“Thi ca luận” của Aristotle và “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp thường được đặt lên bàn cân so sánh trong nhiều nghiên cứu văn học so sánh, và thao tác học thuật này thường đượcthực hiện trong quá trình công bố và phê bình các bản dịch “Văn tâm điêu long” sang tiếng Anh. (1) Sự so sánh này được thực hiện hai chiều, vừa từ những học giả phương Tây muốn tiếp cận nền nghệ thuật Trung Hoa, vừa từ những học giả Trung Hoa mong muốn giới thiệu tác phẩm lý luận mỹ học kinh điển này với phương Tây. Tại Việt Nam, thao tác học thuật này cũng diễn ra trong quá trình dịch thuật “Văn tâm điêu long” sang tiếng Việt. Mặc dù Việt Nam có một nền thơ ca cổ truyền gần gũi với Trung Hoa, nhưng độc giả hiện đại đã được “phổ thông hóa” lối văn chương, lý luận và thơ văn phương Tây hiện đại, điều này khiến cho sự tiếp cận thơ văn cổ trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình tiếp cận sự sáng tạo phương Tây của người Việt lại trải qua lớp đệm là thơ Lãng mạn Pháp (trước Cách mạng) và Lãng mạn Nga (thơ ca Cách mạng), vốn đã có nhiều cải biến so với văn học cổ đại ở châu Âu, do đó, dẫu rằng để lại nhiều thi phẩm kiệt xuất nhưng khuyết thiếu các phẩm tính quan trọng. Bị cắt rời khỏi nguồn cổ, nhưng lại giâm trồng trong một mảnh đất thiếu màu mỡ, nền văn chương Việt hiện đại bị thiếu hai yếu tố quan trọng: Một là sự đa dạng phong cách và thể tài; hai là thiếu những độc giả thơ văn sành sỏi và thấu hiểu nền tảng của sự sáng tạo ở các tác giả. Nói một cách khác, thơ văn Việt dễ bị rơi vào sự lặp lại và sáo mòn bởi chính lối tiếp thu thụ động và thiếu nền tảng này.
Với bài viết này, tôi có tham vọng đúc rút những cốt yếu tạo ra sự khác biệt trong sự sáng tạo của phương Tây và phương Đông dựa trên hai tác phẩm lý luận kinh điển “Thi ca luận” của Aristotle và “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp. Hai tác phẩm là đại diện cho hai nền văn minh: Hy Lạp cổ đại và Trung Hoa cổ đại – hai cái nôi của Tây và Đông, mà từ đó lan tỏa đi các vùng lân cận, nảy sinh nhiều biến thể theo dòng thời gian. Khi tiếp xúc với các biến thể từ hai lõi văn thơ này, ta có thể thấy nhiều điểm khác biệt tới mức xa xôi, nhưng khi truy nguyên ta sẽ dễ dàng nhận thấy những tương đồng cùng lúc diễn ra với các dị biệt, và cũng từ đó mà so sánh với sự sáng tạo hiện đại và đương đại.
Xem buổi trò chuyện về chủ đề này với những bàn luận sinh động và ngẫu hứng
Sáng tạo truyền khẩu ở Hy Lạp cổ đại và chữ viết ở Trung Hoa cổ đại
Nếu so sánh “Thi ca luận” và “Văn tâm điêu long” ở khía cạnh văn bản, thiết nghĩ, là một việc làm thừa thãi. Khoảng cách văn hóa và khoảng cách niên đại của hai kiệt tác kinh điển này vốn rất xa. “Thi ca luận” không hẳn là “được viết”. Aristotle không thực sự “viết” một tác phẩm nào. Các tác phẩm đứng tên ông vốn là các bài giảng của ông tại Lyceum – trường học do ông lập, những đệ tử đã ghi chép và sắp xếp những lời giảng này. Thật khó có thể biết lúc sinh thời, Aristotle có đích thân chỉnh lý những tác phẩm của mình hay không. Nhưng cách thức này phổ biến tại xã hội Hy Lạp cổ đại, vốn coi trọng sự diễn thuyết hơn văn bản. Nói một cách khác, văn bản chỉ là hình thức chứa đựng nội dung, và nội dung với cách biểu đạt bằng lời giảng được ưa chuộng hơn, còn văn bản chỉ đóng vai trò lưu trữ. Trong khi ấy “Văn tâm điêu long” cách Aristotle gần 800 năm, là tác phẩm viết thuần túy, thậm chí lúc bấy giờ, văn hóa viết của Trung Hoa đã đạt đến cấp độ điển lệ. Với những đặc tính xã hội ấy, ở hai tác phẩm có những hình thức biểu đạt khác nhau, trong đó tính cấu trúc của “Thi Ca Luận” chắc chắn không thể bằng “Văn tâm điêu long”. Nhưng điều đó không quan trọng, mà quan trọng hơn hết, qua hai tác phẩm, ta có thể hình dung được sự khác biệt trong quan niệm sáng tạo dẫn đến hành vi sáng tạo của hai nền văn hóa.
