Home Đọc TINH THẦN TỰ DO TRONG VĂN CHƯƠNG VÀ TRIẾT HỌC ANH

TINH THẦN TỰ DO TRONG VĂN CHƯƠNG VÀ TRIẾT HỌC ANH

Minh Hùng

05/05/2018

Nước Anh, với vị trí địa lý tương đối biệt lập cùng nền văn hóa tạo nên bởi nhiều thế hệ quý tộc và hiệp sĩ, cũng là vùng đất lành nuôi dưỡng tinh thần tự do. Có thể nhìn nhận tinh thần tự do ấy qua hai xu hướng chính: xu hướng tự do chính trị và xu hướng tự do tinh thần. Tự do chính trị là xu hướng nhấn mạnh đến quyền cá nhân trong xã hội, những người ủng hộ xu hướng này muốn tạo dựng lên một xã hội nơi các quyền cá nhân cơ bản của con người như: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do bầu cử… được nhà nước cùng mọi người dân tôn trọng và bảo đảm. Tự do tinh thần hướng vào các vấn đề mang tính cá nhân hơn, xu hướng này thường xuất hiện ở các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, thể hiện ở việc họ giải phóng cái tôi cá nhân khỏi những tư tưởng sẵn có, họ thoát ly khỏi ảnh hưởng của dòng chảy tư tưởng thời đại sẵn có để vươn lên những giá trị đặc sắc riêng có. Hai xu hướng tự do này đều được biểu hiện cả trong văn chương lẫn triết học Anh.

  1. Xu hướng tự do chính trị

Thời Phục Hưng ở Anh: Sự trỗi dậy của quyền lực tri thức
Thời Phục Hưng ở Anh bắt đầu từ cuối thế kỷ 15 và kéo dài đến đầu thế kỷ 17, đây là thời kỳ đánh dấu những bước khởi đầu cho xu hướng tự do chính trị ở Anh. Trước đó, đời sống chính trị bóp nghẹt quyền cá nhân của con người, quyền lực tập trung hoàn toàn trong tay nhà vua và nhà thờ. Nhà vua, sau khi dùng đủ những âm mưu quỷ quyệt, thốt lên những lời hứa hẹn giả dối, hy sinh không thương tiếc máu xương của dân chúng, rồi lên ngôi và tự coi địa vị của mình là “do Thượng Đế ban cho”. Nhà thờ Kitô giáo xây dựng quyền lực dựa trên niềm tin và nỗi sợ của tín đồ, họ vẽ ra những viễn cảnh đầy quỷ dữ, họ ngăn trở khoa học – nghệ thuật phát triển, và buộc con người phải tuân theo những giới luật khắt khe. Trong xã hội ấy, các quyền cá nhân cơ bản của dân chúng gần như không được nhắc tới.
Trong bối cảnh ấy, phong trào Phục Hưng với trung tâm từ Florence, Italia đã lan tỏa tầm ảnh hưởng tới Anh. Phong trào Phục Hưng hướng tới phục hồi lại những giá trị văn hóa của Hy Lạp và La Mã cổ đại, đó là khoa học và nghệ thuật, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi trong triết học. Ở Ý, Phục Hưng có tầm ảnh hưởng lớn trong âm nhạc, hội họa, điêu khắc… còn ở Anh, phong trào này đạt thành tựu ở văn chương và tư tưởng với các đại diện William Shakespeare, Francis Bacon, John Milton và Thomas Hobbes. Qua các tác phẩm của mình, họ chất vấn thứ quyền lực hiện hành: thứ quyền lực dựa trên thủ đoạn của vua chúa, hay quyền lực dựa trên những huyễn hoặc của nhà thờ, đồng thời, họ thúc đẩy một thứ quyền lực mới: quyền lực của tri thức, họ lên tiếng đòi quyền cá nhân cho công dân. Từ đó, xu hướng tự do chính trị từ phong trào Phục Hưng đã làm lung lay thứ  quyền lực cố hữu của phong kiến chuyên chế và nhà thờ.
Phong trào Phục Hưng lan tỏa đến Anh có công lớn của William Shakespeare (1564 – 1616), người đã dịch rất nhiều tác phẩm triết học, thơ ca và bi kịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, thân thế thật sự của ông vẫn là một bí ẩn. Shakespeare theo ghi chép trong lịch sử là một người diễn viên bình dân, và chuyển dần từ đóng kịch sang viết kịch. Tuy nhiên, hãy nhìn lại sự nghiệp và khả năng của con người này: ông vừa có thể viết những vở kịch mang tầm tư tưởng lớn, chứa đầy tri thức và suy nghiệm về thời đại, trong đó có nhiều vở còn mô tả rất chi tiết đến đời sống hoàng gia, bên cạnh đó, ông lại có thể dịch các tác phẩm nhiều loại nhiều ngành với hàm lượng tri thức rất cao, để từ đó đặt nền tảng cho cả nền học thuật nước Anh… những hiểu biết, tri thức và khả năng ấy rõ ràng vượt quá sức một người diễn viên bình thường thuộc tầng lớp bình dân. Đã có nhiều giả thuyết về thân phận thật sự của ông, trong đó người ta nghi ông thực ra là Francis Bacon, hoặc là một nhóm tác giả lấy tên chung, hoặc chính là bá tước Edward de Vere ẩn danh và viết lên các tác phẩm mang dụng ý chính trị làm thay đổi thời đại.
(Giả thuyết này đã được làm thành phim năm 2011 với tên Anonymous
Qua các vở kịch của mình như Hamlet, Macbeth, King Lear, Shakespeare phô bày trước mắt toàn thể người dân sự thực trần trụi về chính trị cung đình thời đó. Giới cầm quyền trong kịch Shakespeare là đám người đảo điên với tham vọng quyền lực, với những vụ ám sát đoạt quyền, mưu đồ dối gạt trắng trợn. Xã hội trong kịch ngột ngạt trong quyền lực và lòng tham, đẩy nhân vật chính vào những cơn điên loạn không có điểm dừng. Dường như vở kịch cung đình nào của ông cũng có sẵn một cơn điên chờ bộc phát. Trong vở kịch “King Lear”, vua Lear phân chia vương quốc cho các con gái dựa trên những lời nịnh nọt của chúng, rồi khi chia xong, không còn gì nữa, ông bị chính các con mình ruồng bỏ, Vua Lear phát điên. Trong vở “Hamlet”, chàng hoàng tử Hamlet thấy chú ruột giết cha mình để giành ngôi, rồi mẹ mình bỏ theo ông chú giữ ngôi hậu, và thậm chí định hại mình vì mưu đồ quyền thế, mọi người xung quanh đều phản trắc và không thể tin tưởng, chàng lâm vào khủng hoảng tâm lý và giả điên để sống tiếp giữa đám người cung đình. Triết gia người Hungary Hamvas Bela, trong tiểu luận Anh hề – Arlequin, có bình luận rằng Hamlet là người duy nhất tỉnh táo, những người khác đều là điên rồ, mê sảng trong cơn điên của lòng tham và quyền lực. Đó là cơn điên của Macbeth. Trong vở kịch Macbeth, Shakespeare kể về vị tướng quân ngầm mang ý muốn giành ngôi, ông mưu sát nhà vua, rồi lên ngôi, nhưng liền sau đó ông phải giết người bạn chiến đấu của mình để bảo vệ bí mật, thế rồi phải giết tiếp, giết nữa, giết không ngừng nghỉ cho đến khi bại vong. Thạm vọng quyền lực đã giết chết một vị tướng tài và phá hủy cả đất nước.

