Home Đọc “Bi kịch” : Đánh thức sự “hoài nghi”

“Bi kịch” : Đánh thức sự “hoài nghi”

Adrian Poole là giáo sư môn Ngữ văn Anh và Văn học so sánh tại Đại học Cambridge. Ông dành nhiều sự quan tâm đến văn học thế kỷ 19 và 20, đặc biệt là tiểu thuyết và bi kịch. Trong cuốn sách ngắn “Bi kịch” của mình (Bản dịch của Đinh Hồng Phúc), A.Poole đã đưa ra một khảo sát tổng thể về bi kịch cổ điển và bi kịch hiện đại. Bên cạnh đó, ông cũng nêu lên những suy nghĩ của mình về vai trò của bi kịch trong đời sống và lý giải tại sao các chính trị gia, các triết gia như Plato lại có thái độ thù nghịch với bi kịch đến vậy. Ông cho rằng “Bi kịch là một từ cao quý. Chúng ta dùng từ này để mang lại cho bạo lực, tai ương, nỗi thống khổ và sự mất mát cái kích thước phẩm giá và giá trị”.

Chương 1: Ai cần bi kịch?

Mở đầu, tác giả kể về một mẩu tin ông đọc trên báo về cái chết của 19 người Trung Quốc làm nghề bắt sò, và bài báo sử dụng từ “tragedy”. Điều này khiến ông gợi ra sự tương phải với bi kịch cổ điển. Trong bi kịch cổ điển từ Athen cho đến thời đại của Shakespeare, Racine, John Milton… bi kịch “không phải là cái gì xảy ra hằng ngày. Nó là một ý niệm được gắn với một hình thức kịch đặc biệt được trình diễn vào những buổi lễ hội tôn giáo của người Athens cổ đại và trong triều đình của những ông vua và những quý tộc hiện đại.

Bi kịch xuất hiện lần đầu tại Athén vào khoảng 533 TCN với diễn viên Thespis, đây là gốc của từ “thespian” trong tiếng Anh để chỉ các diễn viên bi kịch. Một thế kỷ sau đó, bi kịch Athens đạt đến đỉnh cao với các tác giả như Aeschylus, Sophocles và Euripide. Từ “tragedy” có gốc từ tiếng Hy Lạp, kết hợp “tragos” (con dê) và “ode” (bài ca). Lý do vì sao thì đến giờ vẫn là ẩn số. Các nhà phê bình sau này cho rằng con dê là tượng rưng cho chân lý về sự sa ngã của con người cao thượng, lúc đầu có vẻ tử tế nhưng sau hóa ra lại bạc ác.

Tìm hiểu thêm về Thi Ca Luận của Aristotle: Thi ca luận (Περὶ ποιητικῆς) – Aristotle – Book Hunter Lyceum

Sau đêm dài trung cổ, William Shakespeare là người khôi phục lại bi kịch trong thời Phục Hưng. Ông giảm bớt dàn đồng ca trong các vở kịch Hy Lạp, và đặc biệt đưa vào bi kịch các yếu tố hài kịch. Điều này tạo ra một tiền lệ đưa các nhân vật tầm thường trở thành có tiếng nói trong các vở bi kịch, có thể thấy điều này trong các vai hề ở kịch của ông. Đến thời kỳ cận đại, sự hòa trộn bi hài kịch càng rõ ràng, và đến hiện đại thì những con người tầm thường bỗng chốc trở thành nhân vật chính.

Bi kịch thường nhấn mạnh đến định mệnh, đến ngẫu nhiên, đến những sự việc có lẽ không xảy ra lại xảy ra. Điều này dễ dàng gây thương cảm. “Bi kịch là tiếng than khóc mà ngày nay chúng ta nghe thấy khi tin tức thoạt tiên được phát ra. Tại sao? Đó là vì ta không biết đầy đủ thông tin”. Nhưng thời gian qua đi, hoặc khi các điều tra tiếp cận đến gần sự thật, sự thương cảm cũng biến mất. Thế nhưng có một thực tế là các câu chuyện đời thực không thể tự lên tiếng được, chỉ khi chúng biến thành câu chuyện hấp dẫn, được “nhấc ra từ dòng chảy không ngừng nghỉ” của thời gian thì chúng mới được quan tâm.

