Boston chúng tôi, rất đặc biệt, đã phát triển nó ở mọi khía cạnh. Chúng tôi đã nghĩ rằng viết một bài thơ đơn giản vì lợi ích của bài thơ đó, và thừa nhận đó là mục đích của mình, thì sẽ là thừa nhận bản thân chúng tôi thiếu đi phẩm giá lẫn sức mạnh thơ ca đích thực: – thế nhưng sự thật đơn giản là khi cho phép bản thân nhìn vào tâm hồn mình, chúng ta sẽ ngay lập tức khám phá ra rằng dưới ánh mặt trời không tồn tại cũng như không thể tồn tại bất kỳ tác phẩm nào hoàn toàn có giá trị – cao quý hơn bài chính bài thơ này – bài thơ này tự thân nó – bài thơ này là một bài thơ và không gì khác – bài thơ này được viết ra chỉ vì lợi ích của bài thơ.]
Đề cao cá tính, cảm xúc và tầm nhìn
Bên cạnh đó, chủ nghĩa lãng mạn mà Poe theo đuổi cũng phủ nhận tính hợp lý lẫn giáo điều. Cá tính, cảm xúc và tầm nhìn được Poe đánh giá là quan trọng hơn. Do đó, độc giả có thể thấy một số điểm bất hợp lý, đi ngược lại logic thông thường trong tác phẩm của ông. Chẳng hạn, thay vì đặt lên bức tượng bán thân của vị thần trí tuệ Pallas một con cú như truyền thống theo thần thoại, ông lại đặt lên đó một con quạ:
Open here I flung the shutter, when, with many a flirt and flutter,
In there stepped a stately raven, of the saintly days of yore.
Not the least obeisance made he; not a minute stopped or stayed he;
But with mien of lord or lady, perched above my chamber door.
Perched upon a bust of Pallas, just above my chamber door,
Perched, and sat, and nothing more.
(Raven, Edgar Allan Poe)
Cũng trong “Thư gửi ông B.”, Poe nhắc đến bài thơ Temora1 – một thiên sử thi bằng thơ mà danh tính tác giả lẫn nguồn gốc vẫn còn chưa chắc chắn – theo cách gay gắt để công kích quan điểm của William Wordsworth. Tuy nhiên, bỏ qua sự không hài lòng đối với William Wordsworth, chẳng khó để nhận ra thái độ “ghẻ lạnh” của ông dành cho cả thể loại thơ sử thi. Điều này không quá khó hiểu khi nguyên tắc thứ ba trong phê bình và sáng tác của Poe là thơ sử thi không phải là thơ đúng nghĩa, vì thể loại này không có quá nhiều cảm xúc và cũng không được dẫn dắt bằng cảm xúc. Các bài thơ sử thi thường có dung lượng lớn, nội dung và kết cấu là một câu chuyện hoàn chỉnh, vì vậy chúng luôn có lý tính nhiều hơn so với các bài thơ thuộc thể loại khác. Poe theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn, đề cao cá tính lẫn cảm xúc cá nhân, thế nên thơ sử thi gần như không phù hợp với những tiêu chuẩn lẫn kỳ vọng mà ông đặt ra cho thơ ca.
Dung lượng là một yếu tố then chốt
Ba nguyên tắc trên khi kết hợp với nhau đều cho thấy rằng Poe có sự cân nhắc nhất định đến dung lượng khi ông đánh giá hoặc phê bình một tác phẩm văn học, đặc biệt là thơ, như ông đã đề cập trong tiểu luận The Poetic Principle:
By “minor poems” I mean, of course, poems of little length. And here, in the beginning, permit me to say a few words in regard to a somewhat peculiar principle, which, whether rightfully or wrongfully, has always had its influence in my own critical estimate of the poem. I hold that a long poem does not exist. I maintain that the phrase, “a long poem,” is simply a flat contradiction in terms. – The Poetic Principle, Edgar Allan Poe
[Tất nhiên, với “các bài thơ nhỏ” thì ý tôi là các bài thơ có dung lượng nhỏ. Và ở đây, ngay từ đầu, cho phép tôi nói vài lời liên quan đến nguyên tắc hơi đặc biệt, dù đúng hay sai, nguyên tắc này đã luôn ảnh hưởng đến đánh giá phê bình của cá nhân tôi đối với thơ ca. Tôi cho rằng không tồn tại một bài thơ dài. Tôi khẳng định rằng “một bài thơ dài” đơn giản chỉ là một mâu thuẫn dễ thấy về mặt thuật ngữ.]