Đọc thêm về các vở kịch của Shakespeare tại đây

Các vở kịch của Shakespeare thể hiện rõ thái độ phản kháng với tình trạng chính trị u tối, các cuộc tranh ngôi liên miên của giới cầm quyền đương thời.. Bên cạnh đó, chính trong những vở kịch và các tác phẩm dịch của mình, ông thúc đẩy và cổ vũ cho tự do bằng cách mang đến cho lớp bình dân nhận thức chính trị và tri thức hàn lâm. Những tác phẩm dịch từ tiếng Latinh của ông chứa đầy kiến thức nền tảng về kịch Hy Lạp, Lã Mã, về tôn giáo, triết học, khoa học, lịch sử… Nhưng tác động đến giới hàn lâm ít ỏi thời bấy giờ là chưa đủ, và vì thế ông viết kịch. Kịch giúp ông tác động đến quần chúng,. Nhờ kịch mà ông đưa tư tưởng, kiến thức, tầm nhìn đến cho quảng đại quần chúng bình dân. Kịch Shakespeare không chỉ là kiệt tác nghệ thuật, mà nó còn là một sự đánh thức với đời sống tư tưởng nước Anh.

Tìm hiểu thêm về Shakespeare tại đây 

Người cùng thời với Shakespeare và cũng có ảnh hưởng lớn đến phong trào Phục Hưng ở Anh là Francis Bacon (1561 – 1626). Ông là người mở đầu cho chủ nghĩa duy nghiệm và phương pháp khoa học. Trong tác phẩm “Bộ công cụ mới” nổi tiếng của mình, ông cho rằng có những nguyên nhân tâm lý, những thái độ sai lầm khiến con người tư duy lệch lạc, những nguyên nhân ấy đã nằm sâu trong tư duy con người, gọi là “ngẫu tượng”. Khi loại bỏ các “ngẫu tượng” làm cản trở tư duy, người ta có thể tìm kiếm tri thức thông qua “bộ công cụ mới” mà ông ủng hộ: đó là thực nghiệm và phương pháp quy nạp khoa học. Chẳng cần nói nhiều về tính cách mạng trong các tư tưởng của ông, nó không chỉ đặt nền tảng cho sự phát triển của nền khoa học thực nghiệm phương Tây những thế kỷ sau này, mà còn trực tiếp chống lại thứ quyền lực tôn giáo xây dựng trên niềm tin tín đồ của nhà thờ. Bằng luận thuyết của mình, Francis Bacon đặt nghi vấn về những tri thức được rao giảng trong nhà thờ, nếu mỗi người đều tiềm ẩn những lỗ hổng tư duy thì những tri thức thu thập bằng trực giác và tin đồn, truyện kể như vậy hẳn sẽ không còn đáng tin nữa. Bacon cung cấp công cụ và phương pháp thực nghiệm để truy cầu tri thức mới nghĩa là ông chối bỏ nền tri thức kinh viện cũ, ông không cho rằng chân lý hay tri thức là thứ có được nhờ đức tin hay trực giác, ông không tin rằng chân lý là hiển nhiên bất biến, được lưu giữ trong nhà thờ và kinh thánh. Ngược lại, ông cho rằng chân lý đang ở phía trước, tri thức phải được kiếm tìm bằng thực nghiệm. Trong tác phẩm giả tưởng “New Atlantis” của mình, ông vẽ ra viễn cảnh thế giới với sự phát triển khoa học. Tư tưởng của ông trực tiếp chống đối với thần quyền tôn giáo, thứ quyền hành thần thánh đang chi phối thời đại. Ông cùng với Shakespeare mở đầu cho thứ quyền lực mới: quyền lực của tri thức, như chính câu nói nổi tiếng của ông: “Knowledge is power” – Tri thức là quyền lực.

