Home Đọc Con đường đi tìm chính mình cho nữ giới – Giao lưu với Melissa M. Shew và Kimberly K. Garchar, hai đồng tác giả của cuốn sách Triết học cho con gái

Con đường đi tìm chính mình cho nữ giới – Giao lưu với Melissa M. Shew và Kimberly K. Garchar, hai đồng tác giả của cuốn sách Triết học cho con gái

Book Hunter

29/02/2024

Trong thần thoại Hy Lạp, Persephone chỉ được mô tả thoáng qua như một cô con gái xinh đẹp của nữ thần Demeter đầy quyền lực bị vị thần cai trị cõi âm phủ Hades bắt cóc, rồi sau đó vì đã ăn một quả lựu ở cõi âm mà cả quãng đời sau đó sống cuộc đời xê dịch qua lại giữa hai cõi giới – cõi dương và cõi âm. Nhưng trong câu chuyện đó chúng ta hầu như không biết gì về những cảm nghĩ của Persephone: nàng đã cảm thấy thế nào trong quãng thời gian sống xa mẹ ở một nơi hoàn toàn lạ lẫm nhưng cũng nhiều điều mới mẻ? quả lựu kia có gì mà hấp dẫn nàng như vậy? và trong cuộc sống qua lại giữa hai cõi ấy, điều gì đã khiến tên nàng về sau luôn được đặt trước những từ như thấu đáo, thông minh, thận trọng? Những biến đổi nào trong nàng sau biến cố ấy đã khiến nàng dường như trở nên người phụ nữ đầy sức mạnh và sự chín chắn như vậy?

Đó cũng chính là những câu hỏi đã luôn ám ảnh Melissa M. ShewKimberly K. Garchar – hai đồng chủ biên của tập tiểu luận Triết học cho con gái.  Cuộc trò chuyện có sự tham gia của nhà văn Hà Thủy Nguyên – founder của Book Hunter với các vấn đề xoay quanh thực trạng tại Việt Nam. Theo hai chủ biên đồng thời đại diện cho nhóm triết gia nữ tham gia cuốn sách, Persephone và hành trình trưởng thành của nàng chính là ẩn dụ cho con người bên trong của mỗi chúng ta, và hành trình ta đi tìm lại con người bên trong. Cụ thể là, đối với nữ giới, đó là con đường tự định vị mình trong xã hội, con đường tìm hiểu vai trò của giới mình cũng như con đường nỗ lực làm việc, nghiên cứu và đấu tranh để xác lập địa vị và vai trò ấy một cách có ý thức – không phải dưới những cái mác mà xã hội gán cho họ, mà như những chủ thể độc lập, tự quyết.

Trên tinh thần ấy, vào ngày 10/2/2024 vừa qua Book Hunter đã tổ chức một cuộc phỏng vấn với hai tác giả Melissa M. Shew và Kimberly K. Garchar về câu chuyện Persephone cũng như câu chuyện về vị thế của phụ nữ trong thế giới học thuật phương Tây nói chung và thế giới triết học phương Tây nói riêng. Video cuộc phỏng vấn đã được đăng tải trên Youtube của Book Hunter.

Nhân ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3, xin mời các bạn đọc bản gỡ băng cuộc trao đổi với hai chủ biên, đại diện cho nhóm nữ tác giả “Triết Học Cho Con Gái”

Kimberly K. Garchar: Chúng tôi rất mừng khi được gặp các bạn. Thật vui khi cuối cùng cũng được nhìn thấy những gương mặt đằng sau công việc dịch cuốn sách này.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn hai chị rất nhiều. Thật vui và vinh dự cho chúng tôi khi cuối cùng cũng được gặp hai chị. Chúng tôi phát hiện ra cuốn sách của hai chị lần đầu tiên là trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID. Cuốn sách đã được làm nổi bật trong danh mục của Nhà xuất bản Đại học Oxford. Vợ tôi và tôi đã cùng đọc cuốn sách đó, và chúng tôi thấy rằng đó là một tác phẩm rất giá trị. Và vấn đề các chị đề cập giống như một điều gì đã được chờ đợi quá lâu trong thế giới triết học, đặc biệt là ở Việt Nam. Vì vậy chúng tôi quyết định liên lạc với Georgina bên NXB Đại học Oxford để hỏi cô ấy về cuốn sách.

Kimberly K. Garchar: Chúng tôi rất vui được gặp hai bạn và chúng tôi rất vui vì các bạn thích cuốn sách đó.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Vâng, thật tuyệt khi chúng tôi đã phát hiện ra Triết học cho con gái. Vợ tôi cũng tham gia vào quá trình hiệu đính, cùng bốn bạn gái khác dịch cuốn sách, vậy là có tổng cộng năm cô gái thực hiện bản dịch này. Và sau đó là cả một hành trình dài.

Melissa M. Shew: Trước khi chúng ta có thể bắt đầu cuộc trao đổi, tôi xin chia sẻ rằng đó là một trong những điều mà Kim và tôi thực sự yêu thích ở dịch phẩm của bạn, việc có một người phụ nữ dẫn dắt một nhóm phụ nữ để cùng nhau thực hiện việc đó. Không chỉ vậy, bản thân Hà Thủy Nguyên là một nhà thơ và bạn viết về những quả lựu (ND: biểu tượng của Persephone), tôi sẽ nói rằng đó là nhân duyên, và tôi và Kim cũng thích ý tưởng rằng ở phía bên kia trái đất có những người phụ nữ đang làm việc chăm chỉ để mang đến cho cộng đồng suy nghĩ sống động này và ý tưởng ấy được lan tỏa ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nhóm của các bạn đã nỗ lực để thúc đẩy điều này, và cảm ơn các bạn, điều đó thật tuyệt vời.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Vâng, chúng tôi cũng rất vui khi biết rằng ở đâu đó bên kia trái đất cũng có những triết gia đang nỗ lực thúc đẩy để thay đổi tình trạng của các cô gái và phụ nữ, và thậm chí còn thay đổi hoàn cảnh của con người nữa.

Kimberly K. Garchar: Chúng tôi rất vinh dự.

> Tìm hiểu thêm về cuốn sách Triết học cho con gái – Melissa M. Shew và Kimberly K. Garchar

Book Hunter – Lê Duy Nam: Trước khi chúng ta bắt đầu, các chị có muốn hỏi chúng tôi điều gì không? Chúng tôi rất sẵn lòng trả lời.

Melissa M. Shew: Cảm ơn hai bạn rất nhiều vì đã phỏng vấn chúng tôi. Kim và tôi cũng đã có một hành trình dài với cuốn sách này và chúng tôi sẽ nói một chút về điều đó, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang tự hỏi điều gì đã khiến các bạn đọc cuốn sách này, đặc biệt là trong thời kỳ COVID, và thực sự thấy đây là cuốn sách mà các bạn muốn đổ nhiều công sức vào đó? Và tôi nghĩ chúng tôi cũng tò mò muốn biết mọi việc sau đó diễn ra như thế nào ở Việt Nam. Sách được đón nhận như thế nào? Những điểm gì khiến độc giả thích thú? Những điểm gì khiến họ thất vọng? Và các bạn cảm thấy thế nào với tư cách là nhà xuất bản, biên tập viên, dịch giả?

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn hai chị vì những câu hỏi. Đó là những câu hỏi rất quan trọng.

Book Hunter – Hà Thủy Nguyên: Vâng. Động lực của tôi khi khởi xướng tủ sách Tủ sách Que Sera – Hiểu Phụ Nữ là do tôi nhận thấy ở Việt Nam mọi người bàn rất nhiều về vấn đề giới, về nữ quyền, nhưng những cuốn sách hoặc chương trình để giúp nâng cao năng lực trí tuệ và củng cố vị trí của phụ nữ trong xã hội Việt Nam thì lại chưa có nhiều. Hiện tại ở Việt Nam có một nghịch lý khá buồn cười là địa vị của phụ nữ vừa cao vừa thấp. Lát nữa, trong cuộc trao đổi của chúng ta sau đây tôi sẽ hỏi các chị một số điều về vấn đề này. Bởi vì đây là một tình thế mang nhiều nghịch lý.

> Tìm hiểu thêm về tủ sách Que Sera của Book Hunter

Trước khi được đọc cuốn Triết học cho con gái của các chị, tôi đã viết khá nhiều bài nói rằng đối với phụ nữ việc được định danh là nữ hay bất cứ thứ gì khác không quan trọng, mà điều quan trọng là họ tự tìm ra nội tại của mình, con người bên trong của mình. Nội tại đó quan trọng hơn những thứ mà người ta gán cho phụ nữ. Nhưng quan điểm đó chưa thực sự đi sâu vào cộng đồng và chưa thực sự truyền cảm hứng cho họ. Và tôi có thể nhìn thấy những ý tưởng đó một cách rõ ràng, mạch lạc và hệ thống thông qua cuốn sách của các chị.

Và có một lý do nữa, lý do này mang tính cá nhân. Trước khi tôi đọc cuốn sách này và trước khi nó được ra mắt ở Việt Nam khoảng một năm, tôi có viết một bài thơ về Persephone và con đường mà cô ấy thoát khỏi mẹ mình để đi tìm tự do. Sau đó tôi đã gặp lại chính ý tưởng này trong phần “Lời mở đầu” của cuốn Triết học cho con gái của các chị khi đọc bản đọc thử từ phía NXB Đại học Oxford. Đây là một trong những lý do khiến tôi quyết định chọn cuốn sách này, và sau đó tôi tìm được từ cuốn sách thêm rất nhiều quan điểm khác rất thú vị về luân lý học, về logic, về sự liên hệ với tư tưởng của Trang Tử.

Đọc bài thơ “Khúc ca nàng Persephone” của nhà văn Hà Thủy Nguyên hoặc nghe bản đọc:

Melissa M. Shew: Điều đó thật đẹp. Cảm ơn bạn. Tôi biết ở các câu hỏi sau cả hai chúng tôi sẽ chia sẻ về cách chúng tôi đến với dự án này, và sau đó tôi sẽ nói một chút về Persephone. Nhưng tôi nghĩ đôi khi, khi bạn chú ý đến cuộc sống và thế giới của chính mình thì bạn sẽ cởi mở hơn để nhìn thấy những mối liên hệ đó. Bạn đang viết một bài thơ và nghĩ về Persephone. Trong khi đó, ở bên kia thế giới có một người phụ nữ từng là một cô bé bị ám ảnh bởi Persephone. Và cách nhìn nhận của người phụ nữ này không giống với những gì thế giới phương Tây biết về Persephone. Tôi sẽ nói về điều này, nhưng trước hết hãy tiếp tục với câu hỏi của các bạn.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn hai chị. Chúng tôi muốn hỏi hai chị, mặc dù qua cuốn sách chúng tôi đã biết lý do khiến hai chị thực hiện cuốn sách này, nhưng trong cuộc trò chuyện hôm nay chúng tôi vẫn hy vọng rằng hai chị có thể chia sẻ câu chuyện cá nhân hơn với chúng tôi. Hai chị gặp nhau và hình thành ý tưởng về cuốn sách vào dịp nào? Và làm thế nào hai chị có thể tập hợp được một đội ngũ nữ triết gia hùng mạnh với những quan điểm khác biệt như vậy?

Melissa M. Shew: Tôi sẽ bắt đầu một phần và sau đó tôi sẽ chuyển sang cho Kim. Tôi đã có ý tưởng về cuốn sách này từ lâu và sau đây tôi xin kể lại chút chuyện về nó. Tôi đã dạy triết học trong một thời gian dài. Kim và tôi gặp nhau ở trường đại học. Cả hai chúng tôi đều đang làm tiến sĩ tại Đại học Oregon và điều đó rất thú vị bởi vì chúng tôi, bạn biết đấy, đã bắt đầu một tình bạn nhưng chúng tôi đã theo đuổi những dòng triết học khác nhau. Do vậy, vì vừa rồi các bạn nói về giới tính và nói về cách mỗi người cần tìm ra mình là ai, thì nghiên cứu chính của tôi là về triết học Hy Lạp cổ đại và tôi cảm thấy như một số người nghĩ rằng tôi không mang đủ tinh thần nữ quyền vì tôi đang học triết học Hy Lạp cổ đại. Vậy, phụ nữ khi nghiên cứu triết học là thế nào nếu không chỉ tập trung vào giới tính? Đó là một loại câu hỏi đối với tôi. Thế rồi Kim xuất hiện, và Kim, tôi sẽ không kể hết câu chuyện của bạn, nhưng Kim đến với triết học thông qua toán học. Cô ấy học chuyên ngành toán và bắt đầu tìm hiểu về chủ nghĩa thực dụng của Mỹ và tôi nghĩ Kim đã đến với chủ nghĩa nữ quyền trong triết học như một hệ tư tưởng sớm hơn tôi rất nhiều. Nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi đã trở thành bạn bè, nhưng chúng tôi thực sự trở thành bạn bè thân thiết sau khi rời trường cao học. Thế là chúng tôi bắt đầu nói chuyện rất nhiều. Và ý tưởng về Triết học cho con gái đến với tôi từ cách đây rất lâu, khoảng năm 2010, 2011.

> Các cuốn sách Kinh điển của Hy Lạp do Book Hunter thực hiện.

Một điều nữa là ở trong các lớp tôi dạy luôn có những người phụ nữ tài giỏi nhưng không bao giờ phát biểu trên lớp. Nếu có nói thì họ sẽ nói những câu kiểu như, chà tôi không biết nữa, hoặc, đó chỉ là ý kiến của tôi, hoặc tôi không biết, có lẽ đó chỉ là một ý kiến thôi, phải không? Những câu tương tự như thế. Và thế là tôi bắt đầu gọi họ đến gặp riêng mình tại văn phòng, từng người một. Tôi thường hỏi họ, những bài viết của bạn rất tuyệt, vậy tại sao bạn không nói ra những điều ấy ở trên lớp?

Và tôi bắt đầu nhận ra rằng, bạn biết đấy, hầu hết kinh điển và triết học chỉ do nam giới thống trị. Trong lịch sử, phụ nữ đã bị loại khỏi đời sống trí tuệ. Và tôi nhận ra rằng mình cần phải làm gì đó để thay đổi thực trạng ấy. Thế là một hôm, tôi đã đập tay xuống bàn. Đây là câu chuyện có thật. Tôi đã đập tay xuống bàn và nói, thế là đủ rồi. Tôi sẽ viết Triết học cho con gái. Đó là vào khoảng năm 2010, 2011, tức là cách đây khoảng 13 năm. Cuốn sách ra mắt vào năm 2020.

Vì thế chuyện xảy ra là tôi và Kim đã trở thành bạn bè, như những người bạn thực sự tốt. Và cô ấy liên tục hỏi tôi về cuốn sách này. Và tôi thường đáp đi đáp lại rằng tôi đang nghiên cứu nó, nhưng tôi thực sự không đạt được nhiều tiến triển với nó. Tôi đã nhận một công việc mới. Tôi đến dạy ở một trường trung học dành cho nữ sinh trong 5 năm. Rồi tôi sinh hai đứa con, nhưng tôi và Kim đã thực sự trở thành những người bạn thân thiết. Và tôi nghĩ điều này rất quan trọng đối với cuốn sách, bởi vì trong sách có nói về việc cộng tác với những người mà bạn cho là những thiên tài xuất sắc để cùng tạo ra điều tốt đẹp. Vì vậy, cuối cùng, vài năm trước, trong một lần tôi và Kim nói chuyện với nhau qua điện thoại (chúng tôi sống cách xa nhau), cô ấy lại hỏi tôi về Triết học cho con gái. Và tôi nói với Kim, bạn biết không, bạn có muốn thực hiện cuốn sách ấy với tôi không? Tôi nhớ rất rõ cuộc trò chuyện này. Và không do dự, cô ấy đáp, .

