Home Hiểu Nước Mỹ thế kỷ 21 – Kỳ 1: Bước ngoặt 11/9

Nước Mỹ thế kỷ 21 – Kỳ 1: Bước ngoặt 11/9

sự cố 11/9

Các sự kiện xoay quanh ngày 11/9/2001 và phản ứng của Hoa Kỳ đã làm thay đổi tiến trình lịch sử. Vào ngày hôm đó, những kẻ Hồi giáo cực đoan đã giáng một đòn mạnh vào Hoa Kỳ. Trong khi ngài tổng thống và các phụ tá cao cấp của mình còn đang ngủ mơ bên cạnh bảng điều khiển, thì những tên không tặc Al-Qaeda đã lái máy bay đâm vào những biểu tượng hàng đầu của quyền lực đế quốc Mỹ:  Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc. Hơn 2.750 người thiệt mạng ở thành phố New York, bao hồm hơn 500 người nước ngoài từ 91 quốc gia. Cả nước sững sờ chứng kiến cảnh 2 tòa tháp bốc cháy ngùn ngụt rồi vỡ vụn. Còn 125 người khác bỏ mạng ở Lầu Năm Góc. Nhưng những tổn hại ở Mỹ không sánh được với những thương vong mà chính quyền Bush reo rắc sau vụ tấn công tàn ác này của Al-Qaeda.

Tiếp sau đó, Bush đã bỏ qua những yêu cầu điều tra về việc vì sao lại xảy ra một sai lầm to lớn như vậy của tính báo và bộ phận lãnh đạo. Khi áp lực lên quá cao, Bush đã quay sang nhờ Henry Kissinger cho ra một lời thanh minh chính thức. Ngay cả tờ New York Times cũng phải băn khoăn liệu việc lựa chọn Kissinger, một “kẻ tay trong hoàn hảo của Washington,” với “những tình bạn và quan hệ làm ăn cũ” của mình, để đứng đầu ủy ban điều tra, thì chả có thể là gì khác ngoài “một nước cờ khôn ngoan của Nhà Trắng nhằm kiểm soát cuộc điều tra mà họ đã phản đối lâu nay.”5

Kissinger được một nhóm phụ nữ New Jersey đến gặp, họ là góa phụ vì vụ tấn công 11/9. Một người đã hỏi xem ông ta có thân chủ nào tên là bin Laden không. Câu hỏi khiến Kissinger làm đổ cốc cà phê và suýt ngã khỏi ghế. Trong khi những vị khách bổ đi dọn dẹp đống lộn xộn mà ông ta gây ra, thì Kissinger cố đổ lỗi sự vụng về này lên “con mắt hỏng” của mình. Sáng hôm sau, ông ta từ chức khỏi ủy ban điều tra.6

Kissinger được thay thế bởi cựu Thống đốc bang New Jersey Thomas Kean. Ông này cùng với đồng chủ tịch ủy ban là cựu Đại biểu bang Indiana Lee Hamilton đã cho ra một bản báo cáo năm 2004 tha bổng hầu hết các tội lỗi của chính quyền. Trong cuốn sách viết về ủy ban điều tra này, nhà báo Philip Shenon của tờ New York Times cho rằng việc ủy ban đã xử nhẹ những bên có trách nhiệm ở Nhà Trắng  chủ yếu là do có bàn tay giám đốc điều hành ủy ban, Philip Zelikow, dẫn dắt. Ông này là một nhân vật thân cận của Condoleezza Rice và là người được một số thành viên ủy ban cho là “gián điệp của Nhà Trắng.”7 Phóng viên quốc tế của tờ Washington Post Glenn Kessler miêu tả ông ta là “ban tham mưu một thành viên của Rice”—“bạn tâm giao về trí tuệ” của bà ta.8 Không thể chối cãi rằng Rice đã cẩu thả khi bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo trước sự kiện 11/9 về cuộc tấn công sắp xảy ra.

Quân lính giới thiệu với Bush về một loại súng máy hạng nặng vào tháng 7/2002.

