Home Đọc SÁCH VĂN HỌC TIẾNG HÀN THÁNG 2-4 NĂM 2022: CỬA HÀNG TIỆN ÍCH BẤT TIỆN, NHẬT KÝ BÊN SÔNG SEOMJIN, HÀNH TINH CỦA NHỮNG KẺ PHẢN DIỆN THÍCH BÁNH MÌ…

SÁCH VĂN HỌC TIẾNG HÀN THÁNG 2-4 NĂM 2022: CỬA HÀNG TIỆN ÍCH BẤT TIỆN, NHẬT KÝ BÊN SÔNG SEOMJIN, HÀNH TINH CỦA NHỮNG KẺ PHẢN DIỆN THÍCH BÁNH MÌ…

Hà Linh

30/04/2022
sach-van-hoc-tieng-han-thang-2-4-2022

Kể từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2022, sách Hàn Quốc mới vẫn lên kệ đều, nhưng gây được chú ý, đáng tiếc phần lớn lại là những cuốn đã tiếng tăm nay được thay áo mới hoặc im hơi lặng tiếng bao năm trời bất ngờ được quan tâm trở lại. Tuy vậy, vẫn có một số cuốn mới mẻ đáng để kỳ vọng.

1. 저주토끼 (Con thỏ nguyền rủa – Chung Bo Ra)

Cuốn sách Hàn Quốc đang rất được chú ý ở cả Hàn Quốc lẫn quốc tế hiện nay, vừa lọt vào danh sách chung khảo Man Booker Quốc tế 2022 hồi đầu tháng Tư vừa qua.

Tập truyện ngắn Con thỏ nguyền rủa của Chung Bo Ra vốn đã được xuất bản từ năm 2017 nhưng hầu như im hơi lặng tiếng. Phải tới năm 2021, khi cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi dịch giả Anton Hur và được độc giả quốc tế tán thưởng, sau đó lọt vào vòng sơ khảo và cuối cùng là chung khảo của Man Booker Quốc tế thì tại quê nhà, tới tận ngày 1 tháng 4 vừa qua cuốn sách mới được tái bản và được chính độc giả Hàn Quốc quan tâm.

Con thỏ nguyền rủa là tập truyện gồm 10 truyện ngắn thuộc nhiều thể loại, từ kinh dị đến lãng mạn, từ viễn tưởng đến siêu nhiên, từ hiện thực tới kỳ ảo – đó có lẽ cũng là điểm lôi cuốn nhất của cuốn sách này, khi bạn không biết nên gọi đích xác nó là gì.

Nhưng dù thuộc thể loại nào, những truyện ngắn trong Con thỏ nguyền rủa dường như đều có chung một chủ đề: đó là đặt vào trung tâm những đối tượng bị lề hóa, bất kể họ là rô bốt, ma quỷ, hay chính những con người bình thường. Chung Bo Ra đem đến một tiếng nói vô cùng táo bạo và mới mẻ, sẵn sàng thử nghiệm câu chữ và thử thách người đọc, bằng cái kỳ dị và kinh dị vô tiền khoáng hậu.

Ảnh: yes24

2. 불편한 편의점 (Cửa hàng tiện ích bất tiện – Kim Ho Yeon)

Cuốn sách làm mưa làm gió trên các danh sách sách bán chạy của Hàn Quốc suốt cả năm ngoái, năm nay được thay áo mới (phiên bản “hoa anh đào”) vẫn tiếp tục đứng đầu bảng.

Ngay từ cái tên đã gây hiếu kỳ, bối cảnh diễn ra câu chuyện là một cửa hàng tiện ích tên Always lúc nào cũng thiếu đồ và chẳng mấy khi có chương trình khuyến mãi. Nhân viên chuyên làm ca đêm của cửa hàng tiện ích này lại là một người vô gia cư, nhờ nhặt được ví tiền của chủ cửa hàng và đem trả lại mà được bà chủ thương tình nhận vào làm việc, cho chỗ ăn chỗ ở. Thoạt nhìn người đàn ông nhếch nhác, nghiện rượu và hay đãng trí này thật không đáng tin chút nào, nhưng bất ngờ thay, chính nhờ ông mà những vị khách tìm đến cửa hàng tiện ích bất tiện lại tìm được sự ấm áp còn cửa hàng lại được trông coi an toàn hơn bao giờ hết vào ban đêm.