Cuốn sách sẽ không tồn tại nếu nó chỉ là dự án từ lâu của tôi. Phải có thêm một người bạn thân thiết muốn tham gia và thực hiện công việc ấy thì nó mới có thể thành hiện thực. Vì vậy tôi đã đề nghị Kim chung tay cùng, và xin nói thêm một chi tiết để kết thúc phần này của câu chuyện, khi chúng tôi chuyển dự án này thành sách biên soạn thì nó trở thành một dự án mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nó vốn có một phiên bản ban đầu trong đầu tôi. Và đây là điều mà tôi cảm thấy rất mãnh liệt. Tôi muốn Persephone xuất hiện xuyên suốt cuốn sách này. Ngay từ đầu tôi đã muốn lồng vào các giai thoại. Và sau đó, chúng tôi muốn cuốn sách dựa trên một triết lý nghiêm ngặt, dễ tiếp cận và người đọc có thể hiểu được.

Vì vậy, trước hết chúng tôi nghĩ xem trong số những người mà chúng tôi tôn trọng và ngưỡng mộ trong giới triết học có những ai có thể viết cho chúng tôi. Bởi vì trở thành triết gia là một chuyện, nhưng là triết gia có thể viết cho người khác đọc mà hiểu được lại là một chuyện khác. Và thành thật mà nói, tôi không thích đọc chúng nhiều vì chúng nhàm chán và khó đọc. Tôi không muốn phải lồi mắt ra mà nghiên cứu. Vì vậy, chúng tôi nghĩ, bạn biết đấy, làm thế nào chúng tôi có thể duy trì sự nghiêm ngặt nhất định nhưng theo cách tiếp cận được với công chúng? Vậy nên chúng tôi bắt đầu với một loạt những người mà chúng tôi ngưỡng mộ và nghĩ là có thể phù hợp với dự án này.

Nhưng chúng tôi không muốn đó chỉ là một lời mời. Kim và tôi cam kết 100% vì sự công bằng và công lý. Vì vậy, khi tìm được một vài người mà chúng tôi thấy có thể cộng tác chúng tôi đã rất vui khi họ đồng ý tham gia. Chúng tôi nói với họ rằng, hãy tưởng tượng bạn đang viết cho chính mình hồi 18 đến 24 tuổi, thế thì bạn muốn nói gì? Và sau đó chúng tôi đã tổ chức một lời kêu gọi mở (open call) để kêu gọi họ tiến cử bài viết của mình. Và Kim, tôi không biết liệu đến đây bạn có muốn tham gia và nói về quá trình hay kể một chút về việc bạn đã nhận được tất cả những bài viết gửi đến như thế nào và sau đó mọi chuyện diễn ra ra sao không?

Kimberly K. Garchar: Hẳn rồi. Một câu hỏi nhanh trước khi tôi bắt đầu câu trả lời của mình. Nam, bạn muốn chúng tôi nói thành từng đoạn ngắn để bạn có thể dịch hay chúng ta cứ nói chuyện liên tục? Bạn muốn theo cách nào?

Book Hunter – Lê Duy Nam: Chúng tôi có thể hiểu nên chị cứ nói tự nhiên.

Kimberly K. Garchar: Vậy thì tôi sẽ bắt đầu. Như Melissa đã kể ở phần đầu câu chuyện, chúng tôi gặp nhau ở trường cao học. Nhưng tôi tin rằng cô ấy đã đúng khi nói rằng cuốn sách sẽ không tồn tại nếu thiếu đi tình bạn thân thiết giữa chúng tôi. Câu hỏi mà các bạn đặt ra là tôi có thể chia sẻ một câu chuyện cá nhân không. Toàn bộ cuốn sách xuất phát từ những câu chuyện cá nhân của chúng tôi. Và tôi đã rất xúc động khi Melissa đề nghị tôi tham gia dự án của cô ấy, tôi sẽ nhấn mạnh rằng đây là đứa con tinh thần của cô ấy. Đây là ý tưởng của cô ấy. Nó đến từ cô ấy. Và cô ấy đã suy nghĩ về cuốn sách này rất lâu. Ảnh bìa cuốn sách là do cô tự vẽ từ cách đây rất nhiều năm.

Melissa M. Shew: Nhưng sau đó có một bạn sinh viên đã chỉnh giúp tôi bức vẽ đó cho tốt hơn, vì tôi không phải là người vẽ giỏi. Nhưng vâng, ảnh bìa đó là do tôi vẽ.

Kimberly K. Garchar: Melissa đã nhờ một sinh viên mỹ thuật vẽ lại thật, nhưng bức tranh này đã được treo trong nhà cô ấy nhiều năm rồi. Và khi chúng tôi nhận được tất cả những bài viết gửi đến cho cuốn sách, chúng tôi đã gặp nhau tại nhà cô ấy và đã dành ba ngày để đọc tất cả. Chúng tôi viết lên những tờ giấy khổ to, gạch chỗ này, bỏ chỗ kia, cầm lên đặt xuống, v.v. Và tôi nghĩ trong ba ngày đó tôi đã thực hiện một trong những công việc triết học căng thẳng nhất đời mình từ trước đến nay. Công việc ấy rất, rất căng thẳng và gắt gao. Và tôi nghĩ nếu không phải là tôi đã làm việc đó với bạn thân nhất của mình thì tôi sẽ không thể thực hiện được, bởi vì công việc ấy đòi hỏi bạn phải chấp nhận tình trạng có thể bị tổn thương và phải sẵn lòng thay đổi, cũng như thoải mái khi nói lên ý tưởng. Và đó quả là sự hợp tác tuyệt vời.

Thực ra, ngoài ba ngày cùng làm việc đó ra thì tôi cũng thường xuyên đến thăm Melissa vào cuối tuần và hầu hết công việc hợp tác của chúng tôi diễn ra trong những chuyến thăm đó. Tức là chúng tôi làm việc độc lập rồi sau đó gặp nhau tại nhà cô ấy vào những ngày cuối tuần. Đó là những ngày cuối tuần làm việc rất căng thẳng, chẳng hạn như khi chúng tôi cùng nhau viết phần giới thiệu. Chúng tôi đúng nghĩa là đã chia phần đó thành nhiều mảnh – bạn viết cái này, tôi sẽ viết cái kia. Chúng tôi đã cùng nghiên cứu. Chúng tôi đã phối hợp với nhau. Chúng tôi đã cùng viết. Và theo tôi một trong những điều thú vị về cuốn sách là Melissa và tôi đã học cách viết sao cho giọng văn của chúng tôi tương đồng với nhau. Vì vậy, các phần viết của chúng tôi khi gộp lại thì tạo ra một tổng thể khá thống nhất, đọc lên không có cảm giác là văn của hai người riêng biệt. Và một lần nữa, điều đó chỉ có thể là nhờ ở tình bạn của chúng tôi.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Tôi cũng có cảm giác đó là giọng văn của một người.

Kimberly K. Garchar: Vâng. Đó là những gì chúng tôi đã nỗ lực để hướng tới. Và một lần nữa, điều đó chỉ có được nhờ tình bạn của chúng tôi. Nhưng trong một trong những cuộc gặp đó, khi chúng tôi ngồi trong nhà cô ấy để nói về cuốn sách, chúng tôi đã mơ về diện mạo của nó khi được xuất bản, nó sẽ trông như thế nào. Và tôi biết về những nghiên cứu của Melissa về Persephone. Cô ấy đã nói với tôi về phần lời đề từ mà cô ấy dự định viết. Tôi biết ý tưởng của cô ấy về điều này. Chúng tôi cùng ngồi trong nhà cô ấy và mơ về diện mạo của cuốn sách này, và cả trang bìa nữa. Và ngay từ đầu cô ấy đã nói sẽ có hình một quả lựu trên bìa. Tôi đáp, không vấn đề gì. Nhưng rồi chúng tôi lại nghĩ, mình sẽ chọn loại lựu nào? Quả lựu ấy trông sẽ ra làm sao? Và rồi lúc đó tôi mới thực sự ngắm bức tranh [dùng làm bìa cuốn sách] trong nhà cô ấy và nói, tại sao chúng ta không sử dụng nó? Nó thật đẹp. Đó chính xác là những gì bạn muốn. Đó chính xác là những gì chúng ta đã nghĩ đến trong nhiều năm qua, bởi vì dự án này đã khiến chúng tôi phải mất ba năm mới đạt đến đỉnh cao. Và hãy sử dụng bức tranh này. Và đối với tôi, việc sử dụng bức tranh ấy nói lên rất nhiều về tính chất cá nhân của dự án này. Đó là những câu chuyện cá nhân hoặc một câu chuyện cá nhân, hay một nhóm những câu chuyện cá nhân. Nhưng tôi vô cùng cảm động khi được cùng làm việc với cô ấy về ý tưởng và tình yêu mà cô ấy nuôi trong mình.

Melissa M. Shew: Vì vậy, các bạn biết đấy, đó là một quá trình đầy yêu thương, nhưng tôi nghĩ nó rất thú vị, và có thể độc giả của các bạn muốn biết về điều đó, bạn biết đấy, nó mạnh mẽ như vậy bởi vì mối quan hệ giữa chúng tôi gắn bó với nhau đến như vậy. Nhưng như Kim đã nói về vấn đề dễ bị tổn thương, ý tôi là, có những lúc chúng tôi gần như phải đi sâu vào vấn đề một chút và quyết định xem đâu là những điều không thể thương lượng. Và vì vậy, có rất nhiều thứ bạn có thể thỏa hiệp, nhưng rồi khi bạn thực sự bắt tay vào thực hiện, đôi khi bạn phải nói, không, không, không, tôi thực sự muốn chương này hoặc tôi thực sự không muốn chương đó, hoặc tôi nghĩ thế này. Và vì vậy chúng tôi cũng phải giải quyết vấn đề đó.

Và như Kim đã nói, tôi nghĩ kết quả là tôi biết kiến thức về triết của mình được nâng cao hơn một chút, bởi vì chắc chắn là như vậy. Ngoài ra, tôi cũng cảm thấy thích toàn bộ quá trình đó và tôi rất tự hào về quá trình viết cuốn sách. Toàn bộ quá trình đó khiến bạn trở thành một con người mạnh mẽ hơn, và nhân ái hơn với độc giả của mình. Và nó cũng khiến bạn thực sự nhận ra viết văn khó như thế nào, bởi vì công việc ấy thực sự rất khó. Và tôi đã làm việc rất chăm chỉ với Persephone Project. Tôi đã viết rồi lại xóa, sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần, đọc thành tiếng hàng triệu lần. Và rồi Kim, với chương về lòng can đảm, cô ấy cũng phải làm điều tương tự. Tôi nảy ra ý tưởng viết một chương về các câu hỏi thực ra là vì có người đã bỏ dở giữa chững, chúng tôi có một người đã phải bỏ dở vào phút cuối. Và thế là tôi nghĩ, nếu tôi đóng góp một chương thì chương ấy sẽ viết về điều gì? Và tất nhiên, chương đó là để cho tôi đặt câu hỏi. Tất nhiên, đối với Kim, chương của cô ấy sẽ nói về lòng dũng cảm. Trong một cuốn sách như thế này bạn viết ra bạn là ai và bạn quan tâm đến điều gì nhất. Và cả hai chúng tôi đã làm như vậy.

Kimberly K. Garchar: Tôi nói từ này nghe thì có vẻ hơi cliché, nhưng đó hoàn toàn là một quá trình lao động đầy tình yêu thương. Đó là công việc cực kỳ khó khăn và tôi tận hưởng từng phút giây của công việc đó. Một cách tuyệt đối.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn hai chị rất nhiều. Thật vinh dự cho chúng tôi khi được nghe câu chuyện về quá trình làm nên cuốn sách. Ở đây tôi chú ý đến từ “dễ bị tổn thương”. Tức là các chị vô cùng tin tưởng vào nhau. Giống như trong quá trình dịch thuật cuốn sách này, mỗi người trong nhóm dịch cũng thể hiện cái tôi của mình. Hà Thủy Nguyên đã thực hiện công việc biên tập trong toàn bộ quá trình này, đồng thời đưa ra phản hồi cho từng người dịch: phần dịch của bạn thế nào, chỗ nào chưa ổn, và bạn nên điều chỉnh ra sao cho tốt hơn. Vì vậy, nó cũng có những yếu tố “dễ bị tổn thương” nhưng chắc chắn là nó không khó và căng thẳng như quá trình viết của các chị. Tôi xin đặt câu hỏi tiếp theo dành cho Melissa. Việc lựa chọn Persephone như một biểu tượng của nữ quyền trong Triết học cho con gái rất đặc biệt, trước đó, độc giả Việt Nam chỉ biết đến Gaia hoặc Aphrodite, khi chị trò chuyện về Persephone, những người hoạt động nữ quyền và những người nghiên cứu triết học đã phản ứng như thế nào?

Melissa M. Shew: Cảm ơn bạn vì câu hỏi đó. Bây giờ tôi đang ở nhà, và ở một phòng khác trong nhà mình tôi vẫn đang giữ cuốn sách Hy Lạp đầu tiên đề cập đến Persephone mà tôi có khi còn rất nhỏ, khoảng sáu, bảy, hoặc tám tuổi gì đó. Tôi yêu thích thần thoại và vì vậy tôi luôn có một loạt sách về thần thoại Hy Lạp. Hồi đó cha mẹ tôi thường cho tôi vài đô la để tham dự hội chợ sách diễn ra vài lần trong năm. Tôi hay mua thần thoại Hy Lạp và tôi rất thích những câu chuyện ấy. Vậy hãy để tôi nói một chút về Persephone.

Nàng ấy thực sự là trung tâm trong dự án này. Và tôi có thể nói điều này một cách chắc chắn vì tôi đã đọc hết những phần thần thoại Hy Lạp có nhắc đến nàng ấy, sau đó tôi lại đích thân dịch những phần đó. Và tôi thấy Persephone hầu như không được nhắc đến, mà tất cả các câu chuyện đều nói về mẹ của Persephone là Demeter, nhân vật người mẹ hống hách này. Bất cứ lúc nào Persephone được nhắc đến trong thần thoại Hy Lạp thì đứng trước tên của nàng luôn là một từ như chu đáo, thông minh hoặc thận trọng.

Mặc dù vậy, trong những bài viết có nhắc đến nàng thì phần viết về nàng cũng không nhiều. Có điều gì đó ở nàng khiến người ta e sợ, ngưỡng mộ hoặc yêu mến, và điều đó thực sự không rõ ràng. Điều xảy ra trong lịch sử thần thoại phương Tây từ Hy Lạp cổ đại đến nay là nàng ấy bị khuất lấp và gần như bị lãng quên trong thần thoại cho đến khoảng thế kỷ 19, khi nàng bắt đầu xuất hiện trong thơ. Đúng vậy, nàng bắt đầu xuất hiện trong thơ. Và sau đó cô cũng bắt đầu xuất hiện một chút trong một số bức tranh phương Tây. Và nàng gần như được sùng bái theo cách giống như ở Hy Lạp cổ đại. Nàng là một phần trong tín ngưỡng tôn sùng Demeter, người ta dâng cúng đồ lễ cho nàng và cầu khấn nàng bởi vì một lần nữa, nàng đối với họ có phần đáng sợ, nhưng chưa có ai thực sự nghiên cứu sâu về nàng.

Sau đó nàng bắt đầu xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật – nghệ thuật, thơ ca và một chút văn học vào thế kỷ 19. Và sau đó bạn sẽ thấy Persephone xuất hiện một chút trong văn hóa đại chúng ở thế giới phương Tây thông qua những trào lưu nghệ thuật, chẳng hạn như steampunk.  Khi đó nàngy luôn xuất hiện như một loại nhạc sĩ punk rock, một dạng nhân vật bất cần và nổi loạn rất ngầu, v.v. nhưng thực tế là người ta vẫn không viết lách nhiều về nàng. Trong vài năm qua cũng bắt đầu có một vài phim hoạt hình về Persephone.