Những hình thức diễn xướng được ghi lại trong “Thi ca luận”
Tại các thành bang Hy Lạp cổ đại ở thời Aristotle, nền văn minh đã đạt đến cực đỉnh trong hình thái bấy giờ, tuy nhiên, chữ viết thực sự chỉ phục vụ cho mục đích lưu trữ và là đặc quyền của những người có đủ năng lực để sở hữu giấy cũng như có đủ năng lực để lưu trữ. Lúc bấy giờ, những hoạt động viết và lưu trữ đều khá đắt đỏ. Từ cuốn sách cổ xưa nhất ghi chép về các triết gia Hy Lạp và La Mã có tựa đề “Cuộc đời của các triết gia nổi tiếng” của Diogenes Laërtius, hậu thế biết rằng các triết gia thời ấy đều biểu đạt tư tưởng của mình bằng hình thức diễn thuyết tại nơi công cộng hoặc tại các trường học do họ lập nêm. Bởi vậy, ở thời kỳ rực rỡ nhất của xã hội Hy Lạp cổ đại, vẫn có những triết gia như Socrates và Diogenes, những người không ần biết chữ, nhưng vẫn là thầy dạy của các triết gia lừng danh và có sức ảnh hưởng tới xã hội. Kỳ thực, với bầu không khí diễn thuyết ấy, tri thức và năng lực viết không hoàn toàn liên đới với nhau. (2) Tương tự như triết học, nghệ thuật văn chương của người Hy Lạp tồn tại ở hình thức diễn xướng thay vì văn bản. Từ những điều được ghi chép lại trong “Thi ca luận”, ta biết rằng có năm hình thức diễn xướng phổ biến lúc bấy giờ là sử thi – epic, bi kịch – tragedy, hài kịch – comedy và xướng tụng – dithyramb và ngâm khúc – lyric poetry (3). Những hình thức này có thể khác nhau về cấu trúc và nội dung, nhưng các tác phẩm thơ ca đều có đặc điểm chung là nhịp thơ. Một “thi sĩ” trong xã hội Hy Lạp cổ đại, có thể viết các thi khúc tụng ca các vị thần, xướng lên nỗi lòng mình, hoặc sử thi, hoặc các vở kịch… và Aristotle gọi họ là “người tạo tác”. (4)
> Đọc thêm: Bầu không khí tại triết học Hy Lạp cổ đại: Khi triết học không chỉ nằm trong trang giấy – Book Hunter
Những gì còn sót lại của “Thi ca luận” cho chúng ta thấy cấu trúc phức tạp trong diễn xướng bi kịch và những cấu trúc nhịp thơ phức tạp của sử thi. Sử thi và bi kịch thường lấy đề tài là những người hùng, những nhân vật có phẩm tính đạo đức cao quý trong thần thoại hoặc huyền thoại, được viết với giọng văn nghiêm cẩn. (5) Thể thơ phổ biến được sử dụng trong bi kịch là iambic, một thể thơ, theo Aristotle là gần với ngữ điệu giao tiếp thường ngày. Trong bi kịch, các đoạn hội thoại thường được viết ở thể thơ iambic. Thể thơ này bản chất là một dạng nhịp điệu hai âm tiếp da-DUM, trong đó một âm tiết thường và một âm tiết được nhấn mạnh, lặp đi lặp lại trong toàn bộ câu thơ. Thể thơ này không chỉ tồn tại ở bi kịch Hy Lạp mà còn xuất hiện trong nhiều sử thi và các bài xướng tụng, được truyền lại trong các vở kịch của Shakespeare, tác phẩm của Dante hay Milton, thậm chí là thơ ca thuộc trào lưu Lãng Mạn. Tiếc rằng, khi những vở kịch của Shakespeare và “Thần khúc” của Dante được dịch sang tiếng Việt, nhịp thơ hoàn toàn bị biến mất, mà được Việt hóa theo thói quen nhạc tính