Đối với hầu hết người dân Mỹ, sự kiện 11/9 là một tấn thảm kịch; còn với Bush và Cheney, nó là một cơ hội hiếm có để triển khai nghị trình mà các đồng minh tân bảo thủ của họ đã ủ ấp hàng thập kỷ nay. Bản báo cáo gần đây của Dự án cho một Tân Thế kỷ Mỹ có tên “Rebuilding America’s Defenses” (Thiết lập lại Hàng phòng thủ Hoa Kỳ) đã viết rằng “quá trình biến đổi . . . có thể sẽ diễn ra rất lâu dài, nếu không có một sự kiện thảm khốc nào thúc đẩy—tương tự như sự kiện Trân Châu Cảng.”9 Al-Qaeda đã mang đến cho các thành viên PNAC một Trân Châu Cảng như mong đợi. Chỉ vài phút sau vụ tấn công, nhóm của Bush nhảy vào hành động ngay lập tức, chỉ trừ ngài tổng thống đang tạm thời vắng mặt. Phó Tổng thống Cheney và cố vấn pháp lý của ông ta là David Addington nắm quyền chỉ huy. Addington nhanh chóng hợp lực với Timothy Flanigan và John Yoo để lý luận rằng ngài tổng thống, với vai trò tổng chỉ huy trong thời chiến, có thể hành động vượt qua mọi rào cản pháp lý.10 Dựa vào lý lẽ đó, Bush nhanh chóng trao thêm rất nhiều quyền cho bên hành pháp trong khi cắt giảm các quyền tự do dân sự. Ông ta tuyên bố: “Kệ cho các luật sư quốc tế nói gì thì nói, chúng ta sẽ tẩn cho bọn kia nhừ đòn.”11

Bush và những thành viên PNAC trong chính quyền của ông ta biết rất rõ mình muốn tẩn cho ai nhừ đòn. Vào ngày 12/9, bỏ qua Al-Qaeda với Osama bin Laden và các đối tác Taliban của hắn ở Afghanistan, Bush ra lệnh cho trưởng ban chống khủng bố: “Ông hãy xem có phải Saddam đã làm vậy không. Xem xem hắn ta có dính líu gì đến vụ này không.” Ngạc nhiên, Clarke trả lời: “Nhưng thưa ngài Tổng thống, al Qaeda đã gây ra vụ này.” Bush vẫn tiếp tục ngoan cố. Miêu tả cuộc gặp này, Clarke cho hay khi Bush đi khỏi, trợ lý của Clarke là Lisa Gordon-Haggerty “đã trố mắt, miệng mở to, nhìn ông ta.” Cô ấy nói: “Wolfowitz đã tóm gáy được ông ấy rồi”.12

diagram
Đống đổ nát của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York 2 ngày sau các vụ tấn công của Al-Qaeda hôm 11/9/2001.

Thứ trưởng Bộ quốc phòng Paul Wolfowitz đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Sếp của ông ta, Donald Rumsfeld, đã kịp ra lệnh cho quân đội lên kế hoạch tấn công Iraq. “Lên kế hoạch lớn vào,” ông ta ra lệnh. “Quét sạch hết đi. Những thứ liên quan hay không cũng quét sạch cả đi.”13 Clarke tưởng là Rumsfled đang đùa khi ông ta nói rằng Iraq là mục tiêu tốt hơn cả Afghanistan. Nhưng Rumsfled đã không nói đùa. Vào sáng ngày 12/9, Giám đốc CIA George Tenet bắt gặp Richard Perle khi ông này đang rời Cánh Tây của Nhà Trắng. Perle tuyên bố: “Iraq phải trả giá một phần cho những gì đã xảy ra hôm qua. Họ cũng phải chịu trách nhiệm.”14 Vào ngày 13/9, Wolfowitz công bố rằng đòn đáp trả các cuộc tấn công ngày 11/9 sẽ giáng lên không chỉ Afghanistan mà còn cả “những quốc gia hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố.”15

Chiều hôm đó, khi Rumsfeld nói về việc mở rộng chiến dịch ra để “tóm Iraq,” Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell nhấn mạnh rằng họ nên tập trung vào Al-Qaeda. Clarke cảm ơn ông ta và bày tỏ sự ngạc nhiên về nỗi ám ảnh với Iraq: “Bị al Qaeda tấn công mà giờ chúng ta lại đi ném bom Iraq để trả đũa thì chả khác nào đi xâm lược Mexico sau khi Nhật Bản tấn công chúng ta ở Trân Châu Cảng cả.” Biết mình đang phải đối phó với ai, Powell chỉ còn nước lắc đầu mà nói: “Mọi việc chưa kết thúc đâu.”16

diagram
Dưới tấm hình Ike, Paul Wolfowitz nói chuyện với Donald Rumsfeld, Colin Powell, và Scooter Libby trong một buổi họp tại Phòng Nội các vào ngày 12/9/2001.

