Home Đọc EDGAR ALLAN POE – NHÀ VĂN LÀM NÊN CHUẨN MỰC MỸ

EDGAR ALLAN POE – NHÀ VĂN LÀM NÊN CHUẨN MỰC MỸ

Gia tài đồ sộ bao gồm các truyện ngắn, thơ và các các lý thuyết phê bình văn học là minh chứng cho tầm vóc của Poe như một nhân vật quan trọng trong nền văn chương thế giới. Ảnh hưởng của ông đến hình thức thơ ngắn và truyện ngắn là không thể phủ nhận. Trong lịch sử văn chương và các sách giáo khoa, Poe không chỉ được coi như vị “kiến ​​trúc sư” chính cho truyện ngắn hiện đại mà còn là người tiên phong cho phong trào “nghệ thuật vị nghệ thuật” của văn học châu Âu thế kỷ thứ mười chín.

Khác với thế hệ các nhà nhà phê bình đi trước chủ yếu quan tâm đến các khái quát về đạo đức hay ý thức hệ, phê bình của Poe tập trung vào các chi tiết mang tính hình thức như phong cách hay cấu trúc tác phẩm, các yếu tố góp phần vào hiệu quả hay thất bại tác phẩm đó. Người đọc nhận thấy ở ông kĩ thuật cũng như khả năng xử lí ngôn ngữ xuất sắc cùng với một trí tưởng tượng luôn tràn đầy cảm hứng và độc nhất vô nhị.

Giới văn nghệ sĩ theo trường phái Tượng trưng của Pháp vào cuối thế kỷ XIX, những người cũng ghi dấu ấn vào sự thay đổi của văn chương hiện đại đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các tác phẩm thơ và truyện ngắn của ông. Chính sự giao thoa giữa triết học và nghệ thuật này đã củng cố vị trí quan trọng của Poe trong lịch sử văn chương.

Sinh thời, cha mẹ Poe đều là những diễn viên chuyên nghiệp hoạt động tại đoàn kịch nghệ Boston. Không may, hai người qua đời trước khi Poe được ba tuổi. Poe được nhận nuôi và chăm sóc một cách bất hợp pháp bởi John Allan, một thương nhân giàu có tại Richmond, Virginia. Nhờ đó, cậu có cơ hội theo học tại các trường tốt nhất và được nhận vào trường Đại học Virginia (Charlottesville) vào năm 1825. Trong giai đoạn này, mặc dù đạt thành tích học tập xuất sắc, Poe bị buộc phải rời trường sau một năm bởi ông không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ cha nuôi của mình. Sau khi Poe trở về Richmond vào năm 1827, mối quan hệ giữa hai cha con chấm dứt.

Ngay sau khi rời Boston, Poe nhập ngũ và cho ra đời hai tuyển tập thơ đầu tiên của mình “Tamerlane và Other Poems” và “Al Aaraaf, Tamerlane, and Minor Poems” (1829). Dù vậy, cả hai cuốn đều không nhận được nhiều sự chú ý từ giới phê bình và công chúng.

Cũng trong năm 1829, Poe giải ngũ, đạt tới cấp bậc Trung sĩ trung đoàn và được nhận vào Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point. Tuy nhiên, vì một mặt không nhận được hỗ trợ tài chính cho việc học từ cha nuôi, mặt khác không có được từ ông sự cho phép để rời khỏi Học viện, Poe chủ động không thực hiện các nhiệm vụ được giao và cố ý vi phạm các quy định của viện để có thể rời khỏi đó. Ông tới New York và cho xuất bản “Poems” (1831) – tuyển tập thơ thứ 3 của mình, rồi đến Baltimore và sống cùng người dì Maria Clemm.

Trong những năm đầu của sự nghiệp, các truyện ngắn đầu tiên của ông chủ yếu xuất hiện trong cuốn Philadelphia Saturday Courier. Trong số đó, truyện “MS. Found in a Bottle” của ông đã được Baltimore Visitor Saturday trao giải câu chuyện hay nhất. Tuy nhiên, số tiền kiếm được vẫn không đủ để Poe có thể tự trang trải cuộc sống một cách độc lập. Người cha nuôi Allan qua đời vào năm 1834 và không để lại cho ông chút tài sản thừa kế nào.