Tìm hiểu thêm về Francis Bacon tại đây
Mua sách “Bộ công cụ mới” tại đây

Thomas Hobbes (1588 – 1679), nhà triết học chính trị lỗi lạc thời Phục Hưng, cũng là nhân vật có đóng góp lớn cho cho xu hướng tự do chính trị ở Anh, dù ông là người ủng hộ chế độ quân chủ chuyên chế.  Trong tác phẩm Leviathan xuất bản năm 1651 của mình, ông đã hệ thống hóa các quan điểm về lý thuyết khế ước xã hội. Theo đó, để tránh các xung đột hỗn loạn không cần thiết trong một đất nước không có luật lệ, con người cần phải thỏa hiệp nhau để xây dựng một chính quyền và giao lại toàn bộ quyền lưc cho chính quyền ấy để nó có thẻ phán xét và giải quyết mọi xung đột phát sinh. Thỏa hiệp giao lại quyền lực đó được gọi là khế ước xã hội, và Thomas Hobbes, về mặt thực tiễn, ông ủng hộ việc giao quyền lực tuyệt đối ấy cho một nhà vua để lập nên chế độ quân chủ chuyên chế, tuy nhiên, về lý thuyết, ông cho rằng việc giao quyền lực tuyệt đối vào tay một bộ phận thiểu số (để lập chế độ quả đầu) hoặc cho toàn bộ dân chúng (để lập chế độ dân chủ) cũng tương đối hứa hẹn. Luận thuyết này của ông bước đầu đem quyên lực đến cho dân chúng. Nên nhớ trước đây, ngôi vua được quan niệm là “do Thượng Đế ban xuống” thì giờ đây, nó là trách nhiệm được người dân giao phó. Người cầm quyền không phải ở vị trí “người thống trị”, mà là người “đại diện” cho toàn bộ dân chúng, được dân chúng đồng thuận giao quyền. Luận thuyết này của Thomas Hobbes thiết lập nền tảng cho chính trị phương Tây, làm cơ sở cho quyền tự do dân chủ được phát triển sau này.

Tìm hiểu thêm về Thomas Hobbes tại đây 

Xu hướng tự do chính trị trong thời Phục Hưng còn được đẩy lên bởi John Milton (1608 – 1674), nhà thơ siêu hình chịu nhiều ảnh hưởng của Shakespeare. Tác phẩm nổi tiếng nhất của John Milton là “Paradise lost” – Thiên đường đã mất, một thiên sử thi tôn giáo kể về Satan, thiên thần bị đày xuống địa ngục nhưng luôn mang hy vọng cám dỗ con người, giành lại Thiên đàng, xây dựng một thế giới mới, bảo vệ đến cùng quyền tự quyết của bản thân và chống lại ý Chúa. Trong nhiều tác phẩm khác, ông bày tỏ công khai những yêu cầu chính trị của mình về việc đảm báo các quyền cá nhân căn bản của con người trong xã hội. Tác phẩm “Animadversions” xuất bản năm 1641 lên tiếng chống đối với sự kiểm duyệt tác phẩm văn học. Quyền “Areopagitica” xuất bản năm 1644 là lời kêu gọi ủng hộ tự do ngôn luận. Trong quyển “Of Prelatical Episcopacy” xuất bản năm 1641, John Milton thẳng thừng phản đối việc nhà thờ nắm giữ vị trí trung gian giữa Kinh thánh và các con chiên, công kích vị trí kiểm soát của các giám mục…