của dịch giả, hoặc tệ hơn, diễn xuôi tác phẩm thành văn xuôi như trường hợp các bản dịch “Illiad” và “Odyssey”. Aristotle đánh giá cao bi kịch hơn sử thi ở tầm vóc và cấu trúc gọn gàng, tuy nhiên bi kịch theo thời gian đã bớt hoàn toàn yếu tố thơ ca ở kịch hiện đại, còn phần dàn hợp xướng thì đã bị loại bỏ từ thời Phục Hưng. Bởi vì bi kịch không còn là một thi phẩm, nên sử thi đã thay thế vị trí kỳ vĩ số một của bi kịch. Nhưng nếu sử thi cổ đại được xướng lên tại nơi công cộng thì sử thi trung cổ và sau này chỉ còn là những văn bản tĩnh mà người đọc cảm nhận bằng đọc thầm. Từ những nền tảng bi kịch và sử thi, có lẽ dần dần đã hình thành nên hoạt động ghi chép sử và sáng tác tiểu thuyết ở phương Tây sau này.
> Đọc thêm: Tại sao xã hội vẫn cần người hùng? – Từ anh hùng cổ đại đến chủ nghĩa anh hùng suy đồi – Book Hunter
Nếu bi kịch và sử thi có lối biểu đạt trang trọng thì hài kịch có lối diễn xuất và ngôn ngữ thông tục cho tới tục tĩu, được sáng tác bởi dân du mục nay đây mai đó. Từ “comedy” trong tiếng Anh có gốc là “komazein” với nghĩa là “tiêu khiển”, và sâu xa hơn xuất xứ từ “kata komas”, tức “làng mạc” – nơi sinh sống của những người dân du mục và những người bị trục xuất khỏi các thành bang. (6) Nơi thôn dã là vùng chuyển tiếp giữa đô thị và vùng hoang dã, nơi những quy tắc sống của nền văn minh với các khuôn thước luân lý áp đặt, do đó vùng thôn dã vẫn là nơi duy trì các lễ tế phóng dật, những lễ rước sinh thực khí, những bài tục ca (satyr) mà trong đó hài kịch tồn tại như một phần của những lễ hội mùa màng. Đáng tiếc rằng phần ghi chép về hài kịch của Aristotle đã thất tán cùng với rất nhiều vở hài kịch của Hy Lạp cổ đại, nên ta không biết được sự phong phú của hài kịch, vốn là sáng tác ngẫu hứng của dân gian, không bị gò bó bởi các điển phạm quý tộc thịnh hành ở các thành bang. Những yếu tố “hài” được truyền lại trong các sáng tác phương Tây sau này trong các vở hài kịch của Shakespeare hay Molière thường chỉ còn sắc thái đùa vui hoặc châm biếm chứ không còn dấu vết của cái tục vốn phóng dật và phồn thực.
Xướng tụng và ngâm khúc cũng được đề cập đến rải rác trong “Thi ca luận”. Xướng tụng (Dithyramb) ban sơ vốn là các bài ca tụng thần Dionysus được biểu diễn bởi một đoàn đàn ông trong các nghi lễ. Không giống với các điệu thơ khác, xướng tụng có thể thơ tự do, có thể vừa theo niêm luật lại vừa không theo niêm luật, tùy vào nội dung. Còn ngâm khúc (lyrics poetry) là những thi phẩm được sáng tác đơn lẻ được ngâm ngợi theo tiếng đàn lyre hoặc sáo, đôi khi không cần nhạc đệm. Hình thức ngâm khúc này tuy ít được bàn đến trong “Thi ca luận” nhưng lại có sức sống mãnh liệt hơn cả. Nó lưu truyền trong thế giới những người hát rong, nó đi vào đời sống sáng tác cá nhân của các học giả và nhà thơ thời Trung Cổ, các biến thể của nó vừa là các bài thơ lẻ mang đậm dấu ấn cá nhân, vừa hình thành các ca khúc.