Liệu có sự mâu thuẫn giữa bi kịch và lịch sử khi nhìn nhận về các sự kiện? Gốc của từ “history” có nghĩa là “điều tra”. Bi kịch có vai trò minh họa những câu chuyện bên trong của lịch sử, về cuộc đời các nhân vật kiệt xuất, hay số phận các phong trào cách tân. “Ở đâu có sự tổn thất đáng sợ về mạng sống, thì có vẻ ở đó bi kịch và lịch sử được hòa trộn”. Bởi thế, Aristote cho rằng: “bi kịch vừa có tính triết lý hơn vừa nghiêm túc hơn lịch sử’. vì “thi ca nói nhiều hơn về những cái phổ quát, còn lịch sử nói nhiều hơn về đặc thù. Tức là Aristote muốn nhấn mạnh đến tính nguyên nhân – kết quả của sự kiện lịch sử thông qua các cốt chuyện. “Nó cho ta biết chân lý  về cách thức sự việc sẽ diễn ra – có khả năng xảy ra, theo cách không thể tránh khỏi”.

Plato đưa ra 2 cáo buộc để phủ nhận vai trò của bi kịch. Ông cho rằng đó là thứ phi hiện thực tột độ, tức là mô phỏng về sự mô phỏng, cách rất xa thế giới Chân Lý. Cáo buộc thứ hai là bi kịch khơi dậy nơi người xem những đam mê nguy hiểm, kích động những nỗi đau và sjw giận dữ mà ngoài đời thực con người vẫn kìm nén. Sau Plato, truyền thống thù địch này trở thành thái độ chính của các nhà triết học chính trị và các chính trị gia. Họ lo sợ nó kích động quá mức tâm trí của con người. Còn Aristote mặc dù không có thái độ thù hằn với bi kịch, nhưng ông cho rằng chỉ nên gói gọn cảm xúc bi kịch bằng việc thanh tẩy trong việc gợi lên lòng thương cảm và nỗi sợ hãi.

Tượng Nữ thần bi kịch Hy Lạp cổ đại
Tượng Nữ thần bi kịch Hy Lạp cổ đại

Chương 2: Ngày xửa ngày xưa

Thế giới nghệ thuật của bi kịch cổ điển thấm đẫm tính thần thánh và cảm thức về cái thiêng, về sự sợ hãi. Các vở kịch này đưa lên sân khấu mối quan hệ đầy nguy cơ giữa con người và thần thánh, chúng chỉ xét đến những hình tượng phi thường. Trong các vở bi kịch cổ điển, các tác giả không dùng ngôn ngữ văn xuôi đời thường, mà sử dụng thơ ca với sự trau chuốt tinh tế. Theo như đánh giá của A.Poole, “bi kịch của người Hy Lạp, của Shakespeare và Racine, không phải là khó làm theo, mà là không thể làm theo được”. Tuy nhiên, có một bi kịch diễn ra ở tầng sâu hơn của các bi kịch này đó là, đứng trước sự thiêng liêng và thế giới của các vị thần, những bi kịch cao đẹp ấy chỉ như một trò đùa. Đúng như Charlie Chaplin quả quyết: “Cuộc đời là tấn bi kịch khi được nhìn cận cảnh nhưng lại là một tấn hài kịch khi được nhìn toàn cảnh.”

Trong bi kịch, tác giả sử dụng các yếu tố thần thánh như một chất liệu nghệ thuật. Vậy nên, để thưởng lãm trọn vẹn một vở bi kịch, ta cần vứt bỏ niềm tin của minh. Thậm chí trong nhiều vở kịch sự kết hợp giữa các hệ tư tưởng trái ngược nhau vẫn tồn tài, ví dụ như “Frogs” của Aristophanes, ông đưa ra sự xung đột giữa niềm tin truyền thống và thuyết hoài nghi hiện đại; hay trong “King Lear”, W.Shakespeare sử dụng cả thói mê tín cùng với tinh thần duy lý hiện đại…

Năm 1590, opera ra đời kế thừa các đặc tính của kịchHy Lạp. Nhưng các vở Opera quá duy mỹ, chỉ quan tâm đến “những cảm xúc ngọt ngào” hơn là khơi dậy nỗi đau, sự thương tiếc và sợ hãi như bi kịch cổ điển. Chỉ đến khi Wagner xuất hiện với vở “Tristan & Isolde” và “Der Ring des Nibelungen“; Besla Bartok với „Blubeard’s Castles“ và Alban Berg với Wozzeck.