Những năm sau đó, tình trạng tài chính của Poe được cải thiện dần khi ông chuyển về Richmond cùng dì và cô em họ 12 tuổi Virginia – người mà ông kết hôn sau này vào năm 1836, nhận một chân biên tập viên tại The South Literary Messenger – một tạp chí văn học tại Richmond.

(*) Đây là nơi dừng chân đầu tiên trong số những tạp chí mà Poe sẽ tham gia chỉ đạo trong vòng mười năm sau đó; là bệ phóng cho sự nghiệp nổi bật của ông – trở thành “người đàn ông của ngôn từ” tại Mỹ.

(*) Danh tiếng của Poe không chỉ đến từ việc ông thuộc vào hàng ngũ nhà thơ kiêm tác giả tiểu thuyết bậc nhất; nó còn đến từ trình độ phê bình văn chương cùng với trí tưởng tượng và góc nhìn sâu sắc của ông – điều mà cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong văn học Mỹ.

Mặc dù dành được sự chú ý nhất định từ công chúng vào giao đoạn 1830 – 1840, Poe vẫn chỉ nhận được số lợi nhuận ít ỏi từ các tác phẩm của mình. Ông kiếm thêm thu nhập trong vai trò của một người biên tập cho các Tạp chí Burton’s Gentleman, Graham ở Philadelphia và Broadway ở New York.

Sau khi người vợ của ông qua đời do căn bệnh lao phổi vào năm 1847, một cách chóng vánh, Poe lao vào những cuộc tình khác. Tuy nhiên vì những lý do không rõ, ông đến Baltimore vào cuối tháng 9 năm 1849 mặc dù đang trong quá trình chuẩn bị cho cuộc hôn nhân thứ hai của mình. Ngày 3 tháng 10, ông được phát hiện trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê và qua đời bốn ngày sau đó, không có cơ hội để giải thích những gì đã xảy ra trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Đóng góp đáng chú ý nhất của Poe cho nền văn học thế giới là phương pháp phân tích mà ông đã thực hành cả trên hai phương diện là một nhà văn và nhà phê bình các tác phẩm đương thời.

(*) Poe tuyên bố ông muốn xây dựng một hệ thống lý tưởng nghệ thuật chặt chẽ – trong bối cảnh đương thời mà ông cho là chỉ quan tâm đến giá trị thực dụng của văn học – một khuynh hướng mà ông gọi là “dị giáo của Sư phạm.”

Ngoài việc đề ra những điều kiện tiên quyết cho một chủ nghĩa thẩm mỹ thuần túy, ông nhấn mạnh vào chủ nghĩa hình thức của văn chương – điều có liên kết với lý tưởng triết học của ông: thông qua nỗ lực sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, dù không hoàn hảo, một viễn cảnh chân lý và điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của loài người vẫn có thể được biểu lộ.

(*) Lý thuyết về sáng tạo văn chương của Poe có thể được tóm tắt ở hai điểm chính: thứ nhất, để có thể được coi là thành công, một tác phẩm phải có tác động nhất định đến người đọc; Thứ hai, bản thân tác giả phải là người chủ động suy xét để tạo ra tác động này, chứ không để nó phụ thuộc vào cảm hứng hoặc ngẫu nhiên.

Nếu như thơ cần phải gợi lên trong lòng người đọc khả năng cảm thụ cái đẹp – một tác động lý tưởng là liên hệ người đọc với nỗi buồn, sự xa lạ và mất mát; thì trong văn xuôi, câu chuyện phải tiết lộ một chân lí, “mang tính suy lí” hay gợi lên “nỗi khiếp sợ, đam mê, hoặc cảm giác ghê rợn.”