Toàn bộ các sáng tác sử thi, bi kịch, hài kịch, xướng tụng, ngâm khúc, đều được ghi nhận rằng được tác giả tạo ra theo lối ứng tác vào thuở ban đầu. (7) Đây là lối sáng tạo tất yếu khi việc viết và lưu trữ còn khó khăn. Lối sáng tạo này vẫn còn duy trì trong suốt thời trung cổ ở những người hát rong, và trên thực tế, là lối sáng tạo căn bản ở mọi sáng tác dân gian thuộc mọi nền văn hóa, dẫu là các bài thơ được Khổng Tử ghi lại trong “Kinh Thi” hay những pho sử thi đồ sộ của Ấn Độ, hay các bài ca dao dân ca của người Việt chúng ta… Thậm chí, ngay cả khi chữ viết đã thịnh hành, sự ngưỡng mộ của độc giả vẫn hướng tới những nhà thơ có thể ứng tác trong lúc say rượu hay những câu đối, những bài thơ ứng đối…
Tìm hiểu thêm: Thi ca luận (Περὶ ποιητικῆς) – Aristotle – Book Hunter Lyceum
Các hình thức viết ở xã hội Trung Quốc cổ trung đại
Người Trung Hoa hình thành nền văn minh chữ viết từ rất sớm và sớm tạo lập thói quen sáng tác dưới dạng văn bản viết. Từ thế kỷ 5 TCN, trước thời đại của Aristotle, bách gia chư tử đã lưu truyền tác phẩm của mình dưới hình thức viết, và các sử gia đã ghi chép lại các sự kiện quan trọng của quốc gia dưới dạng văn bản thay vì các hình thức bi kịch hoặc sử thi. Sự xuất hiện sớm của văn minh chữ viết làm mờ các dấu vết diễn xướng xa xưa, còn rất ít văn bản tụng ca các vị thần sử dụng trong tế lễ, và tuyệt nhiên không còn dấu vết của sử thi (nếu người Trung Hoa cổ đại thực sự có sử thi). Những bản tụng ca các vị thần dùng trong tế lễ cổ xưa nhất còn lưu lại đến nay có lẽ là “Cửu ca” của Khuất Nguyên (340 TCN – 287 TCN). Khác với các bản tụng ca khuyết danh của Hy Lạp cổ đại, “Cửu ca” không phải tác phẩm tập thể mà đã là tác phẩm của cá nhân, còn là một cá nhân xuất chúng, thấm nhuần triết truyết về quân tử. Các vị thần trong “Cửu ca” thường mang vẻ đẹp thanh nhã, thoát tục nhưng vẫn có dấu vết hoang sơ, ma mị của đất Sở. Và thay vì ứng tác, “Cửu ca” có lẽ đã được sáng tác dưới hình thức viết. Trước đó, các câu chuyện huyền sử mang đậm màu sắc anh hùng ca về thuở khai thiên lập địa cũng đã được Khổng Tử ghi chép lại trong “Kinh Thư”, thơ ca dân gian được tập hợp trong “Kinh Thi”, các nguyên tắc cư xử được ghi chép trong “Kinh Lễ” và lịch sử các triều đại được ghi lại trong “Kinh Xuân Thu”. Sau thời của Khuất Nguyên không lâu, sự bề thế của văn minh viết ở Trung Hoa đã được minh chứng bằng hoạt động quy mô của Lã Bất Vi, tướng quốc nước Tần. Lã Bất Vi tập hợp học giả, để biên soạn bộ “Lã Thị Xuân Thu” đúc rút tinh hoa trăm nhà, đồng thời cho in và treo ở cổng thành kinh đô, thách thức các học giả tìm ra lỗi trong tác phẩm này bằng treo phần thưởng ngàn vàng. Quy mô biên soạn này không tồn tại trong xã hội Hy Lạp cổ đại, mà phải đến thời La Mã cổ đại mới trở nên phổ biến.
