Sách văn học trong nước tháng 6 hầu hết là những câu truyện do người xưa để lại, là câu chuyện mà chúng ta cũng có thể xem như nhật ký của một thời tuổi thơ trong trẻo mà tinh nghịch. Còn nếu như bạn muốn tìm đọc câu truyện kịch tính hơn thay vì sự hoài niệm thì có thể tìm đọc tiểu thuyết của Stephen King.
Mời các bạn cùng đọc và thưởng thức các tác phẩm đã được ra mắt trong tháng 6 vừa qua:
1. TỤC THẾ KỲ NHÂN – Phùng Kí Tài
Nguồn: Tao Đàn
Vệ Thiên Tân vốn là một bến cảng, cư dân khắp bốn phương đến tụ cư, tính cách hoàn toàn khác nhau. Nhưng nơi đất cũ Yên, Triệu, huyết khí cương liệt, nước mặn đất phèn, thói tục mạnh tợn. Hơn trăm năm nay, phàm những đại tai đại nạn của Trung Hoa, chẳng khi nào không khởi phát từ nơi này trước nhất, vì vậy mà sinh ra vô vàn nhân vật quái lạ, chẳng những ở thượng tầng lớp trên, mà ngay cả ở nơi dân gian thôn quê phố thị. Tôi nghe được rất nhiều, bấy lâu vẫn ghi nhớ trong lòng, về sau tuy nhiều chuyện đã dùng viết trong các cuốn Roi thần, Gót sen ba tấc, nhưng vẫn còn một số câu chuyện, nhân vật, còn đang bỏ ngỏ một bên, chưa được dùng tới. Những kỳ nhân diệu sự ấy, nghe mà tưởng chưa nghe, nếu như vứt bỏ há chẳng đáng tiếc lắm sao? Gần đây chợt nảy sinh một ý nghĩ, sao không ghi chép lại, để cho hậu thế trong khi thưởng ngoạn được biết khuôn mặt của con người đất này khi xưa? Vì vậy mà nghĩ đến đâu ghi đến đó, nay mới bắt đầu viết, mỗi người một chuyện, riêng biệt không liên quan đến nhau, đặt tên chung cho cả tập là Tục Thế Kỳ Nhân.
2. THE SHINING – THỊ KIẾN – Stephen King
Nguồn: Nhã Nam
THỊ KIẾN (The Shining, 1977) là cuốn tiểu thuyết thứ ba được xuất bản và là cuốn sách bán chạy đầu tiên của Stephen King, thành công đó đã đem lại cho ông một vị trí vững chắc trong hàng ngũ các tác giả ưu tú ở thể loại truyện kinh dị. Bộ phim điện ảnh chuyển thể cùng tên năm 1980 do Stanley Kubrick đạo diễn, dù thay đổi khá nhiều so với nguyên tác và không được lòng chính Stephen King, cho đến nay vẫn được xem là một trong những bộ phim kinh dị xuất sắc nhất từng được làm ra.
Tác giả nói về tác phẩm:
“Tôi tin các câu chuyện như thế này tồn tại vì đôi khi ta cần tạo ra những con quái vật và ông kẹ không có thật để thế chỗ cho những điều ta khiếp hãi trong đời thực: người cha/mẹ thay vì yêu thương lại đánh đập ta, vụ tai nạn cướp đi người mà ta yêu quý, khối u ta bỗng một ngày phát hiện ra đang sống trong cơ thể mình. Giả như những sự kiện kinh khủng đó là hành động của một thế lực bóng tối, có lẽ chúng ta sẽ thấy dễ dàng chấp nhận hơn. Nhưng thay vì bóng tối, tôi lại thấy chúng mang trong mình một thứ ánh sáng chói chang, và các hành vi tàn nhẫn trong gia đình mà đôi khi vẫn còn vương lại mãi trong lòng ta, chính là thứ tỏa sáng rực rỡ hơn cả. Nhìn trực tiếp vào thứ ánh sáng chói lòa ấy sẽ khiến ta mù, thế nên ta tạo ra nhiều lớp màn chắn khác nhau. Truyện ma, truyện kinh dị, truyện kỳ bí – thảy đều là những tấm màn như thế. Người nào khăng khăng không có ma trên đời chỉ là đang lờ đi những lời thì thầm của trái tim mình và như thế, đối với tôi, là độc ác. Dĩ nhiên, ngay cả con ma độc ác nhất cũng cô đơn, bị bỏ mặc trong bóng tối, cố gắng để được nghe thấy.”