Tìm hiểu thêm về John Milton tại đây

Những đấu tranh không mệt mỏi của các nhà tư tưởng Phục Hưng đã mang ngọn gió tự do thổi vào bầu không khí chính trị ngột ngạt cuối thế kỷ XV. Vị trí độc tôn của thứ quyền lực cũ nhà thờ – nhà vua đang dần lung lau và sẽ trượt đổ dần không gượng dậy nổi mấy thế kỷ sau đó. Lấp vào vị trí quyền lực đang tạm khuyết là một lớp người mới với tri thức và cả tiền bạc. Trong tay họ, xu hướng tự do mới được khởi lên tiếp tục tiến thêm những bước dài.
Thời Khai sáng: Tự do cho các nhà tư bản
Nước Anh đã thay đổi nhiều kể từ thời Phục Hưng: quyền lực của tri thức dần được đẩy lên, quyền cá nhân bước đầu được coi trọng, chủ nghĩa duy nghiệm, phương pháp khoa học và chủ nghĩa hoài nghi chiếm lĩnh đời sống tư tưởng. Những nền tảng ấy khiến lớp người tư sản phát triển và dần chiếm lấy nhiều nguồn lực quan trọng, vai trò của họ trong xã hội ngày một nổi bật, nhưng địa vị của họ thì không được nâng cao tương xứng, họ vẫn phải chịu sự kìm kẹp của chế độ quân chủ cùng quyền lực nhà thờ còn chưa sụp đổ. Họ chẳng mong gì hơn là phá bỏ mọi rào cản đang kiềm chế mình, và họ đã làm được điều đó, trước hết là về mặt tư tưởng. Nhà triết học chính trị John Locke (1632 – 1704) là tiếng nói đại diện cho lớp người mới này. John Locke tiếp bước Thomas Hobbes trong tư tưởng tự do chính trị, ông cũng đứng trên cơ sở của khế ước xã hội, nhưng ông nhận thấy thứ quyền lực tuyệt đối kia là một lực kiềm chế với tự do, vì thế ông tiến thêm một bước nữa, tước đi quyền lực tuyệt đối của nhà vua, thay vào đó là hệ thống chính quyền và pháp luật. Đứng từ vị trí của lớp người tư sản mới lên, John Locke rất nhạy cảm với viễn cảnh độc tài, sự tập trung quyền lực khiến số phận của các nhà buôn phải phụ thuộc quá nhiều vào một ông vua không đáng tin tưởng. Vì thế nên ông muốn thứ quyền lực mà nhân dân thỏa hiệp giao lại cho chính quyền chỉ là thứ quyền lực tương đối, quyền lực ấy có thể bị thay đổi bởi chính người dân, những người trước đây đồng thuận giao quyền. Cẩn thận hơn nữa, ông muốn giới hạn thứ quyền lực ấy lại trong khuôn khổ vừa đủ để bảo đảm nghĩa vụ với người dân mà thôi. Ông chia hệ thống chính quyền ra thành các nhánh và quy định quyền lực các nhánh vừa đủ để nó thực hiện chứa năng. Nhưng quan trọng hơn, ông nhấn mạnh vào vấn đề lập pháp – tạo ra một khuôn khổ chung quy định trật tự xã hội. Tư tưởng tiến bộ của John Locke trực tiếp ảnh hưởng tới Cách mạng Mỹ và sự thành lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau này.
Là người nghiên cứu tâm huyết về quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, John Locke cũng để ý tới liên minh quyền lực của nhà vua và nhà thờ. Một liên minh quyền lực lớn như thế chắc chắn sẽ là trở ngại lớn đối với viễn cảnh tự do cho lớp người tư sản mà John Locke mong đợi. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông thẳng thừng tách biệt quyền lực nhà thờ khỏi quyền lực nhà nước, và cũng bài bác việc nhà nước dùng quyền lực để can thiệp nhằm duy trì niềm tin của tín đồ. Ông cũng ủng hộ quyền được rời bỏ nhà thờ bằng lý luận rằng nhà thờ là một tổ chức tự nguyện (đến nhà thờ không phải là nghĩa vụ), và quyền tự chọn lấy con đường cứu rỗi cho riêng mình thì cũng thiêng liêng như quyền sống, quyền tự do và quyền có sức khỏe vậy.
Quyền lực nhà thờ, vốn xây dựng bằng việc rao giảng nỗi sợ hãi quỷ dữ và những điều linh thiêng huyền hoặc, đã dần đổ sụp bởi chủ nghĩa duy nghiệm mà đại diện là bộ ba John Locke, Geogre Berkeley và David Hume. Trong ba người, có lẽ David Hume (1711 – 1776) là người tích cực nhất trong việc tấn công vào các luận điệu tuyên truyền của nhà thờ. Tiếp bước Francis Bacon, ông chất vấn niềm tin vào sự tồn tại của Thượng đế hay linh hồn. “Phép màu” và những truyện kể về điều kỳ diệu siêu nhiên từ lâu vẫn là chiêu bài thu hút tín đồ rất hiệu quả của nhà thờ, David Hume đã tấn công thẳng vào chiêu bài này với những nghi vấn rằng bằng chứng về sự tồn tại của phép màu là không đủ sức thuyết phục. Với David Hume, phương pháp thực nghiệm là đáng tin hơn lời giảng suông, và ông mạnh mẽ chất vấn: “Điều gì có khả năng xảy ra hơn – ngài Uri Geller quả thực có thể dùng ý nghĩ để bẻ cong thìa, hay là có một trò bịp nào đó?”. Thẳng thừng và mãnh liệt hơn nữa, ông đưa ra nghi vấn về sự tái sinh của Jesus: “Điều gì có khả năng xảy ra hơn – việc một người chết sống lại hay bằng chứng này đã bị nhầm lẫn bằng cách nào đó?” Ngoài ra, ông còn dùng hai cuốn sách “Đối thoại về tôn giáo tự nhiên” và “Câu hỏi về hiểu biết của con người” để công kích Luận cứ thiết kế, phủ nhận giả thuyết về sự tồn tại của Chúa.

Tìm hiểu thêm về David Hume tại đây
Tìm đọc sách của David Hume tại đây

Từ sau David Hume trở đi, trên phương diện tư tưởng, chủ nghĩa duy nghiệm đã hoàn toàn thắng thế những nỗ lực rao giảng niềm tin của nhà thờ. David Hume cùng John Locke đã giật sập hệ thống quyền lực trung cổ, và từ đó, giới quý tộc địa chủ lên nắm quyền lực nhà nước. Nhưng trong chính lớp người đông đảo này lại xuất hiện mầm phản kháng khi đời sống kinh tế của họ vẫn còn bị quản thúc bởi nhà nước. Thế kỷ XVIII là lúc thịnh hành của chủ nghĩa trọng thương, vốn cho rằng kinh tế đất nước phải do nhà nước hoàn toàn quản lý, cách khả dĩ để đất nước giàu lên và đảm bảo quyền lợi cho nhà tư bản là xuất khẩu thật nhiều, nhập khẩu thật rẻ, để làm được điều đó thì phải đưa quân viễn chinh đi chiếm thuộc địa. Nhà tư bản dĩ nhiên không muốn trao việc làm ăn của mình cho một công cuộc lớn lao tốn kém như thế, họ muốn giữ quyền tự quyết của mình, và từ đó, tư tưởng tự do kinh tế của Adam Smith (1723 – 1790) đã “đánh trúng” nhu cầu của họ, được họ nhiệt liệt ủng hộ. Adam Smith nhanh chóng nổi tiếng với thuyết bàn tay vô hình, với nội dung rằng trong nền kinh tế thị trường, ai cũng muốn tối đa hóa lợi ích của mình, và điều đó vô hình trung thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng. Học thuyết ủng hộ nền kinh tế thương mại tự do này đã góp công lớn vào sự phát triển kinh tế tự do của nước Anh thời bầy giờ cũng như xu hướng tự do chính trị của nước Anh.
Thời khai sáng, động lực mạnh mẽ từ lớp người tư sản mới lên đã đưa công cuộc tự do chính trị đi một bước dài: tước dần quyền lực của vua – nhà thờ và nới lỏng vòng kìm kẹp của chính quyền với đời sống kinh tế.
Thời Victoria và phong trào nữ quyền
Trước thế kỷ XIX, vai trò của phụ nữ trong xã hội Anh vốn không được coi trọng. Vị trí mặc định và được cho là thích hợp nhất với họ là ở nhà, bếp núc và chăm con. Họ có thể chữa bệnh, dạy học, nhưng không có chỗ đứng trong xã hội, luôn chịu nghiều trói buộc ngặt nghèo. Đầu thế kỷ 19, nữ hoàng Victoria lên nắm quyền, mở ra thời đại Victoria, cũng từ đây, phong trào bảo vệ quyền lực nữ giới dần dấy lên, và văn chương là công cụ để tạo ra sự thay đổi. Đây là thời đại mà nhiều nhà văn nữ xuất hiện và các tác phẩm của họ viết nhiều tình cảm đôi lứa, những cảm xúc yêu đương phức tạp và mối quan hệ của phụ nữ với nhiều thành phần xã hội. Tác giả nổi tiếng nhất có thể kể đến Jane Austen (1775 – 1817), hay chị em nhà Bronte với các tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte và Đồi gió hú của Emily Bronte. Những tác phẩm văn học này có ý nghĩa quan trọng và dần thay đổi nhận thức của người dân Anh về vị trí của nữ giới.