Không khó để tìm thấy những yếu tố dễ chiếm được cảm tình độc giả ở câu chuyện rất đời này. Từ bối cảnh thân quen là cửa hàng tiện ích đâu đâu cũng có ở chốn đô thị hiện đại tới những mảnh đời dù thoáng qua nhưng lưu dấu đậm nét của những người lui tới mua hàng và câu chuyện ẩn giấu của những người đứng sau quầy bán hàng… Không cần quá nhiều mới lạ hay kịch tính, chính bởi sự dung dị đời thường mà Cửa hàng tiện ích bất tiện đã trở thành cuốn tiểu thuyết chữa lành, chiếm trọn cảm tình của đông đảo độc giả Hàn Quốc. 

Ảnh: yes24

3. 어서 오세요, 휴남동 서점입니다 (Chào mừng bạn đến với hiệu sách Hyunamdong – Hwang Bo Reum)

Một cuốn sách đẹp kể câu chuyện về những người gắn kết với nhau qua sách và hiệu sách, qua đó học cách tự đứng lên từ những tổn thương và vấp ngã.

Tại một con ngõ nhỏ vắng người qua lại mới mở một hiệu sách nhỏ có tên Hyunamdong. Suốt mấy tháng đầu vắng khách, chủ hiệu sách – một người đàn ông mang vẻ mặt thờ ơ với mọi sự chỉ ngồi yên đọc sách. Mỗi ngày mỗi ngày đọc sách như vậy, anh dần cảm thấy như mình đang tìm lại được những điều đã đánh mất, cõi lòng trống rỗng cũng dần được khỏa lấp. Và tới một khoảnh khắc, anh nhận ra mình đã khỏe mạnh hơn rất nhiều. Cũng vào chính khoảnh khắc đó, hiệu sách Hyunamdong đã trở thành một không gian hoàn toàn mới mẻ – là nơi những người chất trong lòng mình nhiều câu chuyện gặp gỡ và kết nối.

Một điều thú vị ngoài lề, viết về hiệu sách và về những cuốn sách giấy nhưng Chào mừng bạn đến hiệu sách Hyunamdong lại khởi điểm là một … sách điện tử. Ngay sau khi xuất hiện trên nền tảng sách điện tử, tiểu thuyết này đã lọt vào Top 10 sách bán chạy và cũng chính nhờ sự yêu mến của độc giả mà được xuất bản dưới hình thức sách giấy, và như một lẽ đương nhiên, tiếp tục chiếm lĩnh danh sách sách bán chạy từ đó tới giờ.

Ảnh: yes24

4. 김탁환의 섬진강 일기 (Nhật ký bên sông Seomjin – Kim Tak Hwan)

Cầm bút đã 27 năm, nhà văn – nhà nghiên cứu Kim Tak Hwan nung nấu muốn khám phá và tìm tới một thế giới mới, để tìm thêm cảm hứng và để những con chữ mình viết ra không cũ mòn. Ông rời Seoul về Gokseong, sống trong một căn phòng sáng tác mượn lại từ một người bạn nằm bên bờ sông Seomjin. Tại đây, ông vừa học lại cách viết văn vừa học làm nông, chậm rãi đi qua bốn mùa.

Ở tập tản văn này, theo dòng thời gian từ tháng Một tới tháng Mười hai, tác giả khắc họa những phong cảnh thiên nhiên bày ra trước mắt mình theo từng mùa, kể lại những việc mình làm, những món mình ăn và giãi bày những tình cảm, tâm trạng thấm thía qua mỗi khung cảnh mình ngắm nhìn, mỗi công việc (cả của nghề nông lẫn nghề văn) mình vất vả đổ mồ hôi, mỗi món ăn mình thưởng thức.