Ibsen được xem như tác giả khởi đầu cho kịch hiện đại với 12 tác phẩm được viết bằng văn xuôi. Chủ nghĩa hiện thực thuần túy cũng xâm chiếm thế giới của bi kịch. Bi kịch đã trở thành nơi để giãi bày tâm trạng thất vọng và hiện thực hóa những giấc mơ không được thỏa mãn. Hoàn toàn tính thi ca của bi kịch biến mất, A.Poole đã bình luận về hiện tượng này: Văn xuôi không phải là chuẩn mực mà thi ca đã đi chệch, thi ca là quy chuẩn  để từ đó văn xuôi cho ta thấy một sự sa đọa thảm họa.

Chương 3: Người chết đang sống

Trong bi kịch luôn xuất hiện các hồn ma với vai trò then chốt. Nghĩa gốc của từ ghost là cơn cuồng nộ trong vực thẳm thời gian ngược và tối tăm. Các hồn ma này thường gắn liền với phát quyết và công lý trừng phạt. Người Hy Lạp dùng từ eidolon có nghĩa là cái bóng hay bất kỳ hình thức nào không thật (chữ idol : ngẫu tượng, thần tượng xuất phát từ đó). Đây là do thái độ và quan niệm về mối liên hệ giữa con người và thần linh. So với họ chúng ta không hơn gì những hình bóng và những hiện tượng không có thực.

Các hồn ma còn liên quan đến quá khứ, ký ức, sự than khóc và báo thù. Bi kịch luôn giải quyết ác nghiệp do quá khứ để lại đến hiện tại và cần phải có bạo lực để giải quyết chúng. Ở phương diện chính trị, hồn mang là gánh nặng đè lên toàn bộ thành phố, dân cư, văn hóa với sjw hiện thân cho giá trị, ý niệm, đạo đức đang gây cản trở cho tương lai. Không có lối thoát hợp logic nào khỏi cơn ác mộng của sự báo thù. Đối với nhân vật nằm trong cấu trúc của sự báo thù, thì đó là bổn phận, kể cả đánh đổi bằng cái chết, vậy nên họ hân hoan. Đối với người nằm ngoài cấu trúc này, câu chuyện về báo thù luôn gây nên cảm giác tang thương.

Các anh hùng trong kịch Athens là những tạo vật thiêng liêng, sự kết hợp giữa thần thánh và người phàm, họ đề cao lòng can đảm, sự kiêu hãnh, một cảm quan nhạy bén về danh dự. Nhưng với thế giới hiện đại, họ là một gánh nặng, một mớ rắc rối, những thành phần cực đoan kể cả có nắm trong tay lẽ phải. Thậm chí, ngay trong kịch Shakespeare, những anh hùng như Hamlet, Macbeth, Othello… đều là kẻ lỗi thời nguy hiểm và đôi khi là sát nhân.

Freud đã mang lại một lối suy nghĩ khác về hồn ma, côi chúng như  là sự quay lại của cái bị dồn nén, kịch hiện đại được xây dựng trên nền lý thuyết đó. Kịch hiện đại nhấn mạnh đến bi kịch của người chết đang sống một sự sống bị rút cạn hết ý nghĩa, giá trị, mục đích và niềm vui. Những ám ảnh của kịch hiện đại nằm ở sự cầm tù, sự im lặng và sự điên loạn với nỗi sợ hãi bị lãng quên. Nguồn gốc của bi kịch được phỏng đoán là liên quan đến các nghi thức tang lễ cho một anh hùng hay một vị vua đã chết, khi những chiến công của người ấy được diễn lại. Tang lễ này là một hoạt động tập thể, sự tưởng niệm công cộng chứ không phải ký ức riêng tư. Kịch hiện đại, ngược lại, rất coi trọng việc chia sẻ các vấn đề riêng tư, những sự mất mát, tổn thương tinh thần.