> Đọc thêm một trong số những bài trong “Cửu ca” của Khuất Nguyên: Sơn quỷ – Khuất Nguyên – Hà Thuỷ Nguyên
> Tìm hiểu thêm về Lã Thị Xuân Thu: Chữ “Thời” trong Lã Thị Xuân Thu từ góc nhìn phương Tây – Book Hunter
“Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp đã điểm lại và lẩy những cốt yếu trong từng thể loại văn thơ. Không giống “Thi ca luận” là sự ghi chép lại diễn thuyết, “Văn tâm điêu long” được viết ở thể biền ngẫu, tức là có tính đăng đối giữa các câu văn. Một hình thức phổ biến trong văn xuôi Trung Hoa cổ trung đại. Văn xuôi biền ngẫu, một mặt cho thấy tính chất phức tạp và tinh tế trong biểu đạt của người Trung Hoa cổ trung đại, một mặt là dấu vết của truyền khẩu. Dù chữ viết được sử dụng khá sớm, nhưng các học giả Trung Hoa luôn phải đối mặt với nạn “đốt sách chôn Nho” hoặc các vụ án “văn tự ngục” trong suốt dòng lịch sử, thế nên việc học thuộc văn bản để lưu truyền là cách thức sinh tồn tốt nhất cho cả học giả và văn bản. Ví dụ như Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho giáo đã tồn tại theo hình thức truyền khẩu này trong suốt triều Tần, và chỉ đến thời Hán Vũ Đế thì các văn bản kinh mới được công bố. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng truyền khẩu chỉ tồn tại trong số các nhà nho, sự ứng tác và truyền khẩu vẫn phổ biến trong đời sống dân gian dưới hình thức các bài tế tụng, các vở tuồng, những người kể chuyện rong…
“Văn tâm điêu long” không chỉ bàn về thơ, mà bàn chung về các hình thức biểu đạt bằng ngôn ngữ, được gọi chung là “văn”. Sự bàn luận về lịch sử của các thể văn của Lưu Hiệp có phần thiếu căn cứ nhưng cho chúng ta thấy sự biến chuyển của văn: “Văn của người có cội nguồn khởi đầu từ thái cực. Thâm giải thần minh, thoạt tiên là quái tượng trong Kinh Dịch. Phục Hy đầu tiên vẽ ra bát quái, Khổng Tử cuối cùng soạn ra Thập Dực, hai quẻ Càn Khôn đặc tả trong Văn Ngôn. Văn của ngôn là tâm của trời đất. Lại thêm rồng dâng Hà Đồ trong mang bát quái6, rùa hiến Lạc Thư có chứa Cửu trù. Lại còn cây nơi ngọc bản Kim lâu, hoa của đan văn lục diệp, đó là cái gì làm chủ? Cũng là thần lý đó thôi. Từ khi lấy dấu chân chim thay cho kết dây thành nút thì văn tự khởi đầu. Sự tích Viêm, Hạo ghi lại trong Tam phầm, nhưng vì thời gian quá xa xôi văn thái khó truy tìm. Đến đời Đường Ngu văn chương bắt đầu thịnh đạt. Thuấn làm bài ca, tỏ cái chí ngâm vịnh. Ông Ích, ông Tắc trình huấn mô cũng để lại phong cách tâu bày. Nhà Hạ nổi lên sự nghiệp lớn lao, thành tích đồ sộ, lời ca công tụng đức càng thêm. Đến đời Thương, Chu, văn trội hơn chất, Nhã Tụng đầy đủ, anh hoa ngày càng mới mẻ. Văn Vương gặp hoạn nạn ưu sầu, soạn ra dao từ như ngọc như hoa, văn thái hàm súc, tình nghĩa kiên thâm. Lại thêm Chu Công đa tài, phát huy sự nghiệp Văn Vương, chế Thi tập Tụng, tu sửa các sách. Đến Phu Tử nối nghiệp thánh vượt lên tiền triết san định lục Kinh, tựa như chuông vàng khánh ngọc, trau dồi tính tình, sắp xếp từ lệnh, mõ gỗ vang lên mà ngàn dặm đáp lại. Chiếu quý trải ra mà muôn đời tuân theo, tả vẻ sáng của trời đất, thông tai mắt cho sinh dân.” (8)
“Văn tâm điêu long” liệt kê rất nhiều thể văn với những chức năng khác nhau, từ thể “tao” hay còn gọi là Sở từ, cho đến kinh, sử, nhạc phủ, thơ, phú, chiếu lệnh, các bài minh khắc trên văn bia, các bài châm chọc, các bài ai điếu… Phạm vi của “Văn tâm điêu long”, nếu đặt trong sự so sánh với trước tác của Aristotle, thì có thể nói rằng bao gồm hai cuốn sách quan trọng về sự biểu đạt là “Thi ca luận” và “Biện luận”, trong đó “Thi ca luận” thiên về sự sáng tạo và “Biện luận” bàn về các hình thức diễn thuyết – tiền thân của văn xuôi. Riêng về thơ, Lưu Hiệp kế thừa quan điểm của Nho gia, qua lời của Đế Thuấn được Khổng Tử ghi lại: “Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn” (Thơ để nói chí, ca làm cho lời thành lâu dài). Thơ do đó như một pháp tu tâm của quân tử, thay vì một thú vui hay một nghề nghiệp như ở xã hội Hy Lạp cổ đại.