Trong vài năm gần đây khi quy nông trở thành một trào lưu, thậm chí mục tiêu sống, cũng đã có không ít sách tản văn về quy nông, hướng dẫn quy nông được xuất bản. Tuy nhiên, qua ngòi bút của một nhà văn nhạy cảm trước những biến đổi của đất trời, tinh tế trong vẽ lại cảnh và tình bằng câu chữ, Nhật ký bên sông Seomjin của nhà văn Kim Tak Hwan có lẽ vẫn là một cuốn tản văn quy nông có giá trị.

Ảnh: yes24

5. 빵 좋아하는 악당들의 행성 (Hành tinh của những kẻ phản diện thích bánh mì – Kwak Jae Sik)

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Hàn Quốc. Nhiều tác giả xác định rõ và chỉ chuyên tâm sáng tác theo thể loại này, trong đó nhà văn Kwak Jae Sik là một ví dụ. Anh vừa là nhà văn vừa là tiến sĩ kỹ thuật, vừa có nền tảng khoa học vững chắc vừa sở hữu trí tưởng tượng phong phú.

Hành tinh của những kẻ phản diện thích bánh mì là tập truyện ngắn khoa học viễn tưởng mới nhất của Kwak Jae Sik. Bênh cạnh tác phẩm tiêu đề, miêu tả Trái đất và nhân loại qua điểm nhìn của người ngoài hình tinh, các truyện ngắn còn lại cũng hứa hẹn mang tới nhiều góc nhìn cũng như bối cảnh mới lạ. Cánh cửa du hành thời gian khắc họa một thế giới tương lai, nơi mà du hành thời gian đã trở nên phổ cập tới mức bắt đầu có các tổ chức, công ty sản xuất các dụng cụ du hành thời gian. Người cuối cùng trên địa cầu (?) lại đặt vấn đề về việc có nên tiếp tục duy trì nòi giống của nhân loại hay để nhân loại diệt vong của người sống sót cuối cùng trên trái đất – không phải vì dịch bệnh hay chiến tranh, mà đơn thuần chỉ vì tỷ lệ sinh thấp.

Lấy các chủ đề khoa học viễn tưởng làm phương tiện để truyền tải những câu chuyện và trăn trở rất đời, rất người và đáng ngạc nhiên, là vô cùng hiện thực, tập truyện ngắn Hành tinh của những kẻ phản diện thích bành mì đã góp thêm một tiếng nói giàu cả kỹ thuật lẫn nghệ thuật.

Ảnh: yes24

Tổng hợp: Hà Linh

Đọc thêm Sách văn học tiếng Hàn tháng 1 năm 2022:

https://bookhunter.vn/sach-tieng-han-hay-thang-1-nam-2022-anh-mat-troi-den-nhung-vet-dom-than-thuong-ca-sau-thanh-pho-yeon-yi-va-cong-tu-beo-dul/

Đọc thêm về Sách tiếng Anh hay tháng này:

https://bookhunter.vn/sach-tieng-anh-hay-thang-4-nam-2022-the-gioi-tu-do-nghe-thuat-tu-duy-thoi-chien-tranh-lanh-the-gioi-theo-mau-sac-lich-su-van-hoa-cuoc-noi-day-dinh-dam-cua-nu-tiep-vien-hang-khong-tuyen-tap-t/

Đọc thêm về Sách văn học tiếng Đức tháng này:

https://bookhunter.vn/sach-van-hoc-tieng-duc-thang-4-nam-2022-tieng-on-vinh-cuu-bai-hat-breton-nguoi-khong-pham-toi/

SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC THÁNG 5 NĂM 2022: CHÙA ĐÀN, DỌC ĐƯỜNG, NHỮNG NGÃ TƯ VÀ NHỮNG CỘT ĐÈN,… 