Powell đã nói đúng. Các nhân vật tân bảo thủ nhanh chóng từ bỏ lá ngụy trang về việc Iraq có liên quan đến vụ 11/9. Vào ngày 20/9, nhóm PNAC viết thư cho Bush nói rằng “ngay cả khi không có chứng cứ nào về việc Iraq có liên quan trực tiếp tới vụ tấn công thì bất cứ kế hoạch nào với mục đích triệt tiêu chủ nghĩa khủng bố và những người hậu thuẫn nó cũng phải cố tước quyền lực của Saddam ở Iraq.”17 Số báo ra ngày 15/10 của tạp chí Weekly Standard của William Kristol đăng trên trang bìa tiêu đề “The Case for American Empire” (tạm dịch: Ví dụ về Đế quốc Hoa Kỳ), trong đó Max Boot đổ lỗi vụ tấn công ngày 11/9 cho việc Hoa Kỳ đã chưa đủ mạnh tay áp đặt ý muốn của mình cho thế giới. Boot biết cách sửa chữa sai lầm đó như thế nào: “Việc tranh luận xem Saddam Hussein có dính líu tới các vụ tấn công ngày 11/9 không là hoàn toàn vô lý. Ai thèm quan tâm đến việc Saddam có nhúng tay vào mỗi vụ việc rã man này đâu?”18

Bị Al-Qaeda ở Afghanistan tấn công, Hoa Kỳ chuẩn bị đánh trả Iraq, nơi có nhà cầm quyền Saddam Hussein là kẻ thù không đội trời chung của cả Al-Qaeda và chế độ bài Mỹ ở Iran. Clarke thú nhận: “Lúc đầu tôi còn hoài nghi việc chúng ta bàn về việc gì đó khác ngoài việc tóm cho được al Qaeda. Nhưng rồi tôi đau đớn nhận ra rằng Rumsfeld và Wolfowitz đang lợi dụng tấm thảm kịch này của quốc gia để thúc đẩy kế hoạch của họ với Iraq.”19

Clarke đã đánh giá thấp Bush, Cheney, Rumsfeld, và Wolfowitz. Kế hoạch của họ còn đi xa hơn cả Iraq. Từ trên đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới, Bush tuyên bố: “Trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử đã rõ ràng. Đó là phải đáp lại những cuộc tấn công này và diệt trừ cái ác ra khỏi thế giới.”20

Cheney xuất hiện trong chương trình Meet the Press và cho biết: “Nhưng phần nào chúng ta cũng phải ra tay từ trong bóng tối . . . Chúng ta phải dành thời gian ở trong bóng tối của thế giới tình báo. Để thành công thì chúng ta phải thực hiện nhiều việc cần làm một cách lặng lẽ, không bàn cãi, và sử dụng những nguồn lực và cách thức mà các cơ quan tình báo của chúng ta đã có sẵn. Đó là cách mà những kẻ này đang làm, do đó căn bản là chúng ta nhất thiết phải sử dụng tất cả những biện pháp có thể để đạt được mục tiêu của mình.”21

Chính phủ đã rời vào trong “bóng tối” một cách sốt sắng. Ngày hôm sau, Bush phê chuẩn cho CIA được lập nên các trại giam bên ngoài Hoa Kỳ, nơi sẽ sử dụng tra tấn và các kỹ thuật hỏi cung khắc nghiệt khác. Bốn ngày sau, sau một phiên họp chung của Quốc hội, Bush tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu một cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu—mở rộng ra “bất cứ quốc gia nào vẫn đang chứa chấp hay hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố.”22 Với chính sách dẫn độ đặc biệt, CIA bắt đầu bắt bớ những nghi phạm mà không theo một thủ tục pháp lý nào, và tống họ lên máy bay bay đến những “địa điểm đen” bí mật trên khắp thế giới.

CIA đã xin và nhận được giấy phép của tổng thống để săn lùng, bắt  giữ và giết hại các thành viên Al-Qaeda và các kẻ khủng bố khác ở bất cứ đâu trên thế giới. Vào tháng 10, một viên chức cao cấp nói cho Bob Woodward của tờ Washington Post rằng tổng thống đã ra lệnh cho CIA “thực hiện chiến dịch ngầm tàn khốc và chết chóc nhất kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1947.” “Họ sẽ mạnh tay đấy,” viên chức này nói. “Tổng thống đã bật đèn xanh cho cơ quan này để làm bất cứ điều gì cần làm. Những chiến dịch chết chóc không ai nghĩ tới trước vụ 11/9 thì giờ đây đang được triển khai.” Cheney chỉ ra một thay đổi quan trọng khác. “Lần này khác với Chiến tranh vùng Vịnh,” ông ta nói với Woodward, “với cái nghĩa là nó có thể sẽ không bao giờ kết thúc. Ít nhất là sẽ không kết thúc trong thời chúng ta.”23