Tìm mua Đồi gió hú bản tiếng Anh tại đây

John Stuart Mill, tác giả của “Bàn về tự do” cũng là người có đóng góp đáng kể vào phong trào này bằng việc sớm ủng hộ quyền tham gia bầu cử của phụ nữ. Trong Dự luật Cải cách 1867, John Stuart Mill đã thay từ “man – người đàn ông” thành từ “person – người”, thay đổi này đã mở cho phụ nữ quyền bầu cử 50 năm trước khi họ có thể hiện thực hóa quyền này trên thực tế.
Xu hướng tự do chính trị trong thời hiện đại
Đến thế kỷ XIX, xu hướng tự do chính trị coi như đã hoàn thành việc hạ bệ quyền lực của quân chủ chuyên chế và nhà thờ. Bước vào thời hiện đại, việc dàn xếp quyền cá nhân giữa con người trong cộng đồng trở thành vấn đề phức tạp. Câu hỏi thường trực được đặt ra là nên quy định và giới hạn quyền tự do của mỗi người như thế nào để vẫn đảm bảo được quyền tự do của người khác. John Stuart Mill (1806 – 1873) đã giải quyết vấn đề này trong cuốn “Bàn về tự do”. Cuốn sách nổi tiếng này bàn đến ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và tự do cá nhân. Theo John Stuart Mill, chỉ khi phần cư xử của một ai đó liên quan đến những người khác thì họ mới phải vâng theo xã hội, còn không thì anh ta/cô ta hoàn toàn có quyền làm theo ý cá nhân mình. Quyền lực của xã hội đối với tự do cá nhân chỉ dừng ở mức hướng dẫn, thuyết phục, tỏ ý không tán thành, chứ tuyệt nhiên không được tác động trực tiếp tới cá nhân con người. Con người cần bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền người khác. Bên cạnh đó, ông cũng đề cao tinh thần tự do tư tưởng, tự do thảo luận, khuyến khích việc lắng nghe tìm hiểu và tôn trọng những ý kiến bất đồng. Nhờ những tư tưởng tiến bộ ấy, quyển “Bàn về tự do” là cuốn sách nền tảng đã gây dựng lên tinh thần tự do phương Tây ngày nay.
Một nhân vật khác rất có ảnh hưởng trong xu hướng tự do chính trị hiện đại là Bertrand Russell (1872 – 1970). Trước khi đến với triết học, ông giành nhiều tâm huyết nghiên cứu toán học, và con đường triết học của ông cũng mang đậm dấu ấn toán học, ông chính là đại diện tiêu biểu cho dòng triết học phân tích thế kỷ XX. Sống qua hai cuộc chiến tranh thế giới và trải qua nhiều biến động chính trị liên quan, ông nhìn lịch sử văn minh loài người như là một một dao động hình sin bất hạnh, qua lại giữa hai cực đối lập: chuyên chế và hỗn loạn. Trong cực đoan này chứa mầm mống cực đoan kia. Chống được chuyên chế thì nảy sinh nguy cơ dẫn đến hỗn loạn, mà muốn dẹp phăng hỗn loạn thì lại phải dùng quyền lực chuyên chế. Tiến trình tốt nhất để tránh xa hẳn cả hai, Russell hy vọng rằng tự do chính trị là cố gắng thoát khỏi cái vòng xoắn không dứt này.
Russell cảnh báo hai nguy cơ về chuyên chế và hỗn loạn, thì Geogre Orwell (1903-1950) lại tập trung hoàn toàn vào nguy cơ hình thành một nhà nước toàn trị. Hai tác phẩm “Trại súc vật” và “1984” của ông ra đời sau chiến tranh thế giới thứ hai như là cảnh báo về nhà nước toàn trị. Trong truyện 1984, chính quyền đặt camera giám sát khắp nơi, quản lý và kiểm soát cả những suy nghĩ tư tưởng của công dân, chính quyền toàn trị ấy bóp nghẹt hoàn toàn không gian riêng tư và quyền lợi tự do chính đáng của con người.
Đời sống tự do tương đối ngày nay là kết quả của một quá trình dài phát triển của xu hướng tự do chính trị, tuy nhiên, lịch sử không hẳn sẽ phát triển theo hướng đi lên. Ngày nay, khi những công nghệ mới giúp các thủ đoạn theo dõi và kiểm soát trở nên tinh vi hơn, lời cảnh báo của Geogre Orwell vẫn còn nguyên giá trị.