Còn về phần tôi, lớp học cuối cùng tôi dạy tại Đại học Marquette, trước khi đến và giảng dạy ở trường trung học. Tôi đã dẫn dắt một buổi hội thảo danh dự dành cho học sinh năm cuối gồm khoảng 15 sinh viên, thực ra là 15 phụ nữ trẻ. Tình cờ tất cả sinh viên của tôi khi đó lại là phụ nữ, và tôi dạy họ Bài tụng ca do Homer viết dâng tặng Demeter, bài tụng ca này nói về Demeter và có nói một chút về Persephone. Và tôi nhớ khi chúng tôi cùng nhau đọc bài thơ đó, tôi đã nhìn những người phụ nữ trẻ ấy, họ sắp tốt nghiệp đại học và bước vào thế giới này. Và tôi đã nhìn thẳng vào mắt họ rồi nói rằng tất cả các bạn đều là Persephone. Và tôi chợt nhận ra rằng có điều gì đó liên quan đến việc trở thành nhân vật mà chúng ta không thể phân loại dễ dàng, đặc biệt là với tư cách là một phụ nữ, và hãy nhớ rằng Persephone là nữ thần duy nhất cai trị ở cả hai cõi.

Nàng có quyền thống trị cả cõi trên và và cõi dưới. Và vì vậy tôi thực sự muốn nghĩ về Persephone khi nàng bắt đầu xuất hiện ở những tác phẩm đó, cũng như khi nàng bắt đầu xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại, nhưng lại không có nhiều người thực sự biết nhiều về nàng. Người ta dường như sợ nàng, nhưng nàng được biết đến là người suy nghĩ sâu xa. Tôi nghĩ về việc nàng được đưa vào thơ ca như thế nào. Có điều gì đó rất nên thơ ở nàng và Hà Thủy Nguyên biết điều đó vì cô ấy cũng viết thơ về Persephone. Và sau đó chúng ta biết đến nàng một chút thông qua văn hóa đại chúng. Nhưng tôi thì thực sự bắt đầu nhìn nhận nàng và những quả lựu giống như những gì sẽ xảy ra khi bạn đến một thế giới mà bạn không chọn.

Đây là cuộc sống của chúng ta phải không? Như vậy rốt cục bạn thấy mình ở trong một thế giới không phải do bạn lựa chọn. Bạn thực sự không biết mình đang ở đâu. Bạn không biết chuyện gì đang xảy ra. Bạn đã không nói, vâng, tôi muốn ở đây, nhưng bạn phải tìm ra cách để sống ở đây. Vâng, tôi coi đây là những gì Persephone đã trải qua và cô ấy sau đó đã phát triển sức mạnh của mình. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những phụ nữ trẻ, đặc biệt là với những bà mẹ và những phụ nữ trẻ. Nó có nghĩa: đây là một phụ nữ trẻ, một người đang dần tìm ra con người đích thực của mình và phát triển sức mạnh của mình.

Tôi nghĩ rất nhiều về điều này trong thế giới triết học, làm một người phụ nữ trí thức mạnh mẽ tức là thế nào? Và đây là một khuôn mẫu, và khuôn mẫu này có thể không nhân từ với phụ nữ cho lắm. Bạn phải luôn biết tất cả các câu trả lời. Bạn không được phạm sai lầm, phải vậy không? Và tôi nghĩ đối với Persephone, những gì nàng làm là nàng dần dần được biết đến như một người có khả năng cân nhắc tốt và có thể suy nghĩ thấu đáo mọi việc chứ không chỉ đơn giản là luôn luôn đúng. Tôi nghĩ chính vì nàng được nhìn nhận theo cách như thế nên mọi người thực sự yêu thích hình ảnh quả lựu – để trả lời cho câu hỏi của bạn. Họ thực sự thích cuốn sách và những vấn đề luân lý nó đưa ra, tầm nhìn của nó. Điều đó nói lên rằng, vẫn chưa có nhiều người biết về nàng. Vậy họ sẽ hỏi, quả lựu này là gì, phải không? Vì vậy, tôi có thể nói đó là sự thất bại trong nền giáo dục của chúng ta.

Nhưng cũng có một thời kỳ phục hưng thần thoại Hy Lạp cổ đại đang diễn ra. Và điều này thực sự xảy ra trong khoảng ba năm qua. Vì vậy có rất nhiều tác giả ở Mỹ và Châu Âu viết về thần thoại Hy Lạp cổ đại. Và trên thực tế, Madeleine Miller, người đã viết một cuốn sách tên là Circe, đã kể lại huyền thoại đó, cô ấy có một cuốn sách sắp ra mắt về Persephone vào năm tới. Vâng. Tôi nghĩ khi cuốn sách ấy ra mắt thì ai đó nên dịch nó sang tiếng Việt. Nhưng câu trả lời của tôi đã khá dài rồi. Bạn biết đấy, vẫn có rất nhiều thơ ca huyền thoại và nghệ thuật nói về Persephone. Và tôi chỉ cảm thấy như chưa có ai thực sự nghĩ đến mọi chuyện từ góc nhìn của nàng. Những tác phẩm ấy luôn khắc họa góc nhìn của người khác và mọi người luôn quan tâm đến mẹ của nàng. Nhưng trong khi đó thì cô ấy đang cố gắng tìm ra mình là ai. Và tôi nghĩ ai đó nên viết về điều đó.

Trích đoạn “Lời mời của Persephone”  trong “Triết học cho con gái”

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn Melissa rất nhiều. Và Kim, những bàn luận của chị về Luân Lý Học rất đặc biệt. Ở Việt Nam, các nhà văn nữ đa phần tập trung vào các khoái cảm và ám ảnh dục, hoặc bàn rất nhiều đến những sự dày vò thân xác và tinh thần do xã hội bị trói buộc bởi Nho giáo và thói quen gia trưởng. Thậm chí, đâu đó có sự kỳ thị với khái niệm “Luân Lý Học” nói chung, và đặc biệt là triết học của Aristotle. Chắc hẳn chị cũng biết, Aristotle có nhiều phát ngôn đánh giá thấp năng lực của phụ nữ, và không chỉ Aristotle mà cả Schopenhauer nữa. Rất mong chị có thể chia sẻ thêm về vai trò của các nguyên tắc Luân Lý Học và Lý trí trong sự phát triển của phụ nữ. Chúng liệu có triệt tiêu đi sự đồng cảm ở phụ nữ hay không?

Kimberly K. Garchar: Tôi thích câu hỏi này. Nó rất phức tạp. Câu hỏi này bao gồm rất nhiều phần, vì vậy tôi sẽ cố gắng trả lời ba phần lớn ở đây. Tôi sẽ cố gắng tiếp cận ba phần đó. Nhưng câu hỏi đầu tiên, hoặc phần đầu tiên mà tôi muốn trả lời là về việc Aristotle đã nói những điều, ừm, thiếu tôn trọng phụ nữ.

Vâng, ông ấy đã nói những lời như thế. Và Schopenhauer cũng vậy. Và thật đáng buồn, rất nhiều nam giới, rất nhiều triết gia phương Tây là nam giới đã nói những điều thực sự tiêu cực về phụ nữ. Và Immanuel Kant từng nói rằng hôn một người phụ nữ cũng giống như hút một quả chanh khô. Giống như phụ nữ chỉ là thứ đồ bỏ. Vậy tôi phải giả định rằng tư tưởng con người sẽ luôn tiến hóa, phải không? Và tôi hy vọng rằng những độc giả tương lai cũng sẽ cho tôi đặc ân tương tự. Bởi vì chúng ta luôn là sản phẩm của thời đại. Nhưng có những hiểu biết sâu sắc về Aristotle mà tôi nghĩ rằng ở thời đại ngày nay chúng không chỉ có thể áp dụng được mà còn truyền cảm hứng cho tôi nữa.

Dù là ở thời đại ngày nay nhưng những tư tưởng của ông vẫn rất sống động trong tôi, đó là lý do tại sao tôi vẫn nghiên cứu về ông, ngay cả trong một cuốn sách đặc biệt dành riêng cho nữ giới, tư tưởng nữ quyền. Vì vậy, câu trả lời là tôi cố gắng sử dụng những phần giàu giá trị, hấp dẫn, hữu ích trong triết lý của các nhà tư tưởng kinh điển để thúc đẩy chuyên môn triết học của chúng tôi và phát triển nó thành một thứ gì đó khác. Và tôi thực sự hy vọng rằng nếu ai đó đọc cuốn sách này trong 50 năm nữa, họ sẽ coi nó như một khoảnh khắc trong quá trình phát triển của triết học nói chung và tư duy nữ quyền nói riêng. Và tôi sẽ không nghi ngờ gì nếu trong tương lai có ai đó đọc những gì tôi viết và nói, rồi ngẫm về nó và nói, cô ấy đã rất mù quáng trước cái thành kiến này. Cô ấy đã không nhận ra rằng mình đang đưa ra những giả định này, điều đó sẽ đúng. Chúng ta cố gắng hết sức để hiểu những thành kiến của mình, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn ra chúng. Vì vậy, tôi phải dành một chút ân huệ cho những nhà tư tưởng kinh điển trong lĩnh vực của chúng ta, nếu không chúng ta sẽ không thể đọc được bất cứ điều gì một cách hoàn toàn trung thực. Nếu chúng ta loại bỏ tất cả những triết gia nói những điều kinh khủng về phụ nữ thì chúng ta sẽ không có nhiều thứ để đọc vì tất cả họ đều nói những lời kiểu như vậy. Đó là câu trả lời cho phần đầu tiên của câu hỏi của các bạn.

Phần thứ hai, tôi nghĩ, là thế này, bạn nêu ra một thực tế là nhiều nhà văn ở Việt Nam, theo như tôi hiểu, tập trung vào những khoái cảm xác thịt hay tình dục, hoặc những dằn vặt về thể chất và tinh thần, phải không? Tôi nghĩ rằng hoàn toàn không có gì sai khi viết về những điều đó. Phụ nữ là sinh vật mang dục tính. Phụ nữ có khả năng tận hưởng khoái lạc, và chúng ta không chỉ nên cho phép mà còn phải tôn vinh những tác phẩm đó. Và điều đó không mâu thuẫn với việc viết về đạo đức. Hai thứ đó không nhất thiết phải loại trừ nhau, phải không? Làm một sinh thể mang dục tính không có nghĩa bạn là người vô đạo đức hoặc không có sự đồng cảm. Tôi nghĩ đó là một phần thực sự thú vị nữa trong câu hỏi của các bạn, đó là, có phải nghiên cứu đạo đức học, và tôi nghĩ ý bạn là nghiên cứu theo cách rất nguyên tắc của phương Tây này, tức là loại bỏ khả năng đồng cảm của chúng ta?

Và tôi có thể nói rằng đã có những khoảnh khắc trong lịch sử triết học và những khoảnh khắc trong các triết thuyết về đạo đức mà sự đồng cảm đã bị xem nhẹ, phải không? Ví dụ, một lần nữa, chúng ta có thể nhìn vào Immanuel Kant, đúng vậy, Kant coi vai trò của phụ nữ là một thứ gì đó không phải là suy ngẫm về đạo đức. Vì vậy, đã có những khoảnh khắc mà mối quan hệ, sự đồng cảm, sự tổn thương, tình yêu, sự quan tâm, những điều này đã bị bỏ qua. Và tôi có thể nói rằng hầu hết triết học phương Tây đều đã bỏ qua chúng.

Nhưng bây giờ chúng ta hiểu rõ hơn những gì cần có để trở thành một con người hoàn chỉnh. Và ai cũng có nhu cầu, những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ trong cuộc sống, mối quan hệ, tình yêu và trạng thái dễ bị tổn thương, bạn không thể nào không có những yếu tố ấy. Cuộc sống của con người sẽ vô cùng nhàm chán nếu nó chỉ được cai trị bởi lý trí và luật pháp, phải không? Nếu chúng ta nghĩ về cách chúng ta sống trong một ngày, tôi sẽ không nghĩ nhiều đến luật pháp trừ lúc tôi đang lái xe. Điều tôi nghĩ thường là bạn bè tôi thế nào, mẹ tôi thế nào, liệu tôi có nên hỏi ý kiến bố tôi không, nghĩa vụ công việc của tôi là gì, tôi cảm thấy thế nào và tôi có thể làm gì? Tôi muốn đi xem bộ phim này. Bạn biết đấy, tôi sẽ làm món gì cho bữa tối để có một bữa ăn ngon lành? Vì vậy, một ngày của tôi phần lớn được định hướng bởi những câu hỏi không liên quan đến luật pháp. Nhắc lại lần nữa, điều đó không có nghĩa là trong những mối quan tâm ấy không có lý trí. Tất nhiên, đó là những câu hỏi rất lý trí, phải không? Quyết định sử dụng thời gian như thế nào là một câu hỏi về lý trí. Một lần nữa, cảm xúc và lý trí không đối lập nhau, và đó là điều chúng ta đang học. Và vì vậy tôi đoán tôi sẽ kết lại câu trả lời của mình bằng cách nói rằng, tôi thực sự coi đạo đức xem sự đồng cảm là cốt lõi, hoặc trong hành vi đạo đức thì sự đồng cảm có vai trò cốt lõi hoặc trung tâm.

> Tìm hiểu về Nguồn gốc cảm xúc, tác phẩm nghiên cứu mới nhất của Book Hunter về Cảm xúc và Não bộ

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn Kim rất nhiều. Chúng tôi đã dịch năm đầu sách của Aristotle sang tiếng Việt. Và chúng tôi cũng có quan điểm tương tự với quan điểm của chị về Aristotle. Chúng ta nên đón nhận tư tưởng của ông, đặc biệt là trong thời điểm này. Bởi vì khi tôi nhìn vào lịch sử triết học của tất cả những triết gia nam đó, thì theo một nghĩa nào đó Aristotle là người duy nhất cho thấy tầm quan trọng của lòng tốt, của tính mục đích.

Kimberly K. Garchar: Melissa là chuyên gia về triết học cổ đại. Vì vậy, cô ấy có thể trả lời câu hỏi này một cách khéo léo hơn tôi rất nhiều. Nhưng điều tôi thích ở Aristotle là dường như ông ấy có khái niệm về ý nghĩa của việc trở thành một con người xuất sắc và việc nỗ lực để hướng tới điều đó, cũng như khái niệm về tầm quan trọng của những thứ như tình bạn, phải không? Hoặc lòng trung thành. Những thứ như vậy. Ông ấy hiểu điều đó và trong những giả định của ông ấy chắc chắn có những sai sót, và tôi không đồng ý với mọi điều ông ấy nói, nhưng ông ấy khiến tôi muốn theo đuổi sự xuất sắc. Ông ấy khiến tôi muốn trở thành một người tốt hơn và một triết gia tốt hơn. Và đó là lý do tại sao tôi vẫn đọc ông ấy, ngay cả khi có những sai sót.

> Tìm hiểu về các tác phẩm của Aristotle do Book Hunter xuất bản

Book Hunter – Lê Duy Nam: Và có một sự trùng hợp hài hước. Tôi đọc ở đâu đó rằng Aristotle đã bị vài bậc đức cao vọng trọng trong tôn giáo thờ Demeter và Persephone kết tội.

Melissa M. Shew: Ý tôi là, điều đó thật buồn cười, giống như là bị tống vào một cõi khác vậy. Nhưng nói đến Aristotle, thì lại nhớ tới Socrates, ông ấy là G.O.A.T – người vĩ đại nhất mọi thời đại (greatest of all time). Nhưng nếu bạn nhớ về truyện của Socrates, bạn biết đấy, ông ấy đã bị buộc tội làm ô uế thanh thiếu niên, mà thực ra là vì ông đã bảo vệ quyền đặt câu hỏi của mọi người. Xin kể thêm một câu chuyện nhỏ nữa là tôi đã cố gắng viết chương về các câu hỏi mà không nêu tên ông ấy một lần nào. Điều này thật khó đối với tôi, nhưng đây là một bài tập hay để tự nhắc nhở rằng có nhiều người cũng đang nghĩ về những điều này. Socrates đã bị chỉ trích vì bảo vệ quyền đặt câu hỏi của tất cả chúng ta. Và tất nhiên ông ấy đã bị xử tử vì điều đó. Aristotle cũng bị buộc tội tương tự. Nhưng thay vì nhẫn nhịn chịu đựng thì ông ấy nói, tôi sẽ không để Athens phạm tội chống lại triết học hai lần.