Thực tế là nhiều thứ không ai nghĩ tới trước 11/9 giờ cũng đang xảy ra. Trước hết là Nhà Trắng bắt đầu chiếm lấy quyền lực nhiều chưa từng có, những quyền hạn có khả năng đe dọa trật tự hiến pháp Hoa Kỳ. Để làm được việc này, Bush lợi dụng không khí sợ hãi và bất chắc sau sự kiện 11/9. Những ngày sau hôm 11/9, chính quyền bắt giữ và giam cầm 1.200 người đàn ông ở Mỹ, hầu hết là người Hồi giáo hay có nguồn gốc Trung Đông hoặc Nam Á. Tám nghìn người khác bị bắt để hỏi cung. Thượng nghị sĩ bang Wisconsin Russ Feingold đòi phải cho dừng những hành động điều tra hồ sơ cá nhân. Ông ta cảnh báo: “Đây là thời kỳ đen tối đối với quyền tự do dân sự ở Mỹ.” “Những gì tôi được nghe từ những người Mỹ Hồi giáo, gốc Ả Rập, Nam Á và những người khác cho thấy một không khí sợ hãi đối với chính chủ chưa từng thấy từ trước tới nay.”24

Bush nhanh chóng thúc đẩy Quốc hội thông qua Đạo luật YÊU NƯỚC của Mỹ (USA PATRIOT Act). Bản thảo trình Thượng viện được đem ra bỏ phiếu ngay mà không có sự bàn bạc, tranh cãi hay giải trình nào cả. Trong không khí khủng hoảng này, chỉ có Feingold là dám bỏ phiếu không tán thành và cho rằng: “Điều . . . cốt yếu là chúng ta phải đảm bảo được quyền tự do dân sự của đất nước, nếu không tôi e rằng sự khủng bố sẽ thắng trong trận chiến này mà không cần nổ một phát súng nào.” Đạo luật này được Hạ viện thông qua với tỷ lệ bầu 337–79,25 và Bush phê chuẩn thành luật vào ngày 26/10/2001. Đạo luật YÊU NƯỚC mở rộng quyền giám sát và điều tra của chính phủ. Năm 2002, Bush cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia thực hiện các cuộc nghe lén mà không có trát của tòa, vi phạm các điều khoản pháp lý của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA – Foreign Intelligence Surveillance Act) và theo dõi thư điện tử của công dân Mỹ.26

Nhằm thuyết phục dân Mỹ chấp nhận những hình thức xâm phạm quyền riêng tư và tự do dân sự một cách trắng trợn này, chính phủ đã dồn dập nã vào quần chúng những báo động liên hồi, tăng cường an ninh, cũng như sử dụng một hệ thống cảnh báo 5 tầng được mã hóa màu. Hệ thống cảnh báo này thay đổi tín hiệu tùy vào nguy cơ tấn công khủng bố mỗi ngày. Rõ ràng là Rumsfled và Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft đã thao túng hệ thống này, khiến cho bộ trưởng an ninh nội địa của Bush là Tom Ridge cảm thấy cần phải từ chức sau một đợt báo động lỗi.27 Chính quyền còn bắt đầu xác định các điểm nhạy cảm, và lên danh sách 160 địa điểm có thể là mục tiêu của khủng bố. Tới cuối năm 2003, con số này đã lên đến 1.849. Một năm sau đó, con số này là 28.360. Nó nhảy vọt lên 78.000 vào năm 2005 và 300.000 vào năm 2007. Ngay cả những nơi chính giữa nước Mỹ cũng không được miễn nhiễm. Điều đáng ngạc nhiên là Indiana dẫn đầu trong các bang với số địa điểm có thể thành mục tiêu là 8.591, gấp gần 3 lần bang California. Danh sách này còn bao gồm những địa điểm như sở thú, cửa hàng bánh ngọt, xe bán bỏng dạo, cửa hàng bán kem, và cả lễ diễu hành Mule Day ở Columbia, Tennessee.28