  1. Xu hướng tự do tinh thần

Tự do về chính trị có thể được hiểu rõ ràng bởi các tiêu chí và khoản mục quyền lợi được quy định tương đối cụ thể, nhưng tự do về tinh thần thì lại khác. Đó là vấn đề mang tính cá nhân hơn, và trải nghiệm cá nhân thì khó có thể đưa ra một khung lý thuyết đúng đắn với tất cả mọi người. Ta dễ bắt gặp xu hướng tự do tinh thần này ở các tác phẩm văn chương, và xu hướng này có thể chia làm ba biểu hiện chính: hoài nghi, lãng mạn và thoát tục.
Hoài nghi
Hoài nghi là đặt dấu hỏi với các giá trị, các tư tưởng mặc định là đúng trong thời đại mình đang sống. Tự do bắt đầu với hoài nghi, vì hoài nghi khiến ta không dễ tin theo, không thuận theo tư tưởng bên ngoài, giúp ta tách ra quan sát và không bị chi phối, ảnh hưởng. Hoài nghi đánh thức cá nhân khỏi hoàn cảnh thời đại. Tư tưởng hoài nghi được đẩy lên ở thời Phục Hưng, đặc biệt dễ thấy trong các vở bi kịch của Shakespeare.  Trong vở kịch Hamlet, lời thoại của nhân vật chính đã trở thành câu hỏi điển hình cho chủ nghĩa hoài nghi: “to be or not to be”. Thái độ giả điên của Hamlet là thái độ hoài nghi, tự tách mình ra khỏi cộng đồng giả dối và tha hóa, không hòa mình vào dòng nước siết của lòng tham và thù hận, tự nghiệm và tự xét thời đại, đặt dấu hỏi với những giá trị… thái độ hoài nghi tự vấn ấy giúp anh không bị ảnh hưởng, bước ra khỏi sự chi phối của hoàn cảnh thời đại để có quyết định của riêng mình. Hoài nghi đó chính là tinh thần tự do.

Các bạn có thể tìm đọc: William Shakespeare những vở kịch nổi tiếng tập 1 và tập 2
Tổng hợp tác phẩm của Shakespeare bản tiếng Anh: The complete works of William Shakespeare

Nhà thơ siêu hình John Milton cũng thể hiện một thái độ hoài nghi cao độ trong thiên sử thi “Thiên đường đã mất” của mình. Trong sử thi ấy, Thượng Đế được miêu tả khá cứng nhắc, giáo điều, còn Satan thì lại vô cùng sống động và lôi cuốn. Satan đòi quyền tự quyết cùng lời tuyên bố: “Thà cai trị địa ngục còn hơn phục vụ chốn Thiên đường”. John Milton, một người tuân thủ rất nghiêm ngặt các luật giới khắt khe của Thanh giáo, viết sử thi này với mục đích cụ thể là để lý giải bản chất thiện ác trong con người, cảnh tỉnh đồng đạo trước những dụ dỗ của quỷ dữ, nhưng Satan trong đó lại quá sống động đến nỗi người ta tưởng như ông đã giành cho con quỷ tự do ấy không ít thiện cảm.
Lãng mạn
Khi nhắc tới văn chương lãng mạn, người ta thường liên tưởng ngay đến chuyện tình cảm yêu đương đôi lứa trong thơ hay trong tiểu thuyết, nhưng thật ra đó chỉ là một phần nhỏ trong văn chương lãng mạn. Cảm hứng lãng mạn trong văn chương là những thôi thúc khiến con người ta bộc lộ lên trang giấy những tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ cá nhân, những tâm tưởng riêng tư, những góc khuất mà đời sống thường nhật không thể hiện ra được. Việc tự do biểu hiện bản thân này chính là một biểu hiện của xu hướng tự do tinh thần.
Cần phải nhớ rằng, dẫu tiếng Anh đã được hoàn thiện và tương đối thống nhất qua các tác phẩm của Shakespeare, nhưng suốt thời kỳ sau đó, văn chương vẫn được dùng làm công cụ chuyên chở tư tưởng đạo lý, tuyên truyền cho các học thuyết và ý tưởng chính trị. Đến giữa thế kỷ 18, khi sách đã là thứ đồ đại chúng, và lớp trung lưu có học ở Anh đã hình thành và dày dạn, họ tham gia tích cực vào đời sống văn chương với nhu cầu biểu lộ chính đời sống cảm xúc riêng mình chứ không chỉ vì mục đích xã hội nữa, văn chương từ đó mới tách ra khỏi vai trò chính trị để trực tiếp nói lên cảm xúc, suy tư cá nhân riêng biệt của nhà văn.
Đại diện lớn của văn học lãng mạn nước Anh là Sir Walter Scott (1771 – 1832), người gắn liền với dòng tiểu thuyết hiệp sĩ. Dòng tiều thuyết này là “đặc sản” của văn học lãng mạn Anh, khơi nguồn từ tinh thần hiệp sĩ hào hiệp và cao thượng vốn luôn được dân Anh coi trọng. Ở các nước khác, cảm hứng lãng mạn thường nghiêng về phần yêu đương đôi lứa hơn là cảm hứng từ tinh thần hiệp sĩ. Sau này, ở Pháp chỉ có Alexandre Duma là tác giả truyện hiệp sĩ được ưa thích với quyển “Ba chàng lính ngự lâm”, nhưng chính ông cũng là người chịu ảnh hưởng từ Sir Walter Scott. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Sir Walter Scott là Ivanhoe. Truyện kể về chàng Ivanhoe dưới trướng vua Richard Lionheart vào thế kỷ 12, một chàng hiệp sĩ thượng võ và hào hiệp, bị vướng vào những âm mưu đoạt quyền của các thế lực phong kiến. Ivanhoe tự do theo đuổi lý tưởng, chống lại ý bố, từ bỏ quyền thừa kế, tự lựa chọn người mình yêu, chàng chính là một biểu tượng cho tình yêu tự do của người hiệp sĩ, thứ vốn đã ăn sâu vào tiềm thức văn hóa nước Anh.
Nhắc đến văn chương lãng mạn Anh, không thể không nhắc tới những vần thơ tình ái của Lord Byron (1788 – 1824). Tinh thần tự do trong tình yêu đưa ông vào nhiều rắc rối đời tư và phải chịu nhiều tai tiếng, nhưng thơ tình của ông thì trở thành bất tử. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Don Juan, kể về một chàng đẹp trai si mê và cưa cẩm nhiều quý bà, tác phẩm thể hiện nhiều vấn đề bản chất của sự đam mê, và nói về thực trạng lớp người quý tộc lúc bấy giờ. Không chỉ trong thơ, mà đời sống thực của Lord Byron cũng cho ta thấy ông tự do và mãnh liệt thế nào. Byron vốn có khởi điểm tuyệt vời để làm chính trị gia và hưởng cuộc sống phú quý, quyền lực và sung túc hết đời: mới 10 tuổi, ông đã được thừa hưởng tước hiệu từ người chú của mình, để từ đó đã được gọi là Lord Byron; chưa đầy 21 tuổi, ông đã là thành viên nghị viện Anh. Nhưng đời sống nhàm chán ấy không trói buộc được trái tim tự do cháy bỏng của Lord Byron, ông từ bỏ tất cả, mải miết theo đuổi những mối tình bị cấm đoán và viết lên những vần thơ tình với lòng say mê mãnh liệt.
Một nhà thơ khác cũng ngoảnh mặt với đời sống chính trị đương thời, đó là Alfred Lord Tennyson (1809 – 1892), nhà thơ nổi tiếng nhất thời đại Victoria. Ông vốn được triều đình Victoria phong tước hiệu thi sĩ hoàng gia và hết sức săn đón với mục đích là mong ông viết thơ cổ động cho công cuộc công nghiệp hóa thời bấy giờ. Tuy nhiên, công nghiệp hóa lại là điều ông cực lực phản đối. Những công trình xây dựng theo lối công nghiệp và phục vụ sản xuất đã tàn phá đi những cảnh đẹp thiên nhiên ông ưa thích. Tennyson thẳng thừng chối bỏ triều đình, bỏ đi lang thang nhiều nơi, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên và viết thơ theo ý mình. Thơ ông có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và mang nhiều yếu tố tượng trưng.