Và ông đã từng là thầy dạy Alexander Đại đế. Vậy tôi đoán đó là hai cõi khác nhau phải không? Một bên là Athens, một bên là ra khỏi Athens. Nhưng điều này thật thú vị, bạn biết đấy, khi nghĩ về Persephone theo cách này thì tất cả chúng ta cũng dần dần hiểu được phần cốt lõi của suy nghĩ này. Và như Kim đã nói, bạn biết đấy, cách chúng ta nghĩ theo hướng không chỉ tiếp cận theo lối này hay lối kia, mà theo cả hai lối tiếp cận, và tôi nghĩ đó là sự vận động của triết học. Vì vậy, cuốn sách Triết học cho con gái chủ yếu dành cho phụ nữ. Và chúng tôi yêu cầu những người cộng tác với chúng tôi chủ yếu chỉ trích dẫn các triết gia nữ hoặc các triết gia không thuộc lưỡng giới. Đôi chỗ vẫn có một vài triết gia nam được trích dẫn, nhưng điều đó cũng không sao cả. Nhưng tôi nghĩ điều chúng tôi muốn thể hiện, như Kim đã nói, chính là sự phát triển của triết học.

Như vậy là trước nay vẫn có những người phụ nữ đã viết triết nhưng họ chưa được biết đến. Hiện tại vẫn có những phụ nữ đang nghiên cứu triết học, chỉ là đôi khi họ không được nhiều người biết đến. Và các bạn hãy nhìn xem triết học chuyên nghiệp đã lạc hậu đến mức nào về nhiều mặt, và có một số người thực sự muốn áp dụng một cách tiếp cận toàn diện như thế nào.

Book Hunter – Hà Thủy Nguyên: Thực ra ở Việt Nam có một thực trạng và thực trạng này giúp trả lời câu hỏi ở phần đầu của chị Melissa về phản ứng của độc giả Việt Nam đối với cuốn sách. Câu trả lời này khá là đa chiều, tuy nhiên có một khía cạnh là khi chúng tôi bắt đầu đặt vấn đề về nữ quyền, bởi vì thực sự đối với riêng tôi, mãi cho đến năm 30 tuổi tôi mới bắt đầu nhớ ra mình là phụ nữ, nên lúc đó tôi mới bắt đầu đặt câu hỏi về nữ quyền. Khi tôi đặt vấn đề về nữ quyền và viết các bài liên quan đến nữ quyền và đặc biệt khi tôi bắt đầu lập tủ sách Que Sera – Hiểu Phụ Nữ thì khá nhiều chị em phụ nữ ở Việt Nam, kể cả những người đọc sách, thậm chí hoạt động trong lĩnh vực học thuật đều khá ngần ngại. Họ định vị rằng nữ quyền là một thứ gì đó chống lại đàn ông, chống lại mối quan hệ với đàn ông và phá vỡ cấu trúc gia đình, họ vẫn cần một gia đình êm ấm hơn tự do và hiểu biết. Trong quá trình hoạt động và chia sẻ, các chị có gặp phải vấn đề này không? Và họ đang vướng mắc phải loại tâm thức gì? Những người phụ nữ phương Tây đã vượt ra khỏi vướng mắc ấy bằng cách nào?

Melissa M. Shew: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi tuyệt vời, và tôi đánh giá cao sự phức tạp của câu hỏi này. Tôi đã có vài suy nghĩ khi bạn nói rằng bạn không thực sự nghĩ về điều này cho đến khi bạn khoảng 30 tuổi. Tôi cũng vậy. Và nó làm tôi nhớ đến một câu nói mà tôi và Kim đều yêu thích của một trong những triết gia yêu thích của chúng tôi tên là Simone de Beauvoir: người ta không được sinh ra làm phụ nữ mà để trở thành phụ nữ. Vâng, không phải người ta sinh ra đã là phụ nữ. Mà bạn trở thành bạn như ngày hôm nay. Tôi nghĩ đây là điều mang đậm chất hiện sinh, phải không? Tại mọi thời điểm, bạn đang trở thành cái này hoặc cái kia.

Vì vậy, khi nhìn lại cuộc đời mình, bạn có thể nhìn lại câu chuyện về quá trình bạn đạt được vị trí hiện tại. Nhưng có lẽ bạn đã không thể nhìn thấy nó ngay từ đầu. Có lẽ bạn đã không nhận ra rằng mình đã trở thành những dịch giả tuyệt vời này. Và mọi bản dịch đều là một sự diễn giải. Vì vậy, bạn đang thực hiện triết học trong bản dịch của mình. Tôi không thể tưởng tượng được tình yêu Persephone của mình lại biến thành thế này. Kim có lẽ không thể ngờ toán học lại trở thành triết học, phải không? Vì vậy, bạn không thể nhìn thấy nó khi bạn bắt đầu. Cá nhân tôi nghĩ, và đây là sự thật trung thực của Chúa, rằng chúng ta sinh ra là những sinh vật tò mò. Và vì nhiều lý do khác nhau, đôi khi chúng ta được giáo dục để tránh xa sự tò mò đó.

Và sau đó chúng ta bắt đầu xếp mình vào các hạng mục khác nhau. Và đối với tôi, nữ quyền là một từ gây cho tôi nhiều vấn đề khi còn là một thiếu niên, bởi vì tôi nghĩ nữ quyền có nghĩa là phải ghét đàn ông hoặc những thứ tương tự. Và rồi tôi nhận ra, không chỉ vì tôi là phụ nữ, ý tôi là, hiện tại tôi có hai cậu con trai – một cháu lên bảy và một cháu lên chín. Và tôi đang nuôi dạy hai cháu thành những nhà đấu tranh cho phụ nữ và những nhà hoạt động tích cực vì nữ quyền. Chúng tôi đã đi được một chặng đường dài. Vậy hãy để tôi chia sẻ một câu chuyện nhỏ. Hôm trước tôi đưa các con tôi đi khám bác sĩ, và hình ảnh một nữ bác sĩ điển hình trong mắt chúng ngày hôm ấy đã biến mất. Vì hôm đó khám cho chúng là một bác sĩ nam. Và khi chúng tôi ra khỏi phòng khám, một trong hai cháu đã nhìn tôi, và hãy nhớ rằng cả hai cháu đều là con trai, và nói, mẹ ơi, khi con lớn lên, con có thể trở thành bác sĩ không? Và tôi nghĩ, tại sao lại không chứ? Khi tôi còn nhỏ thì bác sĩ toàn là đàn ông, phải không? Còn các y tá là phụ nữ. Và vì vậy tôi nghĩ chúng ta đã đi qua cả một chặng đường dài. Nhưng tôi cũng nghĩ về việc một số từ như chủ nghĩa nữ quyền lại khiến mọi người cảm nhận về sự thù địch hoặc thúc đẩy nỗi sợ hãi.

Và vì vậy tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nói về ý nghĩa của chủ nghĩa nữ quyền, như sự bình đẳng và trao quyền cho tất cả mọi người, mà không có từ “chủ nghĩa nữ quyền” thì mọi người có thể đồng ý với điều này, nhưng khi chúng ta dán cái nhãn đó lên nó thì nó liền biến thành viên thuốc độc như hiện nay. Và đây là một phần lý do – tôi sẽ giải thích cho bạn sau – tại sao chúng tôi lại nhận được một số lời chỉ trích về từ “con gái” (girls) trong tiêu đề cuốn sách của mình. Và chúng tôi yêu thích và đón nhận từ “con gái” này bởi vì trong thế giới phương Tây, đó là từ thể hiện sự dũng cảm và quả quyết, vốn cũng chính là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm.

Chẳng hạn chúng tôi thường nói câu “you go girl” – tiến lên nào cô gái. Và sức mạnh của con gái – cụm từ này đang dần mang ý nghĩa khác với việc, chẳng hạn như, ném bóng như con gái hoặc làm toán như con gái. Và tôi nghĩ “chủ nghĩa nữ quyền” cũng là một từ giống như vậy. Chúng ta đang cố gắng trao cho nó sức mạnh, không phải để nó kiểm soát chúng ta, mà để nó có thể ở trong chúng ta sao cho dần dà nó sẽ chứng tỏ rằng từ này thực sự có nghĩa là công lý cho tất cả mọi người. Bây giờ, trong cuộc sống của riêng tôi, tôi đã kết hôn với một người đàn ông và tôi có hai cậu con trai, Và tôi nghĩ rằng chồng của tôi, một giáo viên tiếng Anh ở trường trung học, sẽ nói rằng anh ấy rất ủng hộ nữ quyền. Và theo những gì Kim đã nói thì về nguyên tắc điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng ngoài ra còn có một nguyên nhân nữa là nó khiến cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn với mọi người. Vì vậy, khi sự bình đẳng được thúc đẩy thì mọi người sẽ sống tốt hơn.

Tôi nghĩ có một huyền thoại rằng nếu phụ nữ có nhiều quyền lực hơn thì đàn ông sẽ có ít quyền lực hơn. Nhưng thực ra việc đó làm tăng sức mạnh của tất cả chúng ta. Và đó có thể là một điều tốt. Vì vậy, tôi nghĩ từ “chủ nghĩa nữ quyền” có thể gây nhiều vấn đề. Giống như từ con gái cũng vậy. Nhưng tôi không nghĩ mình phải chọn hoặc là con người của gia đình hoặc là một triết gia. Một người bạn trai cũ của tôi từng nghĩ như vậy. Anh ấy nghĩ hoặc là tôi sẽ kết hôn hoặc tôi sẽ học triết, và thế là chúng tôi chia tay.

Nhưng tôi nghĩ một trong những điều tuyệt vời về nữ quyền và triết học mà chúng tôi đang thể hiện, đó là bạn có thể làm việc với người bạn thân nhất của mình. Bạn không cần phải sống tách mình và làm việc một mình. Bạn có thể có một mạng lưới hỗ trợ. Bạn có thể nuôi thú cưng, có gia đình, bạn bè và tất cả những thứ tạo nên một cuộc sống xứng đáng. Và đồng thời là một nhà nữ quyền.

Kimberly K. Garchar: Tôi sẽ chỉ bổ sung một vài điều. Khi tôi nghĩ về chủ nghĩa nữ quyền và cố gắng giải thích nó, tôi nói ý tưởng đằng sau chủ nghĩa nữ quyền là phụ nữ phải có quyền lựa chọn những gì họ muốn làm với cuộc sống và cơ thể của mình. Và tôi thường nhận được hai phản ứng từ những người không quen với thuật ngữ này. Phản ứng thứ nhất là, có phải nữ quyền thực ra chỉ là phụ nữ có quyền lựa chọn giống như đàn ông, phải không? Tại sao nó được gọi là nữ quyền? Bởi vì từ “chủ nghĩa nữ quyền” cho cảm giác như bạn muốn phụ nữ thống trị thế giới. Không, chỉ là phụ nữ đang kể câu chuyện của họ từ quan điểm bị áp bức. Hiện tại họ là những người không có nhiều sự lựa chọn. Nữ quyền là như thế. Chúng tôi đang nói với tư cách là phụ nữ, chúng tôi muốn phụ nữ có nhiều sự lựa chọn hơn.

Một điều khác mà tôi nghĩ là một quan niệm sai lầm phổ biến, một lần nữa, tiếp nối những gì Melissa đã nói, rằng các nhà nữ quyền không muốn phụ nữ có gia đình hoặc không muốn phụ nữ đảm nhận những vai trò truyền thống, như những gì chúng ta gọi là bà-mẹ-ở-nhà (stay at home mom), hoặc bà nội trợ, hoặc các loại vai trò truyền thống khác. Không phải như thế. Chúng tôi muốn phụ nữ có thể lựa chọn điều đó. Bạn có muốn sắm vai đó không? Hay bạn muốn sắm vai khác? Hay bạn vừa muốn sắm vai truyền thống đồng thời vẫn đóng thêm một vai trò khác? Bạn hãy lựa chọn. Chúng tôi muốn phụ nữ lựa chọn.

Và câu hỏi của bạn về việc liệu chủ nghĩa nữ quyền có được đón nhận một cách tiêu cực ở Hoa Kỳ giống như, có lẽ, trong nền văn hóa của bạn hay không, tôi nghĩ thật đáng buồn là chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Vì thế ở Mỹ có một từ lóng được dùng để bôi nhọ phụ nữ và các nhà hoạt động vì nữ quyền. Đó là feminazi (nữ quyền phát xít). Nó đánh đồng một người phụ nữ tự nhận mình là nhà nữ quyền không phải với sự bình đẳng và tự do mà là chủ nghĩa phát xít và quyền lực đối với người khác. Nhưng chủ nghĩa nữ quyền không phải là như thế. Đúng như Melissa đã nói, đây không phải là quyền lực mà là sức mạnh. Đó không phải là một trò chơi quyền lực có tổng bằng 0, phải không? Không phải là trò tranh giành quyền lực một mất một còn. Và nếu phụ nữ có bấy nhiêu thì đàn ông cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Không có giới hạn như thế ở đây. Và dù sao thì đó cũng không phải là vấn đề về quyền lực đối với người khác, mà là về sức mạnh để có thể thể hiện và sống cuộc sống mà bạn muốn sống. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang nỗ lực cải thiện điều đó trong nền văn hóa của mình. Và tôi đã từng được gọi là feminazi trước đây.

Nhưng hãy lưu ý, không có loại cảm xúc hay hành động tiêu cực nào – chẳng hạn như không thích, căm ghét, thiếu tôn trọng – liên quan đến những suy nghĩ của chúng tôi về chủ nghĩa nữ quyền. Đó không phải là sự tiêu cực nhằm bác bỏ hoặc tỏ ý thiếu tôn trọng bất cứ ai. Đây thực sự là một phong trào tích cực về việc trao quyền cho chính chúng ta.

Melissa M. Shew: Điều đó thật tuyệt vời. Tôi thích ý tưởng kể những câu chuyện từ quan điểm bị áp bức. Tôi có thể nói rằng đây là điều mà chúng tôi đã cố gắng thực hiện xuyên suốt cuốn sách: mỗi chương đều bắt đầu bằng một giai thoại khác nhau về một cô gái hoặc một người phụ nữ nói về trải nghiệm đó và cho thấy rằng đó không chỉ là những nguyên tắc hay ý tưởng xa vời ở đâu đó mà đúng hơn những điều này ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Vì vậy, mỗi chương đều mở đầu theo cách riêng dựa trên tinh thần nữ quyền đó. Và vì vậy tôi muốn tạo ra mối liên hệ mà Kim đang chỉ ra. Và không phải chương nào cũng mở đầu bằng một trường hợp bị áp bức, mà mỗi nhân vật ở những vị thế quyền lực hoặc thiếu quyền lực khác nhau. Và tôi đang nghĩ về câu chuyện về Venus, chỉ có tên là Venus chứ không có họ, mở đầu chương của Myisha Cherry. Tôi đang nghĩ về Cassandra, người biết sự thật và nói ra sự thật nhưng không ai nghe. Tôi yêu huyền thoại này. Chương về độ tin cậy cũng rất giàu sức mạnh. Tôi đang nghĩ về việc những trao đổi nhỏ trong phim như Ghost World có thể thực sự mở ra góc nhìn của ai đó như thế nào. Và tôi nghĩ rằng nếu mọi người không thích từ nữ quyền, hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ không cần đến nó bởi vì chúng ta sẽ ở vị thế bình đẳng hơn nhưng mọi người sẽ không còn coi đó là điều đáng sợ hoặc đáng lo ngại nữa. Đó là điều đáng được đón nhận vì nó không chỉ giúp cuộc sống của phụ nữ mà của mọi người trở nên tốt đẹp hơn. Đúng vậy.