Bush chỉ rõ ra rằng đây là một kiểu chiến tranh mới—một cuộc chiến không phải chống lại một quốc gia hay một lý tưởng nào mà là chống lại một chiến thuật: khủng bố. Như Đại sứ đã nghỉ hưu Ronald Spiers nhận xét, việc đặt cuộc chiến tranh trong khung cảnh như vậy là có ý đồ và rất nguy hiểm. Ông ta viết vào năm 2004 rằng việc sử dụng hình ảnh “chiến tranh” là “không chính sác và có ý đồ vì nó khiến người ta nghĩ rằng sẽ có điểm dừng với bên thắng và bên thua. . . . Một ‘cuộc chiến chống khủng bố’ là một cuộc chiến không có hồi kết, không có chiến thuật rút lui, với kẻ thù được xác định không phải qua vũ khí mà qua chiến thuật. . . Ngài Tổng thống thấy rằng ‘cuộc chiến’ này có thể được dùng làm lý do giải thích cho mọi hành động mà ông ta muốn hay không muốn tiến hành. . . . Nó làm ta liên tưởng đến cuộc chiến mơ hồ và bất tận của Anh Lớn (Big Brother) trong tác phẩm 1984 của Orwell.”29

Đây cũng là một kiểu chiến tranh mới với nghĩa là nó không đòi hỏi bất cứ sự hi sinh nào từ phần lớn dân Mỹ. Việc chiến đấu sẽ rơi vào đầu một đội quân tình nguyện được tuyển chủ yếu từ tầng lớp thấp trong xã họi. Và cái giá của nó sẽ do các thế hệ tương lai trả.

Trong khi vào đầu Thế chiến thứ 2, Franklin Roosevelt đã từng cảnh báo: “Chiến tranh tiêu ngốn tiền của. . . Điều đó có nghĩa là thuế má và chứng khoán, rồi chứng khoán và thuế má. Nó có nghĩa là phải chúng ta phải từ bỏ những thứ xa xỉ và không cần thiết.”30 Bush thì lại nhìn nó dưới con mắt khác. Ông ta giảm thuế cho người giàu và bảo dân chúng Mỹ đi thăm “những thắng cảnh nổi tiếng của Mỹ . . . và tận hưởng cuộc sống như chúng ta hằng mong muốn.”31 Bình luận viên Frank Rich của tờ New York Times đã miêu tả thành công sự hư ảo này như sau: “Không ai bắt chúng ta phải trả tiền cho việc bảo đảm an ninh cho hàng không hay chống nhiễm độc sinh học cả. Chúng ta cũng không phải cắt giảm việc chạy xăng để không còn phụ thuộc vào dầu mỏ từ Ả-rập Xê-út, nơi có mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là những tên khủng bố. Thay vào đó, chúng ta được khuyên là nên đi mua sắm, đi xem biểu diễn, đi chơi ở Disneyland.”32

Bush đề nghị người dân Mỹ đưa ra một lựa chọn khó khăn: đi thăm Disney World hay Disneyland. Ông ta đưa cho nhóm Taliban của Afghanistan một lựa chọn khác: đem nộp những lãnh đạo Al-Qaeda hoặc là bị ném bom cho đến khi nước này quay lại thời tiền sử, mà thực tế thì Afghanistan cũng chưa thoát khỏi thời kỳ này là bao. Tamim Ansary, một người Afghanistan sống ở Hoa Kỳ trong suốt 35 năm và cũng là một kẻ thù của bin Laden và Taliban, đã viết: “Ném bom cho Afghanistan quay lại thời tiền sử ư . . . điều đó đã được thực hiện rồi đó thôi. Liên Xô đã làm xong việc đó rồi. Làm cho những người Afghanistan phải khổ sở ư? Họ đã khổ lắm rồi. San bằng nhà cửa của họ ư? Đã xong. Biến các trường học thành những đống hoang tàn ư? Đã xong. Xóa sạch các bệnh viện ư? Đã xong. Phá hỏng cơ sở hạ tầng ư? Lấy đi của họ hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ư? Đã quá muộn. Những việc đó đã có người khác làm xong rồi. Những trái bom mới sẽ chỉ làm xới tung lên những đống đổ nát cũ mà thôi. Ít nhất thì họ cũng sẽ tóm được nhóm Taliban chứ? Không hẳn vậy.”33

Những người chỉ trích việc vội đi gây chiến chỉ ra rằng trong số 19 tên không tặc không có ai là người Afghanistan cả. Mười lăm kẻ là người Saudi, 1 người Lebanon, 1 người Ai Cập, và 2 người từ các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Bọn chúng đã sống ở Hamburg và được huấn luyện học lái máy bay chủ yếu tại Hoa Kỳ.