Tìm hiểu thêm về Tennyson tại đây

Một nhân vật lớn của văn học lãng mạn Anh cùng có thái độ phản kháng với công cuộc công nghiệp hóa như Tennyson là Oscar Wilde (1854 – 1900). Khi công nghiệp hóa phát triển, cái đẹp, cái cao quý không còn được coi trọng nữa, thay vào đó là cái thực dụng, cái có ích một cách trần trụi. Vì thế mà họ phá hoại cảnh quan thiên nhiên, dựng lên các khối nhà theo kiến trúc thực dụng xấu xí, hay tạo ra chương trình phổ cập giáo dục để đào tạo lên những con người công cụ để vận hành theo các cỗ máy công nghiệp sau này. Oscar Wilde rất khó chịu với tinh thần chung ấy, ông phản ứng lại bằng cách níu giữ và trân trọng từng vẻ đẹp trong đời sống. Tiểu thuyết “Chân dung Dorian Gray” của ông không chỉ bộc lộ triết lý duy mỹ của ông, mà còn mang những dấu hỏi hoài nghi lớn về bản chất con người và thời đại ông đang sống.

Tìm hiểu thêm về Oscar Wilde tại đây
Một truyện ngắn của Oscar Wilde: Chim họa my và hoa hồng

Tự do khỏi thực tại vật chất 
Một chặng đường dài từ Phục Hưng về đến thế kỷ 20, xu hướng tự do chính trị thắng thế và dùng chủ nghĩa duy nghiệm để đánh đổ quyền lực nhà thờ. Những tư tưởng duy vật thái quá đã đưa vật chất dần lên ngôi và những giá trị tinh thần dần bị xem nhẹ. Cán cân nghiêng lệch này trở nên quá rõ ràng vào thời công nghiệp hóa. Những nghệ sĩ có xu hướng phản kháng thực trạng này thường nảy sinh nhu cầu tạo ra một thế giới khác để thỏa mãn tinh thần tự do sáng tạo của mình, chống lại tư duy lý giải xã hội theo cách duy vật. Tolkien từng viết: “Tưởng tượng cũng là quyền con người”, (Fantasy remains human right).
Từ rất sớm, có lẽ do tinh thần hiệp sĩ và những cơn gió gọi mời đến những vùng đất mới ngoài khơi Đại Tây Dương, văn chương Anh đã sớm có cảm hứng phiêu lưu. Bắt đầu cho dòng truyện phiêu lưu này có thể kể đến Thomas More với Utopia, tác phẩm giàu tính chính trị hơn tính văn chương, hay chính New Atlantis của Francis Bacon cũng là tác phẩm giả tưởng. Sau đó, ta có Daniel Defoe với tác phẩm giàu chất hiện thực “Robinson Crusoe”, nhưng đến Jonathan Swift (1667 – 1745), ta bắt gặp tác phẩm văn học phiêu lưu giàu tính giả tưởng đáng chú ý: Guilliver du ký. Câu chuyện về cuộc phiêu lưu kỳ lạ của chàng Guilliver đến xứ sở người tí hon, xứ sở người khổng lồ, đất nước đảo bay và đất nước ngựa người mang nhiều hình ảnh ẩn dụ cho những hạng người trong xã hội.
Khác với Jonathan Swift, cảm hứng thoát tục của William Blake (1757 – 1827) không đến từ những phát kiến địa lý hay những hạng người xã hội. Ngược lại, ông ngoảnh mặt lại với toàn bộ thời đại bấy giờ. Thời của William Blake sống là thời tư tưởng Khai sáng lên ngôi, các nhà lý luận dùng thế mạnh của lý tính để bài bác những nội dung tôn giáo. Những con người của khoa học thực nghiệm cười khẩy những trải nghiệm tâm linh, và thế giới tinh thần trong tôn giáo nghiêng đổ. Giữa lúc đó, William Blake đứng về phía phi lý tính, ông triệt để tìm kiếm và trải nghiệm đời sống tinh thần, tìm đến những truyền thống xa xưa hơn cả Kitô giáo. Thơ của ông huyền bí và nhiều biểu tượng mang tính triết học.