Kimberly K. Garchar: Và để kết thúc phần trả lời này, tôi luôn nói với các học sinh của mình rằng, và tôi nghĩ Melissa, bạn cũng nghĩ vậy, rằng chế độ phụ hệ làm tổn thương tất cả mọi người, kể cả đàn ông. Vì vậy, mặc dù một xã hội gia trưởng ban đặc quyền cho nam giới theo những cách nhất định nhưng cũng làm họ bị tổn thương theo những cách khác, phải không? Ví dụ, ở Hoa Kỳ, đàn ông không được khuyến khích thể hiện cảm xúc. Đàn ông không được khuyến khích tham gia tích cực vào việc nuôi dạy con cái. Và nhiều người đàn ông muốn làm điều đó. Tuy nhiên nền văn hóa của chúng tôi nói rằng bạn không nên làm điều đó nếu bạn là đàn ông.

Vì vậy, chủ nghĩa nữ quyền một lần nữa là một con đường, bắt đầu từ quan điểm về trải nghiệm của phụ nữ, nhưng cố gắng hướng tới một nền văn hóa mang đến sự lựa chọn bình đẳng cho mọi người, phải không? Chế độ phụ hệ cũng không phải là một hệ thống tốt cho nam giới. Nó chỉ tình cờ là hệ thống mà chúng ta đang sống trong đó. Ở trong nó, đàn ông, hoặc ít nhất là hầu hết đàn ông, không phát triển về mặt cảm xúc, trí tuệ, trong các mối quan hệ của họ, họ không phát triển. Họ cũng đang đau khổ. Và vì vậy, một nhà hoạt động nữ quyền tốt sẽ muốn tất cả mọi người – không kể ai với ai, kể cả những người không thuộc giới nhị phân, những người chuyển giới, những người đồng tính, tất cả mọi người – đều có thể định hướng cuộc sống của mình và sống cuộc sống mà họ muốn.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn rất nhiều. Tôi có thể hiểu thêm về hướng đi của hai chị trong công việc, cũng như làm thế nào để thực sự đấu tranh và củng cố chủ nghĩa nữ quyền tốt đẹp. Tôi cũng xin chia sẻ thêm một chút về nhóm phiên dịch, các nữ dịch giả. Trong quá trình dịch Triết học cho con gái họ đã chia sẻ với tôi một câu chuyện rất thú vị, đó là cô gái dịch truyện Cassandra (cũng trong cuốn sách), cô ấy đã đứng dậy đấu tranh trong một tình huống tương tự ở nơi làm việc của cô ấy. Cô ấy giống như đang bị thẩm vấn về độ tin cậy của mình. Và việc dịch truyện về Cassandra giúp cô ấy kể câu chuyện của mình rõ ràng hơn. Còn một dịch giả khác dịch phần giới thiệu. Cô đã trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn với bố mẹ mình, đặc biệt là mẹ cô. Vì vậy, trong quá trình dịch cô đã tìm thấy nguồn cảm hứng để nói lên tiếng nói của mình, để chọn tự do và thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ. Vì vậy, các chị biết đấy, đối với tôi, toàn bộ dự án đó rất có ý nghĩa khi tôi chứng kiến sự phát triển của các cô gái thực hiện nó. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các chị về điều đó.

Kimberly K. Garchar: Tôi nghĩ nếu tôi có thể nói thay cho Melissa và tôi thì đó chính xác là điều chúng tôi muốn đối với cuốn sách này. Chúng tôi muốn các cô gái và phụ nữ và cả các chàng trai nữa, cầm cuốn sách này, đọc và suy nghĩ, ồ chờ đã, tôi đã từng trải qua trải nghiệm đó, điều đó đã xảy ra với tôi. Đúng. Tôi nghĩ thế nào về những điều này? Và chúng có giúp tôi xử lý nó theo cách mới không? Và tôi có thể nghĩ về chúng như thế nào trong tương lai? Đó là những gì chúng tôi muốn. Bạn có muốn nói thêm điều gì không, Melissa?

Melissa M. Shew: Vâng, ý tôi là, cảm ơn bạn đã chia sẻ điều đó. Những câu chuyện ấy thật cảm động. Bạn biết đấy, Kim và tôi đều là những nhà giáo dục suốt đời, và chúng tôi có vinh dự được làm việc với rất nhiều người trẻ. Và chính chúng ta đã thay đổi cuộc sống của mình nhờ vào việc ta có thể nhìn mọi thứ theo một cách mới. Nhưng đây cũng chính là lý do vì sao cuốn sách được gọi là lời mời đến với đời sống tư tưởng, phải không? Không phải chương nào cũng phải khép lại, mà người đọc cảm thấy “tôi thấy chính mình ở đây”, hoặc “tôi cũng đang suy nghĩ về điều đó”, hoặc “tôi không biết mình có đồng ý không”. Và sau đó đôi khi họ sẽ tự mình giải quyết vấn đề đó. Nhưng, bạn biết đấy, khi đề cập đến những giai thoại đó, một cách rất thực tế, chúng tôi muốn lột bỏ tất cả những sự vờ vĩnh của triết học hàn lâm, tôi muốn cho thấy đây là cuộc sống của chúng tôi.

Và trong suốt cuộc đời, chúng ta có những trải nghiệm khiến chúng ta đặt câu hỏi. Sau đó chúng ta cũng đặt thêm câu hỏi dựa trên những trải nghiệm khác. Và rồi chúng ta đôi khi đưa ra những quyết định tốt, đôi khi lại là những quyết định tồi. Nhưng miễn là chúng ta tiếp tục cố gắng, chúng ta hy vọng có thể tiếp tục nỗ lực để hướng tới hình dung mà Kim đã nói. Nhưng tôi rất cảm động trước câu chuyện bạn kể, cảm ơn bạn.

Bài phát biểu của Melissa M. Shew:

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn hai chị. Tôi xin hỏi câu hỏi tiếp theo. Tôi không biết rằng có phải có một sự đảo chiều về giới trong nền học thuật hay không, hoặc do chúng tôi có cơ may được làm việc với nhiều tác giả nữ với các công trình rất đáng ngưỡng mộ của họ. Tôi rất mong hai chị có thể chia sẻ thêm rằng hiện nay vị thế của phụ nữ trong giới học thuật nói chung và triết học nói riêng đang như thế nào?

Melissa M. Shew: Tôi sẽ chuyển câu hỏi này cho Kim sau một giây nữa. Nhưng trước tiên tôi thực sự muốn nói, trước khi tôi quên, rằng đây là minh chứng cho các bạn. Các bạn đã vươn ra ngoài, đã tìm thấy những cuốn sách này, các bạn đang làm công việc đó, cả hai bạn và nhóm của bạn. Những điều này không xảy ra một cách tình cờ. Cần phải có nỗ lực thực sự và phải có sự tương đồng về quan điểm. Bạn đang thực hiện loạt sách này, và bạn đang thay đổi câu chuyện về triết học cũng như về những vấn đề này thông qua công việc dịch thuật của bạn, và bạn đang chọn những cuốn sách này. Thay đổi xảy ra như thế đó. Sự đại diện đóng vai trò quan trọng, ai là người kể câu chuyện quan trọng và bạn chọn dịch và đọc cuốn sách nào cũng quan trọng. Và việc những cuốn sách nào được hiện diện trong hiệu sách cũng quan trọng. Vì vậy, tôi chỉ muốn nói đôi lời rồi nhường phần còn lại cho Kim, rằng điều này xảy ra bởi vì những người như bạn, những người như Kim, những người đóng góp cho cuốn sách này, và hàng nghìn người ngày này qua ngày khác ở các lớp học của chúng tôi đang nỗ lực hướng tới điều này, chứ nó không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Tôi xin dừng ở đây. Cảm ơn.

Kimberly K. Garchar: Tôi có thể nói một cách khái quát đôi lời về vị trí chung của phụ nữ trong giới học thuật. Trong lịch sử ở Hoa Kỳ, trong nền văn hóa của chúng ta, phụ nữ được cho là không có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, toán học, kỹ thuật, công nghệ. Chúng tôi gọi nó là STEM, Science- khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật, Math – toán học. Vì vậy, trước hết, phụ nữ được cho là không thể trở thành nhà toán học hoặc kỹ sư. Và bây giờ chúng ta có một hệ thống giáo dục trong đó phụ nữ không thực sự được khuyến khích trở thành nhà toán học hay kỹ sư vì nó đã được xây dựng dựa trên những giả định sai lầm này.

Do đó, hiện đang có một phong trào rất mạnh mẽ, rất rõ ràng ở Hoa Kỳ nhằm thu hút các cô gái và phụ nữ tham gia vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, điều này thật đáng ngưỡng mộ và hoan nghênh, phải không? Và tôi rất vui vì chúng tôi đang làm việc đó. Vẫn còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy, còn nhiều khoảng cách cần rút ngắn lại, nhưng hiện nay phong trào này đã có hình hài. Ở hầu hết các trường học sẽ có người có thể nói chuyện với bạn về cách họ đang làm việc để thu hút phụ nữ và trẻ em gái vào những lĩnh vực này, cũng như những nhóm thiểu số khác, vì đó là những lĩnh vực mà đàn ông da trắng đang thống trị. Sự thống trị của đàn ông da trắng chắc chắn cũng được thể hiện trong giới học thuật, vì vậy, trong những lĩnh vực đó bạn có xu hướng có nhiều nam giới hơn nữ giới làm giảng viên. Trong các lĩnh vực nhân văn ngoại trừ triết học như văn học, lịch sử, bạn sẽ thấy số gương mặt đại diện là phụ nữ nhiều hơn hẳn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như văn học.

Bạn có thể thấy thậm chí có nhiều phụ nữ hơn nam giới trong các cấp bậc giảng viên trong mảng văn học chẳng hạn. Vì vậy, về mặt văn hóa, việc phụ nữ theo đuổi những chuyên ngành nhẹ nhàng hơn sẽ dễ được chấp nhận hơn, phải không? Bởi vì, một lần nữa, trong lịch sử người ta vẫn cho rằng văn học thì dễ và toán học thì khó. Và vì vậy con gái có thể làm những việc dễ dàng và con trai phải làm những việc khó, phải không? Đó là giả định từ trước đến nay. Và những giả định đó được thể hiện trong giới học thuật.

Điều thú vị và hoàn toàn trái ngược là triết học với tư cách một lĩnh vực nhân văn có số gương mặt đại diện là phụ nữ rất ít, hoặc số phụ nữ trong giới học thuật cũng ít. Theo một thông tin xếp hạng từ cách đây đã 10 năm – chúng tôi xin thú nhận là chúng tôi cập nhật thông tin trong vấn đề này không giỏi cho lắm – số nữ giảng viên triết học ít hơn so với số nữ giảng viên vật lý, những phụ nữ làm việc trong ngành vật lý với tư cách là giảng viên. Và vật lý, rõ ràng, là một trong những môn khoa học cốt lõi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy sự thể hiện không đồng đều như vậy trong triết học.

Vì vậy, một phần của cuốn sách, một phần quan điểm của cuốn sách là đề cập đến vấn đề đó, bởi vì chúng tôi muốn các cô gái trẻ, phụ nữ và các chàng trai thấy rằng nữ giới có khả năng trở thành những triết gia bởi vì họ đã đang có khả năng ấy rồi. Và họ có thể theo đuổi cả hai cuộc sống đó – với tư cách là những nhà tư tưởng, cũng như những nghề nghiệp khác, bạn biết đấy. Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề đó, nhưng đây vẫn là lĩnh vực do nam giới thống trị. Và giới học thuật nói chung vẫn chủ yếu là nam giới, mặc dù một lần nữa, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi. Vì vậy, chúng tôi rất vui vì những thay đổi đó, nhưng đó là một truyền thống cũ và truyền thống thì rất chậm thay đổi.

Chúng ta biết điều đó. Phải. Và quay lại quan điểm của Melissa. Tại sao việc mọi người chọn những cuốn sách khác với những gì họ thường đọc, những cuốn sách mang tính thách thức hoặc mới đối với họ, lại là điều quan trọng – đây là điều mà chúng ta có thể đặt câu hỏi. Tôi nghĩ nếu như thế không có nghĩa là truyền thống là không tốt thì nó có nghĩa là tôi muốn làm rõ điều gì đó, phải không? Một số truyền thống nhất định cần được tôn vinh. Nhưng khi bạn có một truyền thống lặp đi lặp lại cho rằng một số người không thể làm những việc nhất định thì truyền thống đó cần phải được đặt câu hỏi. Vì vậy, tôi hy vọng câu trả lời này sẽ cung cấp một cái nhìn hết sức tổng quát về về vị trí của nữ giới trong giới học thuật ở Hoa Kỳ.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn chị rất nhiều. Bây giờ tôi muốn hỏi Hà Thủy Nguyên, hiện trạng của ngành sách và giới văn chương Việt Nam thì sao? Vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực này đang được cải thiện như thế nào?

Book Hunter – Hà Thủy Nguyên: Có thể nói rằng các nhà văn nữ ở Việt Nam nhanh chóng có một vị trí khá cao trên văn đàn, bởi vì trong lịch sử văn chương của Việt Nam, bắt đầu từ thế kỷ 18, đã có những nhà văn nữ mạnh dạn đề cập đến thân phận phụ nữ và tính dục. Tuy nhiên tôi có một chút băn khoăn vì tôi không biết liệu sự đánh giá cao ấy đến từ việc mọi người, đặc biệt là những độc giả nam giới, họ thực sự hiểu và thích thú với ý tưởng của các tác phẩm ấy, hay thực ra họ hứng thú với vấn đề dục tính và tâm lý của phụ nữ.

Còn riêng về vấn đề học thuật, tức là những thảo luận về triết học, chính trị hay lịch sử, hoặc nghiên cứu phê bình, thì vị trí của phụ nữ theo tôi chưa được cải thiện nhiều, bởi vì mặc dù có cơ hội nhưng sự công kích từ những đồng nghiệp nam, thậm chí là những độc giả nam xuất hiện rất nhiều.

Thậm chí tôi có thể kể ngay câu chuyện của tôi. Khi tôi nói chuyện hoặc viết những bài viết về triết học thì có khá nhiều độc giả nam, kể cả những người cũng hoạt động trong lĩnh vực học thuật, họ đặt câu hỏi là phụ nữ quan tâm đến triết học để làm gì, quan tâm đến chính trị để làm gì? Tôi đã gặp phải rất nhiều những câu hỏi như vậy.

Và có một bạn dịch giả của chúng tôi, người đã dịch Thế giới như là Ý chí và Ý niệm của Schopenhauer, ngay lúc này đây bạn ấy đang phải đối mặt với rất nhiều quấy rối, nhiều lời bình luận quấy rối ở trên mạng xã hội chỉ bởi vì bạn ấy là một cô gái trẻ mà lại dám dịch Schopenhauer – một tượng đài triết học.

> Tìm hiểu thêm về cuốn sách Thế giới như là Ý chí và Ý niệm – Schopenhauer do Book Hunter xuất bản

Melissa M. Shew: Tôi rất tiếc, Kim cũng rất tiếc vì chuyện đó. Điều đó không bao giờ ổn. Và kiểu đe dọa đó là bất hợp pháp. Và điều đó thật kinh khủng. Chuyện đó đã xảy ra ở phương Tây trong một thời gian dài và đôi khi nó vẫn xảy ra cho đến tận bây giờ. Tôi sẽ kể cho bạn nghe. Tôi sẽ chia sẻ một số điều vì Kim đã đưa ra cái nhìn tổng quan về triết học ở đây. Những người có suy nghĩ giống như tất cả chúng ta đây dường như đang nghĩ đến việc thực hiện một số bước để cố gắng thay đổi cục diện.