 

Ngoài có chung một nền tảng lý thuyết, văn chương của Poe còn ghi dấu ấn ở những xúc cảm tâm lí mãnh liệt, đặc biệt là các câu chuyện kinh dị, trong đó bao gồm cả những những tác phẩm hay và nổi tiếng nhất của ông.

Ba câu chuyện “The Black Cat”, “Cask of Amontillado” và “The Tell-Tale Heart” được kể theo ngôi thứ nhất, thông qua đó Poe có thể tự do khám phá thế giới nội tâm của nhân vật. Những khám phá về tâm lý học sau này của Fyodor Dostoyevsky và trường phái hiện thực tâm lý được đặt trên nền tảng kĩ thuật kể chuyện của Poe.

(*) Trong các tác phẩm truyện mang hơi hướng Gothic như “The Fall of the House of Usher,” “The Masque of the Red Death,” hay “Ligeia”, các phương pháp tượng trưng và ẩn dụ được sử dụng, giữ cho các tác phẩm một cảm giác bí ẩn – lí do khiến những câu chuyện này luôn có một chỗ đứng trong lòng người đọc; đồng thời chúng cũng gợi liên tưởng đến các tác phẩm tượng trưng của Nathaniel Hawthorne và Herman Melville.

Thế hệ nhà văn sau đó chịu ảnh hưởng từ Poe có thể kể đến Ambrose Bierce và H.P. Lovecraft – họ cùng thuộc về một nhánh riêng rẽ của nền văn học kinh dị được tiên phong bởi Poe.

Không chỉ là người mở đầu cho văn học kinh dị hiện đại, Poe còn mở lối cho hai thể loại văn chương thịnh hành khác: khoa học viễn tưởng và truyện trinh thám.

Được truyền cảm hứng bởi tinh thần thời đại của cuộc cách mạng Công nghiệp vào đầu thế kỷ XIX, cộng thêm với niềm đam mê khoa học và công nghệ, hai truyện ngắn có cốt truyện xuất sắc “The Unparalleled Adventure of Hans Pfaall” và “Von Kempelen and His Discovery” đã ra đời, dự báo trước cho một thể loại văn học sẽ phổ biến ở thế kỉ 20.

Tương tự như vậy, ba câu chuyện giàu tính suy tư của ông gồm ”The Murders in the Rue Morgue,” “The Purloined Letter,” và “The Mystery of Marie Roget” đã xây dựng một hệ thống các nhân vật chính đặc trưng và các quy ước văn chương cho dòng tiểu thuyết trinh thám: thường là một tay thám tử nghiệp dư giải được một vụ án mà các nhà chức trách phải bó tay, đi cùng với một cộng sự ghi chép lại chuỗi suy luận của anh trong quá trình điều tra.

Được coi như ông tổ cho các trào lưu văn chương quan trọng như Chủ nghĩa biểu tượng và Chủ nghĩa siêu thực lại có ảnh hưởng đến nhiều tác giả nổi tiếng, bản thân Poe cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác giả và phong trào văn học.

Kĩ thuật sử dụng các yếu tố ma thuật và quỷ dữ của Poe chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của E.T.A. Hoffman cũng như tiểu thuyết Gothic của Ann Radcliffe, trong khi cảm xúc chủ đạo trong nhiều tác phẩm của ông – nỗi thất vọng và u sầu lại phản ánh đặc điểm của trào lưu văn học Lãng mạn đầu thế kỷ XIX.

Khả năng thiên tài của Poe nằm ở chỗ: ông tái hiện lại những nỗi ám ảnh cá nhân của mình và của thế hệ văn chương trước dưới một hình thức nghệ thuật hoàn hảo, cùng lúc lại tạo ra những hình thức mới, một phương thức biểu đạt nghệ thuật mới cho lứa nghệ sĩ sau này.

 

Được nhớ đến bởi các tiểu thuyết ngắn, Poe thực chất lại bắt đầu sự nghiệp của mình bằng các tác phẩm thơ ca từ thời niên thiếu. Những vần thơ đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi các tác giả Lãng mạn người Anh như Lord Byron, John Keats, và Percy Bysshe Shelley; tuy nhiên có thể nhận thấy chúng báo trước quan điểm chủ quan riêng và chất thần bí, siêu thực ở các bài thơ sau này của ông.