Tìm hiểu thêm về William Blake tại đây

Một nhà thơ ly khai xã hội khác cũng tạo nên một khí quyển, một thế giới riêng cho mình, đó là William Wordsworth (1770 – 1850). Ông không quay lưng với xã hội, trong tác phẩm của ông, xã hội như không tồn tại, cá nhân sống giữa thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên, thiên nhiên thiên hình vạn trạng biến hóa vô tận, và ông như đắm mình trong cái thiên nhiên ấy. 
Cảm hứng thoát tục được tiếp tục trong thế kỷ XIX và XX bằng các truyện giả tưởng nổi tiếng: “Alice vào xứ sở thần tiên” của Lewis Caroll (1832 – 1898), “Biên niên sử Narnia” của C.S. Lewis (1898 – 1963) và không thể không nhắc tới “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của Tolkien (1892 – 1937), một tác phẩm chứa đầy tinh thần hiệp sĩ của người Anh. Giai đoạn này đánh dấu sự lên ngôi của tiểu thuyết và thơ đã ở vào vị trí yếu hơn. Công cuộc công nghiệp hóa đã đi vào guồng quay gấp gáp, các cỗ máy cải tiến đòi hỏi những người thợ lành nghề và hệ thống giáo dục phổ thông được sắp đặt sao cho tạo nên con người vừa vặn nhất cho hệ thống dây chuyền máy móc này. Chính vì thế mà các tác giả càng đi sâu hơn vào thế giới giả tưởng, và riêng với Lewis Caroll và C.S. Lewis thì chọn cách viết truyện cho trẻ em. Đó là một thái độ phản ứng với hệ thống giáo dục, cũng là một liều thuốc đánh thức cần thiết để các em thoát khỏi lối lý giải đời sống một cách khô khan cơ học đương thời.  

Tìm mua Biên niên sử Narnia bản tiếng Anh tại đây

Dòng chảy xu hướng tự do tinh thần trong văn chương và triết học Anh trước hết được thể hiện ở việc hoài nghi những giá trị của thời đại mình đang sống, sau đó là thể hiện những cảm xúc và tư tưởng riêng có của mình, thoát ra khỏi hệ thống tư tưởng của thời đại, và cuối cùng là tìm đến một thế giới riêng của mỗi người.
Minh Hùng 

William Blake – nhà thơ đi ngược lại phong trào Khai Sáng

William Blake sinh ngày 28/11/1757 tại Luân Đôn. Hai trong số sáu anh chị em của ông đã chết từ khi còn nhỏ. Từ thời thơ ấu của mình, William Blake đã luôn nói ra những điều bị người khác cho là hoang tưởng: Năm 4 tuổi, Blake nhìn thấy Chúa “gục đầu vào cửa sổ”; khoảng 9 tuổi, trong khi đi bộ qua vùng nông thôn, ông nhìn thấy một các cây đầy những thiên thần. Cha mẹ ông lúc bấy giờ đã rất

Yến Nhi

02/11/2016

Chat với AI (3): “Nhân chi sơ tính bản ác” và Leviathan của Thomas Hobbes

Tiếp theo chuỗi Chat với AI, Book Hunter thực hiện một cuộc hỏi đáp kỳ thú về thế giới quan của Thomas Hobbes nhân dịp ra mắt tác phẩm triết học kinh điển của ông: Leviathan. Mặc dù ChatGPT không thể thay thế được việc tự đọc và nghiên cứu kỹ các tác phẩm của Thomas Hobbes, nhưng độc giả có thể nắm được một số ý tưởng chính và vai trò của ông thông qua hỏi đáp với ChatGPT. Book Hunter: Bạn có biết

Book Hunter

02/09/2023

Book Hunter ra mắt bản dịch “Bức họa Dorian Gray” đầy đủ nhất từ trước tới nay

"Bức họa Dorian Gray" (Tên tiếng Anh: "The picture of Dorian Gray") của nhà văn vĩ đại người Anh Oscar Wilde là một trong các tác phẩm có ảnh hưởng nhất của thế giới phương Tây. Tác phẩm được nhiều lần chuyển thành phim (25 bộ phim bao gồm chuyển thể và phóng tác), truyền cảm hứng cho nhiều truyện tranh, ca khúc và thi ca. Thậm chí, cái tên Dorian Gray còn được sử dụng để gọi hội chứng tâm lý sợ tuổi già và

Book Hunter

18/10/2018

Cuộc đời nhà thơ Alfred, Lord Tennyson – đau thương đằng sau những câu thơ tuyệt mỹ

Hơn bất cứ một nhà văn nhà thơ thời Victoria nào khác, Tennyson gần như đã là hiện thân của cả thời đại mình, ngay với cả những người cùng thời và cả những độc giả hiện đại. Trong thời của mình, người ta cho rằng ông cùng với Nữ hoàng Victoria và Gladstone là ba người nổi danh nhất đương thời, một vinh dự không nhà thơ  tiếng Anh nào từng có được. Là người phát ngôn chính thức về thi ca dưới triều đại

Minh Hùng

01/05/2017

SIR WALTER SCOTT, TÁC GIẢ CỦA IVANHOE, ĐẠI DIỆN CỦA TINH THẦN HIỆP SĨ

Chủ nghĩa Lãng mạn Anh phát triển mạnh trong thời kỳ đầu kỷ nguyên công nghiệp, mở đầu với các nhà thơ như Coleridge, Wordsworth và Keats; các họa sỹ như Constable và Turner; và các tiểu thuyết gia như Sir Walter Scott. Hai cuốn tiểu thuyết của Sir Walter Scott (một phần của series Waverly nổi tiếng của ông) được biết đến nhiều nhất hiện nay là “Ivanhoe” và “Rob Roy”. “Ivanhoe” là một trong những văn bản phức tạp và xuất sắc nhất

Tô Lông

16/11/2019