Lý thuyết “mô phỏng” của Aristotle và “Nguyên đạo” của Lưu Hiệp
Từ nhãn quan duy tâm và duy vật, ta thường dễ dàng quy giản luận giải của Aristotle trong “Thi Ca luận” thành sáng tạo là quá trình bắt chước hiện thực (thiên hướng duy vật) và biện thuyết của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long” là sự sáng tạo thuần túy từ tâm mà ra (thiên hướng duy tâm). Sự quy giản này khá phổ biến trong cách đọc hiểu hai tác phẩm, và từ đó suy diễn về quan niệm sáng tạo phương Đông và phương Tây, đặc biệt ở các tác phẩm cổ điển. Tuy nhiên, khi đi sâu vào quan điểm sáng tạo từ hai tác phẩm, ta sẽ thấy lối quy giản này đang dẫn ta sai hướng khi tiếp cận tác phẩm.
Trong “Thi ca luận”, Aristotle đặc biệt nhấn mạnh đến năng lực mô phỏng (mimesis) như một bản năng của con người, một loại năng lực giúp con người học tập và khám phá thế giới. “Mimesis” là một khái niệm dễ gây hiểu lầm khi chuyển ngữ sang các văn bản hiện đại. Trong tiếng Anh, nó được chuyển thành “imitate” có nghĩa là bắt chước, tức là hàm ý sao chép bề ngoài. Tuy nhiên, trong tiếng Hy Lạp cổ đại, từ “mimesis” có nghĩa rộng hơn. Nó không chỉ hàm ý sự bắt chước, mà còn hàm nghĩa tái hiện trong tâm trí và biểu đạt ra ngoài, với cách này. Aristotle bàn:
“Thi ca nhìn chung có thể bắt nguồn từ hai nguyên cứ, một trong số chúng ẩn sâu trong bản nhiên của chúng ta. Đầu tiên, bản năng mô phỏng được khắc sâu trong con người từ thuở thơ ấu, thứ nữa là điểm khác biệt giữa người và các sinh vật khác, đó là: con người là sinh vật có khả năng mô phỏng tốt nhất, và thông qua mô phỏng mà học hỏi từ rất sớm; và niềm vui cảm nhận trong những thứ được mô phỏng cũng không kém phần phổ quát. Chúng ta có bằng chứng cho điều này trong thực tế trải nghiệm. Các đối tượng mà ở đó chúng ta thấy nỗi đau, ta sẽ thích thú thưởng ngoạn khi được tái tạo với độ trung thực từng li từng tí: ví dụ như hình dạng của những sinh vật thấp hèn và tử thi. Căn nguyên của điều này lại là, việc học mang lại niềm hứng thú sống động nhất, không chỉ với các triết gia mà với con người nói chung; khả năng học hỏi của họ, tuy vậy, lại hạn chế hơn. Do đó lý do tại sao con người thích thú thấy sự tương đồng, thì trong lúc thưởng ngoạn họ thấy mình học hỏi hoặc suy luận, và có thể nói “À, đó chính là người ấy.” Vì nếu ta không tình cờ thấy nguyên bản, sự vui thú sẽ không đến từ bản thân mô phỏng, mà là đến từ sự diễn tấu, tô điểm, hay căn nguyên nào đó khác. Mô phỏng, do vậy, là bản năng trong bản nhiên của chúng ta. Tiếp đó, chúng ta có bản năng cho “hòa thanh” và nhịp điệu, nhịp thơ vốn hiển nhiên là các thành phần của nhịp điệu. Do đó, con người bắt đầu bằng tài năng tự nhiên được mài rũa bởi các cấp độ thiên bẩm đặc biệt, cho đến khi những ngẫu hứng thô lậu khởi sinh Thi ca.” (9)