3. MỌI SỰ THẬT VÀ DỐI LỪA VỀ TÔI – Emily Barr
Nguồn: Nhã Nam
Ở tuổi mười bảy, Ella Black dường như có cuộc sống đáng mơ ước với mọi cô gái… Cho đến một ngày, cô nhận ra mình đã sống cả đời trong lừa dối. Đó là khi cô bị đưa tới Rio de Janeiro mà không một lời giải thích.
Sau khi phát hiện ra bí mật động trời về bản thân và về bố mẹ mình, Ella lang thang qua khắp các bãi biển và khu ổ chuột của Rio nhằm tìm đáp án cho câu hỏi: mình thực sự là ai? Nhưng sự thật nào phải giản đơn, và càng khám phá nhiều về quá khứ của mình, Ella càng phải thêm cố gắng để chấp nhận những gì đã qua, đồng thời làm lành với khía cạnh đen tối trong tâm hồn.
Dưới ngòi bút lôi cuốn cùng cách dẫn dắt và xây dựng nhân vật đặc trưng của Emily Barr, con người luôn phải bước ra khỏi môi trường quen thuộc, đối mặt với những hoàn cảnh mới để qua đó hiểu hơn về chính bản thân mình. Tìm lại tâm hồn là một cuộc phiêu lưu ly kỳ, hồi hộp, hấp dẫn sẽ đưa bạn từ nước Anh sương mù tới với những khu ổ chuột đầy sôi động của Rio de Janeiro theo từng bước trưởng thành của Ella Black.
5. ĐU ĐƯA TRÊN NGỌN CÂY BÀNG – Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Nguồn: Nhã Nam
Lấy bối cảnh những năm 1990, Đu đưa trên ngọn cây bàng không chỉ đưa bạn đọc ngược dòng thời gian trở về thời kỳ xã hội vừa thoát bao cấp với cuộc sống đầy rẫy những thiếu thốn, mà còn khắc họa một vùng trung du thanh bình. Ở đó bạn sẽ bắt gặp những con suối trong mát, cánh đồng rộng thênh, cây bàng đu đưa trước hiên nhà, và đặc biệt là những đồi chè trập trùng xanh ngát tới tận chân trời.
Miền đất ấy lưu giữ mọi ký ức tuổi thơ trong trẻo, chan hòa, thi vị mà vẫn có chút hào sảng của đám trẻ tinh nghịch – Thủy, Linh, Kiên và cô chó đương độ dậy thì – Lệ Dung. Cùng nhau, nhóm bạn đã thực hiện nhiều “phi vụ” lớn nhỏ, hài hước mà vô cùng cảm động như lần kiếm tiền mua áo dài cho mẹ hay chiến dịch bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hòa quyện trong những dòng văn ý nhị pha duyên ngầm về tình bạn hồn nhiên, chút tình đầu nhiều bối rối, đó là tình cảm gia đình thân thương và tình làng nghĩa xóm thân thuộc, dù có những khó khăn, mất mát, có cả những nỗi hoang mang, hổ thẹn. Nhưng sau cùng, tình yêu thương là thứ nâng đỡ tất cả.
Một cuốn truyện tươi vui sống động dành cho trẻ em, hay một cuốn nhật ký đầy hoài niệm cho những ai đã-từng-là-trẻ-em.
6. BÀN VỀ ÂM NHẠC – TRÒ CHUYỆN CÙNG SEIJI OZAWA – Haruki Murakami
Nguồn: Nhã Nam
Đúng như nhan đề, cuốn sách này là những cuộc trò chuyện về nhạc cổ điển giữa nhà văn Haruki Murakami và nhạc trưởng đại tài mà ông vô cùng mến mộ Seiji Ozawa – hai tâm hồn đồng điệu một cách đáng ngạc nhiên và chia sẻ một niềm yêu âm nhạc sâu sắc.