Dù là cổ điển hay hiện đại, bi kịch phương Tây cũng không thoát được sự khiếp sợ nguyên thủy về những người đã chết nhưng không biến mất, hay cụ thể hơn là khiếp sợ quá khứ. Bởi lẽ bi kịch khiến ta băn khoăn không chỉ về cái chúng ta tạo ra mà còn về cái mà con người chúng ta đang là. 

Chương 4: Đổ lỗi cho ai?

Vấn đề nguyên nhân của tấn bi kịch luôn rất quan trọng. Nó mang lại động cơ cho hành động xuyên suốt của vở kịch. Người gánh lấy tội lỗi thường là nhân vật chính, được gọi là anh hùng bi kịch. Hoặc một lực lượng khác luôn được đổ lỗi là Thượng Đế hoặc định mệnh.

Các nhân vật thường bị mắc phải cái gọi là sai lầm chết người. Điều này được Aristote phân tích rất kỹ. Ông cho rằng bi kịch quan tâm đến việc người ta làm hơn việc họ là ai. Bi kịch không đơn thuần chỉ để minh họa cho ý niệm về công lý, mà là sự kích động những cảm xúc về thương tiếc và sợ hãi thông qua việc xây dựng cho các nhân vật mắc phải sai lầm chết người của mình trong trạng thái vô tình hoặc một nhân vật biết chắc chắn việc mình đang làm nhưng lại không rõ nó có chắc chắn đúng hay không. Điều đó chẳng qua chỉ để nhấn mạnh một vấn đề lớn của con người luôn hoang mang trước những lựa chọn hành động của mình.

Những nhân vật bi kịch không hành động từ điểm nhìn đức hạnh theo kiểu hoặc hoàn toàn xấu, hoặc hoàn toàn tốt. Một nhân vật bi kịch được xây dựng thành công khi bị đá đi đá lại giữa ranh giới xấu tốt, mọi hành động đền sáng ngời và mãnh liệt. Vậy nên, để thưởng lãm bi kịch, ta không chỉ cần vứt bỏ cả niềm tin mà còn vứt bỏ cả các tiêu chuẩn đạo đức. Freud cho rằng điều lôi cuốn của các nhân vật vĩ đại là sự tàn bạo (enorrmity), mọi tính dục và bạo lực (tức mọi sai lầm) đều gợi cho ta những ham muốn và nỗi sợ hãi mà ta phải dồn nén trong đời thực. Bi kịch cho ta thấy điều ta đã đánh mất, điều mà, như Nietzsche đã mỉa mai: Qủa là một cái giá quá đắt mà con người phải trả cho lý tính, sự nghiêm trang, việc kiểm soát các xúc cảm của mình – thật là những kiểu mẫu văn hóa lớn và có đặc quyền làm sao! Biết bao nhiêu máu và vinh quang nằm sau mọi điều tốt lành ấy.

Đối với đa số người xem, bi kịch khiến con người khó kiềm chế và bình tâm. Đó chính là nguyên nhân khiến các triết gia, các nhà luân lý, các lý thuyết gia từ Plato trở đi cảm thấy đó là mối nguy hại, và cho rằng sự xảo quyệt của bi kịch lôi kéo vào các thang bậc cảm xúc và phán quyết. Khi xem bi kịch, người xem bị lôi cuốn vào tiến trình trách phạt, vào vai người phán xét. Từ đó, các vấn đề ấy được phóng chiếu lên thực tế xã hội, sự hỗn loạn cũng bắt đầu.

Chương 5: Những ý niệm lớn

Điều bi kịch quan tâm là sự đau đớn của kẻ khác, và những câu hỏi đau đớn mà điều này đã nêu ra. Chúng ta khi xem kịch không chỉ theo dõi sự đau đớn của chủ thể mà theo dõi cả cách phản ứng của các nhân vật khác trước đau đớn đó.

Nếu bi kịch cổ điển đề cao danh dự và điều thiêng liêng, thì bi kịch hiện đại đề cao các giá trị Tự do – Bình đẳng – Bác ái, nhưng dù thế nào bi kịch cũng góp phần trong việc tạo ra tiếng kèn xung trận, với các hiệu ứng của sự kinh hoàng, nỗi sợ hãi số mệnh hay ngày tận thế. Tuy nhiên, vấn đề gây nên bi kịch chính là sự băn khoăn lẽ phải liệu có phải là lẽ phải không? – một kiểu nghi vấn về những điều ta sẵn sàng chết vì nó.

