Home Đọc Các lý thuyết phê bình của Edgar Allan Poe

Các lý thuyết phê bình của Edgar Allan Poe

Minh Hiền

29/01/2024

Edgar Allan Poe được coi là nhà phê bình văn học lớn đầu tiên của Mỹ hoặc ít nhất là nhà văn lớn đầu tiên ở Mỹ viết một cách nghiêm túc về phê bình, lý thuyết sáng tác và các nguyên tắc của nghệ thuật sáng tạo. Ông cũng là người đầu tiên đặt ra một bộ nguyên tắc nhất quán để nêu lên những gì ông cho là có thể chấp nhận được và những gì về cơ bản là không thể chấp nhận trong nghệ thuật.

Bộ nguyên tắc phê bình văn học này được ông xây dựng trong vai trò một biên tập viên tạp chí nên có phần bị ảnh hưởng bởi tính chất của các tác phẩm nghệ thuật ngắn dành cho công chúng đọc tạp chí, tuy vậy quan điểm về phê bình của ông đối với những cơ sở để xác định những mặt có thể và không thể chấp nhận trong một tác phẩm nghệ thuật đã trở nên nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn sau này.

NHỮNG MINH HỌA CHO QUAN ĐIỂM VÀ KHẢ NĂNG PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỦA POE

Có thể tìm thấy những lý thuyết chính của Poe (1) trong nhiều bài phê bình ông viết để phân tích tác phẩm của các tác giả khác; ở thể loại này, bài phê bình nổi tiếng nhất của ông là bài phê bình truyện ngắn có tựa đề Những truyện kể hai lần của Nathaniel Hawthorne; (2) trong nhiều bức thư và đơn xin việc ông từng gửi đi, hoặc trong những câu trả lời mà ông đưa ra với tư cách biên tập viên, mà nổi tiếng hơn cả là bức thư có tựa đề “Thư gửi ông B.”; (3) trong nhiều bài xã luận khác nhau ông viết cho các tạp chí mà ông cộng tác – “Exordium – Lời mở đầu” là một trong những ví dụ điển hình nhất về loại này; (4) trong các bài báo phê bình chính thức do ông viết, trong đó ông cố gắng trình bày một cách hợp lý, mạch lạc các quan điểm phê bình văn học của mình; chẳng hạn, “Nguyên tắc thơ ca” và “Triết lý sáng tác” đều chứa đựng cốt lõi và cơ sở thống nhất của các lý thuyết phê bình của Poe, và chỉ riêng hai bài tiểu luận này cũng đủ cho chúng ta hiểu đầy đủ quan điểm phê bình của ông; (5) và cuối cùng, trong những nguyên tắc phê bình có thể được rút ra từ chính các tác phẩm của Poe, những nguyên tắc mà ông không đưa vào những tuyên bố chính thức về phê bình của mình.

Một trong những tài năng lớn nhất của Poe là việc ông, trong vai trò một biên tập viên, có thể nhận ra những tác phẩm văn học vĩ đại và loại bỏ những tác phẩm tầm thường. Ví dụ, Poe là nhà văn lớn hoặc có ảnh hưởng đầu tiên công nhận thiên tài của Nathaniel Hawthorne. Trong bài đánh giá về Những truyện kể hai lần của Hawthorne, Poe nói rằng “Ngài Hawthorne tuy hiếm khi được báo chí hoặc công chúng công nhận… nhưng… tỏ ra là một thiên tài phi thường, không có đối thủ ở Hoa Kỳ hay nơi nào khác.” Sự công nhận về mặt phê bình này đối với Hawthorne chứng tỏ khả năng phê bình nhạy bén của Poe; hiếm có nhà phê bình nào đưa ra được những nhận xét chính xác đến vậy về tài năng của một nhà văn – những nhận xét mà sau này đã được các thế hệ nhà phê bình tiếp theo xác thực.

