Home Sống Nữ quyền sinh thái: Trong đại dịch covid, cùng ngẫm về Nữ quyền & Thiên nhiên

Nữ quyền sinh thái: Trong đại dịch covid, cùng ngẫm về Nữ quyền & Thiên nhiên

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách “Khí Hậu – Câu Chuyện Mới” của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.

 

Gánh trên lưng vai trò chăm sóc và nuôi dưỡng gia đình, người phụ nữ thường là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề khi dịch bệnh, thiên tai, nạn đói xảy ra. Nhưng cũng bởi lẽ đó, phụ nữ đã và đang đóng vai trò tiên phong, hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề này: đảm bảo cuộc sống tinh thần, an sinh xã hội lẫn các kết nối văn hoá, cộng đồng.

Các hồi ký chiến tranh, điều tra báo chí và nghiên cứu lịch sử đã cho thấy nhiều ví dụ cho điều trên, cho thấy đặc trưng giới trong các cuộc khủng hoảng sinh thái – nhân đạo. Trong hồi ký mang tên “When broken glass floats” kể về cuộc sống gia đình dưới thời Khmer Đỏ, tác giả Chanrithy Him miêu tả sự bất lực, tuyệt vọng và cảm giác tội lỗi của mẹ khi không thể nấu được món ăn mà bố cô rất thích khi còn sống trong ngày giỗ của ông. Tìm hiểu của nhà báo Barbara Demick trong cuốn sách “Nothing to Envy” cũng cho thấy, phụ nữ Bắc Triều Tiên là những người đầu tiên cảm nhận được tác động của nạn đói (1994 – 1998). Họ cũng là những người tiên phong lên rừng, đi xa hơn về các vùng nông thôn để tìm nguồn lương thực mới cho gia đình và phát triển các hình thức kinh doanh hộ gia đình để kiếm thêm thu nhập, trao đổi lương thực. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực lao động phi chính thức và kinh doanh hộ gia đình – góp phần lớn vào nuôi dưỡng gia đình trong thời nghèo đói, chiến tranh.

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, vấn đề nhà ở, lương thực hay mức lương không đảm bảo,… – đều là những vấn đề nan giải mà phụ nữ toàn cầu phải đối mặt và bị đặt trong vị thế buộc phải tiên phong giải quyết chúng. Nhưng tại sao các nhà nữ quyền hiện nay vẫn chưa thảo luận nhiều về điều này? Nữ quyền đóng vai trò như thế nào trong việc giải quyết các vấn đề trên?

Trong vòng hai năm qua, trải qua các làn sóng Covid, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải ứng phó với muôn vàn khó khăn đến từ dịch bệnh. Trong bài viết này, hãy cùng bóc tách khái niệm “Nữ quyền Sinh thái” (Eco-feminism), để thấy rằng hệ thống xã hội và tư tưởng phụ quyền không chỉ ảnh hưởng đến người nữ nói riêng mà còn ảnh hưởng đến sinh thái, kinh tế – xã hội, sự sống nói chung.

Từ đó, hãy cùng ngẫm xem nữ quyền có nên dừng lại ở việc đấu tranh giải phóng một số phụ nữ không; hay còn cần phải chất vấn, thay đổi cấu trúc xã hội và tư tưởng đã huỷ diệt hệ sinh thái, mà bằng chứng là dịch Covid như hiện nay, cũng như rất nhiều cuộc khủng hoảng sinh thái – nhân đạo khác trong lịch sử.