Tuy nhiên, Aristotle không chỉ bàn về mô phỏng như sự tái hiện thực tại khách quan trong tâm trí, mà còn tái hiện cả những điều trong tâm trí thông qua hành động sáng tạo. Xuất phát từ thực tại khách quan nhưng không sao chép thực tại khách quan mà có những điều chỉnh, thậm chí biến tấu thực tại ấy. Ông lấy ví dụ về việc các họa sĩ và các kịch gia Hy Lạp cổ đại, những nhà thơ sử thi có thể tái hiện con người con quý hơn hoặc đê tiện hơn điều thực sự diễn ra. Điều đó cho thấy hai pha mô phỏng. Pha đầu tiên, tâm trí tác giả tái hiện thực tại khách quan trong tâm trí, tại đây diễn ra những biến đổi chuyển thành thực tại chủ quan. Pha thứ hai, thực tại chủ quan được tái hiện thông qua hành vi sáng tạo với các thủ pháp mà tác giả đã được tôi rèn hoặc tự sáng tạo thông qua phát hiện một yếu tố đặc biệt của thực tại khách quan và mô phỏng nó. Tác giả không chỉ mô phỏng trong xây dựng nhân vật, tạo cảnh quan trong thơ… mà các nhịp điệu thơ cũng mô phỏng hành động nào đó. Ví dụ điệu iambic mô phỏng nhịp điệu trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, hay thể Bi ca (elegiac) kết hợp một dòng hexameter (lục ngôn) theo sau bởi một dòng pentameter (ngũ ngôn), tựa như những tiếng thút thít than thở dài ngắn.
Không biện luận một cách logic như Aristotle, Lưu Hiệp thuyết về văn như sau: “…Văn sinh ra cùng với trời đất. Sao vậy? Từ thuở màu đen màu vàng hợp lại, thể vuông thể tròn phân ra, nhật nguyệt như hai hòn ngọc lớn, diễn cái tượng của bầu trời, núi sông đầy vẻ kỳ, phô cái hình của mặt đất. Đó là văn của đạo vậy. Ngẩng lên xem sự diệu kỳ, cúi xuống ngắm vẻ rực rỡ, cao thấp định vị, cho nên âm dương sinh ra. Lại có con người tham dự vào, tính linh chung đúc. Trời, đất, người đó là tam tài. Người là tinh hoa của ngũ hành kim mộc thuỷ hoả thổ, thực là cái tâm của trời đất. Tâm sinh thì ngôn lập, ngôn lập thì văn sáng, đó là cái đạo của tự nhiên.” (10) Khái niệm “văn” trong “Văn tâm điêu long” có trường nghĩa rộng hơn là sự viết, nó có nghĩa là sự biểu đạt của tự nhiên hay còn gọi là đạo. Không chỉ con người có “văn” mà muôn vật cũng đều có “văn” của mình, bởi vạn vật đều có sự biểu đạt của riêng hình ở thế gian. Việc ký hiệu hóa “văn” đã tạo ra “văn tự”, và cũng từ đó, các bậc thánh nhân định ra khuôn thức cho văn để truyền đạo. Lưu Hiệp, vốn chịu ảnh hưởng của Nho gia, quan niệm rằng “người làm ra văn gọi là thánh, người thuật lại văn gọi là minh”, bởi chỉ bậc thánh mới đạt được đạo, tức cái lý của vạn vật, để có sự biểu đạt kỳ vĩ của tự nhiên. Có thể hiểu rằng, bậc thánh nhân phỏng theo đạo và biểu đạt thành văn. Văn được sinh ra từ tâm, và là thể hiện cho “cái tình của thánh nhân”, mà cái tình ở đây không phải là những cảm xúc thông thường, mà là cảm ứng với vạn vật và nhân tình thế thái. Thế nên, “văn” là để “tải đạo”, mà “đạo” ở đây là cái lý của tự nhiên, một sứ mệnh của bậc quân tử. (11)