Vào ngày 7/10/2001, chưa đầy 1 tháng sau các vụ tấn công khủng bố, Hoa Kỳ và đồng minh đã tiến hành Chiến dịch Tự do Vĩnh cửu (Operation Enduring Freedom). Các lãnh đạo của Taliban nhanh chóng hiểu ra lời nhắn và vội vàng xin thương lượng. Vào ngày 15/10, bộ trưởng ngoại giao Taliban Wakil Ahmed Muttawakil, người mà Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad cho là nhân vật rất thân cận của thủ lĩnh Taliban Mullah Muhammad Omar, xin được nộp bin Laden cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để xử tội. Chứng cứ cho thấy Omar đã cố gắng kiềm chế bin Laden một thời gian, và còn cho thấy mối quan hệ giữa những người Afghanistan và Al-Qaeda đã sứt mẻ. Các đại diện của Mỹ thực tế đã có hơn 20 cuộc họp với quan chức Taliban trong 3 năm trước đó để bàn về việc đưa bin Laden ra xét xử. Các quan chức Mỹ kết luận là Taliban đang tìm cách trì hoãn. Milton Bearden đã không nhất trí với ý kiến này mà cho rằng lỗi là do Mỹ đã chậm hiểu và không linh hoạt. Ông này từng giữ chức cục trưởng CIA và đã chỉ huy cuộc chiến tranh bí mật ở Afghanistan trong những năm 80 từ căn cứ của mình ở Pakistan. Ông ta nói với tờ Washington Post: “Chúng ta chẳng chịu lắng nghe những gì họ muốn nói cả. Hai bên đã không tìm được ngôn ngữ chung. Chúng ta thì nói ‘hãy giao nộp bin Laden.’ Còn họ thì nói ‘hãy làm gì giúp để chúng tôi có thể giao nộp hắn.’” Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan chức của Đại sứ quán đã họp với trưởng bộ phận an ninh của Taliban ngay tận tháng 8/2001. “Tôi đã không tin rằng họ có ý định giao nộp hắn,” Bearden đã nói vào tháng 10/2001. Nhưng Hoa Kỳ đã không đưa ra các biện pháp cần thiết để giúp Taliban giữ thể diện.34

Các loại vũ khí tối tân của Rumsfeld đã thành công trong việc cắt giảm thương vong đáng kể cho phía Mỹ, nhưng việc vắng bóng quân Mỹ ở nơi đây đã cho phép bin Laden, Omar và nhiều người ủng hộ trốn thoát khi Hoa Kỳ đang nắm giữ họ ở Tora Bora vào tháng 12/2001. Người dân Afghanistan thì không được may mắn như vậy, họ đã phải chịu nhiều thương vong. Giáo sư Marc Herold của Đại học New Hampshire ước tính là có hơn 4000 người thiệt mạng—nhiều hơn tổng số người bị thiệt mạng ở Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc cộng lại.35 Và có lẽ đã có hơn 5 lần con số đó đã chết vì bệnh tật và đói ăn trong những tháng tiếp theo.

     Mặc dù Bush nhanh chóng mất hứng thú với Afghanistan và quay sang quan tâm tới Iraq, cuộc chiến tranh này kéo dài cho tới hết nhiệm kỳ tổng thống của ông ta. Hamid Karzai đã cai quản qua những lãnh chúa tàn bạo và nhóm tay chân tham nhũng, chúng biến Afghanistan thành nơi sản xuất nhiều thuốc phiện nhất trên thế giới. Tới năm 2004, Afghanistan cung cấp 87% lượng thuốc phiện trên thế giới.36 Năm 2009, nước này chỉ đứng sau Somali trong chỉ số tham nhũng trên toàn cầu.37 Không chịu nổi sự tham nhũng và mệt mỏi vì chiến tranh, nhiều người Afghanistan đã đón chào Taliban trở lại, cho dù trước đó họ đã từng căm ghét các chính sách đàn áp của Taliban.

Trích Chương 14: Sự cố mang tên Bush-Cheney, Nước Mỹ chuyện chưa kể, NXB Đà Nẵng, 2020

Tác giả: Oliver Stone và Peter Kuznick

Phương Anh dịch

https://thebookhunter.org/portfolio-item/nuoc-my-chuyen-chua-ke/

Ghi chú: (chú thích từ 1-4 không được trích ra tại đây)

5   “The Kissinger Commission,” New York Times, ngày 29/11/2002.