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CHÍNH CỦA POE VỀ NGUYÊN TẮC SÁNG TÁC VĂN HỌC

Trong bài phê bình Những truyện kể hai lần và trong hai tiểu luận chính về phê bình có tựa đề “Nguyên tắc thơ ca” và “Triết lý sáng tác” của Poe, chúng ta được tiếp cận những quan điểm về phê bình của ông – là những nguyên tắc đã được ông nêu đi nêu lại nhiều lần, nhấn mạnh và áp dụng vào các tác phẩm của chính mình (Ví dụ, “Triết lý sáng tác” đề cập chi tiết đến phương pháp sáng tác bài thơ nổi tiếng nhất của ông là bài “Con quạ”) cũng như sử dụng làm tham chiếu khi phê bình các tác phẩm của các nhà văn khác. Từ hai tác phẩm vừa nêu, chúng ta có thể dễ dàng soạn ra một số nguyên tắc chính mà Poe luôn tin tưởng và sử dụng: sự nhấn mạnh vào (1) tính thống nhất của hiệu ứng, (2) bác bỏ ngụ ngôn và chủ nghĩa giáo huấn, (3) sử thi không phải là thơ, (4) sự ngắn gọn khúc chiết của một tác phẩm nghệ thuật, (5) sức hút đối với cảm xúc của người đọc, (6) chủ đề lý tưởng cho nghệ thuật và (7) tầm quan trọng của các phản ứng cảm xúc; ngoài ra, từng nguyên tắc riêng biệt trong số bảy nguyên tắc này đều có mối liên hệ chặt chẽ với các nguyên tắc còn lại. Ví dụ, vì Poe coi trọng việc tạo ra hiệu ứng thu hút cảm xúc nên ông từ chối tất cả các tác phẩm nghệ thuật giáo điều thô sơ hoặc các tác phẩm dựa trên cảm giác nghệ thuật giáo điều thô sơ. Tương tự như vậy, ông tin rằng lối viết giáo huấn chỉ dành cho bục giảng và không có chỗ đứng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Bất cứ thứ gì chỉ thu hút trí tuệ đều không thể được coi là nghệ thuật bởi vì nghệ thuật tồn tại trong thế giới của cái đẹp, sự tinh tế và thẩm mỹ. Do đó Poe, với tư cách là một nhà văn lãng mạn, đã bác bỏ hầu hết các tác phẩm văn học của thế kỷ 18, vốn là thời kỳ chủ yếu liên quan đến văn học châm biếm. Đối với Poe, sự châm biếm không thể tạo ra cảm giác về cái đẹp trong lòng người đọc. Ngoài ra, phần lớn văn học thế kỷ 18 còn mang tính biểu tượng (một cái gì đó ngắn gọn), và Poe cho rằng cách tiếp cận nghệ thuật mang tính biểu tượng không thể tạo ra ấn tượng cảm xúc lâu dài trong lòng người đọc. Những bài viết mang tính đạo đức hoặc ngụ ngôn cũng không được ông chấp nhận vì ông cho rằng chúng không gợi lên được cảm nhận về cái đẹp của con người.

Tính thống nhất về hiệu ứng – một trọng tâm trong các nguyên tắc sáng tác văn học của Poe