Eco-Feminism (Nữ quyền Sinh thái hay Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái) là một phong trào chính trị – xã hội ra đời ở phương Tây cuối thập niên 70 và phát triển lớn mạnh vào những năm 90 của thế kỉ XX. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào năm 1974 trong cuốn sách “Chủ nghĩa nữ quyền hay là chết” (Le Féminisme ou la mort) của nữ học giả người Pháp Françoise d’Eaubonne. Đúng như tên gọi của mình, Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái là sự giao thoa giữa hai dòng chảy nghiên cứu về Nữ quyền và sinh thái. Những gương mặt tiêu biểu cho phong trào này có thể kể đến: Françoise d’Eaubonne (1920-2005), Karen J. Warren (1947-2020), Val Plumwood (1939-2008), Karolyn Merchant (1936),…

Trong lịch sử, hệ thống phụ quyền thường được củng cố và duy trì bằng tư duy chinh phục, thống trị, sự hung bạo, duy lý với vũ trụ quan nhị nguyên và phân tầng rõ rệt. Sự thống trị của hệ tư tưởng “nam tính truyền thống” trên cũng áp dụng với cả mối quan hệ giữa loài người và thiên nhiên – sinh thái. Trong đó, con người luôn có thái độ muốn chinh phục, thống trị và sở hữu thiên nhiên, tự tách bản thân ra khỏi hệ sinh thái và tự cho bản thân là sinh vật “cấp cao”. Do đó, con người tự cho mình quyền khai thác, vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Đấu tranh cho nữ quyền vì vậy cần phải phát triển một hệ tư tưởng mới, vượt ra khỏi sự thống trị của tư tưởng phụ quyền bằng một cách tiếp cận khác, định nghĩa lại mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, sinh thái nhằm mục đích:

(1) Vì một thế giới công bằng, ôn hoà, tốt đẹp hơn cho tất cả;

(2) Cần khẳng định lại tầm quan trọng của những giá trị và tư tưởng mang tính chăm sóc – nuôi dưỡng, hoà bình, hợp tác và hữu ái. Trong lịch sử, những đặc điểm này thường bị gán cho nữ giới, cho là trời sinh “nữ tính”, và đồng thời bị hạ thấp, coi thường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những giá trị này trở nên cần thiết trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trước tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm ngày một trầm trọng.

Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái khẳng định:

(1) Các sinh mệnh trên trái đất đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, không phân chia cao thấp;

(2) Nên xây dựng một hệ thống sinh thái lành mạnh, ôn hòa bao gồm con người và các chủng loài khác;

(3) Phản đối quan điểm quan điểm nhị nguyên, phân tách con người khỏi tự nhiên, theo nam và nữ.

Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái được chia làm nhiều trường phái, trong đó có ba trường phái chính: Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái văn hóa, Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái triết học và Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái xã hội. Trong quá trình nghiên cứu của mình, các nhà Nữ quyền Sinh thái xem vấn đề môi trường cũng là vấn đề phụ nữ và cho rằng cần phải kết hợp phong trào nữ quyền với phong trào sinh thái. Vấn đề bảo vệ, tái tạo môi trường được quan tâm và đặt bên cạnh vấn đề bảo vệ, giải phóng, đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ ở mọi giai tầng.

Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái xã hội cho rằng: Áp bức giới và nguy cơ sinh thái đều có nguồn gốc từ thế giới quan của chế độ gia trưởng.

Nguồn gốc của việc tự nhiên và phụ nữ bị áp bức là giống nhau: trong chế độ phụ quyền, tự nhiên và phụ nữ đều bị xem là “kẻ khác”, ở vị trí “ngoại biên”. Trong cái nhìn của con người thuở hồng hoang, thiên nhiên mang ý nghĩa là môi trường sống, là sự tồn tại, con người nương nhờ vào thiên nhiên để sinh tồn.

Hiện tại, trong một xã hội công nghiệp, thiên nhiên dần trở thành đối tượng để khai thác sinh lời. Không phủ nhận rằng chính phủ các quốc gia phát triển đang nỗ lực đưa ra những chính sách bảo vệ môi trường, nhưng mục tiêu của các chính sách ấy vẫn hướng đến mục đích làm sao để có thể khai thác thiên nhiên lâu dài hơn thay vì giữ gìn hệ sinh thái. Ở phía kia, người phụ nữ cũng bị xem nhẹ trong chế độ phụ quyền. Trong chế độ phụ quyền, quyền lực của người đàn ông là vô hạn. Từ quyền phân công lao động, cho đến quyền quyết định các vấn đề lớn nhỏ, đại diện cho tiếng nói của gia đình để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Người đàn ông xưa kia có quyền đánh đập, “bán vợ, đợ con”, xã hội xuất hiện sự bất bình đẳng. Vị thế người phụ nữ dần bị xem nhẹ, dù cho vai trò của họ đối với gia đình và xã hội là không thể phủ nhận.

Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái triết học khẳng định: Trong mô hình phát triển kinh tế của chế độ gia trưởng, phụ nữ và giới tự nhiên bị áp bức, cưỡng đoạt. Cơ sở dẫn đến việc tự nhiên và phụ nữ bị áp bức trong xã hội nam quyền đều là thuyết nhị nguyên: đối lập giữa tự nhiên và con người, nam giới và nữ giới.

Thuở sơ khai, thiên nhiên, Trái Đất chính là nơi sinh sống, trú ngụ của muôn loài. Nhưng xã hội ngày càng thay đổi, hoạt động sản xuất kinh tế càng được chú trọng thì con người dần có xu hướng coi thiên nhiên như nguồn khai thác vô tận, phục vụ cho lợi ích kinh tế của con người.

Dựa vào mô hình phân công công việc theo vai trò giới thì phụ nữ thường đảm nhận nhiệm vụ tái sản xuất và thực hiện nghĩa vụ cộng đồng. Vai trò tái sản xuất có thể kể đến như sinh con, chăm sóc sức khỏe gia đình, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ,… rất quan trọng nhưng không tạo ra thu nhập trong xã hội công nghiệp – tư bản và trở thành “công việc không lương”. Đa số phụ nữ và trẻ em gái buộc phải chịu trách nhiệm chính trong vai trò này trong khi đây là trách nhiệm của tất cả mọi giới trong việc vun đắp cho sự sống, duy trì dân số và tạo nguồn lao động.

Dưới góc nhìn của Chủ nghĩa sinh thái văn hóa, việc xây dựng và chấn hưng văn hóa nữ giới là con đường căn bản của việc giải quyết nguy cơ sinh thái. Như đã nói, các nhà Chủ nghĩa sinh thái mong muốn khẳng định lại tầm quan trọng của những giá trị và tư tưởng mang tính chăm sóc – nuôi dưỡng, hoà bình, hợp tác và hữu ái.

Một thời gian dài, chúng ta mặc định những tư tưởng mang tính chăm sóc ấy là thiên tính riêng chỉ có ở phụ nữ dẫn đến quan niệm cho rằng phụ nữ luôn có ảnh hưởng, tác động lớn nhất đến môi trường. Tại Việt Nam, các chiến dịch thay đổi nhận thức, bảo vệ môi trường của hội Liên hiệp Phụ nữ như “5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Thôn phụ nữ xanh – sạch – đẹp”,… đều nhắm đến đối tượng phụ nữ. Điều này dường như gạt đối tượng nam giới ra khỏi trách nhiệm bảo vệ không gian sinh thái trong chính ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó, những giá trị từng bị gán cho riêng người nữ như nhu mì, hiền hòa, nhạy cảm,… bị hạ thấp. Thậm chí nếu nam giới mang những nét tính cách này sẽ bị gọi là “đàn bà”, ủy mị, yếu đuối.

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về nguyên nhân lây lan virus Corona. Nhưng nhìn chung, sự lây lan nhanh đến chóng mặt của chủng virus này – cũng như những virus khác chúng ta đã chứng kiến trong 10 năm qua – là hậu quả của khai thác quá mức thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái khiến động vật hoang dã bị thu hẹp môi trường sống và tiếp xúc gần với con người, vật nuôi trong nhà, làm tăng nguy cơ truyền mầm bệnh. Cách phát triển kinh tế và đô thị không bền vững bên cạnh vấn đề bùng nổ dân số ở các đô thị lớn càng khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan. Chất lượng cuộc sống giảm cũng kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và đứt gãy các mối quan hệ xã hội.

Lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019, đến nay đã hơn hai năm kể từ khi thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid. Đây là một thách thức lớn đối với nền y học hiện đại cũng như các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội khác. Cuộc sống của người dân trên toàn thế giới bị đảo lộn. Theo Báo cáo Dự thảo của các Tổ chức Phi Chính phủ về tình hình thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam (CEDAW) được công bố vào tháng 11/2021, đặt trong bối cảnh đại dịch, những phụ nữ nội trợ, phụ nữ lao động, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ lao động phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Bạo lực gia đình tăng lên và nghiêm trọng hơn trong thời điểm đại dịch Covid-19. CSAGA – Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên cho biết: từ đầu 2020 đến hết tháng 7/2021 đã tiếp nhận 3.487 cuộc gọi tư vấn qua điện thoại và tin nhắn, các cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực gia đình trải đều ở cả nông thôn và thành thị. Đánh giá nhanh về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em do tác động của đại dịch Covid-19 đã cho thấy: cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ (37,8%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế) do chồng/bạn tình gây ra.

Nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng gián tiếp từ đại dịch Covid. Trong khoảng thời gian giãn cách, phong tỏa, người lao động phải tạm dừng, thậm chí là mất việc dẫn đến những khó khăn, áp lực về kinh tế. Ở những gia đình còn tồn tại khuôn mẫu cho rằng đàn ông luôn phải là người gánh vác, chịu trách nhiệm chính cho việc mưu sinh thì vô tình khi Covid xảy ra, chính người chồng/người cha cảm thấy áp lực nuôi sống gia đình đè lên đôi vai của mình. Áp lực này dẫn đến các thực hành cực đoan ở một số nam giới như rượu chè, hút thuốc, bạo hành bằng hành động và lời nói,… lên vợ/bạn tình/gia đình mình. Như vậy, các vấn đề bạo lực giới, bất bình đẳng giới có thể được nhìn và phân tích dưới góc độ sinh thái.

Trong nghiên cứu văn học, các nhà lí luận cũng dần đưa phương pháp Phê bình Nữ quyền Sinh thái để xét lại các tác phẩm văn học nói chung và các tác phẩm của tác giả nữ nói riêng. Hướng đi này hi vọng sẽ mang lại nhận thức mới về mối quan hệ giữa con người – thiên nhiên và mối quan hệ giữa các giới để không còn sự phân tầng đẳng cấp, chế ngự mà tiến tới cái nhìn về mối quan hệ nương tựa hài hoà.

 

Dương Thị Bảo Ngọc

 

Nguồn tham khảo:

(1) Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2017, “Phê bình từ Chủ nghĩa Nữ quyền Sinh thái: sự kết hợp giữa ‘cách mạng giới’ và ‘cách mạng xanh’ trong nghiên cứu văn học”, Tạp chí Sông Hương.

http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n25710/Phe-binh-tu-chu-nghia-nu-quyen-sinh-thai-su-ket-hop-giua-cach-mang-gioi-va-cach-mang-xanh-trong-nghien-cuu-van-hoc.html

(2) Lê Thị Thanh Xuân, 2020, “Đôi nét về Nữ quyền Sinh thái trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại”, Thánh địa Việt Nam học.

(3) Cinzia Arruzza, Tithi Bhattacharya, Nancy Fraser, 2019, “Feminism for the 99 percent: A Manifesto” – https://www.versobooks.com/books/2924-feminism-for-the-99

(4) CEPEW, 2021, “Báo cáo Dự thảo của các Tổ chức Phi Chính phủ về tình hình thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam (CEDAW)”

https://drive.google.com/file/d/18KLOp-WXHr3ucAgBIot2BhlHTdOnPzoP/view?usp=sharing

(5) UNFPA Việt Nam, 2019, “Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019”.

https://vietnam.unfpa.org/vi/publications/%C4%91i%E1%BB%81u-tra-qu%E1%BB%91c-gia-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-n%C4%83m-201o9

(6) Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Thị Phương, 2021, “Phân công lao động theo giới trong gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh”, Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững IRSD.

http://irsd.vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/phan-cong-lao-dong-theo-gioi-trong-gia-dinh-o-thanh-pho-ho-chi-minh-.html

(7) https://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2018/12/131218_TOT_Tai-lieu-tham-khao.pdf

(8) Nguyễn Hoàng Anh, Vũ Thị Ngọc Loan, 2021, “Bảo vệ môi trường theo cách của phụ nữ”, Tạp chí Môi trường.