“Tamerlane” và “Al Aaraaf” thể hiện bước tiến của Poe từ việc khắc họa các vai anh hùng trong thơ Byron đến miêu tả những chuyến hành trình trong tưởng tượng hay tiềm thức của chính mình.

“Tamerlane” – hồi tưởng lại “Cuộc hành hương của Childe Harold” của Byron – kể về cuộc đời và những chuyến phiêu lưu của một kẻ xâm lược Mông Cổ ở thế kỉ mười bốn; còn “Al Aaraaf” dẫn người đọc đến một thế giới không có thực, nơi không điều tốt đẹp hay cái xấu xa vĩnh hằng nào có thể tồn tại ngoài một vẻ đẹp tuyệt đối.

Các bài thơ “To Helen,” “Lenore” và “The Raven” đều khắc họa cuộc hành trình khám phá sự biến mất của một cái đẹp lý tưởng và những tranh đấu để giành lại nó. Chủ thể trong cả ba bài thơ này đều là một chàng trai đau buồn trước sự ra đi của người mình yêu.

“To Helen” kể về một người phụ nữ (mà trong mắt người kể chuyện) là hiện thân cho vẻ đẹp cổ điển của Hy Lạp cổ đại và Rome. Nó được ca ngợi là một trong những bài thơ tình đẹp nhất được viết bằng tiếng Anh. “Lenore” là sự tưởng nhớ đến người đã khuất bằng việc khóc than hay ăn mừng sự sống, vượt ra ngoài những ranh giới của trần thế.

Trong khi đó, “The Raven” là sự hòa trộn giữa các lý tưởng triết học với thẩm mỹ của Poe. Trong bài thơ mang nặng tính nội tâm này, một học giả trẻ tuổi chịu đau khổ bởi lời nguyền rủa “Không bao giờ nữa” được lặp đi lặp lại của một con quạ – nó trả lời cho câu hỏi của anh về xác suất anh có thể gặp lại người yêu cũ ở thế giới bên kia.

Trong ấn bản tiếng Pháp của “The Raven”, Charles Baudelaire bình luận ở phần giới thiệu: “Đó là thơ của những đêm dài thao thức mộng mị, của nỗi tuyệt vọng; Nó chẳng thiếu điều gì: dù là cơn sốt của những lý tưởng, trận chiến của màu sắc, những lý luận bệnh hoạn, cơn khủng bố… hay thậm chí sự vui vẻ đến kỳ lạ của đau khổ khiến nó càng trở nên khủng khiếp hơn.”

Những bài thơ của Poe cũng rất phù hợp để đọc thành lời. Kết hợp giữa âm thanh với nhịp điệu, ông sử dụng các kỹ thuật như phương pháp lặp, song song, vần trong, phép điệu và phép cộng hưởng để tạo ra những tác phẩm giàu tính âm nhạc và đầy ám ảnh, có một không hai trong nền thơ ca Mỹ. Ví dụ như trong bài “The Bells”, từ “chuông” được lặp nhiều lần dưới các cấu trúc khác nhau, tái hiện âm điệu của nhiều loại chuông được mô tả trong bài.

Dù khi còn sống, các tác phẩm của ông không nhận được nhiều sự chú ý, Poe vẫn được coi như một tác giả bậc thầy của văn chương hư cấu, một nhà thơ, người đàn ông của ngôn từ; và sự chú ý nhất định từ công chúng cũng đến với ông đặc biệt là với tác phẩm “The Raven.”

Tuy nhiên sau cái chết của Poe, người ta vẫn còn nhiều nhận định và đánh giá trái chiều về ông. Vấn đề này được khởi xướng bởi Poe RW Griswold, người bạn cũng như người phụ trách tài sản văn chương của Poe sau khi ông qua đời, người đã khẳng định trong cáo phó ở New York Tribune rằng những vấn đề tâm lý xuất hiện ở nhiều nhân vật trong các tác phầm hư cấu của Poe thực chất chính là những vấn đề mà bản thân Poe gặp phải.