Hơn bất kỳ nguyên tắc nào khác, Poe nhấn mạnh đến tính thống nhất về hiệu ứng và cho rằng đây là điều mà một tác giả nên phấn đấu đạt được trong bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào. Ví dụ, trong các tác phẩm phê bình khác nhau của Poe thường xuất hiện lặp đi lặp lại các từ và cụm từ như: “gây ảnh hưởng”, “tính tổng thể của ấn tượng”, “sự thống nhất của hiệu ứng”, “tính mới lạ của riêng hiệu ứng” và “hiệu ứng duy nhất”, v.v.; ngoài ra còn có thể thấy nhiều ví dụ khác về sự nhấn mạnh này trong các tác phẩm của chính ông. Bằng những tuyên bố này, Poe muốn nói rằng người nghệ sĩ nên quyết định xem mình muốn tạo ra hiệu ứng nào trong phản ứng cảm xúc của người đọc rồi sau đó tiến hành sử dụng tất cả khả năng sáng tạo của mình để đạt được đúng hiệu ứng đó: “Giữa vô số hiệu ứng hay ấn tượng có thể khiến trái tim hoặc tâm hồn thổn thức, trong trường hợp này tôi sẽ chọn cái nào?” (“Triết lý sáng tác”). Ví dụ, nỗi sợ thường là hiệu ứng mà Poe chọn cho nhiều truyện ngắn của mình, và từng từ, từng hình ảnh đều được ông lựa chọn cẩn thận để tạo ra hiệu ứng sợ hãi trong tâm trí độc giả. (Về vấn đề này, xin mời đọc các bài thảo luận phê bình về “Sự sụp đổ của dòng họ Usher”, “Trái tim kể chuyện” và “Cái hố và con lắc.”) Sau khi đã chọn được hiệu ứng, tác giả nên quyết định cách tốt nhất để đạt được hiệu ứng đó, dù là bằng các tình tiết hoặc cốt truyện, bằng lời kể, bằng một giọng điệu đặc biệt, hoặc bằng “cả sự việc và giọng điệu đặc biệt… tìm kiếm… những sự kết hợp như vậy giữa sự kiện, hoặc giọng điệu, sẽ hỗ trợ tốt nhất… trong việc xây dựng hiệu ứng” (“Triết lý sáng tác”).

Trong phần lớn thơ của ông, hiệu ứng mà ông hướng tới nhiều nhất là vẻ đẹp và sự u sầu. Trong một bài tiểu luận ông viết, “Niềm vui thăng hoa nhất và thuần khiết nhất được tìm thấy khi người ta chiêm ngưỡng cái đẹp”, và “nếu vẻ đẹp là địa hạt của bài thơ, thì giọng điệu của bài thơ đó phải buồn… U sầu do đó là hợp lý nhất trong tất cả các giai điệu thơ.” Xuất phát từ những quan điểm như vậy, Poe cảm thấy rằng chủ đề hiệu quả nhất cho một tác phẩm nghệ thuật là cái chết của một thiếu nữ xinh đẹp; đây có lẽ là câu châm ngôn nổi tiếng nhất và được lặp đi lặp lại nhiều nhất của Poe, và hơn nữa, để đạt được cảm xúc u sầu nhất thì cái chết của thiếu nữ ấy phải được thể hiện qua đôi môi của chàng tình lang đang thương khóc nàng. Ví dụ, chúng ta có “Annabel Lee”, “Lenore”, “Ligeia”, “To Helen” và nhiều tác phẩm khác về chủ đề này. Và mặc dù Poe đã công nhận những chủ đề khác cũng là chủ đề hợp lý cho sáng tác nghệ thuật (ông đã khen ngợi Hawthorne, người rất hiếm khi quan tâm đến một người phụ nữ đẹp đang hấp hối) song cái chết của một người phụ nữ đẹp vẫn là chủ đề yêu thích của ông. Ông đã bày tỏ quan điểm của mình như sau: “Cái chết của một người phụ nữ đẹp chắc chắn là chủ đề đầy thi hứng nhất, và cũng không thể nghi ngờ rằng cặp môi phù hợp nhất để biểu đạt chủ đề như vậy chính là cặp môi của chàng tình lang đang thương khóc nàng” (“Triết lý sáng tác”).

Độ dài của tác phẩm cũng là vấn đề mà Poe hết sức lưu tâm

Cùng với sự thống nhất về hiệu ứng, Poe còn nêu quan điểm về độ dài thích hợp của một tác phẩm nghệ thuật. Ông cho rằng “một bài thơ dài không tồn tại… và cụm từ ‘bài thơ dài’ là một sự mâu thuẫn rõ ràng về mặt thuật ngữ.” Vì vậy, một tác phẩm nghệ thuật cần phải đạt được hiệu ứng của nó trong một lần đọc liền mạch duy nhất. Vì lý do này, Poe tin rằng nghệ thuật vĩ đại nhất được chứa đựng trong một bài thơ khoảng 100 dòng (bài thơ nổi tiếng nhất của ông, “The Raven,” dài 108 dòng), và cũng theo quan điểm tương tự ông tin rằng truyện ngắn nên có độ dài sao cho người đọc chỉ cần đọc nó một lần là xong. Ông cho rằng toàn bộ hiệu ứng của tác phẩm nghệ thuật sẽ bị phá hủy nếu tác phẩm ấy phải đọc thành hai lần.