(9) Esther Horat (2017). Trading in Uncertainty: Entrepreneurship, Morality and Trust in a Vietnamese Textile-Handling Village. Palgrave Macmillan.

(10) Barbara Demick (2009). Nothing to Envy: Ordinary Lives in North Korea. Spiegel & Grau – https://en.wikipedia.org/wiki/Nothing_to_Envy

(11) Chanrithy Him (2000). When broken glass floats – https://books.google.nl/books/about/When_Broken_Glass_Floats_Growing_Up_Unde.html?id=MH85IIeQf3sC&source=kp_book_description&redir_esc=y

(12) Martin, Philip. 2013. I Want to Take Risks, like My Mother: Memory, Affect, and Vietnamese Masculinities—The Legacy of Gendered Variations in Socio-Economic Mobility during Ðổi Mới. Norsk Geografisk Tidsskrift-Norwegian Journal of Geography 67 (4): 210–218.

 

> Tìm hiểu thêm về cuốn sách Khí hậu: Câu chuyện mới – Charles Eisenstein

 

Thoái Tăng Trưởng là gì và tại sao có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu

Cứu tinh cho biến đổi khí hậu có thể là một nền kinh tế chậm chạp. Không có cách nào khác khi nói về nó – vì biến đổi khí hậu ngày càng bao trùm lên cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ phải thay đổi cách ta sống. Điều đó có nghĩa là phải chuẩn bị cho thời tiết bất thường hơn, thay đổi chế độ ăn uống, và sử dụng năng lượng sạch hơn. Nhưng, một ý tưởng về tăng trưởng kinh

Minh Tân

25/12/2022

Khi phụ nữ đương đầu với đói nghèo, bệnh tật & tình trạng nhận thức thấp về sức khỏe phụ nữ

Đôi điều suy nghĩ khi đọc “Từ Phẫn Nộ đến Can Đảm” của Anne Firth Murray Trong rất nhiều cuộc trò chuyện về những người phụ nữ yếm thế phải chịu đựng cách cư xử thờ ơ, hơn cả thế, sự bạo hành từ nam giới và cả chính những phụ nữ khác trong cộng đồng, tôi luôn nghĩ: lỗi là do họ. Họ đã quá bạc nhược và kém cỏi để không dám đứng dậy và đấu tranh, và đời sống họ đang phải

Nghịch lý bình đẳng giới: Sinh học có giải thích được tại sao nam và nữ chọn những công việc rập khuôn không?

Iceland liên tục được xếp hạng là quốc gia bình đẳng giới nhất. Đây cũng là quốc gia mà đàn ông và phụ nữ có nhiều khả năng theo đuổi những công việc đặc trưng cho giới tính nhất. Các ý quan trọng trong bài Một nhóm nghiên cứu có từ lâu đã liên tục chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ có xu hướng mong muốn hướng tới những nghề nghiệp khác nhau. Nói chung, đàn ông có xu hướng thích những công

Book Hunter

14/06/2023

Hành trình của Tê Tê

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách "Khí Hậu - Câu Chuyện Mới" của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.     Ngọc Khuê - Khánh Linh - Thùy Dương   > Tìm hiểu thêm về cuốn sách Khí hậu: Câu chuyện mới - Charles Eisenstein

Cụt Đuôi

24/08/2023

Mối đe dọa đối với ngành dược từ sự tuyệt chủng của thực vật

Một báo cáo mới cảnh báo hàng triệu sinh mạng có thể gặp rủi ro vì các loài thực vật cung cấp cơ sở cho hơn một nửa số thuốc kê đơn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tổ chức Bảo tồn Vườn Bách thảo Quốc tế (BGCI) cho biết: Việc mất cây cối và những cây cung cấp thuốc tự nhiên có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Các phương pháp chữa trị tiềm năng