Ghé ngang một chút quanh những trang điểm sách trong nước, ta có thể dễ dàng nhận ra dòng sách văn học vẫn luôn rất được ưa chuộng. Hàng tháng, vẫn luôn đều đặn có những cuốn sách mới được phát hành, có những cuốn được tái bản lại. Tất cả đều là những câu chuyện thú vị mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Một sự thật khác ở các bài điểm sách trong nước đó dù là “trong nước” nhưng số lượng

Trần Cúc

04/06/2022

SÁCH TIẾNG TRUNG HAY THÁNG 1 NĂM 2022: BẢY BÀI LUẬN VỀ NHÂN GIAN TỪ THOẠI, CỔ CHUYÊN HOA CUNG: LỤC DU VÀ HỌC – NGHỆ THUẬT CỦA THẾ KỶ 19, BỤI BẶM LẮNG XUỐNG…

Mở đầu năm 2022, số điểm sách tiếng Trung tháng 1 sẽ cùng bạn khám phá thế giới muôn hình muôn vẻ, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử rối ren của người Tạng với “Bụi bặm lắng xuống”, về văn học và nghệ thuật Trung Quốc trong những năm cuối thời Thanh với “Bảy bài luận về Nhân gian từ thoại” và “Cung hoa gạch cổ”, theo dõi những cuộc sống bên lề của những người dân Tân Cương xa xôi trong “Phương

SÁCH HAY TRONG NƯỚC TUẦN TỪ NGÀY 6 THÁNG 12 ĐẾN 12 THÁNG 12 NĂM 2021:VÒNG LUÂN HỒI CỦA CÁI ĐẸP – MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT, SÚNG VI TRÙNG & THÉP,… READING WITH ME #19 “CUỘC ĐỜI NỔI LOẠN CỦA OSHO”

Bước vào những ngày cuối năm 2021, mời các bạn cùng làm dịu, chậm lại nhịp sống mà thưởng thức những tác phẩm, những sự kiện tri thức hướng về nghệ thuật và văn học... Trong tuần từ ngày 06 đến 12 tháng 12 năm 2021, sự kiện tri thức nổi bật với hai buổi “Reading” được thực hiện bởi hai tổ chức khác nhau mang đến góc nhìn rộng hơn, giải mã về cuộc đời cũng như các phát ngôn của Osho và chương

Trần Cúc

13/12/2021

SÁCH TIẾNG HÀN HAY THÁNG 1 NĂM 2022: ÁNH MẶT TRỜI ĐEN, NHỮNG VẾT ĐỐM THÂN THƯƠNG, CÁ SẤU THÀNH PHỐ & YEON YI VÀ CÔNG TỬ BEO DUL

Trái ngược với sự dè dặt của độc giả Việt trong tiếp cận văn chương Hàn Quốc (đặc biệt khi ta so với sự lan tỏa rộng rãi của Hallyu - làn sóng Hàn Quốc ở các lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh hay truyền hình), ngành xuất bản tại xứ kim chi lại phát triển cực kỳ sôi động, đa dạng và ngày càng có chiều sâu nhất định. Các nhà xuất bản độc lập hay xuất bản chuyên biệt một thể loại

Hà Linh

25/01/2022

SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC THÁNG 4 NĂM 2022: THỎ PHỤC SINH & TRỨNG CHIẾN BINH TRONG LÒNG TRÁI ĐẤT, VANG RỘN TIẾNG VE, BÊN KIA SÔNG,…

Trong trang bìa của rất nhiều sách, dòng chữ giới hạn độ tuổi cho độc giả sẽ luôn được ghi là 12+, 16+... mà chưa từng xuất hiện dấu trừ (-). Đây là một sự hiển nhiên cho việc có nội dung giới hạn cho trẻ nhỏ, nhưng nội dung cho người lớn chưa từng có giới hạn. Sách được ghi, được khuyến khích là dành cho trẻ nhỏ, biết đâu lại phù hợp với tâm hồn người lớn. Trong tháng 4 năm 2022, ngoài

Trần Cúc

02/05/2022