Những bài thơ dài như Paradise Lost đối với Poe là một loạt thơ dài kỳ. Nếu mục đích của nghệ thuật – tức một bài thơ hay một truyện ngắn – là để kích thích và nâng cao tâm hồn, thì “sau nửa giờ” là tâm trí đã không thể duy trì được cảm xúc thuần khiết như vậy. Do đó, lý thuyết của Poe về độ dài của tác phẩm nghệ thuật – “đọc một mạch trong một lần là xong” và mất không quá “nửa giờ” đọc – đã ảnh hưởng đến nhiều cây bút sau này.

Một số nguyên tắc bất thành văn khác trong các tác phẩm của Poe

Xét thực tiễn viết văn của Poe, người đọc hoặc nhà phê bình có thể suy ra những nguyên tắc nhất định mà bản thân ông tuy chưa bao giờ đặt ra nhưng đã thực hành đi thực hành lại với tư cách một tác giả. Chẳng hạn, ông được coi là cha đẻ của truyện trinh thám hiện đại. Liên quan đến vấn đề này, một số nguyên tắc phê bình nhất định xoay quanh việc viết truyện trinh thám được trình bày trong phần giới thiệu và thảo luận về “Những vụ án mạng ở phố nhà xác” và “Lá thư bị đánh cắp”, tuy nhiên bản thân Poe chưa bao giờ viết ra một nguyên tắc phê bình thống nhất cho việc sáng tác truyện trinh thám. Dẫu vậy, người ta có thể thấy rằng hầu hết các nguyên tắc văn học mà ông sử dụng khi viết truyện trinh thám của riêng mình cũng là những nguyên tắc phổ quát áp dụng cho phần lớn các tiểu thuyết trinh thám đang được sáng tác thời nay.

Poe viết về sự thống nhất về hiệu ứng nhưng chưa bao giờ viết về việc sử dụng một môi trường mà xét trong chính nó và xét về chính nó là mang tính khép kín, để đạt được sự thống nhất về hiệu ứng đó. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể công việc sáng tạo của ông chúng ta thấy rằng phần lớn các tác phẩm của ông diễn ra trong một môi trường rất khép kín. Các ví dụ được chọn ra sau đây tuy chưa thể hiện toàn bộ cách sử dụng nguyên tắc này của Poe nhưng cũng giúp chúng ta phần nào thấy được ông coi trọng nó như thế nào: “Thùng rượu của Amontillado” xảy ra trong một hầm kín, dưới lòng đất; “Cái hố và con lắc” diễn ra trong một khoảng khép kín phía trên một cái hố; “Sự sụp đổ của dòng họ Usher” lấy bối cảnh khép kín của một tòa lâu đài mục nát; và những diễn biến trong bài thơ “Con quạ” diễn ra trong một căn phòng kín hoặc có thể, như một số người nói, là diễn ra trong tâm trí người kể chuyện; tương tự như vậy, những người trong “Mặt nạ tử thần đỏ” bị nhốt sau cánh cổng sắt đóng kín và bị giam trong một tòa lâu đài đóng kín, “William Wilson” được kể trong tâm trí điên cuồng của một người bị tâm thần phân liệt, còn diễn biến của ” Trái tim kể chuyện” thì bị giới hạn trong một căn phòng kín. Nguyên tắc này cũng được Poe áp dụng trong phần lớn các tác phẩm của mình; đây rõ ràng là một trong những nguyên tắc hàng đầu của ông khi sáng tác truyện ngắn.