Và tôi không thể tin được điều này vẫn xảy ra. Khi tôi nhận được các bài viết để bình duyệt cho các tạp chí, phải nói rằng cứ năm bài thì có bốn bài không có phụ nữ nào được trích dẫn trong đó. Và vì thế trong phần bình luận của mình tôi hay thêm câu này: này, phụ nữ đâu rồi? Phụ nữ cũng đang nghiên cứu triết học cổ đại phải không? Hoặc viết về Schopenhauer, hoặc dịch Schopenhauer, hoặc làm bất cứ điều gì họ muốn mà việc ấy là tốt, đúng đắn và thông minh. Vì vậy, có một điều là bạn có thể bắt đầu tạo ra một nền văn hóa, và Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ đã làm rất tốt theo cách này.

Gần đây họ đã soạn thảo một văn bản được gọi là sách trắng về các phương pháp hay nhất để đánh giá bài viết. Theo đó người ta sẽ đánh giá xem bạn có tìm hiểu văn học đương đại không, không phải tất cả mọi thứ từ năm 1980, bài viết ấy có đại diện cho những quan điểm đa dạng về chủ đề này không, người viết ở bên ngoài phương Tây hay bên ngoài Hoa Kỳ, hay mang đến những quan điểm khác nhau? Đây là một điều mà mọi người đã bắt đầu làm. Một điều khác nữa cũng được bắt đầu, và tôi nghĩ việc này cũng cần rất nhiều đồng minh để giúp đỡ, bao gồm cả các đồng minh nam. Chẳng hạn như có một điều buồn cười đã xảy ra ở đây trong vài năm qua theo kiểu xin chúc mừng, bạn có một hội thảo toàn nam, nghĩa là, đây là một hội nghị triết học chỉ toàn đàn ông nói chuyện với nhau. Và vì vậy có một số người từ chối tham gia những sự kiện đó. Nếu không có một hội đồng đa dạng rõ ràng thì chúng tôi sẽ không đóng góp hoặc sẽ rút lui. Tôi nghĩ rằng rất khó để đi một mình. Tôi nghĩ thật khó để cảm thấy mình là người duy nhất đấu tranh cho việc này. Và đôi khi có trường hợp chỉ có một người đấu tranh lẻ loi như vậy đấy. Và tôi nghĩ chính những lúc như thế, như Kim đã nói trước đó về các mối quan hệ giúp chúng ta tiếp tục cuộc sống của mình, chính những lúc như thế chúng ta cần cùng đồng lòng lên tiếng.

Tất nhiên có những lúc mối đe dọa quá lớn, và ai đó rút lui, và bạn có một góc nhìn khác. Nhưng tôi sẽ nói với cô gái trong ví dụ của bạn rằng đó là một tác phẩm tuyệt vời để dịch và đó không phải là chuyện đùa, bởi vì nó thực sự khó trong bất kỳ ngôn ngữ nào. Và nếu có thêm nhiều người, có thêm bạn bè và nhà xuất bản trên khắp thế giới có thể trợ giúp cho sự phát triển đó thì họ nên làm như vậy. Nói đến chuyện này, khi chúng tôi đưa Triết học cho con gái đến Nhà xuất bản Đại học Oxford, nữ biên tập viên của họ đã ngay lập tức quan tâm, nhưng trước đó chúng tôi chưa từng xuất bản một cuốn sách nào, thế nên có một số điều chúng tôi chưa biết. Và biên tập viên ấy, thông qua vị trí của mình, đã giúp chúng tôi tìm ra cách viết một cuốn sách, khen ngợi cách chọn từ của tôi, gọi là gì nhỉ?

Kimberly K. Garchar: đề xuất.

Melissa M. Shew: Vâng, đề xuất, cảm ơn Kim. Viết đề xuất. Và có những người ở vị trí quyền lực tương đối. Chúng tôi nhận được một số lời khuyên từ một giáo sư nơi chúng tôi theo học cao học về cách giới thiệu một cuốn sách, v.v. Và vì vậy tôi nghĩ đôi khi chúng ta nên để mọi người giúp đỡ để ta có thể đến nơi ta muốn đến, chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn thế. Và Kim và tôi có thể làm nhiều hơn nữa để ủng hộ Book Hunter.

Nhưng cần có nhiều hơn một người tập hợp lại và hỗ trợ cô gái ấy trong công việc của cô để cô biết rằng cô có quyền với ý tưởng của mình, cô có quyền dịch, có quyền suy nghĩ theo cách của mình, dù cô không phải lúc nào cũng đúng, nhưng cô sẽ được trở thành một con người đích thực trên thế giới và đó là điều có ý nghĩa. Và chúng ta cần bảo vệ điều đó nhiều nhất có thể.

Kimberly K. Garchar: Cảm ơn bạn. Nếu tôi có thể bổ sung thêm một vài điều để củng cố những gì Melissa đã nói thì tôi muốn nói rằng thật đáng buồn là sự căm ghét trên mạng là một hiện tượng toàn cầu. Và sự căm ghét trực tuyến là tàn bạo dưới bất kỳ hình thức nào. Không kiểu căm ghét nào ít tệ hơn kiểu căm ghét nào. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thừa nhận rằng sự căm ghét trực tuyến của những người mang thành kiến với phụ nữ là đặc biệt tàn nhẫn. Và tôi đã chứng kiến bạn bè tôi phải chịu đựng điều đó. Chẳng hạn có một tác giả tên là Kate Manne, cô ấy đã rất, rất thành công với tư cách là một nhà văn ủng hộ nữ quyền. Và cô ấy bị quấy rối và đe dọa đến mức không thể tin được, đến mức cô thường phải tránh hiện diện trên mạng xã hội vì việc ấy đơn giản là quá sức chịu đựng của cô. Và cô là một nhà văn rất nổi tiếng. Vì vậy, đáng buồn thay, sự căm ghét trực tuyến lại rất phổ biến.

Đối với khía cạnh phụ nữ viết về những thứ như tình dục và câu hỏi liệu những tác phẩm của họ phổ biến vì đó là tác phẩm của họ hay hay nó phổ biến vì nó liên quan đến tình dục, tôi thấy đây là một câu hỏi rất hay. Và tôi muốn một lần nữa nói rằng lý do có thể là cả hai và tôi hy vọng lý do sẽ trở thành cả hai, và thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi chúng ta tiến về phía trước. Trong lịch sử, phụ nữ đã viết những tác phẩm đáng kinh ngạc về tình dục mà vào thời điểm đó đã bị coi là phù phiếm, bởi vì một lần nữa, chúng ta nghĩ rằng tình dục hoặc khoái lạc là phù phiếm, không quan trọng và phi lý. Và sau này chúng ta tôn vinh những thứ đó theo những cách chưa từng có trước đây. Vì vậy, tôi hy vọng rằng khi chúng ta phát triển với tư cách là những nhà tư tưởng, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều điều đáng tôn trọng hơn trong các tác phẩm về tình dục, vì đó là đề tài quan trọng.

Và tôi xin kể trường hợp về một nữ triết gia về triết học Hy Lạp. Người ta đã đến xin ý kiến của bà về tình yêu, và rồi lời của bà đã không được coi trọng. Như thể họ muốn bà ấy đưa ra những ý kiến mang tính triết học, nhưng bà ấy như thể muốn nói tôi không thể, suy nghĩ của tôi không chỉ về mỗi triết học. Bà ấy còn viết cả tiểu thuyết và các thể loại văn học khác về những thứ như mối quan hệ mang dục tính mà ngày nay chúng ta nhìn nhận lại và đọc bằng góc nhìn triết học. Phải. Chúng ta đọc những cuốn tiểu thuyết đó cùng với tác phẩm triết học truyền thống của bà vì chúng mang lại sự hiểu biết rộng hơn về suy nghĩ của bà.

Vì vậy tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ nhìn vấn đề đó một cách rộng hơn. Nhưng tôi nghĩ ngay lúc này đây câu hỏi là tại sao chủ đề dục lại phổ biến là một câu hỏi rất hay. Tôi không có câu trả lời hay cho câu hỏi đó.

Melissa M. Shew: Tôi sẽ chỉ kiếm hai xu và nói rằng đó là đề tài luôn được ưa chuộng, phải không? Lysistrata, một vở kịch cổ của Hy Lạp kể về một nhóm phụ nữ không muốn đàn ông trong thị trấn tham chiến. Vậy họ quyết định thuyết phục những người đàn ông ấy như thế nào? Họ từ chối tình dục vì tình dục là sức mạnh. À chính thế đấy.

Kimberly K. Garchar: Tôi đoán câu trả lời của tôi là cách chúng ta đọc về chủ đề đó bây giờ khác với cách người xưa đọc nó khi nó được viết ra. Bạn có đồng ý với nhận định đó không?

Melissa M. Shew: một chút. Ý tôi là, nó được tiếp thu theo một số cách khác, nhưng tôi nghĩ, tôi nghĩ một lý do mà mọi người thích đọc về tình dục là bởi vì, không chỉ vì khoái lạc mà còn bởi vì nó còn liên quan đến quyền lực. Và vì vậy, bạn biết đấy, có thể tùy thuộc vào quan điểm của bạn mà cuộc nói chuyện này của chúng ta là thẳng thắn hoặc kỳ quặc, phải không? Đó là câu hỏi về việc ai có nó, ai muốn nó, ai không có nó, bạn biết đấy, vì vậy tôi cảm thấy đề tài này luôn được ưa chuộng. Tôi có thể nói rằng khi đề tài đó được khai thác và được viết thật hay thì điều ấy thật là tuyệt. Nhưng giống như bất cứ điều gì khác, khi nó bị viết dở hoặc viết tồi, hoặc ngay cả trong một bài báo học thuật về khoái lạc, không có gì nhàm chán hơn việc đọc một bài tiểu luận triết học hàn lâm về khoái lạc, ý tôi là, nếu thế thì đề tài này lại có thể là điều ít thú vị nhất. Vì vậy, tôi nghĩ dù là về đề tài nào thì cũng có người viết hay, người viết dở, nhà tư tưởng lỗi lạc và nhà tư tưởng còn nhiều thiếu sót.

Kimberly K. Garchar: Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Và tôi biết rằng sẽ có một câu hỏi khác liên quan đến vấn đề này. Nhưng có một điều Melissa đúng, trong một xã hội gia trưởng thì tình dục là quyền lực. Và chế độ phụ hệ xoay quanh việc ai được hưởng tình dục, ai không được.

Nhưng tôi có thể nói rằng lý tưởng nhất thì các nhà hoạt động vì nữ quyền không muốn đặt tình dục trong mối quan hệ với quyền lực. [Melissa hưởng ứng: Đúng, đúng, đúng.] Hiện tại thì giữa hai thứ đó đang có mối liên hệ. Và tôi nghĩ bạn sẽ hỏi thế còn phụ nữ có được quyền lực thông qua tình dục thì sao? Điều tương tự cũng xảy ra ở đây. Tôi được chứng kiến những phụ nữ trẻ, khi họ ngày một hiểu biết hơn thì họ cũng rất nhanh chóng học được những cách mà tình dục có thể ảnh hưởng, có thể thao túng, có thể có sức mạnh để họ sử dụng. Đó là một công cụ. Trong chế độ phụ hệ, nó là một công cụ. Và họ tìm hiểu về điều đó.

Và vì vậy bạn có thể thấy rằng một mặt, khi những phụ nữ trẻ được giải phóng về mặt tình dục thì điều đó thật tuyệt, phải không? Như chúng tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi muốn phụ nữ có thể lựa chọn những gì họ muốn làm với cơ thể và cuộc sống của mình. Và như tôi đã nói trước đây, mọi người đều là sinh vật có tính dục. Vì vậy, một mặt, chúng tôi muốn thấy những phụ nữ trẻ này nhận ra phần tính dục của mình. Mặt khác, vấn đề này vẫn nằm trong khuôn khổ của một hệ thống gia trưởng, nên ngay cả khi họ nhận thức được điều đó thì họ vẫn thấy rằng họ vẫn đang gặp khó khăn, vì tính dục ấy nằm trong mối quan hệ mất cân bằng với quyền lực.

Melissa M. Shew: Và để đưa ra quan điểm cuối cùng về điều đó, tôi nghĩ khi chúng ta nói về giới học thuật, tôi nghĩ dường như còn có một quan điểm ngược lại. Tôi đã tham dự rất nhiều buổi nói chuyện, trong đó sau phần trình bày của một nữ triết gia thì những nhận xét sau đó không phải về những điều thông minh mà cô ấy đã nói, mà ôi trời, bạn có thể tin không, họ nhận xét về cái nơ trên túi cô, hay gót giày cô quá cao, và nói thật, tôi không biết đó có phải do những thứ ấy không còn hợp với tuổi của tôi không, nhưng tôi thì không còn quan tâm đến những chuyện ấy.

Tôi đã không còn để tâm đến những nhận xét về việc phụ nữ trông như thế nào hoặc không trông như thế nào. Bạn không nghe thấy những nhận xét tương tự về đàn ông. Hãy cứ sống đúng như bạn muốn, và nghiên cứu triết học, và chúng ta hãy đánh giá phần triết đó đúng như bản chất của nó, chứ không phải theo việc người trình bày nó đang ăn mặc thế nào.

Kimberly K. Garchar: Nếu bạn muốn có thêm một câu chuyện cá nhân ngắn nữa, và tôi rất xin lỗi, chúng tôi nói chuyện dông dài quá. Khi chúng tôi còn học cao học, khoa của chúng tôi đang tuyển dụng cho vị trí giảng viên và chúng tôi có một số ứng viên nữ. Và sau khi một trong những ứng viên nữ được phỏng vấn, như chúng tôi những sinh viên mới tốt nghiệp hồi đó được nghe kể lại, thì điều đầu tiên mà một giảng viên trong khoa lưu ý là chiếc áo cánh của ứng viên nữ này xẻ quá thấp. Đó mới là vấn đề, không phải điều cô ấy cần nói, không phải cô thiếu chuyên nghiệp, không phải cô không chuẩn bị tốt, mà là chiếc áo của cô xẻ quá thấp.

Và chúng tôi đã được cảnh báo rằng chúng tôi không nên ăn mặc theo cách đó. Chúng tôi không được cho biết bất cứ điều gì khác, hoặc chúng tôi không nhận được phản hồi ngay lập tức về các khía cạnh khác trong cuộc phỏng vấn của cô ấy, mà chỉ được nghe mỗi một điều rằng cô ấy ăn mặc không phù hợp. Và thẳng thắn mà nói, cô ấy ăn mặc rất đẹp.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn hai chị.

Book Hunter – Hà Thủy Nguyên: Nhưng có một điều rất vui, có một điểm rất thú vị là rất nhiều giám đốc của các nhà xuất bản lớn tại Việt Nam hiện nay, và cả đội ngũ biên tập viên cứng của họ, đa phần đều là phụ nữ. Và tôi cho rằng đây là một tín hiệu cải thiện đáng vui mừng về vị thế của phụ nữ trong giới học thuật, bởi vì thông qua các hoạt động của các nhà xuất bản dưới sự điều hành của một nữ giám đốc sẽ có nhiều điều mới được thúc đẩy. Tuy nhiên tôi cho rằng lý do khiến rất nhiều chị em phụ nữ ở Việt Nam chưa đầu tư cho sự phát triển học thuật cũng như phát triển sự nghiệp của mình đến từ chính bản thân họ, chứ không hoàn toàn đến từ áp lực từ nam giới hay môi trường, bởi vì trong nội tại của họ thì họ vẫn khao khát có tình yêu. Và trong quá trình khao khát đó, thay vì vẫn vừa yêu vừa phát triển sự nghiệp của mình thì họ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp, thậm chí mối quan tâm, sở thích, con người của mình để phục vụ cho sự phát triển của người họ yêu. Và tôi biết rất nhiều phụ nữ trẻ, họ đã hy sinh – tôi không thích dùng từ “hy sinh” lắm nhưng không còn từ nào khác – như vậy để hỗ trợ cho sự nghiệp của người đàn ông họ chọn. Và trong truyền thống của Việt Nam, đức tính hy sinh thường xuyên gắn liền với phụ nữ.