Hegel (thế kỷ 19) cho rằng dòng tư tưởng chủ lưu của bi kịch là khái niệm về sự xung đột và khả thể của việc hòa giải nó. Ý niệm ấy được liên kết chặt chẽ với một ý niệm lớn về lịch sử như sự tiến bộ của tinh thần trong và thông qua thời gian – không gian. Hegel coi bi kịch như là một cách trình bày những mối xung đột mà Tinh thần phải chịu đựng trong việc nó hạ mình thành thế giới, tức sự hiện thân của nó. Tinh thần bị phân tán thành những hình thức đặc thù và những hình tượng đại diện cho một phương diện của nó, một lẽ phải. Bi kịch trình bày sự xung đột không phải về cái đúng chống lại cái sai, mà là cái đúng chống lại cái đúng, tức là sự vận động tiến lên của tinh thần.

Có sự thù hằn lớn gữa các triết gia và các kịch tác gia bi kịch. Bi kịch đặt ra hoài nghi với các ý niệm, các tư tưởng lớn mà triết học đề cao. Những điều triết học trừu tượng hóa thi bi kịch lại cụ thể hóa và hạ bệ chúng. Nhiều nhà triết học như Brecht hoặc Roland Barthes thì cho rằng bi kịch với tính không thể tránh được khổ đau là một chướng ngại cho tiến bộ chính trị.

Trong cuốn sách Sự ra đời của bi kịch Nietzsche đã đưa ra nguyên tắc đối lập nền tảng và gọi chúng là Dionysus và Apollo, tương tự với ý chí  và biểu tượng của Schopenhauer. Schopenhauer cho rằng ý chí (Dionysus) là nguyên nhân của đau đớn và thống khổ. Còn với Nietzche, đau đớn là hệ quả của Lực Sống (Life Force). Hay nôm na có thể hiểu là Schopenhauer cho rằng đau đớn là giãy chết còn với Nietzsche đau đớn là đau đẻ. Apollo cá nhân hóa và dị biệt hóa. Apollo ngự trị bên trên cấu trúc, bên trên các rành giới, đường viền, và hninfh dáng. Dionysus ngự trị bên trên tiến trình của sự phát sinh, tạo ra các hình thức có thể có nhưng không ngừng phân hủy chính…Bi kịch là một phương tiện để tán dương lực phân hủy sáng tạo này. Nguyên tắc Dionysus luôn phá bỏ nguyên tắc Apollo với đặc trưng cứng nhắc, bạo lực từ đó nảy sinh; như một sự khẳng định: càng chống lại sự thay đổi bao nhiêu thì nguy cơ gặp đổ vỡ bạo lực càng nhiều bấy nhiêu.

Chương 6: Không có gì đáng cười

Như đã nói ở trên, bi kịch với cái nhìn toàn cảnh thì đúng là một câu chuyện đùa, một sự phù phiếm. Tiếng cười của hài kịch còn hơn cả một lô tiếng cười còn tiếng cười của bi kịch còn hơn cả tiếng khóc.
Bên cạnh đó, cười đùa, tính hài  có thể là một phương tiện để giảm nhẹ để thoát khỏi nỗi thống khổ, một sự bù trừ xác thịt cho những đòi hỏi nặng nề của kỷ luật, khắc khổi và hi sinh quên mình. Nhưng sự xoa dịu này, theo A.Poole, chỉ là sự lừa dối, bởi suy cho cùng đây cũng không pahri là hài kịch. Thực chất, các nhân vật gây hài có vai trò trong việc tra hỏi những tham vọng, những lý tưởng cao vời mà các nhân vật chính đeo đuổi.

Thế giới hiện đại với sự phẳng của nó đã nảy sinh hiện tượng những nhân vật mới phản kháng lại sự tầm thường của chính họ, nhấn mạnh vòa việc trèo lên những đỉnh cao và lặn xuống độ sâu – những nhân vật được là bi kịch. Từ Ibsen trở đi, nảy sinh ra một dạng giả bi kịch, cố gắng tái lặp lại những hành động anh hùng của bi kịch cổ điển. Nhưng sự tái lặp không đạt đến điều gì cả, không tạo ra gì cả, không bảo tồn gì cả. Trái lại, mỗi khi bạn lặp lại một từ, nó mất đi một ít nghĩa. Đây là huyền thoại hiện đại về entropy, tức ý niệm rằng năng lượng và nghĩa luôn hạ xuống, hay không bao giờ làm mới lại chính chúng đến cùng một điểm như nhau được.