Như vậy, cả Aristotle và Lưu Hiệp đều thống nhất với nhau về sự sáng tạo như một quá trình mô phỏng, nhưng đối tượng mô phỏng khác nhau. Ở thế giới Hy Lạp cổ đại, đối tượng mô phỏng là vạn vật, là đủ sắc thái tình cảm đa dạng, là đủ dạng nhân cách trong xã hội. Cái tài của thi sĩ trong xã hội Hy Lạp là biểu đạt được muôn hình vạn trạng của đời sống và con người, nhưng cái tài của văn nhân – người tạo ra những biểu đạt tinh túy – nằm ở sự cảm ứng với tự nhiên và nhân tình thế thái mà từ đó đạt đến cái chân và cái nhã. (12) Cả hai ông, dù cách xa nhau về không gian và thời gian, đều đồng thuận ở sự tán thưởng dành cho vẻ duyên dáng và hài hòa của các tác phẩm. Nhưng Lưu Hiệp, với trách nhiệm của một Nho gia, không hề đề cập đến những diễn xướng hay sáng tác mang yếu tố tục vốn tồn tại song song trong xã hội Trung Hoa cổ trung đại, trong khi ấy, Aristotle vẫn đề cập đến các hình thức hài kịch và tục ca phóng dật ở các vùng thôn dã trong xã hội Hy Lạp cổ đại như một hiện tượng nghệ thuật phổ biến cần được hiểu và nghiên cứu, giống như những nghiên cứu ông thực hiện với các mô hình tổ chức xã hội ở các thành bang được ghi lại trong “Chính trị luận”.
Những nền tảng lý luận để lại từ hai nền văn minh, một mặt cho chúng ta thấy những hình thức nghệ thuật chủ lưu ở thời đại của họ, một mặt trở thành cơ sở cho những sáng tạo sau thời đại của họ. Những ghi chép của Aristotle về thể thơ, hình thức biểu đạt ở Hy Lạp cổ đại đã trở thành cơ sở cho chủ nghĩa cổ điển nảy sinh trong xã hội Phục Hưng sau này, trong khi “Văn tâm điêu long” có ảnh hưởng tới cái chất nhã điển trong văn chương thi phú Trung Quốc từ thời Đường trở về sau. Tiếp cận từ lý luận vừa giúp ta hiểu rõ nguyên lý sáng tạo ẩn sau những sáng tác kinh điển của hai nền văn hóa này, đồng thời vừa gợi mở các phương thức sáng tạo đã mai một có thể như sự gợi ý cho những sáng tạo mới trong tương lai. Lội ngược dòng lịch sử, thậm chí là truy nguyên về thuở xa xưa, là một trong các hướng tìm tòi để tạo tác nên những trào lưu mới, giống như cách các nghệ sĩ Phục Hưng, nghệ sĩ Lãng mạn, nghệ sĩ Hiện đại và nghệ sĩ Hậu hiện đại đã thực hiện.
Hà Thủy Nguyên
CHÚ THÍCH:
- A Dialogue across Space and Time: A Survey of Wenxin diaolong Scholarship in the English-Speaking Wo
- Đọc thêm trong “Cuộc đời các triết gia nổi tiếng”
- Trang 16, “Thi ca luận”, Aristotle, Hà Thủy Nguyên dịch, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2024
- Trang 17, “Thi ca luận”
- Trang 48, “Thi ca luận” & Đọc thêm: Bi kịch đánh thức sự hoài nghi
- Trang 37, “Thi ca luận”
- Trang 44, “Thi ca luận”
- Trang 47, 48, “Văn tâm điêu long”, Lưu Hiệp, Trần Thanh Đạm & Phạm Thị Hảo, NXB Văn Học & Book Hunter, 2025
- Trang 42, “Thi ca luận”
- Trang 57, “Văn tâm điêu long”
- Trang 50, “Văn tâm điêu long”
- Trang 52, “Văn tâm điêu long”