Tuy khác lạ về thể loại, nhưng độc giả tuyệt nhiên sẽ không thấy xa lạ với tác phẩm mới nhất được chuyển ngữ sang tiếng Việt này của Murakami, bởi chủ đề của sách chính là yếu tố quan trọng vẫn luôn xuyên suốt, khơi gợi cảm xúc và thấu cảm trong văn chương của ông: âm nhạc.
—-
Nhạc trưởng và nhà văn, bên nhau, cùng lắng nghe những đĩa nhạc, ôn lại những kỷ niệm về quãng đời Seiji Ozawa đã trải qua cùng những bậc thầy như Glenn Gould, Bernstein, Karajan…, chia sẻ niềm đồng cảm sâu sắc về âm nhạc của Beethoven, Brahms và Mahler… Một cuộc phỏng vấn chạm tới âm vang của trái tim và linh hồn của sự sáng tạo, kéo dài trong suốt một năm ròng.
“Từ đáy lòng, tôi hy vọng ông Ozawa sẽ tiếp tục mang ‘âm nhạc hay’ đến cho thế giới nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa. Giống như tình yêu, ‘âm nhạc hay’ dù nhiều đến mấy cũng không bao giờ là đủ. Bởi trên thế giới còn vô số người cần hấp thụ âm nhạc như nguồn nhiên liệu quan trọng để tiếp thêm khát vọng sống.”
7. NHỊP THỞ CHAO NGHIÊNG – Herta Müller
Nguồn: Phanbook
Nhịp thở chao nghiêng (nguyên tác: Atemschaukel) là tác phẩm đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam của nhà văn Herta Müller – nhà văn đoạt giải Nobel năm 2009.
Sau Thế chiến thứ hai, vào một buổi sáng giá lạnh của tháng Giêng năm 1945, Leo Auberg, chàng trai 17 tuổi người Đức sống ở Rumani bị lùa vào trại lao động của Liên Xô ở vùng Ukraine. Ban đầu, cậu tình nguyện đến trại lao động cải tạo vì muốn “thoát khỏi chiếc đê khâu của thị trấn” và “đến một nơi không hề biết mình.” Thế nhưng, Leo Auberg cũng nhanh chóng nhận ra chuyến đi này là một cuộc lưu đày.
Năm năm tại trại lao động cũng là năm năm cậu thanh niên phải chiến đấu chống lại sự thống trị của “Thần đói”. Xưởng gạch, mỏ than, công trường… là nơi con người bị cưỡng bách trong một cỗ máy rệu rã và nhục nhằn. Quanh cậu, một nhân quần chật chội sa vào nỗi ám ảnh, ảo giác về cái đói, cái chết.
Leo Auberg trải qua thế giới “Gulag” của các bản năng sinh tồn tầm thường, từ tăm tối đến huyễn tưởng thiên đường. Nhân tính, tự do hay tình yêu bị thứ thực tế tàn nhẫn làm cho biến dạng, rút kiệt dần dần…
Câu chuyện được Herta Müller viết với một lối văn chương tiểu thuyết hồi tưởng dồn nén, lạnh lẽo, sắc bén nhưng đầy tính thơ trên bức tranh cuộc sống tàn bạo và khốn cùng. Nhịp thở chao nghiêng đã gợi ra thế giới méo mó của trại lao động trong tất cả sự phi lý về thể chất và đạo đức. Cơn đói đã biến các giác quan của Leo Auberg thành một thứ vừa nhạy bén vừa vươn sâu vào hư ảo. Hiện thực tại trại lao động Xô-viết trở nên tàn nhẫn và thảm khốc như một thái cực đối lập với những gì mà cuộc Thế chiến đã phơi bày.
Dựa vào những câu chuyện có thật do chính mẹ của mình và Oskar Pastior trải qua, nhà văn Herta Müller đã viết nên tác phẩm Nhịp thở chao nghiêng. Văn chương Herta Müller vượt thoát từ trải nghiệm lưu đày; chống lại chứng lãng quên tập thể và sự xóa vết bản dạng con người trong bối cảnh toàn trị.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.
Điểm tin: Trần Cúc
Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.
Đọc thêm bản tin sách văn học trong nước tháng trước:
Đọc thêm bản tin sách học thuật trong nước tháng này:
Đọc thêm bản tin sách phổ thông trong nước tháng này:
Book Hunter
08:54 22/09/2022Cảm ơn tác giả đã cho một số tips hay , mình sẽ thử áp dụng