Chương 7: Lời nói, lời nói, lời nói

Để tạo nên sự hấp dẫn của bi kịch và sự kích động cảm xúc, tác giả cần tạo ra sự cân bằng giữa lời nói và sự im lặng, của âm thanh và khoảng trống. Sự im lặng có thể thay cho lời nói, và lời nói được giải phóng sau sự dồn nén đều có hiệu quả biểu đạt ngang nhau trong việc xô đẩy tâm trạng của người xem.

Nói lên lời ngay giữa đam mê – tức giận, ham muốn, sầu khổ – thật đáng mơ ước biết bao, thế nhưng khi chúng ta gặp nó trong thực tế nó thường có vẻ bề ngoài, một lời chót lưỡi đầu moi và khéo miệng mà thôi. Nghệ thuật bi kịch vĩ đại thỏa mãn những ước mơ của ta bằng cách phú cho các nhân vật tài ăn nói mà chúng ta không bao giờ có được, nhất là khi nó được thể hiện bằng cơ thể và giọng nói của những người trình diễn.

 

Chương 8: Đúng lúc

Tác gia bi kịch vĩ đại là những thiên tài trong sự sắp đặt của chuỗi thời gian – sự kiện: các nhân vật chọn đúng thời điểm để những hành động diễn ra sai một cách tệ hại nhất. Những chuỗi này được đan xen liên tục các chuỗi nhân quả.

Con người luôn sống ở 2 thể: chủ động và bị động theo cảm thức về vấn đề tồn tại Con người phải chấp nhận rằng tính mạng của mình sẽ kết thúc trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn. Đó là tương phản thường thấy trong bi kịch.

Sự đến muộn là yếu tố cần thiết trong bi kịch. Có một sự ý thức về sự đến muộn tập thể trong những cấu trúc của niềm tin và sự thực hành được thừa hưởng từ quá khứ, và những câu chuyện đã từng đẩy những ý nghĩa, giá trị, vốn tạo nên một thé giới mới mà trong đó những kẻ hậm chạp như chúng ta ngày nay đã tìm ra lối thoát quá muộn. Làm như thể cái ý niệm về một sự đúng lúc thật chính xác mà ta sẽ không bao giờ đạt đến, từ đó chúng ta sẽ không bao giờ tự do được, đã trôi qua bên ngoài đầu óc của ta.

Chương 9: Những cái kết

Luôn có một tiến trình dần dần dẫn đến cái kết. Các cái kết đều luôn đặt ra câu hỏi về một tương lai không chắc chắn hoặc một sự giễu cợt về sự mong chờ một cuộc sống bình thường… Và kết thúc cũng cần đến sự đúng lúc.

Bi kịch thành công luôn kết thúc bằng các xác chết (có thể một hoặc có thể nhiều) như một hiệu ứng gây thương cảm. Cho dù có nhiều vở bi kịch kết thúc bằng sự thành công nhưng cũng không thoát khỏi được sự ám ảnh của những nhân vật đã tử nạn trong suốt tiến trình mà bi kịch diễn ra.

Sự phán xét cuối bi kịch thường gây hoang mang cho người xem vì chúng chẳng mấy khi tuân theo công lý thưởng phạt, mà gây ra hoài nghi về các vấn đề tốt xấu, thiện ác. Tuy nhiên, cái chết bất công của các nhân vật mang lẽ phải trong bi kịch thường tạo cảm giác: họ quá tốt để có thể sống.

*Đánh giá:

Ta có thể thấy tác giả có cái nhìn ưu ái đối với bi kịch cổ điển với sự hoàn hảo của nó. Việc đại chúng hóa bi kịch nói riêng và nghệ thuật nói chung, đã gây ra hiện tượng hạ thấp các chuẩn mực thẩm mỹ của xã hội. Tuy nhiên đó là điều không thể tránh khỏi trong tiến trình biến đổi của tư duy nhân loại. Các bi kịch hiện đại nhìn thấy trong sân khấu, điện ảnh, văn chương với việc chia sẻ tâm tư của những nhân vật tầm thường và sự bế tắc giữa vụn vặt đời sống đã đẩy con người rời xa dần sự phát triển về trí tuệ, ai ai cũng có thể trở thành tác giả bi kịch. Cái sến xuất hiện trong bi kịch, trở thành công cụ để kiếm lời của các nhà sản xuất và các chủ bút.