Kết luận

Tóm lại, các lý thuyết của Poe mặc dù không được nhiều người đồng tình nhưng trước nay vẫn là chủ đề được tranh luận liên tục. Người ta cũng có thể chỉ ra rằng Aristotle, nhà phê bình nổi tiếng nhất thế giới, sống vào khoảng năm 380 trước Công nguyên, nhưng các lý thuyết của ông đến nay vẫn có giá trị và gợi lên nhiều suy ngẫm cũng như vẫn còn được thảo luận, mặc dù ngày nay rất ít nghệ sĩ và nhà văn tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc phê bình của ông. Đôi khi, một số lý thuyết của Poe có vẻ lạc hậu nếu đem so sánh với các lý thuyết phi-hình-thức hoặc phi-khách-quan hiện tại, nhưng chừng nào văn học Lãng mạn** vẫn có độc giả thì chừng đó các lý thuyết và nguyên tắc phê bình của Poe vẫn còn giữ vai trò quan trọng.

Hoàng Lan – Dịch và biên tập từ Critical Essays Poe’s Critical Theories trên Cliffsnotes.com

(*): Nhiều bài phê bình điển hình của Poe được dẫn ra trong bài viết trên được tập hợp trong Linh tính và lý trí, đã được Book Hunter dịch và xuất bản.

(**): Xem thêm bài viết về chủ nghĩa lãng mạn tại Lãng mạn và Cổ điển: Hai cách nhìn thế giới – Book Hunter

Nguồn ảnh: Unsplash, tác giả: Mel Poole

 

> Tìm hiểu thêm về tập tiểu luận LINH TÍNH VÀ LÝ TRÍ của Edgar Allan Poe.

Lời cảm ơn của tác giả sách Hồi âm từ phương Nam (Tiểu luận phê bình, NXB Đà Nẵng – Book Hunter, 2023)

Xin kính chào quý thầy cô, quý anh chị đến dự buổi họp mặt hôm nay. Đây đơn giản là một buổi gặp gỡ trong vòng thân hữu để giới thiệu cuốn sách mới của chúng tôi là tập tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam do NXB Đà Nẵng và Công ty Truyền thông và Giáo dục Lyceum (Book Hunter) liên kết thực hiện. Hồi âm từ phương Nam là cuốn sách in riêng thứ 15 của chúng tôi, trong đó có

Book Hunter

24/03/2024

Chuyện đời đầy bi kịch của Edgar Allan Poe

Trong toàn bộ nền văn học Mỹ, có lẽ không bậc thầy nào của thể loại rùng rợn được tôn vinh nhiều như Edgar Allan Poe. Từ bài thơ nhuốm màu siêu nhiên khó quên mang tên "The Raven" (Con quạ) cho đến tình tiết đầy ám ảnh vốn là trọng tâm của "The Tell-Tale Heart" (Trái tim kể tội), phong cách và các chủ đề của Poe vẫn là nền tảng cho điểm mấu chốt của hầu hết các câu chuyện kinh dị ngày

Minh Hiền

29/01/2024

Lãng mạn U ám (Dark Romanticism): Ám ảnh về góc khuất trong thế giới tinh thần với xúc cảm rùng rợn, hung cuồng và tuyệt vọng

Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại - Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm

Hà Thủy Nguyên phỏng vấn giáo sư E. SAN JUAN, Jr: Ý thức chính trị và nguyên tắc tự do trong văn chương Oscar Wilde

E. SAN JUAN, Jr. là nhà phê bình văn học và văn hóa thế giới, là giáo sư danh dự về Tiếng Anh, Văn học so sánh (Comparative Literature) và Nghiên cứu Dân tộc học. Ông nhận bằng từ Trường đại học Philippines và Đại học Harvard. Ông là trưởng khoa Văn hóa so sánh Hoa Kỳ, Đại học Washington, và hiện là thành viên của Trung tâm Hary Ransom, thuộc Đại học Texas. San Juan trước đây là nghiên cứu sinh ở Viện W.E.B.

Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại

Romanticism được dịch sang từ Hán Việt là Chủ nghĩa lãng mạn. “Lãng mạn” theo nghĩa đen là con sóng tràn đầy; theo nghĩa bóng là chỉ sự buông thả, phong lưu, không chịu ràng buộc của luân lý. Lối dịch này có lẽ do ảnh hưởng từ cách dịch của các nhà văn hiện đại Trung Quốc. Lối hiểu này nghe có vẻ hợp lý và gần nghĩa nhưng vô tình làm giảm đi triết lý của “romanticism”, và đưa “romanticism” đến gần với