Sự bôi nhọ của Griswold gợi lên cả sự thông cảm lẫn những lời chỉ trích đến Poe và các tác phẩm của ông, khiến cho nhiều nhà tiểu sử hàng đầu của thế kỷ mười chín bảo vệ, đôi khi quá nhiệt tình, tên tuổi của Poe.

Mãi cho tới năm 1941 phiên bản tiểu sử về Poe dưới góc nhìn của tác giả A.H. Quinn mới cho thấy một cái nhìn khách quan cả về bản thân, sự nghiệp cũng như mối quan hệ giữa đời tư và khả năng tưởng tượng của ông. Tuy nhiên, giới văn học ở thế kỉ 20 vẫn đánh đồng Poe với những tên sát nhân và người điên trong các tác phẩm của ông, đặc biệt trong các nghiên cứu về phân tâm học của Marie Bonaparte và Joseph Wood Krutch.

Thêm vào cuộc tranh cãi về sự tỉnh táo hay sự chín chắn của Poe (Paul Elmer More so sánh ông với “đứa trẻ chưa chín chắn và người đàn ông bất an”), là câu hỏi liệu các tác phẩm của Poe có thể đươc coi như là văn chương một cách nghiêm túc.

Về phía những người phê bình Poe là những nhân vật nổi tiếng như Henry James, Aldous Huxley, và T. S. Eliot – họ coi các tác phẩm của Poe là non nớt, thô tục và làm giảm giá trị của nghệ thuật. Ngược lại, các nhà văn như Bernard Shaw và William Carlos Williams lại cho rằng các tác phẩm của ông đã chạm đến giá trị cao nhất của văn chương.

So với các nhà phê bình khác trên thế giới đặc biệt là ở Pháp, các nhà phê bình Anh và Mỹ đánh giá Poe cao hơn. Nối tiếp những bản dịch và bình luận của Charles Baudelaire trong những năm 1850, các tác phẩm của Poe cũng nhận được sự ngưỡng mộ đặc biệt từ các nhà văn Pháp, đặc biệt là những người liên quan đến chủ nghĩa Tượng trưng ở cuối thế kỷ 19; họ ngưỡng mộ những ước muốn siêu việt của Poe trên cương vị một nhà thơ; hay Phong trào Siêu thực của thế kỷ thứ hai mươi, vốn đánh giá cao trí tưởng tượng kỳ lạ và ngông cuồng của Poe; các tác giả như Paul Valery, người đã nghiên cứu các lý thuyết của Poe và liên tưởng đến một lý tưởng về chủ nghĩa duy lý tối cao.

Ngoài ra, các tác phẩm của ông cũng nhận được sự đánh giá cao tại các quốc gia khác. Đã có nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng của ông đối với nền văn học thế giới, đặc biệt là ở Nga, Nhật Bản, Scandinavia và Mỹ Latinh.

Ngày nay, Poe được công nhận là một trong những nhà tiên phong hàng đầu của văn học hiện đại, cả ở những hình thức văn chương phổ biến như truyện kinh dị và tiểu thuyết trinh thám, hay ở trong những hình thức phức tạp hơn và có ý thức về cái Tôi hơn, thể hiện được phong cách nghệ thuật chủ đạo của thế kỷ XX.

Trái với những nhà phê bình trước đây đánh đồng tác giả và tác phẩm là một, các nhà phê bình của 25 năm qua đã phát triển một góc nhìn về Poe như một nghệ sĩ độc lập, người quan tâm đến việc thể hiện phẩm chất hơn là cố gắng biểu đạt “linh hồn” của mình; ông duy trì một sự tách bạch thay vì tự viết về bản thân mình trong các tác phẩm của ông.