Những vở bi kịch vĩ đại thường cài cắm vào trong tâm trí con người những ý tưởng về lý tưởng, về sự giải phóng, về tự do khỏi hệ thống, về chủ nghĩa siêu nhân. Nó không giống với những tình cảm tầm thường của đời sống người thường dễ khiến con người ngủ quên. Và vì thế, quả như tác giả nhận định, bi kịch là mối nguy hại đối với các hệ thống chính trị bó buộc và các triết gia đọc đoán.

Hà Thủy Nguyên

Đăng tải lần đầu vào năm 2013. Chỉnh sửa mới nhất vào 2024.

Ảnh minh họa: Từ vở diễn “Hamlet” do Benedict Cumberbatch thủ vai.

 

Xem

Cái bi và cảm hứng sử thi trong phim ảnh đại chúng đương đại

Thế kỷ 19 và 20, nhân loại liên tiếp ở trong những cuộc chuyển dịch về tâm thức. Bước ra khỏi thời kỳ Trung cổ, được truyền cảm hứng nhân bản từ các nhà Khai Sáng, con người hướng tới các giá trị bình đẳng. Từ đó, thân phận của những người cùng khổ, những tầng lớp thấp, các bi kịch cá nhân trong đời sống bình thường bắt đầu trở thành đề tài của các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong văn

Khái niệm nghệ thuật cơ bản #1 – Chủ nghĩa cổ điển

Chủ nghĩa Cổ Điển không chỉ là một trào lưu nghệ thuật mà còn là biểu tượng của sự tinh tế, hài hòa và cân đối. Khởi nguồn từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại và được phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ La Mã, Chủ nghĩa Cổ Điển đã tạo nên một chuẩn mực nghệ thuật được ca tụng suốt nhiều thế kỷ. Trong Chủ nghĩa Cổ Điển, sự đơn giản và rõ ràng được coi trọng, phản ánh một quan niệm

Book Hunter

24/01/2024

William Shakespeare – “Hoàng đế của vũ trụ vô biên”

Book Hunter: Tựa đề của bài báo này được lấy ý từ câu thoại trong vở kịch "Hamlet: "Ta có thể ẩn mình trong vỏ hạt dẻ, nhưng cũng là Hoàng đế của vũ trụ vô biên". Cũng với ý này, Stephen Hawking đã đặt tựa đề cho cuốn sách đầu tiên của mình viết về vật lý lý thuyết để lý giải mọi điều xảy ra trong vũ trụ: "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ". Qua câu thoại trên, ta có thể nhận thấy

Đọc lại “Chinh phụ ngâm khúc” và chiêm nghiệm về chí nguyện hòa bình giữa thời loạn lạc

Khi Đặng Trần Côn (khoảng 1705-1745) viết “Chinh phụ ngâm khúc”, toàn cõi Việt đều chìm trong khói lửa chiến tranh và nội loạn, bối cảnh ấy đã thôi thúc ông viết một khúc trường thi tâm tình của người vợ xa chồng. Tâm tình này chạm vào cõi lòng không chỉ của những nữ sĩ, mà còn lay động tâm tư của nhiều bậc nam nhi. Hiệu ứng tác động này, nếu chỉ giới hạn ở lòng thương cảm của Đặng Trần Côn dành

Về những kẻ thất bại và người hùng bi kịch

Xã hội của chúng ta rất quan tâm tới người thắng cuộc nhưng không thực sự biết điều gì về những người thua cuộc – mà theo định nghĩa thì luôn luôn nhiều hơn. Trong một thời gian dài, về thành công và thất bại, lập luận thường có xu hướng quá lạc quan. Chúng ta thường nghe về sự dẻo dai, quật cường, không bao giờ đầu hàng và hãy thử lại. Nhưng kiểu ngôn luận này cũng sẽ chẳng kéo dài được lâu.