Kimberly K. Garchar: Tôi chỉ định quay lại những gì Melissa đã nói trước đó, một lần nữa, chúng tôi muốn phụ nữ có thể chọn nhiều hơn một vai trò. Nhưng khi có giá trị, giá trị xã hội hoặc khi quyền lực đi liền với một vị trí này chứ không đi cùng vị trí khác, thì việc chọn vị trí nào đem lại quyền lực là điều hợp lý, phải không? Hoặc vị trí đem lại lợi ích, tùy thuộc vào cách xác định lợi ích của mỗi người. Và tôi thích lời phê bình của bạn về từ hy sinh. Từ này có vấn đề vì nó đã gắn liền với phụ nữ và các cô gái từ rất lâu, và họ phải hy sinh bản thân vì con cái, vì đất nước, vì chồng mình. Vấn đề của sự hy sinh là nếu chúng ta cho rằng, chẳng hạn, người phụ nữ nên hy sinh bản thân mình vì con cái thì sau khi hy sinh mình như thế người phụ nữ ấy không còn tồn tại để mà nuôi dạy con cái cô ấy, phải không?

Sự hy sinh loại bỏ chính con người được kỳ vọng sẽ cống hiến. Và nếu bạn hy sinh phụ nữ và các cô gái vì gia đình, đất nước hoặc chồng, thì sẽ không còn ai có thể mang đến thứ tình yêu mà mọi người thực sự mong muốn. Và vì vậy tôi nghĩ ý tưởng hy sinh, như bạn đã nói, là một cách tuyên truyền rất phổ biến. Nhưng một khi bạn bắt đầu xem xét ý nghĩa thực sự của việc hy sinh, thì nó sẽ rất có vấn đề vì nó loại bỏ chính con người được cho là đem lại giá trị thông qua sự hy sinh đó. Người phụ nữ không thể tiếp tục tồn tại nếu cô ấy hy sinh bản thân mình.

Book Hunter – Hà Thủy Nguyên: Có một vấn đề nữa cũng khá thú vị mà tôi cũng muốn chia sẻ với các chị, đó là một tình trạng ở Việt Nam: mặc dù phụ nữ được gắn với khái niệm hy sinh, nhưng các ông chồng lại luôn thể hiện một thái độ sợ vợ. Và những anh người yêu thì luôn thể hiện thái độ sợ bạn gái, thể hiện sự sẵn sàng hy sinh bản thân cho bạn gái, sợ bị bạn gái dỗi. Đây là một trong những lý do khiến khá nhiều đàn ông Việt Nam cho rằng ở Việt Nam không cần phải đấu tranh nữ quyền bởi vì đàn ông ở Việt Nam có vị thế quá thấp. Không biết hai chị sẽ nghĩ thế nào về tình huống trớ trêu này?

Kimberly K. Garchar: Vâng, ý tưởng rằng phụ nữ là đáng sợ. Chắc chắn có những phụ nữ bạo hành, và tất nhiên bạo hành là khủng khiếp bất kể ai là người thực hiện hành vi đó. Nhưng hãy lấy một ví dụ điển hình hơn khi người chồng sợ làm mất lòng vợ mình, và do đó anh ấy nghĩ rằng cô ấy có quyền lực và anh không cần phải lo lắng về việc bảo vệ quyền lợi của cô ấy hay những điều tương tự.

Sở dĩ tôi có thể nói một cách rất chung chung rằng anh ấy sợ cô ấy là vì anh ấy sợ rằng cô ấy sẽ ngừng làm những gì anh ấy muốn. Cô ấy sẽ không còn là người vợ phục tùng của anh ấy nữa, phải không? Nếu anh ta không làm điều cô ấy muốn, cô ấy sẽ không nấu ăn, không dọn dẹp, không quan hệ tình dục hoặc không chăm sóc con cái, thì điều mà anh ta sợ không phải là người phụ nữ đó, phải không? Mà đúng hơn anh ta sợ rằng những gì cô ấy thường làm để phục vụ anh ta có thể biến mất.

Vì vậy, ít nhất trong một số trường hợp tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng nỗi sợ hãi không đến từ người phụ nữ, nó đã bị đặt nhầm vào cô ấy. Điều người chồng lo sợ ở đây là cuộc sống của tôi có thể bị đảo lộn và người phụ nữ này thực sự có thể có được sự đại diện bình đẳng, phải không? Và tôi hiểu điều ấy có sức mạnh như thế nào, phải không? Điều đó cho cảm giác như người phụ nữ nắm giữ quyền lực. Nhưng thực ra không phải cô ấy nắm quyền lực mà là cô ấy ở trong cơ cấu xã hội đặc biệt này, nó nói rằng cô phải làm những việc này, và người chồng, ở đây chúng ta đang nói về chồng, anh ta sợ cô ấy không làm những việc đó nữa và điều đó có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Tôi chỉ có thể trả lời sơ qua như vậy, còn xin nhờ Melissa bổ sung thêm.

Melissa M. Shew: Khi bạn đang nói, tôi chỉ nghĩ rằng, thực ra, theo một cách nào đó, tôi thầm thích những người phụ nữ đó, phụ nữ chúng ta thật đáng sợ phải không? (Cười) Vì vậy, tôi nghĩ, một mặt, chà, tôi đang nghĩ đến nhiều thứ. Hãy để tôi kể một khuôn mẫu xảy ra ở Hoa Kỳ. Giống như trong mọi bộ phim sitcom, những bộ phim hài ngắn trên TV, trong một mối quan hệ gồm có một người đàn ông và một người phụ nữ, nếu họ đã kết hôn, chẳng hạn như vậy, thì người đàn ông luôn có vẻ rất ngờ nghệch còn người phụ nữ thì biết tất cả mọi thứ. Người đàn ông đó nghĩ, làm sao tôi có thể sống nếu không có cô? Hoặc, ồ, tôi lại phạm lỗi rồi. Tôi lại làm điều ngu ngốc rồi. Và đến lượt người phụ nữ thể hiện sự hiểu biết của mình.

Các quảng cáo thường là như vậy. Và chúng bắt nguồn từ một chút xíu sự thật, bạn biết đấy, chẳng hạn như khi bố tôi phải đi mua sắm. Tôi không nghĩ là ông sẽ biết phải làm gì vì mẹ tôi luôn là người làm việc đó. Vì vậy, tôi nghĩ ở đây có một phần sự thật, nhưng sau đó nó bị thổi phồng. Và tôi nghĩ rằng khuôn mẫu đó, bạn biết đấy, nó được sinh ra từ một chút sự thật, nhưng nó cũng không phải là toàn bộ câu chuyện trong thực tế. Như vậy khi đàn ông sợ phụ nữ, thì đó cũng có thể là một phần sự thật.

Hoặc vì những gì Kim đã nói, tôi sẽ nói rằng, bạn biết đấy, đằng sau những cánh cửa đóng kín mọi người cũng có những cảm xúc sâu sắc về mối quan hệ của họ mà không phải lúc nào họ cũng bộc lộ trước bàn dân thiên hạ. Vì vậy, tôi nghĩ đây là vấn đề thực sự phức tạp. Tôi vừa xem xong một số phim về mafia, và có vẻ như trong những bộ phim đó đàn ông là những người nắm quyền lực và họ thực hiện tất cả việc giết chóc, tổ chức, v.v.. Nhưng khi về nhà thì họ sợ vợ hoặc bạn gái của mình. Ừm, và tôi nghĩ, đây thực sự là chuyện khá phức tạp. Tôi sẽ nói rằng những câu chuyện ấy có chút hài hước, nhưng chúng ta có thể góp phần sửa đổi chúng. Và như Kim đã nói mới đây, những kiểu áp bức khác nhau mà mọi người phải chịu đựng. Chúng tôi nghĩ về lợi ích của nữ quyền là giúp đỡ mọi người. Và vì vậy, bạn biết đấy, hy vọng là trong các mối quan hệ gia đình, mọi người có thể trở thành người mà họ cần trở thành nhất.

Trong phần giới thiệu cuốn sách Kim đã dùng một câu mà tôi vô cùng yêu thích. Tôi đã trích dẫn nó vài lần rồi, nhưng cô ấy tìm thấy một câu trích dẫn và tôi không thể nhớ đó là của ai. Câu trích ấy nói rằng, nếu bạn nhìn thấy một cô gái ngồi ở bàn làm việc trong phòng cô ấy và cô ấy đang đọc sách thì hãy để cô ấy được yên. Cô ấy đang đào tạo mình. Và tôi thích ý tưởng rằng cô ấy có thể được làm điều đó. Và tôi là người theo chủ nghĩa gia tăng. Tôi không nghĩ sự thay đổi sẽ đến theo từng đợt lớn. Chúng ta làm việc, nghiên cứu, giảng dạy, chúng ta nỗ lực với tư cách là nhà xuất bản để giúp thay đổi một số câu chuyện này, nhưng có lẽ điều đó sẽ không xảy ra một sớm một chiều trong cuộc đời chúng ta. Nó sẽ xảy ra từng chút một.

Kimberly K. Garchar: Và nó rất phức tạp. Đúng. Các bạn có thể tìm thấy trích dẫn đó.

Melissa M. Shew: Vậy tôi xin hỏi độc giả Việt Nam nghĩ gì khi đọc cuốn sách này, trong khi đợi Kim tìm câu trích dẫn đó, khi họ đọc cuốn sách này và biết đến một số ý tưởng này, và trong cuốn sách không có nhiều ý tưởng rõ hẳn là về phụ nữ. Cuốn sách này bàn về những ý tưởng. Các bạn đã chia sẻ một vài giai thoại về một số dịch giả, nhưng những người khác thì nghĩ thế nào về cuốn sách này khi họ đọc nó? Họ có nghĩ rằng điều này là vô lý? Nó sẽ khiến phụ nữ trở nên quá mạnh mẽ, hay họ nghĩ họ cũng cần những chương về vấn đề này hoặc vấn đề kia, hoặc họ nghĩ gì?

Book Hunter – Lê Duy Nam: Vâng, tôi xin trả lời từ thông tin của mình trước và sau đó có lẽ vợ tôi có thể bổ sung thêm. Ban đầu tôi rất lạc quan về dự án này, tôi nghĩ nó sẽ  thành công rực rỡ. Và tôi rất hào hứng khi khởi động dự án và quản lý toàn bộ công việc dịch thuật, in ấn và tiếp thị. Nhưng sau đó tôi khá phiền lòng khi số lượng độc giả không được nhiều như mong đợi. Và rồi tôi lại phiền lòng lần thứ hai khi nhận ra rằng phụ nữ Việt Nam – là những đối tượng chủ yếu mà chúng tôi hướng đến khi thực hiện cuốn sách này – không có thời gian để đọc sách. Vì vậy, trước đó tôi đã nghĩ, chà, cuốn sách này rất nổi tiếng, và triết học cũng được đông đảo mọi người đón nhận ở Việt Nam. Và chủ đề của cuốn sách này thuộc loại chưa từng có trên thị trường, và sách viết để dành cho độc giả phổ thông. Mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng phụ nữ Việt Nam không có thời gian cho việc đọc. Ban ngày họ đi làm, sau đó họ về nhà chăm sóc con cái, chăm sóc bố mẹ và chồng.

Và họ không có thời gian để đọc một cuốn sách hay bất kỳ cuốn sách nào. Có lẽ họ có thể đọc một chút sách tranh cho con cái mình. Nhưng đối với loại sách này, nó đòi hỏi thời gian và sự suy nghĩ sâu sắc. Vì vậy, cho đến nay tôi chỉ tìm thấy một số độc giả và một số phản hồi, đặc biệt là người dịch, người đã đọc nó một cách kỹ càng nhất.

Vâng, đó là thông tin của tôi. Vợ tôi, cô ấy có một số người bạn nữ đã đọc cuốn sách này và họ có gửi cho cô ấy một số phản hồi. Cô ấy có thể bổ sung thêm.

Book Hunter – Hà Thủy Nguyên: Thực ra, không chỉ có phụ nữ mới đọc sách mà có khá nhiều độc giả nam đã chọn mua cuốn sách này. Nó xuất phát từ thực tế là trước tiên họ tò mò muốn biết triết học cho con gái khác với triết học về con gái như thế nào. Đó là nhóm khách đầu tiên. Sau đó khi nhận ra vấn đề không có thời gian của phụ nữ Việt Nam và thực trạng là cuốn sách không thể lan tỏa rộng như chúng tôi mong đợi thì tôi đã quyết định thay đổi cách tiếp cận. Tôi bắt đầu thực hiện những chiến dịch quảng bá vào những ngày dành cho phụ nữ ở Việt Nam. Trong những ngày đó tôi đặt lại một số vấn đề về định kiến giới xuất hiện trong truyền thống Việt Nam, chẳng hạn tôi có viết một bài bình luận về câu tục ngữ Việt Nam, “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Ý nghĩa khái quát của câu tục ngữ này là phụ nữ thường nông nổi và kém cỏi, không được sâu sắc như đàn ông. Tôi đã học cách viết của các chị trong Triết học cho con gái để đặt ngược lại vấn đề và diễn giải lại câu nói đó, trong đó có đan cài một số tư tưởng triết học của các chị. Và cách làm ấy thực sự đã khiến độc giả quan tâm, đặc biệt là trong số những phụ nữ trẻ. Họ bắt đầu đặt mua cuốn sách này trong quá trình chúng tôi thực hiện chiến dịch này. Tuy nhiên doanh số bán ra còn thấp, tần suất mua còn thấp, nhưng tôi nghĩ tôi đã tạo ra được chút lực đẩy, và họ bắt đầu tìm thấy bản thân mình trong cuốn sách.

Nhưng điều mà tôi nghĩ có thể tạo ra sự thúc đẩy lớn hơn là tôi rất muốn học được cách triển khai dự án Triết học cho con gái của các chị. Tôi đã rất nhiều lần nghĩ về việc tạo dựng một cộng đồng như vậy ở Việt Nam. Bởi vì đọc sách chỉ là một phần, còn họ cần không gian để thúc đẩy cá tính và sức mạnh của họ. Rất nhiều lần tôi đã thử thực hiện nhưng đều thất bại (cười).

> Đọc bài viết “Triết học cho con gái” hay “Triết học của cơi đựng trầu” của nhà văn Hà Thủy Nguyên

Melissa M. Shew: Yeah. Vậy tôi sẽ nói chuyện này. Hãy cho tôi một phút ở đây. Nhưng trước hết, tôi nghĩ Kim và tôi nghĩ rằng chiến lược ấy của bạn thật tuyệt: bạn xem xét lại những điều tưởng chừng bạn đã biết chắc, lật ngược chúng lại hoặc nhìn nhận chúng từ một góc độ khác, theo một cách khác. Đó chính là triết học. Đó là những thử thách tuy đầy nghịch lý nhưng rất tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng có một vấn đề lớn, ít nhất là ở hai đất nước của chúng ta, đó là người lớn thường không đọc nhiều. Tôi nghĩ con số thống kê cho năm ngoái là có 4% người lớn đọc một cuốn sách, ít nhất một cuốn, chỉ vậy thôi. Bạn biết đấy, đó là một vấn đề lớn. Vì vậy, với cuốn sách này, Kim và tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, còn tôi thực sự đã suy nghĩ về điều này trong hơn một thập kỷ, đó là làm cách nào để bạn đặt những thứ mọi người cần vào tay họ.