Trong khi có những nhà phê bình như Yvor Winters muốn xóa ông ra khỏi lịch sử văn chương, người ta không thể không nhắc đến các tác phẩm của ông khi đề cập bất kỳ quan niệm nào liên quan đến chủ nghĩa hiện đại trong nền văn học thế giới.

Herbert Marshall McLuhan đã viết trong một bài luận mang tựa đề “Edgar Poe’s Tradition”: “Trong khi những quý ông New England thư thái đọc về Plato và Đức Phật bên bàn trà, Browning và Tennyson giải khuây cho tâm trí người Anh bằng một màn sương mù, Poe không bao giờ lừa phỉnh bản thân, quay lưng lại với những bệnh dịch của thời đại mình. Người cùng thời với Baudelaire và bậc tiền bối của Conrad cùng Eliot –  không ai khác, chính ông là người đã soi ngọn đuốc dẫn lối cho chúng ta vào tận cùng của vực thẳm.”

Người dịch: Lưu Bích Ngọc – Học viên lớp “Nguyên tắc dịch thuật Anh – Việt và Việt – Anh

Nguồn: https://www.poetryfoundation.org/poets/edgar-allan-poe

“Lửa Thiêng” của Huy Cận – “Mang mang thiên cổ sầu”

"Một chiếc linh hồn nhỏ Mang mang thiên cổ sầu Những nàng tiên dần chết Mơ mộng thuở xưa đâu" (Trích "Ê chề" - Huy Cận) "Mang mang thiên cổ sầu" là cảm hứng xuyên suốt trong tập thơ "Lửa thiêng" của Huy Cận. Không dục tính, không điên rồ đập phá, chỉ một cảm giác mênh mang không thể diễn tả. Một nỗi buồn phảng phất từ ngàn xưa trong tiền kiếp xa xôi. Mặc dù Đinh Hùng nhắc đến tiền kiếp rất nhiều,

Hà Thủy Nguyên phỏng vấn giáo sư E. SAN JUAN, Jr: Ý thức chính trị và nguyên tắc tự do trong văn chương Oscar Wilde

E. SAN JUAN, Jr. là nhà phê bình văn học và văn hóa thế giới, là giáo sư danh dự về Tiếng Anh, Văn học so sánh (Comparative Literature) và Nghiên cứu Dân tộc học. Ông nhận bằng từ Trường đại học Philippines và Đại học Harvard. Ông là trưởng khoa Văn hóa so sánh Hoa Kỳ, Đại học Washington, và hiện là thành viên của Trung tâm Hary Ransom, thuộc Đại học Texas. San Juan trước đây là nghiên cứu sinh ở Viện W.E.B.

Cuộc đời nhà thơ Alfred, Lord Tennyson – đau thương đằng sau những câu thơ tuyệt mỹ

Hơn bất cứ một nhà văn nhà thơ thời Victoria nào khác, Tennyson gần như đã là hiện thân của cả thời đại mình, ngay với cả những người cùng thời và cả những độc giả hiện đại. Trong thời của mình, người ta cho rằng ông cùng với Nữ hoàng Victoria và Gladstone là ba người nổi danh nhất đương thời, một vinh dự không nhà thơ  tiếng Anh nào từng có được. Là người phát ngôn chính thức về thi ca dưới triều đại

Minh Hùng

01/05/2017

Lãng mạn U ám (Dark Romanticism): Ám ảnh về góc khuất trong thế giới tinh thần với xúc cảm rùng rợn, hung cuồng và tuyệt vọng

Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại - Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm

Khái niệm nghệ thuật cơ bản #1 – Chủ nghĩa cổ điển

Chủ nghĩa Cổ Điển không chỉ là một trào lưu nghệ thuật mà còn là biểu tượng của sự tinh tế, hài hòa và cân đối. Khởi nguồn từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại và được phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ La Mã, Chủ nghĩa Cổ Điển đã tạo nên một chuẩn mực nghệ thuật được ca tụng suốt nhiều thế kỷ. Trong Chủ nghĩa Cổ Điển, sự đơn giản và rõ ràng được coi trọng, phản ánh một quan niệm

Book Hunter

24/01/2024