6   Philip Shenon, The Commission: The Uncensored History of the 9/11 Investigation (New York: Twelve, 2008), 9–14.

7   Ibid., 39, 107, 324.

8   Glenn Kessler, “Close Adviser to Rice Plans to Resign,” Washington Post, ngày 28/11/2006.

9   “Rebuilding America’s Defenses: Strategy, Forces, and Resources for a New Century,” Project for the New American Century, tháng 9/2000, www.newamericancentury.org/RebuildingAmericasDefenses.pdf, 51.

10  David Cole, “What Bush Wants to Hear,” New York Review of Books, ngày 17/11/2005, www.nybooks.com/articles/archives/2005/nov/17/what-bush-wants-to-hear/; Chitra Ragavan, “Cheney’s Guy,” U.S. News & World Report, ngày 21/5/2006, www.usnews.com/usnews/news/articles/060529/29addington.htm.

11  Joseba Zulaika, Terrorism: The Self-Fulfilling Prophecy (Chicago: University of Chicago Press, 2009), 214.

12  Richard A. Clarke, Against All Enemies: Inside America’s War on Terror (New York: Simon & Schuster, 2004), 32.

13  Paul Krugman, “Osama, Saddam and the Ports,” New York Times, ngày 24/2/2006.

14  George Tenet, At the Center of the Storm: My Years at the CIA (New York: HarperCollins, 2007), xix.

15  Elisabeth Bumiller và Jane Perlez, “Bush and Top Aides Proclaim Policy of ‘Ending’ States That Back Terror,” New York Times, ngày 14/9/2001.

16  Clarke, Against All Enemies, 30–31.

17  Michael Cooper và Marc Santora, “Mideast Hawks Help to Develop Giuliani Policy,” New York Times, ngày 25/10/ 2007.

18  Max Boot, “The Case for American Empire,” Weekly Standard, ngày 15/10/2001, 30.

19  Clarke, Against All Enemies, 30.

20  Robert D. McFadden, “A Day of Mourning,” New York Times, ngày 15/9/2001.

21  “Vice President Dick Cheney Discusses the Attack on America and Response to Terrorism,” Bản sao chương trình “Meet the Press” của NBC News, ngày 16/9/2001.

22  “Transcript of President Bush’s Address,” Washington Post, ngày 21/9/2001.

23  Bob Woodward, “CIA Told to Do ‘Whatever Necessary’ to Kill Bin Laden,” Washington Post, ngày 21/9/2001.

24  Ruth Rosen, “Could It Happen Again?,” San Francisco Chronicle, ngày 12/5/2003.

25  Robin Toner, “Not So Fast, Senator Says, as Others Smooth Way for Terror Bill,” New York Times, ngày 10/10/2001.

26  Vào năm 1975, Thượng nghị sĩ Frank Church đã từng cảnh báo về những nguy cơ do sự giám sát của NSA dù còn khá hạn hẹp thời bấy giờ: “Khả năng đó có thể quay lại kiểm soát người dân Mỹ bất cứ lúc nào, và không còn ai ở Mỹ có thể có được quyền riêng tư nữa. Đó là khả năng kiểm soát mọi thứ: các cuộc trò chuyện trên điện thoại, điện báo, gì cũng vậy. Sẽ không còn chỗ để trốn thoát. . . . Tôi đã thấy được khả năng này có thể trở thành sự chuyên chế hoàn toàn như thế nào ở Mỹ, và chúng ta cần phải đảm bảo rằng cơ quan này [NSA] cũng như mọi cơ quan khác nắm trong tay công nghệ đó phải nằm trong sự kiểm soát phù hợp của luật pháp.” Marjorie Cohn, Cowboy Republic: Six Ways the Bush Gang Has Defied the Law (Sausalito, CA: PoliPointPress, 2007), 100–101.

27  Hệ thống cảnh báo dễ dàng trở thành mục tiêu của tranh phiếm họa. Conan O’Brien đã nói đùa: “Màu Sâm panh-hồng tím có nghĩa là ta đang bị Martha Stewart tấn công.” Jay Leno thì châm biếm rằng: “Họ cho thêm cả sọc vuông đề phòng trường hợp ta bị Scotland tấn công.” John Schwartz, “U.S. to Drop Color-Coded Terror Alerts,” New York Times, ngày 5/11/2010.

28  Eric Lipton, “Come One, Come All, Join the Terror Target List,” New York Times, ngày 12/7/2006; Zbigniew Brzezinski, “Terrorized by ‘War on Terror,’ ” Washington Post, ngày 25/3/2007.

29  Katrina vanden Heuvel, “With Osama bin Laden Dead, It’s Time to End the ‘War on Terror,’ ” The Nation Blogs, ngày 2/5/2011, www.thenation.com/blog/160310/osama-bin-laden-dead-its-time-end-war-terror.