Vì vậy, điều đầu tiên cần làm là viết một cuốn sách, và sau đó bạn phải tìm ra cách để sách đến được tay độc giả. Trong vấn đề này đối với chúng tôi có một số điều thực sự quan trọng. Thứ nhất là tìm cách đưa cuốn sách vào các thư viện. Nhưng đưa sách vào thư viện và vào các hiệu sách hóa ra phức tạp hơn chúng tôi tưởng. Bạn biết đấy, làm thế nào để trưng bày nó cùng với những cuốn sách khác, vào Tháng Lịch sử Phụ nữ hay những dịp tương tự như thế, làm thế nào để mọi người liên hệ nó với những cuốn sách kiểu như thế.

Khi nghiên cứu để thực hiện cuốn sách này chúng tôi đã phát hiện ra rằng mặc dù có tới gần 86% đầu sách bán chạy nhất có từ “cô gái” (girl) trong tựa đề, nhưng số sách thực sự viết về con gái trong đó thì không nhiều. Chẳng hạn cô gái có hình xăm rồng, cô gái bên cửa sổ, những cuốn sách này là viết về phụ nữ. Vì vậy, chúng tôi nghĩ, chà được rồi, kiểu liên hệ này đã khá cởi mở rồi. Bạn biết đấy, từ “girl” ở đây không phải là nói về những bé gái tám tuổi, mà nó thể hiện sự dũng cảm và quả quyết. Tôi nghĩ muốn tạo cú huých lớn thì phải đưa cuốn sách này vào các câu lạc bộ sách. Vì vậy, ở đâu có câu lạc bộ sách, sách cho đàn ông, sách cho phụ nữ, bất cứ loại hình nào, nếu có loại câu lạc bộ sách tri thức thì cuốn sách này sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho họ.

Và tất nhiên tôi sẽ nói rằng việc đưa nó đến tay giới sinh viên cũng tạo cú huých rất lớn. Chẳng hạn, chúng tôi biết tại Đại học DePauw có ít nhất một lớp triết học bắt buộc sử dụng cuốn sách này làm sách giảng dạy chính. Vì vậy, chúng tôi đã suy nghĩ xem làm thế nào để cho cuốn sách này phù hợp với giáo dục chứ không phải chỉ là thứ bổ sung hay thêm. Nhưng với dự án Persephone, những hướng đi đó cũng là một phần của tầm nhìn lớn, bởi vì cuốn sách này là một phần của một phong trào.

Ngoài ra còn một số nhóm đối tượng nữa mà tôi chưa tiếp cận được. Chẳng hạn như trại hè dành cho nữ sinh – nữ sinh cấp 2, nữ sinh cấp 3, nữ sinh khoảng 12 đến 18 tuổi. Thứ hai là dự án Persephone tồn tại trực tuyến dưới dạng một trang web. Tôi đã nhận được một khoản tài trợ rất quan trọng từ Viện Lãnh đạo Phụ nữ tại trường đại học tôi đang giảng dạy để xây dựng trang web này. Tôi đã làm thế này: tôi đã gọi bốn sinh viên mà tôi từng dạy hồi tôi dạy ở trường trung học, trong đó có cả phụ nữ và học sinh phi nhị phân. Và tôi nói, tôi muốn làm sao để mọi người có thể dễ dàng tìm ra Triết học cho con gái, nhưng theo cách là nó liên quan đến những điều khác mà mọi người quan tâm. Vậy đấy, tôi đã thử hướng đi này và nhận được tài trợ từ trường đại học của mình. Và, bạn biết đấy, Kim rất cảm động vì điều này. Đây là điều tôi đã làm với những cựu học sinh này, bởi vì việc lôi kéo khán giả mục tiêu của cuốn sách này vào việc tạo ra tài liệu về cuốn sách là thực sự quan trọng.

Vì vậy hầu hết mọi thứ trên trang web Persephone Project đều do những cựu học sinh này viết hoặc sưu tầm. Và trên trang web này có một phần nói về các nguồn tài nguyên và chúng tôi đã phải giới hạn phần này chỉ ở một vài câu hỏi mỗi chương, các nguồn tài nguyên liên quan đến triết học cho con gái. Điều mà tôi hoàn toàn tưởng tượng được ngay từ đầu là giả sử tôi đang tìm kiếm trên mạng thì liệu tôi có bắt gặp Dự án Persephone bằng cách tra cứu các từ khóa như “sự thật”, “ý nghĩa” và “danh tính” hay không. Đó là ba khái niệm cốt lõi trên trang web này. Hay tôi sẽ tìm thấy nó qua từ “Persephone”, hay từ “triết học”, hay tôi tìm thấy nó qua cuốn Triết học cho con gái. Tôi muốn đây là nơi mọi người có thể đến và có những hành trình của riêng họ.

> Tìm hiểu trang web Persephone Project của Melissa

Vì vậy, giả sử bạn đang ở trong một gia đình vốn không hề coi trọng những đề tài như thế này. Chà, thế rồi một vài người đã làm ra thứ gì đó mà bạn có thể thích. Giả sử bạn tình cờ thấy cuốn sách này và muốn tìm hiểu thêm về nó, nhưng nơi bạn đang ở mọi người lại không có những cuộc thảo luận kiểu như vậy. Chúng tôi muốn tạo ra những nguồn tài nguyên mà mọi người có thể tìm thấy. Tôi biết điều đó, bởi vì hồi tôi còn trẻ, giả sử tôi tìm thấy ở hiệu sách một cuốn sách với thiết kế bìa tuyệt vời như thế này [giơ cuốn Triết học cho con gái của Book Hunter ra trước màn hình], chúng tôi rất thích thiết kế bìa này, và ngoài ra không còn cuốn nào khác giống như thế, thì tôi sẽ tha thiết muốn biết thêm về nó.

Tôi muốn biết thêm. Tôi sẽ tìm đường đến với triết học thông qua cuốn sách này. Và tôi sẽ làm gì? Lên mạng và xem tôi có thể tìm thấy những gì. Và tôi sẽ cảm thấy vui mừng vì có một nguồn tài nguyên như thế. Đó chính là tương lai của trang web đó trong hình dung của tôi, và bước đường ấy diễn ra khá chậm với tôi, vì tôi còn phải làm nhiều công việc khác. Nhưng tôi thực sự muốn nó là một dự án cộng đồng để mọi người có thể đóng góp những gì họ đang tìm kiếm và những gì họ đang nghĩ. Nhưng tôi đã nói điều này lúc nãy và giờ tôi sẽ nói lại lần nữa, các bạn có thể dịch và làm bất cứ điều gì bạn muốn với bất kỳ tài nguyên nào trong số đó.

Vì vậy, nếu những câu hỏi trên trang web đó hay, hoặc nếu bạn muốn một dự án Persephone bằng tiếng Việt với các câu hỏi liên quan đến cuốn sách và bạn muốn thực hiện những câu hỏi đó với người dịch hoặc độc giả của mình, thì tôi rất vui lòng. Hãy để những điều đó được ghi lại và được nói ra. Tất cả chúng ta đều biết đóng vai nhân vật Persephone đó là như thế nào và chúng ta đều cảm thấy có phần cô đơn trong suy nghĩ của mình, và nếu chúng ta biết rằng có những người khác cũng đang mang những suy nghĩ ấy, không phải suy nghĩ riêng tư mà là những suy nghĩ về triết học và về sự thật, ý nghĩa và danh tính, thì sẽ tuyệt biết bao.

Chúng tôi hy vọng có thể mang lại cho một số người sự thoải mái và tiếp thêm sức mạnh cho họ, vì điểm mấu chốt là người lớn không còn đọc nhiều nữa. Mọi người làm rất nhiều việc khác ngoài việc đọc. Ai cũng có những mục tiêu riêng cho mình, nhưng nếu thỉnh thoảng bạn có thể đọc một chương và đọc hoặc thảo luận về nó với ai đó, thì chúng tôi coi đây là một điều tốt. Và sau đó bạn tìm cách phá bỏ những khuôn mẫu, hoặc xem xét lại những câu tục ngữ và lật ngược chúng lại, tôi nghĩ điều đó thật tuyệt vời.

Book Hunter – Hà Thủy Nguyên: Cảm ơn chị.

Kimberly K. Garchar: Tôi xin bổ sung thêm một chút: Dự án Persephone ngay từ đầu đã là tầm nhìn của Melissa. Triết học cho con gái luôn là một phần trong một kế hoạch với cấu trúc lớn hơn nhiều mà cô ấy vẫn luôn vạch ra. Cô ấy là một nhà tư tưởng lớn. Tôi rất vinh dự được tham gia viết sách, nhưng Dự án Persephone, đó là dự án của Melissa. Cô ấy là người có tầm nhìn và cô ấy là người có lòng can đảm, sự quả quyết, động lực và lòng trắc ẩn. Cô ấy đã tạo ra toàn bộ dự án tuyệt vời đó và vẫn luôn có tầm nhìn đó.

Ngay từ khi bắt đầu thảo luận về dự án này, trước khi cô ấy mời tôi tham gia, cô ấy đã biết rằng mình muốn có một chương trình toàn diện hơn, lớn hơn để phụ nữ và các cô gái có thể tìm thấy nhau, có thể tìm thấy triết học, có thể tìm thấy sự hỗ trợ, đồng cảm và cùng nhau phát triển. Tôi không thể tả được tôi tự hào đến mức nào khi được liên kết trực tiếp với dự án đó, bởi vì tôi nghĩ nó có sức mạnh lớn lao và sẽ thay đổi cuộc sống. Những gì Melissa đã và đang làm được với các sinh viên, với những người trẻ là những người đang sử dụng trang web này quả là ấn tượng.

Và tôi chỉ muốn bổ sung nhanh thêm một chút, tức là quay trở lại chuyện tiếp thị cuốn sách. Khi cuốn sách lần đầu tiên ra mắt chúng tôi đã rất phấn khích và chúng tôi cố gắng thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Vì vậy tôi đã dành rất nhiều thời gian để gửi email cho các hiệu sách khác nhau để giới thiệu, đại loại như chúng tôi vừa xuất bản cuốn sách này, bạn có nhận nó không hay bạn có sẵn sàng quảng cáo cho chúng tôi không, v.v.? Chúng tôi chẳng có tên tuổi gì cả, và chúng tôi không nhận được phản hồi nào từ đó.

Nhưng Melissa thậm chí còn chưa biết điều này. Cleveland, Ohio là thành phố lớn gần nơi tôi sống nhất. Và cách đây vài tuần tôi đã ở Cleveland và tôi đã đi đến các hiệu sách ở những khu phố thời thượng và sành điệu. Và theo đúng nghĩa đen, tôi bước vào và nói với người đứng quầy, xin chào, bạn có đảm nhận cả việc mua sách không? Và họ đáp, có. Thế là tôi nói: tôi có cuốn sách này và tôi nghĩ đem nó trưng bày thì trông cũng đẹp đấy, bạn có muốn thử trưng bày nó không? Và họ nói, vâng, thế thì mang cho chúng tôi một ít. Tôi đã giới thiệu được sách theo cách đó đấy. Vì vậy, những bước thành công rất nhỏ đó đã đem đến cho tôi niềm vui. Tôi không thể nói cho bạn biết cảm giác của tôi như thế nào, vâng, cuối cùng sách của chúng tôi cũng sẽ được trưng bày tại địa phương. Như vậy nếu giới thiệu sách qua email không hiệu quả thì tôi mang thẳng nó đến hiệu sách để đặt vấn đề với họ.

Melissa M. Shew: Thật tuyệt vời! Và tôi thực sự muốn nghe kể về việc thiết kế trang bìa cho Triết học cho con gái phiên bản tiếng Việt. Chà, điều đó thật tuyệt vời, nhưng bạn biết đấy, dù sao đi nữa, các hiệu sách không coi triết học là một danh mục, ít nhất là ở đây trong thế giới phương Tây. Chúng không giống như những lá bài tarot, những viên đá quý, những bóng ma và những thứ tương tự. Những thứ đó thật thú vị, nhưng nếu bạn đến khu vực triết học trong một hiệu sách ở đây, thì thường sẽ không có những cuốn sách về tư tưởng hoặc tri thức mà thường là những thứ nhuốm màu kỳ ảo, cái đó cũng tốt thôi nhưng đó không phải là triết học. Đó không phải là nơi bạn sẽ tìm thấy Aristotle, hay Schopenhauer, hay Triết học cho con gái.

Book Hunter – Lê Duy Nam: Cảm ơn hai chị rất nhiều. Melisa, Kim, tôi nghĩ rằng cuộc trò chuyện của chúng ta đã diễn ra rất tốt đẹp và chúng tôi đã có rất nhiều tài liệu thú vị và sâu sắc dành cho Ngày Quốc tế Phụ nữ. Chúng tôi sẽ chuẩn bị và chia sẻ với độc giả Việt Nam và xin chân thành cảm ơn hai chị đã dành hai tiếng rưỡi để trò chuyện cùng chúng tôi.

Kimberly K. Garchar: Thật vinh dự khi được nói chuyện với bạn. Cảm ơn bạn rất nhiều và tôi cảm thấy rất vui.

Melissa M. Shew: Chắc chắn rồi, cảm ơn hai bạn.

Kịch bản: Hà Thủy Nguyên

Thực hiện: Lê Duy Nam

Phạm Minh Hiền gỡ băng, chuyển ngữ và biên soạn

Lê Thúy Ái dựng video & làm phụ đề

Tại sao nghiên cứu khoa học vẫn chủ yếu tập trung vào nam giới

Bất chấp chỉ thị của chính phủ, phụ nữ thường được coi là những người đi sau trong nghiên cứu khoa học. Các ý quan trọng trong bài Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng mặc dù có nhiều phụ nữ tham gia vào các thí nghiệm hơn nhưng dữ liệu cụ thể về giới tính thường không được phân tích. Chỉ khoảng một phần ba các nghiên cứu phân tích người tham gia được công bố theo giới tính. Một số nhà nghiên

Book Hunter

04/03/2023

Để trở thành người phụ nữ đích thực

Trong xã hội Việt Nam hiện nay dường như đã có sự chia phe của hai kiểu mẫu phụ nữ:  kiểu mẫu “người mẹ” và kiểu mẫu “người tình”. Hai phe này thậm chí còn luôn chê trách, dè bỉu lối sống của nhau. Cách phân chia như vậy hình thành từ rất lâu đời, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới, rồi sau đó,  được nhà phân tâm học Carl Jung “chỉ mặt đặt tên” trong các nghiên cứu

Nữ quyền sinh thái: Trong đại dịch covid, cùng ngẫm về Nữ quyền & Thiên nhiên

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách "Khí Hậu - Câu Chuyện Mới" của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.   Gánh trên lưng vai trò chăm sóc và nuôi dưỡng gia đình, người phụ nữ thường là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề khi dịch bệnh, thiên tai, nạn đói xảy ra. Nhưng cũng bởi lẽ đó, phụ nữ đã và đang đóng vai trò tiên phong, hiệu quả trong

“Triết học cho con gái” hay triết học của “cơi đựng trầu”

“Đàn ông nông nổi giếng khơi Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” Cặp ca dao Việt Nam này thường được dùng  để mỉa mai phụ nữ, ý muốn ám chỉ rằng phụ nữ dẫu có sâu sắc đến mấy cũng nông chư chiếc cơi đựng trầu, không thể sánh với đàn ông, dẫu có nông nổi mấy thì cũng có ý nghĩa thâm sâu. Thực ra, cặp ca dao này có thể được hiểu theo một nghĩa khác nếu ta mở rộng tầm

Tình dục có mang tính chính trị không?

Cuốn The Right to Sex (Quyền quan hệ tình dục) của Amia Srinivasan, xuất bản vào tháng 9 năm 2021, khám phá không chỉ câu hỏi về tình dục và tình dục thuộc về ai, mà còn cả sự trỗi dậy và tập đoàn hóa của phong trào nữ quyền hiện đại, cùng các chủ đề khác. Một số lập luận của Srinivasan nghe có vẻ bảo thủ một cách đáng ngạc nhiên, nhưng những lập luận khác vẫn bị sa lầy trong quan điểm