Theo Poe, những bài thơ dài sẽ gây ra khó khăn trong việc duy trì cảm xúc:
I need scarcely observe that a poem deserves its title only inasmuch as it excites, by elevating the soul. The value of the poem is in the ratio of this elevating excitement. But all excitements are, through a psychal necessity, transient. That degree of excitement which would entitle a poem to be so called at all, cannot be sustained throughout a composition of any great length. After the lapse of half an hour, at the very utmost, it flags — fails — a revulsion ensues — and then the poem is, in effect, and in fact, no longer such. – The Poetic Principle, Edgar Allan Poe.
[Tôi không cần phải nhấn mạnh rằng một bài thơ xứng đáng gọi là thơ chỉ khi nó tạo ra sự hào hứng, bằng cách làm tâm hồn thăng hoa. Giá trị của bài thơ nằm ở tỉ lệ của sự hào hứng thăng hoa này. Thế nhưng tất cả sự hào hứng, do nhu cầu tâm lý, đều là nhất thời. Mức độ hào hứng đối với cả bài thơ được gọi là thơ, không thể duy trì xuyên suốt một tác phẩm có dung lượng quá dài. Sau nửa giờ, là tối đa, nó sẽ phai nhạt đi – mất hẳn – một sự ghê tởm xuất hiện – và sau đó bài thơ, về mặt hiệu ứng, và trên thực tế, không còn là thơ nữa.]
Dù phê bình các bài thơ có dung lượng quá dài, nhưng ngược lại, Poe cũng không khuyến khích những bài thơ quá ngắn gọn:
On the other hand, it is clear that a poem may be improperly brief. Undue brevity degenerates into mere epigrammatism. A very short poem, while now and then producing a brilliant or vivid, never produces a profound or enduring effect. There must be the steady pressing down of the stamp upon the wax.] – The Poetic Pringciple, Edgar Allan Poe.
[Mặt khác, rõ ràng là một bài thơ có thể bị rút gọn không đúng cách. Sự ngắn gọn quá mức trở thành thể thơ châm biếm đơn thuần. Một bài thơ quá ngắn, dù thỉnh thoảng tạo ra một tác phẩm rực rỡ và sống động, sẽ chẳng bao giờ đưa đến hiệu ứng sâu sắc hay lâu dài.]
Như vậy nguyên tắc thứ tư mà Edgar Allan Poe đặt ra cho phê bình và sáng tác là một tác phẩm nên có độ dài vừa phải, đủ ngắn gọn để thu hút người đọc, và không được quá ngắn, để duy trì được cảm xúc lẫn tạo ấn tượng cho độc giả.
Đối với Edgar Allan Poe, cảm xúc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thơ văn. Chính vì vậy, nguyên tắc thứ năm của ông là một tác phẩm phải khơi gợi được cảm xúc của độc giả.
Dường như Edgar Allan Poe đã sử dụng tất cả các nguyên tắc trên không chỉ trong sáng tác văn học, mà còn cả trong việc đánh giá, phê bình những tác phẩm của các tác giả khác. Sự kết hợp, đan xen của cả năm nguyên tắc trên tạo ra một chuẩn mực thơ văn lý tưởng đối với ông. Trong đó, nghệ thuật tồn tại vì chính nó, với đầy đủ mọi sắc thái của cảm xúc, cá tính và tính thẩm mỹ, ngay cả khi chúng nói về những điều huyễn hoặc, mơ hồ cũng như rùng rợn nhất. Chính nhờ điều đó mà Edgar Allan Poe, cùng sức ảnh hưởng từ các tác phẩm và đánh giá phê bình của ông, đã trở thành một phần quan trọng không thể tách rời của cả nền văn chương lẫn báo chí Hoa Kỳ cho đến tận ngày nay.
Ái Lê tổng hợp
Các ghi chú trong bài:
- Temora là một thiên sử thi bằng thơ do nhà văn kiêm nhà thơ người Scotland James Macpherson sáng tác, được xuất bản vào tháng 3 năm 1763. Tác giả đóng vai trò như người dịch lại cái mà ông tự cho là áng sử thi bằng tiếng Gael cổ do một nhân vật có tên Ossian kể lại. Dù có nhiều tranh cãi về tính xác thực của tác phẩm, nhưng ý kiến được đồng thuận nhất là Macpherson đã sáng tác các bài thơ sử thi dựa trên thơ ca tiếng Gael truyền miệng mà ông đã sưu tầm được.
Nguồn thông tin tham khảo và trích dẫn:
- https://www.typelish.com/b/the-founding-father-of-gothic-literature-103397
- The Poetic Principle, Edgar Allan Poe.
- https://literariness.org/2017/11/30/literary-criticism-of-edgar-allan-poe/#google_vignette
- https://study.com/academy/lesson/edgar-allen-poes-unity-of-effect-definition-lesson-quiz.html