30  H. W. Brands, Traitor to His Class: The Privileged Life and Radical Presidency of Franklin Delano Roosevelt (New York: Random House, 2008), 650.

31  George W. Bush, Public Papers of the Presidents of the United States, George W. Bush, 2001, Book 2, ngày 1/7 đến ngày 31/12/2001 (Washington, DC: U.S. Government Printing Office, 2004), 1172.

32  Frank Rich, “Journal: War Is Heck,” New York Times, ngày 10/11/2001.

33  Tamim Ansary, West of Kabul, East of New York: An Afghan American Story (New York: Picador, 2003), 291.

34  David B. Ottaway và Joe Stephens, “Diplomats Met with Taliban on Bin Laden,” Washington Post, ngày 9/10/2001; Gareth Porter, “U.S. Refusal of 2001 Taliban Offer Gave bin Laden a Free Pass,” ngày 3/5/2011, http://ipsnews.net/news.asp?idnews=55476; Gareth Porter, “Taliban Regime Pressed bin Laden on Anti-U.S. Terror,” ngày 11/2/2001, http://ipsnews.net/news.asp?idnews=50300.

35  Karen DeYoung, “More Bombing Casualties Alleged,’ ” Washington Post, ngày 4/1/2002.

36  Stephen Kinzer, Overthrow: America’s Century of Regime Change from Hawaii to Iraq (New York: Times Books, 2006), 310.

37  Transparency International, Corruption Perceptions Index 2009, www.transparency.org/policy_research/surveys_indices/cpi/2009/cpi_2009_table.

Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (1): Chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng

Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick Chúng ta thường hình dung về nước Mỹ như một quốc gia lý tưởng mà ở đó chính quyền phải tôn trọng các quyền tự do dân sự. Không ít người quan tâm tới tình hình thế giới đều đặt kỳ vọng rằng tổng thống Mỹ, chính quyền Mỹ sẽ mang lại tự do, dân chủ không phải chỉ cho người dân Mỹ mà còn cho cả thế giới. Niềm

Lời nhắn Giáng sinh 2020 – Chuck Searcy

Xin chào bạn hữu, gia đình, đồng nghiệp và những người quen biết có cùng liên kết với Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh trước đây, và cả những bạn trẻ mà tôi mới kết bạn gần đây. Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của tôi và nhiều người bạn Mỹ khác. Năm 2020 đang dần khép lại và tại Project Renew, các nhân viên Việt Nam luôn tận dụng những ngày nghỉ lễ này để có

Chuck Searcy

21/12/2020

Watchmen – Sự xung đột của các nhận thức thế giới

“Watchmen” (2009) là bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất trong chùm chủ đề “hot” của truyện tranh và phim ảnh Holywood từ năm 1960 đến nay: siêu anh hùng cứu thế giới. “Watchmen” được chuyển thể từ bộ truyện tranh 12 tập do Alan Moore sáng tác. Bối cảnh xã hội trong “Watchmen” rất đặc biệt bởi vì nó phản ánh thực trạng chính trị của nước Mỹ sau thất bại của chiến tranh Việt Nam.  Nhưng tôi sẽ không bàn về thực

Oliver Stone trước thềm LHP Jerusalem: Thế giới chỉ còn lại sắc thái xám xịt.

Với hàng tá bộ phim đình đám, Stone là một trong những đạo diễn huyền thoại nhất với nhiều suy tư ở Hollywood. Trong một cuộc phỏng vấn với Israel Hayom, ông thảo luận về bộ phim tài liệu mới về năng lượng hạt nhân và tiềm năng của nó trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như quan điểm về Netanyahu, Putin và những nhận xét gây tranh cãi của ông về người Do Thái. Oliver Stone đã trễ hẹn. Đã

Nguyen Water

22/10/2023

Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (2): Tổ hợp công nghiệp quân sự

Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick https://bookhunter.vn/nhung-quyen-luc-ngam-chi-phoi-chinh-tri-my-1-chu-nghia-nuoc-my-xuat-chung/ Ngay từ khi ở vị trí trung lập trong Thế chiến I, nước Mỹ đã chọn đứng ngoài và buôn vũ khí cho cả hai phe. Nhưng hơn cả thế, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu vũ khí riêng, đặc biệt đầu tư vào vũ khí hóa học. Năm 1918, Mỹ khởi động chương trình nghiên cứu chiến tranh hóa học và tập trung tại cơ sở Lực lượng